Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2025

NHÀ BÁO LÃO THÀNH MẠC KINH - Dư Thị Diễm Buồn


MẠC KINH (1927-2016)
Tôi không sao tìm được tiếu sử và ảnh của bác Mạc Kinh. Chợt nhớ đến địa chỉ của bác ở nước Anh, tôi liền gởi thư theo đường bưu điện cầu may. Từ khi bác qua đời đến nay, tôi không liên lạc được vì không biết gia đình bác còn ai ở địa chỉ đó không. Nhưng may mắn, sau khi thư gởi đi chừng hai tuần thì tôi được điện thoại người thân trong gia đình bác. (Dưới đây là thư của Thái Dương (con trai của nhà báo lão thành Mạc Kinh)
<!>
Thư gởi từ Anh Quốc:

Thưa Cô Dư Thị Diễm Buồn,
Cháu xin gửi kèm theo email này ảnh của Ba cháu, đồng thời xin chỉ sơ lược về Ba cháu như đã trình bày với Cô qua điện thoại.
"Ông Trần Thế Xương, sinh năm Đinh Mão (1927), mà trong làng báo Miền Nam ngày xưa thường biết đến với bút hiệu Mạc Kinh, nguyên chủ nhiệm - chủ bút nhật báo Dân Chúng từ năm 1955 xa xưa. Ông là người phóng khoáng và bình dị, chỉ say mê về chính trị, để hết tâm hồn vào cuộc đấu tranh cho nền độc lập nước nhà. Với những ai biết thật rõ mối liên hệ chặt chẽ của ông với ông NĐN lúc làm chủ nhiệm tờ tạp chí Xã Hội, 1952-1954, và về sau này với Dinh Độc Lập (ở vài ba năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, ô. Mạc Kinh cùng người anh em thúc bá TCT, Tổng Trưởng Thông Tin, phụ trách phần soạn thảo các diễn văn cho Tổng Thống NĐD) đều không khỏi ngạc nhiên về thái độ khảng khái ở ông trên bước đường xây dựng nền dân chủ phôi thai của VNCH. Khi xảy ra những bất đồng quan điểm với giới cầm quyền, ông lặng lẽ rút lui để đắm mình vào việc làm báo. Ngòi bút của ông chuyên về bình luận chính trị.
Ông bị kẹt lại vùng cộng sản 9 năm, không đi "trình diện". Cuối năm 1976, ông mới bị sa vào tay CS. Bị giam giữ riêng tại Sở CA (trụ sở cũ của Tổng Nha Cảnh Sát QG), và chịu sự thẩm vấn triền miên của "ban chính trị". Tháng 6 năm 1984, nhờ sự can thiệp của Chính phủ Anh Quốc, ông và gia đình sang Luân Đôn cư ngụ.
Trong những năm ở hải ngoại, ông có viết một số bài bình luận chính trị cho các tờ báo như Phụ Nữ Việt Nam, Văn Nghệ Tiền Phong, Đại Chúng, Con Ong, Nguyệt San Việt Nam...
Ông mất ngày 12 tháng 2 năm Bính Thân (2016) tại Luân Đôn."
Trên đây là một vài tư liệu để Cô có thêm thông tin khi viết về Ba cháu. Cháu cũng xin cảm ơn Cô đã lưu giữ những ký ức quý mến, trân trọng đối với Ba cháu dù chỉ có dịp tiếp xúc qua điện thoại..

Kính chúc Cô và gia đình luôn được bình an.
Cháu Thái Dương

Chân thành cảm ơn Thái Dương. Thật đúng như Thái Dương nói: “...Ba cháu là người phóng khoáng, rộng rãi...” Cô vẫn nhớ mỗi lần nhận được sách tặng, bác đều gởi tiền và bảo: “...Ủng hộ để DB mau in sách mới gởi cho bác đọc...” Bác còn luôn, khuyến khích, đôn đốc cô viết... Cô đã nợ bác từ vật chất lẫn tinh thần! Một lần nữa cảm ơn Thái Dương cùng thân chúc toàn gia luôn khỏe mạnh an lành và hạnh phúc…” DTDB

“Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” Tôi chưa bao giờ diện kiến với bác Mạc Kinh. Mặc dù có lần qua Mỹ (Bác ở nước Anh) bác hẹn gặp chúng tôi ở Thung lũng Hoa Vàng (San Jose) nhân dịp bác ghé thăm bác Hà Thượng Nhân ở thành phố nầy. Nhưng không may cho tôi thời gian bác đến thì chúng tôi đã đi qua một nước khác.
Tôi được hân hạnh quen biết với nhà báo lão thành Mạc Kinh là nhờ sự giới thiệu của anh Đỗ Bình. Trong văn giới ở Hải Ngoại ai còn lạ gì một Văn Nghệ Sĩ đa tài, năng nổ ở nhiều lãnh vực: cầm, kỳ, thi, họa... ngoài ra còn trọng tình bạn, hiếu khách... của vợ chồng anh chị Đỗ Bình (Ở Pháp)
Bác Mạc Kinh là người thích du lịch hầu hết các nước từ Âu sang Á. Vì bác đến nước nào thì thường gởi postcard cho chúng tôi kể lại một vài nơi bác đã đi qua và nơi nào đó bác sắp đến.
Nhớ sau khi anh Đỗ Bình giới thiệu, lần đầu tiên tôi gởi tặng bác 3 quyển sách (một truyện ngắn, một cuốn truyện dài và một thi tập) để làm quen. Sau chừng một tháng từ ngày gởi, tôi nhận được thư cảm ơn của bác và kèm theo ngân phiếu 100$ dạng travel check (ở đâu lãnh tiền cũng được). Thuở đó (hơn 20 năm trước) 100 đola mua được rất nhiều thứ!
Tôi vô cùng cảm kích và biết ơn quý vị văn nghệ sĩ bậc thầy, bậc đàn anh, chị, đồng điệu đã thành danh và bác Mạc Kinh qua nhiều hình thức luôn khuyến khích, bày biểu, chỉ dẫn… cho tôi suốt thời gian dài, và cho mãi đến ngày nay... dù bác đã ra người thiên cỗ.

TÂM HỒN VÀ VĂN PHONG
CỦA NỮ TÁC GIẢ DƯ THỊ DIỄM BUỒN


Trong thập niên cuối của 30 năm dài tính từ ngày tháng năm 1975, người dân Miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị tan tác vì khói lửa chiến tranh, dẫn đến cảnh nước mất nhà tan, khiến giờ đây đã có 30 triệu người đang phiêu bạt trên các phương trời tự do sống cuộc đời ‘tầm gởi’, và trên 30 triệu đồng bào Đồng Nai bên nầy dòng sông Bến Hải tiếp tục đắm chìm trong cảnh huống điêu linh nghèo khổ, thậm chí mất tất cả đến quyền sống làm người. Thì tại hải ngoại, người ta bỗng thấy xuất hiện một dòng văn học tương đối mới mẻ- dưới dạng tiểu thuyết, hình như chú ý đánh dấu cái khoảng thời gian kỳ quái vừa được nhắc trên của toàn thể 80 triệu sanh linh từ Bắc đến Nam, nơi nước nhà thật sự thấm thía cùng cực về một chế độ chính trị được mệnh danh là ‘Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’, cai trị từ những lãnh tụ xuất phát vô sản. Tuyệt đại đa số, nếu không phải 3 đời thì ít ra cũng có một hai đời là bần cố nông, lao động! Bần cố nông mà nay có được bần cố nông lãnh đạo thì có gì lý tưởng cho bằng? Người dân nghèo rớt mồng tơi, đâu phải sợ cái cảnh một cổ đôi ba tròng bị đàn áp, bóc lột như họ thường nghe CS tuyên truyền ra rả bên tai về ách phong kiến, quan lại, tư sản, địa chủ nữa? Khốn thay, việc đời vẫn có những cảnh lâm ly của nó.
Ngày nay, chiến tranh sạch bóng, đất nước ‘thống nhứt’ 30 năm rồi, mà trong thực tế, cái nông nỗi bần cố nông lãnh tụ một hai đời kia lại thẳng tay đè đầu, đè cổ, vơ vét, đọa đày thê thảm đám quần chúng bần cố nông năm- bảy- đời thì thật quả là sự khó tin mà có thật !
Thông thường, bộ môn tiểu thuyết chỉ nhằm biểu lộ trạng thái tâm hồn lãng mạn, tính chất tình ái yêu đương bàng bạc giữa đôi lứa nam nữ, khơi dậy những ngang trái trong đời sống cá nhân, hoặc với biết bao nỗi niềm bất công của cảnh đời lầm than muôn mặt, đặt một xã hội vật chất kiêu sa, đầy dục vọng…
Song, nay lại không phải vậy. Tất cả không còn là bối cảnh chính yếu của đề tài tiểu thuyết tâm lý khêu gợi thường thấy nữa. Tất cả- những gì từ dòng suy tư rung động, cảm tính phong phú mênh mông kia ở rừng tác giả thời qua đã hầu như bỏ lại phía sau nhường bước cho một văn phong nghĩa lý, nhằm chủ đích mượn chuyện, dệt chuyện có ‘chừng mực’ để ghi dấu những sự kiện, những biến thiên hãi hùng đã xảy ra nơi quê nhà. Và được phủ nhẹ bằng một chuyện tình, một cuộc luyến ái liên quan đến thời cuộc, đến tình thế thuở chiến tranh.
Dưới nét nhìn ấy, sau khi đọc một loạt tác phẩm đã xuất bản và phổ biến trên văn đàn như ‘Chân Trời Hạnh Phúc, Trong Lâu Đài Kỷ Niệm, Xa Bến Thiên Đường, Một Thoáng Hương Xưa, Những Ngày Xưa Thân Ái, Nỗi Lòng Người Đi’… của nhà văn nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn, chúng tôi xin được dè dặt đề cập đến trạng thái đặc biệt ấy ở tác giả.
Vào một buổi Thu bước sang Đông năm 2004, thời tiết Âu Châu thật là lạnh, nhất là ở phương trời Anh Quốc nầy thường chìm trong sương mù u ám, buồn thật là buồn, tôi nhận được bản thảo ’Vén Màn Sương Ảo Mộng’ mà tác giả có nhã ý dành cho đọc trước với yêu cầu viết lời giới thiệu.
Cây bút Dư Thị Diễm Buồn tuy xuất hiện chậm, nhưng danh tính bà lại khá quen thuộc trong giới văn nghệ sĩ và độc giả vùng trời tự do. Các sách truyện thơ của bà viết ra đều đã do một số nhà văn tên tuổi như: Xuân Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Hồ Trường An, Doãn Quốc Sỹ, Tạ Quang Khôi, Văn Quang, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Thùy, Diên Nghị, Lê Mộng Nguyên, Uyên Thao, Lê Đình Cai… viết lời tựa hoặc biểu lộ sự tán thưởng đậm đà.
Tôi được làm quen, đến với văn chương ở bà muộn màng. Song điều đó không là một trở ngại. Mỗi một người đọc, tất nhiên đều có những nhận định, nhận thức riêng vào lúc đón nhận những thi vị chung. Trong cuộc đời cầm bút viết báo qua chặng đường dài cam go phức tạp thuở còn miền Nam- Có lẽ vì bị chi phối bởi ‘nghiệp chướng’ làm báo, nay xin cứ ngay tình và khiêm nhường thổ lộ: Hãy giữ nguyên áng văn nguyên thủy trao thẳng đến độc giả. Độc giả đọc đến, sẽ lần ra tâm ý người viết, và sẽ đi sâu vào phần duyệt xét điều hay, hoặc chưa mấy hay của văn phong và bố cục cốt truyện. Vậy thiết tưởng cứ phải trang trọng dành sự kết luận cuối cùng cho bạn đọc. Trách nhiệm của bản văn giới thiệu tác phẩm chỉ nên thu hẹp trong chiều hướng suy diễn ấy, chỉ là một đóng góp tế nhị vào cảm quan chung ở thành phần độc giả đã để mắt đến tác phẩm. Trừ phi định đặt ra vấn đề ‘phê bình’ thì lại là mục đích khác, và vẫn chỉ có thể đưa ra vào lúc sách đã được phát hành. Mọi phân tích, chê khen ồn ào sớm, là một xúc phạm đáng trách đến sự thưởng ngoạn của bạn đọc nói chung!
Xưa nay, trong thực tế, danh vị ‘độc giả’, được coi trọng như những nhà trọng tài văn chương cao quý. Bạn đọc đứng trên tất cả! Vì, chỉ thiếu sự quan tâm khách quan nghiêm túc của độc giả, chắc chắn khó thể có những nhà văn, những tác giả tài danh đúng nghĩa ở địa hạt cầm bút.
Thiên tiểu thuyết ‘Vén Màn Sương Ảo Mộng’ đang chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Xin mạn phép nêu ra- nó là sự nối tiếp một số tác phẩm đã ra đời trước. Trong nội dung, quê hương nước Việt vẫn là bối cảnh hàng đầu giữa cuộc chiến hai miền Nam Bắc Quốc Gia- Cộng Sản vào thời điểm sôi động nhất. Và, được lồng vào một chuyện tình Nam Nữ Thể Hà- Đông Nhựt.
Qua nhiều tình tiết đặt vào từng vai nhân vật trong truyện, người ta dễ dàng đón nhận tác giả Dư Thị Diễm Buồn ấp ủ một tâm tình lãng mạn phong phú như phần đông những người thiếu nữ cùng trang lứa thuở còn tuổi nữ sinh- sinh viên đầy thơ mộng. Có điều bà sớm có khiếu văn chương. Chất thơ văn ấy giúp cho bà trẻ mãi. Trẻ mãi nơi tâm hồn. Đọc văn bà, người ta thường bắt gặp những ý nghĩ hồn nhiên, duyên dáng, tươi mát, trẻ trung. Cứ như một thiếu phụ không bao giờ chịu ảnh hưởng của tuổi đời pha màu thời gian. Bà viết, phải viết- chỉ vì say men văn chương. Giản dị thế thôi. Nó là một lối thoát cho một tâm tình sâu kín. Bà quan sát, suy tư nhiều hơn là hòa mình vào ngoại cảnh. Bà sống bằng nội tâm, tự biết định hướng, biết chỉ huy, xử linh những rung động từ nơi con tim cho thích đáng. Thành thử nhà văn, nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn vẫn mới mà vẫn tiềm tàng nét đoan trang xưa cũ, thường thấy dưới những mái gia đình tồn cổ, nho phong- nơi các thị trấn êm đềm bên dòng Đồng Nai thân yêu ở miền Nam. Nội một điểm nầy, đáng để cho những độc giả khả kính trong chúng ta tìm đến nhà văn, đọc những gì còn gọi là đáng đọc.
Lại nếu nhìn vào các tiêu đề đặt cho từng tác phẩm cũng như chỉ dựa vào những tên gọi được đặt cho từng nam nữ trong truyện, người ta có thể lầm nghĩ nhà văn tác giả đã chịu phần nào ảnh hưởng của cây bút tiểu thuyết gia Quỳnh Dao nổi tiếng. Nhưng Diễm Buồn vẫn là Diễm Buồn của riêng bà. Nếu có giống chăng- chỉ ở mạch văn thoát ra dễ dàng, luân lưu như không bao giờ cạn. Nhà Văn Diễm Buồn có cái khả năng, văn tài triền miên, thanh thoát không bến bờ.
Đoạn kết của tập truyện nầy- ‘Vén Màn Sương Ảo Mộng’ đã cho thấy rõ điều đó. Nó hứa hẹn nhà văn sẽ còn đặt bút tiến xa tắp vào chân trời tiểu thuyết phong phú bao la…
Trong cảm nghĩ ấy, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm và tác giả Dư Thị Diễm Buồn đến bạn đọc bốn phương.

Mạc Kinh
Luân Đôn cuối thu 2004

MỘT NGƯỜI CẦM BÚT
VIẾT CHO MỘT NGUỜI CẦM BÚT!

MẠC KINH

Chị Dư Thị Diễm Buồn mến,

Xin cảm ơn chị đã sớm tặng sách ngay lúc vừa phát hành. Tôi đã đọc xong tập truyện ngắn “Phượng Tím” chậm đáp lễ chị, vì cả một hai tháng dài sau đó trời Âu Châu trở lạnh quá nhiều. Mưa gió tuyết triền miên khiến tôi không còn dám bước ra ngoài vào lúc sức khỏe vừa tạm kha khá.
Bây giờ bước vào tháng 4 mới có 1 tuần hửng nắng, ấm áp đôi chút, tôi vội ra bưu điện bỏ thư sang chị. Mong được chị biết cho và thứ lỗi cho.
Xin vui với chị, sách in ấn đẹp lắm. Đặc biệt là ngòi bút ở chị vẫn mãi mãi hiền hòa đôn hậu như thuở nào. Từ buổi đầu đọc chị thì tôi có nhận xét là chị sống bằng nội tâm. Chị hồn nhiên quan sát và tích lũy một trời hoài niệm. Chị khai thác “kỷ niệm”... Và thoạt bước vào ngưỡng cửa đời lại đã sớm trở thành một công chức (y tá). Thành thử, tuy mang nặng khiếu văn khoa lại vốn thuộc gia tộc nề nếp kết hợp với tuổi đời quá trẻ đẹp ở người thiếu nữ.
Một người viết như chị đã chọn cho mình một lối suy tư riêng biệt, vô cùng nghiêm túc ở một địa hạt viết văn. Lời văn của chị, cùng các đề tài chọn lựa luôn trong sáng, thanh thoát ẩn chứa nhiều rung động, mơ màng, lãng mạn mà vô hình chung vẫn được dắt dẫn, xử linh tinh tế từ đáy hồn tác giả.
Tài và hạnh phúc dung hòa tương xứng. Về điểm nầy, hình như, đã có lúc tôi được chị trao cho bản thảo đọc trước và luận về văn phong lẫn phong cách cầm bút ở chị...
Nhưng, cứ phải đợi đến lúc nầy, qua tác phẩm “Phượng Tím” mới thấy lộ ra “bóng dáng anh nhà”- Người bạn đời khả ái của tác giả, nguyên đã có một thời trong binh chủng Sư Đoàn 21 Bộ Binh Quân Lực VNCH, có biệt danh “Sét Miền Tây”!
Tôi thoáng thấy có một chút vui vui mến mộ, đã không lầm khi dõi theo tâm tình người nữ tác giả như chị...
Thì ra, chồng nào vợ ấy. Chỉ là một lẽ đương nhiên phải có. Vị thần Định mệnh quả là phi thường trong việc sắp đặt nên duyên, cho cuộc an bài hạnh phúc lứa đôi.
Tôi mừng cho anh chị và mừng cho cô, cậu, rể là hậu duệ của anh chị đã là “lương y như từ mẫu” từ lâu rồi, trong xã hội Mỹ quốc.

Xin chào anh chị với lòng kính quý
Luân Đôn mùa Phục Sinh 2014

MAC KINH

Trích trong tuyển tập:
“Bóng Thời Gian.2” Phát hành năm 2024

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Email:dtdbuon@hotmail.com

Không có nhận xét nào: