Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Một thế hệ văn học đang qua

Ở phía Bắc thành phố của di dân nước Korea có một khu vườn gọi là Vườn Quên, có một cư sĩ tự coi mình là Viên Ngoại áo trắng, vì lúc nào cũng khoác trên vai bộ đồ trắng tuy cũ kỹ nhưng tươm tất, đêm đêm có tật khi lên giường mà vẫn chong một ngọn đèn nhỏ, chiếu vào những bậc thang lên căn gác xép, trên bờ tường của cầu thang có treo một tấm tranh mỹ nữ có cặp mắt mơ màng, lim dim, nhưng cặp đùi bốc lửa, càng thêm rực rỡ vì nàng chỉ mặc bộ đồ mắt lưới, chân trái vắt lên chân phải, ngồi trên mặt một chiếc dương cầm. Đó là tấm bích chương chụp nàng Marylin Monroe đang hát bài Dòng Sông Vĩnh Biệt. 
<!->


Viên ngoại đôi lúc nói với nhà danh họa láng giềng rằng ngày xưa ở thành Thăng Long, xóm Bích Câu, một hàn sĩ treo tranh mỹ nữ trong thư phòng, ra vào lúc nào cũng chào hỏi người trong tranh, trước khi ăn còn mời người đẹp cùng ăn, mà một ngày kia người trong tranh hiện ra, không những cùng ăn với chàng mà còn thổi cơm nấu nước làm sẵn bữa ăn cho chàng đặng khi hàn sĩ từ giảng đường về nhà, khỏi phải nấu nướng nữa. Biết đâu có một ngày kia, khi chàng đang mơ màng giấc điệp, nàng Marylin không từ trong tranh bước xuống, cùng chàng ân ái mặn nồng. Viên ngoại có nhiều cơ may hơn hàn sĩ vì Vườn Quên ở khu di dân nước Đại Lý lại rất gần Hollywood, nơi cư ngụ năm xưa của danh ca Dòng Sông Vĩnh Biệt.
Nhưng đột nhiên cuối tháng hai năm Con Khỉ, viên ngoại đang mơ màng thì nghe một tiếng nói tuy không lớn lối, nhưng gằn giọng:
-Diêm Vương sai ta tới báo cho nhà anh biết rằng lâu nay anh chểnh mảng công sự, đèn nhang vắng ngắt nẻo đi về, người chết lũ lượt từ Nam ra Bắc, lúc quạ kêu quang quác xóm Thư Lại, không nghe anh báo cáo, khi cú rúc rền rĩ ngõ Sử Thần, chẳng thấy anh động đậy, hay nhà anh muốn rũ áo ra đi chăng?
-Ấy chết, bản chức còn đang kiểm điểm, phân loại. Chẳng qua sức người có hạn, trong vòng trên dưới một trăm ngày, mà thiên hạ đột nhiên đổ về bờ Sông Nại, tranh nhau xuống thuyền, nhiều kẻ đi không được mà về cũng không được nữa, còn đang hấp hối ở xóm Bia, hay Trại Dưỡng Lão, bản chức chưa hoàn tất danh sách.
-Vương phủ cho anh 7 ngày, hãy cấp tốc viết cho xong.
-Xin Thân Vương tâu giùm...
-Ta không có thì giờ!
Nói xong, âm xa rú như thú dữ, tiếng máy nổ nghe như máy xe Mercedes, biến mất, viên ngoại cư sĩ hối hả làm hai danh sách gửi đi, một danh sách thoái thác, và một danh sách chấp sự. Trong danh sách thoái thác, viên ngoại loại ra một số tên tuổi coi như không liên hệ, nên không nói tới, nhưng sẽ kê ra vài bài quan trọng để làm tài liệu kê cứu, đặng rộng đường dư luận.
Mở đầu trong vòng trên dưới một trăm ngày qua, những vàng rơi phấn rụng có nhà văn Mặc Đỗ Đỗ Quang Bình: Viên ngoại lấy bút son viết hai chữ “chấp sự,” (việc sẽ làm), kê nhan đề bài viết sẽ nộp, (1). Nhà văn Võ Phiến Đoàn Thế Nhơn, chấp sự nhưng có người thay thế viết (2). Nhà văn Phùng Nguyễn chấp sự, nhưng có người khác viết (3). Họa sĩ Đinh Cường: chấp sự, nhưng đã có người viết (4). Nhà thơ Hoài Khanh: chấp sự, bài có sẵn (5). Sử gia Tạ Chí Đại Trường: thoái thác, ngoại đạo, xem bài chỉ dẫn (6). Nhà giáo Lý Chánh Trung: thoái thác, ngoại đạo, xem bài chỉ dẫn (7). Nhà báo Nguyễn Đức Lập: chấp sự, sẽ viết (8). Dịch giả Nguyễn Ngọc Bích: chấp sự, nhưng có người khác viết (9). Chi tiết như thế xem thấy:
1- Mặc Đỗ, nhà văn, dịch giả, luật gia, tên khai sinh Đỗ Quang Bình, sinh 1917 (hay 1920) tại miền Bắc, mất ngày 20.9.2015 tại Austin Hoa Kỳ: Xem “Mặc Đỗ Đổi Mới” của Viên Linh, (Học Xá); “Nhân tác phẩm mới nhất và có thể là sau cùng của Mặc Đỗ,” của Viên Linh (Người Việt, Khởi Hành). Đây là hai trong những bài chiêu niệm văn nghệ sĩ miền Nam tiếp theo cuốn “Chiêu Niệm Văn Chương” về Vũ Hoàng Chương có đã từ lâu.
2- Võ Phiến, công chức bộ Thông tin, nhà văn, sinh 1925, mất 28.9.2015. Xem các bài về Võ Phiến của nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc trên Khởi Hành hải ngoại. Rất lâu về trước, có thể xem loạt bài “Mười tác giả viết về mười tác giả” do Viên Linh khởi xướng trên tuần báo Nghệ Thuật, bài 1 Viên Linh viết về Võ Phiến, số 29 ra ngày 30 tháng 4.1966, tính tới nay 2016 là đúng nửa thế kỷ.
3- Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Đức Phùng (1950 - 11.2015), nhà văn chủ trương trang mạng văn nghệ Da Màu với Đặng Thơ Thơ, Bích Thủy: Xem Da Màu.
4- Đinh Cường, họa sĩ (1940 - 7.1.2016). Xem bài về Đinh Cường của Huỳnh Hữu Ủy, Phạm Cao Hoàng.
5- Hoài Khanh, nhà thơ (1933 - 23.3.2016). Xem bài “Tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ,” của Viên Linh, Thời sự Nhân văn Người Việt. Tạp chí này xuất hiện tháng 7.1965, do Nhất Hạnh chủ trương, ra được 11, 12 số, 7 số đầu do Hoài Khanh làm thư ký tòa soạn, những số sau do Trụ Vũ (chi tiết do nhà thơ Thành Tôn cho biết, Thành Tôn có bài ngay từ số ra mắt).
6- Tạ C.Đ.Trường, sử gia (1938 - 24.3.2016) Xem bài “Nhận xét về sử gia Tạ Chí Đại Trường” của Trần Anh Tuấn, blog Trần Anh Tuấn [sẽ in trong Sử Gia tại Bắc Mỹ].
7- Lý Chánh Trung, nhà giáo (1928 - 13.3.2016). Xem bài “Hiện tượng Lý Chánh Trung” của Nguyễn Quang, DCVonline.
8- Nhà báo nhà văn Nguyễn Đức Lập (1945 - 29.2.2016), đã có 15 tác phẩm xuất bản tại Hải ngoại. Xem bài Viên Linh kỳ tới trên Người Việt.
9- Nguyễn Ngọc Bích, dịch giả (1937 - 2.3.2916).
Nhìn một cách tổng quát, trừ Phùng Nguyễn ra đi sớm vì ác bệnh, các cây bút được điểm danh ở những dòng trên tương đối sống thọ, trên 70 tuổi, hầu hết đã cầm bút vài chục năm, đã đóng góp nhiều tác phẩm trong 20 năm văn học miền Nam, không nhiều thì ít đã để lại những dấu vết ở bộ môn này hay ở bộ môn khác, sáng tác hay dịch thuật và biên khảo. Có những người thuần túy là nhà văn nhà thơ, sống nhiều bằng ngòi bút hay cây cọ như Mặc Đỗ, Võ Phiến, Hoài Khanh, Đinh Cường, Nguyễn Ngọc Bích, mỗi người để lại vài chục tác phẩm lớn nhỏ, sáng tác hay dịch thuật; trong chỉ có hai người còn sống bằng nghề hành chánh như nhân viên Bộ Thông Tin là Võ Phiến và Nguyễn Ngọc Bích. Hai người là nhà giáo, dạy học, và xuất hiện trong các biến chuyển sinh hoạt thời thế, cực kỳ khôi hài là Lý Chánh Trung đứng hàng đầu trong các cuộc biểu tình “ký giả đi ăn mày,” một phong trào góp phần làm nhục nước do ký giả Tô Văn tức tác giả dâm thư Cậu Chó đứng đầu, và Lý Chánh Trung đứng hàng đầu còn thấy trong các tấm hình thời sự để lại trên mặt báo, rồi sau 1975 cũng chụp hình chung đứng bên Tố Hữu Lê Văn Nuôi Huỳnh Tấn Mẫm. Ông sử gia họ Tạ thì lãnh giải thưởng của cả hai chế độ.
Dù sao, những rơi rụng suy tàn gấp gấp như cây cành mùa gió cho thấy một thế hệ đang qua, đang biến dần, là chuyện tự nhiên. Người chép sử tương lai của thế hệ tới rồi sẽ viết lại hết những trò dâu biển, bức tranh mây chó đã thấy một phần hiện ra. Ngay bây giờ những ai theo dõi đời sống hay sinh hoạt văn học đất nước từ ngoài vào trong đã thấy mơ hồ một chút rồi, với tôi thì đó là dấu hiệu đáng mừng: Có những cây bút ra đời sau 1975 đã lên tiếng, tuy còn tế nhị. Thế hệ ra đời sau 75 nghĩa là những người được sinh đẻ sau 75, còn lớn lên sau 75 cũng vẫn nhiễm trùng đáng ngại, dù ở nơi nào. Một thế hệ đang qua, ở cả trong lẫn ngoài nước, và một thế hệ khác đang hiện ra, hãy cầu nguyện cho họ. Trước khi cầu nguyện cho họ thành công, cũng cần cầu nguyện cho họ thoát khỏi bàn tay của những phù thủy giả đang ngược xuôi che dấu các tàn tích cũ.

Không có nhận xét nào: