Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Lá Thư Úc Châu - Trang Thơ Nhạc cuối tháng 3, 2016 - TS Nguyễn Nam Sơn

NHỮNG ĐỒI HOA SIM: Dzũng Chinh - Hữu Loan - Hương Lan - Duy Quang - NNS

Bolero là điệu nhảy dân tộc của Tây Ban Nha được sáng tạo bởi vũ sư Sebastian Zerezo tại Cádiz vào năm 1780, sau đó phát triển sang khu vực Châu Mỹ Latinh (đặc biệt là Cuba) khoảng 1 thế kỷ sau. Tại Việt Nam, điệu bolero du nhập vào miền Nam vào khoảng thập niên 1950, lúc đó phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ; nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống. Không có tài liệu nào cho biết chính xác bài đầu tiên là bài gì, tuy nhiên một số nơi cho rằng bài Duyên quê của Hoàng Thi Thơ có thể là bài đầu tiên. Bolero của Việt Nam khác bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ. Bolero Việt Nam rất chậm. Nam Mỹ, Tây Ban Nha lẹ hơn, gần như rhumba...

Ngày Về: Hoàng Giác -Elvis Phương -Gs TranNangPhung - NNS
<!->
Tình thân,
NNS

1. Chuyện Thời sự & Xã hội

(i) Ns Tuấn Khanh: Cái ác trỗi dậy, vì người Việt không còn niềm tin
Người Việt đang bị đay nghiến là những kẻ độc ác với đồng loại. Rất nhiều chứng cứ cho thấy tâm tính ngàn đời của dòng giống Lạc Hồng đang vào cơn lốc thay đổi đến chóng mặt: hàng ngàn người va chạm nhau trong dịp lễ Tết, xung đột đến mức vào bệnh viện, nông dân âm thầm bỏ hóa chất vào ruộng đồng, người chăn nuôi bơm thuốc độc vào sản phẩm trước khi mang ra chợ. Đất nước như đang vào một cuộc nội chiến không tên gọi. Cuộc chiến không có người chiến thắng mà chỉ có tự hủy diệt như trong đấu trường La Mã Colosseum, còn những kẻ chủ mưu nào đó thì hò hét và vỗ tay trên các khán đài.
Hóa ra, như cách nói hiện nay thì người Việt âm ỉ mang cái ác trong lòng từ lâu, chỉ chờ thời cơ để bùng nổ hay sao? Dân tộc ngàn đời sống với lúa nước, với chài lưới hiền lành lại giao truyền lại cho nhau tính hiếu sát?
Thật khác biệt với những gì lịch sử ghi chép về một đất nước mà Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo để không phải mở đại sát giới, phát lương thực cho kẻ quy hàng hồi hương. Bạn có nghĩ giống tôi không, rằng dân tộc mình không như những gì đang thấy, mà đang vào giai đoạn bị bỏ độc vào tư duy, trở nên biến dị lạ thường.
Trong một lần được chất vấn về thế nào là sức mạnh, Đức Phật đã trả lời rằng “hiền lương mạnh nhất”. Bởi hiền lương không tạo ra kẻ thù, và cũng không thể có kẻ thù. Hiền lương sống và tồn tại với thế gian trong tâm thế hợp nhất, không gì có thể đổi dời được. Dân tộc Việt Nam trãi qua hàng ngàn năm luôn chiến thắng mọi sức mạnh bên ngoài bởi không cí ham muốn dùng sức mạnh nào để cướp đoạt hay thống trị. Mà chính sự hiền lương của một dân tộc biết nhớ thương mái đình, ngôi làng, con trâu, mảnh lưới… của mình khiến họ cuỡng lại được mọi loại cường quyền. Người Việt hôm nay rất mạnh và khác biệt. Người Việt thích khoe sức mạnh, thích giới thiệu đẳng cấp và vượt lên hào nhoáng trên đám đông. Người Việt đang trong một quá trình lọc máu tim mình, học đòi theo những hình mẫu khác và đânh mất dần sức mạnh thật sự của mình là sự hiền lương.
Vì sao đánh mất sự hiền lương? Cuộc sống hôm nay quá đỗi eo sèo, đang hối thúc những con người chân chất nhất phải nhìn lại mình, rằng mình có đang rất ngu ngốc không giữa cuộc đời đang ngày càng ích kỷ và vô tâm này. Vài năm trước, người ta đọc tin một đôi vợ chồng trẻ ở Bắc Kinh bán đứa con nhỏ để mua iphone đời mới. Ít lâu sau ở Việt Nam đã có người giết ông bà của mình để lấy tiền chơi game. Ở Thượng Hải từng có video đường phố, ghi lại cảnh đứa con khỏe mạnh đánh đập cha mẹ già giữa đường vì tức giận phải mang vác chữ hiếu trong khi muốn tận hưởng đời riêng. Không lâu sau, Việt Nam cũng nổi lên những câu chuyện tương tự, làm nát lòng những người tử tế trên đất nước mình, với câu hỏi vì sao?
Hãy nhớ lại cách đây không lâu, người Trung Quốc từng tố cáo các loại thực phẩm độc hại, quảng bá các công ty, cá nhân ở Trung Quốc đang không màng đến sống chết của người khác, miễn là được tư lợi. Thật nhanh chóng, làn sóng này ập đến Việt Nam, quy mô hơn và ác hiểm hơn. Việt Nam và Trung Quốc như trong trong câu chuyện thế giới song song của Nobieta và Doraemon. Soi vào nhau, chúng ta đang thấy mọi thứ hiện ra của đường trượt dài vào cái chết. Hãy tự hỏi mình là vì sao chỉ có Việt Nam và Trung Quốc, chứ không có nơi nào khác sát đường biên như Thái Lan, Lào, Campuchia hay thậm chí là Mông Cổ, Tây Tạng?
Người dân của đất nước Trung Hoa vĩ đại đang coi cuộc sống của mình trên quê hương như những dự án ngắn hạn và tạm thời. Khi cảm thấy thu thập đủ họ sẽ ra đi và để lại phần khốn khó nhất cho tất cả những người ở lại, mà họ đã tàn hại và bóc lột được. Họ không còn niềm tin trên quê hương mình ngoại trừ những kẻ đang vẫn còn được quyền lợi hay những kẻ đang còn tận dụng những âm mưu để nạo vét đất nước mình. Khi ôm đủ những đồng tiền đầy máu và rũ bỏ sự hiền lương, họ sẽ rời khỏi đất nước không nuối tiếc. Người Việt cũng đang có những khuynh hướng không khác gì. Những dự án ngắn hạn như vậy cũng đang hoành hành trên đất nước này. Có thể nhiều người sẽ không có một cơ hội để ra đi nhưng ít ra, họ tự an ủi rằng họ có thể sống sót ở một thế giới mà họ còn quá ít niềm tin.
Chắc sẽ có người nói rằng, dẫu sao thì người Việt cũng ác, nhưng cái ác không tự sinh ra. Cái ác là một tập tính, tiếng vỗ tay và lời hò reo hiểm độc từ các hàng ghế của bọn quan lại trong đấu trường Colesseum. Cái ác của chúng ta và người bạn Trung Quốc, lúc này, cũng hết sức cá biệt trên thế giới.
Tháng 9/2015, có một tai nạn kinh hoàng diễn ra ở thung lũng Mina, gần thánh địa Mecca, Saudi Arabia. Một vụ ùn tắc nhỏ trong đám đông hàng chục ngàn người hành hương đã dẫn đến sự hỗn loạn, biến thành thảm kịch giẫm đạp lên nhau để thoát ra ngoài, gây nên 2000 người chết và bị thương. Đám đông hiền lành và đầy đức tin đó, trong tích tắc đầy hoảng sợ và không  còn lối thoát đã trở thành những kẻ đạp lên đồng loại của mình một cách không thương tiếc, tìm cách sống sót, bất chấp mình có thể phải giết một ai đó.
Cái ác của người Việt trong cuộc sống, được nói tới lúc này, cũng như những kẻ hành hương mang trái tim hiền lương đi về phía trước, nhưng rồi bất ngờ phải tàn bạo để có thể sống sót.
Đức Phật nói con người hiền lương là con người mạnh mẽ nhất. Chúng ta đang bị đầu độc tư duy để làm suy nhược sự hiền lương của dân tộc này, đất nước này. Sự hiền lương vốn được chứng nhiệm ở đất nước Miến Điện, nơi chính quyền phải buông súng để nhường chỗ cho những cánh hoa sứ cài trên tóc. Sự hiền lương khiến họ cũng đủ niềm tin để gọi tên Trung Quốc là kẻ ác, và từ chối đánh mất mình

(ii) Nguyễn Gia Kiểng: Tổ quốc của kẻ sĩ

Có một điều đáng để ta ngạc nhiên và suy nghĩ là tại sao một nước lớn như Trung Quốc lại thường bị đánh bại rất dễ dàng?
Các nước thời Xuân Thu Chiến Quốc phải xây tường ngăn chặn các sắc tộc phương Bắc thay vì chinh phục họ. Tần Thủy Hoàng binh hùng tướng mạnh như thế, gồm thâu cả lục quốc mà sau khi thống nhất Trung Quốc cũng không làm gì hơn là tiếp tục xây Vạn Lý Trường Thành ngăn chặn thay vì tiến công. Như thế thì cái sức mạnh đó cũng đáng đặt một dấu hỏi lớn. Người Mông Cổ ở thế kỷ 12 chắc không tới một triệu dân mà đánh chiếm được Trung Quốc. Trước đó nhà Tống cũng đã bị nước Kim nhỏ bé ở phía Đông Bắc khuất phục. Người Mông Cổ chiếm Trung Quốc lập ra nhà Nguyên mà không gặp chống đối. Nhà Nguyên sụp đổ sau hơn một thế kỷ thống trị Trung Quốc không phải do một cuộc kháng chiến quốc gia nào mà chỉ vì quan lại Mông Cổ về sau tham tàn dồn dân chúng tới tình trạng không chống lại cũng chết đói. Giặc giã nổi lên khắp nơi, Chu Nguyên Chương, sáng tổ nhà Minh, là thủ lãnh một trong những nhóm nổi dậy đó. Chu Nguyên Chương giành được ngôi bá chủ phần lớn là vì ông ta không chống quân Nguyên, trái lại ông ta để cho các nhóm khác đánh nhau với quân Nguyên cho đến khi kiệt quệ rồi đột kích tiêu diệt họ. Chu Nguyên Chương không có mục đích đánh đuổi quân Nguyên giành lại độc lập cho Trung Quốc mà chỉ lo lập nghiệp đế cho mình, ông không đặt vấn đề dân tộc. Dưới mắt ông ta, quân Nguyên hay các nhóm khác đều là những đối thủ như nhau. Thắng lợi của Chu Nguyên Chương. không phải là thắng lợi của một cuộc chiến tranh giải phóng, mà chỉ là thắng lợi của một thủ lãnh tham vọng nhất và khôn lỏi nhất trong một thời mà Trung Quốc phân lán. Người Trung Quốc chống lại triều Nguyên một cách bất đắc dĩ vì bị ức hiếp quá chứ không phải vì tinh thần dân tộc.
Ba thế kỷ sau, Trung Quốc, dưới triều Minh lại bị nước Mãn Châu nhỏ bế thôn tính, và lần này mọi nhóm chống đối đầu bị tiêu diệt. Cuộc nổi loạn lớn nhất do Hồng Tú Toàn lãnh đạo đã bị chính những nho sĩ Trung Quốc phục vụ nhà Thanh đánh bại. Nhà Thanh đã chỉ sụp đổ trước sức công phá của phương Tây và trước trào lưu dân chủ.
Xét trong dòng lịch sử thì tinh thần dân tộc của người Trung Quốc rất yếu, nếu không muốn nói là không có. Kẻ nào mạnh nhất trong số những cường hào lãnh chúa kẻ đó làm chủ Trung Quốc, bất luận ông ta là người Hoa hay không.
Năm 1778, khi nước Anh đã chinh phục được Ấn Độ, toàn quyền Anh tại ấn cử một cộng sự viên là Chapman sang điều nghiên về tình hình Việt nam. Lúc đó anh em Tây Sơn đã diệt được chúa Nguyễn, thanh thế kinh động cả nước. Tám năm sau Tây Sơn diệt Trịnh dễ như trở bàn tay. Chapman đi tham quan khắp nơi và được anh em Tây Sơn tiếp đón ân cần nên có dịp nhìn thấy rõ lực lượng của các phe, đặc biệt là phe Tây Sơn mạnh nhất lúc đó. Chapman phúc trình cho toàn quyền Anh tại Ấn Độ như sau: “Quân đội của Nguyễn Nhạc không đáng kể, giá trị quân sự rất kém. Tôi có thể nói chắc chắn là độ một trăm người có kỷ luật sẽ đánh bại toàn bộ quân lực của ông ta”. Cái gì đã khiến Chapman đánh giá lực lượng Tây Sơn thấp quá như vậy. Không phải chỉ là sự tin tưởng vào vũ khí công hiệu hơn, vả lại Chapman chỉ nói tới kỷ luật. Những người nô lệ da đen nổi lên tại Hai ti đã đánh tan cả một quân lực hùng hậu của Napoléon I quân đội Anh tinh nhuệ như vậy mà cũng đã bị tiêu diệt toàn bộ một lữ đoàn trước một số bộ lạc Nam Phi chỉ trong một trận đánh. Vũ khí không quyết định tất cả như ta có thể nghĩ. Sự yếu kém của một quân đội chủ yếu là vì nó thiếu lý do để chiến đấu, và vì thế thiếu tổ chức và gắn bó.
Một thế kỷ sau, người Pháp đỗ bộ vào Việt nam và cũng đánh bại quân Việt nam dễ dàng. Tại miền Nam, Phan Thanh Giản tự vẫn thay vì chống lại, để quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn. Phan Thanh Giản đã tuân tiết thì chắc chắn không phải là người thiếu dũng cảm, ông đã chỉ thấy tình hình tuyệt vọng mà thôi. Tại miền Bắc, vài trăm quân Pháp đã có thể hai lần đánh bại quân Việt nam trong chớp mắt. Cả Nguyễn Tri Phương lẫn Hoàng Diệu đều là những tướng có thừa dũng cảm nhưng họ không làm gì được bởi vì quân đội nhà Nguyễn tuy đông nhưng không có sức mạnh. Để chiếm các tỉnh miền Bắc có khi Pháp chỉ cần mười người lính bắn vài phát súng thị uy là tổng đốc bỏ chạy hoặc tự trối ra hàng. Nếu bảo rằng đó là do vũ khí tối tân thì tại sao vài ngàn quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc lại đánh bại được quân Pháp?
Lý do thực sự là vì chúng ta thiếu tinh thần quốc gia dân tộc. Và một khi đã thiếu tinh thần quốc gia dân tộc thì sức mạnh của quân đội chỉ dựa trên quyết tâm và bản lãnh của người thủ lãnh. Khi chúng ta có những thủ lãnh giỏi như dưới thời Lý, Trần hay trong cuộc khơi nghĩa của Lê Lợi thì ta có sức mạnh, khi ta không có tướng giỏi thì quân đội ta không có giá trị. Các triều đại Trung Hoa và Việt nam có thể suy sụp rất nhanh chóng vì một ông vua dở bởi vì vua là tất cả. Ý niệm quốc gia dân tộc không có, do đó không có một sức mạnh quốc gia độc lập với nhà vua. Cái lô-gích về sức mạnh tại Trung Quốc và Việt nam rất giản dị: một người, nhờ bản lãnh hay địa vị, qui tụ quanh mình một đội ngũ nhỏ, rồi dùng đội ngũ đó để khống chế dân chúng, bắt dân chúng phải phục tùng mình và chiến đấu cho mình chứ không dựa trên một ý chí chung. Chính vì thế mọi lực lượng có thể thay đổi rất mau chóng tùy theo người thủ lĩnh.
Trong một bài báo tôi có phát biểu rằng ý niệm quốc gia dân tộc rất mới đối với chúng ta, các cụm từ “yêu nước” hay “ái quốc” hoàn toàn không có trong ngôn ngữ Việt nam trước thế kỷ 20. Nhận định này đã bị một số người phản đối, họ quả quyết sẽ tìm được bằng cớ ngược lại. Gần bốn năm đã trôi qua vẫn chưa ai tìm được. Có thể sau này có vị sẽ tìm thấy trong một tài liệu nào đó, nhưng một thí dụ hiếm hoi cũng sẽ không phản bác được nhận xét của tôi là tinh thần quốc gia của chúng ta chỉ mới xuất hiện trong thế kỷ này. Các quân tướng và sĩ tử của ta trước đây chỉ biết có vua chứ không biết tới nước. Tại sao tôi dám quả quyết như vậy mặc dù chưa đọc hết các tài liệu và tác phẩm Việt nam? Đó là vì khái niệm nước như là một thực thể khác với vua, của chung mọi người và mọi người có bổn phận phục vụ và bảo vệ, chưa có. Mà nước đã không có thì làm gì có chuyện yêu nước.
Văn hóa Khổng Giáo, độc tôn trên đất nước ta cho tới thế kỷ 20, không nhìn nhận sự hiện hữu của quốc gia. Đó là một điều chắc chắn.
Khi Khổng Tử dạy các sĩ tử “nước nguy thì đừng tới, nước loạn thì đừng ở, nước có đạo thì ra ra làm quan, nước vô đạo thì ta ở ẩn” rõ ràng ông không nhìn nhận bất cứ một bổn phận nào đối với nước cả, ông chỉ coi nước là của một chủ, kẻ sĩ thấy phục vụ ông chủ đó có lợi thì làm không có lợi thì thôi. Cái triết lý ở ẩn mà Khổng Tử nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Luận Ngữ và sau này đã trở thành cả một đạo sống của nho sĩ, là gì nếu không phải là sự phủ nhận quốc gia và sự khước từ mọi nhiệm vụ đối với cộng đồng? Thái độ của kẻ sĩ rất rõ rệt: chỉ mưu lợi cho mình và sống trung thành với nghề sĩ, nghĩa là nghề đi học và làm quan của mình. Phải nói rằng các nho sĩ rất có đạo lý nghề nghiệp. Họ trung thành tuyệt đối với người chủ đã dùng họ và dù được làm quan hay thất nghiệp họ vẫn hãnh diện với nghề của mình và tôn trọng những giá trị của nó. Những nhà nho không có tổ quốc, họ chỉ biết tới các tổ nghề, nghĩa là các thánh hiền của họ, và người chủ tuyển dụng họ, nghĩa là nhà vua.
Quốc gia là một ý niệm trừu tượng cần được nuôi dưỡng bởi những người có văn hóa, nhưng trong xã hội Khổng Giáo những người có văn hóa duy nhất là các nho sĩ lại không nhìn nhận quốc gia, như thế thì không thể có quốc gia theo ý nghĩa một thực thể riêng biệt được. Trong xã hội Khổng Giáo, nước chỉ là vùng đất thuộc quyền sở hữu của nhà vua mà thôi, những con người sống trên vùng đất đó chỉ là những nô lệ của vua, vua muốn cắt đất nhường dân cho ai tùy ý. Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt mà chúng ta coi là một bài thơ yêu nước cũng chỉ nhắc lại quan niệm đó: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (núi sông nước Nam là của vua nước Nam).
Cái gương Khổng Tử đi hết nước này sang nước khác để xin làm quan (có lúc ông định vượt biển sang phò vua Cao Ly) đã chứng minh rõ ràng kẻ sĩ không có tổ quốc. Vả lại cho đến khi người phương Tây sang chinh phục vấn đề quốc tịch không hề đặt ra; ai sống ở đâu thì là dân của ông vua nơi đó, có thể làm quan cho ông vua đó, nhưng nếu đi nước khác cũng có thể làm quan và tuyệt đối trung thành với một ông vua khác, ngay cả nếu phải cầm quân đi đánh nước cũ. Ngũ Tử Tư đời chiến quốc bị trách là rước voi về dày mả tổ bởi vì tổ tiên ông và chính ông đã làm quan nước Sở mà sau này ông lại dẫn quân Ngô về dày xéo lăng miếu nước Sở. Sẽ không ai trách ông nếu trước đó tổ tiên ông và chính ông chỉ là thường dân nước Sở. Trong lịch sử Trung Hoa, không thiếu những người nước này sang làm tướng quốc nước khác. Trong lịch sử Việt nam, Đàng Trong (miền Nam) và Đàng Ngoài (miền Bắc) được coi là hai nước riêng biệt, Nguyễn Nhạc và vua Lê Hiển Tông khi đối đáp với nhau gọi lãnh thổ của nhau là “quí quốc” một cách rất tự nhiên. Khi quân Thanh sang Việt nam năm 1789, để rồi bị Nguyễn Huệ đánh bại, dân Bắc Hà thấy gần gũi với quân Thanh hơn là quân Tây Sờn và cầu mong cho quân Thanh thắng. Dĩ nhiên cuộc chung đụng trong hàng ngàn năm phải làm nảy sinh ra một tình cảm cộng đồng, nhưng nó chỉ là tình cảm của những người cùng chung và cùng chịu một số phận (bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn), nó còn ở rất dưới điều mà ta có thể gọi là tinh thần quốc gia dân tộc hay lòng yêu nước. Điều đó dễ hiểu, kẻ sĩ, những kẻ còn được hưởng một vinh quang nào đó của chế độ chính trị, đã không có tổ quốc thì người dân, những người nô lệ, lại càng không có lý do gì để có tổ quốc. Nước là vua, mà vua là cái gông cùm. Không có tội nhân nào yêu gông cùm cả. Những kẻ không có gì thì cũng không có bổn phận nào.
Khi người Mông Cổ, Mãn Thanh và những nước phương Tây xâm chiếm Trung Quốc, họ đã không đụng độ với nhân dân Trung Quốc, mà chỉ đụng độ với cấc vua nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh.
Khi người Pháp sang chinh phục Việt nam, họ đã không đụng độ với dân tộc Việt nam mà chỉ đụng độ với các vua nhà Nguyễn. Chính vì thế mà họ đã thắng lợi dễ dàng.
Ý niệm quốc gia dân tộc đã ra đời một cách chậm chạp tại phương Tây cùng với sự tăng trưởng của tự do và sự hình thành của xã hội dân sự. Người dân có tự do hơn và làm chủ cuộc sóng của mình hơn nên đã bắt đầu cảm thấy mình có một chỗ đứng nào đó trong xã hội, rồi dần dần cảm thấy gắn bó và có bổn phận với cộng đồng trong đó mình đang sống. Càng có chỗ đứng họ càng đòi hỏi một chỗ đứng lớn hơn. ý niệm quốc gia dân tộc nảy sinh như thế và ngày một mạnh, càng mạnh nó càng đẩy lùi quyền lực của các vua chúa. Sau vài thế kỷ thai nghén, sự thành lập một nước cộng hòa tại Hòa Lan, sự hình thành của Hoa Kỳ và cuộc cách mạng Pháp đã chính thức khai sinh ý niệm quốc gia. Đó là ý niệm đất nước của mọi người thay vì là của một dòng họ. Người dân làm chủ đất nước và vì thế yêu nước và có bổn phận với đất nước. ý niệm quốc gia dân tộc ra đời với cao vọng tận dụng tinh thần trách nhiệm, sinh lực, ý kiến và sáng kiến của mọi người. Niềm tin nền tảng của nó là những con người tự do mạnh hơn và cống hiến nhiều hơn là những con người nô lệ, xã hội của những con người tự do mạnh hơn là một tập thể nô lệ. Một guồng máy nhà nước mới ra đời và có sức mạnh hơn hẳn bởi vì được sự hỗ trợ của moi người. Khi đi chinh phục thế giới, sức mạnh chính của các nước phương Tây là bộ máy nhà nước hiện đại chứ không phải là vũ khí hiện đại. Như thế phải hiểu rằng ý niệm quốc gia dân tộc liên hệ mật thiết với dân chủ và tự do. Không có dân chủ và tự do thì không thể có quốc gia, hay cùng lắm chỉ có quốc gia ở dạng bò sát thấp kém.
Tại Việt nam, một cách nghịch lý, tinh thần quốc gia đã xuất hiện dưới thời Pháp thuộc do ba yếu tố:
(i) Người Pháp giáo dục trí thức Việt nam theo văn hóa của họ, trong đó tinh thần quốc gia là một thành tố quan trọng;
(ii) Vai trò của vua nhà Nguyễn trở thành mờ nhạt, họ không còn là chủ đất nước nữa, đất nước trở thành một tài sản chung của mọi người Việt đang bị người nước ngoài chiếm đoạt; và
(iii) Chính sách phân biệt đói xử xấc xược của người Pháp khiến người Việt nam ý thức được rằng mình là một khối dân tộc cùng một tổ tiên và cùng chia sẻ một sự tủi nhục.
Cùng với thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện một số trí thức được gọi là các “nhà ái quốc”. Trong tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là lất cả các nhà ái quốc này đều kêu gọi canh tân, bỏ cũ theo mới. Trong bài báo “Một cách nhìn cuộc chiến”, Thông Luận số 82, tôi có viết rằng lòng yêu nước của người Việt nam có thể chỉ là một ngộ nhận. Nhiều vị đã xúc động và lên tiếng phản đối. Tôi hiểu tình cảm của các vị đó và tôi rất kính trọng tình cảm đó, tôi không mong gì hơn là mình đã nhận định sai. Nhưng quả là chúng ta đã ngộ nhận. Chúng ta ngộ nhận khi nói rằng ý thức quốc gia dân tộc đã có từ lâu trong khi thực ra nó chỉ là một khái niệm mới xuất hiện từ thế kỷ 20, nghĩa là còn rất non trẻ so với chiều dài lịch sử của ta. Chúng ta ngộ nhận khi nghĩ rằng lòng yêu nước của người Việt rất cao trong khi thực ra nó rất thấp. Chính vì nó thấp mà khi người Pháp xâm chiếm nước ta đã chỉ có một thiểu số trí thức thực sự dấn thân đấu tranh vì nước còn đại đa số vẫn đứng ngoài cuộc, và thái độ đứng ngoài cuộc đó của những Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Tản Dà, Trần Tế Xương, v.v… hoàn toàn không khiến họ bị chê trách. Chính vì nó thấp mà một số nhỏ người Pháp đã có thể cai trị được cả khối người Việt, dùng chính người Việt để thống trị người Việt. Đặc biệt là trong giai đoạn thế chiến II, một nắm nhỏ người Pháp đã thua trận và đã mất nước vẫn thống trị được Việt nam một cách tàn bạo.
Tôi tình cờ sinh ra trong một gia đình Việt nam Quốc Dân Đảng. Giáo dục gia đình đã khiến tôi thù ghét và khinh bỉ một cách thậm tệ những người hợp tác với Pháp; tôi coi họ là đồ hèn hạ, lưu manh. Lớn lên, tôi được tiếp xúc với nhiều người như thế, tôi nhận ra họ là những người cũng lương thiện và tử tế như những người đấu tranh cách mạng, chỉ có một điều là họ không có ý thức dân tộc đủ mạnh để chấp nhận chịu gian khổ hay hy sinh quyền lợi. Càng trưởng thành tôi càng thấy không nên trách họ bởi vì dù đã hấp thụ nhiều kiến thức mới của phương Tây, về mặt tâm tính họ vẫn thuộc hệ văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa vô tổ quốc.
Cũng chính vì lòng yêu nước của người Việt nam không mạnh mà đảng cộng sản đã thắng lợi. Về bản chất, phong trào cộng sản không những vô tổ quốc mà còn chống tổ quốc, nó là một phong trào thế giới, nhắm thăng tiến giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Nếu không quá lạm dụng bạo lực chủ nghĩa cộng sản có thể là một chủ nghĩa cao quí, dù chỉ là một ảo tưởng, nhưng phong trào cộng sản không phải là một phong trào yêu nước. Khẩu hiệu của nó là người vô sản không có tổ quốc. Tiếng gọi đấu tranh giai cấp, trong khuôn khổ của một nước, là một lời kêu gọi nội chiến. Phong trào xô Viết Nghệ Tĩnh, cái nôi của đảng cộng sản Việt nam, nổi lên với lời tung hô: “vạn tuế Sô Nga” và tiếng thét: “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” hoàn toàn không phải là một phong trào dân tộc. Nhưng người cầm đầu đảng cộng sản và những đảng viên trung kiên nhất không phải là những người yêu nước mà chỉ là những người cộng sản Có thể đa số những người theo đảng cộng sản đã theo vì lòng yêu nước, nhưng khi nhận định bản chất của một tổ chức ta nên xét theo chủ trương, đường lối của nó và lý tưởng của những người cầm đầu nó chứ không nên dựa trên những người đi theo.
Hoàn cảnh đất nước sau ngày 30-4- 1975 đã khiến tôi có dịp tiếp xúc với vô số người cộng sản thuộc đủ mọi cấp bậc và tôi đã có thể kiểm chứng một điều: trong hàng ngũ cộng sản, một người có thể nói một cách quả quyết rằng quốc gia chỉ là một ý niệm vớ vẩn lạc hậu cần vất bỏ mà vẫn không hề bị trở ngại trong việc thăng tiến, trái lại nếu anh ta dám nói chủ nghĩa cộng sản chỉ là một chủ nghĩa tồi tệ chắc chắn anh ta sẽ lâm nguy, có thể mất mạng luôn. Bằng cớ rằng đảng cộng sản không phải là một tổ chức yêu nước cũng có thể tìm thấy trong các chính sách liên tục của họ. Suốt 30 năm chiến tranh, tôi chưa bao giờ ghi nhận một quan tâm thực sự nào của họ trước những đỗ vỡ kinh khủng về tinh thần, vật chất và nhân mạng cho đất nước. Họ có thể tiêu diệt thẳng tay những người Việt nam, yêu nước hay không, không đồng quan điểm với họ, có khi họ sẵn sàng tiêu diệt cả một số thành phần dân tộc. Trong cuộc cải cách ruộng đất 1955-1956, họ chủ trương tiêu diệt toàn bộ giai cấp địa chủ. (Chính sách này, vì nhưng hậu quả tai hại của nó, sau đó được coi là một sai lầm nhưng không bị coi là một tội, những người cầm đầu và phát động nó chỉ bị kiểm điểm).
Sự thù ghét lẫn nhau và ác độc đối với nhau của người Việt nam là điều không ai có thể chối cãi, nhưng để cố bào chữa cho lòng yêu nước nói chung của người Việt, lại có một nhận định giảm khinh: “chúng ta yêu nước, nhưng không yêu nhau”. Như vậy “yêu nước” là gì? Đất nước là lãnh thổ, là lịch sử, là con người và là một dự án tương lai chung. Trong các yếu tố đó, con người có tầm quan trọng vượt hẳn. Đất nước, lịch sử đều là của người, dự án tương lai cũng là của người. Nếu đồng hóa nước Việt với người Việt thì cũng không sai (và trên thực tế đã có những học giả đồng hóa quốc gia và dân tộc). Mà người Việt không phải là một ý niệm trừu tượng mà là từng người và mọi người. Không yêu nhau là không yêu nước. 
Nếu mức độ quốc gia quá cao để ta có thể nhận định một cách rõ rệt thì hãy lấy thí dụ khuôn khổ gia dình. Ta có thể coi một người là yêu gia đình được không, khi người đó lúc nào cũng sẵn sàng đốt nhà, đập phá, ẩu đả và sát hại mọi anh chị em không vừa ý mình? Nếu anh ta tự nghĩ anh ta là người yêu gia đình thì anh ta chỉ là người điên. Và nếu có ai coi anh ta là người yêu gia đình thì người đó cũng nên ghé thăm một bác sĩ tâm thần.
Nếu phải nhận định một cách thực vắn tắt , ví dụ, đại hội VIII của Đảng Cộng Sản Việt nam, tháng 6- 1996, thì ta có thể nói đó là một đại hội chống tổ quốc. Đảng cộng sản, sau nhiều thất bại thê thảm, nhất là khi khối cộng sản tan vỡ, đã “đổi mới” về kinh tế thị trường và đời sống một phần dân chúng đã được cải thiện; sinh hoạt đất nước bắt đầu khởi sắc, nhưng vị trí độc tôn và độc quyền của họ bị lung lay. Họ bèn lấy quyết định chặn đứng đà phát triển để cũng cố lại quyền lực của họ mặc dầu biết rõ làm như vậy đất nước sẽ bị thiệt hại nặng. Đại hội VIII là biến cố trong đó một đảng cầm quyền cố tình lấy quyết định có hại cho đất nước vì quyền lợi của riêng mình. Tuy vậy cũng không nên quá khe khắt đối với những người lãnh đạo cộng sản. Thực ra họ cũng không khác với đa số người Việt.
Yêu nước tại Việt nam là một ngoại lệ chứ không phải là một thông lệ. Chúng ta là một dân tộc được nhào nặn trong suốt dòng lịch sử bằng văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa vô tổ quốc, lòng yêu nước của ta yếu kém là lẽ dĩ nhiên. Chúng ta chớ nên nghĩ rằng mình đã ra khỏi văn hóa Khổng Giáo. Chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng Khổng Giáo một cách nặng nề lắm, ngay cả khi chúng ta không ý thức được và không nhìn nhận như vậy. Cứ lấy thí dụ triết lý ở ẩn, xem ra rất xa lạ đối với trí thức ngày nay. Có thể một người khoa bảng thời nay sẽ phản đối: “Tôi có biết triết lý ở ẩn là cái quái gì đau, anh chỉ nói lẩm cẩm”, nhưng chính anh ta đang theo triết lý ở ẩn và, tuy không nói ra, rất tán thành triết lý đó.
Ông Hoàng Xuân Hãn là một thí dụ rất điển hình. Ông có kiến thức uyên bác trên rất nhiều lãnh vực và có đạo đức cá nhân rất cao. Ông theo đúng triết lý Khổng Giáo “nước loạn không ở, nước nhiễu nhương thì ở ẩn”. Mặc dầu là một nhân vật rất có uy tín và đã có thể đóng góp thay đổi số phận đất nước, ông đã chọn bỏ nước ra đi vào giữa lúc đất nước đang chuyển động lớn. Ông sang Pháp ở ẩn cho tới lúc qua đời. Ông Hãn là một người sáng suốt và lương thiện, ông hiểu rõ hậu quả của chọn lựa này. Trong một bài phỏng vấn mà tôi được đọc trên tờ báo Bulledingue (một tờ báo tiếng Pháp, nay đã đình bản, rất có giá trị của một nhóm trí thức Việt nam tại pháp từng ủng hộ đảng cộng sản), ông trả lời về tương lai của cộng đồng người Việt hải ngoại như sau: “Tôi sợ rằng rồi cũng như người Việt tại Trung Quốc, thế hệ đầu tha thiết với đất nước, thế hệ sau không còn nói thạo tiếng Việt nữa và thế hệ thứ ba quên là mình có gốc Việt”. Ông Hoàng Xuân Hãn dư biết về lâu về dài ra đi là từ bỏ đất nước, nhưng vẫn ra đi bởi vì ở ẩn là cả một đạo lý cao thượng đối với người Việt nam và ông Hãn dù đã du học phương Tây và đậu những bằng cấp cao nhất vẫn là người Việt nam. Khi ông Hãn qua đời, trí thức Việt nam trong nước cũng như ngoài nước đồng loạt lên tiếng ca ngợi ông như một người mẫu mực, không thấy ai bày tỏ sự phiền lòng rằng một người lỗi lạc như ông đáng lẽ phải có một chọn lựa tích cực hơn đối với đất nước. Thế hệ trước đã ca tụng Nguyễn Khuyến, thế hệ sau ca tụng Hoàng Xuân Hãn. Những Nguyễn Khuyến của thế hệ trước đã rất đông đảo, những Hoàng Xuân Hãn của thế hệ sau còn đông đảo hơn, ngay cả về tỷ lệ. Xem ra, dù đã kinh qua nhiều biến cố trọng đại, tâm lý người Việt ván chưa thay đổi bao nhiêu, tránh gian nguy và ở ẩn vẫn còn là một nhân sinh quan rất phải đạo. Người Việt nam vẫn còn chưa mất gốc, họ vẫn còn là những người Việt nam chân chính, nghĩa là không yêu nước, hoặc chỉ yêu nước một cách không tốn kém. Đọc tới đây xin độc giả đừng nghĩ rằng tôi có một dụng ý mỉa mai nào. Tôi thực sự quí trọng những người như Nguyễn Khuyến và Hoàng Xuân Hãn. Họ cao thượng thực sự, nhưng họ là sản phẩm của một nền văn hóa cam chịu và ẩn dật, họ đã sống phù hợp với nền văn hóa đó và họ là những mẫu người cao quí của nền văn hóa đó.
Tôi quen biết, hoặc được biết, khá nhiều trí thức Việt nam trong nước. Tất cả đều đồng ý chế độ hiện nay là tồi dở và độc hại, tất cả đều mong nó chấm dứt càng sớm càng hay, nhưng chỉ một số rất nhỏ chấp nhận rủi ro đứng lên đòi dân chủ, tuyệt đại đa số còn lại chỉ lo sống và tồn tại. Và để tồn tại họ phải chấp nhận thỏa hiệp với chế dộ, hợp tác với nó, và như thế giúp nó tiếp tục tồn tại, điều mà họ hoàn toàn không muốn. Mà những “đặc ân” mà họ được hưởng có lo lớn gì cho cam, chúng chỉ là những chức phó vụ trưởng, ủy viên hội đồng nhân dân tỉnh, v.v…, với lương và phụ cấp không quá 200 đô-la mỗi tháng. Hay một cửa hàng nhỏ của vợ con, hay khả năng được xuất bản vài tập truyện ngắn vô hại, hay được vẽ và bán vài bức tranh kiếm sống, được xuất ngoại vài năm một lần. Hoặc chỉ giản dị là cuốn sỗ lương hưu hai chục đô-la mỗi tháng. Hoặc giản dị hơn nữa là khỏi bị phiền hà. Tất cả đều hiểu những ân huệ đó chẳng có gì đáng kể, tất cả đều tin rằng nếu chế độ này chấm dứt thì không những đất nước sẽ khá hơn nhiều mà chính bản thân họ cũng khá hơn hẳn. Nhưng họ không chấp nhận một hy sinh, dù là tạm thời và nhỏ bé, nào cả bởi vì lòng yêu nước, nghĩa là sự gắn bó và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân tộc, của họ không đủ mạnh. Mỗi người có cách riêng để luồn lách và tồn tại. Tất cả đều khôn, không ai chịu dại cả. Kết quả tổng hợp là đất nước vẫn tiếp tục quằn quại trong độc tài và lạc hậu. Một dân tộc gồm toàn những người khôn là một dân tộc rất đần độn. Chỉ có thể coi là yêu nước những người sẵn sàng chấp nhận một sự dại dột nào đó cho đất nước.
Trong cuộc xung đột dài và đẫm máu vừa qua, yêu nước đã là một khẩu hiệu được mọi phe phái sử dụng để giành giật hậu thuẫn. Hô mãi hoặc nghe mãi, khẩu hiệu đó trở thành một sự khủng bố tinh thần rồi chúng ta đã ghi nhận nó trong tiềm thức như một ngôn ngữ bắt buộc. Nhưng chúng ta cường điệu và dối trá, chúng ta đeo mặt nạ và sử dụng ngôn ngữ của lưỡi gỗ với nhau, khi xưng mình là người yêu nước. Và chúng ta sai lầm lớn khi nghĩ rằng đa số người Việt nam yêu nước. Chỉ cần bình tĩnh quan sát sự thờ ơ bao trùm chung quanh chúng ta để nhận được một cải chính dứt khoát.
Người Việt nam rất khó yêu nước. Trong vòng hơn hai ngàn năm chúng ta được nhào nặn bởi văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa vong thân, vị ky và phủ nhận đất nước. Từ gần một nửa thế kỷ nay chúng ta bị áp đặt văn hóa cộng sản không khác với Khổng Giáo bao nhiêu về bản chất. Cả hai đều là những văn hóa kỳ thị, đặt nền tảng trên một giai cấp chứ không phải trên tinh thần dân tộc. Một kẻ sĩ Việt nam ngày xưa gắn bó với một kẻ sĩ Trung Hoa hơn là một thứ dân Việt nam. Một bần cố nông Việt nam gần đây được nhoi sọ để coi mọi người vô sản thế giới là anh em và coi người tư sản Việt nam là kẻ thù. Đã thế, người ta còn nhân danh tổ quốc để phạm tội ác, để hạ sát hàng ngàn hàng vạn nạn nhân vô tộiNhững nạn nhân bị ghép tội “phản quốc” trong đại đa số lại chính là những người yêu nước hiếm hoi. Người ta còn cưỡng đoạt tổ quốc và cố gắng hòa tan nó trong một chủ nghĩa (“yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”). Không có gì đáng ngạc nhiên nếu đa số người Việt chọn lựa đứng ngoài mọi hệ lụy với đất nước.
Quốc gia chỉ mạnh nếu là đất nước của những con người tự do, tận dụng được hết sinh lực, thi thố được mọi tài năng, phát huy được mọi ý kiến và sáng kiến của mình. Nhưng quốc gia cũng không thể mạnh nếu không có lòng yêu nước, cũng như một gia đình không thể có hạnh phúc nếu không có tình yêu. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, không ai ngờ vực mãnh lực ghê gớm của tình yêu, chúng ta cần ý thức rằng lòng yêu nước cũng có mãnh lực tương tự trong việc xây dựng một tương lai chung cho dân tộc. Chúng ta rất cần một sức bật của lòng yêu nước. Nhưng chúng ta cũng cần ý thức rằng lòng yêu nước của chúng ta rất non yếu và tật nguyền cần được điều trị và gây dựng, chứ không phải một vốn đã sẵn dồi dào để sử dụng và lạm dụng.
Lòng yêu nước ấy, những người dân chủ phải xây dựng ra chứ không thể mong chờ gì ở chế độ độc tài này. Mọi chế độ chuyên chế, dù là chế độ quân chủ ngày xưa hay chế độ độc tài cộng sản ngày nay, đều có chung một chủ trương là tiêu diệt mọi ý thức cộng đồng và mọi liên hệ gắn bó trong xã hội để có thể thống trị một đám đông cô đơn. Họ không cần người dân yêu nước, họ chỉ cần người dân khuất phục. Họ không cần người dân yêu họ, họ chỉ cần người dân đừng yêu nhau. ý niệm quốc gia dân tộc do dân chủ mà có, chỉ có dân chủ mới có thể giúp ta gây dựng và phát huy nó. Cuộc đấu tranh cho dân chủ cũng là cuộc đấu tranh nhằm đem lại cho người Việt lý do để yêu nước.
Những người dân chủ phải khẳng định dự án xây dựng một nhà nước khiêm tốn phục vụ thay vì khống chế xã hội dân sự, đặt mình dưới người dân thay vì trên người dân, một nhà nước tối thiểu để nhường không gian tối đa cho sinh lực, ý kiến và sáng kiến của công dân. Và họ cũng cần khẳng định: người dân không có bổn phận phải yêu nước; chính nhà nước và thành phần ưu tú của đất nước, nghĩa là thành phần trí thức, phải làm cho đất nước trở thành đáng yêu. Đất nước không được hạch hỏi người dân đã làm gì cho mình, trái lại phải tự hỏi mình đã có ích lợi gì cho người dân.
Có lẽ chính vào lúc lòng yêu nước không còn là một cưỡng bách nữa mà chúng ta sẽ có được lòng yêu nước thực sự, hay ít ra nhận diện được những người thực sự yêu nước, và nhờ đó có thể kết nghĩa với nhau để cùng nhau đưa đất nước ra khỏi bế tắc.

(iii) Hồng Thủy (GDVN): Biển Đông và Mê Kông, 2 gọng kìm Trung Quốc thống trị Đông Nam Á
Bắc Kinh đặt mục tiêu rõ ràng là "chiếm đất" ở Biển Đông và "chiếm nước" ở thượng nguồn Mê Kông, kiểm soát nguồn nước ngọt quan trọng của các nước hạ nguồn.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn ngày 25/3 bình luận trên Bangkok Post, cách thức hành xử của Trung Quốc trong khu vực ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Xu thế trỗi dậy không thể đảo ngược của Trung Quốc có khả năng trở thành nguồn gốc căng thẳng và xung đột tiềm tàng ở Đông Nam Á. Không có nơi nào mà sự trỗi dậy của Trung Quốc lại được thể hiện rõ ràng hơn khu vực Đông Nam Á, nơi Bắc Kinh đặt mục tiêu rõ ràng là "chiếm đất" ở Biển Đông và "chiếm nước" ở thượng nguồn Mê Kông, kiểm soát nguồn nước ngọt quan trọng của các nước hạ nguồn: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Trên Biển Đông, căng thẳng đang gia tăng vì các tuyên bố và hành động "gây tranh cãi" của Bắc Kinh trên một số rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm gần sát bờ biển Philippines, Việt Nam, Indonesia và rất xa Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng, quân sự hóa một số đảo nhân tạo trên một số bãi cạn ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), thậm chí làm đường băng và mở các chuyến bay dân dụng để củng cố yêu sách (bành trướng, vô lý và phi pháp) của mình để tạo ra tình thế "sự đã rồi".
Bây giờ Indonesia không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn lợi ích của mình bị đe dọa. Tuần trước, khi chính quyền Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc với 8 ngư dân đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế Natuna, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã can thiệp và tông vào một tàu tuần tra của Indonesia để cứu tàu cá. Việc làm này của Bắc Kinh đã dấy lên sự phẫn nộ ngoại giao từ Jakarta. Trung Quốc đã tỏ ra lúng túng. Tuy nhiên sự kiện này cũng đánh dấu bắt đầu một xu hướng mới, sự hiếu chiến của Bắc Kinh ngày càng tăng và chứng tỏ, Trung Quốc không thực sự sẵn sàng tham gia soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trên thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã đơn phương cho phép mình có quyền thống trị nguồn nước bằng cách khai thác lợi thế địa lý và dòng chảy tự nhiên của con sông xuyên quốc gia này, thông qua việc xây dựng một loạt đập thủy điện ở thượng nguồn. Khi các nước hạ nguồn Mê Kông gặp phải đợt hạn hán gay gắt kéo dài tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc "tỏ vẻ nhân đạo" bằng tuyên bố xả nước đập Cảnh Hồng từ 15/3 để bôi trơn cho hội nghị Hợp tác Lan Thương - Mê Kông bên lề Diễn đàn Bác Ngao với 5 nước hạ nguồn, giáo sư Pongsudhirak bình luận.
Trong khi việc xả nước của Trung Quốc ở đập Cảnh Hồng có thể giúp phần nào các nước hạ nguồn dịu bớt tạm thời tình trạng hạn hán, nhưng việc này lại là điềm báo một sự phụ thuộc của các nước hạ nguồn vào thiện chí và "lòng độ lượng" của Trung Quốc.
Sông Mê Kông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương, là con sông dài nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn sống, sinh kế cho 60 triệu người, là môi trường sống cho các cộng đồng ven sông và các loài động vật hoang dã tự nhiên.
Việc Trung Quốc xây một loạt con đập trên thượng nguồn từ lâu đã được coi là một rủi ro địa chính trị với các nước hạ du, là nguồn xung đột tiềm tàng của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông. Nguy cơ này ngày một trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và tốc độ phát triển nhanh chóng của các vùng đồng bằng châu thổ dọc sông Mê Kông làm nhu cầu tiêu thụ nước ngọt lớn hơn bao giờ hết.
Với đòn bẩy kiểm soát nguồn nước thượng nguồn Mê Kông, Trung Quốc đã triệu tập hội nghị Lan Thương - Mê Kông tại Tam Á, Hải Nam. Tại đây Bắc Kinh công bố các khoản cho vay và các gói tín dụng tổng trị giá khoảng 11,5 tỉ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, từ đường sắt cho đến các khu công nghiệp dọc theo sông Mê Kông.
Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ tài trợ cho các sáng kiến xóa đói giảm nghèo dọc lưu vực con sông này với 200 triệu USD, và thêm 300 triệu USD cho hợp tác khu vực trong 5 năm tiếp theo, lập một trung tâm tài nguyên nước. Ông Lý Khắc Cường lưu ý rằng, các kế hoạch này là một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển ý tưởng Một vành đai, một con đường, và kêu gọi xây dựng sự tin cậy lớn hơn giữa Trung Quốc với các nước hạ nguồn Mê Kông.
Giáo sư Pongsudhirak nhận định, vấn đề quan trọng ở đây là cơ chế hội nghị thượng đỉnh Lan Thương - Mê Kông (LMC) mà Trung Quốc lập ra là một cách vô hiệu hóa Ủy hội sông Mê Kông (MRC) được thành lập bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam vào năm 1995 để tập trung tìm kiếm hỗ trợ về chuyên môn cũng như kinh phí để quản lý nguồn tài nguyên nước ngọt của dòng sông chung.
Myanmar và Trung Quốc là đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mê Kông nhưng cố tình nằm ngoài MRC, do đó theo giáo sư Pongsudhirak, thiết lập LMC là ý đồ của Trung Quốc nhằm thay thế cơ chế MRC hiện tại. Với ưu thế địa lý nằm ở thượng nguồn, Trung Quốc có thể chặn dòng Mê Kông tùy ý với 6 trong tổng số 15 con đập dự kiến, đã hoàn thành. Điều này sẽ khiến các nước hạ nguồn lệ thuộc vào nguồn nước do Trung Quốc điều tiết.
Trong khi đó về mặt kinh tế, theo Giáo sư Pongsusdhirak cả Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào túi tiền Trung Quốc cho nhu cầu đầu tư, phát triển. Do đó, với các hoạt động của Trung Quốc ở trên Biển Đông và trên dòng sông Mê Kông, Trung Quốc có thể sẽ buộc các nước láng giềng trong khu vực phải tìm cách tránh xung đột với mình. Bắc Kinh sẽ nỗ lực để tạo ra các luật chơi và tổ chức trong khu vực.

(iv) Cát Linh (RFA): Bolero, dòng nhạc cho tất cả mọi người

Người ta thường hay nói “vận mệnh của một đất nước như thế nào thì âm nhạc của đất nước ấy sẽ như thế”. Có lẽ câu nói này sẽ đúng nếu nói về những ca khúc nhạc Việt Bolero nổi tiếng. Trải qua nhiều thập kỷ, các bản nhạc điệu Bolero vẫn còn được nhắc đến rất nhiều trong hoạt động âm nhạc của Việt Nam, thể hiện qua các cuộc thi trong nước mang tên “Thần tượng Bolero”, “Solo cùng Bolero”.
Để hiểu nhiều thêm về lịch sử cũng như những đặc điểm của thể loại này, mời quí vị cùng trò chuyện với nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh, nữ danh ca Thanh Thuý và nghe lại những tác phẩm Bolero nổi tiếng.
“Trời đêm dần tàn / Tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn
Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay / Gió khuya ôi lạnh sao / Ướt nhẹ đôi tà áo…” (Tàu đêm năm cũ)
Ca khúc Tàu đêm năm cũ mà quí vị vừa nghe là một trong hàng nghìn ca khúc nhạc Bolero quen thuộc của nền âm nhạc Việt Nam. Khó mà hình dung được vũ điệu trầm buồn, chầm chậm, gần như gắn liền với đời sống bình dị của người Việt Nam lại có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ. Ở Tây Ban Nha, Bolero được khai sinh vào cuối thế kỷ XVIII, và được xem như là một vũ điệu hàn lâm.
Bolero vào Việt Nam từ khi nào?
Không có nhiều tài liệu cho biết Bolero đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam chính xác vào năm nào, nhưng lại nói rằng người đầu tiên mang Bolero vào miền Nam là nhạc sĩ Lam Phương, rồi Trúc Phương, hai nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc Bolero trữ tình như Nửa đêm ngoài phố, Hai chuyến tàu đêm, Tàu đêm năm cũ… Riêng cố nhạc sĩ Trúc Phương còn được gọi là ông hoàng của dòng nhạc Bolero.
Thế nhưng, nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh, người còn được biết đến là một ca sĩ với nghệ danh Trần Ngọc, tác giả của bản nhạc Mùa Xuân đầu tiên nổi tiếng được viết từ thập niên 60 ở Sài Gòn cho biết, những tài liệu ấy chưa chính xác lắm.
“Khi ở ngoài Bắc, trước năm 50, 51, 52, 53, 54 bắt đầu di cư vào miền Nam thì chưa có phong trào Bolero, hiếm lắm, tìm mãi mới có 1 bài. Vào đến miền Nam thì thấy bắt đầu từ những người ở Hải Phòng, những nhạc sĩ như Trịnh Hưng, Hoài An, Phó Quốc Thăng, Phó Quốc Lân, rồi Huyền Linh. Khi ở miền Bắc thì chưa nghe được tác phẩm Lam Phương. Ở Hà Nội thì chỉ nghe đài Sài Gòn, chưa thấy Bolero và chưa thấy tác giả Lam Phương. Khi vào đến trong Nam thì những bản nhạc của Trúc Phương nổi lên.”. Cũng chính vào thời điểm này, có hai ca khúc nổi tiếng khắp nơi, từ các phòng trà, vũ trường, các đại nhạc hội, cho đến những con hẻm nhỏ, và các vùng quê hẻo lánh, đó là Quán nửa khuya của nhạc sĩ Tuấn Khanh-Hoài Linh và Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương. Cả hai ca khúc đều thành công với một sứ giả mang tâm tình của hai người nhạc sĩ đến cho mọi người, đó là danh ca Thanh Thuý.
“Quán nửɑ ƙhuуɑ đèn mờ theo hơi ƙhói / Ƭrút tâm tư νào đêm νắng cɑnh dài
Quãng đời tôi tàu đêm νắng ƙhông người, νẫn lặng trôi …” (Quán nửa khuya)
“Khi tôi bắt đầu đi hát là năm 1959. Bolero có trước năm 1960. Những bài Bolero, rumber thời gian 1960 đã có rồi, nhưng không nhiều như bây giờ.”
Âm hưởng cải lương và thời cuộc
Vì sao Bolero lại buồn đến như vậy? Và có phải vì như thế mà Bolero lại dễ đi vào lòng người hay không?
Quay trở lại thập niên 50, 60, đó là những năm mà người dân miền Bắc Việt Nam phải trải qua cuộc di tản thứ nhất. Những người nhạc sĩ từ Hải Phòng, vượt qua con sông Bến Hải để tìm đến vùng đất mới. Như nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh nhớ lại, đó là những năm tháng khó khăn, cái nghèo nó ám ảnh cả trong giấc ngủ. Người nhạc sĩ miền Bắc, miền Nam chia nhau điếu thuốc. Rồi nỗi nhớ quê hương bên kia bờ Bến Hải làm cho các nhạc sĩ di cư càng mang nhiều tâm sự. Nhưng đó cũng là lúc mà sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở đỉnh cao nhất. Rất nhiều ca khúc nổi tiếng ra đời thời gian ấy. Nhưng tất cả, hầu như là những bản nhạc với nhịp 4/4 chậm buồn, buồn đến nao lòng.
“Ai biết ai vì đời cùng ngược xuôi chung lối mòn / Ngày anh hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn 
Đêm lạnh còn chăn đơn gối lẻ / Chưa buồn khi canh vắng khép đôi mi…” (Bóng nhỏ đường chiều)
“Thời cuộc có nhưng nó ảnh hưởng từ cải lương ấy. Những bài hát cải lương người ta xuống những câu xề, đặc tính của loại nhạc cải lương nó mùi mẫn lắm. Hát như Chế Linh mà hát nhẫn cỏ cho em đấy, hát nghe mùi lắm, gần với giới bình dân. Những tuồng cải lương nào nó cũng có những tình tiết, mà mùi mẫn, mà cũng khóc được.”. Nếu nói đến cải lương thì ai cũng biết ngay nghệ thuật này có nguồn gốc từ miền Tây sông nước. Ông hoàng Bolero Trúc Phương, Lam Phương, Tô Thanh Tùng là những người được sinh ra ở Trà Vinh, Rạch Giá, Kiên Giang, Đồng Tháp.
Dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, Bolero là những câu chuyện kể nhẹ nhàng, chân tình, không có mỹ từ trau chuốt. Nói theo cách của nhạc sĩ Tuấn Khanh, Bolero là loại nhạc bình dân, gần gũi. Những ca khúc Bolero là những câu chuyện buồn vui quen thuộc xảy ra trong đời sống. Mỗi một người dễ dàng chọn cho mình một, hai hoặc nhiều hơn nữa các ca khúc gắn liền với kỷ niệm mình đã đi qua. Những người yêu âm nhạc, dù không học nhạc bài bản, nhưng chỉ cần biết vài nhạc lý cơ bản cũng có thể có một buổi văn nghệ khi “chén chú, chén anh”.
Những chàng nghệ sĩ hát rong thường chọn loại nhạc này để mưu sinh trên đường phố. Có lẽ cho đến mấy mươi năm sau, cũng khó ai quên được hình ảnh những người hát rong với cây guitar cũ kỹ, kiếm sống nơi các bến phà, bến xe ở Sài Gòn những năm 80 bằng những ca khúc Bolero buồn bã. Chẳng biết có phải họ đang kể lại câu chuyện của chính đời mình hay không, chỉ cần biết là cả người nghe và người hát đều tìm thấy cái tình của họ, cuộc sống của họ trong đấy.
“Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi /  Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời 
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối / Như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối 
Những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi…” (Những đóm mắt hoả châu)
Ca sĩ Ánh Tuyết từng nhận xét rằng Bolero dễ hát nhưng không phải ai hát cũng hay. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã thốt lên rằng không ai có thể thay thế những dòng nức nở của danh ca Thanh Thuý hay tiếng hát sầu muộn của Giao Linh khi thể hiện các ca khúc Bolero. “Đúng là thế. Hát Bolero ai cũng hát được, chỉ có hát hay và dở thôi. Nhưng hát được hay, ngọt ngào, đi vào lòng người thì không phải ai cũng hát được như thế, phải có những người hợp. Ca sĩ cũng thế thôi, phải hát hợp những loại nhạc nào chứ không phải có giọng hay thì hát bài nào cũng hay. Cũng như giọng hát của Thái Thanh, mà hát bản nào uốn quá thì nghe cũng không được thích. Nhưng bài nào cũng uốn, hát như khóc như bài Kỷ vật cho em, Bà mẹ Giao Linh thì không ai hát bằng Thái Thanh cả. Cái loại Bolero thì phải thật sến, thứ thiệt đó, phải tuỳ người, chứ không phải người nào cũng hát được.”
Riêng nữ danh ca Thanh Thuý thì bà cho rằng, đối với người ca sĩ, quan trọng là họ có đặt được tâm hồn của mình vào bài hát để diễn đạt cái vui cái buồn mà tác giả ca khúc mong muốn hay không. “Nếu mà nói kén thì cũng không đúng. Nói khó thì cũng không khó, dễ thì cũng không dễ. Là vì sao? Mình hát mình làm sao mình đặt tâm trạng mình vào bài hát đó, đó là cái khó. Nếu là một ca sĩ chuyên nghiệp thì điệu nào cũng hát được hết. Mình đưa mình vô bài hát, hát đúng với ý của tác giả mong muốn, đó là chuyện không phải dễ.”
“Ai cho tôi tình yêu / Của ngày thơ ngày mộng / Tôi xin dâng vòng tay mở rộng
Và đón người đi vào tim tôi /  Bằng môi trên bờ môi…” (Ai cho tôi tình yêu)
Như thế, có thể hình dung Bolero như một cô gái nhẹ nhàng, nũng nịu, dễ khóc, chan hoà, gần gũi với mọi người. Nhưng không phải vì thế mà ai cũng có thể dễ dàng thấu hiểu nỗi niềm của cô gái ấy.
“Hồn lỡ sa vào đôi mắt em / Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm / Thầm ước nhưng nào đâu dám nói 
Khép tâm tư lại thôi / Đường hoa vẫn chưa mở lối…” (Về đâu mái tóc người thương)
Nếu hát Bolero dễ mà khó thì sáng tác nhạc Bolero cũng phải tùy do trường phái của người nhạc sĩ. Đối với Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh hay Trịnh Công Sơn thì không có tác phẩm nào được viết với thể loại Bolero.
Nhưng không phải ca khúc Bolero nào cũng bắt buộc phải sầu bi, dang dở. Nữ danh ca Thanh Thuý khẳng định rằng với bà, không có thể loại nhạc nào là nhạc sến, chỉ có vài ca khúc có lời sến, nhưng không nhiều. Không phải bản nhạc Bolero nào cũng mang mong ước nhà mình chung vách, anh khoét bức tường anh qua thăm em.  Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Tuấn Khanh là một Bolero mà ông gọi là “có hậu” và “Bolero mà không phải Bolero”.
“Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em / Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến 
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương / Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn…” (Mùa xuân đầu tiên). Chính vì vậy, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong một lần trả lời phỏng vấn trong nước có nói rằng, với ông, Bolero là một thể loại nhạc trữ tình. Tuỳ vào người nghe mà dòng nhạc này được gọi là “nhạc vàng’ hay “nhạc sến”.
Và quan trọng hơn là, cho dù là thể loại nào cũng có một giá trị của riêng nó.

2. Thơ Luân Hoán:

(i) Kính ngài Đặng Dung
ngài ngồi mài kiếm dưới trăng
nỗi lòng thay lệ dần hoen đá buồn
gió đêm trăn trở quanh vườn
lá cành dần ngấm hơi sương nhạt nhòa
     kiếm ngài mài bởi xót xa
     bén ngời ánh thép sáng lòa hờn căm
     núi sông oằn gót ngoại xâm
     mênh mang trời đất dòng tâm sự đầy
chí khí dồn vào đôi tay
tóc râu dựng đứng chân mày uy nghi
không gian không dám thầm thì
tuyệt đối cung kính nam nhi xót lòng
    trời không mây rộng mênh mông
    lưỡi kiếm lấp lánh hoài mong rạng ngời
    trăm năm tâm sự của người
    vẫn còn vằng vặt trong tôi tuyệt vời


(ii) Chiến tranh
một con gà trống đỏ
một con gà trống đen
cùng nhìn về phương đó
khát vọng và bản năng
cả hai cùng hăm hở
đá nhau không nói năng

(iii) Về lại những địa danh nằm lòng

đêm qua tôi mới về Quảng Ngãi
hái trái mù u ở Nghĩa Hành
gió từ Mộ Ðức vây tôi lại
rờ rẫm thăm từng gốc tóc xanh
     tôi gặp bàn tay ai rất mềm
     xâu từng chùm nắng xách hai bên
     thân thương vói níu tôi dừng lại
     xối rửa đôi lòng mắt trót quên
tôi gặp đôi môi ai rất nồng
như tuồng vét hết nước trong sông
thiết tha mớm hết hương Trà Khúc
cho trái tim già lại trổ bông
     tôi gặp mồ hôi ai rất hồng
     trải thơm từng múi thịt da non
     tấm lòng Ðức Hải hay Sông Vệ 
     Quán Lát theo về đến Cửa Ðông ?
tôi gặp tôi qua núi với rừng
Trà Bồng Thạch Bích cõng trên lưng
đêm qua tôi mới về Quảng Ngải
một đoạn chân lìa xưa đến thăm
.................................................................................................................

Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: