(Hình AFP: Người dân xem một bảng điều khiển năng lượng mặt trời ở San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, hôm 31/10/2015.)
(RFA 10/3) Năng lượng mặt trời là một dạng năng lượng tái tạo dồi dào ở những vùng có số ngày nắng nhiều trong năm. Để có thể thu được nguồn năng lượng đó đưa vào sử dụng, người ta cần có ‘pin mặt trời’.
<!->
Một nữ Giáo sư gốc Việt đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ) - Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, cùng các đồng sự ở phòng thí nghiệm của bà là tác giả của loại pin năng lượng mặt trời làm từ chất nhựa dẫn điện. Gia Minh hỏi chuyện Giáo sư Nguyễn Thục Quyên về sản phẩm khoa học đó. Trước hết bà trình bày:
Bây giờ, pin năng lượng mặt trời mà mình có thể mua ở thị trường thì làm bằng chất silicon. Nói chung, silicon rất là nặng và dễ vỡ. Trong vòng cỡ chừng 15 năm qua thì trên nước Mỹ và thế giới, các khoa học gia như tôi và những đồng nghiệp muốn chế pin năng lượng mặt trời nhưng làm bằng chất nhựa dẫn điện. Như vậy, giá pin năng lượng mặt trời này có thể rẻ hơn và sản phẩm tạo ra cũng rất là nhẹ, dễ uốn nắn.
Một điểm tốt nữa của loại pin này là có thể chuyển ánh sáng qua được, tức là nó không chặn ánh sáng như pin làm bằng silicon. Như vậy, người ta có thể dùng một lớp rất là mỏng bên ngoài những cửa sổ bằng kính của những tòa nhà cao tầng, dùng pin năng lượng mặt trời ép lên trên (có thể làm tăng vẻ đẹp của những tòa nhà đó). Tiếp nữa là có thể dùng để làm những màn che mặt trời hoặc trong xe hơi. Nói chung là có rất nhiều điều kiện để làm ra những loại sản phẩm khác nhau thay vì làm pin năng lượng mặt trời với silicon.
Gia Minh: Những chất nhựa dẫn điện này có dễ tìm kiếm không, thưa Giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Nói chung cũng không dễ tìm kiếm. Người ta bắt đầu nghiên cứu về những chất nhựa này, thông thường, mình nghe về chất nhựa là không dẫn điện; bao nhiêu năm rồi mình xài chất nhựa không dẫn điện. Chất nhựa dẫn điện này và các khoa học gia bắt đầu nghiên cứu từ thập niên năm 1970 nhưng thật sự bắt đầu tiến triển nhanh khoảng thập niên 1990. Từ năm 2000, những chất nhựa hữu cơ này được người ta chú tâm phát triển thành những màn gọi là “display”. Ví dụ mình mua điện thoại của Samsung thì màn hình của điện thoại đó làm bằng những chất hữu cơ này. Những loại TV mà uốn dẻo được, rất mỏng thì người ta cũng dùng những chất hữu cơ này để làm.
Gia Minh: Sự phổ biến của pin năng lượng mặt trời làm bằng chất nhựa dẫn điện như thế này, theo Giáo sư, đã được phổ biến đại trà đến đâu?
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Nó cũng chưa được đại trà lắm đâu vì pin năng lượng làm bằng chất silicon thì người ta nghiên cứu từ thập niên 50-60, rất là lâu và đến quãngg năm 2000 mới ra thị trường. Thông thường một quá trình nghiên cứu là từ 30 đến 40 năm. Pin năng lượng mặt trời này, các khoa học gia bắt đầu nghiên cứu nhiều vào thập niên từ năm 2000 thôi. Bây giờ chỉ có hãng Mitsubishi Chemical company ở bên Nhật bắt đầu ra sản phẩm đầu tiên gọi là window screen, một màn mỏng che nắng ở cửa kiếng. Đó là sản phẩm đầu tiên.
Một số sản phẩm khác cách đây mấy năm, chẳng hạn như người ta dùng làm cái laptop; Người ta bỏ miếng nhựa mỏng (pin năng lượng mặt trời) lên thì mình có thể sạc cái laptop của mình với computer hoặc là điện thoại cầm tay. Đó là những sản phẩm mà người ta bắt đầu đưa ra thị trường thôi. Nói chung, nghiên cứu trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời bằng chất nhựa này thì quãng chừng 10-15 năm trở lại. Tôi nghĩ trong tương lai, vài năm nữa thì mới có thể có nhiều sản phẩm ra ngoài thị trường được.
Gia Minh: Giáo sư có thể chia sẻ phần tham gia của Giáo sư trong những nghiên cứu này như thế nào không?
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Thời gian đầu trong thời gian từ 2004 tới cỡ chừng 2010 thì nhóm nghiên cứu của chúng tôi chú trọng về cấu trúc của pin năng lượng mặt trời. Từ tìm hiểu về cấu trúc tế bào này, chúng tôi mới tìm ra ra những vật chất mới để có thể phát triển pin năng lượng mặt trời này tốt hơn.
Trong vòng 5 năm qua thì nhóm nghiên cứu của chúng tôi chú trọng vô việc tìm hiểu, nghiên cứu những thiết kế, và cũng bắt đầu nghiên cứu về thiệt hại của pin năng lượng mặt trời này vì mình muốn là pin này phải tốt trong một thời gian lâu. Bây giờ, người ta làm trong phòng thí nghiệm nhưng trong phòng lab của tôi thì pin năng lượng mặt trời này chỉ làm việc được có vài tuần thôi thay vì vài năm. Chúng tôi đang cố gắng rất nhiều để tìm hiểu về cơ chế thiệt hại của pin này. Bắt đầu như vậy để kiếm ra những phương pháp để phòng chống thiệt hại để nó có thể làm việc lâu dài hơn.
Việc Đăng Ký Phát Minh
Gia Minh: Việc đăng ký sáng chế như thế nào, thưa Giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Về đăng ký sáng chế thì những phát minh trong phòng lab của chúng tôi thì chúng tôi có một vài bằng sáng chế phát minh. Trong nhóm sinh viên của tôi thì có ba sinh viên học tiến sĩ, đã ra trường được vài năm nay rồi. Một công ty ở Santa Barbara tập trung nghiên cứu phát triển những sản phẩm mà làm bằng pin năng lượng mặt trời bằng chất hữu cơ này và người ta dùng bằng sáng chế này của chúng tôi.
(Hình AFP: Các kỹ thuật viên kiểm tra các tấm năng lượng mặt trời cho người dân ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, hôm 25/2/2016.)
Gia Minh: Thưa Giáo sư, các nghiên cứu có nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ cũng như các cơ quan chức năng không?
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Nghiên cứu của chúng tôi có được hỗ trợ rất là nhiều từ National Science Foundation tức một federal funding của Mỹ; Chúng tôi cũng nhận hỗ trợ của Department Of Energy – cũng là một Federal Funding của chính phủ Mỹ; Chúng tôi còn có hỗ trợ của viện Hải quân Mỹ; Hỗ trợ của những công ty như Mitsubishi Company của bên Nhật.
Gia Minh: Là một khoa học gia có gốc Việt và được biết là Giáo sư cũng có nhiều lần về Việt Nam, vậy Giáo sư có những suy nghĩ gì để giúp đỡ cho khoa học Việt Nam trong lĩnh vực của Giáo sư không?
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Tôi có liên lạc với một số Giáo sư ở bên Việt Nam để xem người ta có muốn làm nghiên cứu về pin năng lượng mặt trời hay không. Tôi cũng có một số đồng nghiệp ở Việt Nam cũng bắt đầu làm vật chất để mà dùng cho pin năng lượng mặt trời hữu cơ này. Riêng tôi, tôi cũng nhận mộ số sinh viên hoặc là những người đã học xong tiến sĩ ở Việt Nam để mà đào luyện trong phòng lab của chúng tôi. Phần đông tôi về Việt Nam là tham dự chương trình khoa học và tôi thuyết trình về những công việc nghiên cứu của tôi về pin năng lượng mặt trời này. Tôi hy vọng các khoa học gia trẻ của Việt Nam sẽ đi vô con đường này. Nếu người ta muốn qua phòng lab của tôi để học tu nghiệp về đề tài này thì tôi sẵn sàng giúp đỡ.
Gia Minh: Năng lượng mặt trời hiện được cho là nguồn năng lượng có thể thay thế các năng lượng hóa thạch. Hoa Kỳ cũng như rất nhiều nước trên thế giới cũng chú trọng đến điều này. Giáo sư đã về Việt Nam cũng như đã đi nhiều nơi, vậy Giáo sư có đánh giá về khả năng phát triển nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam ra sao, thưa Giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam rất là nhiều. Mình ở vùng nhiệt đới nên nắng lúc nào cũng có.
Tôi có một người cậu ruột là Trần Thanh Thụy ở Sài Gòn. Cậu tôi cũng có làm việc với một số các công ty ngoại quốc muốn xây dựng pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Cho đến giờ phút này thì tôi chỉ biết có 1 hoặc 2 công ty ngoại quốc sẵn sàng bỏ vốn vô để về nghiên cứu làm pin năng lượng mặt trời ở Việt Nam nhưng chỉ là pin silicon thôi.
Tôi cũng nghe nói là nhà nước Việt Nam cũng như nước Mỹ và các nước khác trên thế giới vì nguồn năng lượng này còn rất là mới nên cũng chưa có những luật lệ để mà điều chỉnh nó như thế nào hoặc làm việc với những công ty như thế nào để mà khai thác pin năng lượng mặt trời này. Vấn đề người tiêu dùng cũng rất là khó, ngay cả tại Cali của Mỹ cũng vậy.
Gia Minh: Xin thay mặt quý thính giả của đài Á Châu Tự Do chân thành cảm ơn Giáo sư đã trình bày về pin năng lượng mặt trời làm bằng chất nhựa dẫn điện và những vấn đề liên quan đến nguồn năng lượng này. Cảm ơn Giáo sư nhiều và chúc Giáo sư khỏe.
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên: Tôi cũng xin cảm ơn tất cả những thính giả nghe đài và cảm ơn anh rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét