Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Người Cha H.O. Thầm Lặng - Năng Khiếu

Bố tôi đến dịch vụ làm hồ sơ xuất cảnh diện HO. Cầm theo những giấy tờ
cần thiết như giấy khai sanh, giấy ra trại, tờ hộ khẩu… Chỉ vỏn vẹn có
hai Bố con, trước con mắt tò mò của nhiều người. Thế rồi “Cha già con
cọc”dắt díu nhau lên máy bay qua Mỹ, năm tôi tròn bảy tuổi.<!>

Đầu mùa thu năm 1993, Bố xin cho tôi vào học lớp hai tại trường
Willmore School, ở đường Goldenwest, thành phố Westminster. Mỗi lần
họp phụ huynh xong, cô giáo mời cha mẹ học sinh đến tham quan lớp học
và ký tên. Nhưng tôi không có ai đi họp, cũng chẳng có ai ký tên, vì
Bố bận đi làm. Mẹ tôi còn ở Việt Nam. Khi cha hoặc mẹ các bạn tôi ký
tên gần hết, tôi vẫn đứng tựa cửa lớp, dõi mắt ra cổng đợi Bố đến như
lời hẹn. Nhưng chắc Bố đang mắc làm trong hãng nhiều hàng gấp. Chờ đợi
mỏi mòn chẳng thấy bóng dáng Bố đâu! May sao mẹ của một người bạn ở
gần nhà, biết hoàn cảnh cha con đơn chiếc đã đến hỏi thăm, và tôi xin
cô giáo để bà ký tên thay cho Bố. Cô nhận lời và nói tôi thông dịch
cho bà trước khi ký tên, cô chỉ lên bảng dán những bức hình tôi vẽ
trong giấy cứng, cô khen tôi học chăm chỉ và rất giỏi.

Bây giờ chỉ còn bốn tháng nữa là tôi đủ ba mươi hai tuổi. Như vậy là
tôi đã sống ở Mỹ một thời gian khá dài. Từ một con bé còm cõi, nay tôi
đã có gia đình và là mẹ của hai đứa con, trai ba tuổi và gái mới đầy
năm.

Từ khi còn rất nhỏ, nhiều người vẫn hỏi tôi: Tại sao Mẹ còn ở Việt
Nam? Sao chỉ có hai Bố con đi Mỹ thôi? Còn nhiều câu hỏi khác, mà hồi
nhỏ tôi có hiểu gì đâu mà trả lời, chỉ cười trừ, nhưng bây giờ lớn tới
đâu là hiểu tới đó.

Cuối năm 1982. Bố tôi đi tù về, tá túc ở nhà bà nội tôi tại xứ Thánh
Mẫu, Huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Bồ về chiều hôm trước, ngay sáng
hôm sau, Sáu Sẹo, Công an khu vực đã ghé nhà hỏi thăm sức khỏe, rồi
nhắc nhở: “Vì vợ con anh đã đi theo đế quốc Mỹ, mà lại không có hộ
khẩu ở đây, anh phải đi kinh tế mới”.

Bao nhiêu năm tù đày, ngày được thả về, Bố tôi thấy bạn bè háo hức,
nôn nóng mong xum họp với vợ con, mà thấy tủi thân!

Sau mấy năm tù đầy, người vợ “đầu gối tay ấp” đến thăm Bố lần cuối,
yêu cầu bố ký vào tờ giấy ly dị, để bà dẫn hai đứa con trai đi Mỹ,
theo diện đoàn tụ ODP, vì cha mẹ bà di tản năm 1975 gửi giấy tờ bảo
lãnh về. Nhưng khi làm hồ sơ ra đi, họ đòi phải có giấy ly dị của ông
chồng sĩ quan ngụy đang cải tạo mới chịu. Thấy Bố chần chờ, bà nói:
“Ông phải nghĩ đến tương lai các con, tôi đưa chúng nó đi để ăn học,
chứ ở mãi xứ này mà chết chùm à!” Bố tôi đành ký tên vào tờ giấy ly
dị.

Sau khi tới Mỹ, thời gian đầu bà cũng gửi tiền về nhờ người em còn ở
Saigon đi thăm nuôi Bố tôi. Nhưng chỉ được vài lần, rồi vì “Người khôn
của khó” không ai kiên nhẫn đi thăm nuôi người tù không án. Sau đó Bố
mất liên lạc với vợ con luôn. Từ dạo ấy Bố là “con bà Sơ” trong tù,
nhưng Trời thương nhờ vóc dáng cao lớn, nên Bố còn cầm cự được giữa
sóng gió tù đày…

Bị công an đuổi đi kinh tế mới, bố tôi cũng tìm được đất sống. Đó là
khu kinh tế mới Sông Ray, cách Long Khánh khoảng ba mươi cây số. Khu
mới khai khẩn, chỉ lưa thưa vài chục nóc nhà, Bố tôi sang rẻ lại của
người quen miếng đất ngay đầu lối, cất lên một căn nhà nhỏ như cái
chòi. Nhờ có hai người bạn cùng cảnh ngộ đến phụ giúp, chẳng mấy chốc
Bố đã có chỗ che nắng che mưa, lại yên thân không bị công an khu vực
dòm ngó! Xung quanh nhà Bố tôi trồng đủ thứ, nào bắp, khoai lang, củ
mì, bầu, bí….. là những thứ mau thu hoặch. Đó là “thành tích” sau bảy
tám năm Bố tôi học được trong các“ trại tù cải tạo”.

Để kiếm thêm thu nhập, Bố tôi cùng vài người bạn rủ nhau đi sâu vào
trong rừng gần chân núi, khai hoang thêm mấy mẫu đất nữa, cặm cụi
trồng trọt tiếp.

Sống trong vùng kinh tế mới này cũng hơn nửa năm, Bố cứ âm thầm lặng
lẽ, cuốc cuốc, xới xới suốt ngày không để ý đến ai. Hoa mầu trồng được
thì đã có người đến tận vườn thu mua giá rẻ, nhưng khỏi mất công gánh
ra chợ.

Khu xóm kính tế mới nhà này cách nhà kia bằng những hàng rào gỗ lưa
thưa, xa xa nhìn không rõ mặt. Một ngày mưa nghỉ làm, khi xế trưa mưa
tạnh, bố tôi có dịp sang thăm hàng xóm, một căn nhà tranh vách đất
cách một con đường đất đỏ.

Chủ nhà hàng xóm là một thiếu phụ tuổi ngoài ba mươi, tuy sống đời cực
nhọc tại vùng kinh tế mới nhưng vẫn còn nét thanh lịch của dân Sài gòn
cũ, cho biết ông chồng sĩ quan đã mất sau những năm đi “học tập cải
tạo”.

Trên bàn thờ kê giữa nhà, dưới chân cây thánh giá là hình người đàn
ông trạc ngoài bốn mươi, nhìn quen quen mà Bố chưa nhớ ra, đến lúc hỏi
tên tuổi, thì ra là Tính, Ngô Xuân Tính. Nhìn kỹ khuôn hình thờ, chợt
ký ức hiện về, Tính một người bạn hiền lành và tốt bụng, hai người
sống cùng đội trong trại tù ở núi rừng Việt Bắc. Đầu năm 1977, bố tôi
bị chuyển trại vào một đêm khuya, từ đó hoàn toàn mất liên lạc, nào
ngờ...

Bà vợ góa của người bạn tù xấu số cho biết Tính bị bệnh sơ gan ngay
trong tù, không thuốc men, bụng chướng to như người đeo ba lô ngược.
Thấy đã hết đường sống, trại tù cộng sản thả cho về nhà chờ hết. Mặc
dù chị đã đã tận lực cố chạy chữa cho anh, nhưng cũng không chống chỏi
được bao lâu.

Sau khi lo ma chay cho chồng, chị bồng con về nhà cha mẹ chồng ở Bảo
Toàn nương nhờ. Nhưng cha mẹ già yếu, nhà lại đông con. Nhờ sự giúp đỡ
của anh em nhà chồng, chị và ba con có được căn nhà nhỏ ở vùng kinh tế
mới này, sống qua ngày. Đứa con trai lớn nhất mười bốn tuổi, đã biết
chở than mướn kiếm tiền về cho mẹ đong gạo, mà hôm nay trời mưa chưa
thấy về, còn hai đứa con gái một đứa mười hai và một đứa mười tuổi,
mặt mũi xanh xao, cũng biết vác cuốc ra rẫy làm cỏ với mẹ.

Nghe chuyện người góa phụ trẻ, nhìn lên bàn thờ, Bố tôi thấy thương
người, thương mình. Từ đó thường lui tới giúp đỡ. Thấy nhà cửa dột
nát, Bố đưa thằng con lớn vào rừng cắt tranh, dặm lại má nhà. Nhìn đàn
con chị đói rách, bữa gạo bữa bo bo, Bố chia lại cho mẹ con chị một
nửa khu đất đã khai khẩn được, rồi chỉ cách trồng trọt, chăm bón, và
nhặt ống lon buộc quanh rẫy để gây tiếng động, cất lều ở canh thú
rừng. Chẳng mấy chốc cuộc sống mẹ con đỡ chật vật, những đứa nhỏ được
đi học trở lại.

Sớm hôm lui tới, có nhau khi tối lửa tắt đèn giữa vùng kinh tế mới heo
hút, Bố trở thành người đàn ông duy nhất trong nhà bà mẹ góa. Tôi được
sanh ra trong hoàn cảnh đó, thành đứa con thứ tư của Má.

Sau thời bao cấp, nhà nước cộng sản mở cửa để cứu nguy chế độ, đời
sống dân chúng dần dà dễ thở hơn. Bà nội đã già yếu, nên chạy hộ khẩu
cho Bố tôi về thị xã sống với bà, đem theo tôi về lúc vừa thôi nôi.
Tôi xa Má từ dạo ấy. Bà nội và Bố tôi lên “rước Má về dinh”, nhưng Má
tôi không đi vì còn bổn phận với các anh chị tôi. Thỉnh thoảng Bố đưa
tôi lên thăm Má.

Đầu năm 1989, bắt đầu có chương trình HO., đưa các cựu tù nhân chính
trị sang Mỹ. Sau nhiều năm bặt tin, bà vợ cũ của Bố mà tôi gọi là Mẹ
cả trở về Việt nam thăm Bố tôi, nói có thể bảo lãnh Bố khi đến Mỹ. Bên
gia đình nhà nội tôi chia làm hai phe, người thì trách Mẹ cả bạc tình
bạc nghĩa. Kẻ thì khuyên bố trở về hàn gắn gia đình, vì còn vướng phép
hôn phối.

Bố tôi chần chờ mãi. Đầu năm 1990 người HO đầu tiên đã lên đường, Bố
mới bắt đầu đi làm hồ sơ cho Má và các anh chị tôi đi theo. Nhưng
“Người dưng khác họ” khác hộ khẩu không được chấp nhận. Bố tôi đã lên
tận Bộ Tư Pháp của Cộng Sản Việt Nam khiếu nại, nhưng chỉ một mình Má
tôi đi được. Cuối cùng Má quyết định ở lại nuôi đàn con nhỏ, và ký
giấy tờ, bằng lòng để Bố tôi được quyền đưa tôi đi theo. Cuộc tình của
Bố và Má tôi chia ly từ đây.

Tuy nộp hồ sơ xin xuất cảnh muộn, nhưng nhờ sau này có chương trình ưu
tiên cho những tù nhân trên bảy năm, nên hồ sơ Bố tôi được đôn lên đi
trước.

Vì không muốn đi theo diện “đầu trọc” để nhà thờ Tin Lành bảo lãnh về
tiểu bang lạnh. Bố tôi nhờ Mẹ cả bảo trợ, và đón Bố con tôi từ Phi
trường LAX về nhà ở Thành phố Santa Ana.

Những ngày đầu gia đình cũng hạnh phúc, người con trai lớn đang học
trường Berkeley ở Bắc Cali fornia cũng về đón Bố. Mẹ cả thì tỏ ra lo
lắng cho Bố, nào chở bố đi làm giấy tờ, chở đi thăm bạn bè quen biết,
dẫn cả tôi đi shopping mua quần áo mới…

Căn Mobile home của Mẹ cả, có ba phòng rộng rãi. Trước nhà trồng hoa
hồng rất đẹp, còn vườn sau có nhiều cây ăn trái, tôi thích nhất là cây
ổi đào trái chín vàng thơm phức, cao bằng cây ổi nhà nội bên Việt Nam.
Thấy tôi trèo thoăn thoắt như con khỉ để hái trái, Mẹ cả liền la lên
vì sợ tôi té rồi mang họa.

Tôi biết thân biết phận không dám nhõng nhẽo Bố như ở Việt Nam. Anh
lớn tên là Peter ở chơi với Bố được vài ngày lại đi học tiếp, nhà chỉ
còn lại anh Mike đi học về là vào phòng đóng cửa, ít nói chuyện. Mẹ cả
và anh Mike, nhìn tôi với ánh mắt không mấy thiện cảm. Tôi có cảm giác
mình là cái gai trước mắt họ, nên luôn tìm cách lẩn tránh.

Nhiều lần thu mình trong góc phòng, tôi nghe tiếng Bố và Mẹ Cả cãi
nhau nho nhỏ. Rồi một buổi tối định mệnh, tôi đang học bài trong
phòng, nghe Mẹ cả lớn tiếng với bố ngoài phòng khách: “Một là ông chọn
con bé, hai là ông chọn gia đình này...” Tôi hồi hộp lắng nghe. Tiếng
Mẹ cả lại chì chiết, “ông còn giấu tôi gửi thư về cho Mẹ nó. Tôi không
chịu được cảnh một chốn đôi quê, ông dứt khoát đi!”

Không bao lâu sau, Bố con tôi khăn gói ra đi bắt đầu lại cuộc đời mới
nơi đất khách.

Khu Apartment Bố thuê gần trường tôi học, có hai tầng lầu khoảng hơn
mười units, thì chín nhà là Việt Nam, đâu hai ba gia đình người mễ,
coi như thiểu số ở xóm này. Ở đây mọi người coi nhau như người nhà,
thấy gia đình có hai cha con côi cút tội nghiệp, đến hỏi thăm xem có
cần giúp đỡ chi không. Kế bên nhà tôi là một gia đình sống tại đây lâu
rồi, có bốn người, một bà ngoại ngót bảy mươi, hai vợ chồng trẻ và một
đứa con gái kém tôi một tuổi. Từ đó mỗi lần Bố đi đâu vắng là dắt tôi
qua gửi bà ngoại để tôi chơi với cháu bà. Bà ngoại thấy tôi nói tiếng
Việt rành rẽ thì thích lắm, hỏi chuyện miết: Nhà có hai Bố con thôi
sao? Má mày đâu? Sao ở lại Việt Nam? Bố mày xin được Housing chưa?
Chắc mày còn nhỏ có medical, được ăn Welfare. Có xin được Food stamp
không? Bà ngoại hỏi dồn dập, tôi nghe không hiểu mấy cái danh từ bằng
tiếng Anh lạ hoắc, làm sao mà trả lời, tôi chỉ lắc đầu cười, rồi bà
cũng cười. Hai bà cháu cứ vậy, nên bà thương tôi lắm. Ngoài lúc đi
học, về đến nhà là tôi chạy qua bắt chước cháu bà gọi ngoại ơi! Ngoại
à! Ngon ơ.

Nhân dịp Fathers Day sắp đến con xin phép được thưa với Bố đôi điều.

Kính thưa Bố.

Khi con ngồi viết những dòng chữ này, dư âm của bữa tiệc xum họp quanh
Bố tối hôm trước, có sự hiện diện của gia đình anh Peter và anh Mike.
Để chúng con nói lên lời cảm tạ và chúc mừng sinh nhật thứ tám mươi
của Bố, như còn đọng mãi trong con. Cũng là lúc sức khỏe Bố đã mỏi
mòn, đi đứng phải dựa vào chiếc gậy cầm tay. Vì ảnh hưởng lần Bố bị
stroke năm trước.

Con chạnh nhớ lại cách đây hơn hai mươi năm, ngày Bố con mình đến phi
trường Los Angles, con bị chóng mặt vì say máy bay, nên Bố phải cõng
con trên lưng bước xuống cầu thang, để đặt những bước chân đầu tiên
nặng nề trên đất Mỹ.

Rồi ở tuổi sắp nghỉ ngơi, nhưng vì con mà Bố phải khổ cực, không một
tiếng than van, Bố đã âm thầm, một lặng hai nín cũng vì con. Những
tưởng cuộc đời được tạm ổn trên quê hương thứ hai, nhưng kiếp tha
hương vẫn còn nhiều gian truân, Bố phải tranh đấu gay go với cuộc sống
mới, về tinh thần cũng như thể xác.

Giữa mùa đông rét mướt, Bố phải đi làm ca đêm nên bị ốm, con đã khóc
vì thương Bố, nhưng Bố nói không sao đâu con, suốt mấy năm trời tù
đày, Bố đã quen với cái lạnh thấu xương nơi núi rừng Yên Bái Bắc Việt.
Sau lần bị đau nặng, hãng chuyển qua cho Bố làm ca ban ngày. Mỗi buổi
sáng Bố ra khỏi nhà để đi làm, con cũng bắt đầu đi học. Chiều về hai
Bố con lủi thủi trong căn hộ chật hẹp trên lầu hai của chung cư, mỗi
lần thấy Bố leo cầu thang mệt nhọc, con đã tự nhủ mình phải cố gắng
học hành, mai sau lớn lên làm việc thật nhiều để có tiền, sẽ mua một
căn nhà khang trang đẹp đẽ, để tuổi già Bốđược an nhàn hơn.

Khi con ra trường High School, Bố đã dành dụm mua cho con từ chiếc xe,
rồi đóng tiền insurance, để con yên trí bước lên bậc đại học. Bốn năm
qua nhanh ở trường Cal State University Fullerton, con đã hoàn tất cử
nhân sinh học (Biology major) và chương trình dự bị y dược. Con đã nộp
đơn xin vào vài trường Dược Khoa nhưng bị từ chối. Thấy con buồn Bố đã
an ủi con. Nghỉ một năm ở nhà ôn bài và đi làm thiện nguyện.

Sau con apply vào trường University of Roseman Pharmacy School in
Nevada, và được nhận. Con đã hoàn tất chương trình Pharm D trong vòng
ba năm. Sau ba năm vất vả, vừa đi học vừa đi làm kiếm thêm tiền chi
tiêu, vừa phải đi thực tập. Con đã chuẩn bị kiến thức đầy đủ để trở
thành một Dược Sĩ. Để được nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ
của Bố. Khi trở về Cali, con phải thi bằng Dược sĩ của tiểu bang
California. Để được việc làm tại đây, và được sống cạnh Bố.

Bố thương yêu!

Con đã lớn lên trong vòng tay của Bố. Bố là chỗ dựa tinh thần vững
chãi của con. Bố không để con kém cạnh bạn bè, Bố thương con trong
tình thương người cha, trong tình yêu của mẹ. Rồi một ngày con đưa về
nhà giới thiệu với Bố ý trung nhân của con, anh là người cùng quê và
học hơn con nhiều lớp, nên đã hướng dẫn cho con vào cùng ngành. Và
giới thiệu để con có được việc làm tốt hiện nay. Bố vui mừng biết
dường nào. Bố đã khen anh hiền lành và chững chạc. Rồi ngày vu quy của
con Bố đã chúc phúc cho chúng con thật nhiều.

Hạnh phúc hơn, khi những đứa cháu kháu khỉnh lần lượt ra đời. Bây giờ
Bố con mình đã có một gia đình đông vui. Có tiếng khóc, tiếng cười,
tiếng nói líu lo của các cháu nhõng nhẽo ông ngoại. Mai sau các cháu
lớn lên được ông ngoại dậy nói, dậy viết tiếng Việt, để chúng con an
tâm đi làm. Những tình thương yêu Bố dành cho chúng con cả đời này làm
sao quên được. Chúng con cầu xin ơn trên ban cho Bố được khỏe mạnh,
sống lâu, để chúng con được phụng dưỡng Bố mãi mãi, bù lại những ngày
tháng Bố âm thầm hy sinh cho chúng con.

Tất cả những gì con có được ngày hôm nay, là nhờ Bố không nỡ bỏ con,
Bố đã đánh đổi hạnh phúc cuối đời để ở bên con, khuyến khích nâng đỡ
để con cố gắng vươn lên, giữa muôn vàn khó khăn của cuộc đời.

“Bố ơi! Bố thương yêu của chúng con! Với chúng con, thì ngày nào cũng
là Fathers Day.

Năng Khiếu

Không có nhận xét nào: