Tướng Keith Kellogg nói ông Trump có thể kết thúc chiến tranh Nga-Ukraine trong vài tháng tới Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump có thể giải quyết cuộc chiến tranh giữa Moskva và Kiev “trong vài tháng tới”, Tướng Lục quân Hoa Kỳ nghỉ hưu Keith Kellogg, đặc phái viên sắp tới của chính quyền Trump thứ hai về Ukraine và Nga, tuyên bố khi xuất hiện trên Fox News vào thứ Sáu (13/12). “Tổng thống Trump chơi cờ vua ba cấp độ, và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy làm điều gì đó như vậy. Ông ấy có thể làm được không? Tất nhiên là ông ấy có thể làm được.
<!>
Ông ấy có thể thực hiện một động thái táo bạo như vậy“, ông Kellogg nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông thực sự tin rằng chiến tranh Nga-Ukraine sẽ được giải quyết “trong vài tháng tới” vì ông Trump là “người duy nhất” có thể làm được và sẽ làm được điều đó.
Không có gì khác nên được đặt “ngoài phạm trù có thể” vào lúc này, ông Kellogg nói, nhưng cũng cho biết rằng “ông sẽ không ngạc nhiên” trước bất kỳ động thái bất ngờ nào của vị tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đã nhiều lần cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến giữa Moskva và Kiev chỉ sau một đêm, nhưng ông chưa bao giờ cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết chính xác nào về cách thức ông dự định đạt được kết quả như vậy.
Đầu tuần này, ông Trump cho biết giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và sự thù địch ở Trung Đông là nằm trong những “ưu tiên lớn” của ông. Tuy nhiên, ông cho rằng việc đạt được mục tiêu về Trung Đông “ít khó khăn hơn” so với mục tiêu ở Ukraine.
Cũng trong bài phát biểu trên Fox News, Tướng Kellogg không loại trừ khả năng Tổng thống Trump có thể mời cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky đến dự lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ thứ 47 vào ngày 20 tháng 1 năm 2025.
Cũng trong ngày thứ Sáu (13/12), tờ NBC News dẫn theo những nguồn tin giấu tên cho biết nhóm của Tổng thống đắc cử Trump đã đang nỗ lực hết sức để làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Ukraine và Nga ngay Ngày đầu tiên ông Trump trở lại Nhà Trắng, từ đó có thể mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình lâu dài.
“Ông Trump thực sự nghiêm túc về việc muốn đạt được lệnh ngừng bắn ngay trong ngày đầu tiên“, một nguồn tin nói với NBC News.
Cũng theo NBC News, nhóm an ninh quốc gia của ông Trump đã có các cuộc đàm phán với Nhà Trắng sắp mãn nhiệm của Tổng thống Biden và ban lãnh đạo Kiev. Hãng tin này cho biết Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance và đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg đã gặp chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky là ông Andrey Yermak vào tuần trước.
Các nguồn tin của NBC News mô tả các cuộc tiếp xúc của nhóm Trump với ông Zelensky và các trợ lý của ông ta là “mang tính xây dựng” và “tích cực“.
Về phần mình, Nga trước nay luôn bày tỏ sự hoài nghi về những lời cam kết liên tục của ông Trump về việc bằng cách nào đó giải quyết cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Moskva coi những lời hứa của ông Trump chỉ là lời nói suông trong chiến dịch tranh cử.
Ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi đầu tháng Mười Một, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những lời hứa giải quyết xung đột trong một đêm rõ ràng là “một sự cường điệu”. Dù vậy, ông Peskov cũng cho biết: “Nếu chính quyền mới [của Hoa Kỳ] tìm kiếm hòa bình thay vì tiếp tục xung đột, thì sẽ tốt hơn chính quyền trước đó”.
Mỹ phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Dark Eagle
Quân đội Mỹ mới đây đã phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Dark Eagle từ Trạm không quân Mũi Canaveral ở bang Florida. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được thử nghiệm thực tế kể từ khi ra mắt vào tháng 2/2023.
Tên lửa Dark Eagle thuộc hệ thống vũ khí siêu vượt âm tầm xa (LRHW) do Lockheed Martin và Northrop Grumman phát triển.Theo báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, hệ thống này có khả năng phóng tên lửa đạt tốc độ hơn 3.800 dặm/giờ (khoảng 6.115 km/giờ), nhanh gấp năm lần tốc độ âm thanh, và tầm bắn lên tới 1.725 dặm (khoảng 2.776 km).
“Cuộc thử nghiệm này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc phát triển một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của chúng tôi”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tích hợp vũ khí này vào các tàu nổi và tàu ngầm của hải quân nhằm duy trì vị thế lực lượng chiến đấu hàng đầu thế giới”.
Tên lửa được phóng từ Tổ hợp phóng 46 vào ngày 12/12, thu hút sự chú ý của cộng đồng trong khu vực. Nhiều người dân và nhiếp ảnh gia đã chia sẻ hình ảnh và video về vụ phóng trên mạng xã hội, với nhiều bình luận ngạc nhiên trước tốc độ và hình dáng tên lửa.
Cuộc thử nghiệm diễn ra chỉ vài tuần sau khi Nga phóng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine. Theo hãng tin Reuters, Nga có thể thực hiện thêm một vụ phóng nữa trong thời gian tới, làm gia tăng áp lực trong cuộc chạy đua công nghệ siêu vượt âm.
Tên lửa Dark Eagle được thiết kế để bay đến tầng trên cùng của bầu khí quyển và né tránh các hệ thống phòng không cho đến khi tấn công mục tiêu, khiến đối phương không kịp phản ứng.
Tuy nhiên quá trình phát triển vẫn cần thêm nhiều thử nghiệm để đảm bảo độ bền của các thiết bị điện tử trong điều kiện nhiệt độ lên đến 3.000 độ F (khoảng 1.650 độ C) và tối ưu hóa tính khí động học. Một báo cáo hồi tháng 9 cho biết quân đội Mỹ dự kiến tiến hành thêm một cuộc thử nghiệm lớn nữa trước khi quyết định trang bị tên lửa này cho đơn vị đầu tiên vào năm 2025.
Từ tháng 2/2023, hệ thống LRHW đã được triển khai tại Mũi Canaveral trong khuôn khổ chiến dịch Thunderbolt Strike, nhằm kiểm tra khả năng phóng di động của loại vũ khí này. Trong năm 2023, quân đội Mỹ đã lên kế hoạch thử nghiệm vào tháng 3, 9 và 10 nhưng các vụ phóng này đã không diễn ra.
Đến tháng 6/2024, hải quân và lục quân Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm hai giai đoạn tại cơ sở thử nghiệm ở Kauai, Hawaii. Cuộc thử nghiệm này được đánh giá là bước tiến lớn trong chương trình LRHW.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ: Còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria
Các thượng nghị sĩ (TNS) Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Hoa Kỳ cho biết còn quá sớm để xem xét dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Tuyên bố này là dấu hiệu cho thấy Washington khó có thể thay đổi chính sách của mình trong thời gian tới.
“Chúng tôi thực sự vui mừng vì ông Assad đã ra đi”, TNS Jim Risch, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói với Reuters. “Chúng tôi đã làm việc trong một thời gian dài, rất dài và công việc đã hoàn thành. Vấn đề là, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây?”
Nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Sunni Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – một nhánh cũ của al Qaeda, đã tấn công khắp Syria và lật đổ chế độ Assad vào tuần trước – bị Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia khác chỉ định là một tổ chức khủng bố và cũng bị Liên Hợp Quốc trừng phạt.
“Vì vậy, vì điều đó, chắc chắn cần phải tạm dừng để cân nhắc xem điều gì sẽ xảy ra,”, ông Risch nói, lưu ý rằng trong khi các nhà lãnh đạo quân nổi dậy đưa ra những tuyên bố khích lệ về sự thống nhất và nhân quyền, thì vẫn chưa rõ họ sẽ hành động như thế nào.
Ông Risch sẽ chủ trì ủy ban quan hệ đối ngoại giám sát hoạt động ngoại giao của Hoa Kỳ, bắt đầu từ tháng Một khi Đảng Cộng hòa của Tổng thống đắc cử Donald Trump nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Tập trung vào vấn đề nhân quyền
Những người phản đối cho rằng rủi ro là quá cao cho đến khi họ chắc chắn rằng quân nổi dậy ở Syria cho phép nhân quyền, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận và tôn giáo, và không tấn công các thành viên của các nhóm thiểu số.
Các đảng viên Dân chủ cấp cao cũng kêu gọi thận trọng.
“Vẫn còn quá sớm để nói liệu hồ sơ của chính phủ mới [ở Syria] có phản ánh cách thức làm việc khác hay không”, TNS Ben Cardin, hiện đang giữ chức vụ chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói tại một cuộc họp báo.
Tổng thống đắc cử Trump, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, cho biết Hoa Kỳ không nên tham gia vào cuộc xung đột ở Syria.
Những người ủng hộ thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với chế độ mới ở Syria cho rằng việc ban hành miễn trừ và giấy phép sẽ khuyến khích phát triển kinh tế và đầu tư nước ngoài, cung cấp cho chính phủ mới nguồn tài chính rất cần thiết để xây dựng lại và thành lập các thể chế chính phủ.
TNS Chris Murphy, chủ tịch tiểu ban Trung Đông của Thượng viện, cũng cho biết còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh trừng phạt, xét đến lịch sử liên quan đến khủng bố của quân nổi dậy, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao tiếp với chính quyền mới ở Syria vào thời điểm các cường quốc thế giới đang tranh giành ảnh hưởng tại đây.
“Tôi không nghĩ Hoa Kỳ nên tự tách mình ra khỏi một căn phòng nơi mọi người khác đang có mặt”, ông Murphy nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông nhấn mạnh đến hàng tỷ USD tài sản và việc khai triển quân đội Hoa Kỳ bên trong và xung quanh Syria.
Ông Murphy cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta nên ngần ngại mở đường dây liên lạc”.
Các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến việc hỗ trợ vật chất cho Syria, nhưng không cấm liên lạc với chính phủ nước này.
Đã có một vài lời kêu gọi tại Quốc hội Hoa Kỳ về việc nới lỏng lệnh trừng phạt, nhưng phần lớn còn đang phản đối việc này.
Hôm thứ Tư (11/12), Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, hay còn gọi là NDAA, trong đó bao gồm việc gia hạn “lệnh trừng phạt Caesar” đến năm 2029, áp dụng cho các doanh nghiệp tại Syria và bất kỳ giao dịch quốc gia nào với Syria hoặc các thực thể Nga và Iran tại Syria.
Đạo luật NDAA dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua vào tuần tới, đang gửi đến Nhà Trắng, và dự kiến Tổng thống Joe Biden sẽ ký thành luật.
Anh-Nhật-Ý hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ thứ sáu
Hôm nay (13.12), Anh, Nhật Bản và Ý công bố thành lập liên doanh chung để phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ thứ sáu thay thế Eurofighter Typhoon vào năm 2035.
Các nhà thầu BAE Systems (Anh), Leonardo (Ý) và Hãng Cải tiến Công nghệ Máy bay Nhật Bản (JAIEC) mỗi bên sẽ giữ 33,3% số cổ phần trong liên doanh phát triển tiêm kích thế hệ thứ sáu.
Trong đó, JAIEC là công ty nhận được nguồn tài chính từ Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) và Hiệp hội các công ty hàng không vũ trụ Nhật Bản.
Động thái mới được cho sẽ đánh dấu thời khắc quan trọng của ngành hàng không vũ trụ và công nghiệp quốc phòng, theo AFP dẫn thông cáo báo chí về việc thành lập liên doanh Anh-Nhật-Ý.
"Thỏa thuận hôm nay là sự tích lũy nhiều tháng cùng phối hợp với các đối tác trong ngành và lời chứng cho sự làm việc không mệt mỏi của những con người tham gia chương trình có tầm quan trọng chiến lược này", AFP dẫn lời ông Charles Woodburn, Tổng giám đốc BAE Systems.
Ông Woodburn dự báo liên doanh mới sẽ dẫn đầu nỗ lực phát triển dòng máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp, tạo ra những công việc đòi hỏi tay nghề cao, có giá trị và mang lợi ích dài hạn cho các nước liên quan trong nhiều năm tới.
Cả ba đối tác đều nhất trí thành lập công ty liên doanh theo khuôn khổ Chương trình Không chiến Toàn cầu (GCAP), sáng kiến đa quốc gia do Anh, Nhật Bản, Ý thành lập năm 2022 để phát triển dòng tiêm kích thế hệ thứ sáu, thay thế dòng tiêm kích Eurofighter Typhoon và F-2 của Nhật Bản.
Công ty liên doanh được dự kiến sẽ chính thức khai trương vào giữa năm 2025 và đảm nhận công tác thiết kế, phát triển máy bay GCAP với năng lực tàng hình và siêu thanh.
Dòng tiêm kích thế hệ thứ sáu được kỳ vọng sẽ gia nhập các lực lượng vào năm 2035, vượt lên trước dự án tương tự do đối thủ FCAS do Pháp, Đức, Tây Ban Nha dẫn đầu.
Nhật Bản thử nghiệm thuốc mọc răng
Những người bị mất răng có thể mọc lại răng mới, theo các nha sĩ Nhật Bản đang thử nghiệm loại thuốc tiên phong trong tương lai có thể thay thế việc trồng răng giả.
Không giống như các loài bò sát và cá vốn thay răng theo chu kỳ thường trực, con người và đa số các loài động vật có vú chỉ có hai lần mọc răng. Tuy nhiên, nha sĩ Katsu Takahashi, đứng đầu khoa phẫu thuật răng miệng của Bệnh viện Kitano thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa ở Osaka (Nhật Bản), chỉ ra bên dưới nướu của chúng ta đang cất giấu bộ răng thứ ba.
Đội ngũ do ông dẫn đầu đã tiến hành các cuộc thí nghiệm lâm sàng ở Bệnh viện Đại học Kyoto vào tháng 10, theo đó quan sát một loại thuốc có thể giúp tăng trưởng những chân răng bị ẩn giấu lâu nay, hay nói cách khác là thuốc mọc răng, theo AFP hôm nay 13.12.
Nha sĩ Takahashi khẳng định đây là công nghệ chưa từng có trên thế giới.
Hiện các liệu pháp điều trị bằng cách trồng răng nhân tạo để thay răng sâu hoặc gẫy do chấn thương thường đắt đỏ và cần thực hiện phẫu thuật xâm lấn.
Vì thế, thúc răng mọc tự nhiên mang đến lợi thế cho con người, theo ông Takahashi.
Thử nghiệm trên chuột và chồn sương cho thấy việc ngăn chặn protein tên USAG-1 có thể "mở khóa" cho bộ răng thứ ba, và các nhà nghiên cứu đã công bố những ảnh chụp ghi nhận những trường hợp răng mọc lại ở động vật trong phòng thí nghiệm.
Trong giai đoạn nghiên cứu mới nhất, đội ngũ chuyên gia ưu tiên "thúc" răng mọc ở những bệnh nhân bị mất răng vĩnh viễn từ 5 chiếc trở lên do di truyền.
Ước tính khoảng 0,1% dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất răng di truyền, khiến họ gặp khó khăn nghiêm trọng khi nhai.
Những người Nhật Bản mắc tình trạng trên thường buộc phải đeo khẩu trang để che đậy khuôn miệng không hoàn chỉnh.
Vì thế, loại thuốc mới, nếu được thử nghiệm thành công, sẽ mang đến giải pháp "thay đổi cuộc chơi" cho những người bị ảnh hưởng.
Các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu đưa loại thuốc trên ra thị trường sớm nhất là vào năm 2030 và ưu tiên điều trị cho trẻ em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét