Mình
biết nhau từ thời mới lớn, cùng đi trên một con đường đến trường, chỉ
khác lớp. Gặp nhau có cười – cùng xóm mà – nhưng không thân.Tuổi dậy thì
có nhiều rung động nhưng không cùng tần số. Bên ni biết bên tê “ bồ”
ai. Anh nghèo – Lạ thiệt, em quen ai cũng nghèo – Cha chết năm Mậu
Thân 1968, tìm ra xác ở Thành Lồi sau ba tháng .Từ Huế , anh ra Quảng
Trị nhờ ông chú nuôi dưỡng. Nhà ở trong xóm Hói, đi học trời lạnh chỉ có
cái áo khoác mong manh. Con nhà nghèo thường học chăm. Anh thuộc
loại cần cù, chịu khó. Mặt xương ,ngực lép do thiếu ăn. Em nhìn thấy
tội. Nhưng phải công nhận anh có đôi mắt đẹp.<!->
Năm 1972, mùa hè đỏ
lửa, trường Nguyễn Hoàng tan tác. Nhà em chạy vào Đà Nẵng , ở trại tạm
cư bên Non Nước một thời gian rồi chuyển về đường Đống Đa. Em thi đậu
vào Đại Học Sư Phạm Huế. Ba và anh chị thương con út, gởi vào Internat
Jeanne D’Arc của các Soeur dòng Saint Paul, một cư xá thuộc loại quý
tộc. Ăn có người dọn, giặt ủi có người lo, thậm chí buổi chiều có cả
gouter. Em học thêm tiếng Pháp với Soeur Madelaine. Cuộc sống hồn
nhiên,vô tư lự.
Em gặp lại anh ở Huế. Anh học trường Luật. Mặt mày
sáng sủa nhưng vẫn phải sống nương nhờ vào bà dì đại lý gạo ở đường
Quỳnh Lưu. Mạ và các em sống trong ngôi nhà tranh ở làng Đốc Sơ ngoài
cửa An Hòa. Mình hỏi thăm nhau như những người bạn cùng xóm, cùng quê.
Anh vẫn có một chút mặc cảm trước em. Mỗi mùa hè, em bay về Đà lạt. Ở đó
có anh chị của em , có người yêu em…
Có một lần, em tình cờ bắt gặp
người yêu em đi cùng một cô gái trên chuyến xe đò An Cựu trong đợt công
tác CTCT ở Quân khu I. Lòng kiêu hãnh của em bị tổn thương. Anh ấy cũng
không kịp giải thích. Em cắt thư từ. Em đi chơi với Kim Chi, Tường Vy,
với nhóm quý tộc…Tất cả những nơi sang trọng ở Huế đều có dấu chân em.
Em lại gặp anh. Em biết anh có tình cảm với em. Anh tháp tùng em cùng
Ma soeur Chantal trên chiếc xe Jeep của Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc
điều phái ra Quảng Trị theo lời xin của em với ông anh kết nghĩa. Chúng
ta đã đến căn nhà xưa của em, đã ngậm ngùi nhìn đống gạch ngói đổ nát.
Chúng ta nhắc tên những người hàng xóm cũ. Chúng ta xem trao trả tù binh
trên sông Thạch Hãn . Em có đến thăm anh ở căn nhà của bạn anh trên
đường Nguyễn Công Trứ nhưng sau đó chúng ta chia tay nhau.
Năm 1975,
em bước xuống cuộc đời. Nhà em hai anh rể và hai anh trai đi cải tạo.
Ba em đã già, mất tiền gởi ngân hàng, mất luôn tiền hưu trí công chức
chưa kịp lãnh. Nội trú xưa trở thành doanh trại quân đội nhân dân.Từ giã
cuộc sống phồn hoa, em ở cùng bạn thân Kim Chi trong một căn phòng trọ
đường Trương Định. Hai đứa ăn một suất cơm, phần gạo tiêu chuẩn bán đi
lấy tiền chi dụng. Người yêu em “nghìn trùng xa cách”. Còn anh, thỉnh
thoảng em gặp đi với một cô bé cũng dễ thương, ở đâu trong Thành Nội.
Em ra trường đổi về tỉnh Lâm Đồng. Không phải ngẫu nhiên mà em chọn
đây. Đà lạt, thành phố tuổi nhỏ thân quen; Đà Lạt, nơi chị em đang sống;
Đà lạt, dấu ấn mối tình đầu của em với cái nắm tay trong một đêm tối có
tiếng rì rào của rặng thông trước hiên nhà.
Một lần nữa chúng ta
gặp nhau. Có phải bàn tay định mệnh? Trường Luật bãi bỏ, anh vào Saigòn
sống nhờ bè bạn, chuyển sang trường Kinh Tế. Ra trường cũng đổi về Lâm
Đồng.
“Tha hương ngộ cố tri”, một hạnh phúc mà bài thơ xưa đã nói. Mạ
anh đã mất, các em anh ly tán. Em bùi ngùi. Chúng ta thân nhau hơn. Em
xác xơ với cái ngành sư phạm, quần áo rộng thênh. Anh thi thoảng được
mua hàng tiêu chuẩn đặc lợi của ngành nhưng cũng chỉ đủ tiền đóng cơm
tập thể và hút thuốc.
Rồi chúng ta quyết định lấy nhau.Từ tình yêu
ư? Không hẳn thế. Do thời cuộc thì đúng hơn. Chúng ta không có những
cuộc hẹn hò thơ mộng. Chúng ta cũng không có những bức thư tình ngọt
ngào đằm thắm. Nhà cô người yêu cũ của anh chê anh “tứ cố vô thân”. Sau
bao năm bặt tin, em cũng biết người yêu xưa của mình đã có vợ ở quê. Số
mệnh! Thôi thì đành. Đám cưới của em không có xe hoa, không có pháo nổ,
không có ảnh màu. Ba em thở dài, cho hai chỉ vàng làm vốn.
Chúng ta
đã trải qua thời bao cấp khốn khó. Con chúng ta đặt tên Chou và Beurre.
Nghe cứ như Tây nhưng thực sự đó là món ăn thường nhật của gia đình ta.
Mãi đến bây giờ em còn phát sợ cái món su xào. Những lần về Sài gòn
thăm chị , em xách theo ba kg trà khô lèn chặt để kiếm thêm chi phí.
Những lần cơ quan kiểm kê, anh nhặt nhạnh giấy vụn về bán kiếm cho con
hộp sữa Ông Thọ vàng khè. Chúng ta sống bình thường, cũng có những giận
hờn nhưng không trầm trọng.Tất cả đều cắm mặt vào mưu sinh, hơi đâu mà
cãi cọ khi tiêu chuẩn hàng tháng là 7 kg gạo hẩm và 3 kg bo bo. Gia tài
của chúng ta là những đứa con và hai chiếc xe đạp. Em không hề than thân
trách phận khi biết hai cô bạn thân của mình đều có được những ông
chồng giàu có. Em dặn mình nhìn xuống chớ nhìn lên. Dù rằng nếu không sự
thay đổi thời cuộc, chúng ta khó lấy nhau.
Bắt dầu có những
biến chuyển về chính trị, về kinh tế. Đời sống dễ thở hơn. Với khả năng
của anh, đã có con mắt xanh nhìn đến. Anh bỏ Ngân Hàng với cái phòng Kế
hoạch qua Kho Bạc Huyện với Fonction Giám Đốc. Anh mừng, em vui. Con
chúng ta có hộp sữa Liên Xô Simillac, rồi sữa Meiji của Nhật.
Nhưng
từ đó anh cũng về khuya hơn, miệng nồng nặc hơi men. Ngôn ngữ, phong
thái anh cũng dần thay đổi, thay đổi đến độ em ngạc nhiên nhưng nghĩ
chắc nghề nghiệp tạo tính cách. Đàn ông Huế ai cũng có chút máu gia
trưởng. Anh có lần bảo em, nếu có dịp về Huế sẽ cho gia đình người yêu
cũ biết thế nào là thằng “tứ cố vô thân”. Em im lặng cảnh báo anh “Kho
bạc nhà nước nhưng Tòa án nhân dân”.
Không chỉ dừng ngang đó. Những
cuộc giao tiếp kéo dài với những quan hệ phức tạp. Đàn ông ai cũng có
máu chinh phục, thích được ngợi ca, thích nghe những lời ngon ngọt,
thích được người khác tôn vinh. Em thì ngây thơ. Hơn nữa nghề giáo, cứ
nghĩ ai cũng nghiêm túc. Anh có những chuyến đi giao lưu, những cô em
kết nghĩa và kết luôn tình. Đã có những lời đồn thổi đến tai em. Em nhớ
lời giảng của Père Nguyễn Thế Huynh dòng Sulpice trong giờ Tâm lý học
đường. Một người đàn ông nghèo khổ khi thành đạt, anh ta sẽ có hai khả
năng. Một là anh ta sẽ vô cùng kỹ càng để chắt bóp; hai là anh ta sẽ tự
tôn để giã từ dĩ vãng đời mình. Anh ở trạng thái nào đây?
Em không
như những người phụ nữ khác. Hay là em chủ quan? Những người vợ thông
thường chắc họ sẽ ghen tuông, khóc lóc , cấu xé, sẽ áp dụng các biện
pháp thắt chặt. Đằng này, với cá tính kiêu hãnh em im lặng, tự ái,
cười nhếch môi. Ôi chao ! Cái complex supériorité hay do một cuộc hôn
nhân không xuất phát từ tình yêu???
Em không biết nhưng rõ ràng căn
nhà gỗ chắp vá của chúng ta không còn là tổ ấm. Anh ít về nhà, có một
căn phòng trên cơ quan và tuyệt đối em không hề bén mảng. Anh đã có điện
thoại di động đem phô trương một cách buồn cười, tự hào biết hát
Karaoke, nhậu rượu ngoại thay vì bia nặng bụng…Lâu rồi, chúng ta không
còn ngủ chung. Anh có một chìa khóa riêng và em cũng không còn kiên nhẫn
để chờ đợi thứ giờ giấc bất thường ấy.
Và cứ thế. Sợi dây càng lúc
càng căng. Anh tự tôn, em tự ái. Em đã đọc được bức thư của cô em “ kết
nghĩa “Nha Trang. Cô ta còn gọi điện thoại đến nhà. Em dững dưng. Lòng
nguội lạnh. Cô ta đòi happy ending; anh muốn làm quân tử cứu vớt đời
hồng nhan. Em biết anh từ những ngày ốm đói hàn vi ; cô ta biết anh khi
chối bỏ quá khứ một cách phũ phàng. Muốn, em nhường!
Ba em đau, anh
không hề quan tâm. Anh ở hẳn trên cơ quan. Ơn trời, anh chị ở nước
ngoài gởi tiền về chu cấp, Ba không phải lệ thuộc vào ai. Có một lần Ba
bảo với em “Hình như nhà con có tình nhân?”. Ôi, ba em vẫn giữ thứ ngôn
ngữ lịch sự của một nhà giáo có nhân cách. Em tránh né trả lời. Anh
xúc tiến việc lo cho cô em “kết nghĩa” nhỡ nhàng một chỗ làm.
Thái
độ cao ngạo của em như chọc tức anh. Cả tỉnh lẻ biết anh có bồ. Em lặng
lẽ đi về mặt nhìn đất hoặc nhìn trời. Không tâm sự , không than van.
Ngày ba em mất, anh không có mặt. Đám tang cử hành, anh không chít khăn tang.Thiên
hạ đàm tiếu, anh giải thích sao đó, em không quan tâm. Bao uất hận em
chôn kín trong lòng. Anh xử sự như một tên vô văn hóa và gia đình em
không bao giờ chấp nhận. Tháng sau ta chính thức chia tay. May mắn là ba
em đã không còn thấy để đau lòng. Cuộc ly hôn lặng lẽ. Do quen biết
chúng ta chỉ ra tòa một lần. Các con ở với em như một sự tất nhiên và em
cũng cay đắng mà hiểu rằng vì sao anh không giành giật. Ba tháng sau
anh lấy vợ. Đám cưới ở Nha trang, chắc chắn là to hơn cái đám cưới nghèo
nàn trong quá khứ mà anh đã không đủ tiền mua cho em một cái nhẫn. Anh
cũng khá khôn ngoan khi không tổ chức trong cái thị xã này.
Em khô nước mắt,ghi một câu trên bàn làm việc: “Revenge by work,work and work “.
Ngành
giáo dục cũng có những thay đổi. Cái mà người ta hô hào cải cách chính
là cái mà em đã học, đã am tường thời cũ. Em viết những bài nghiên cứu
về đổi mới sách giáo khoa, đổi mới chương trình. Em được chú ý với những
bài tham luận phê phán cách học, cách dạy duy ý chí. Em được mời tham
dự các hội thảo khoa học trên toàn quốc. Và em nhận ra rằng mình phải có
một cái học vị với đời và cũng để mưu sinh.
Biết bao nhiêu khổ cực
mà em đã cắn răng chịu đựng. Sau những buổi học, em đón chuyến xe đêm đi
về nhà, giặt đống áo quần lớn, kho cho con một nồi thức ăn rồi trở lại
trường , vào thư viện nghiên cứu đề tài mình bảo vệ.
Và em đã đạt được điều em muốn. Luận án có điểm cao nhất.
Em , người đàn ông trong thân xác người đàn bà. Em, cây liễu không núp
được bóng tùng quân đành tự mình trở thành cây thông trong gió bão. Với
mối quan hệ tốt em có thể về Sài gòn dạy một trường Đại Học như có giáo
sư đã đề nghị. Sau bao đêm suy nghĩ, em đã quyết định ở lại đây để ngạo
nghễ nhìn anh và nhìn đời.
Cùng môt lúc em dạy bốn trường: công
lập, bán công, dân lập và trung tâm giáo dục. Em mở thêm ba cours luyện
thi Đai học. Ăn toàn cơm hộp và fast food cho qua bữa. Có những buổi từ
trường về, em nằm xoài ra giường 15 phút để thở rồi trở dậy dạy, dạy và
dạy…Bây giờ nghĩ lại em còn rùng mình, không hiểu mình tìm đâu ra sức
lực. Hay nói cách khác em không dám đau. Em vắt kiệt sức mình để chứng
minh không có anh, em vẫn sống tốt.
Trời thương. Em dạy nhiệt tình ,
có uy tín, ra đề trúng tủ, phụ huynh tin tưởng gởi gắm, học sinh càng
lúc càng đông, chỗ ngồi chật kín. Có tiền em vẫn không dám tiêu vì dư âm
những ngày cùng khổ đè nặng. Em mua miếng đất nhỏ hộ thân.
Rồi thời
buổi kinh tế thị trường, đất lên giá. Em đổi miếng nhỏ mua miếng lớn,
đổi miếng xấu qua miếng đẹp, từ một miếng lên hai miếng… “Thánh nhân đãi
kẻ khù khờ “ hay hương hồn ba mẹ phò trợ, em thoát cảnh “Chạy ăn từng
bửa toát mồ hôi”. Em mua căn hộ nhỏ ở Quận I Thành phố cho hai con học
Đại học; em đập căn nhà chắp vá từng là tổ ấm của đôi ta để xây nhà mới.
Và em là một trong những cô giáo đầu tiên mua xe hơi trong thành phố
này.
Em hận anh vô cùng. Em làm là để trả hận. Mỗi lần cầm xấp tiền
trong tay em nhớ lời anh nói với anh trai em “Không có tôi, bà ấy sẽ lê
la đầu đường xó chợ”; em nhớ những lời anh đi thanh minh thanh nga sau
cuộc ly hôn. Anh là đàn ông mà sao không có cái trượng phu khí phách;
em nhớ đến món nợ em phải trả ngân hàng khi anh đi cầm cái sổ nhà để lập
tổ uyên ương. Chồng cũ của em, anh còn nhớ chăng anh??? Ngày em biết
mình trọng bệnh, em đã lập một cái di chúc có dòng chữ in đậm “Khi Mẹ
chết tuyệt đối không cho Ba có mặt ở đám tang”.
Đám cưới con trai dù
đau nhưng em rực rỡ với nụ cười mỹ mãn. Mọi chuyện đều do em thu xếp.
Anh chỉ là nhân vật phụ.Trưởng nam của chúng ta đó. Cháu đích tôn của
dòng họ anh đó nhưng anh không thể tổ chức ở nhà mình như em đề nghị. Em
chủ động cầm tay anh đi lên khán phòng. Mọi người vỗ tay khen em lịch
sự như quý bà mà không biết chân em đang run rẩy vì bệnh .Em cố đứng
vững với những cơn thở dốc. Nhưng cái em muốn là anh phải thấy sự thành
đạt của em. Em muốn anh thấy sự sai lầm của mình. Em muốn anh nhớ lại
thứ ngôn ngữ cay nghiệt như của một poissonnier mà anh đã từng buông
thả. Bao giờ em cũng vẫn lịch sự hơn anh.
Trong cái xã hội “Đảng làm
chủ” thì cái lí lịch đen ngòm của anh là rào cản lớn. Ba lần thẩm định
vẫn không giúp anh tồn tại trên ghế Giám đốc. Anh chỉ là một trái chanh
bị thải loại sau khi vắt cạn kiệt. Anh về hưu non, ngôn ngữ nhuốm màu
bất đắc chí. Phải chăng theo thuyết nhà Phật gọi là “Quả báo nhãn tiền”?
Sỹ
diện của một người đàn ông khiến anh không nói ra nhưng em biết chắc
anh đã ân hận. Anh không còn chê bai em nữa. Anh đã khen em với người
khác. Anh đã cười với em một nụ cười ngượng ngập. Nhưng tim em đã chết.
Gần hai mươi năm.Thời gian như nước trôi qua cầu, cái gì mà chẳng cũ.
Cô vợ mới của anh chắc cũng cũ theo tháng năm. Đã có lúc em muốn hỏi cô
ta “Có hạnh phúc không em?”nhưng nét mặt sầu thảm của cô ta đã là câu
trả lời. Câu hỏi của em có thể trở thành sự mai mỉa.
Anh không có
con với người vợ mới. Các con dù ở với em nhưng sợi dây huyết thống vẫn
ràng buộc. Chưa bao giờ em ngăn cản hoăc phản đối chuyện các con chu cấp
và trả cả nợ cho anh.Em vẫn tự hào chúng là những đứa con có hiếu.
Các con rồi sẽ bay xa. Chỉ còn lại em với nỗi ngậm ngùi. Em đã hy sinh
tất cả những gì mình có, kể cả cuộc hôn nhân có thể diễn ra với một
gentleman luôn theo dõi cuộc đời em gần hai mươi năm. Anh đã làm em
“Kinh cung chi điểu”. Em không dám mạo hiểm. Đêm đêm em chỉ có thể sống
đẹp với mối tình đầu qua hồi ức.
Chúng ta đều đã già. Lục thập nhi
nhĩ thuận. Em không hận anh nữa. Tout homme est sujet à l’erreur. Em
cũng đã có những sai lầm.
Chồng cũ của em. Đêm qua em đã châm vào
lửa bản di chúc cay nghiệt ấy. Em đã thật sự buông xả. Dù sao anh cũng
là ba của những đứa con em. Dù sao em cũng cám ơn anh đã giúp em tự
khẳng định mình.
Hương Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét