Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Bệnh tiểu đường bùng nổ trong 30 năm, WHO kêu gọi thay đổi lối sống - Thanh Xuân



Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về sự gia tăng đáng báo động của bệnh tiểu đường trong 30 năm qua, chủ yếu do lối sống kém lành mạnh như ăn uống thiếu khoa học và ít vận động thể chất.Bệnh tiểu đường đang dần trở thành đại dịch trên toàn cầu trong 30 năm nay. (Ảnh minh họa: Shutterstock) Tiểu đường đang dần trở thành đại dịch Theo báo cáo ngày 13/11/2024 của WHO, số người trưởng thành mắc tiểu đường trên toàn cầu đã tăng hơn bốn lần kể từ năm 1990. Đến năm 2022, có khoảng 828 triệu người mắc bệnh, tăng thêm 630 triệu người so với 30 năm trước.
<!>
Khu vực có tỷ lệ mắc đái tháo đường thấp nhất là Tây Âu và Đông Phi ở cả hai giới, cũng như Nhật Bản và Canada ở phụ nữ. Trong khi đó, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở Polynesia, Micronesia, một số quốc gia vùng Caribe, Bắc Phi, Trung Đông, Pakistan và Malaysia.

Hiện nay, 14% người trưởng thành trên toàn thế giới đang chung sống với bệnh đái tháo đường, gấp đôi con số 7% vào năm 1990.

Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động của bệnh đái tháo đường trong ba thập kỷ qua, phản ánh sự gia tăng của béo phì, kết hợp với tác động của việc tiếp thị thực phẩm không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất và những khó khăn kinh tế”.

Gần 450 triệu người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên mắc bệnh đái tháo đường vẫn chưa được điều trị vào năm 2022, chiếm 59% tổng số ca mắc trên toàn cầu, tăng gấp 3,5 lần so với trước đây. Đáng chú ý, 90% số người không được điều trị sống tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, làm dấy lên lo ngại về sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường cũng đang gia tăng nhanh chóng, không chỉ tập trung ở khu vực đô thị mà lan rộng khắp các vùng nông thôn. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, hơn 55% trong số này đã xuất hiện các biến chứng, bao gồm 34% biến chứng tim mạch, 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh, cùng 24% biến chứng về thận. Những biến chứng này không chỉ làm tăng đáng kể chi phí y tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Gánh nặng của bệnh đái tháo đường trên thế giới và tại Việt Nam

Đái tháo đường là một vấn đề sức khỏe toàn cầu phát triển nhanh nhất thế kỷ 21. Chi phí y tế toàn cầu cho căn bệnh này lên đến gần 1 nghìn tỷ USD và dự kiến tăng mạnh vào năm 2030. Riêng Việt Nam, gánh nặng kinh tế năm 2017 đạt 674 triệu USD, trong đó 435 triệu USD là chi phí y tế trực tiếp.

Ông Charles Henderson, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, nhận định: “Bệnh đái tháo đường không chỉ gây gánh nặng về sức khỏe mà còn tạo ra một chi phí y tế khổng lồ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương và thiếu các dịch vụ chăm sóc cần thiết”. Ông cho biết chi phí y tế cho những người mắc bệnh này đã tăng 35% trong thập kỷ qua. “Việc giảm chi phí điều trị đái tháo đường là điều quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh,” ông nhấn mạnh.
Thay đổi lối sống giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh

Trong báo cáo ngày 13/11/2024, Tổng giám đốc WHO đã kêu gọi các quốc gia phải khẩn trương hành động để kiểm soát bệnh đái tháo đường. “Điều quan trọng là xây dựng các chính sách hỗ trợ cách ăn uống lành mạnh, khuyến khích vận động, và cải thiện hệ thống y tế để phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh đái tháo đường”.

Về phía người bệnh, thay đổi lối sống là phương pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất để giảm tỷ lệ mắc bệnh.

Một trong những thay đổi quan trọng để quản lý và đảo ngược tình trạng đái tháo đường là lựa chọn thực phẩm phù hợp. Người bệnh nên ưu tiên thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc, đồng thời tránh thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

Ngoài chế độ ăn, tập thể dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng đường trong máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp giảm căng thẳng. Mục tiêu tập luyện nên đạt ít nhất 150 phút aerobic và 2-3 buổi tập sức đề kháng mỗi tuần. Kiểm soát cân nặng, đặc biệt là giảm ít nhất 7% trọng lượng cơ thể, sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, trong khi quản lý căng thẳng giúp ổn định lượng đường trong máu.

Thanh Ngọc biên dịch

10 cách hữu hiệu để ngăn ngừa bệnh tiểu đường

06:03 11/03/2018
Trong những năm gần đây, tiểu đường đã trở thành một căn bệnh khá phổ biến với những người ở độ tuổi trung niên. Theo số liệu ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), có khoảng 415 triệu người mắc bệnh tiểu đường trong năm 2015. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.

  Cho thêm bột quế vào cà phê có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường (Ảnh Adobe Stock)

Tính trung bình, trong số 11 người trưởng thành sẽ có một người bị tiểu đường. Số người tử vong do tiểu đường còn nhiều hơn cả do ung thư vú và AIDS cộng lại. Cứ mỗi 6 giây, trên thế giới lại có một người tử vong vì tiểu đường.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê năm 2016 cho thấy trên toàn quốc có khoảng 3 triệu người mắc phải căn bệnh này, tỷ lệ mắc bệnh cũng không ngừng tăng từ gần 3% dân số lên đến 5,4% sau 10 năm. Mặc dù đây là một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được trong một chừng mực nhất định, nhưng lại khó có thể phát hiện được trong giai đoạn đầu khi mầm bệnh xuất hiện. Do đó, sẽ tốt hơn nếu chúng ta biết cách để phòng tránh và ngăn ngừa bệnh.

Bài viết này xin giới thiệu với độc giả 10 cách để ngăn ngừa bệnh tiểu đường đơn giản mà hiệu quả.

1. Uống giấm trước khi ăn thịt cá

Thịt, cá thường có hàm lượng calo cao, do đó nếu như uống một 2 thìa giấm trước khi ăn thịt cá thì có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu. Nếu như không thích giấm hoặc không thể uống giấm, bạn có thể ăn salad rau trộn giấm, cách này cũng mang đến hiệu quả tương tự.

2. Duy trì trọng lượng cơ thể

Điều kiện sống ngày nay trở nên tốt hơn, nhưng chính vì vậy mà tình trạng béo phì và quá cân cũng phổ biến hơn. Béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh trạng như gout, tiểu đường, đau tim và cao huyết áp, v.v. Do đó, duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý sẽ có tác dụng rất lớn nhằm ngăn chặn tiểu đường. Bạn nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo và ăn nhiều rau. Ngoài ra, có thể uống 1 cốc nước trước khi ăn 30 phút và giảm khẩu phần ăn để tránh tăng cân không mong muốn. Ăn hoa quả, rau xanh trước bữa ăn cũng có thể giúp bạn kiểm soát lượng dầu mỡ và đường trong máu.

3. Đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày

Insulin là 1 loại hooc-môn chuyển glucose (đường) từ máu vào tế bào và kiểm soát đường máu cực kỳ tốt. Thường xuyên vận động có thể giúp bạn giảm cân và tăng độ nhạy cảm của insulin, điều này có nghĩa là các tế bào trong cơ thể có thể sử dụng đường trong máu một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, khi vận động, đường trong máu cũng được tiêu thụ vào nhu cầu năng lượng và hoạt động co duỗi cơ bắp.

Một nghiên cứu tại Phần Lan cho thấy, nếu như đi bộ đều đặn khoảng 4 giờ mỗi tuần, tức là khoảng 30 phút mỗi ngày thì có thể giảm 80% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

4. Uống nhiều cà phê

Một nghiên cứu của Học viện Y tế Công cộng Đại học Havard phát hiện ra cà phê có thể làm giảm tỷ lệ mắc tiểu đường một cách hữu hiệu. Nếu uống khoảng 4-6 tách cà phê mỗi ngày thì bạn có thể giảm từ 29-54% nguy cơ mắc tiểu đường. Tuy nhiên, nếu như hàm lượng cà phê không đủ, cụ thể là uống ít hơn 4 tách cà phê mỗi ngày thì hầu như sẽ không có bất kỳ tác dụng nào.

5. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ có tác dụng chậm sự tiêu hóa của carbohydrate và hấp thụ đường từ thực phẩm vào máu. Do đó, thực phẩm giàu chất xơ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đồng thời găn ngừa hiệu quả một số bệnh như ung thư vú, huyết áp cao hay đột quỵ. Mỗi ngày, một người trưởng thành nên ăn khoảng 25 gam chất xơ đối với nữ giới và 38 gam đối với nam giới. Chất xơ có nhiều trong các loại rau quả, trái cây, các loại hạt hay ngũ cốc. Không chỉ giúp giảm cholesterol cũng như lượng đường trong máu, chất xơ còn khiến bạn cảm thấy no nhanh hơn và tránh tình trạng ăn quá nhiều.

6. Uống nhiều nước mỗi ngày

Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại Bệnh viện Bichat,Paris đã chỉ ra rằng, những người uống nhiều nước hơn sẽ hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Do đó, nên uống nhiều nước và chia làm nhiều lần trong ngày. Trung bình mỗi ngày, bạn nên uống 8 ly nước, và chỉ nên uống lọc, tránh các loại nước ngọt hay nước có ga, bởi chúng sẽ gây béo phì và mất kiểm soát lượng đường trong máu.

7. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, thịt nguội và xúc-xích

Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, nếu ăn thức ăn nhanh nhiều hơn 2 lần mỗi tuần thì sẽ làm giảm độ nhạy cảm của các cơ quan trong cơ thể với insulin sau mỗi lần ăn. Đối với xúc xích hay thịt nguội, nếu mỗi tuần ăn trên 5 lần loại đồ ăn này, nguy cơ mắc tiểu đường sẽ tăng lên đến 43%, bởi vì trong xúc-xích có rất nhiều các chất phụ gia và thịt.

8. Nên sử dụng quế vào các món ăn

Các nhà khoa học Đức đã phát hiện rằng quế có vai trò quan trọng trong việc giảm lipid máu và duy trì lượng đường ở mức ổn định, từ đó giúp phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường. Dùng 1/4 thìa quế mỗi ngày vào buổi sáng là phương pháp tự nhiên để kiểm soát tiểu đường. Bạn có thể rắc thêm quế vào cà phê, hoặc là pha nước mật ông thêm chút quế để uống mỗi ngày.

9. Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nồng độ hormone stress norepinephrine và cortisol. Các hormone này không chỉ làm tăng lượng đường trong máu mà còn gây mất cân bằng đường huyết của cơ thể. Do vậy, hãy cố gắng kiểm soát căng thẳng. Bạn có thể chọn học thiền hoặc các bài tập thở nhẹ nhàng để giúp thư giãn. Trước khi làm việc gì đó, có thể hít thở thật sâu ba lần, điều này cũng làm giảm căng thẳng đáng kể.

10. Ngủ đủ 6 đến 8 giờ đồng hồ

Những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày có thể làm tăng cấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, trong khi nếu ngủ quá 8 giờ mỗi ngày lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp ba lần. Do đó, thời gian lý tưởng cho giấc ngủ mỗi ngày của bạn là trong khoảng 6-8 giờ.

Thanh Xuân

Không có nhận xét nào: