Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Ra mắt sách và mừng sinh nhật Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm

Inline image 10
Mừng Sinh Nhật 84 của giáo sư Nguyễn Thanh Liêm.

Tham dự có một số vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, quý vị dân cử, quý vị đại diện cộng đồng, Giáo sư các trường Trung Học VNCH thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa, quý thân hào nhân sĩ , các Hội cựu học sinh Petrus Ký, Bưởi - Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, v.v., CLBTNS, Ban Tù Ca Xuân Điềm, các cơ quan truyền thông và đồng hương thân hữu.
<!->
Phần khai mạc do ông Phạm Tú và cô Kiều Hạnh phụ trách. Sau lễ chào cờ và phút mặc niệm, Đốc Sự Châu Văn Đễ thay mặt ban tổ chức ngỏ lời chào mừng quan khách và thân hữu, trong đó có cụ bà Ung Sao là nhạc mẫu của GS Nguyễn Thanh Liêm.
Giáo Sư TS Nguyễn Thanh Liêm và phu nhân cùng
 ông Bùi Văn Truyền cắt bánh mừng sinh nhật. 
(Thanh Phong/Viễn Đông)


Đốc Sự Châu Văn Đễ nói, “Người xưa có câu Hồng Nê Ấn Trảo, Dưỡng Lão Khất Ngôn có nghĩa là chim hồng chim hộc bay cao nhưng mỗi khi nó đậu lại nơi nào đều lưu lại dấu ấn móng chân. Con người sống trong cõi ta bà kham nhẫn biết bao vinh nhục thăng trầm, buồn vui sướng khổ từ lúc thanh xuân cho đến tuổi xế chiều, biết bao nhiêu là trải nghiệm của cuộc đời. Nếu không có cơ hội thi thố tài năng, không có đất dụng võ thì chết đi cũng mai một cùng cát bụi. Những kinh nghiệm của người luống tuổi quý báu vô cùng, do đó cháu con phải biết quý mến kính trọng bảo dưỡng để nghe lời răn dạy của họ.

“Chúng ta họp mặt thân mật tại đây để tỏ lòng quý trọng những bậc cao niên, nhứt là Mừng Sinh Nhật 84 của giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và Mừng Tuổi 96 của ông Bùi Văn Truyền, đồng thời mừng Thượng Thọ cho tất cả quý cụ có mặt ngày hôm nay...”

Inline image 5

Chương trình bước sang phần ra mắt tuyển tập của GS Nguyễn Thanh Liêm do MC Đốc Sự Hoa Thế Nhân đảm trách. Trong phần này, Hiền Tài Phạm Văn Khảm (Châu Đạo Cao Đài Nam Cali) có lời chúc mừng GS Nguyễn Thanh Liêm. Hiền Tài Phạm Văn Khảm chúc GS Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm với sinh nhật lần thứ 84 tràn đầy niềm vui trọn vẹn, đồng thời cũng thành tâm cầu nguyện Ơn Trên cùng các Đấng Thiêng Liêng ban nhiều hồng ân cho giáo sư luôn có được sức khỏe dồi dào, trí não quang minh, tinh thần mẫn huệ để tiếp tục sự nghiệp truyền bá nền Văn Hóa Giáo Dục Nhân Bản mà giáo sư đã từng theo đuổi... Ngoài ra, Hiền Tài Khảm cũng ngỏ lời tri ân GSTS Nguyễn Thanh Liêm đã nhận lời mời của ông thành lập Viện Nghiên Cứu Đạo Cao Đài - USA mà hiện nay giáo sư đang là Viện Trưởng. Giáo Sư Trần Văn Chi được mời lên trình bày nhận xét của ông về Tuyển Tập do GSTS Nguyễn Thanh Liêm biên soạn. Giáo Sư Trần Văn Chi nói, “Ở đời ai cũng mong có được Phước, Lộc, Thọ. Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm đã đạt được cả ba điều đó. Hôm nay, cuốn Tuyển Tập của giáo sư ra mắt, thông thường Tuyển Tập là cuốn sách ra sau, tuyển lựa, chọn lọc những bài ưng ý nhất trong các cuốn sách đã ra trước. Không biết cuốn Tuyển Tập này có phải là cuốn cuối cùng của giáo sư Liêm hay không, nhưng nếu đọc Lời Mở Đầu trong cuốn sách, chúng ta có thể hiểu rất nhiều về con người và sự nghiệp của ông.”

Tiếp theo, cô Cao Minh Châu giới thiệu tuyển tập dày 578 trang với lời tựa của giáo sư TS Trần Huy Bích. Toàn bộ tuyển tập, ngoài phần Dẫn Nhập còn được chia làm 7 chương, mỗi chương có những bài nói về Vấn Đề Giáo Dục, Vấn Đề Văn Hóa, Đồng Nai Cửu Long, Vấn Đề Tôn Giáo, Vấn Đề Chánh Trị, Những Danh Nhân, Thơ Văn và cuối cùng là phần trình bày Cảm Tưởng của một số độc giả.

Sau đó, tiết mục văn nghệ gồm Vọng Cổ với bài “Dạ Cổ Hoài Lang,” và chương trình bước qua phần hai với mừng sinh nhật giáo sư TS Nguyễn Thanh Liêm và mừng thọ ông Bùi Văn Truyền do Đốc Sự Châu Văn Đễ phụ trách. Trong lời chào mừng sinh nhật, mở đầu ĐS Châu Văn Đễ nhấn mạnh, “Đã 40 năm rồi, người Việt Nam đang chờ đợi một lời xin lỗi của tập đoàn đảng trị Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng vẫn không thấy. Một trong những lỗi lầm lớn nhứt của người cộng sản là thay đổi tên Saigon, Hòn Ngọc Viễn Đông bằng tên kẻ tội đồ dân tộc là Hồ Chí Minh. Ngày nào người cộng sản còn chưa xin lỗi đồng bào, ngày nào chưa trả lại tên Saigon là ngày ấy đừng hòng kêu gọi nối vòng tay lớn, hòa hợp hòa giải được.”

Sau đó, đề cập đến GSTS Nguyễn Thanh Liêm, Đốc Sự Châu Văn Đễ nói tiếp “Tại vùng Little Saigon hải ngoại này, không có cuộc biểu dương tinh thần quốc gia chống cộng sản nào mà vắng mặt Giáo Sư Liêm. Những chương trình trên tất cả các đài truyền thanh, truyền hình với chủ đề Người Đẹp Việc Đẹp đều thấy GS Liêm luôn xuất hiện để đề cao phong hóa nước nhà, giáo hóa đàn hậu tấn. Mặc dầu sức khỏe yếu kém, đã bị giải phẫu tim, nhưng vừa xuất viện là liền lên đài kêu gọi đồng bào giữ vững lập trường Người Việt Quốc Gia chống lại Nghị Quyết 36 của Cộng Sản. Kính chúc Giáo sư luôn an khang trường thọ để mưu đồ cho đại cuộc, giải phóng quê hương khỏi gông cùm Cộng Sản hầu tránh khỏi nạn xâm lăng của Tàu Cộng.”

Sau đó, ĐS Châu Văn Đễ cũng thay mặt ban tổ chức chúc mừng ông Bùi Văn Truyền sắp bước vào giai đoạn “bách niên giai lão.”

GSTS Nguyễn Thanh Liêm lên tâm tình, cảm tạ ban tổ chức, quan khách, thân hữu và tất cả mọi người đang có mặt. Ông và phu nhân đã cắt chiếc bánh sinh nhật trong tiếng vỗ tay vang rền và mọi người cùng đồng ca “Happy Birthday.” Một cựu học sinh Petrus Ký, học trò cũ đã lên thay mặt các học sinh Petrus Ký cảm tạ Thầy Liêm kính mến.


Inline image 6

Inline image 7

Inline image 9


Inline image 11

Inline image 13


Inline image 12


Inline image 8


Sau đó là bản hợp ca “Ly Rượu Mừng” và một vài bản hợp ca khác trong lúc mọi người nhập tiệc, một số quan khách lên phát biểu cảm tưởng, tặng quà kỷ niệm cho giáo sư và bế mạc.


Inline image 4
Ra Mắt Tuyển Tập Mừng Sinh Nhật GS Nguyễn Thanh Liêm

----------------------------------------------------------------------------

Ra Mắt Tuyển Tập Mừng Sinh Nhật Gs Nguyễn Thanh Liêm

Westminster (Bình sa)- -. Chiều Chủ Nhật  21-11-2010 tại hội trường Đài truyền hình VHN-TV, 16055 Brookhurst St. Fountain Valley, CA. 92708-1544, Văn Học Đồng Tâm và Lê Văn Duyệt Foundation phối họp tổ chức buổi ra mắt Tuyển Tập "Kỷ Niệm Về Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm" do Văn Đàn Đồng Tâm thực hiện, mục đích để tôn vinh nhà giáo, nhà văn hóa nhân bản Nguyễn Thanh Liêm. Buổi lễ diễn ra với sự tham dự khoảng 400 người ngoài một số quan khách, đại diện các hội đoàn, đoàn thể còn có các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, những cựu viên chức thời Đệ Nhị Công Hòa, các cựu học sinh thuộc các trường mà trước đây Giáo Sư Liêm đã dạy.

Mở đầu chương trình, Đốc Sự hành chánh Châu Văn Để thay mặt ban tổ chức lên ngỏ lời chào mừng và cám ơn quan khách cũng như thân hữu tham dự sau đó ông tuyên bố khai mạc chương trình. Nhân dịp nầy Ông cho biết, hàng năm vào dịp Thanksgiving, Hội Lê Văn Duyệt Foundation hay tổ chức một buổi họp mặt đồng hương trong tình thân hữu tại trụ sở của Hội. Nhưng đặc biệt năm nay dưới sự bảo trợ của Đài truyền hình VHN,Văn Học Đồng Tâm, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã đứng ra tổ chức buổi ra mắt Tuyển Tập " Kỷ Niệm Về Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm- Nhà Giáo Dục Văn Hóa Nhân Bản Việt Nam." Ông cho biết chương trình kéo dài từ 2:00PM- 5:00PM và sau đó là mừng sinh nhật thứ 78 của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, chương trình kéo dài đến 10 giờ đêm. Ông tiếp nói đến quá trình hoạt động của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm nói  hàng giờ cũng không hết chuyện. Giáo sư là một nhà giáo cần mẫn, một nhà tranh đấu không mõi mệt. Ông đã điều hành Hội Lê Văn Duyệt Foundation hơn 6 năm, ngoài ra ông còn tham gia nhiều tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam...

Tiếp theo các anh cựu học sinh Petrus Ký (Trương Vĩnh Ký ) với đồng phục áo trắng quần xanh thuở còn đi học lên chào mừng thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Liêm trong ca khúc " Hành Khúc Petrus Ký "  để tặng mừng sinh nhật thầy.  
 
MC Ngọc Mai tóm lược tiểu sử của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm: "Giáo Sư sinh ngày 20-11-1934 tại Tân Hội Mỹ, Mỹ Tho. Nhưng lớn lên tại làng Phú Túc, Quận Bình Đại ( Bến Tre ) và học tiểu học tại quê nhà. Học Trung học College Le Myre de Vilers ( Nguyễn Đình Chiểu ), Petrus Ký và đâu Tú Tài II. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn với Cử Nhân Giáo Khoa Việt Hán. Ông tốt nghiệp Iowa State University với bằng Ph.D/ Tiến sĩ Giáo Dục về Nghiên Cứu và Lượng Giá. Những chức vụ G/.S Nguyễn Thanh Liêm đã phục vụ trong ngành giáo dục trước 75: Hiệu Trưởng Petrus Ký Saigon, Hiệu Trưởng trung học Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) Chuyên viên Văn Hóa Giáo Dục, văn phòng chuyên viên Phủ Tổng Thống VNCH. Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH. Năm 75. Khi sang Hoa Kỳ ông làm việc tại  Trung Tâm Nghiên Cứu GD, Phát triển chương trình học và tài liệu giáo khoa tại Đại Học Iowa State University, Ames, Iowa. Giám đốc Chương Trình  Anh văn cho Gia Đình  sở GD Quận Cam. Ông về hưu 1999 dành thì giờ hoạt động cho các hội đoàn như Lê Văn Duyệt, Vĩnh Long, Câu Lạc Bộ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Văn Học Đồng Tâm và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ. Hiện là Trưởng Ban Tổ Chức Ngày VNCH để tiếp tục đệ nạp hồ sơ Thềm Lục Địa do cố Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn thực hiện vào tháng 5-2009. Ngoài ra ông đã viết rất nhiều tài liệu nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long và các Đặc san trong cộng đồng..." 
Sau đó Tiến Sĩ Thy Dung lên điểm sách. Được biết  tuyển tập dày 400 trang. Bà nói giá trị của tuyển tập không phải bởi vì các bài văn được viết bởi những người nổi tiếng trong lãnh vực văn học nghệ thuật VN, nhưng điều đáng trân quý ở đây là nội dung của mỗi bài viết đều thấm đượm tình cảm của người viết. Từ kính trọng, ngưỡng mộ, biết ơn, đến quý mến. Tuyển tập được đặc biệt phát hành như một món quà kỷ niệm và vinh danh Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, một nhà Giáo Dục Văn Hóa nhân bản nên ban biên tập đã trang trọng dành phần đầu của sách để trình bày 10 bài tiêu biểu của Giáo Sư. Phần hai của Truyển tập bao gồm gần 40 bài chọn lọc, nói lên cảm nhận của một số các nhà thơ, nhà văn thân hữu đã từng một thời là bạn đồng nghiệp, đồng môn, đồng chí hướng hoặc môn sinh của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm. Khi đọc những bài viết của G/S sẽ có một cái nhìn tổng quát về lịch sử và các biến chuyển của nền văn hóa VN qua các thời đại liên quan đến những biến cố chính trị của đất nước. Đó là một nhà giáo xuất thân miền Nam VN- Định Tường, Mỹ Tho nên lối viết của ông rất chân thành, nhưng không thiếu phần mạch lạc..." Sau đó cô Thy Dung giới thiệu CD  vợ chồng cô đã  tóm lượt về GS Nguyễn Thanh Liêm, như một món quà tặng trong dịp sinh nhật của G/S và kêu gọi mọi người ủng hộ mang về nhà nghe.


Inline image 1

Tâm Tình Về Thầy Liêm
Trần Việt Hải

Sáng hôm nay thứ hai ngày đầu tuần, tôi được tin vui vì Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là một trong 5 vị cố vấn văn chương cho Văn Đàn Đồng Tâm đã thành công trong ngày Đại hội của Đồng hương Định Tường Mỹ Tho và của Liên trường Nguyễn Đình Chiểu - Lê Ngọc Hân... 
Liền sau đó tình cờ nhà thơ Carole Phan Thanh Hương từ Toulouse, Pháp quốc email sang cho tôi bài hát mang tên "Ngàn Năm Petrus Ký", lời của GS Nguyễn Thanh Liêm, nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu, xin hãy xem ý nghĩa của bài ca mà GS Liêm viết về trường Petrus Ký của ông, của tôi và của chúng tôi như sau:

"Petrus Ký, trường Petrus Trương Vĩnh Ký
Mấy mươi năm lừng danh một gốc trời Nam Việt
Tinh thần khai phóng, tinh thần dân tộc
Đào tạo thanh niên tinh hoa giống nòi
Petrus Ký, nào học sinh Trương Vĩnh Ký
Nắm tay nhau dựng xây đời mới muôn thế hệ
Xứ sở thăng tiến tương lai đắp bồi
Truyền thống Việt Nam vang danh nhân loại
Hoc sinh Petrus Ký là tương lai đất nước
Nhân tài của quê hương xứ sở
Anh chị em Petrus Ký ngàn nơi trên thế giới
Không bao giờ quên mái trường xưa
Ta ghi ơn thầy cô,
Ta nhớ mãi bạn bè
Dù vật đổi sao dời
Dù năm tháng phôi pha
Anh em ơi về đây
Cùng chia sẻ vui buồn
Của lịch sử thăng trầm
Tìm lại kỷ niệm xưa
Ngàn Năm Petrus Ký
Ngàn Năm Petrus Ky
Petrus Ký muôn năm"

Bài viết này viết về GS Liêm nhân dịp Văn Đàn Đồng Tâm thực hiện sách vinh danh ông. Nói tới trường Petrus Ký thì đây là một đề tài quen thuộc mà GS Liêm thường đề cập đến trong văn chương của ông, lý do vì ông học ở đó, tốt nghiệp trung học xong, rồi về dạy học ở đó, và làm hiệu trưởng tại ngôi trường nam trung học lớn nhất và có uy tín ở miền Nam. Trong bài viết Tâm Tình Petrus Ký, ông tâm sự như sau:
"Tôi ra đời trong một làng quê ở tỉnh Mỹ Tho. Ngay từ lúc còn học ở trường Tiểu Học tĩnh, tôi đã được nghe ba tôi và chú tôi nói nhiều về trường Petrus Ký. Thấy các anh học sinh trường College Le Myre de Vilers với bộ đồng phục trắng có gắng phù hiệu trông rất uy nghi tôi đã nể phục các anh và ngưỡng mộ trường college này lắm rồị Nhưng chú tôi bảo là Petrus Ký còn to hơn, quan trọng hơn Le Myre de Vilers nhiều lắm. Riêng ba tôi thì hình như lúc nào cũng nhắc là nữa lớn con sẽ học trường Petrus Ký. Thành ra trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó trường Petrus Ký là cái gì vĩ đại lắm, nó lớn lao quan trọng vô cùng. Tôi cũng nghe một người bà con bảo là học Petrus Ký ra là làm cha thiên hạ đấỵ Lời phát biểu chói tai đó thật ra cũng có phần đúng đối với thế hệ của tôi và đối với người dân Miền Nam thời đó. Bởi vì cho đến năm 1945, sau ngày Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai chấm dứt, cả Miền Nam nước Việt chỉ có 4 trường Trung Học công là Petrus Ký, Gia Long, Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu), và College de Cần Thơ (Phan Thanh Giản), mà trong 4 trường đó chỉ có trường Petrus Ký là trường duy nhất có bậc đệ nhị cấp (tức là lycée hồi đời Tây). Dù ra đời trễ nhất trường Petrus Ký vẫn là trường lớn nhất, cao nhất, và nỗi tiếng nhất ở trong Nam. Thời xưa, có được bằng Tiểu Học đã là oai lắm đối với dân quê, có được bằng Thành Chung thì kể như trí thức lắm rồi, thuộc hạng thầy thiên hạ, huống chi là có được bằng Tú Tài Quí hóa vô cùng, có mấy ai có được bằng nàỵ Vậy mà trường Petrus Ký lại sản xuất ra số ít người quí giá đó. Bởi thế nên phụ huynh học sinh, những người hiểu rõ giá trị của giáo dục, nhất là những người có con trai, ai ai cũng đều mong muốn cho con mình được vào Petrus Ký cả."
Thật vậy, tôi nghe anh Nguyễn Can, một cựu học sinh Petrus Ky ở San Jose kể chuyện cảm động khi anh thi trúng tuyển vào trường Petrus Ký mẹ anh vui sướng đến khóc ròng, vì bà biết con bà sẽ nên nguời vì thành tích học tập sáng chói của kỷ luật Petrus Ký. Anh kể thêm nhờ kỷ luật học tập gắt gao của ngôi trường xưa ở bên nhà mà khi anh sang Mỹ, anh đã phá kỷ lục về số điểm học vấn để cho bạn bè Mỹ hiểu rằng người Việt Nam chúng ta vốn hiếu học và thông minh, không thua bất cứ sắc dân nào. Trong bài viết khác là "Petrus Trương Vĩnh Ký: Một Nhà Văn Hóa Sáng Giá, Một Ngôi Trường Gương Mẫu Của Miền Nam Nước Việt" của GS Nguyễn Thanh Liêm, ông ghi nhận qua bút tích:
"Ở đâu cũng có hội Ái Hữu Petrus Ký, ở đâu cũng có hình ảnh của trường Petrus Ký năm xưa, đặc biệt với hai câu đối nêu cao trước cổng trường:
“Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,
Tây Âu khoa học yếu minh tâm.”

Ngày xưa người học sinh Petrus Ký lúc còn học ở đây có thể đã không để ý tới hai câu đối này cũng như ý nghĩa quan trọng của nó đối với sự nghiệp văn hoá của Petrus Ký và chính sách giáo dục nhân bản, dân tộc, khai phóng của chế độ tự do dân chủ ở Miền Nam mà Petrus Ký từng là người khai đường mở lối. Nhưng ngày nay cựu học sinh Petrus Ký ở khắp các nơi cũng như nhiều phụ huynh học sinh Petrus Ký và các thân hữu đều có dịp thấy, đọc, và hiểu nhiều về sự nghiệp văn hoá của nhà bác học mà trường đã hãnh diện mang tên cũng như chính sách giáo dục tốt đẹp, lý tưởng của Việt Nam Cộng Hoà qua hai câu đối đầy ý nghĩa này.
Là một cựu học sinh Petrus Ký, cũng là cựu giáo sư và cựu hiệu trưởng của trường này, và với tư cách hiện thời là cố vấn đặc biệt cho hai hội Ái Hữu Petrus Ký Bắc và Nam California, tôi vô cùng hãnh diện và hân hoan được nhìn thấy nhiều đặc san Petrus Ký ra đời liên tục trong bao nhiêu năm nay ở hải ngoại từ các nơi ở Hoa Kỳ đến anh em Petrus Ký Âu Châu và Úc Châu, với rất nhiều bài vở hết sức giá trị nói lên cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, cùng những hình ảnh tốt đẹp về ngôi trường Petrus Ký gương mẫu ở Miền Nam."
Như trên đã đề cập cả cuộc đời của GS Liêm đã gắn bó với ngôi trường Petrus Ký, cũng như gần gủi với vấn đề văn hóa giáo dục, ông quan tâm đến tương lai của các thế hệ hậu sinh và lưu luyến với văn hóa gốc của dân tộc Việt Nam đặt trên nền tảng của những giá trị chân, thiện, mỹ, giá trị vi nhân bản, vi dân sinh, những yếu tố tinh thân cao quí ấp ủ trong dòng huyết quản của dân tộc chúng ta.

Inline image 2
GS. Nguyễn Thanh Liêm, cụ Bùi Văn Truyền, 
trò PK72 VHLA, họa sĩ đẹp trai Lưu Anh Tuấn. 

Trong bài viết: "Những Trở Ngại Lớn Trong Việc Phát Triển Giáo Dục ở Việt Nam Hiện Nay", ông quan tâm về sự đạo đức của môi trường học đường, giá trị thiết thực đào tạo nhân tài cần thiết để phát triển xã hội thời CS hiện nay tại quê nhà, Ông băn khoăn về nền giáo dục tại Việt Nam xuống cấp trầm trọng, nhà cầm quyền CS đã hùy hoại giá trị tốt đẹp của dân tộc. Ngày hôm nay ai cũng hiểu rõ đất nước Việt Nam tụt hậu, hay lạc hậu như thế nào khi so với các quốc gia lâng bang mà trước năm 1975 vốn không thể bì được với VNCH. Hiểm họa CS khiến cho dân tộc Việt Nam ngày hôm nay khó theo kịp những lân bang trong vùng.
Rồi nguy cơ ngoại bang thôn tính lãnh thổ Việt Nam, tôi thường theo dõi những hoạt động của thầy Liêm, được dịp nói chuyện với thầy về những vấn đề ưu tư quốc gia, tôi gởi thầy tài liệu, tin tức về các tin mới ở bên nhà khi tôi nhận được. Vấn đề mất những vùng biển, lãnh hải hay những hải đảo ở Biển Đông là vấn đề hệ trọng cho dân tộc Việt Nam, cho người trong xứ cũng như người Việt lưu vong tại hải ngoại, GS Liêm là người đồng hành với cựu thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trong Ủy ban soạn thảo thềm lục địa Việt Nam, khi dư luận quần chúng Việt Nam càng nôn nóng trước thái độ hung hãn của nước láng giềng phương bắc, nhà cầm quyền Việt Nam có những thái độ sợ sệt khó hiểu khi người dân và lãnh thổ bị đe dọa. Tôi xem những tin tức từ các bản tin Liên Hiệp Quốc về việc tranh chấp lãnh thổ, cho đến ngày 13 tháng 5 năm 2009, thời hạn chót mà Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc (the Commission on the Limits of the Continental Shelf hay CLCS) yêu cầu các nước ven biển nộp bản tuyên bố chủ quyền về Vùng Đặc Quyền Kinh Tế theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (the United Nations Convention on the Law of the Sea hay UNCLOS), có 50 quốc gia nộp bản tuyên bố chính thức như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei,… và có 10 nước mới chỉ nộp bản sơ bộ, nghĩa là còn bổ túc thêm sau này. Việt Nam vẫn im lìm, rồi lại hứa sẽ hoàn tất thủ tục cần thiết. Ủy ban phân ranh thềm lục địa (có 21 quốc gia thành viên) đã đưa ra thời hạn 10 năm, kể từ tháng 5 năm 1999 cho đến tháng 5 năm 2009, để các quốc gia ven biển dựa theo điều 76 của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, để đo lường định vị đường căn bản (baselines) rồi nộp bản tuyên bố chủ quyền trên vùng biển 200 hải lý tính từ đường căn bản này trở ra là một biến chuyển quan trọng trong việc xác định đường ranh giới trên biển một cách rõ ràng giữa các quốc gia.
Theo UNCLOS thì các quốc gia ven biển phân loại có 5 vùng biển:
1/ Nội Thủy: vùng biển nằm phía bên trong đường căn bản.
2/ Lãnh Hải: vùng biển rộng 12 hải lý phía bên ngoài đường căn bản.
3/ Vùng Tiếp Giáp Lãnh Hải: vùng biển nằm tiếp liền lãnh hải mở rộng 24 hải lý tính từ đường căn bản.
4/ Vùng Đặc Quyền Kinh Tế: vùng biển nằm tiếp liền với vùng tiếp giáp lãnh hải rộng 200 hải lý tính từ đường căn bản.
5/ Thềm Lục Địa: gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển kéo dài từ đất liền của mỗi quốc gia ven biển ra đến bờ thềm lục địa rộng từ 200 hải lý đến 350 hải lý tính từ đường căn bản.
Căn cứ theo Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của UNCLOS, Việt Nam không những có chủ quyền trên Biển Đông rộng 200 hải lý mà hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn nằm trong chủ quyền của Việt Nam xét về mặt lịch sử lẫn công pháp quốc tế. Bởi Hoàng Sa cách bờ biển miền Trung Việt Nam là 155 Hải Lý trong khi cách Trung Quốc đến 270 Hải Lý. Phần lớn quần đảo Trường Sa cách bờ biển phía Nam Việt Nam là 190 Hải Lý trong khi cách Trung Quốc đến 790 Hải Lý. Sự kiện Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và Biển Đông của Việt Nam đang bị Trung Quốc đe đọa là những điều vô lý khó lòng chấp nhận được về thái độ đê hèn, khiếp nhược của nhà cầm Việt Nam hiện tại.
Những điều này nhóm chuyên gia của GS Liêm đã thuyết trình nhiều lần. Như đã đề cập hồi đầu cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn đứng ra thành lập ra Ủy ban soạn thảo thềm lục địa Việt Nam dựa trên nền tảng công pháp quốc tế của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 đã từng tham gia vào việc soạn thảo Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, nhằm xác định Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam theo UNCLOS, đã đệ nạp nộp hồ sơ lên Ủy ban phân ranh thềm lục địa, yêu cầu giải quyết những tranh chấp về những chủ trương chủ quyền trên các Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý do các nước liên lụy đệ nạp. Là một thành viên trong Ủy ban soạn thảo thềm lục địa Việt Nam, GS Nguyễn Thanh Liêm cùng nhiều nhân sĩ, những thức giả nặng lòng với non sông đất nước vẫn tích cực tiếp tay trong Ủy ban soạn thảo, GS Liêm là người đã hoạt động hăng say sát cánh với Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn trong Ủy Ban, và địa chỉ của Ủy ban dùng là văn phòng liên lạc tại Hội Lê Văn Duyệt Foundation. Chẳng may thay Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn qua đời, GS Nguyễn Thanh Liêm nối tiếp công cuộc dở dang của Thủ Tướng Cẩn, tôi thường theo dõi những buổi hội luận về thềm lục địa Việt Nam và vấn đề tranh chấp Biển Đông được GS Liêm tổ chức trên đài truyền hình VHN. Thầy Liêm suy tư, thầy trăn trở về tình hình đất nước, mất đất đai, mất tiền đồ là nỗi buồn chung, tôi nghe tiếng nói trầm buồn của thầy trên màn ảnh Ti Vi, và trong điện thoại mỗi khi tôi gọi thăm thầy.
Viết lên điều này để những thế hệ học trò của thầy như Bác sĩ Dương Anh Dũng (Đức), Nguyễn Trung Kiên (Đức), Lê Trung Trực (Đức), Quách Vĩnh Thiện (Pháp), Chu Chỉ Nam (Pháp), Trần Gia Bình (Pháp), Đặng Thành Danh (Úc), La Anh Dũng (Úc), Chu Quốc Hưng (Úc), và nhiều học trò của thầy tại Âu, Úc, Mỹ, Canada hay tại Việt Nam,... nhiều lắm, chúng tôi nhìn thầy với sự tôn kính, với lòng ngưỡng mộ. Tôi có anh bạn Ngô Tấn Hoàng sinh sống tại Nashville, Tennessee, trong một dịp về thăm người bạn tại tại San Jose, anh Hoàng tình cờ gặp lại thầy Liêm, giáo sư dạy anh môn Việt văn tại Petrus Ký, anh vui mừng khi gọi điện thoại cho tôi biết như vậy. Sách giáo khoa ngày nào dạy chúng tôi ý niệm "Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư". Vã lại, phong hóa của người Việt Nam vốn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo. Tôi đọc bài viết "Tôn Sư Trọng Đạo và Cái Đạo Thầy Trò" của GS Nguyễn Văn Trường. GS Trường viết đề tài khá gần gủi với GS Liêm, bởi vì hằng năm tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation vẫn tổ chức "Ngày Nhớ Ơn Thầy", tức tương đương với ngày "Tôn Sư Trọng Đạo". Bài viết đề cập đến bốn chữ “Tôn Sư Trọng Đạo”, nói lên cái truyền thống cao quý của dân tộc Việt Nam là lòng kính trọng người thầy dạy dỗ mình. Như vậy hai chữ “tôn sư” bao hàm ý nghĩa là kính thầy và truyền thống cao đẹp của sở học là để ngầm hiểu về “trọng đạo”. Bởi vì sách đồng ấu giáo khoa thư cũng dạy học trò là "không thầy đố mầy làm nên". "Trọng Đạo" là tôn vinh cái đạo của thầy truyền lại cho học trò theo như ý niệm nho giáo của ngày xưa.

Inline image 3
GS Liêm và các cựu học sinh.

Trong phần kết luận của bài viết lại có đoạn nói về GS Liêm khiến tôi tò mò đọc tiếp, GS Nguyễn Văn Trường ghi nhận với lời tri ân:
"Sau cùng, tôi xin trân trọng cám ơn Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, người bạn cùng học Trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, đã luôn khuyến khích tôi ghi lại những cảm nghĩ của mình về giáo dục.
Houston, ngày 11 tháng 9, 2005."
Đó là phần cuối chấm dứt bài viết, tôi đọc với ý tưởng đoán mò chắc đây có thể là một bạn đồng môn đàn em đi sau thầy Liêm nên mới có hai chữ "khuyến khích", cái động từ rất dễ thương đi kèm trong câu văn. Rồi một hôm trong lúc điện đàm với thầy Liêm, tôi hỏi thầy là GS Nguyễn Văn Trường có phải đã học cùng ở trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho với thầy. Thầy Liêm xác nhận là đúng, nhưng "thầy Trường là xếp cũ của thầy!". Đến đây thì "bé cái" Việt Hải đã lầm rồi... huhuhu... Bởi vì một người thầy khiêm tốn khi gửi gấm câu văn kết luận đượm nét tri ân tế nhị như thế đấy.
Ngoài GS Nguyễn Văn Trường đề cập về GS Liêm, tôi đọc ý tưởng của những vị học giả khác như Tiến Sĩ Trần Văn Đạt nhận xét về GS Nguyễn Thanh Liêm như sau:
"GS Liêm là một mẫu người cao niên hiếm thấy ở xã hội này. Ông đã và đang đóng góp nhiều công sức và kiến thức vào phát triển, bảo tồn văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, nổi bật hơn hết là việc sáng lập Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Nam và Bắc Cali, Tả Quân Lê Văn Duyệt Foundation và Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai - Cửu Long. Xin cầu chúc Giáo Sư được nhiều sức khoẻ để tiếp tục con đường phục vụ phát triển văn hóa ít ra cho cộng đồng người Việt ở miền Nam Cali."
GS Nguyễn Trung Quân, cựu Hiệu trưởng Trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, nhận xét về GS Nguyễn Thanh Liêm:
"GS Nguyễn Thanh Liêm luôn luôn có cách xử sự, nói năng và làm việc ôn tồn, hòa nhã nhưng rất nghiêm trang và cương quyết. Trong suốt những năm làm việc dưới quyền ông, tôi chưa bao giờ thấy ông to tiếng hoặc gắt gỏng với bất cứ ai. Nhưng khi ông đã quyết định tiến hành một công vụ đúng với đường hướng giáo dục quốc gia, có lợi cho tương lai của tuổi trẻ và phù hợp với các nguyên tắc căn bản của nền giáo dục Việt Nam là dân tộc, nhân bản và khai phóng thì ông quyết tâm theo đuổi tới cùng cho đến khi thành tựu."
GS Nguyễn Văn Sâm, cựu Phó Viện trưởng Viện Đại học Cao Đài, Tây Ninh, tâm sự về GS Nguyễn Thanh Liêm:
"Khi đến Hoa Kỳ thì tôi nghe thấy nhiều tiếng tốt về Giáo Sư Liêm trong những sinh hoạt nổi của cộng đồng. Anh viết sách về giáo dục, về văn hóa với cái nhìn sâu sắc của người trong ngành, anh viết bài về chánh trị với những vấn đề có tính cách đường dài, anh diễn thuyết về những tác giả nổi tiếng của Miền Nam. Anh điều hành thành công một vài hội đoàn với đặc san ra đều đặn hằng năm, và thành công nhứt đối với tôi là hội Tả Quân Lê Văn Duyệt do anh sáng lập."
Nhà văn Cát Biển nghiên cứu những hoạt động của GS Nguyễn Thanh Liêm, ông cho lời nhận định như sau:
"Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã làm tròn sứ mạng kẻ sĩ được dòng sinh mệnh dân tộc giao phó. Ông đã hoàn tất đẹp đẽ vai trò xã hội và giáo dục đối với quốc gia. Ông đã đào tạo được không biết bao nhiêu nhân tài cho xứ sở. Ông đã mang được cái đẹp truyền thống của bản sắc Việt hội nhập vào xứ sở đa nguyên tại Hoa Kỳ. Ông đang sống bằng hơi thở và lý tưởng của một kẻ sĩ trước mọi thử thách của thay đổi."
Nhà văn Trường Hà Vũ Duy Toại tại Dusseldorf, Đức Quốc, viết về GS Liêm, một nhân sĩ của VNCH đúng nghĩa:
"Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm cũng là người tích cực trong công cuộc đấu tranh cho tự do và nhân quyền của người dân Việt Nam đang chịu đọa đày dưới chế độ toàn trị cộng sản. Đối với tôi Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm vừa đáng là bậc thầy vừa là người đồng hội đồng thuyền trong cuộc sống viễn xứ này."

Bình luận gia chính trị Chu Chỉ Nam ở Paris vốn theo học thầy Liêm ở Petrus Ký đã cho cảm nghĩ về vị thầy cũ của mình:
"Con người của Thầy Liêm là con người làm việc không ngừng nghỉ để làm sáng cái đức sáng, làm mới người dân và đi tới cái gì tốt và đẹp, cả bao chục năm nay, không chỉ ở địa vị của một thầy giáo, mà còn ở địa vị của một nhà nghiên cứu văn hóa. Nhưng cái hay của Thầy, điều mà tôi cảm nhận từ Việt Nam, chính là Thầy tìm thấy cái vui trong việc làm, trong công trình nghiên cứu và học hỏi."
GS Nguyễn Hữu Phước viết bài qua lời tâm tình và kỷ niệm với GS Liêm, ông ghi nhận về GS Liêm:
"Anh Liêm là một nhà giáo dục chân chính, góp rất nhiều công sức cho sự phát triển nền giáo dục dân tộc, nhân bản và khai phóng cho Việt Nam Cộng Hòa trong thập niên 1965-1975. Ở Hoa Kỳ, khi tái định cư ở vùng Orange County, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm đã tiếp tục công việc nghiên cứu và phát triển văn hóa Việt Nam qua tập san Đồng Nai - Cửu Long. Trong tập san nầy, anh nhận được sự hợp tác của nhiều nhân sĩ, học giả, nhà văn, nhà báo. Riêng anh, anh là tác giả của nhiều bài nghiên cứu giá trị."
Những lời nhận xét của vị giáo sư dạy tôi môn toán lớp 12B4, GS Trần Thành Minh, viết về thầy hiệu trưởng Nguyễn Thanh Liêm, 2 vị giáo sư khả kính của sân trường Petrus Ký với nhiều kỷ niệm trong tôi:
"Anh Nguyễn Thanh Liêm, người bạn đồng môn và người bạn đồng nghiệp cùng thời với tôi từ năm 1955 tại trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, là người bạn tốt có thủy, có chung và là người Thầy cao quí, gương mẫu, đạo đức, suốt đời vì sự nghiệp giáo dục và văn hóa kể cả khi anh định cư tại Mỹ.
Saigon tháng 6 năm 2010
Trần Thành Minh"

Petrus Ký Nam-Bắc Cali kỷ niệm - 
30 năm xa xứ với GS Liêm, hè 2005
Chiến cuộc Việt Nam dâng cao khốc liệt vào dịp CS lợi dụng Tết Mậu Thân, năm 1968, hai bên Nam- Bắc đồng ý hưu chiến để người dân yên vui hưởng không khí ngày thiêng liêng đầu năm. Nhưng rồi người CS với bản chất gian manh quỷ quyệt đã bất ngờ tung mặt trận tổng tấn công, đánh lén VNCH trên toàn diện, trước nhu cầu của đất nước, GS Nguyễn Thanh Liêm đã gia nhập quân đội, ông theo khóa 2 Thủ Đức 1968, cấp bậc sau cùng là trung úy trước khi được thuyên chuyển về Bộ Văn Hóa Giáo Dục vì nhu cầu của thời cuộc. GS Liêm cũng đã ủy viên đặc trách văn hóa thuộc văn phòng đặc biệt tại Phủ Tổng Thống một thời gian.
Từ 1972 đến 1975 là ông đảm nhận vai trò thứ trưởng văn hóa giáo dục đặc trách về trung và tiểu học. Trong thời gian này ông đưa ra những cải tổ lớn trong ngành giáo dục về chương trình học, nâng cao phẩm chất tuyển dụng sư phạm, về thi cử như tú tài trắc nghiệm được ứng dụng,... Tôi muốn nhắc lại đôi chút về ngành học của GS Liêm. Sau khi tốt nghiệp trung học Petrus Ký, ông theo học Đại học Cao Đẳng Sư Phạm ban việt hán, và đồng thời ghi danh theo học Đại học Văn Khoa, GS Liêm rất thích thi ca nói riêng, hay văn chương nói chung.
GS Nguyễn Thanh Liêm hoạt động nhiều trong lãnh vực văn hóa, hình như ngành văn hóa giáo dục là phạm vi đam mê của ông, nhất là khi ra xứ ngoài; Cái văn hóa gốc cần được gìn giữ để nguồn gốc Việt Nam có cơ may tồn tại. Nếu một ngày nào đó văn hóa gốc bị quên lãng hay ruồng bỏ bởi các thế hệ trẻ đi sau, sẽ là một điều rất đáng tiếc cho chúng ta khi con cháu bị đồng hóa hoàn toàn y như người bản xứ, nếu không còn giữ một chút gì bản sắc gốc Việt Nam.

Như Tiến sĩ Trần Văn Đạt và GS Nguyễn Văn Sâm đã đề cập, GS Liêm thành lập Hội Lê Văn Duyệt Foundation, và chính thầy là người cổ xúy đôn đốc các cựu học sinh Petrus Trương Vĩnh Ký thành lập Hội Ái Hữu Petrus Ký, thầy muốn các anh chị em tiến đến thành lập Hội Petrus Ký Foundation, với mục tiêu xiển dương tinh thần Petrus Ký. Nhà bác học Petrus Ký với một sở học uyên thâm, kiến thức uyên bác, là người đã đóng góp công sức tích cực trong việc phổ biến Việt ngữ qua nhiều tác phẩm mà ngài viết vào thuở tiếng Việt ban sơ, ngài cũng là người cha đẻ hay tổ phụ của ngành báo chí Việt ngữ. Hội Ái Hữu Petrus Ký có vai trò cục bộ nối kết tình thân giữ các học sinh Petrus Ký. Mục tiêu của Hội Petrus Ký Foundation bao la, bao quát cho mời gọi người gia nhập, hội viên không ắt phải là cựu học sinh trường Petrus Ký, vì như Đức tả quân Lê Văn Duyệt, Nhà bác học Petrus Ký là nhân tài của quốc gia, của tất cả mọi người. Trong khi Lê Văn Duyệt Foundation chú trọng những nề nếp phong hóa xưa như tôn vinh Ngày Tôn Sư Trọng Đạo tức dịp nhớ ơn thầy cô, Ngày văn hóa Lễ Cúng Kỳ Yên theo tinh thần truyền thống cúng bái của Lăng Ông Bà Chiểu, Hội cũng hợp tác với Hội Đền Hùng trong dịp lễ nhớ ơn Quốc Tổ Hùng Vương,... thì trên một phương diện khác Hội Petrus Ký Foundation chú trọng vào những lãnh vực phổ biến và phát huy văn học Việt ngữ và báo chí, việc giảng dạy Việt ngữ khi cộng tác với Hiệp hội các trường Việt ngữ,... Nên Petrus Ký Foundation là ước muốn của GS Liêm, thầy tâm sự với tôi về điều này.
Tôi hiểu sức khỏe thầy Liêm có hạn, ở tuổi xấp xỉ bát tuần mà hầu như tuần nào thầy cũng đi hội họp, tham dự các sinh hoạt ích lợi cho cộng đồng, thầy còn viết rất nhiều bài vở, chăm lo cho Tuyển tập nghiên cứu và biên khảo văn học Đồng Nai Cửu Long. Phải nói là tôi rùng mình cho sức khỏe của thầy. Ở thế hệ của thầy đa số bạn bè đều bớt làm việc lại hay đã rửa tay gác kiếm để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Riêng thầy Liêm vẫn mải mê làm việc không ngừng nghỉ như lời nhà bình luận Chu Chỉ Nam nhận xét về thầy.

Hiện nay thầy Liêm và cô Phương đang sống hưu trí tại thành phố Santa Ana, thuộc miền Nam Cali, trong căn tháp ngà mobile home thật xinh xắn, rất khang trang, tọa lạc trên đường Bali. Tôi đã đến hải đảo Bali của Nam Dương, nơi mà tôi rất thích vì lưu luyến. Tôi cũng đã đến căn tháp ngà Bali của thầy Liêm và cô Phương mà tôi cũng thích nốt, Bali nào cũng lý tưởng cho cuộc sống về hưu, về chiều. Sự thanh tịnh, yên bình của hai Bali cho tôi cảm giác thoải mái, dễ chịu. Tôi ngồi tại phòng làm việc của thầy, thầy trò hàn huyên bàn chuyện sách vở hay viết bài vở biên khảo. Tôi được biết cô Phương, hiền thê của thầy, là một cựu nữ sinh Gia Long và trước khi nghỉ hưu cô là một dược sĩ. Tôi đùa với thầy là thầy rất may mắn vì có một vị dược sĩ lo lắng thuốc men và sức khỏe fulltime. Cô thầy sống rất hạnh phúc.
Tôi theo thầy ra xe đi họp Đại hội Petrus Ký Nam-Bắc Cali năm nào, trên đường đi trên xe thầy hỏi tôi có thích nghe cải lương không, câu hỏi của thầy đánh trúng ngay tim đen của tôi, tôi đáp tôi rất thích nghe tân cổ giao duyên. Kỷ niệm ngày xưa đong đầy trong tôi khi mà trời mùa hè ở Sài Gòn xưa nắng vàng oi ả, tôi thường trèo lên cây mận hồng đào hay cây vú sữa tím than trong sân nhà hái những quả chín cây, ăn ngay trên cành, còn gì thú vị cho bằng nhỉ. Rồi bỗng chị người làm mở cái đài phát thanh Sài Gòn, từ 11 đến 12 giờ trưa có giờ cổ nhạc, tôi nghe cải lương thật là mùi lỗ tai, đã lỗ nhĩ. Chị Út người làm nhà tôi có cái thú nghe cải lương với âm độ radio phải mở thật to, tôi cám ơn chị Út giới thiệu cho bà con xóm giềng nhà tôi ngành cải lương châu báu của dân tộc. Nhờ chị Út ở nên tôi mới biết giọng ca của Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương, Minh Cảnh, Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tòng, Hữu Phước, Út Trà Ôn, Thành Được, Dũng Thanh Lâm,... và kép nào ca "mùi" hơn kép nào,... , hay Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết... đào nào ca "ngọt" hơn đào nào. Cả một rừng kỷ niệm của ngày xưa.
Tôi nhớ những kỷ niệm đi về miền Tây nghỉ hè, về Cần Thơ, Sa Đéc, Châu Đốc, hay Kiên Giang,... trên xe bác tài cho nghe cải lương trên tuyến đường xa, ôi, một kỷ niệm tuyệt vời mang theo trong ký ức cũ để trả lời câu hỏi của thầy Liêm nếu tôi thích nghe cải lương, thầy sẽ mở cho nghe. "Dạ, em xin thầy mở cho nghe!". Tôi ngó một collection CD cải lương khá dồi dào trên xe Cadillac, tôi đoán thầy thích bộ môn cải lương nhiệt tình lắm.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - 
Nhà Văn Hóa Giáo Dục Nhân Bản Việt Nam
hật vậy, thầy Liêm là người của văn thơ nhạc, thầy có tâm hồn tài tử, tâm hồn nghệ sĩ yêu nhạc, dù tân nhạc hay cổ nhạc. Thầy cho tôi biết thầy lớn lên trong gia đình mà người chú ruột lại là một soạn giả cổ nhạc có hạng trong ngành cổ nhạc, và thân phụ là một nhà giáo lại có tâm hồn nghệ sĩ, vì ông là một cao thủ xử dụng đàn cò ở đất Mỹ Tho. Tôi thích thú nghe chuyện xưa, như chuyện Mỹ Tho, nơi quê hương của thầy rất trù phú về nhiều mặt, ví dụ như đất dai, cây trái, thức ăn, nghệ thuật, tình người,...

Tôi được dịp trao đổi với thầy về những soạn giả cải lương, điển hình như Năm Châu, Hà Triều Hoa Phượng, Viễn Châu,... Viễn Châu là soạn giả của bài tình ca vọng cổ tuyệt tác "Tình Anh Bán Chiếu". Tôi vốn thích tác phẩm này. Ngoài ra, thầy Liêm cho biết thầy cũng thích bộ môn hát bội, những vở tuồng được giới thưởng ngoạn ưa chuộng như: Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Phụng Nghi Đình, hay Đường Tăng Tây Du ký,... Nhìn lại lịch sử thì hát bội ra đời trước cải lương, hai bộ môn nghệ thuật giải trí này ít nhiều có liên quan với nhau.
Từ ngữ "cải lương" có nghĩa là "sửa đổi lại cho tốt hơn". Từ thuở xưa ở Việt Nam không có lối diễn tuồng nào khác hơn như ở miền Bắc là hát chèo hay hát tuồng và còn ở miền Trung và Nam có bộ môn hát bội. Ðến 1917, khi cải lương ra đời, người dân thưởng ngoạn nhận thấy điệu hát cách tân này có thể làm mới mẽ, thú vị hay hơn điệu hát bội, nên cho đó là một việc cải thiện điệu hát xưa cho tốt hơn. Vì lẽ đó cho nên danh từ "cải lương" được chào đời. Đất Mỹ Tho, quê hương của thầy Liêm vốn là cái nôi của ngành cải lương tiên khởi.
Thầy cho biết vào năm 1911, ông Nguyễn Tống Triều muốn đưa ca nhạc ra quảng bá trước công chúng, nên đã bàn với chủ nhà hàng Minh Tân gần ga xe lửa Mỹ Tho - Sài Gòn để ban tài tử đờn ca giúp vui cho thực khách tại đây. Vì số người mến mộ nghệ thuật đờn ca đến nghe càng đông do sáng kiến này độc đáo, nên thầy Hộ, chủ rạp chớp bóng Casino tọa lạc ở đằng sau chợ Mỹ Tho, muốn cho rạp hát mình đông khán giả nên ngỏ ý mời ban đờn ca tài tử này đến trình diễn vào mỗi tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu rạp hát Casino trong tuần và đã được giới thưởng ngoạn hưởng ứng nồng nhiệt.
Sáng kiến đưa đờn ca tài tử lên sân khấu ca hát của thầy Tư Triều từ năm 1912 tại Mỹ Tho đã lan tràn nhanh chóng đến Sài Gòn và nhiều tỉnh khác ở miền Nam. Những năm sau, 1913 và 1914, chủ nhà hàng Cửu Long Giang nằm đằng sau chợ Sài Gòn nghe danh tiếng ban tài tử nên đã xuống tận nơi để mời lên Sài Gòn hợp tác. Thầy Năm Tú là người có công nhất trong việc gây dựng lối hát cải lương vào buổi ban đầu. Thầy mướn thợ vẽ tranh cảnh làm phông mô phỏng theo lối trang trí như các rạp hát Tây Sài Gòn, rồi mua sắm y phục cho đào kép khá chu đáo và nhờ nhà văn Trương Duy Toản soạn tuồng tích cho có bài bản. Người Mỹ Tho không quên soạn giả Trương Duy Toản, người đã đóng góp phần quan trọng cải tiến cải lương là áp dụng văn học vào để viết kịch bản. Do vậy cho nên lời lẽ của bài ca cải lương có ngọn ngành, rất sâu sắc và văn hoa. Thầy Toản sáng tác rất nhiều bài ca tài tử, nhưng đến bài Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, Kim - Kiều Hạnh Ngộ thì đã đặt ra nền móng cho môn ca ra bộ vì có lời đối đáp điệu bộ trình diễn, mang nét kịch tính trong kịch bản khi thực hành. Khi cộng tác với gánh của thầy André Thận, thầy Toản viết lại thành hai vở dài để biểu diễn là Lục Vân Tiên và Kim Vân Kiều. Cùng với Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, thầy Toản được coi là thầy tuồng đứng hàng đầu của ngành cải lương ở vào thời xa xưa của thuở ban sơ đáng nhớ đó.
Sân khấu cải lương sử dụng cái vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú về tiết tấu nhạc cụ đờn dây với âm điệu ca chuẩn giọng miền Nam tạo nên bài ca thật đặc thù Nam phần. Trên bước đường phát triển cải lương được cải tiến thêm một số bài bản mới như bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Cao Văn Lầu. Nó cũng gồm một số điệu ca vốn là nhạc Quảng của người Tàu, nhưng đã được cải biến qua diễn trình Việt Nam hóa. Các vở tuồng cải lương nổi danh được mến mộ của một thuở Sài Gòn như: Sân Khấu Về Khuya, Bên Cầu Dệt Lụa, Tiếng Trống Mê Linh, Tấm Lòng Của Biển, Tô Ánh Nguyệt, Sầu Vương Biên Ải, Tuyệt Tình Ca, Nửa Đời Hương Phấn, Tiếng Hạc Trong Trăng,...
Viết lại phần này tôi muốn cám ơn và nói lời ngưỡng mộ đến cô Phương và thầy Liêm, vì thầy và cô là những giọng ca vọng cổ tài tử. Trong chiều hướng bảo tồn văn hóa nơi quê người, văn hóa cải lương là một nhánh âm nhạc dân gian độc đáo của người miền Nam cần được lưu truyền; Và trùng hợp thay nó có nguồn gốc từ quê hương của thầy Nguyễn Thanh Liêm là đất Mỹ Tho.

Để kết thúc bài viết này, trong ý nghĩ riêng của tôi giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là một nhà giáo tận tụy mà nhiều cựu học sinh khắp nơi mến mộ đức tính ôn tồn và hiền hòa của thầy, trong sách này một số anh đã cho ý kiến rồi; Ông là một nhà văn biên khảo của rất nhiều bài viết giá trị, mà tập sách này trong khuôn khổ hạn hạn hẹp nên chỉ đăng một số nhỏ bài tiêu biểu mà thôi, xem thêm xin tham khảo loạt sách nghiên cứu và biên khảo văn học Đồng Nai Cửu Long gồm nhiều bài viết khác của GS Liêm vẫn được xuất bản đều đặn và định kỳ. GS Liêm còn là một người mang tâm hồn rất nghệ sĩ yêu mến âm nhạc, Trên cao tất cả là một kẻ sĩ của thời cuộc, ông trăn trở với nỗi đau chung của dân tộc khi lãnh thổ bị ngoại bang xâm chiếm, ông ưu tư về nền giáo dục nơi quê hương cần một ngã rẽ cho ngày mai tươi sáng.

Kính thầy,

Bài viết này là những dòng chữ tâm tình mà em đã có ước muốn viết từ lâu về một ân sư trong sự mến mộ của riêng em. Em cầu chúc thầy luôn được an khang và mạnh khỏe, cũng như luôn hạnh phúc bên cô Phương, người dược sĩ fulltime đặc biệt của thầy. Ngày xưa tại Petrus Ký em không có dịp đến gần thầy hiệu trưởng, rồi một vị thứ trưởng của một cơ quan đào tạo nhân tài cho quốc gia, và sau này khi lưu vong ra hải ngoại Văn Đàn Đồng Tâm đã cho em cơ hội biết thầy và học văn chương của thầy nhiều hơn:
"Lời này kính cẩn trao thầy
Ân sư trường cũ xum vầy Đồng Tâm
Đôi điều song tự tri ân
Tôn sư hiếu đạo tình thâm kính thầy.

Trần Việt Hải
PK-1972

Không có nhận xét nào: