Tôi được sinh ra và lớn lên ở Thôn 5, thuộc xã Kỳ Hoà xưa, tức là Xã Tam Hải, Huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam ngày nay. Kỳ Hoà là một hòn đảo. Từ Kỳ Hoà muốn đi đến nơi nào khác ngoài xã, người dân phải vượt qua sông nước. Con đò chính để đưa người dân ra khỏi đảo này là đò Hiệp Hòa ở Thôn Hai. Đòn này đưa người dân qua cửa biển Hiệp Hòa mà sang xã Kỳ Hà. Từ Kỳ Hà người ta đi một quãng đường bộ chừng 7 -8 cây số để đến Quốc lộ 1, rồi sau đó theo quốc lộ mà đến các nơi khác trong huyện, trong tỉnh hay trong nước, bằng xe đò.<!->
Đò Hiệp Hoà hoạt động suốt ngày và rất tiện lợi, nhưng đò cách Thôn 5 đến khoản 3 -4 cây số, cho nên đa số người dân trong Thôn 5 muốn đi đâu thì thường hay đi bằng các ghe chợ thay vì đi ghe đò. Các thôn khác, như thôn 3, thôn 2, cũng có ghe chợ nữa. Ghe chợ đậu ngay tại bến của Thôn, và ghe đưa người ta thẳng đến các chợ, đến Quốc Lộ. Cho nên khi đi bằng ghe chợ, người ta không phải lội bộ một quản đường dài, như đi ghe đò. Nhưng nhược điểm của ghe chợ là mỗi ngày chỉ có một chuyến ghe thôi, và ghe rời bến rất sớm, khoản 3-4 giờ sáng.
Khách thường xuyên của các ghe chợ là những "bạn hàng", tức những người buôn bán lẻ. Thôn 5 có hai ghe chợ đi thường xuyên mỗi ngày, đó là Ghe Trạm, đi Chợ Trạm, ở Xã Kỳ Khương; và ghe Cây Trâm, đi Chợ Cây Trâm, ở Xã Kỳ Chánh. Cũng có các ghe không thường xuyên như Ghe Cầu và Ghe Tam Kỳ. Để nói về sinh hoạt ghe chợ này, một "thi sĩ" trong thôn có những câu thơ mà tôi còn nhớ:
"Nghề chi cũng nghề làm ăn,
Cây Trâm, Chợ Trạm, lại xen Ghe Cầu
Bà Cừ đã khéo lo âu,
Đêm nằn chưa ngủ kêu nhầu bà Kiệm đi...."
Ghe chợ đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa của thôn xóm. Có thể nói, ghe chợ là cửa ngõ giao lưu với bên ngoài của thôn xóm. Xã Kỳ Hòa lúc ấy chưa có chợ. Cho nên, phải nhờ đến ghe chợ mà bà con trong thôn xã mời có thể đến các chợ để buôn bán, giao dịch. Dầu không phải là bạn hàng, không phải là người buôn bán, đối với tôi, nhắc đến ghe chợ là nhắc đến những kỷ niệm khó quên thời thơ ấu.
Hình ảnh đầu tiên về ghe chợ mà tôi còn nhớ là hình ảnh đón mẹ đi ghe chợ về. Mẹ tôi không làm nghề buôn bán cá mắm như một số các bà khác trong thôn, nên mẹ không đi ghe chợ thường xuyên. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, khi có đám kỵ, có Tết nhất, mẹ tôi cũng theo các ghe để đi chợ. Lúc ấy tôi còn học bậc tiểu học. Mẹ đi chợ là cả một biến cố lớn lao trong gia đình. Trong nhà mà không có mẹ thì thật là trống trải, bất an. Dầu mẹ đi chợ có mấy tiếng đồng hồ, đến trưa là mẹ về rồi, nhưng một buổi sáng không có mẹ ở nhà là một quãng thời gian dài như vô tận. Nhưng rồi buổi trưa cũng đến. Tôi cùng các em xuống bờ sông phía thượng nguồn đợi chờ. Những đôi mắt ngây thơ chăm chú hướng cả về giòng sông mênh mông hồi họp đợi chờ chiếc 11 ghe nhỏ xuất hiện. Chúng tôi hồi họp cũng phải, vì chúng tôi có nghe kể trong quá khứ, có người trong họ hàng khi xưa đi ghe chợ mà bị chết vì ghe chìm khi gặp trời giông gió.
Cuối cùng thì ghe chợ cũng xuất hiện. Chúng tôi cố nhìn cho rõ những ai trên chiếc ghe, và vui mừng nhìn thấy hình ảnh của mẹ trên ghe khi ghe tiến đến gần hơn. Chúng tôi vội chay dọc theo bờ sông để đến bến ghe mà đứng chờ đợi, giống như những người ngày nay đứng đón chờ thân nhân tại các phi trường. Nói cho oai vậy, chứ lúc đó chỉ là những cậu bé quê, mặc quần xà lỏn, đi chân đất, đứng giữa trời nắng chang chang mà thôi. Thật là niềm vui khó tả khi cuối cùng chúng tôi được nắm tay mẹ khi mẹ bước lên đến bờ. Như người ta nô đức đón chào các tuyển thủ của đội banh nhà chiến thắng ở sân người trở về, anh em chúng tôi hớn hở chạy theo mẹ khi mẹ gánh "đôi bầu" từ bến ghe về nhà.
Về đến nhà, chúng tôi hồi họp chờ mẹ mở nắp đôi bầu để lấy ra những món mẹ đã mua ở chợ. Nào là thịt heo, thịt bò, rau quả, đường bột, vv... Ấy là những nguyên liệu để nấu thành những món ăn đặc biệt mà mỗi năm chúng tôi chỉ có thể được nếm qua được chừng năm ba lần mà thôi. Ở những thôn xóm miền quê, món ăn thường ngày là cơm, khoai và rau cải, măm muối. Miền biển chúng tôi thường có thêm được cá tươi. Thịt là món xa xỉ dành cho những ngày Tết nhất, giỗ cõi mà thôi. Tôi chưa nói đến điều thích thú nhất của những lần mẹ đi chợ về ấy là những món "ăn chơi" mẹ mang về từ chợ. Ngoài những món mua về để dành cho giỗ tiệc, mẹ không bao giờ quên mua một vài món ăn ngay, mà trẻ con chúng tôi ưa thích. Có khi mẹ mua bánh kẹo. Những miếng bánh đúc, "kẹo ú" sao mà thơm, ngon như thế. Có khi sang hơn, mẹ mua "bánh kẹp". Có lẽ chỉ có vùng của quê tôi mới có loại bánh này. Đó là những chiếc bánh đa nướng phồng lên. Trên mặt bánh đa, người ta trải một lớp bánh ướt có quét dầu hành, rồi trên cùng là nhưn tôm và bột. Tập hợp ấy được bẻ làm đôi, xếp kẹp lại để cho nhưn và bánh ướt ở giữa và bánh đa ở phía ngoài. Mỗi người có thể ăn no bụng với hai ba kẹp như vậy. Nhưng anh em chúng tôi chỉ được mỗi đứa 1/2, hay 1/4 kẹp mà thôi. Chừng ấy cũng đủ đem hạnh phúc không nhỏ cho những tâm hồn ngây thơ thuở ấy.
Ghe chợ cũng giúp tôi "diện kiến" một nhân vật nổi danh trong vùng thuở ấy là ông "Mười No". Ông Mười No là một người bị bệnh tâm thần thường quanh quẩn vùng ở Chợ Cây Trâm. Ông là người "vô sản chuyên chính". Ông không có gì cả: không nhà, không cửa, không quần, không áo. Tuy bị tâm thần nhưng ông hiền lành, không la lối hay đánh đập ai cả. Ông rất khỏe mạnh.
Nhiều bà đi chợ mà có gồng gánh gì nặng nề, họ thường hay nhờ ông gánh hộ. Và rồi họ trả công cho ông bằng cách mua cho ông một tô cơm, một bát cháo. Những thông tin trên là những điều truyền khẩu tôi nghe, nhưng sống tại xã Kỳ Hòa lúc nhỏ, tôi chưa bao giờ trông thấy ông. Cho đến một ngày, đúng hơn là một buổi trưa, bỗng nhiên bọn trẻ trong xóm chúng tôi chấn động, vì có tin đồn rằng ông Mười No theo ghe chợ đến thôn xóm chúng tôi. Thế là lũ trẻ chúng tôi đổ xuống vườn dừa ven sông để xem ông Mười No, như người ta đón rước một yếu nhân của chính quyền. Chúng tôi đã không thất vọng. Tin đồn là chính xác. Khi chiếc ghe chợ xuất hiện trên mặt sông, chúng tôi có thể trông thấy bóng dáng một người đàn ông ở trần trên ghe.
Khi ghe đến gần hơn, chúng tôi thấy quả thật là ông trần truồng. Và rồi, không đợi cho ghe cập bến, ông đã vội nhảy xuống nước mà lội vào bờ, tiến về phía chúng tôi. Dầu nghe nói là ông hiền lành, nhưng nhìn bộ dạng man dại của ông, lũ trẻ không đứa nào không khiếp đảm. Tất cả vội vàng chạy tránh xa ông, nhưng mọi mắt đều tò mò hướng về ông. Ông đi loanh quanh, không nói năng, la hét gì. Nhưng ông có cách để thị uy bọn trẻ con chúng tôi. Ông ôm những gốc dừa và dùng răng cạp thân cây dừa, như muốn ăn tươi nuốt sống chúng. Bọn trẻ vừa sợ vừa thích thú theo ông xa xa phía sau, cho đến khi ông sang thôn khác. Sau này người ta không còn thấy ông Mười No nữa. Nghe đâu ông đã bị bắn lầm trong một đêm nọ. Người bị bệnh tâm thần như ông đâu có biết lệnh giới nghiêm hay là niềm thù hận, nguy hiểm của chiến tranh!
Thời gian trôi qua, đến lúc tôi phải xa trường tiểu học, xa xã Kỳ Hoà thân yêu để lên thị xã Tam Kỳ trọ học khi bước lên bậc trung học. Trong thời gian ấy, tôi thường về thăm nhà, trung bình mỗi tháng một lần. Những lần về thăm nhà như vậy tôi thường quá giang ghe chợ. Thường thường vào sáng Thứ Bảy, tôi đón xe Lam từ Tam Kỳ về đến chợ Cây Trâm, xã Ký Chánh. Lúc đó chừng khoảng 11 giờ trưa, là giờ tan chợ. Các "bạn hàng" lũ lượt rời chợ để xuống ghe về nhà. Tôi cũng xuống ghe theo. Thời ấy, người ta còn đi ghe chèo. Chủ ghe thì cầm chèo lái, còn các bà bạn hàng thì thay phiên nhau cầm các cây chèo phía trước. Tôi không đủ sức để cầm một cây chèo, nhưng cũng được các bà cho phép chèo phụ sức các bà, nhất là khi ghe phải đi ngược nước, ngược gíó.
Trên chặn đường sông hơn vài tiếng đồng hồ, chiếc ghe chợ trở thành một công đồng nho nhỏ, thân thương, vui vẻ. Các bà kể cho nhau nghe chuyện chồng con, chuyện làm ăn, buôn bán. Thời ấy chuyện gia đình đỗ vỡ, con cái hư hỏng tương đối hiếm hoi. Điều quan tâm chính của mỗi người là chiến cuộc tàn khốc và nỗi cơ cực thường xuyên của cuộc sống thôn quê. Các bà "bạn hàng" là những phụ nữ đảm đang. Chồng các bà, người kiếm cơm chính cho gia đình là những ngư phủ. Các bà muốn phụ thêm kinh tế gia đình bằng cách buôn bán. Các bà mua cá, mua mắm xã Kỳ Hoà rồi đem lên chợ bán kiếm lãi. Có những bà chịu khó hơn. Họ mua tận gốc, bán tận ngọn. Họ mua cá, mắm ở Kỳ Hoà, theo ghe chợ lên Kỳ Chánh, rồi gánh hàng của mình đi bộ lên tận các xã sâu trên miền núi để bán chịu cho những gia đình làm nông ở các xã ấy. Đến mùa gặt lúa, họ trở lên để lấy lúa đem về. Buôn bán cá thì chỉ có cách kho cho ngon. Còn buôn mắm thì phải pha chế thì mới có lời. Thường các bà mua mắm cái về và nấu thành nước mắm để đem bán. Khi nấu nước mắm thì phải pha thêm nước lạnh, thêm muối, thêm nước màu. Không ai nấu nước mắm chỉ toàn bằng mắm nguyên chất. Còn người người bán mắm cái thì pha thêm nước muối, nước màu vào mắm cho mắm tăng dung lượng, và xem hấp dẫn hơn. Có người chê việc bán mắm mà pha như vậy là không ngay thật, không đạo đức. Nhưng người miền biển lại có câu ca dao để biện hộ cho việc này.
"Ai ơi bán mắm không pha,
Lấy chi nuôi mẹ nuôi cha, nuôi chồng."
Cá nục là hải sản chính ở Kỳ Hòa. Ngoài ra Kỳ Hòa còn có một loại hải sản có giá trị hơn, đó là cá chuồn. Đây là một loại cá có vây rất dài. Chúng có thể phóng lên khỏi mặt nước và bay là là trên không một quãng xa. Cá chuồng có trứng mà kho hoặc ướp tỏi ớt rồi đem chiên thì ngon hết 13
biết. Các xã miền núi thì có nông sản chính là luá. Ngoài lúa ra họ còn cung cấp cho Kỳ Hòa một loại nông phẩm ưa thích khác là trái mít. Mít chín, thơm ngọt là món ăn ai cũng thích. Ngoài mít chín, người miền Trung còn hay ăn trái mít non. Người ta dùng mít non để nấu canh, làm gỏi, và nhất là kho với cá chuồn thì hết ý. Bởi vậy vùng này mới có câu ca dao:
"Ai về nhắn với nậu nguồn,
Mít non gửi xuống cá chuồng gửi lên"
Những chuyến về thăm quê của tôi chỉ kéo dài được có hai ngày. Sáng Thứ Hai, tôi lại theo ghe chợ để trở lên Cây Trâm rồi ra Tam Kỳ. Chuyến về bằng ghe chợ thì thoải mái, nhưng chuyến đi thì vất vả hơn. Lúc ấy, tôi chỉ mới có 12, 13 - tuổi mê ăn, mê ngủ, nhưng ghe chợ lại đi rất sớm, mà nhà thì không có đồng hồ báo thức. Làm sao mà dậy và chuẩn bị cho kịp để theo ghe chợ. Thường ba mẹ tôi phải căn dặn bà chủ ghe giúp kêu chúng tôi khi bà xuống ghe để chúng tôi có thể đi cho kịp. Tuy nhiên, ba mẹ tôi thường dậy sớm hơn, trước khi bà chủ ghe đến kêu. Dầu còn rất sớm, nhưng ba mẹ tôi không muốn con mình lên đường với cái bụng trống không. Ba mẹ muốn tôi phải ăn uống một cái gì đó trước khi xuống ghe. Thời ấy chưa có mì gói. Có món gì mà nấu cho nhanh, ăn cho lẹ để đi? Món tốt nhất thời ấy là uống sữa, sữa đặc hòa nước sôi. Nấu nước sôi để hòa sữa thì nhanh thật. Nhưng để cho sữa đang nóng sôi mà nguội xuống để vừa uống thì không làm sao cho nhanh được. Nhưng rồi chủ ghe lại đến kêu. Bưng sữa theo để uống thì không được, mà bỏ ly sữa lại không uống thì phí quá. Cho nên tôi phải gồng mình uống vội ly sữa. Miệng mồm như muốn chín luôn.
Xuống kịp được theo ghe chợ là điều rất vui mừng. Ghe chợ thường rất sạch sẽ, nhưng không ai bảo đảm là sạch sẽ hoàn toàn. Cho nên, khi lên nghe, tôi thường lộn áo ra bề trái để mặc. Như vậy, trong ban đêm, nếu rủi ro có bị dính thứ gì trên ghe thì cũng không sao, vì trước khi đến bến, tôi có thể cởi áo ra và lộn áo ra bề mặt, thì chắc là sẽ không còn vấn đề gì. Một hôm, cũng trong kế hoạch lộn áo như vậy, tôi bị "tổ trác". Hôm ấy, vì quá buồn ngủ, tôi đánh một giấc ngon lành trên ghe. Khi đến bến Chợ Cây Trâm thì trời đã sáng. Mắt nhắm, mắt mở lên bờ thì vừa lúc ấy một chiếc xe Lam cũng vừa kịp tới. Anh lơ xe đôn đả mời chúng tôi lên xe. Tôi cũng muốn đi cho nhanh để kịp đến trường, nên hăng hái lên xe. Sau mấy phút hối hả lên xe và ổn định tinh thần, tôi mới nhận ra rằng mình vẫn còn mặc áo trái. Bây giờ phải làm sao? Tiếp tục mặc áo trái để đến trường thì không được rồi. Thôi thì xấu mặt với người lạ còn hơn xấu mặt với người quen, tôi chọn giải pháp cởi áo ra, trở bề và mặc áo lại ngay trên xe, trước sự chứng kiến của tất cả các hành khách!
Sau thời gian học trung học ở Tam Kỳ, tôi vào Sài gòn để học tiếp và không còn mấy dịp đi ghe chợ nữa. Rồi tôi được ra nước ngoài, và Miền Nam thay đổi chính thể. Hai mươi hai năm sau tôi mới có dịp trở về thăm Việt Nam và thăm quê hương Kỳ Hòa. Thôn 5 của tôi đã bị cửa lở trôi đi không còn dấu tích. Một số người Thôn 5 di dời đến các thôn khác. Nhiều người dời vào tận Miền Nam, và nhiều người ra nước ngoài. Ngày nay, có con đường bằng xi-măng chạy xuyên qua xã Kỳ Hòa. Cũng có những con đường trải nhựa xuống tận bến Kỳ Hà. Tại cửa cửa Hiệp Hoà thì ngày nay có một chiếc phà nhỏ có đủ sức để chở một chiếc xe hơi qua lại. Phương tiện di chuyển ngày nay tốt hơn xưa nhiều. Không biết các thôn khác có còn ghe chợ hay không, chứ chắc chắn là ghe chợ ở bến Thôn 5 ngày xưa sẽ vĩnh viễn không còn. Dầu vậy hình ảnh ghe chợ Thôn 5 sẽ mãi mãi không mờ trong ký ức của tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét