700 năm sau khi Phật Thích Ca nhập diệt mới xuất hiện kinh A Di Đà. Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử còn Phật A Di Đà chỉ tồn tại trong kinh điển.
Nhiều người không phân biệt được Phật Thích Ca và Phật A Di Đà.
<!->
Ở Việt Nam, rất nhiều người đi chùa nhưng không biết Phật là ai và cũng rất ít người phân biệt được Phật Thích Ca và Phật A Di Đà. Một số quan niệm cho rằng các ngài đã vô ngã, không còn chấp vào cái tên nên Phật Thích Ca cũng là Phật A Di Đà, Phật Di Đà cũng là Phật Thích Ca.
Tuy nhiên cách hiểu này chưa thấu đáo. Chúng ta thường ngày đi lễ Phật, cầu xin đủ thứ... mà không biết người mình đang cầu xin là ai thì thật là thiếu sót và rất dễ rơi vào mê tín.
Phật Thích Ca là nhân vật có thật trong lịch sử. Ngài sinh vào khoảng năm 623 trước công nguyên, tên thật là Tất-Đạt-Đa, thuộc dòng họ Thích Ca, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Thái tử có vợ là Da-Du-Da-La, con là La Hầu La. Lãnh thổ của quốc gia Thích Ca hiện nay thuộc về khu vực giáp ranh Nepal và Ấn Độ.
Thái tử sinh ra với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn, lại luôn luôn khiêm tốn, lễ độ nên được mọi người yêu mến. Ngài xuất gia vào lúc trăng tròn tháng 2 Ấn Độ khi tròn 29 tuổi.
Sau 6 năm khổ hạnh không kết quả, Ngài ngồi Thiền nhập định dưới cội cây Bồ Đề 49 ngày và chứng đạo, đắc quả vị Phật đầu tiên lúc sao mai vừa mọc. Thích Ca Mâu Ni là danh xưng thể hiện tôn kính Đức Phật là vị Hiền nhân trong dòng họ Thích Ca.
Hơn 40 năm thuyết pháp, Đức Phật nhập Niết bàn vào năm 80 tuổi.
Nơi sinh, nơi mất và nơi ở của Phật Thích Ca hiện nay đều được các nhà khoa học tìm ra với các chứng tích lịch sử. Đức Phật sinh ra không phải là thần thánh, Ngài là một con người, rời bỏ ngôi vàng, điện ngọc đi tìm con đường thoát khỏi đau khổ thế gian, sau đó Ngài hướng dẫn lại cho mọi người con đường đó.
Phật là một quả vị, hay có thể nói là một danh hiệu dành cho các vị giác ngộ tuyệt đối, vì vậy nên có nhiều vị được gọi là Phật. Có vị tồn tại trong lịch sử như Phật Thích Ca, có vị được biết đến chỉ trong kinh điển như Phật A Di Đà, Phật Dược Sư ...
700 năm sau khi Phật Thích Ca nhập diệt mới xuất hiện kinh A Di Đà, giáo chủ cõi Tây Thiên Cực Lạc.
Trên tranh, phật A Di Đà thường mặc áo cà sa đỏ. Cà sa Phật A Di Đà có khoét vuông ở cổ, trước ngực có chữ vạn. Nếu ở tư thế ngồi thì ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền định, trên tay có một cái bát, là dấu hiệu của giáo chủ (cõi Tây Thiên). Nếu ở tư thế đứng thì như lơ lửng trong không trung. Mắt Phật nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười nhân từ, tay phải buông xuống để chờ cứu vớt chúng sinh.
Tượng Phật A Di Đà
Bên cạnh Phật A Di Đà thường có hai vị đại Bồ tát: Quán Âm (bên trái Phật, cầm cành dương và bình nước cam lồ) và Đại Thế Chí (bên phải Phật, cầm bông sen xanh). “Nam mô A Di Đà Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật A Di Đà”.
Tượng Phật Thích Ca
Trong khi đó, tượng phật Thích Ca thường được vẽ một mình, hai bên không có hai vị bồ tát. Phật mặc áo cà sa, choàng chéo qua vai, đầu thường có một búi tóc cao, ngồi ở tư thế kiết già.
Mỗi tôn giáo có một vị giáo chủ và đạo Phật có một vị giáo chủ duy nhất đó là Phật Thích Ca.
Xuân Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét