111. LÃO BÁN ĐÓ ĐẤT HƯNG YÊN.
Tuần trước tôi có hai chuyến đi săn ảnh, chuyến đầu đi vùng Hà Giang và Cao Bằng, vào cả hang Pắc Bó xem mặt mũi nó ra sao. Chuyến sau đi xuống Pù Luông (Thanh Hóa), rồi lái ngược lên Bắc Sơn (Lạng Sơn). Giữa hai chuyến là mấy ngày trống chưa biết làm gì thì có bạn rủ đi Hưng Yên gặp một nhân vật có cái tên rất giang hồ là Lương Sơn Bạc. Tôi nhận lời ngay. Ông ta chỉ là một ông già 80 tuổi làm nghề đan đó (một dụng cụ bắt cá), vậy mà dân nhiếp ảnh suốt từ bắc tới nam ai cũng biết tới. Một ông già với cái xe đạp thồ cũ kỹ chở đủ loại đó lớn nhỏ cao gấp rưỡi đầu người. <!>
Ở tuổi 80 giữ cho xe đạp với ngần ấy cái đó không đổ đã là gay go, vậy mà ông đạp hơn 60 cây số lên tận Hà Nội. Ông ta nói chuyện có vẻ là người đã từng trải, lăn lóc nhiều, rất xứng với cái tên. Ông cho biết người bạn thân nhất bây giờ là con gà trống Đông Tảo, một loại gà hiếm quí để tiến vua ngày xưa mà có người muốn mua với giá 5 triệu đồng (hơn 200 đô-la) nhưng ông không bán. Ông loay hoay làm việc liền tay, chỉ thỉnh thoảng mới ngừng để rít một hơi điếu cầy, ngửa mặt nhả khói, mắt lim rim… Ông đang nghĩ tới người vợ vừa mới mất chăng? VCH
112. BÀ GIÀ NGƯỜI DAO ĐỎ TẠI CHỢ ĐÊM SAPA
Ở miền Bắc, sau Vịnh Hạ Long thì Sapa là nơi thu hút du khách nhiều hơn cả. Không chỉ ban ngày mà Sapa còn đẹp cả về ban đêm với ánh sáng đèn vàng mờ ảo trong sương ở khu trung tâm. Nhưng tới Sapa cốt để ghé chợ tình thì sẽ thất vọng vì đó chỉ là câu chuyện của quá khứ còn sót lại qua sách báo. Nhưng mọi người có thể đi dạo chợ đêm Sapa gần nhà thờ đá, họp vào mỗi tối thứ bảy. Đây là nơi tụ tập của người H’Mông, Dao bán các sản phẩm thủ công như hàng thổ cẩm, khèn, sáo, đồ trang sức,… Tôi vác máy đi một vòng xem có thể bấm được tấm nào không.
Hình ảnh thú vị nhất là một bà già người Dao Đỏ với cái đèn pin trên trán (người Dao còn có tên là Mán và hơn chục tên khác nữa, Đỏ là do màu khăn của họ). Bà ta không bỏ phí thời giờ chỉ ngồi đó mời khách mua hàng mà vẫn đan thêu những món hàng mới. Ban ngày ắt hẳn bà ta còn nhiều công việc khác phải làm như ra đồng, nấu rượu ngô, kiếm củi, dệt vải…Tôi đã phải loay hoay một lúc mới chụp được tấm ảnh tương đối rõ nét dưới cái ánh sáng ngọn đèn pin trên trán của bà. Dù sao tấm ảnh cũng đã được thử gửi đi dự thi nhiếp ảnh quốc tế vài lần và chưa bao giờ bị loại. Đi dự thi ảnh mà bị loại từ vòng đầu thì các bạn chơi ảnh trong nước thường gọi đùa là “không được vào gửi xe”. Bà già người Dao Đỏ này đã “được gửi xe” và đi tuốt luốt vào các vòng trong. ☺ VCH
Bà Già Người Dao Đỏ Tại Chợ Đêm Sapa
113. MẤT HƯỚNG.
Thung lũng Tử Thần (Death Valley) là một sa mạc nằm phía đông California, sát biên giới Nevada. Nơi đây là vùng đất của những thái cực: nóng nhất (134ºF - 56.7ºC), khô hạn nhất (dưới 2 inches - 5cm nước mưa/năm), thấp nhất (282ft - 86m dưới mực nước biển).
Chúng tôi thường vào đây săn ảnh khoảng cuối đông cho mát mẻ. Qua tháng 4 thời tiết nóng dần và đến mùa hè thì vỏ bánh xe có thể bị tróc ra với nhiệt độ sát mặt đất khoảng 94ºC. Các vỏ xe này thường thấy nằm rải rác bên vệ đường. Càng tiến sâu vào bên trong thì các đồi cát càng ít vết chân người và càng đẹp. Nhưng nếu quá mê mải với cảnh hùng vĩ của thiên nhiên mà quên định hướng thì có lúc sẽ giật mình vì không biết phải đi hướng nào để về bãi đậu xe. Đó là chuyện trong sa mạc, còn trên đường đời mà không biết mình muốn đi đâu thì sao nhỉ? VCH
Mất Hướng
114. DI SẢN NGÀN NĂM
Sau khi đã viếng chùa Tây Phương và Chùa Hương chụp dăm tấm ảnh, tôi không thể bỏ sót Chùa Thầy. Đó là ba ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Hà Nội. Chùa Thầy được xây dựng từ thời nhà Đinh. Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Sau này vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (Thiên Phúc Tự). Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa và bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, ngay trước chùa là một hồ rộng mang tên Long Trì (ao Rồng), được dùng để trình diễn múa rối nước vào các ngày lễ hội. Giữa ao là thủy đình, một đình nhỏ so với kích thước của chùa chính nhưng rất đẹp và được xem như biểu tượng của Chùa Thầy. Tấm ảnh tôi gửi kèm theo đây chính là thủy đình. Ngồi ngắm thủy đình và ngẫm nghĩ, chùa Thầy đã được xây dựng từ hàng ngàn năm, vậy mà vẫn còn tồn tại cho đến nay trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Tổ tiên mình thực đáng ngưỡng mộ biết bao. VCH
Di Sản Ngàn Năm
115. BIỂN, HẢI ÂU VÀ EM
Vào một dịp hè tôi bay từ Cali sang Florida cùng ba người bạn nữa lái xe một vòng Florida chụp đủ loại chim: cò, ó, vẹt, hồng hạc… Khi tới một bãi biển chờ mặt trời lặn để chụp cảnh hoàng hôn thì thấy bầy hải âu bay lượn. Cô bạn đi cùng có vẻ thích thú chơi đùa với bầy chim này. Cảnh một phụ nữ váy dài trắng đùa giỡn với bầy chim biển và hậu cảnh là mây hoàng hôn thì khó có thể không bấm máy. Tiếng chim kêu ríu rít và màu sắc của trời chiều mỗi lúc mỗi rực rỡ thêm tạo thành một khung cảnh tuyệt vời. Những mệt mỏi sau một ngày lái xe săn ảnh vụt tan biến trong gió biển. VCH
Biển, Hải Âu và Em
116. ĐÊM HỘI AN
Hội An nằm cách Đà Nẵng 28km về phía nam. Nơi đây có nhiều khu phố cổ được xây từ thế kỷ 16 và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Trong các tài liệu cổ của phương Tây, Hội An được gọi Faifo. Phố Cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1999. Biểu tượng của Hội An là Chùa Cầu, còn được gọi là chùa Nhật vì từng do các thương gia Nhật xây cất. Ngoài Chùa Cầu, Hội An còn có nhiều nhà cổ, chùa cổ cũng thu hút du khách không ít. Nếu có thể chọn lựa thì nên đến thăm Hội An vào dịp rằm âm lịch. Vào dịp này đèn đường thành phố sẽ được tắt hết, thay bằng đèn lồng với đủ kiểu, đủ màu. Các tiệm bán đèn lồng dọc bên đường cũng làm thành phố thêm rực rỡ. Đi qua một gian hàng, thấy một phụ nữ đang chăm chú đan khung, tôi bấm vội vài tấm trước khi rảo ra bờ sông ngắm đèn hoa đăng bập bềnh trôi. Tôi sẽ còn đến Hội An nhiều lần nữa vì nơi này tuy nhỏ nhưng vẫn còn nhiều đề tài hấp dẫn cho dân nhiếp ảnh: gánh hàng rong, “bức tường huyền thoại”, cảnh đêm bên sông Thu Bồn, thăm dớ Cửa Đại…
À quên, khen Hội An đẹp mà không nhắc đến dân tình ở đây thì quả là thiếu sót. Đi lang thang từ bắc tới nam, hỏi thăm đường xá cũng nhiều nhưng chưa thấy ở đâu dân chúng từ đứa nhỏ cho tới người lớn lại nhiệt tình, sốt sắng như người dân Hội An. Họ để lại kỷ niệm không thể nào quên được. VCH
Quán Đèn Lồng Hội An
117. SĂN MỒI
Beo đốm sống tập trung ở châu Phi nhưng “dân số” giảm dần và cho tới nay chỉ còn khoảng 7000 con sống nơi hoang dã. Đây là con vật có tốc độ chạy nhanh nhất trong các loài thú, trung bình khoảng 64km/giờ. Beo đốm cân nặng từ 21đến 72kg, nhỏ hơn sư tử. Bộ lông có màu vàng và trắng xám với gần 2000 đốm đen.
Beo đốm thường săn mồi vào ban ngày. Với tốc độ có thể tăng lên đến 112km/giờ khi cần do đó con mồi khó có thể thoát. Với tài săn bắt của nó, trước đây người ta thường hay nuôi beo đốm trong trò chơi săn đuổi con mồi. Tấm ảnh này tôi chụp một con beo đốm đang đuổi con mồi ở Bắc Mỹ chứ không phải ở châu Phi. VCH
Săn Mồi
118. CÔNG VÀ TỘI
Vương triều Nguyễn (1802-1945) được tính từ Hoàng đế Gia Long đến vua Bảo Đại gồm tất cả 13 vị. Tuy nhiên, khi nói đến vương triều Nguyễn, người ta không thể không nói đến 9 đời chúa Nguyễn đã có công khai phá, mở mang bờ cõi về phương Nam. Nếu không nhờ vương triều này thì lãnh thổ Việt Nam đã không trải dài tới mũi Cà Mau như ngày nay. Công lao này không còn được ghi trong sách sử ngày nay nữa, danh tính các vị vua và công thần nhà Nguyễn cũng đã bị thay thế tại các trường học và đường phố bằng các cái tên mà người dân ngơ ngác mỗi khi đọc tới.
Ngoài việc mở mang lãnh thổ, triều Nguyễn còn để lại một di sản đồ sộ bao gồm các bộ quốc sử, địa chí, châu bản, địa bạ, gia phả... Di sản của các triều đại trước đều được nhà Nguyễn bảo tồn, trùng tu, như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Dâu... nhờ đó còn tồn tại cho đến ngày nay. Ba di sản văn hóa của nhà Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, bao gồm di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, cùng với Nhã nhạc (Nhạc cung đình Huế).
Lời kể tội của cụ Phan Châu Trinh (ghi trong ảnh) thực đáng để con cháu đời sau suy ngẫm sâu hơn về công và tội của mỗi triều đại và học hỏi từ đó. VCH
Đền Cũ Lâu Đài Bóng Tịch Dương
119. THĂM DỚ CỬA ĐẠI
Hè năm ngoái khi đi chụp ảnh ở Hội An, một nhiếp ảnh gia địa phương hỏi tôi có thức dậy nổi 4 giờ sáng để đi chụp cảnh thăm dớ ở Cửa Đại không. Tôi có tật thức khuya, thường chỉ ngủ từ 3 giờ sáng nên hơi lưỡng lự rồi cũng nhận lời. Vừa đi bộ ra bến sông, mắt vừa díu lại và cay xè. Rồi tiếng máy thuyền và gió sông làm tôi tỉnh dần. Bầu trời vẫn đen kịt. Khoảng nửa tiếng thì thuyền ra đến cửa sông. Bóng một người đàn ông đội nón lá trên một ghe nhỏ đang thăm dớ (một loại vó của miền Trung) hiện dần trên bầu trời đang ửng sáng. Mặc dù chụp đủ mọi đề tài nhưng tôi rất thích chụp cảnh ngư dân kéo vó, quăng chài, vượt sóng... Họ cần cù, siêng năng, táo bạo quá. Để chụp cảnh này cho thật rõ thì không thể chụp xuyên qua lưới được. Thế là chúng tôi tìm một lỗ lưới rách bằng nắm tay đủ để ống kính chui qua đó. Rồi tay trái nắm lấy lưới cho khỏi ngã khi đứng trên mũi thuyền nhấp nhô liên tục, tay phải vừa cầm máy vừa bấm. Nếu sợ ngã mà ngồi xuống chụp thì tấm ảnh sẽ kém đi về độ sắc nét, về bố cục… Mỗi khi đi chụp, nếu cần thì cũng phải hơi liều một chút mới có được tấm ảnh ưng ý. Nhìn bác ngư dân cặm cụi trong đêm tối, tôi tự nhủ mình từ nay về sau nếu có phải thức dậy 2, 3 giờ sáng để chụp ảnh người dân lao động đang vật lộn với miếng ăn thì sẽ không than phiền một tiếng nào nữa. VCH
Thăm Dớ Cửa Đại
120. TIA SÁNG TRONG ĐƯỜNG HẦM
Hang Antelope thuộc tiểu bang Arizona của Mỹ được xếp là 1 trong 50 cảnh đẹp nhất thế giới. Xâm thực gió, cát, mưa, và lụt đã tạo thành lối đi xuyên qua núi đá. Ánh sáng từ đỉnh núi rọi xuống tạo thành những màu sắc kỳ diệu trên vách núi. Du khách cũng như nhiếp ảnh gia khắp thế giới đến đây rất đông. Kể từ năm 1997 người da đỏ giống Navajo đã được phép khai thác du lịch. Chính người da đỏ sẽ dùng xe tải nhỏ 10 chỗ để đưa khách từ ngoài phố vào đến gần cửa hang, băng qua một sa mạc bụi mù. Tuy ngồi xe nhưng không êm hơn ngồi ngựa chút nào. Đó cũng là một trải nghiệm thú vị, khó quên.
Nếu đi để du lịch thì sẽ xuýt xoa với cảnh trí kỳ diệu trong hang. Nhưng nếu đi để chụp ảnh thì không chắc đã mãn nguyện vì có thể sẽ mang về những tấm ảnh tối đen (do để tốc độ máy nhanh) hoặc mờ nhòe (do tốc độ máy chậm). Hai cái khó để chụp ảnh trong hang này là sự chênh biệt quá lớn về ánh sáng trong hang, được chỗ này thì hỏng chỗ kia. Cái khó thứ hai là trong hang quá tối nên khó chỉnh thông số khi đoàn người đằng sau vẫn đẩy mình tới trước. Nếu dân nhiếp ảnh chịu trả giá cao thì sẽ được chụp khoảng giữa trưa để có luồng ánh sáng từ đỉnh hang rọi xuống, được mang theo chân máy ảnh và được hướng dẫn tới vị trí có góc chụp đẹp.
Nếu các bạn tới đây mà mang về được những tấm ảnh rõ, sắc nét là thành công rồi. Nhưng nếu những tấm ảnh của bạn có thêm luồng ánh sáng từ đỉnh hang rọi xuống mới thực là… “lời to”! 😀 VCH
Tia Sáng Trong Đường Hầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét