Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Đàn Ông ... Khiếp Lắm ! - Thái Quốc Mưu


Không ghen chẳng phải đàn bà,
Không dối vợ nhà đâu phải đàn ông.

Mọi người đều bảo vợ tôi đẹp, so với tuổi “năm” thì “cụ bà” còn rất trẻ. Đặc biệt, nụ cười mặc dù đã ngoài năm chục nhưng những cô gái còn mơn mởn xuân thì khó thể sánh được. Tạo hóa đã ban cho “bà cụ” nhà tôi đôi môi đỏ mọng, nụ cười rất duyên dáng, đôn hậu, hiền lành… Bạn bè tôi thường bảo “ông được người vợ có nụ cười rất đẹp.” Có thể nhận xét đó chẳng sai lầm và ví dầu có kẻ nào ganh ghét vợ tôi cách mấy cũng không thể phủ nhận nụ cười tươi thắm của vợ tôi.
<!> 
Riêng tôi – một thằng đàn ông lang bạt từ thời niên thiếu đến bây giờ, đang trong tuổi “tri thiên mạnh” – cũng thừa nhận và say đắm nụ cười ấy. Thật thế! Vợ tôi rất đẹp. “Bà cụ” đẹp từ hình vóc tới bản chất. Nàng đúng là típ phụ nữ “mặt tiền sáng sủa, điện nước trong ngoài đầy đủ.”

Quý bà chòm xóm, láng giềng người bản xứ hay cùng màu da mái tóc, những khi rảnh rỗi thường tới lui thăm viếng chuyện trò với “bà cụ” nhà tôi.

Hơn ba mươi năm trước, vợ tôi từng là Á khôi của một trường trung học ở Sài Gòn. Nàng rất được nhiều chàng trai săn đón, tán tỉnh… nhưng tất cả đều là những tên võ sĩ hạng tồi, bị tôi đánh gục dễ dàng.

Tôi có gì đặc biệt? Chẳng có gì cả! Tôi vẫn bình thường như những chàng trai cùng trang lứa. Có điều, xin bật mí, lúc tôi mới sanh ra, Đại Lục Tiên, một lão tướng số thời danh người Trung Quốc, đi ngang qua cửa tự ghé vào nhà, tìm gặp thân phụ tôi rồi phán: “Chúc mừng ông, bà nhà vừa hạ sanh quý tử, sau nầy dựng nên danh phận, tiếng tăm để đời, có điều mệnh tại cung đào hoa cho nên bản chất lang bạt, tình cảm lăng nhăng, nhiều bà lắm cô săn đón…”

Việc “bí mật” nầy, thân phụ tôi giấu mãi cho đến khi người lâm chung. Gần hai mươi năm trước, tôi tình cờ biết được lời phán của lão thầy tướng số qua lời kể của người anh lớn, sau khi ông nhắp mấy xị đế đến quắt cần câu rồi mới tự khai.

Nghe được lời “vàng ngọc” của lão thầy tướng số, tôi tự bảo thầm: “Có lẽ, trời sinh ra mỗi người có một số mệnh nhưng nếu bảo mình dựng nên danh phận thì.. coi như trật lất, còn bảo có số đào hoa thì… thì phải xét lại.” Tôi lại nghĩ “nếu ông ta bảo mệnh mình tại cung đào hoa không thôi thì chưa đủ, phải bảo thêm tâm ngự tại “cung đểu” nữa mới chính xác! Vì nếu mệnh tại đào hoa cung mà tâm tại Phật thì đếch thế nào đào hoa được!”

Nghĩ vậy, tôi liền tự xem tướng mình rồi tự phán “mệnh tại đào hoa, tâm tại đểu”. Và tôi lập thành châm ngôn, “phi đểu bất thành đào hoa”.

Tôi cùng vợ tôi lập gia đình, xây dựng hạnh phúc đã gần ba chục năm nay. Sống bên nhau, lúc nào nàng cũng tận tình chăm sóc, lo lắng, nuông chiều tôi hết sức chu đáo. Ngoài sắc vóc đẹp đẽ, tính nết nhu mì, hiền thục và… ghen. Vợ tôi còn là hội viên năng nổ của “Hội sinh sản”. Để chứng minh cho mọi người thấy mình là một thành viên hoạt động tích cực nhất trong hội, mỗi năm vợ tôi đóng góp cho nạn nhân mãn thêm một nhóc tì, riêng lần sinh thứ tám nàng “chơi” liền hai đứa song sinh. Thấy thế, tôi hoảng quá, nên tìm cách đi làm ăn xa. Năm sau, tôi trở về, vợ tôi bù lỗ một năm tôi vắng nhà, nàng “xoạc” ra một lần hai nhóc nữa. Ngày kỷ niệm mười năm chung sống, chúng tôi trình làng thành tích “chín lần đẻ đái với sáu cu, năm cái”.

Với thành tích hào hùng đó, ở người phụ nữ khác chắc chắn sức khỏe bị hao mòn, sắc vóc dần phai nhạt nhưng với vợ tôi thì khác. Cứ mỗi lần xoạc ra một nhóc tì thì nàng càng đẹp thêm ra, da dẻ càng hồng hào, càng mịn màng hơn trước. Nhiều bà lắm cô cứ theo hỏi vợ tôi dùng thuốc thang gì, thầy nào, ở đâu… mà được như vậy? Vợ tôi chỉ biết cười… trừ rồi thật thà khai báo chẳng thuốc thang chi cả và bảo rằng có lẽ trời thương nên mới được như vậy mà thôi. Vợ tôi càng thành thật, mọi người càng không tin, họ cứ cho là vợ tôi ích kỷ muốn giấu giếm để được trội hơn mọi người.

Tối đến, vợ tôi thỏ thẻ với tôi những điều đó. Tôi bảo nàng, “có trời nào cho em đâu, em nhờ thuốc của anh thì có!” Chẳng biết nghĩ thế nào, nàng bấu tôi một cái đã đời. Đúng là nàng suy bụng ta ra bụng người!

Thắm thoát chúng tôi sống bên nhau gần trọn đời người, thời gian không đủ khả năng làm phai nhạt sắc đẹp của vợ tôi. Có lẽ trời cho sắc đẹp cùng tồn tại với cái ghen của “cụ bà” đến khi nào không còn hiện hữu trên thế gian nầy nữa.

Nói đến cái ghen của vợ tôi thì “thế gian vô nhị” nhưng vợ tôi ghen đầm, ghen ngầm, ghen chịu đựng, ghen… trí thức. Hoàn toàn khác xa với những con sư tử Hà Đông ghen ẩu, ghen tả, ghen hỗn hào, ghen vô giáo dục, ghen hạ đẳng, ghen bóng, ghen gió, ghen tùm lum tà la, ghen bất kể… trời đất.

Nhưng dù với hình thức ghen thế nào chăng nữa, dù có rình rập thế nào chăng nữa… vợ tôi chỉ có thể nghi mà không thể khẳng định bởi tôi vốn là “hào hoa chi đểu” cơ mà!

Đã đểu thì phải đểu từ trong ra ngoài, phải đểu y như thật, đểu từ cuộc sống trong gia đình đến ngoài xã hội, đểu từ đình chùa đến nhà thờ nhà thánh,… Tóm lại phải có nghệ thuật đểu, đểu phải cao cấp. Muốn đạt đến mức thượng thừa của đểu thì phải biết đóng kịch, phải là kịch sĩ thứ thiệt, có biệt tài và năng khiếu, nếu không thì chẳng ai tin. Chẳng ai tin thì làm sao đểu được?

Đã là một phụ nữ đẹp, một vẻ đẹp quý phái dịu dàng rất hiếm hoi trong giới nữ, bên cái đẹp vợ tôi còn có tính nhân từ, hiền hậu, biết nhịn nhục, cần mẫn, cả cuộc đời chỉ biết chăm sóc chồng con. Quả thật, “bà cụ” là người vợ, người mẹ lý tưởng, tuyệt vời! Nhiều người bảo “ông có phước nên mới được bà nhà như vậy…”

Nhưng với kẻ đã mang số “đào hoa chi đểu” như tôi thì khác. Trước mắt tôi, trong lòng tôi vợ tôi đúng là người vợ tuyệt vời, quá tuyệt vời nữa là đàng khác! Nhưng hãy ví von, mỗi ngày ta cứ dùng món cari hay vịt quay thơm ngon, béo ngậy, chắc chắn không thể nào nuốt trôi được và vẫn muốn đổi bữa bằng những món khác như cá kèo, cá rô, rồng rồng, lòng tong kho tộ ăn với canh khoai từ, khoai môn mộc mạc… Tôi cũng vậy, là đấng nam tử, bậc nam nhi chi chí mà! Nếu muốn mà không làm thì sao thành người “quân tử”?
  
Ra khỏi nhà một người bạn, tôi định lên xe thì một phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi ngừng xe trên sân ngôi nhà kế bên vừa bước xuống. Nàng nhìn tôi khẽ cúi đầu chào rồi nở nụ cười thật tươi, giọng ngọt như đường phèn:

– Chào ông! Ông là bạn của bác Quân?

– Xin chào bà, Quân là bạn tôi, chúng tôi biết nhau gần hai mươi năm.

– Hân hạnh được biết ông. Xin lỗi có phải ông là…

Tôi tiếp lời người đẹp:

– Tôi là Kỳ Nhân, thưa bà! Xin lỗi, tôi có thể được biết quý danh của bà?

– Xin ông đừng khách sáo, cứ gọi tôi là Thu Quỳnh.

– Ồ! Hân hạnh được biết bà. Bà Thu Quỳnh, tên của bà đẹp như người!

Thu Quỳnh liếc nhẹ tôi rồi mỉm cười duyên dáng:

– Ông Nhân, ông lại khách sáo rồi!

Xong, Thu Quỳnh đổi giọng:

– Tôi đã được đọc nhiều bài viết của ông trên các báo, hôm nay được gặp mặt, thật là vinh hạnh.

– Cám ơn bà. Tôi chỉ viết để mua vui thôi!

Thu Quỳnh nhẹ nhàng phản đối:

– Tôi không đồng ý, trong mỗi chúng ta đều có một mảnh, à không, mà là cả một bầu trời riêng biệt. Viết không chỉ để vui hay giải tỏa tâm tư mà còn trang trải, trao tặng tâm tư, ước vọng của mình đến với mọi người. Tôi chẳng biết viết lách là gì nhưng tôi rất tôn trọng những người cầm bút. Ngoài việc trang trải, gởi gắm tâm tư, ước vọng… Họ còn dám thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình trước quần chúng. Họ trao cho người và để lại cho đời bằng tất cả tấm lòng của họ. Tôi nghĩ thế có phải không, thưa ông?

Tôi hơi giật mình, nhìn lại người đàn bà xinh đẹp, dáng vẻ quý phái đang đối diện. Tôi tự nghĩ, đây là một phụ nữ có học, giàu kiến thức mới có thể có những nhận xét và ngôn ngữ tao nhã như thế!

– Thưa bà Thu Quỳnh – Tôi nói, bà nói rất đúng, nhưng trong giới độc giả không phải mọi người đều có sự suy nghĩ thông minh như bà.

Thu Quỳnh nở nụ cười nhẹ nhàng trên vành môi xinh mọng:

– Cám ơn ông, không dám làm phiền ông. Đây là nhà của tôi. Ba mẹ con chúng tôi ở với nhau. Trường hợp không có gì trở ngại, mời ông hôm nào đến chơi.

Ngừng một chút, hơi do dự, Thu Quỳnh tiếp:

– Hai cháu nhà tôi đi học từ chín giờ sáng đến bốn giờ chiều mới về. Ông có thể đến chơi lúc nào cũng được.

Sự linh cảm bật dậy trong lòng tôi. Không chút chần chừ, tôi đáp ngay:

– Vâng, tôi sẽ đến thăm bà!
  
Qua giao tiếp lần đầu, tôi biết tỏng “con cá kèo” Thu Quỳnh có sẵn cảm tình với mình, tôi liền áp dụng chiến thuật cố hữu đánh nhanh, tiến mạnh làm cho đối phương bất ngờ không kịp trở tay và… thích thú.

Mười giờ sáng hôm sau, lên tầng trên nhà, nơi đặt phòng làm việc của tôi. Tôi lấy cái cell phone, bấm số phone office của mình, chờ chuông reo vài hồi, tôi tắt phone rồi cất giọng oang oang:

– “Hello! Thời Báo nghe!”.

Ngừng một chút, tôi tiếp:

– “Vấn đề đó, như tôi đã trình bày với ông ngày hôm qua. Dà, không thể được! À! Vâng tôi sẽ đến gặp ông. Vâng, chúng ta sẽ cùng thảo luận lại. OK! Vâng! Mười lăm phút sau chúng ta gặp nhau! Bye!”

Tôi vừa úp phone thì thấy vợ tôi hai tay khệ nệ bưng bình trà lên. Tôi nhìn vợ, se lòng nhưng “con cá kèo” Thu Quỳnh ngon ơ làm biến mất nhanh chóng giây phút chạnh lòng ấy. Tôi làu bàu:

– Anh phải đi ngay để gặp ông giám đốc công ty Z. Có thể anh mời ông ta đi ăn trưa, em ở nhà ăn trước, đừng chờ và đừng để phần anh.

Nói xong, tôi lấy cái cặp nghề nghiệp luôn đặt sẵn trên bàn, một tay xách cặp, tay còn lại vòng qua thân mình vợ tôi siết mạnh rồi đặt lên trán nàng nụ hôn nồng nàn.

Tôi lên xe, trực chỉ đến con đường quen thuộc của nhà bạn tôi. Mươi phút sau, tôi đậu xe trước sân nhà Thu Quỳnh. Đã gọi hẹn trước, chỉ sau hồi chuông ngắn ngủi, người phụ nữ xinh đẹp hiện ra trước cửa. Nàng nhìn tôi đon đả:

– Chào ông, hân hạnh được tiếp ông, mời ông vào…

Tôi ngăn lời người đẹp:

– Xin xem nhau như bạn. Xin bà đừng khách sáo!

Sau khi thấy sự yên ắng trong nhà tôi tiếp:

– Bà ở nhà một mình?

Dường như Thu Quỳnh chỉ chờ câu hỏi đó nên sau khi nghe tôi hỏi, nàng khẽ thở dài, trút tâm sự:

– Hôm qua, khi hầu chuyện với ông, tôi có thưa, chúng tôi sang đây có ba mẹ con và giờ nầy hai cháu đều đi học.

Tôi làm ra vẻ mình lãng quên:

– Ồ! Xin lỗi bà, tôi nhớ lại rồi. Thưa bà, còn ông nhà?

Thu Quỳnh thở hắt ra rõ to:

– Thưa ông, nhà tôi qua đời trước khi ba mẹ con chúng tôi sang đây.

Tôi lại làm ra vẻ cảm thông:

– Tôi thành thật san sẻ nỗi đau của bà.

Thu Quỳnh tiếp:

– Biết sang Mỹ mà cô đơn như thế nầy, thà rằng tôi ở lại quê hương. Thú thật với ông, ông nhà tôi trước kia làm ngành y, anh ấy là bác sĩ X quang, qua đời sau ca phẫu thuật tim.

Sau lần “gặp gỡ đầu tiên ấy”, bản chất ăn quen bén mùi, tôi thường đến thăm Thu Quỳnh, nghe nàng tâm sự. Thế rồi chuyện phải đến tất đến. Con đường dẫn đến nhà Quân – bạn tôi – bào nhẵn vỏ xe tôi lúc nào không hay…

Mỗi khi từ nhà Thu Quỳnh về, lên xe, trước khi thắt dây an toàn, tôi lấy chai dầu thơm xịt quanh xe. Cứ sau mỗi lần “đổi món ăn chơi”, tôi thường làm như vậy và kinh nghiệm nầy là một trong nhiều mạng lưới an toàn có khả năng đánh lạc hướng, tránh được sự theo dõi, nghi hoặc từ “món cari” thơm phức của tôi. Mũi “bà cụ” nhà tôi thính lắm!

Sáng hôm sau, tôi đang nổ máy xe cho nóng thì vợ tôi nói:

– Nhà hết rau xanh rồi, anh chở em đi chợ một chút rồi hãy đi công việc nha!

Tôi vui vẻ sốt sắng:

– Sao lại không? Vợ cưng của anh muốn gì mà chả được!

Vợ tôi cười thích thú:

– Còn anh cũng là ông xã cưng nhất đời em.

Sự hổ thẹn xâm chiếm lòng tôi. Tôi đã đáp lại lòng yêu thương chân thật của vợ tôi bằng hết sự gian dối nầy đến sự gian dối khác. Vài phút sau, đợi đúng lúc vợ tôi mở cửa xe, tôi lấy chai đầu thơm quen thuộc ra xịt trong xe rồi nói:

– Chở người đẹp thì xe phải thơm tho.

Vợ tôi trả lời bằng ánh mắt, nàng cười không đáp.

Chừng mươi phút sau, trên đường đến siêu thị, chiếc cell phone của tôi reo lên từng chặp. Tôi biết tỏng ai gọi mình nhưng tôi đâu dại bắt phone. Giữ bình thản, nhìn vợ tôi bảo:

– Em bắt phone đi!

Vợ tôi làm theo. Nàng vừa dứt hai tiếng Hello! Đầu dây bên kia cúp máy. Vợ tôi càu nhàu:

– Ai gọi mà mình mới vừa lên tiếng thì cúp máy.

Vẫn giọng bình thường, tôi nói đùa:

– Đó là “chuyện thường tình” mà em!

Vợ tôi cũng đùa:

– Hay là bà nào gọi anh, nghe em lên tiếng mới cúp phone?

Tôi nhìn vợ âu yếm:

– Em không biết em đẹp như thế nào sao! Trái tim anh đã nhét kín em mấy chục năm nay rồi, đâu còn chỗ cho “con mẹ” nào chen vào!

Nghe tôi nói với luận điệu cứng cỏi, vô giáo dục như thế, vợ tôi rất hài lòng, “bà cụ” cười rạng rỡ:

– Em chỉ nói đùa thôi! À anh, đối với người đàn ông, sắc đẹp của người vợ là yếu tố chính để giữ hạnh phúc phải hôn anh?

Tôi cười đáp:

– Phân nửa thôi. Phần còn lại bao gồm nhiều yếu tố khác.

– …?

– Chẳng hạn tánh tình, cách cư xử với nhau…

– Anh thấy em có khuyết điểm nào không?

– Trên ba mươi năm vợ chồng mình sống trong hạnh phúc, đó là câu anh trả lời em.

Nói xong, tôi cầm phone bấm số quen thuộc. Tiếng chuông đầu dây bên kia vừa vang lên, đã có người nhấc máy. Tôi nói ngay:

– Hello cháu Hoàng! Chú xin lỗi đến trễ tí nha! Chú đang chở thím đi chợ, khoảng tiếng sau chú cháu mình gặp nhau.

“Bắn tin” xong, cúp phone, quay nhìn vợ mình, tôi nói:

– Anh có hẹn với cháu nầy nhưng em muốn đi chợ anh phải đưa đi nên gọi hẹn lại.

Vợ tôi tỏ vẻ hối hận:

– Sao hồi nãy anh không nói cho em biết? Việc làm ăn quan trọng hơn, nếu anh bận thì mình em tự lái xe kia đi cũng được. A, hay là đến chợ rồi trong thời gian em mua sắm, anh đi gặp cháu ấy, sau đó trở lại đón em!

Trong đầu tôi thoáng nhanh sự tính toán, so với nhu cầu của cuộc hẹn hò tình tự, thời gian ngắn ngủi ấy có thấm thía vào đâu! Nghĩ vậy, tôi đáp:

– Em cứ an tâm mua sắm, anh đã hẹn lại rồi. Sau khi mình đi chợ về, anh sẽ đến gặp cháu ấy.

Vợ tôi khẽ chép miệng, làm thinh.
  
“Bà cụ” bước vào phòng làm việc của tôi, nàng đặt bên tôi ly café đá. Xong, từ sau ôm choàng lấy tôi hôn nhẹ vào má tôi rồi bước xuống bậc thang lầu. Ngay khi đó, tiếng chuộng điện thoại reo lên. Tôi nhấc phone. Từ đầu máy bên kia, một giọng nữ:

– Anh Kỳ Nhân phải hôn? Sao mấy tuần nay em không thấy anh đi nhà thờ?

Tôi thật sự ngạc nhiên:

– Xin lỗi, tôi không nhận ra tiếng của ai?

Vẫn giọng miền Bắc mát lạnh:

– Thảo Chi đây mà! Anh đâu thèm nhớ giọng nói của em.

Tôi phân trần:

– Chẳng phải thế đâu, có điều chưa được tiếp xúc với Thảo Chi nên chưa quen giọng đó thôi. Thảo Chi vẫn khỏe? A, sao giờ nầy Thảo Chi còn nằm nhà? Hôm nay off phải hôn?

Vẫn giọng ngọt mềm:

– Em làm ca đêm, ngày nào mà chả ở nhà.

Tôi ngần ngại:

– Như vậy thì Thảo Chi nên nghỉ ngơi để lấy sức, tối còn đi làm. Mà nầy, ngọn gió nào đưa Thảo Chi gọi tôi?

– Mấy tuần qua không thấy anh đi lễ, sợ anh có chuyện gì nên gọi hỏi thăm vậy mà. Biết anh vẫn khỏe em yên lòng rồi.

– Cám ơn Thảo Chi. Đã trưa lắm rồi, cô nên nghỉ để giữ gìn sức khỏe.

– Cám ơn anh! Nhưng chẳng hiểu vì sao nằm nhắm mắt hoài mà không tài nào em ngủ được.

Tôi đùa:

– Không ngủ được thì cố mà ngủ.

– Biết thế! Nhưng không sao ngủ được cơ!

Sau câu nói ấy, tôi nghe rất rõ trong phone có tiếng thở dài thườn thượt.

Lòng không khỏi băn khoăn, tôi hỏi

– Thảo Chi, cô làm sao vậy?

Tôi lại cảm nhận được sự đè nén trong lồng ngực từ người bên kia đầu dây, tiếp theo là giọng nghẹn ngào, tâm sự:

– Đêm đêm em đi làm, sáng về đến nhà thì con cái đi học hết. Ăn xong, vào phòng nằm một mình, em không ngờ mình sang đây bị đời bỏ quên. Em cảm thấy cô quạnh quá!

Giả như có kẻ nào “dốt đặc cán mai” chẳng biết chuyện tình cảm yêu đương nam nữ là gì, nghe qua lời tâm sự ấy cũng hiểu, biết trong lòng đối tượng muốn gì, huống hồ tôi là kẻ “đào hoa chi đểu”?

Không bỏ lỡ cơ hội, tôi đổi ngay cách xưng hô:

– Trường hợp Thảo Chi thấy cần người để san sẻ nỗi cô đơn. Em cho phép anh đến thăm em nha!

Giọng Thảo Chi mừng rỡ, nàng thách đố:

– Anh dám xuống không?

Tôi thầm nghĩ, “con cá rô mề kho tộ” nầy đã thách thức mời gọi. Nàng muốn trao vàng cho tướng cướp. Trên đời nầy có kẻ cướp nào lại chê vàng?

Tôi xách cặp xuống lầu, thấy vợ tôi đang bày bữa cơm trưa. Nàng nhìn tôi nói:

– Anh định ra ngoài? Cơm nước đã dọn xong rồi, anh ăn uống rồi hãy đi nha!

Nơi bàn ăn, tôi ngồi cạnh vợ tôi, trên bàn bày la liệt các món ăn còn bốc hơi, mùi thơm thức ăn tỏa lên ngan ngát. Trong bữa ăn, như thường lệ, tôi gắp những món ngon cho nàng. Vợ tôi giẫy nẫy:

– Bộ anh muốn em làm bồ tượng hay sao mà cứ ép em ăn hoài, Em nấu nướng là vì anh thôi!

Suốt bữa ăn chúng tôi nói năng cợt đùa vui vẻ nhưng lòng tôi vẫn nhen nhúm hình ảnh “con cá rô kho tộ”.

Thảo Chi là một phụ nữ đẹp, nàng xuất thân từ dòng tu nữ Saint Paul. Nàng rời nhà dòng khi vừa hăm sáu, lập gia đình và chịu cảnh góa bụa khi chưa tròn ba mươi. Trong thời gian góa bụa, nhiều chàng võ sĩ trổ tài thi thố tài năng hầu mong được cặp mắt mùa Thu của nàng chiếu cố. Song tất cả đều thất bại. Nàng quyết định ở vậy, chẳng phải để thờ chồng mà là để chờ “ngày ra đi có trật tự”, không phải vướng bận rắc rối lôi thôi.

Tôi đến nhà Thảo Chi, nàng tươi cười đón tiếp. “Con cá rô mề” trước mặt tôi là một bông hoa rực lửa, nàng khoác lên người chiếc đầm ngủ màu xanh lơ để lộ hai gò bồng đảo no đầy không nịt ngực, khiến màu da thịt hiển hiện mơ huyền dưới làn lụa mỏng… Vốn kẻ tôn thờ chủ nghĩa thực tế, tôi nhủ thầm, “cơ hội đến mà không nắm bắt thì chẳng thể thành công”.

Nghĩ sao làm vậy. Tôi mở cuộc tấn công. Mười lăm phút sau, trong gian phòng của nàng, Thảo Chi nằm gối đầu trên tay tôi, nàng thỏ thẻ thì thầm:

– Chuyện tình cảm giữa anh với chị Thu Quỳnh tới đâu rồi?

Tôi chối ngay lập tức:

– Chỉ quen biết qua loa thôi, không có gì đáng kể.

Thảo Chi ngờ vực:

– Nhưng Thu Quỳnh bảo em, chị ấy với anh thâm tình lắm cơ!

– Có lẽ bà ấy nói đùa cho vui…

– Em hy vọng những gì anh nói với em đều bằng lòng thành thật!

Tôi khẳng định:

– Tất nhiên rồi!
  
Bữa cơm chiều hôm ấy, vợ tôi làm thêm món cà-ri Ấn Độ thơm ngon! Đó là một đặc sản mà tôi rất thích khẩu nhưng hôm nay, chẳng hiểu sao mới ăn vào vài miếng tôi ngán đến tận cổ. Trong bữa ăn, tôi chỉ nói cười chiếu lệ. Vợ tôi lo lắng:

– Anh làm sao vậy? Không được khỏe à?

Tôi lắc đầu:

– Không! Tự dưng anh thấy ngán món cà-ri nầy quá! Hay là hôm nào đi chợ, em mua cá kèo, cá rô về kho tộ, đổi món xem sao!

Vợ tôi ra chiều hối hận:

– Anh hổng nói, em đâu biết! Lúc trước anh nói, em có biệt tài nấu cà-ri và anh rất hợp khẫu vị, thỉnh thoảng em nấu để anh dùng. Nếu anh muốn ăn cá kho tộ thì ngày mai mình đi chợ nữa…

Tôi nhìn vợ tôi, nỗi thương cảm dâng trào, ngay lúc ấy, mùi cà-ri ngầy ngậy lại bốc lên, tôi khẽ thở dài bảo nàng:

– Ngon thật đấy nhưng ăn hoài cũng ngán lắm đó em!

Nghe tôi nói, “bà cụ nhà tôi” khẽ giật mình, do dự giây lát rồi nói:

– Món ăn thì như vậy, còn tình nghĩa vợ chồng thì như thế nào hở anh?

Tôi nhìn nàng như rất thành thật:

– Không thể đem thức ăn mà so sánh với tình nghĩa vợ chồng. Hơn nữa bên anh, em là người vợ tuyệt vời. Rất tuyệt vời đó em yêu!

Vợ tôi cười, nửa đùa nửa thật:

– Nhưng em chỉ sợ đến ngày nào đó, anh chán em như ngán ăn cà-ri vậy.

Tôi cười thật to, đáp:

– Nhưng em không phải là món cà-ri. Em là một con búp bê xinh đẹp.

Vợ tôi trề vành môi đỏ mọng rồi nàng xì một cái thật dài:

– Cho em xin đi ông. Nịnh nhau vừa thôi!

Tôi hú hồn và cảm ơn cách nghĩ đơn giản của vợ tôi. Giả như nàng hiểu, con búp bê dù đẹp đẽ thế nào, nhìn mãi, nhìn hoài cũng mất dần thích thú. Chính vì thế, người ta mới nghĩ đến những con thú nhồi bông khác.

Trong tôi, cứ sau mỗi lần lang thang với “bà hàng xóm” tôi cảm thấy thương vợ tôi nhiều hơn bởi vì nàng luôn luôn tin tưởng một cách chủ quan rằng sắc đẹp, đức hạnh của mình là bức tường kiên cố giữ được lòng chung thủy của đức lang quân… đồng thời cũng tuyệt đối tin tưởng vào cử chỉ săn sóc, âu yếm, lời lẽ ngọt ngào và sự nuông chiều… của tôi – người chồng mà nàng hết lòng yêu thương, tôn trọng.

Nhưng, “bà cụ nhà tôi” biết sao được, trong chuyện tình cảm nam nữ, đàn ông nói chung và riêng tôi, như là một thứ sinh vật ma mãnh, xảo trá, quỷ quái nhất trên đời! Và chẳng người đàn ông nào không ham thích “ăn” món lạ!

Còn quý bà? Quý bà sẽ làm thế nào nếu gặp phải ông chồng “đào hoa chi đểu” như… tui?

Thái Quốc Mưu
(SaiMonThiDan)

Không có nhận xét nào: