(hình tác giả Ngô Thế Vinh)
Câu hỏi khẩn thiết được đặt ra là, 18 triệu cư dân vùng ĐBSCL đang và sẽ phải làm gì để thích nghi và sống còn ?
<!->
Trong các cuộc phỏng vấn của phóng viên Ánh Nguyệt / RFI [12/2004], giáo sư Võ Tòng Xuân một tên tuổi được biết tới trước 1975 như cha đẻ của giống lúa cao sản Thần Nông, hiện là Viện trưởng Đại Học An Giang, khi được hỏi về tình trạng không chỉ thiếu nước ngọt mà nạn nhiễm mặn ngày càng trầm trọng nơi ĐBSCL từ ngày Trung Quốc không ngừng tiến hành xây những con đập khổng lồ Vân Nam và Thái Lan chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong, Giáo sư Xuân đã đưa ra nhận xét là cho tới năm 1975 khi nước nhà thống nhất, thủy sản của ĐBSCL còn rất phong phú, nhưng đến nay thì không, lượng tôm cá không chỉ bị sút giảm về số lượng mà cả về số chủng loại. Số cá ít ỏi lưới được từ sông là không đáng kể, chỉ đủ để cung cấp thức ăn chất đạm cho những gia đình nông dân nghèo trong vùng. Nói về cá tôm xuất khẩu, thực ra không phải từ nguồn thiên nhiên mà là do kỹ nghệ nuôi cá lồng [như cá ba sa], nuôi tôm xú trên vùng nước lợ, cộng thêm với số cá lưới được từ ngoài Biển Đông.
Giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu tiếp : "Nông dân ĐBSCL thích nghi nhanh, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp: bỏ hẳn giống lúa cổ truyền chuyển sang trồng lúa cao sản, nên chủ động tránh được lũ cũng như hạn hán. Ở những vùng bị nhiễm mặn, vùng nước lợ, thay vì trồng lúa thì chuyển qua những loại cây khác hay chuyển qua sản xuất nuôi tôm xú chịu được nước lợ; rồi phong trào nuôi cua biển đang phát triển mạnh, người nông dân sẽ dùng nguồn nước mặn này để nuôi thủy sản với giá thành cao hơn là trồng lúa. Hiện nay Viện Lúa ĐBSCL đang vận dụng công nghệ sinh học, tìm những 'genes' chịu mặn nhằm lai tạo những giống lúa cao sản tương đối chịu mặn hơn các giống lúa thường (chứ không phải là chịu nước mặn hoàn toàn). Xa hơn nữa, Việt Nam đang cùng với nhóm MEREM / Mekong Resources Economic Management do Nhật Bản tài trợ, nhằm nghiên cứu những thay đổi môi trường nước cũng như của đa dạng sinh học trên sông Mekong để từ đó có thể khuyên cáo những chánh phủ liên hệ nên sử dụng nguồn nước sao cho an toàn hơn." (8)
Cùng với những toan tính lượng định lạc quan như trên, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng nhận định rằng cho dù Việt Nam có lên tiếng phản đối nhưng cũng chẳng thể làm được gì để mà ngăn chặn Trung Quốc và Thái Lan thực hiện kế hoạch khai thác sông Mekong của họ.
Bước sang thế kỷ 21, với kỹ thuật cao, với lòng tham của con người, chẳng khó khăn gì để giết chết một dòng sông, hủy diệt cả một hệ sinh thái phong phú nhưng cũng rất ư là mong manh của hành tinh này.
Tất cả sáu nước ven sông với những định chế chánh trị xã hội và văn hóa khác nhau, nhưng cùng có chung một nhu cầu khẩn thiết là khai thác con sông Mekong để phát triển. Không phải là không có những mâu thuẫn quyền lợi và tranh chấp khi tới với nguồn nước và tài nguyên không phải là vô hạn của dòng sông. Thực tế cho thấy dễ dàng để thỏa thuận với nhau trên một số nguyên tắc khái quát như "sử dụng nước và các nguồn tài nguyên phải đáp ứng với nhu cầu bảo vệ, bảo tồn, thăng tiến môi sinh và duy trì cân bằng hệ sinh thái" nhưng đi vào thực hiện với chi tiết còn cả một "khoảng cách đại dương". Dĩ nhiên sẽ có những diễn dịch khác nhau và phản ứng hành động khác nhau theo hoàn cảnh của mỗi nước ven sông.
Liệu ai sẽ thực sự trách nhiệm "duy trì dòng chảy tối thiểu" của con sông Mekong trong mùa khô để nước mặn từ ngoài Biển Đông không tiếp tục lấn vào sâu và xa hơn nữa vào ĐBSCL? Cũng như làm sao để có dòng chảy đủ mạnh trong mùa lũ để có nước chảy ngược từ con sông Tonle Sap vào Biển Hồ, để duy trì nhịp đập trái tim của Cam Bốt. Và cho đến nay, không ai có thể đưa ra một lời giải đáp.
Trong một tương lai không xa, con sông Mekong - con sông Danube của Châu Á ấy, sẽ chỉ còn là một con sông chết, chỉ để sản xuất thủy điện, dùng làm thủy lộ giao thông và tệ hại hơn nữa còn là cống rãnh để đổ xuống các chất phế thải kỹ nghệ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc.
Rồi nhìn về Việt Nam với hình ảnh ước lệ của hơn nửa thế kỷ trước về một Đồng Bằng Sông Cửu Long, với ruộng vườn thẳng cánh cò bay, tôm cá thì đầy đồng - thì nay tất cả đã đi vào quá khứ. Chỉ mới đây thôi có dịp trở lại viếng thăm, để chỉ thấy trên toàn cảnh là một ĐBSCL đang suy thoái và cứ nghèo dần đi. Và không biết một trăm năm sau, liệu có còn không một Đồng Bằng Sông Cửu Long và một Nền Văn Minh Miệt Vườn?
NGÔ THẾ VINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét