Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Tin Bầu Cử TT Mỹ, Thay Đổi Chóng Mặt! Nóng Lên Từng Phút! Vài Tin Đáng Chú Ý và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Mục sư Brandon Biggs. (Ảnh cắt từ video)
Bí ẩn trong đời sống! Mục sư người Mỹ dự đoán Thế vận hội Pháp sẽ bị tấn công khủng bố! *Cách đây 4 tháng, Mục sư đã báo trước: Cựu Tổng thống Mỹ và là ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump bị ám sát hụt vào ngày 13/7. Vụ việc không chỉ khiến ông Trump bị thương ở tai mà còn khiến một người thiệt mạng tại hiện trường, 2 người khác bị thương. Một đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội có nội dung đúng như những gì ông Brandon Biggs đã dự đoán cách đây 4 tháng! rằng, ông Trump sẽ bị ám sát. “Một viên đạn bay qua tai ông ấy, gần đến mức có thể ảnh hưởng làm thủng màng nhĩ của ông ấy!”. Lạ lùng lời tiên đoán, đã đúng từng chi tiết!
(Dương Thiên Tư)
<!>
-Mục sư Brandon Biggs, người từng nhận được nhiều sự chú ý vì mô tả chính xác hiện trường vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mấy tháng trước, mới đây đã cảnh báo về một cuộc tấn công khủng bố vào Thế vận hội Olympic sắp tới ở Paris, Pháp.

Mục sư người Mỹ: Chúa cho tôi thấy Paris trong biển lửa

Mục sư Brandon Biggs đã dự đoán ông Trump sẽ bị bắn như thế nào ngay từ tháng Ba năm nay, đoạn video ông nói về dự đoán này đã lan truyền trên mạng xã hội. Dự đoán mới nhất của ông trên kênh YouTube “Last Days” là cảnh báo về Thế vận hội ở Pháp.

Ông nói trong chương trình: “Chúa đã cho tôi thấy Thế vận hội trong biển lửa. Tôi không thể kể hết những gì Chúa cho phép tôi nhìn thấy, nhưng đối với những người sống ở Paris, tôi muốn đưa ra lời cảnh báo cho các bạn. Tôi cầu nguyện cho Thế vận hội! Tôi sẽ không đi sâu vào tất cả sự việc, Chúa đã nói với tôi việc này, vì đối với một người mà nói điều đó là không cần thiết, nhưng nó cần thiết đối với một người ở Paris.”

“Trước khi nhìn thấy lửa, tôi nhìn thấy các tòa nhà, tôi thấy đám cháy trông giống như một vụ tấn công, tôi nhìn thấy tháp Eiffel ở Paris và Tổng thống Pháp Macron. Tôi thấy khói bốc lên, tôi cảm thấy như có liên quan đến những kẻ khủng bố. Tôi nhìn thấy một cuộc tấn công vào bể bơi và không có thiệt hại về nhân mạng. Tôi nói ra chỉ là vì để cầu nguyện, tại buổi lễ Olympic, những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch và cố gắng thực hiện điều này.”

“Chà, nó rất dữ dội và sau đó tôi nhìn thấy một đoàn tàu, tôi thấy một đoàn tàu đi từ Đức đến phần còn lại của châu Âu và nó trông có màu xanh lá cây, họ (những kẻ khủng bố) đã đặt chất nổ lên chuyến tàu này, đây là điều rất nghiêm túc, như tôi đã nói, đây là tàu chở khách.”


Nhân loại sẽ sớm gặp đại dịch lớn hơn, có thể lên tới 350 triệu người chết
Mục sư Brandon Biggs cũng đã cập nhật một dự đoán mới trên kênh YouTube “Last Days” hôm 5/7 rằng: “Nhân loại sẽ hứng chịu một trận dịch bệnh lớn hơn”.
Trong video mới nhất của mình, ông Biggs mô tả cảnh tượng của một trận đại dịch lớn khác: “Số người chết trong trận dịch này sẽ lên tới 350 triệu người. So với con số này, trận dịch virus Corona mới năm 2020 chỉ là con số nhỏ.”
Ông xúc động kể lại cảnh tượng mình nhìn thấy: Khoảng 1.000 chiếc lều trắng chất đống ở bãi đậu xe bên ngoài siêu thị, bên trong có những chiếc giường xếp đơn giản màu trắng. Nhiều người đang nằm chờ chết, một số đã chết, trên người họ được phủ bởi tấm trải giường. Bên cạnh mỗi thi thể có một bộ truyền dịch tĩnh mạch. Tất cả các bệnh viện đều quá tải và không còn chỗ trống. Quân đội đã tiếp quản toàn bộ công việc, kể cả bác sĩ, y tá cũng là quân nhân. Nhưng họ bất lực trước những bệnh nhân sắp chết này ngoại trừ việc an ủi họ.
Một làn sương mù màu vàng bao quanh eo của người chết và những người đang chờ chết. Sương mù lan rộng trong không khí, ai hít phải sương mù màu vàng này thì người đó sẽ chết. Thế giới hoàn toàn đóng cửa, tất cả các nhà máy đều đóng cửa, không ai có thể kiếm tiền, không có trung tâm mua sắm nào mở cửa, chỉ có một số nhu yếu phẩm cần thiết.

Tiền giấy đã hoàn toàn bị loại bỏ vì mọi người sợ có virus trên đó và chuyển sang nền tảng kỹ thuật số. Mọi người vô cùng sợ hãi, không dám ra ngoài. Không có vắc-xin hay thuốc nào có thể ngăn chặn bệnh dịch này, bất cứ ai bị nhiễm thì đều không thể may mắn sống sót. Người dân ở các thành phố lớn muốn trốn về nông thôn, “và tôi thấy họ trồng rau vì mọi người đang thiếu đồ ăn”.
Ông Biggs cho biết trong video rằng bệnh dịch này đáng sợ như Cái chết đen ở châu Âu vào thế kỷ 14, sẽ giết chết khoảng 350 triệu người trên khắp thế giới, trong đó có 30 triệu người ở Mỹ.
Nếu so sánh dịch bệnh này với một đỉnh khổng lồ, vậy thì COVID-19 năm 2020 chỉ là dải ban đầu ở rìa của đỉnh khổng lồ, là vòng ngoài của cơn bão dịch bệnh, và chưa thực sự đi vào tâm bão.
Ông Biggs nói rằng những người có thể sống sót sau cơn bão dịch bệnh này đều là những người được Thần bảo hộ: Những người này mặc áo choàng trắng, xung quanh họ có ánh sáng khoảng 3 feet, và bên ngoài thân thể họ cũng được bao phủ bởi một lớp vỏ phát sáng được cấu thành từ vật chất giống như mật ong. Mặc dù sương mù bệnh dịch cũng muốn xâm nhập vào những người này, nhưng ánh sáng trên thân thể của họ hoặc lớp mật ong của họ đã giết chết virus.
Ông Biggs cho rằng con người cần phải thay đổi về căn bản, để nhận được sự bảo hộ của Thần, nhưng nếu đợi đến khi dịch bệnh ập đến mới nghĩ tới chuyện thay đổi thì sẽ quá muộn.

Ông Biggs gây chú ý khi mô tả chính xác vụ ám sát ông Trump vào tháng Ba năm nay, bao gồm viên đạn bắn vào tai phải ông Trump, việc ông Trump ngồi xổm cầu nguyện và sự tái sinh của Trump.
Cựu Tổng thống Mỹ và là ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump bị ám sát hụt vào ngày 13/7. Vụ việc không chỉ khiến ông Trump bị thương ở tai mà còn khiến một người thiệt mạng tại hiện trường, 2 người khác bị thương. Một đoạn video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội có nội dung đúng như những gì ông Brandon Biggs đã dự đoán cách đây 4 tháng rằng ông Trump sẽ bị ám sát. “Một viên đạn bay qua tai ông ấy, gần đến mức làm thủng màng nhĩ của ông ấy”.


Olympic Paris 2024: Hơn 4.300 Người Bị Loại Vì Lý Do An Ninh


(AP - Aurelien Morissard: Các binh sĩ được huy động tuần tra trên một cây cầu bắc qua sông Seine trước ngày khai mạc Thế Vận hội Paris 2024, Paris, Pháp, 17/7/2024.)
-Hôm 21/7/2024, chính phủ Pháp thông báo tổng cộng 1 triệu cuộc điều tra hành chính đã được thực hiện trong khuôn khổ Thế Vận hội Paris 2024. Trong số này, 4.355 người có khả năng gây ra mối đe dọa cho sự kiện này đã bị loại.
Trên kênh truyền hình France 2, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin tuyên bố: "Chúng tôi đã thực hiện hơn một triệu cuộc điều tra hành chính", vốn là mục tiêu "được công bố cách đây một năm".
Các cuộc điều tra an ninh này được thực hiện với mọi loại đối tượng tham gia Olympic (26/7 – 11/08) và Paralympic (28/08 – 08/09), như vận động viên, huấn luyện viên, nhà báo, tình nguyện viên, nhân viên an ninh tư nhân hay thậm chí là cư dân sinh sống gần khu vực diễn ra lễ khai mạc.

Trong số 4.355 người bị loại, có 880 người bị nghi ngờ tham gia các hoạt động can thiệp của ngoại quốc, 360 người trong diện "bị trục xuất và phải rời khỏi lãnh thổ Pháp (OQTF)" và 142 người được liệt vào "danh sách S (an ninh Nhà nước)". Ngoài ra, còn có 260 người bị loại do theo Hồi Giáo cực đoan, 186 theo phe cực tả và 96 người theo phe cực hữu.
Vẫn về Thế Vận hội 2024, hôm nay, nhân chuyến thăm làng Olympic được mở cửa hôm 18/7, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định mọi thứ đã "sẵn sàng", đồng thời ông cám ơn "sự hy sinh" của cảnh sát và lực lượng cứu hỏa, giúp cho sự kiện này diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
Trong thời gian diễn ra Thế Vận hội, trung bình sẽ có khoảng 35.000 cảnh sát, hiến binh và 18.000 binh sĩ Pháp được huy động mỗi ngày để bảo đảm an ninh.


Bầu cử TT Mỹ, nóng lên từng phút: Kỷ lục! Bà Kamala Harris đã có đủ số phiếu đại biểu, để trở thành ứng viên tổng thống!


-Vào cuối ngày 22/7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tuyên bố rằng bà đã giành được đủ sự ủng hộ để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Trong một tuyên bố, bà Harris bày tỏ: “Tôi mong sớm được chính thức chấp nhận đề cử” và “Tối nay, tôi tự hào khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi cần thiết để trở thành ứng cử viên của đảng chúng tôi”.
Cùng ngày, truyền thông Mỹ, bao gồm Washington Post, Hãng tin AP, Đài CNN và Đài CBS, đã công bố kết quả khảo sát cho thấy bà Kamala Harris đã nhận đủ số phiếu ủng hộ từ các đại biểu Đảng Dân chủ để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng này. Theo Hãng tin AP, bà Harris đã giành được sự ủng hộ của 2.668 đại biểu, vượt mức cần thiết là 1.976 đại biểu để đảm bảo đề cử ngay từ vòng đầu tiên tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ.
Một số đoàn đại biểu từ các bang, bao gồm Texas và California, cũng đã họp vào cuối ngày 22/7 để xác nhận sự ủng hộ của họ dành cho bà Harris. Theo tạp chí Newsweek, đoàn đại biểu của bang New York đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào tối 22/7 và gần như toàn bộ 307 đại biểu của họ đã bỏ phiếu ủng hộ bà Harris. Tương tự, các đại biểu Đảng Dân chủ từ bang Ohio cũng cam kết ủng hộ bà Harris. Các thành viên Đảng Dân chủ ở Ohio đã thông báo trên mạng xã hội X rằng: “Các đại biểu Dân chủ của Ohio tham dự đại hội toàn quốc đã bỏ phiếu áp đảo để cam kết ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris tối nay (22/7). Là bang sẽ quyết định quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện, điều quan trọng là chúng ta phải có một ứng cử viên đứng đầu danh sách, người sẽ đấu tranh cho các gia đình lao động của Ohio và quyền lợi của chúng ta”.

Sự đoàn kết và ủng hộ nhanh chóng dành cho bà Harris đánh dấu nỗ lực của Đảng Dân chủ nhằm gạt bỏ những tuần lễ kịch tính nội bộ liên quan đến tương lai chính trị của Tổng thống Joe Biden. Sau màn tranh luận gây thất vọng của ông Biden khi đối mặt với ông Donald Trump vào ngày 27/6, một số thành viên trong Đảng Dân chủ đã kêu gọi ông ngừng chiến dịch tranh cử vì lo ngại về tuổi tác và sự minh mẫn của ông.
Đến ngày 21/7, ông Biden đã tuyên bố rút khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay ông đảm nhận trách nhiệm đối đầu với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Quyết định này đánh dấu sự kết thúc đầy bất ngờ đối với sự nghiệp chính trị kéo dài hơn 50 năm của ông Biden.
Sau đó, truyền thông quốc tế đã đề cập đến nhiều cái tên tiềm năng có thể thay thế ông Biden ra tranh cử tổng thống, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Thống đốc bang California Gavin Newsom, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro, Thống đốc bang Illinois JB Pritzker, Thống đốc bang Maryland Wes Moore, Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg.
Đất Việt- July 23, 2024


Gây cấn hơn trận cầu quốc tế! Liệu bà Kamala Harris có khả năng đánh bại ông Donald Trump?
(Phan Anh)


Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh chụp màn hình video)
-Sau khi Tổng thống Joe Biden chấm dứt việc tranh cử, Phó Tổng thống Harris đã tuyên bố sẽ nỗ lực đánh bại đối thủ Donald Trump. Dẫu vậy, đó sẽ là một chặng đường chỉ còn ít ỏi thời gian cùng những khó khăn không hề nhỏ.
Trong một biến động có một không hai trên chính trường Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ không tham gia tranh cử vào tháng 11 và thay vào đó ông ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Bà Harris đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, bà vẫn đang đối mặt với những lo ngại về khả năng đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump.
Bà Kamala Harris, 59 tuổi, sinh ra ở Oakland, California, là con gái của người mẹ gốc Ấn Độ và cha là người Jamaica. Bà theo học tại Đại học Howard ở Washington, DC trước khi lấy bằng luật tại Đại học Luật California, San Francisco.
Bà Harris trở thành công tố viên quận San Francisco vào năm 2003. Sau đó, năm 2010, bà được bầu làm Tổng chưởng lý bang California, cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của bang, và tái đắc cử 4 năm sau đó.
Bà Harris đắc cử vào Thượng viện năm 2016 và trở thành người chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Tổng thống Trump khi đó, đặc biệt là về chính sách nhập cư của ông.


Bà Kamala Harris ban đầu tranh cử vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2020, nhưng nhanh chóng dừng cuộc đua ở giai đoạn bầu cử sơ bộ, sau những màn tranh luận mờ nhạt. Khi ông Biden củng cố vị trí dẫn đầu vào năm 2020, ông tuyên bố sẽ chọn một phụ nữ làm người đồng hành. Việc ông lựa chọn bà Harris được coi là một nỗ lực nhằm thu hút cử tri da đen và tiếp thêm sinh lực cho các nền tảng cử tri của đảng.
Thành tích thực thi pháp luật và cách tiếp cận trung dung của bà Harris cũng được coi là điểm mạnh có thể thu hút những cử tri còn do dự đang muốn rời xa ông Trump, mặc dù bà cũng có lịch sử đã từng làm rung chuyển phe tiến bộ trong đảng Dân chủ.
Trong sự nghiệp của mình, bà Harris trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên nắm giữ những vai trò như: chưởng lý quận San Francisco, tổng chưởng lý bang California, thượng nghị sĩ bang California và phó tổng thống. Bà cũng là con gái đầu tiên của một người nhập cư được bầu làm phó tổng thống.

Bà ủng hộ các chính sách đặc trưng của chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm luật về cơ sở hạ tầng, nhập cư, kiểm soát súng và nỗ lực bảo vệ quyền phá thai. Đặc biệt, Harris được giao nhiệm vụ dẫn đầu các nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng di cư từ Trung Mỹ.
Giáo sư Jennifer Victor tại Đại học George Mason nói: “Mức độ nổi tiếng của bà Harris không quá cao, bà cũng không được báo chí đưa tin nhiều. Bà đã không trở thành tâm điểm chú ý của các cuộc thảo luận chính trị trong vài năm qua… nhưng tôi nghĩ những gì chúng ta sắp chứng kiến sẽ là một sự gia tăng mạnh mẽ”.
Mặc dù ông Biden đã ủng hộ bà Harris nhận đề cử, nhưng điều đó không có nghĩa là bà sẽ nhận được sự ủng hộ từ Đảng Dân chủ, khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đại hội đảng này bắt đầu.


Nhà báo Alan Fisher của tờ Al Jazeera, nhận định từ Washington DC, rằng: “Đảng Dân chủ có thể không muốn chiến đấu trên sàn hội nghị ở Chicago. Điều này có vẻ khó coi, và vì vậy họ có thể nhanh chóng tập hợp xung quanh Kamala Harris, sau đó tìm cách đề cử một liên danh phó tổng thống, người có thể sẽ giúp đỡ họ trong các lĩnh vực khác”.
Các cuộc thăm dò gần đây được thực hiện sau màn tranh luận kém nổi bật của ông Biden với ông Trump không cho thấy rằng bà Harris có nhiều khả năng đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa hơn ông Biden vào tháng 11. Tuy nhiên, những người ủng hộ bà Harris cho rằng các kết quả thăm dò có thể thay đổi khi Tổng thống Biden rời khỏi cuộc đua.
Chẳng hạn, một cuộc thăm dò của Economist/YouGov công bố vào tuần trước cho thấy ông Biden sẽ thua Trump với tỷ lệ 41% so với 43%. Cuộc thăm dò này cho thấy bà Harris thua ông Trump với tỷ lệ 39% so với 44%.

Bà Harris tự mô tả mình là một “công tố viên cấp tiến”, nhưng bà lại ít tiếp cận được phe cấp tiến của đảng. Ngoài ra, từ lâu được ca ngợi là tương lai của Đảng Dân chủ, bà Harris cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng bà đã không đáp ứng được kỳ vọng. Những người chỉ trích cho rằng bà thiếu sức thu hút để tập hợp đảng.
Sau khi được Tổng thống Joe Biden đề cử, Phó tổng thống Kamala Harris đã hạ quyết tâm sẽ giành được đề cử của Đảng Dân chủ để đánh bại đối thủ Donald Trump.
Bà tuyên bố: “Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đoàn kết Đảng Dân chủ và đoàn kết đất nước chúng ta, để đánh bại ông Donald Trump và chương trình nghị sự cực đoan của Dự án 2025 của ông ta. Chúng ta còn 107 ngày nữa là đến ngày bầu cử. Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến đấu. Và cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”.

Đến nay nhiều đảng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ đã bày tỏ sự ủng hộ bà Harris, trong đó có cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và vợ ông, bà Hillary Clinton, cùng với một số lượng lớn thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ cũng như nhóm nghị sĩ da màu tại quốc hội.
Các nhà tài trợ cũng bắt đầu đổ xô quyên góp. Số tiền quyên góp được là 30 triệu USD tính từ khi ông Biden tuyên bố rút lui đến tối cùng ngày.
Một chiến lược gia cho biết đây có thể là “thời điểm gây quỹ lớn nhất trong lịch sử Đảng Dân chủ”.


Trong khi đó tổ chức Ủy ban hành động chính trị tự do ActBlue ước tính Đảng Dân chủ đã quyên góp 46,7 triệu USD trong vòng 7 giờ kể từ khi ông Biden thông báo rút lui. Đây là “ngày gây quỹ lớn nhất trong chu kỳ 2024”, tổ chức này cho biết trên mạng xã hội X.
Theo Reuters, bà Harris cũng đã nhanh chóng khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống ngay sau khi ông Biden tuyên bố rút lui. Các quan chức chiến dịch tranh cử của bà Harris và các đồng minh đã gọi hàng trăm cuộc trong ngày 21/7, theo giờ địa phương, kêu gọi các đại biểu tham dự đại hội Đảng Dân chủ vào tháng tới bỏ phiếu đề cử bà làm ứng viên. Nhiều lãnh đạo đảng Dân chủ ở các bang đã ủng hộ bà Harris trong các cuộc điện thoại.
Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ dễ bị đánh bại hơn trong cuộc bầu cử vào tháng 11 so với Tổng thống Joe Biden. Ông Trump đưa ra nhận định này với kênh truyền hình CNN ngay sau khi ông Joe Biden công bố quyết định của mình.


Bà Pelosi là chìa khóa thúc đẩy Tổng thống Biden từ bỏ tranh cử
(Gia Huy)


Cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.
-Hôm thứ Hai (22/7), trích dẫn các nguồn tin, NBC đưa tin, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đóng vai trò then chốt trong việc gây áp lực buộc Tổng thống Joe Biden từ bỏ cuộc đua tranh cử năm 2024, bằng cách cảnh báo ông về những hậu quả nếu ông tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử của mình.
Sau nhiều tuần đồn đoán và áp lực ngày càng tăng từ chính đảng của mình, Tổng thống Biden đã thông báo hôm Chủ nhật (21/7) rằng ông sẽ không tái tranh cử và tán thành Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành đề cử của Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử vào tháng Mười Một.
Theo các nguồn tin của NBC, bà Pelosi là nhân vật chủ chốt trong “việc khéo léo thúc giục” Tổng thống Biden từ bỏ cuộc đua tranh cử. Các nguồn tin nhận định, mặc dù bà Pelosi không công khai kêu gọi Tổng thống Biden rút lui, nhưng bà “đã làm việc một cách lặng lẽ và có phương pháp” phía sau hậu trường. Bà Pelosi được cho là đã nói chuyện với nhiều nhà lập pháp bình thường và kêu gọi họ “nói thẳng suy nghĩ của mình” về việc ứng cử của Tổng thống Biden.
Các nguồn tin tiết lộ với NBC rằng bất cứ khi nào áp lực buộc Tổng thống Biden rút lui khỏi cuộc đua bắt đầu mất đà, thì bà Pelosi sẽ là người “thổi bùng ngọn lửa” để khơi lại nó.

Một trợ lý lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Hạ viện được trích dẫn cho biết: “Tôi nghĩ bà Pelosi tiếp tục chứng tỏ bà ấy là một nhà chiến thuật chính trị bậc thầy.”
Thứ Sáu tuần trước (19/7), hơn chục nghị sĩ Đảng Dân Chủ trong Quốc hội đã tham gia vào dàn hợp xướng ngày càng tăng của các nhà lập pháp kêu gọi Tổng thống Biden từ chức đề cử viên của Đảng Dân chủ vì lo ngại trạng thái tinh thần và thể chất của ông.
Phát biểu với NBC, một thành viên Đảng Dân chủ khác, người đã nói chuyện với bà Pelosi, cho biết: “Hôm thứ Sáu (19/7) làn sóng các thành viên [Đảng Dân chủ] kêu gọi ông ấy [Tổng thống Biden] từ bỏ [[cuộc đua] đều là do bà Pelosi làm.”
Khi được hỏi bà Pelosi chịu trách nhiệm thế nào đối với quyết định rút lui của Tổng thống Biden, một nhà lập pháp Đảng Dân chủ nhấn mạnh “50%”.
Một nguồn tin Đảng Dân chủ lưu ý, cựu Chủ tịch Hạ viện Pelosi được coi là “về mặt chính trị vẫn là nhà lãnh đạo của chúng tôi” và dự đoán rằng “bà ấy và chỉ có bà ấy có thể đảm bảo sự thành công của [Phó Tổng thống] Kamala.”

Theo bài báo của NBC, hôm thứ Bảy (20/7), một ngày trước khi Tổng thống Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, bà Pelosi đã cảnh báo ông trong một cuộc điện đàm riêng rằng nếu ông tiếp tục tham gia cuộc đua, ông có thể thất bại nặng nề trước cựu Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hòa đến mức điều đó có thể khiến họ [Đảng Dân chủ] mất quyền kiểm soát ở cả Hạ viện và Thượng viện.
Theo CNN, bà Pelosi và Phó Tổng thống Harris đã nói chuyện vào Chủ nhật (21/7) sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua. Hôm thứ Hai (22/7), bà Pelosi đã tán thành bà Harris trở thành đề cử của Đảng Dân chủ. Bà Pelosi khen ngợi Phó Tổng thống Harris là một người “cực kỳ sắc sảo” và bà “hoàn toàn tin tưởng rằng bà ấy [Harris] sẽ dẫn dắt chúng ta đến chiến thắng vào tháng Mười Một.”


Đôi nét về ứng cử viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa, JD Vance


Ứng cử viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa, JD Vance.
-Thượng nghị sĩ J.D. Vance, người đồng tranh cử với cựu Tổng thống Donald Trump, chiếm vị trí trung tâm với bài phát biểu quan trọng tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa hôm 17/7, tập trung vào chủ đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia “Làm cho nước Mỹ mạnh mẽ trở lại”.
Dành nhiều lời khen ngợi cho ông Trump, ông Vance chính thức chấp nhận đề cử của đảng mình làm ứng cử viên phó tổng thống.
Ông nói: “Tổng thống Trump đại diện cho niềm hy vọng cuối cùng của nước Mỹ nhằm khôi phục lại những gì, nếu bị mất, có thể không bao giờ tìm lại được”. Ông nói thêm “một quốc gia mà một cậu bé thuộc giai cấp lao động sinh ra xa những nơi quyền lực có thể đứng trên sân khấu này như là một phó tổng thống kế tiếp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”

Trong bài phát biểu của mình, ông Vance đã nói nhiều về mối đe dọa từ Trung Quốc nhưng không đề cập đến cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine và cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên ông kêu gọi “một đảng không ngại tranh luận về các ý tưởng”.
Người từng là nhà đầu tư mạo hiểm 39 tuổi này có chưa đầy hai năm trong công quyền và có rất ít căn bản về chính sách đối ngoại. Những bình luận gần đây của ông hầu hết phù hợp với học thuyết Nước Mỹ Trên hết của ông Trump và đã tiết lộ một thế giới quan có thể tóm tắt là ủng hộ Israel, chống lại Trung Quốc và gây lo ngại ở châu Âu.
Là một cựu thủy quân lục chiến Hoa Kỳ từng được điều sang Iraq, ôngVance nghi ngờ sự can thiệp quân sự của Mỹ ở nước ngoài và, ngoại trừ Israel, phần lớn phản đối viện trợ nước ngoài. Ông lập luận rằng Hoa Kỳ không thể đồng thời hỗ trợ Ukraine và Trung Đông và sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ ở Đông Á.
“Nó chẳng có ý nghĩa gì cả,” ông nói vào tháng 2 tại Hội nghị An ninh Munich.
Tuy nhiên, ông Vance không phải là người theo chủ nghĩa biệt lập, như một số người đã mô tả về ông, bà Emma Ashford, thành viên cấp cao của chương trình Tái hiện Chiến lược lớn của Hoa Kỳ tại Trung tâm Stimson, nói.
Trong một bài phát biểu gần đây tại Viện Quản lý Nhà nước có Trách nhiệm Quincy, ông Vance đã xác định các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình.
Ông nói: “Chúng tôi muốn người Israel và người Sunni giám sát khu vực của họ trên thế giới. Chúng tôi muốn người châu Âu giám sát khu vực của họ trên thế giới và chúng tôi muốn có thể tập trung nhiều hơn vào Đông Á”.
Bà Ashford nói với VOA: “Bạn có thể gọi ông ấy là người theo chủ nghĩa hiện thực hoặc có lẽ là người theo chủ nghĩa ưu tiên.”

Đó là sự tương phản mạnh mẽ với các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Biden “những người cho rằng mọi khu vực đều có mối liên kết với nhau và Hoa Kỳ phải dẫn đầu trong tất cả các khu vực đó,” bà nói thêm. “Và đó chắc chắn là một bước tách rời với chính sách đối ngoại thời hậu Chiến tranh Lạnh ở Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, mục tiêu của ông Vance là muốn Hoa Kỳ rút khỏi châu Âu và Trung Đông để tập trung vào Trung Quốc không phải là mới cũng như không phải là duy nhất của đảng Cộng hòa. Trên thực tế, cựu Tổng thống Barack Obama đã theo đuổi học thuyết Xoay trục sang châu Á từ năm 2009 đến năm 2017.
Việc chuyển hướng đó vẫn chưa xảy ra khi Mỹ đang bị sa lầy bởi các cuộc xung đột ở cả châu Âu và Trung Đông.
Ít ủng hộ Ukraine hơn
Về các ưu tiên, ông Vance phù hợp với quan điểm của ông Trump rằng Washington giảm hỗ trợ cho Ukraine và buộc người châu Âu đóng vai trò lớn hơn trong chính an ninh của lục địa này.
“Tôi không nghĩ rằng ông Vladimir Putin là một mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu,” ông Vance nói tại Munich, gây ra làn sóng chấn động trong giới ngoại giao châu Âu. Ông nói thêm rằng Kyiv nên theo đuổi một “hòa bình được đàm phán” với Moscow ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc phải nhượng lãnh thổ.
Điều đó đã khiến ông John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, hiện là giám đốc cấp cao của Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, chỉ trích là “hoàn toàn ngây thơ về nước Nga của Putin,” ông Herbst nói với VOA.
Với việc ông Trump gợi ý rằng ông sẽ không bảo vệ các quốc gia không đáp ứng các mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO, thậm chí còn tỏ ra khuyến khích Putin tấn công họ, và những lời chỉ trích của ông Vance đối với Ukraine, viễn cảnh về một chính quyền Trump-Vance đã làm dấy lên cảnh báo khắp châu Âu.
Tuy nhiên, ông Herbst vẫn lạc quan.
Ông nói: “Mặc dù Ukraine có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của ông Trump, nhưng ông ấy “tự nhận mình là một người mạnh mẽ và không muốn dính líu đến thất bại trong chính sách đối ngoại”. “Và một chiến thắng của Nga tại Ukraine nếu ông Trump là tổng thống sẽ trông giống như là một thất bại về chính sách ngoại giao.”

Hỗ trợ nhiều hơn cho Israel
Trong khi ông Vance tự khẳng định mình là người đại diện chủ chốt cho Nước Mỹ Trên hết, Israel có thể là ngoại lệ. Trích dẫn niềm tin Cơ đốc của mình, ông Vance thậm chí còn là người ủng hộ Israel trung thành hơn Tổng thống Joe Biden, thúc đẩy tiếp tục viện trợ quân sự và chống hạn chế việc Israel tiến hành chiến tranh.
Ông Brian Katulis, một thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông nói: “Sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Vance dành cho Israel phản ánh tầm quan trọng của một số quan điểm phúc âm bảo thủ trong Đảng Cộng hòa ngày nay, cũng như lập trường của tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo da trắng đã phát triển dưới sự kiểm soát của ông Trump đối với đảng”.
Ông Vance đã chỉ trích cách tiếp cận tân bảo thủ của Hoa Kỳ bắt đầu từ chính quyền Bush là “ngu ngốc về mặt chiến lược và đạo đức”. Tuy nhiên trong khi ông chống chủ nghĩa can thiệp của Mỹ, nhưng tại Trung Đông ông ủng hộ một chiến lược tương tự về chi tiêu các nguồn lực về chi tiêu quân sự của Mỹ để tăng tiến một liên minh giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni nhằm ngăn chặn Iran và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Ông Katulis chỉ trích thế giới quan của ứng cử viên phó tổng thống của Đảng Cộng hòa là “sự phản ánh cuộc tranh luận siêu đảng phái lẫn lộn” từ các phe theo chủ nghĩa biệt lập nổi lên ở Mỹ sau các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, chứ không phải là một “thế giới quan mạch lạc thực tế về những gì cần làm để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các giá trị trong thế giới thực.”
Trong khi đó, ông Katulis nói rằng các tác nhân ở Trung Đông đang “dự đoán trước những điều khó đoán, không mạch lạc và gây hoang mang” nếu Trump-Vance giành chiến thắng vào tháng 11.

Diều hâu với Trung Quốc
Là tác giả của cuốn hồi ký bán chạy nhất được chuyển thể thành phim Hillbilly Elegy, ông Vance đã phải sống chung với những tổn hại về kinh tế và xã hội mà quá trình phi công nghiệp hóa đã gây ra cho một số vùng của nước Mỹ.
Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa hôm 17/7, ông Vance đã đổ lỗi cho ông Biden.
Ông nói: “Đất nước chúng ta tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, lao động nước ngoài giá rẻ. Và trong những thập kỷ tới, là fentanyl chết người của Trung Quốc.”
Ông lặp lại lời cáo buộc của ông Trump rằng Trung Quốc đang đánh cắp công việc sản xuất từ Mỹ, đặc biệt là những công việc ở khu vực Trung Tây của đất nước, nơi ông sinh ra.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ bảo vệ tiền lương của công nhân Mỹ và ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng tầng lớp trung lưu của họ dựa trên công dân Mỹ”.
Ông Dean Chen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ramapo ở New Jersey, nói ông Vance đã “ủng hộ nhiều hạn chế kinh tế và thuế quan đối với hàng nhập khẩu và đầu tư của Trung Quốc”. “Tôi kỳ vọng quan điểm của ông ấy đối với Trung Quốc sẽ phù hợp với những người theo chủ nghĩa dân tộc của ông Trump về tiềm năng của chính quyền mới,” ông nói với VOA.

Tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Vance đã đưa ra luật hạn chế người Trung Quốc tiếp cận thị trường tài chính Hoa Kỳ và bảo vệ giáo dục đại học Hoa Kỳ khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Về Đài Loan, “điều mà chúng ta cần ngăn chặn hơn bất cứ điều gì là sự xâm lược của Trung Quốc”, ông Vance nói vào năm ngoái trong một sự kiện tại Heritage Foundation.
Ông nói thêm: “Nó sẽ là thảm họa đối với đất nước này. Nó sẽ tàn phá toàn bộ nền kinh tế của chúng ta. Nó sẽ đẩy đất nước này vào một cuộc Đại Suy thoái”.
Đó là lập trường rõ ràng hơn nhiều so với ông Trump, người đã nhiều lần nói rằng ông có thể không đứng ra bảo vệ Đài Bắc nếu Bắc Kinh xâm chiếm. Washington không có hiệp ước chính thức với Đài Loan nhưng cung cấp vũ khí cho hòn đảo tự trị dân chủ này để có “khả năng tự vệ đầy đủ.”
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 với Bloomberg Businessweek, ông Trump cho biết ông muốn Đài Bắc trả tiền cho Mỹ về chi phí quốc phòng.
“Bạn biết đó, chúng ta không khác gì một công ty bảo hiểm”, “Đài Loan không cung cấp cho chúng ta bất cứ thứ gì”.
Bỏ chính sách Đài Loan sang một bên, bà Ashford cho biết cú sốc lớn nhất trong chính quyền Trump-Vance có thể là về chính sách thương mại, với “các mức thuế mới đối với Trung Quốc hoặc thậm chí cả châu Âu”.
“Nó có thể khá cực đoan,” bà cảnh báo.


Ông Trump và các nghị sĩ Cộng hòa yêu cầu Tổng thống Biden từ chức


Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
-Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm 21/7 về quyết định rút lui khỏi cuộc tái tranh cử vào tháng 11, ứng cử viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đã yêu cầu ông Biden từ chức.
“Joe Biden gian dối không phù hợp để tranh cử Tổng thống và chắc chắn không phù hợp để phục vụ trong vị trí này - Và chưa bao giờ như vậy!” ông Trump viết trong một tuyên bố trên mạng xã hội mà trong đó cũng bao gồm một nỗ lực gây quỹ mới.
Ông Trump gọi ông Biden là “Tổng thống tồi tệ nhất từ trước tới nay trong lịch sử đất nước chúng ta” và nói rằng ông Biden, “bỏ cuộc đua trong nỗi nhục hoàn toàn!”
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và các nhà lập pháp khác bên Đảng Cộng hòa trung thành với ông Trump cũng lặp lại yêu cầu của ông Trump.
“Nếu Joe Biden không phù hợp để tranh cử Tổng thống thì ông ấy không phù hợp để giữ chức Tổng thống. Ông ta phải từ chức ngay lập tức,” ông Johnson nói trong một tuyên bố.

Nữ dân biểu Elise Stefanik, đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện, nói: “Nếu Joe Biden không thể tái tranh cử, ông ấy không thể và không thích hợp để giữ chức tổng thống Hoa Kỳ. Ông ấy phải từ chức ngay lập tức.”
“Nếu Đảng Dân chủ cho rằng Joe Biden không thích hợp để tái tranh cử, thì chắc chắn ông ấy không thích hợp để kiểm soát các quy tắc hạt nhân của chúng ta. Biden phải từ chức ngay lập tức,” Tom Emmer, đảng viên Cộng hòa số 3 trong Hạ viện, tuyên bố trên mạng xã hội.
Về mặt pháp lý, yêu cầu của Đảng Cộng hòa đòi ông Biden từ chức không có tác dụng gì. Michael Thorning, giám đốc Cơ cấu Dân chủ tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, cho biết tổng thống có quyền tiếp tục phần còn lại của nhiệm kỳ.
Ông nói với đài VOA: “Hiến pháp không yêu cầu một tổng thống phải tái tranh cử để tiếp tục giữ chức vụ tổng thống đương nhiệm cho đến qua quá trình bầu cử và tới lễ nhậm chức tiếp theo”.

Tòa Bạch Ốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về đề nghị của Đảng Cộng hòa.
Đảng Dân chủ khen ngợi ông Biden
Tính đến sáng 22/7 vẫn chưa có phản hồi nào từ các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ đối với lời kêu gọi của Đảng Cộng hòa yêu cầu ông Biden từ chức. Nhưng để đáp lại việc ông rút lui khỏi cuộc đua, họ đã dành nhiều lời khen ngợi cho thành tích lập pháp và thời gian phục vụ cả đời của ông.
“Joe Biden không chỉ là một tổng thống vĩ đại và một nhà lãnh đạo lập pháp vĩ đại, mà ông ấy còn là một con người thực sự tuyệt vời,” lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Chuck Schumer nói trong một tuyên bố. “Quyết định của ông ấy tất nhiên không hề dễ dàng, nhưng một lần nữa ông ấy đặt đất nước, đảng của mình và tương lai của chúng ta lên hàng đầu.”
Trong một tuyên bố, lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries gọi ông Biden là “một trong những nhà lãnh đạo thành đạt và có kết quả nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người được cho là một trong số các nhà lập pháp khuyến khích ông Biden rút lui, đã gọi ông là “một người Mỹ yêu nước luôn đặt đất nước của chúng ta lên hàng đầu”.
Bà nói trong một tuyên bố: “Di sản về tầm nhìn, giá trị và khả năng lãnh đạo của ông khiến ông trở thành một trong những Tổng thống có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Cựu Tổng thống Barack Obama cho biết trong một tuyên bố rằng quyết định rút lui của ông Biden cho thấy “rằng ông ấy là người yêu nước ở mức cao nhất”.
“Joe hiểu rõ hơn ai hết những gì an nguy trong cuộc bầu cử này – mọi thứ mà ông ấy đã đấu tranh trong suốt cuộc đời mình và mọi thứ mà đảng Dân chủ đại diện sẽ gặp nguy hiểm như thế nào nếu chúng ta để cho ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc và trao cho Đảng Cộng hòa quyền kiểm soát Quốc hội,” ông Obama nói thêm.

Chơi trò chính trị
Yêu cầu của Đảng Cộng hòa đòi ông Biden từ chức đã gây thêm bất ổn cho nền chính trị Mỹ sau thông báo của ông Biden khiến con đường phía trước của Đảng Dân chủ không chắc chắn.
Họ đang “chơi trò chính trị”, ông Larry Sabato, giám đốc Trung tâm Chính trị của Đại học Virginia, nói về Đảng Cộng hòa.
Ông Sabato nói với VOA: “Theo lẽ thường, chúng ta biết rằng hiện tại ông Biden có hai công việc toàn thời gian – làm tổng thống và tranh cử tổng thống”. “Bây giờ ông ấy sẽ có một công việc toàn thời gian và ông ấy đã chứng tỏ mình giỏi việc đó. Ông ấy có thể hoàn thành những tháng còn lại và giải quyết một số vấn đề còn dang dở - và ra đi một cách đàng hoàng.”
Ông Biden thông báo rút tên ra khỏi tấm vé tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ trong một bức thư gửi quốc dân đăng trên mạng xã hội vào chiều 21/7. Ông cho biết mặc dù có ý định tái tranh cử nhưng ông tin rằng “việc tôi rút lui là vì lợi ích tốt nhất của đảng và đất nước và chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ”.
Thông báo này đã đảo ngược quyết định của ông muốn tiếp tục tái tranh cử trong năm nay giữa bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ các đảng viên Đảng Dân chủ sau màn trình diễn yếu kém của ông trong cuộc tranh luận với ông Trump vào tháng trước.
William Howell, giáo sư về chính trị Mỹ tại Trường Chính sách công Harris thuộc Đại học Chicago, cho biết, với việc ông Biden bước sang một bên, sự chú ý của cả nước giờ đây chuyển thẳng sang Đảng Dân chủ và họ sẽ làm tốt việc sử dụng sự chú ý này vào mục đích tốt.
Ông nói với VOA: “Họ nên thể hiện tài năng của mình, quảng bá tầm nhìn của họ về tương lai và cố gắng hết sức để thay đổi câu chuyện về chiến dịch tranh cử tổng thống này”.
Đó là một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh đối thủ của họ đang đưa ra thông điệp rằng Đảng Dân chủ đang hỗn loạn. Ông Biden đã tán thành Phó Tổng thống Kamala Harris làm tân ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ và cho biết sẽ chia sẻ chi tiết về quyết định của mình vào cuối tuần này.
Trong một tuyên bố được đưa ra vài giờ sau thông báo rút lui của ông Biden, Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden đã “nói chuyện với một số thành viên Quốc hội, các thống đốc và những người ủng hộ, đồng thời sẽ tiếp tục tương tác với các bên liên quan chính trong tối nay và ngày mai”.


Giám đốc Mật vụ Mỹ từ chức sau vụ mưu sát ông Trump


Bà Kimberly Cheatle.
-Nhà Trắng hôm 23/7 cho biết Giám đốc Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ Kimberly Cheatle đã từ chức sau khi cơ quan này bị chỉ trích vì không ngăn chặn được một tay súng làm bị thương cựu Tổng thống Donald Trump tại một cuộc vận động tranh cử.
Cơ quan này đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Cơ quan Mật vụ, vốn chịu trách nhiệm bảo vệ các tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống Mỹ, phải đối mặt với khủng hoảng sau khi một tay súng đã có thể bắn vào ông Trump từ mái nhà nhìn ra cuộc vận động ngoài trời ở Butler, Pennsylvania, vào ngày 13/7.
Bà Cheatle phải đối mặt với sự lên án của lưỡng đảng khi xuất hiện trước Ủy ban Giám sát của Hạ viện Mỹ hôm 22/7. Bà từ chối trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp, những người bày tỏ sự bực dọc về kế hoạch an ninh cho cuộc tập hợp vận động tranh cử và cách cơ quan thực thi pháp luật phản ứng với hành vi đáng ngờ của tay súng.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kêu gọi bà từ chức.

Ông Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, bị đạn bay sượt qua tai phải và một người biểu tình thiệt mạng trong vụ nổ súng. Tay súng được xác định là Thomas Crooks, 20 tuổi, đã bị lính bắn tỉa của Cơ quan Mật vụ bắn chết.
Bà Cheatle, người đã lãnh đạo cơ quan này từ năm 2022, nói với các nhà lập pháp rằng bà nhận trách nhiệm về vụ nổ súng, gọi đây là thất bại lớn nhất của Cơ quan Mật vụ kể từ khi Tổng thống Ronald Reagan bị bắn vào năm 1981.
Cơ quan Mật vụ phải đối mặt với các cuộc điều tra từ nhiều ủy ban quốc hội và cơ quan giám sát nội bộ của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, cơ quan chủ quản, về hoạt động của cơ quan này.
Tổng thống Joe Biden, người đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tái tranh cử, cũng đã kêu gọi một cuộc đánh giá độc lập.
Phần lớn những lời chỉ trích tập trung vào việc không đảm bảo an toàn từ mái của một tòa nhà công nghiệp nơi tay súng sử dụng, cách sân khấu mà ông Trump phát biểu khoảng 140m.
Khu mái được tuyên bố nằm ngoài phạm vi an ninh của Cơ quan Mật vụ cho sự kiện này, một quyết định bị các cựu đặc vụ và nhà lập pháp chỉ trích.
Bà Cheatle giữ vị trí hàng đầu về an ninh tại PepsiCo trước khi ông Biden bổ nhiệm bà làm giám đốc Cơ quan Mật vụ vào năm 2022. Trước đó, bà đã phục vụ 27 năm tại cơ quan này.


Giới chức Thái Lan kết luận: 6 người Việt chết trong khách sạn vì ‘chất độc xyanua’


(Hình ảnh từ camera an ninh của khách sạn Grand Hyatt Erawan Bangkok cho thấy một trong các nạn nhân đi nhận phòng)
-Kết quả khám nghiệm tử thi ban đầu đã phát hiện dấu vết xyanua trong máu của sáu du khách Việt Nam và Việt kiều Mỹ tại một khách sạn sang trọng ở trung tâm Bangkok, AP dẫn nguồn từ giới chức Thái Lan cho biết hôm 17/7.
Thủ phạm được cho là một trong số các nạn nhân đã tử vong. Người này được cho là đã đầu độc những người khác do hậu quả của việc đầu tư thua lỗ, cũng theo nhà chức trách Thái Lan.
Các thi thể được phát hiện hôm 16/7 tại khách sạn Grand Hyatt Erawan, một khách sạn nổi bật nằm gần một giao lộ trung tâm Bangkok vốn sầm uất với các trung tâm thương mại, trụ sở chính quyền và các trạm xe điện trên cao.
Sáu du khách này được nhìn thấy còn sống lần cuối khi thức ăn được đưa đến phòng vào chiều ngày 15/7. Các nhân viên khách sạn đã nhìn thấy một người phụ nữ nhận đồ ăn, và hình ảnh từ camera an ninh cho thấy số còn lại vào phòng từng người một sau đó không lâu.

Không có ai khác bước vào phòng, không ai được nhìn thấy bước ra và cửa phòng vẫn bị khóa. Một nhân viên dọn phòng đã phát hiện thi thể họ vào chiều ngày 16/7 khi họ không trả phòng.
Khi bước vào phòng, nhân viên khách sạn nhìn thấy đồ ăn được gọi từ ngày hôm trước vẫn còn chưa được đụng tới, với một số phần cơm chiên vẫn còn được đậy trong màng bọc. Trong khi đồ ăn còn nguyên, một vài tách trà trên bàn gần đó đã được uống, bên cạnh hai bình giữ nhiệt.
Trung tướng Trairong Piwpan, trưởng phòng pháp y của cảnh sát Thái Lan, cho biết có dấu vết của xyanua trong tách trà và bình giữ nhiệt mà cảnh sát tìm thấy.
Kết quả khám nghiệm tử thi ban đầu được thực hiện tại Bệnh viện Chulalongkorn của Bangkok, đã được công bố vào cuối ngày 17/7. Ông Kornkiat Vongpaisarnsin, trưởng khoa pháp y Đại học Y Chulalongkorn, cho biết tại một cuộc họp báo rằng xyanua được tìm thấy trong máu của cả sáu người, và kết quả chụp cắt lớp cho thấy không có dấu hiệu chấn thương do lực tác động. Kết quả này càng củng cố giả thuyết rằng họ đã bị đầu độc.
Chanchai Sittipunt, trưởng khoa Y của Đại học Chulalongkorn, cho biết các nhà điều tra biết rất rõ về xyanua để xác định nó có thể là nguyên nhân gây tử vong.
Cảnh sát trưởng Bangkok, Trung tướng Thiti Sangsawang, xác định những người thiệt mạng là hai người Mỹ gốc Việt và bốn công dân Việt Nam. Trong đó ba nam và ba nữ. Độ tuổi của họ dao động từ 37 đến 56, theo lời ông Noppasin Punsawat, phó cảnh sát trưởng Bangkok.

Ông Noppasin cho biết vụ việc dường như là mâu thuẫn cá nhân và sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn của du khách đến Thái Lan.
Trong số các nạn nhân có một cặp vợ chồng đã đầu tư khoảng 10 triệu baht (tương đương 278.000 đô la Mỹ) với hai trong số những người còn lại, và đó có thể là động cơ gây án, ông Noppasin dẫn thông tin thu được từ thân nhân nạn nhân cho biết. Số tiền đầu tư này là để xây một bệnh viện ở Nhật Bản và họ có thể đã tổ chức cuộc họp để giải quyết. Cảnh sát cho biết một người trong số họ đã sát hại những người còn lại nhưng không nói ai là nghi phạm.
Cảnh sát trưởng Bangkok, Trung tướng Thiti Sangsawang cho biết hôm 16/7 rằng bốn thi thể được tìm thấy trong phòng khách và hai trong phòng ngủ. Ông cho biết hai người dường như đã cố gắng với tới cánh cửa nhưng đã ngã quỵ trước khi tới được.
Phó cảnh sát trưởng Noppasin cho biết hôm 17/7 rằng một du khách thứ bảy nằm trong danh sách đặt phòng khách sạn là anh chị em của một trong sáu nạn nhân. Người này đã rời Thái Lan vào ngày 10/7. Cảnh sát tin rằng người khách thứ bảy này không liên quan đến vụ việc.
Các đại sứ quán Việt Nam và Hoa Kỳ ở Thái Lan đã được liên hệ về vụ việc, và Cục điều tra liên bang FBI của Mỹ đang trên đường đến Thái Lan, Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết.
“Đây không phải là hành động khủng bố hay xâm phạm an ninh. Mọi việc đều ổn,” ông trấn an.
Trung tướng Trairong Piwpan, trưởng phòng pháp y của cảnh sát Thái Lan, nói rằng khó có khả năng các nạn nhân tự sát tập thể vì một số người trong số họ đã chuẩn bị các chuyến đi kế tiếp, chẳng hạn như đã đặt hướng dẫn viên và tài xế. Ông nói thêm rằng các thi thể nằm rải rác ở các nơi khác nhau trong phòng khách sạn cho thấy họ không chủ ý đưa chất độc vào người và đợi chết cùng nhau.

Tại Washington, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller đã gửi lời chia buồn tới gia đình những người thiệt mạng. Ông cho biết Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ liên lạc với chính quyền địa phương. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với người đồng cấp Thái Lan hôm 17/7, nhưng ông Miller cho biết ông nghĩ cuộc gọi đó xảy ra trước khi có tin tức về vụ việc và ông không biết liệu hai vị ngoại trưởng có nhắc đến nó hay không.
Bộ Ngoại giao Việt Nam thông qua Đại sứ quán tại Thái Lan đã xác nhận 4 trong 6 nạn nhân có quốc tịch Việt Nam, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng được VnExpress dẫn lời cho biết vào ngày 17/7.
Bà Hằng nói Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ tiếp tục phối hợp với giới chức sở tại, theo sát và làm rõ nguyên nhân sự việc và cung cấp thông tin cần thiết để phục vụ công tác điều tra.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và sẽ hướng dẫn thủ tục hậu sự, tiến hành bảo hộ công dân, cũng theo VnExpress.
Trang mạng này dẫn nguồn từ cảnh sát Thái Lan cho biết nghi phạm là nữ Việt kiều. Bà này cùng chồng đã vay tiền từ hai vợ chồng doanh nhân người Việt để đầu tư vào một dự án bệnh viện ở Nhật. Do dự án bị đình trệ, hai vợ chồng người Việt đã nghi ngờ họ bị nữ Việt kiều lừa tiền.


Tòa án Nga kết án tù phóng viên Mỹ Gershkovich 16 năm về tội gián điệp


(Nhà báo Evan Gershkovich của The Wall Street Journal đứng nghe phán quyết trong lồng kính của phòng xử án ở Yekaterinburg, Nga, vào ngày 19/7/2024.)
-Một tòa án Nga hôm 19/7 kết tội phóng viên Hoa Kỳ Evan Gershkovich làm gián điệp và kết án ông 16 năm tù, trong một động thái mà tờ báo chủ quản của ông, Wall Street Journal, gọi là “một bản án giả mạo đáng hổ thẹn”.
Ông Gershkovich, công dân Mỹ 32 tuổi, người cho rằng những cáo buộc chống lại ông là sai sự thật, đã ra tòa vào tháng trước tại thành phố Yekaterinburg. Ông là nhà báo Mỹ đầu tiên bị bắt vì tội làm gián điệp ở Nga kể từ Chiến tranh Lạnh.
Đoạn video về phiên điều trần do tòa án công bố cho thấy ông Gershkovich ngồi trong lồng kính trong phòng xử án, lắng nghe bản án được đọc nhanh chóng trong gần 4 phút bằng ngôn ngữ pháp lý.
Khi được thẩm phán hỏi có thắc mắc gì không, ông trả lời "Không" bằng tiếng Nga.
Thẩm phán Andrei Mineyev cho biết thời gian ông Gershkovich đã thụ án kể từ khi bị bắt gần 16 tháng trước sẽ được tính vào bản án 16 năm. Vị thẩm phán này ra lệnh tiêu hủy điện thoại di động và sổ tay của phóng viên. Bên bào chữa có 15 ngày để kháng cáo.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ không ngay lập tức đưa ra bình luận.
“Bản án giả tạo, đáng hổ thẹn này được đưa ra sau khi Evan phải ngồi tù 478 ngày, bị giam giữ trái pháp luật, xa gia đình và bạn bè, bị ngăn cản đưa tin, tất cả chỉ vì làm công việc nhà báo của mình,” tờ WSJ nói trong một tuyên bố.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để thúc đẩy việc trả tự do cho Evan và hỗ trợ gia đình anh ấy. Báo chí không phải là tội ác và chúng tôi sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi anh ấy được thả. Điều này phải chấm dứt ngay bây giờ."
Trước đó trong ngày 19/7, các công tố viên Nga đã đề nghị mức án 18 năm tù đối với nhà báo Mỹ khi phiên tòa xét xử ông về tội gián điệp của ông kết thúc nhanh chóng bất thường, có lẽ dọn đường cho một cuộc trao đổi giữa Moscow và Washington.

Theo cơ quan báo chí của tòa án, các cuộc tranh luận cuối cùng diễn ra sau cánh cửa đóng kín tại phiên tòa, nơi ông Gershkovich không thừa nhận bất kỳ tội nào. Chính phủ Hoa Kỳ và các nhà xuất bản của tờ WSJ đã chỉ trích phiên tòa xét xử trong hệ thống pháp luật bị chính trị hóa cao độ của Nga là giả tạo.
Ông Gershkovich bị bắt vào ngày 29/3/2023, khi đang đi tường trình ở thành phố Yekaterinburg thuộc Dãy núi Ural. Các nhà chức trách tuyên bố, mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, rằng ông đang thu thập thông tin tình báo cho Hoa Kỳ.
Không giống như phiên tòa đầu tiên vào ngày 26/6 tại Yekaterinburg và các phiên điều trần trước đó ở Moscow, trong đó các phóng viên được phép gặp ông Gershkovich nhanh chóng trước khi phiên tòa bắt đầu, nhưng tuần này không ai được vào phòng xử án và ông cũng không được nhìn thấy, nhưng nhà chức trách không đưa ra lời giải thích nào. Các vụ án gián điệp và phản quốc thường được giữ bí mật.
Tòa án Nga kết án hơn 99% bị cáo và các công tố viên có thể kháng cáo những mức án mà họ cho là quá khoan dung. Họ thậm chí có thể kháng cáo để cho tha bổng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố ông Gershkovich “bị giam giữ sai trái” và cam kết chính phủ sẽ kiên quyết tìm cách trả tự do cho ông.

Khi được hỏi hôm 19/7 về khả năng trao đổi tù nhân liên quan đến ông Gershkovich, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 17/7 cho biết tại Liên Hiệp Quốc rằng “các cơ quan đặc biệt” của Moscow và Washington đang thảo luận về một cuộc trao đổi liên quan đến ông Gershkovich. Nga trước đó đã phát tín hiệu về khả năng hoán đổi, nhưng nước này nói rằng phán quyết sẽ phải được đưa ra trước. Ngay cả sau khi có phán quyết, bất kỳ thỏa thuận nào như vậy cũng có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel hôm 18/7 đã từ chối thảo luận về các cuộc đàm phán về một cuộc trao đổi có thể xảy ra, nhưng nói: “Chúng tôi đã nói rõ ngay từ đầu rằng Evan không làm gì sai và lẽ ra không nên bị giam giữ. Cho đến nay, Nga không cung cấp bằng chứng phạm tội và không thể biện minh cho việc tiếp tục giam giữ Evan.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu năm nay ám chỉ rằng ông sẽ sẵn sàng đổi ông Gershkovich lấy Vadim Krasikov, một người Nga đang thụ án chung thân vì vụ giết một công dân Georgia gốc Chechnya năm 2019 ở Berlin.
Ông Gershkovich đã bị giam khoảng hơn 15 tháng trong Nhà tù Lefortovo khét tiếng ở Moscow.
Văn phòng Tổng công tố Nga hồi tháng trước cho biết nhà báo này bị cáo buộc “thu thập thông tin tình báo” theo lệnh của CIA về Uralvagonzavod, một nhà máy cách Yekaterinburg khoảng 150km về phía bắc chuyên sản xuất và sửa chữa xe tăng cũng như các thiết bị quân sự khác.
Ông Lavrov hôm 17/7 tái khẳng định tuyên bố của Điện Kremlin rằng chính phủ có “bằng chứng không thể chối cãi” chống lại ông Gershkovich, mặc dù cả ông và bất kỳ quan chức Nga nào khác đều chưa từng tiết lộ điều đó.
Tờ báo nơi ông Gershkovich làm việc và các quan chức Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc là không có thật.
“Ông Evan chưa bao giờ được chính phủ Hoa Kỳ tuyển dụng. Ông Evan không phải là gián điệp. Báo chí không phải là một tội ác. Và lẽ ra ông Evan không bao giờ nên bị giam giữ ngay từ đầu”, người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói vào tháng trước.
Cách giải thích của Nga về những gì cấu thành tội phạm cao như gián điệp và phản quốc là rất rộng, với việc chính quyền thường truy lùng những người chia sẻ thông tin công khai với người nước ngoài và cáo buộc họ tiết lộ bí mật nhà nước.
Đầu tháng này, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế khi bỏ tù ông Gershkovich và nên thả ông “ngay lập tức”.
Các vụ bắt giữ người Mỹ ngày càng phổ biến ở Nga, với 9 công dân Mỹ được cho là bị giam giữ ở đó khi căng thẳng giữa hai nước leo thang vì giao tranh ở Ukraine.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield cáo buộc Moscow coi “con người như những lá bài để mặc cả”. Bà đưa ra trường hợp ông Gershkovich và cựu thủy quân lục chiến Paul Whelan, 53 tuổi, giám đốc an ninh của một công ty ở Michigan, người đang thụ án 16 năm sau khi bị kết án vì tội gián điệp mà cả ông và Hoa Kỳ đều phủ nhận


Seoul phát giác chất gây ung thư trong đồ lót bán trên thương mại điện tử Trung Cộng
(Vương Quân)


-Chính quyền thành phố Seoul gần đây đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên nhiều loại sản phẩm do Shein, nhà bán lẻ thời trang nhanh trực tuyến Trung Quốc, bán qua Hàn Quốc. Kết quả phát hiện một loại đồ lót của phụ nữ có chứa chất gây ung thư cao gấp 3 lần giới hạn cho phép. Nếu tiếp xúc trực tiếp với da, chúng có thể gây ra các vấn đề về ung thư bàng quang.
Theo truyền thông Hàn Quốc Chosun Ilbo đưa tin, từ ngày 11/6 đến ngày 11/7 năm nay, chính quyền thành phố Seoul đã thông qua Viện nghiên cứu môi trường và sức khỏe Seoul và các chuyên gia bên ngoài, tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên đối với 330 sản phẩm được bán trên Shein, AliExpress của Alibaba và Temu (nền tảng mua sắm thương mại điện tử của Trung Quốc có trụ sở tại Boston, Mỹ), bao gồm 59 loại đồ lót, 89 loại mỹ phẩm, 140 loại hộp đựng thực phẩm và 42 loại sản phẩm vệ sinh.
Vào ngày 18/7, chính quyền thành phố Seoul đã công bố kết quả kiểm tra ngẫu nhiên, trong đó cho thấy chất gây ung thư allylamine (allylamine) có hàm lượng 87,9mg/kg được tìm thấy trong đồ lót nữ do Shein bán. Hàm lượng gần gấp 3 lần so với tiêu chuẩn nội địa của Hàn Quốc (30mg/kg).
Chính quyền thành phố Seoul chỉ ra rằng allylamine có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang ở người, nhưng hiện nay nó xuất hiện trên đồ lót tiếp xúc trực tiếp với da. Việc kiểm tra ra chất gây ung thư, cho thấy đây là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Shein là nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng nhất ở nhiều nơi trên thế giới. Nó được thế hệ MZ (những người sinh từ 1981 – 2010) ở khắp mọi nơi yêu thích.
Chính quyền thành phố Seoul đã phát hiện chất gây ung thư trong các sản phẩm như đồ lót, kem nền, son môi và móng tay. (Nguồn ảnh: Tòa thị chính Seoul)
Chính quyền thành phố Seoul cũng tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các loại mỹ phẩm khác, trong đó 14 loại mỹ phẩm được phát hiện có hàm lượng vi khuẩn quá cao. Trong 2 mẫu son bán trên Shein và AliExpress được phát hiện có tụ cầu vàng; Hai loại kem nền bán trên AliExpress cũng bị phát hiện có hàm lượng Staphylococcus vàng và vi khuẩn hiếu khí quá cao.
Theo quy định an toàn đối với mỹ phẩm nội địa của Hàn Quốc, quy định không được phát hiện tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) trong mỹ phẩm, chủ yếu là vì một khi cơ thể con người bị nhiễm vi khuẩn, nó có thể gây phát ban hoặc viêm da dị ứng; còn vi khuẩn hiếu khí nếu vượt quá mức cho phép có thể làm tăng nguy cơ hư hỏng mỹ phẩm.
Chính quyền thành phố Seoul cũng tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm nghệ thuật làm móng bán trên Shein và AliExpress, và phát hiện có chứa 974,2㎍/g niken, cao hơn tiêu chuẩn Hàn Quốc là 10㎍/g; hàm lượng dioxane 167,8㎍/g cũng được phát hiện, vượt tiêu chuẩn (100㎍/g) gấp 1,6 lần.
Niken có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở người; dioxan là chất gây ung thư có thể gây tổn thương gan, thận và hệ thần kinh.

Ngoài ra, chính quyền Seoul cũng phát hiện cadmium vượt quá giới hạn cho phép 97,4 lần và chì vượt quá giới hạn cho phép 7 lần trong 5 sản phẩm bao gồm cả đĩa (đựng đồ) bán trên AliExpress và Temu.
Đối với 20 sản phẩm liên quan đến vấn đề an toàn sức khỏe, chính quyền thành phố Seoul sẽ có kế hoạch hợp tác với Cục An toàn Thực phẩm và Dược phẩm để yêu cầu các nền tảng bán hàng trực tuyến có liên quan cấm bán. Về vấn đề này, Giám đốc Cục Y tế Công dân Chính quyền Thành phố Seoul Kim Tae-hee kêu gọi người tiêu dùng cần phải lưu ý hơn khi mua các sản phẩm như nội y tiếp xúc trực tiếp với da, mỹ phẩm, các thiết bị thực phẩm mà đã được kiểm tra có chứa thành phần chất ung thư quá tiêu chuẩn hoặc gây lo ngại về an toàn.
Seoul kiểm tra sản phẩm thương mại điện tử Trung Quốc, 60% có chất độc hại
Vào ngày 9/5, thành phố Seoul đã công bố kết quả báo cáo kiểm tra lấy mẫu sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử ở nước ngoài vào tuần thứ hai của tháng 5. Trong số đó có Aliexpress (công ty con của Tập đoàn Alibaba) và Temu (công ty con của tập tập đoàn thương mại điện tử Pinduoduo) của Trung Quốc, trong số 9 sản phẩm dành cho trẻ em được bán ra, có 5 sản phẩm bị phát hiện có chứa chất độc hại.
Theo báo cáo của Thông tấn xã Yonhap, các sản phẩm được đưa đi kiểm tra bao gồm 5 đồ chơi trẻ em như đồ chơi đất sét pha lê hiện đang được bán bởi AliExpress và Temu, cũng như 4 mặt hàng văn phòng phẩm như hộp bút chì và bút chì bấm, tổng cộng có 9 sản phẩm. Trong số đó, thành phần hóa dẻo DEHP của nhựa tổng hợp làm thân bút dành cho trẻ em vượt tiêu chuẩn, gấp 146 lần tiêu chuẩn; thành phần hóa dẻo dibutyl phthalate (DBP) trong bút chì bấm cũng vượt tiêu chuẩn 11 lần, trong khi hàm lượng chì trong đầu kim loại vượt tiêu chuẩn 1,6 lần.

Trong số các mẫu chất nhờn tinh thể “Slime” được gọi là “quái vật lỏng“, một mẫu được phát hiện có chứa “chloromethylisothiazolinone” (CMIT), một thành phần chất khử trùng tạo độ ẩm bị cấm trong các sản phẩm dành cho trẻ em) và chất “methylisothiazolinone” (MIT); “chất dẻo phthalate” (DEHP, DBP, DIBP) trong một loại trang trí bằng đất sét pha lê khác đã vượt quá tiêu chuẩn tới 213 lần.
Ngoài ra, thành phần borax trong mẫu bùn tinh thể vượt quá tiêu chuẩn tới 10 lần và hàm lượng “diisononyl phthalate” (DINP) trong một sản phẩm “Garage kit” khác đã vượt tiêu chuẩn gấp 3 lần.
Kể từ cuối tháng 4 năm nay, Seoul đã chọn đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập, phụ kiện và sản phẩm da để kiểm tra lấy mẫu an toàn hàng tuần và công bố kết quả điều tra.
Sản phẩm dành cho trẻ em được kiểm nghiệm chứa chất gây ung thư cao hơn tiêu chuẩn 3.000 lần
Ngày 30/4, Cơ quan Hải quan Hàn Quốc đã đưa ra thông báo, kiểm tra 252 sản phẩm dành cho trẻ em siêu rẻ ở nước ngoài, được bán bởi thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc. Theo đó, kết quả phát hiện tổng cộng 38 sản phẩm có chứa chất gây ung thư vượt quá tiêu chuẩn, thậm chí một số sản phẩm có chứa chất cadmium gây ung thư có hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn hơn 3.000 lần.
Theo thông báo của Cục Hải quan Hàn Quốc, 38 sản phẩm dành cho trẻ em từ Trung Quốc bị hải quan phát hiện có chứa chất gây ung thư, chiếm 15% trong lô hàng được kiểm tra này. Trong đó, có 27 sản phẩm bị phát hiện có chứa chất hóa dẻo phthalate với hàm lượng vượt tiêu chuẩn an toàn tới 82 lần; 5 sản phẩm còn bị phát hiện có chứa chì, với hàm lượng vượt tiêu chuẩn an toàn tới 270 lần; 6 sản phẩm thậm chí còn được kiểm tra có chứa một loại chất gây ung thư gọi cadmium, trong đó chất có hàm lượng cao nhất vượt quá tiêu chuẩn tới 3.026 lần.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, các hạng mục kiểm tra nêu trên bao gồm các chất có hại như phthalate và kim loại nặng mà chỉ Hải quan Seoul mới có thể phân tích.
Các công ty mua sắm trực tuyến của Trung Quốc nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Hàn Quốc và thị phần của họ lần đầu tiên vượt qua Mỹ vào năm 2023. Theo dữ liệu từ Cục Hải quan Hàn Quốc, hoạt động mua sắm trực tuyến thương mại điện tử xuyên biên giới của nước này đã tăng 20,4% so với cùng kỳ trong 3 quý đầu năm 2023. Xét về đối tượng giao dịch, Trung Quốc chiếm 46,4% và Mỹ chiếm 29,1%. Trong cùng thời gian, lượng hàng hóa Trung Quốc mà người tiêu dùng Hàn Quốc mua tăng vọt 106% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng 9,7% ở Mỹ.


Đệ nhất phu nhân Nam Hàn bị thẩm vấn 12 giờ vì túi hiệu và cáo buộc thao túng cổ phiếu


-Vào ngày 20-7, Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon Hee đã bị công tố viên thẩm vấn liên quan đến cáo buộc nhận một chiếc túi xách Christian Dior cùng các món quà đắt tiền khác từ mục sư Choi Jae Young, cũng như vai trò của bà trong một vụ thao túng cổ phiếu. Theo thông tin từ Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul được hãng thông tấn Yonhap đưa tin, bà Kim Keon Hee đã bị thẩm vấn trực tiếp trong khoảng 12 giờ tại một tòa nhà chính phủ không được tiết lộ. Cuộc thẩm vấn kéo dài suốt đêm và kết thúc vào khoảng 1h20 sáng ngày 21-7.
Các cáo buộc đối với Đệ nhất phu nhân bao gồm việc nhận chiếc túi xách Christian Dior trị giá khoảng 3 triệu won (2.175 USD) cùng nhiều món quà đắt tiền khác từ mục sư Choi vào tháng 9-2022. Những món quà này được cho là nhằm đổi lấy lợi ích. Đầu tháng này, một trợ lý của bà Kim đã khai báo với công tố viên rằng bà Kim đã yêu cầu trả lại chiếc túi Dior ngay trong ngày nhận, nhưng sau đó quên mất vì quá bận rộn.
Vụ bê bối này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận và ảnh hưởng tiêu cực đến tỉ lệ ủng hộ của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Đảng của ông đã chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4, khi họ không thể giành lại đa số trong Quốc hội. Việc nhận quà có giá trị như vậy vi phạm luật pháp Hàn Quốc, vốn cấm các quan chức và vợ/chồng của họ nhận bất kỳ thứ gì trị giá hơn 750 USD. Theo hãng tin AFP, Tổng thống Yoon đã phải xin lỗi công chúng trong một cuộc họp báo hiếm hoi vào tháng 5, gọi việc vợ ông nhận quà là “không khôn ngoan” và nhấn mạnh rằng đây không phải là một “âm mưu chính trị”.

Ngoài cáo buộc nhận quà, công tố viên cũng thẩm vấn bà Kim về vai trò của bà trong vụ thao túng cổ phiếu liên quan đến Deutsch Motors, một đại lý xe BMW tại Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên công tố viên trực tiếp thẩm vấn bà Kim về vấn đề này. Trước đó, vào năm ngoái, công tố viên đã gửi một bản câu hỏi bằng văn bản cho bà nhưng không nhận được phản hồi.
Sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của Đệ nhất phu nhân mà còn gây thêm áp lực lên Tổng thống Yoon Suk Yeol và chính phủ của ông. Vụ bê bối đã thu hút sự chú ý lớn từ công chúng và giới truyền thông, đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức và sự minh bạch trong chính trị Hàn Quốc.
Trong bối cảnh các cáo buộc và cuộc thẩm vấn, nhiều người dân và các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo. Họ chờ đợi xem liệu có thêm bằng chứng nào sẽ được đưa ra và liệu công tố viên có tiến hành các bước tiếp theo nào để giải quyết vụ việc này. Vụ bê bối cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về sự cần thiết phải có các quy định nghiêm ngặt hơn đối với việc nhận quà của các quan chức và người thân của họ, nhằm đảm bảo tính liêm chính và lòng tin của công chúng vào hệ thống chính trị.


Tin Quốc Tế Đó Đây
Quân Ukraine Mất Dần Quyền Kiểm Soát ở Donbass


(AP - Oleg Petrasiuk: Pháo 155 ly của Ukraine khai hỏa tại mặt trận ở Chasiv Yar, vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 20/7/2024.)
-Hôm 21/7/2024, quân đội Nga thông báo đã chiếm thêm hai ngôi làng ở miền Đông Ukraine và dường như vẫn tiếp tục đà tiến ở Donbass và phía Đông Kharkiv. Quân đội Ukraine có vẻ đang gặp rất nhiều khó khăn ở Donbass, trong bối cảnh Kyiv lo ngại sẽ không cầm cự được ở vùng này cho đến mùa Đông tới.
Từ Kyiv, thông tín viên Stéphane Siohan của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
Việc để mất khu vực này hay khu vực kia, ngày qua ngày, không phải là dấu hiệu có sức thuyết phục để đánh giá tương quan lực lượng giữa quân đội Ukraine và quân đội của Ðiện Cẩm Linh.
Tuy nhiên, dường như quân Nga có tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược trong mùa khô, cụ thể là chiếm lại các vùng lãnh thổ mà quân đội Ukraine giành được vào mùa Thu năm 2022 tại khu vực Kharkiv, đặc biệt ở phía Đông thị trấn chiến lược nhỏ Kupiansk, nơi có hai ngôi làng một lần nữa bị Nga chiếm.

Tuy nhiên, thành quả lớn nhất của Mạc Tư Khoa là ngay giữa vùng Donbass. Quân đội Nga sắp tiến vào New York, thị trấn cùng tên với thành phố Mỹ, và đã có những cuộc giao tranh ác liệt xung quanh thành phố mỏ Toretsk. Điều đáng lo ngại với Ukraine là nơi này cách đường quốc lộ nối Pokrovsk với Konstantynivka, hai trong số những thị trấn cỡ trung bình mà Kyiv còn kiểm soát ở Donbass, chỉ 4 cây số.
Mục tiêu của quân Nga là cắt đứt những mối liên lạc quan trọng giữa các thành trì cuối cùng của Ukraine, sau đó tiến sâu hơn để đưa các thành phố Pokrovsk, Konstantynivka và Kramatorsk vào tầm bắn của pháo binh.
Mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ, bởi trong cuộc chiến tiêu hao này, quân Ukraine đang kháng cự hết mức có thể, chấp nhận rút khỏi một số mặt trận, sau khi đã làm quân đội Nga cạn kiệt sức lực. Cho đến khi nào? Câu hỏi được đặt ra là liệu quân Ukraine có thể cầm cự ở Donbass cho đến mùa Đông hay không.
Phía Nga hôm nay, 22/7, cho biết đã bắn hạ 75 drone của quân đội Ukraine chỉ trong một đêm, trong đó gần 50 chiếc bị phá hủy ở khu vực phía Nam Rostov.


Phi Luật Tân và Trung Quốc Đạt Được Thỏa Thuận Trong Nỗ Lực Ngưng Xung Đột tại Bãi Cỏ Mây


(Ảnh Aaron Favila File, minh họa: Chiến hạm cũ Sierra Madre của Phi Luật Tân tại Bãi Cỏ Mây chụp hồi tháng 4 năm 2023.)
-Phi Luật Tân và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với hy vọng ngưng đối đầu tại khu vực tranh chấp dữ dội nhất là Bãi Cỏ Mây. Chính phủ Manila thông báo ngày 21/7/2024.
AP loan tin trong cùng ngày dẫn xác nhận của hai giới chức ẩn danh Phi Luật Tân thông thạo việc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề vừa nêu. Theo đó thỏa thuận đạt được trong ngày 21/7 sau một loạt cuộc gặp giữa viên chức ngoại hai nước tại Manila, cũng như trao đổi công hàm nhằm đạt được thỏa thuận mà cả hai phía có thể chấp nhận mà không phải tương nhượng về tuyên bố chủ quyền.
Thông cáo ngắn của Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân đưa ra sau khi đạt được thỏa thuận nêu rõ: "Cả hai phía tiếp tục nhận thức nhu cầu giảm căng thẳng tình hình tại Biển Đông, và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, tham vấn, và đồng ý với nhau rằng thỏa thuận sẽ không tạo nên thiên lệch về quan điểm vị thế của mỗi bên tại khu vực biển đó".
Cả Phi Luật Tân và Trung Quốc đều chưa công khai cho tiết thỏa thuận mới đạt được.
Xung đột giữa Bắc Kinh và Manila ở khu vực Bãi Cỏ Mây đã diễn ra nhiều tháng qua và vụ đụng độ hôm 17/6 được cho là nghiêm trọng khi các xuồng cao tốc của hải cảnh Trung Quốc tấn công các tàu tiếp tế của Phi Luật Tân gây hư hại cho các tàu này và làm bị thương một số lính của Phi Luật Tân, đồng thời tịch thu súng và thiết bị trên tàu tiếp tế.


Chính Quyền Biden Công Bố 4,3 Tỉ Mỹ Kim Tài Trợ Khí Hậu


(REUTERS: Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về sáng kiến của Tòa Bạch Ốc về biến đổi khí hậu, tại Hoa Thịnh Ðốn hôm 14/11/2023.)
-Chính quyền Biden hôm 22/7/2024 công bố 25 dự án do 30 chính quyền tiểu bang, địa phương và bộ tộc khác nhau đề xuất khi nộp đơn xin tài trợ 4,3 tỉ Mỹ kim từ luật khí hậu của Tổng thống.
Các khoản tài trợ sẽ được phân phối cho chính quyền được chọn vào đầu mùa Thu. Các tài trợ này sẽ hỗ trợ khai triển kỹ thuật năng lượng sạch trong các lĩnh vực từ nhà ở đến nông nghiệp. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho biết họ đã xem xét gần 300 đơn đăng ký yêu cầu trên 30 tỉ Mỹ kim.

Tại Sao Nó Quan Trọng
Chính quyền cho biết các dự án được lựa chọn khi kết hợp lại sẽ giảm ô nhiễm khí nhà kính tới 150 triệu tấn carbon dioxide tương đương (CO2e) vào năm 2030, tức khoảng 2 điểm phần trăm. Hoa Kỳ đã cam kết cắt giảm 50% -52% lượng khí thải CO2 vào năm đó.
Khi cuộc bầu cử năm 2024 sắp diễn ra và các chiến dịch tranh cử đang rầm rộ, EPA và các cơ quan liên bang khác đang nỗ lực phân phối các khoản trợ cấp được quy định theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022. Cựu Tổng thống Donald Trump và các nhà Lập pháp Đảng Cộng hòa đã để mắt đến việc bãi bỏ một số chương trình cho vay và trợ cấp của IRA.
"Những khoản tài trợ này sẽ giúp chính quyền tiểu bang và địa phương cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe cho cộng đồng của họ, đồng thời đẩy nhanh tiến trình của Hoa Kỳ hướng tới các mục tiêu khí hậu của chúng ta", ông John Podesta, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Joe Biden về Chính sách Khí hậu Quốc tế, cho biết.


Bộ An Ninh Nội Địa Chỉ Định Một Hội Đồng Độc Lập Để Xem Xét Vụ Mưu Sát Ông Trump


(AP: Hội đồng này sẽ có 45 ngày để xem xét các chính sách và thủ tục của Sở Mật vụ trước, trong và sau cuộc mít-tinh hôm 13/7/2024, nơi một tay súng bắn vào ông Trump ở Butler, tiểu bang Pennsylvania.)
-Hôm 22/7/2024, các viên chức cho biết Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas đã chỉ định một hội đồng độc lập, lưỡng đảng để xem xét vụ mưu sát cựu Tổng thống Donald Trump hôm 13/7.
Các thành viên trong hội đồng này có "kinh nghiệm thực thi pháp luật và an ninh sâu rộng để tiến hành đánh giá độc lập trong 45 ngày về kế hoạch và hành động của Sở Mật vụ Hoa Kỳ cũng như của chính quyền tiểu bang và địa phương trước, trong và sau cuộc mít-tinh, và các chính sách và thủ tục quản lý của Sở Mật vụ", Bộ An ninh Nội địa cho biết trong một tuyên bố.
Những người đầu tiên có tên trong hội đồng gồm cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Janet Napolitano; Frances Townsend, cựu Cố vấn An ninh Nội địa của Tổng thống George W. Bush; Mark Filip, cựu Thẩm phán liên bang và Phó tổng Chưởng lý của Tổng thống George W. Bush; David Mitchell, cựu Bộ trưởng Bộ An toàn Công cộng và An ninh Nội địa tiểu bang Delaware.
Tuyên bố cho biết trong những ngày tới có thể sẽ mời thêm các chuyên gia bổ sung.
Hội đồng này sẽ có 45 ngày để xem xét các chính sách và thủ tục của Sở Mật vụ trước, trong và sau cuộc mít-tinh hôm 13/7, nơi một tay súng bắn vào ông Trump ở Butler, tiểu bang Pennsylvania.
"Chúng tôi thành lập nhóm lưỡng đảng này để nhanh chóng xác định những cải thiện mà Sở Mật vụ Hoa Kỳ có thể thực hiện nhằm nâng cao công việc của họ. Tất cả chúng ta phải làm việc cùng nhau để bảo đảm những sự kiện như ngày 13/7 không tái diễn", các thành viên của hội đồng cho biết trong một tuyên bố chung.

Giám đốc Sở Mật vụ Kim Cheatle cho biết bà hoan nghênh việc này.
"Tôi mong hội đồng kiểm tra những gì đã xảy ra và đưa ra các khuyến nghị để giúp bảo đảm điều đó sẽ không bao giờ tái diễn", bà Cheatle nói trong một tuyên bố hôm 21/7.
"Mật vụ Hoa Kỳ đang tiếp tục thực hiện các bước để xem xét nội bộ các hành động của chúng tôi và vẫn cam kết hợp tác nhanh chóng và minh bạch với các cuộc điều tra khác, bao gồm cả các cuộc điều tra của Quốc hội, FBI, và Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ An ninh Nội địa".


Bầu Cử Tổng Thống Mỹ 2024: Biden Bỏ Cuộc, Ẩn Số Mới Khó Giải Cho Cả Dân Chủ và Cộng Hòa


(Hình AP - Susan Walsh, minh họa: Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 21/7/2024.)
-Nước Mỹ sẽ không có một nhiệm kỳ Biden 2. Trước những áp lực quá lớn ngay từ nội bộ đảng, ứng cử viên Joe Biden đã phải từ bỏ tham vọng tái tranh cử Tổng thống. Bên đảng Cộng hòa, Donald Trump gấp rút chuẩn bị đương đầu với một đối thủ mới, rất có thể sẽ lại là một phụ nữ. Đảng Dân chủ thở phào nhẹ nhõm với việc ông Biden rút lui, nhưng 106 ngày là thời gian quá ngắn để dám chắc đảng này sẽ giữ được Tòa Bạch Ốc thêm 4 năm.

Từ thất bại năm 2020, đảng Cộng hòa đã có những bước chuẩn bị để diễn lại cuộc song đấu Donald Trump-Joe Biden. Nhưng họ phải làm lại từ đầu kể từ hôm 21/7/2024 khi Joe Biden từ bỏ ý định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Nhà tỉ phú Donald Trump tức tối vì đã "mất nhiều công sức và tài chánh" để nhắm vào Biden. Ban vận động tranh cử bên Cộng hòa cũng đã lập tức thay đổi chiến thuật, tập trung tấn công Kamala Harris, người được cho là có nhiều triển vọng thay thế ông Biden trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm nay. Trong kịch bản này, một lần nữa trên con đường trở lại phủ Tổng thống, ông Trump phải đương đầu với một phụ nữ, mà lại là một người da màu, một nhà bảo vệ nữ quyền, đặc biệt là bà có lập trường bảo vệ quyền phá thai.
Về phía đảng Dân chủ, mọi người đều đánh giá quyết định của ông Joe Biden là "rất can đảm" và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Trái với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm đã đặt lợi ích quốc gia và quyền lợi của Đảng lên trên những tham vọng cá nhân, và nhất là ông đang chuẩn bị cho những thế hệ kế tiếp điều hành nước Mỹ.
Giới quan sát ghi nhận, qua việc rút lui, Biden đã "khởi động lại" cỗ máy tranh cử bên đảng Dân chủ và làm dấy lên hy vọng đảng này có cơ may đánh bại đối thủ Cộng hòa. Bằng chứng là chỉ trong vài tiếng đồng hồ hôm qua, các vị mạnh thường quân đã rót thêm 47 triệu Mỹ kim cho quỹ tranh cử của đảng Dân chủ, dù chưa biết ai sẽ đương đầu với ông Trump.

Dù vậy vẫn còn rất nhiều những trở ngại về phía đảng Dân chủ. Thứ nhất là đảng này chỉ có đúng 4 tuần lễ trước Đại Hội -dự trù diễn ra tại Chicago vào ngày 19/08/2024 để chỉ định ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống. Nếu ứng viên Tổng thống là bà Kamala Harris thì ai sẽ đứng liên danh với bà cho chức vụ Phó Tổng thống Mỹ?
Mặt khác, tuy hiện giờ có nhiều người trong đảng Dân chủ thiên về "giải pháp Kamala", nhưng giải pháp này đang gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ. Điển hình là thái độ thận trọng của cựu Tổng thống Barack Obama, một nhân vật có uy tín rất lớn trong đảng. Là vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, Obama có vẻ không tin rằng bà Harris, một phụ nữ da mầu, là "ứng cử viên tốt nhất để đánh bại Donald Trump". Đó là khó khăn thứ hai mà đảng Dân chủ sẽ phải vượt qua trước Đại Hội tổ chức tại Chicago.
Điểm quan trọng thứ ba là ngày 05/11/2024 cử tri Mỹ không chỉ bầu lại Tổng thống, mà còn bầu lại một số Nghị sĩ ở Hạ viện và Thượng viện. Từ 2 năm nay, đa số ở Hạ viện nằm trong tay đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ đang rất lo mất đa số vốn đã rất sít sao ở Thượng viện. Điểm thứ tư, đảng Dân chủ lo ngại nếu Trump đắc cử, chính quyền của ông sẽ vừa phá bỏ những chính sách kinh tế, xã hội của Joe Biden, vừa thừa hưởng những thành tựu kinh tế và công nghiệp mà chính quyền Dân chủ đã dày công tạo dựng từ 4 năm qua.

Thách thức cuối cùng của đảng này trong việc chỉ định ứng cử viên thay thế ông Biden là phải chọn được một nhân vật có uy tín trên trường quốc tế, để đương đầu với những thách thức mà Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang đặt ra. Về điểm này, hiện chỉ có đương kim Thống đốc tiểu bang California Gavin Newsom là được biết đến nhiều hơn cả trên thế giới, đặc biệt là qua nhiều chuyến công tác và liên lạc với các giới chức lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hơn 100 ngày trước bầu cử Tổng thống, cử tri Mỹ vẫn chưa biết danh tính một trong hai ứng cử viên. Trước mắt, việc Tổng thống Biden ngừng chiến dịch tái tranh cử mở đường cho một số gương mặt mới trong đảng Dân chủ bước ra ánh sáng. Thêm vào đó, việc bà Kamala Harris, 59 tuổi, chưa chắc đương nhiên được chỉ định lên võ đài song đấu với ông Donald Trump cho thấy một hình ảnh khác về nền Dân chủ ở Hoa Kỳ.


Biden Rút Khỏi Cuộc Đua Vào Tòa Bạch Ốc: Nhiều Lãnh Đạo Thế Giới Hoan Nghênh Quyết Định


(Hình AP - David Goldman: Truyền hình đưa tin ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc. Ảnh chụp tại một quán ăn ở Paris, Pháp, ngày 21/7/2024.)
-Hôm 21/7/2024, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua tái tranh cử vào Tòa Bạch Ốc, nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ nhiều nước như Anh, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Tây Ban Nha, Na Uy, Gia Nã Ðại... đã hoan nghênh quyết định đầy "khó khăn" của Biden, đồng thời ngợi ca những đóng góp của ông trong quan hệ với nước họ nói riêng và với thế giới nói chung.
Rất nhanh chóng, Tổng thống Do Thái, Isaac Herzog, đã đăng trên mạng X lời cảm ơn chân thành nhất gởi tới đồng nhiệm Mỹ vì "sự ủng hộ không gì lay chuyển dành cho người dân Do Thái trong suốt sự nghiệp kéo dài nhiều thập kỷ" của Joe Biden, "với tư cách Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Do Thái trong thời chiến (...) và một đồng minh thực thụ của dân tộc Do Thái". Tổng thống Do Thái ngợi ca Joe Biden là "một biểu tượng cho mối liên kết vững chắc giữa hai dân tộc".

Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Simon Harris nhấn mạnh: "Thế giới đã thay đổi kể từ chiến thắng của Tổng thống Biden năm 2020, chúng ta đã phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn, từ đại dịch toàn cầu đến sự quay trở lại của chiến tranh ở lục địa Âu Châu với cuộc xâm lược quy mô lớn của Nga nhắm vào Ukraine, giết hại thường dân vô tội". Và trong bối cảnh đó, "Tổng thống Biden là tiếng nói của lẽ phải, của chủ nghĩa đa phương hiệu quả và các giải pháp chung". Xin nhắc lại gia đình ông Biden là gốc Ái Nhĩ Lan.
Theo AFP, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua đã cảm ơn đồng nhiệm Mỹ về tất cả những gì ông đã làm để hỗ trợ Kyiv, hoan nghênh việc ứng viên Biden đã mạnh mẽ đưa ra một quyết định "khó khăn". Trên mạng X, Tổng thống Ukraine bày tỏ hy vọng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và liên tục của Mỹ sẽ "cản trở" cuộc chiến của Nga, hoặc khiến Mạc Tư Khoa phải "trả giá cho cuộc xâm lược".
Về phía Nga, trong khi chờ phản ứng chính thức của Tổng thống Putin, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitri Peskov tuyên bố với hãng tin SHOT: "Bốn tháng nữa mới đến bầu cử (Tổng thống Mỹ). Đây là một giai đoạn dài và có thể sẽ còn nhiều thay đổi. Chúng tôi sẽ rất chú ý theo dõi điều gì sắp diễn ra". Đối với phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, "điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là chiến dịch quân sự đặc biệt", ý nói đến chiến tranh Ukraine.


Bầu Cử Tổng Thống Mỹ: Đảng Dân Chủ Chia Rẽ Về Việc Chọn ứng Cử Viên Mới


(AP - Susan Walsh: Vợ chồng Tổng thống Joe Biden (bên trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris trong lễ mừng Quốc khánh Hoa Kỳ tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, Mỹ, ngày 4/7/2024.)
-Cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc bên đảng Dân chủ bị đảo lộn hoàn toàn sau khi Tổng thống Joe Biden hôm 21/7/2024, tuyên bố rút lui và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris đại diện cho đảng tranh cử Tổng thống Mỹ tháng 11.
Tuy nhiên, nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong đảng Dân chủ, như cựu Tổng thống Barack Obama, lại kêu gọi tìm một ứng viên mới, theo tường thuật của thông tín viên David Thomson của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ Miami:
Việc Kamala Harris ra tranh cử không hẳn là điều Barack Obama mong muốn. Thay vì chính thức lên tiếng ủng hộ đương kim Phó Tổng thống, cựu Tổng thống lại thiên về giải pháp một cuộc bầu cử sơ bộ mở. "Tôi thực sự tin rằng các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ có khả năng tổ chức một cuộc bầu chọn mà từ đó một ứng cử viên đặc biệt sẽ xuất hiện", Obama viết như trên và không hề nhắc đến Harris.

Một giờ sau, một cựu Tổng thống khác là Bill Clinton và phu nhân Hillary đã chính thức ủng hộ Kamala Harris. Điều đáng chú ý là Kamala Harris và Barack Obama biết rõ về nhau, thậm chí họ còn được cho là khá thân thiết, thường xuyên liên lạc trong nhiều năm. Năm 2008, Harris khi còn là Công tố viên ở San Francisco đã là một trong những Dân biểu Dân chủ đầu tiên ủng hộ Obama ra tranh cử.
Vậy cựu Tổng thống Obama đang suy tính gì? David Axelrod đưa ra lời giải thích trên kênh truyền hình CNN. Cựu Cố vấn trưởng của Obama cũng cho biết ủng hộ việc tiến hành một cuộc bầu cử sơ bộ mở và ám chỉ Kamala Harris dường như không ở vị trí thuận lợi nhất để giành chiến thắng ở 3 tiểu bang then chốt của vùng Midwest, nơi người da trắng chiếm đa số và thuộc tầng lớp lao động, mà sự ủng hộ được coi là thiết yếu để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Đây cũng là nơi mà Donald Trump đang dẫn đầu.

Ngay cả khi có sự đồng thuận về một ứng viên thay thế Joe Biden, quá trình này dường như không đơn giản như dự kiến. Ông Biden đã được đề cử làm ứng cử viên Tổng thống đại diện cho đảng Dân chủ trong hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 6, và trên lý thuyết, chủ nhân Tòa Bạch Ốc sẽ chính thức được chọn ra tranh cử tại đại hội đảng Dân chủ, sẽ diễn ra trong bốn ngày 19-22/08 tại Chicago.
Ngay sau khi hay tin Joe Biden rút lui, ứng viên Tổng thống Cộng hòa Donald Trump và người đứng liên danh Phó Tổng thống J. D. Vance đã công kích gay gắt đương kim Tổng thống Mỹ và bà Kamala Harris. Trên mạng xã hội Truth Social của ông, Donald Trump cho biết "Joe là kẻ lừa đảo và không phù hợp để trở thành ứng cử viên Tổng thống và chắc chắn không phù hợp để thực hiện công việc của mình", trước khi nhấn mạnh "từ giờ trở đi, bất cứ ai được cánh tả chọn cũng sẽ như vậy".


Thượng Nghị sĩ Manchin Nói Ông Sẽ Không Tranh Cử Tổng Thống Mỹ Năm Nay


(AP: Thượng Nghị sĩ Mỹ Joe Manchin, đại diện tiểu bang West Virginia, phát biểu tại một sự kiện ngày 12/1/2024 ở Manchester, New Hampshire.)
-Hôm 22/7/2024, Thượng Nghị sĩ Mỹ Joe Manchin loại bỏ việc tranh cử Tổng thống chống lại ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ Kamala Harris, người được Tổng thống Joe Biden tán thành khi ông rời cuộc đua.
"Hãy để tôi nói rõ với bạn.... Tôi sẽ không trở thành ứng cử viên tranh chức Tổng thống. Về cơ bản, tôi là ứng cử viên vì tiếng nói của những người trung lập của đất nước này", ông Manchin nói với đài truyền hình CBS ngay sau khi từ chối loại bỏ khả năng tranh cử của mình trong một cuộc phỏng vấn khác.
Ông Manchin cho biết ông ủng hộ ý tưởng về một quy trình "bầu cử sơ bộ mini" trước khi chọn một ứng cử viên thay thế ông Biden. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ bà Harris quá nghiêng về lập trường tự do hay không, ông Manchin nói: "Chắc chắn rồi".

Ngay trước đó, ông Manchin đã được hỏi trong một cuộc phỏng vấn trên CNN rằng liệu ông có tranh đua với bà Harris để được đề cử hay không. "Tôi không biết", ông nói.
Nhưng vị Thượng Nghị sĩ này với CNN rằng ông sẽ không muốn tranh đua làm Phó Tổng thống cho bà Harris.
Ông Manchin cho biết ông đã nhận được các cuộc gọi từ những người yêu cầu ông xem xét việc ứng cử Tổng thống năm 2024, và nói rằng họ cần một nhân vật ôn hòa hơn để lãnh đạo đất nước.
"Tôi muốn những người trung lập của đất nước này có thể nói rằng chúng tôi có tiếng nói. Chúng tôi không cực tả, chúng tôi không cực hữu", ông Manchin, người đã rời khỏi Đảng Dân chủ vào tháng 5 sau khi chê bai "chủ nghĩa cực đoan đảng phái", cho biết.
Trong một động thái khác, Tòa Bạch Ốc cho biết bà Harris sẽ tới Wilmington ở Delaware vào ngày 22/7, một ngày sau khi bà phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống sau khi Tổng thống Joe Biden rời khỏi cuộc đua.
"Đây là ngày đầu tiên trong chiến dịch của chúng tôi, vì vậy tôi sẽ đến Wilmington, Delaware, để nói "xin chào" với các nhân viên của chúng tôi ở trụ sở chính", bà Harris nói trong một bài đăng trên X, và nói thêm rằng "cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng cuộc đua này".

Không có nhận xét nào: