Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:22/7/2024 - Nam Giang


Olympic Paris 2024 : Cảnh sát nước ngoài tuần tra cùng cảnh sát Pháp Bảo đảm an ninh cho Thế Vận Hội Paris, khai mạc ngày 26/07/2024, là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Để hỗ trợ Pháp, 43 nước đã cử 1.750 cảnh sát đến tham gia tuần tra chung. Du khách và người dân quen dần với những nhóm cảnh sát Pháp và nước ngoài đi tuần tại những địa điểm nổi tiếng ở Paris. Ngày 19/07, bộ Nội Vụ Pháp cho biết « phần lớn cảnh sát nước ngoài sẽ được triển khai ở các nhà ga, sân bay và xung quanh 39 khu vực thi đấu Thế Vận Hội hoặc những nơi giao lưu thể thao ».
<!>
 Nhiệm vụ chính của lực lượng này là tuần tra vòng ngoài sát với các địa điểm hoạt động của Olympic cần bảo vệ. Vẫn theo giải thích của bộ Nội Vụ, « lực lượng tăng cường nước ngoài không có đặc quyền tư pháp trên lãnh thổ Pháp » cho nên họ « luôn đi cùng với lực lượng an ninh Pháp » và không được quyền thẩm vấn, khám xét người.

Tây Ban Nha là nước cử nhiều cảnh sát đến Pháp nhất với 366 người, Anh có 245, Đức 161, Qatar 105… Theo Yonhap, Hàn Quốc cử 31 người. Một số cảnh sát nước này đã tham gia tuần tra cùng cảnh sát Pháp và Brazil tại khu vực đồi Montmartre ở Paris. Trước đó, cảnh sát Qatar cũng đi tuần trên đường phố Paris.

Phía nước chủ nhà huy động hàng ngày khoảng 35.000 cảnh sát, hiến binh cùng với 18.000 quân nhân để bảo đảm an ninh cho Thế Vận Hội được tổ chức tại nhiều thành phố. Tham gia lực lượng bảo đảm an ninh còn có « nhiều chuyên gia chống drone, lực lượng biên phòng, những người quan sát đám đông (spotter), rà phá mìn, kỵ binh và cảnh sát cơ động », trong bối cảnh Pháp được đặt trong tình trạng « khẩn cấp khủng bố » kể từ vụ tấn công khủng bố ở Matxcơva (Nga) hồi tháng 03.

Dự kiến có khoảng 15 triệu khách nước ngoài đến Pháp nhân dịp Thế Vận Hội. Theo một cuộc thăm dò được trang Franceinfo đang ngày 17/07, khoảng 7/10 người dân Pháp tỏ ra lo ngại về tình hình an ninh tại những khu vực du lịch trong dịp Olympic.

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Donald Trump trở lại vận động tranh cử, hứa "đoàn kết Hoa Kỳ"

 
Sau khi nhận được đề cử chính thức của đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump và người liên danh phó tổng thống J. D. Vance lần đầu tiên xuất hiện cùng nhau ngày 20/07/2024 tại Grand Rapids, bang Michigan.

Xuất hiện trong tiếng hò reo của khoảng 12.000 người, đứng chật cứng trong nhà thi đấu thể thao, ông Donald Trump, không còn bị băng ở tai như trước, khẳng định đã « nhận viên đạn, vào tuần trước, vì dân chủ ». Ông hứa « một cơn thủy triều khổng lồ » cho đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tháng 11 và không quên chế nhạo bên « đảng Dân Chủ vẫn chưa biết ai là ứng viên của họ ».

Là một trong những bang chiến trường, bang Michigan bầu cho ông Donald Trump năm 2016 nhưng Joe Biden lại giành chiến thắng năm 2020.

Thông tín viên RFI Loubna Anaki tại New York tường trình :

« Xuất hiện trong buổi mit tinh đầu tiên bên cạnh Donald Trump, ứng viên phó tổng thống J. D. Vance được hoan nghênh nồng nhiệt. Được giao giới thiệu ông Donald Trump ra sân khấu, thượng nghị sĩ bang Ohio đã nhấn mạnh đến nguồn gốc miền Midwest (trung-tây Mỹ) của ông. Đây là lá bài có thể thu hút cử tri bang Michigan.

Về phía Donald Trump, đã trở lại với những phát biểu quen thuộc về nhập cư, lạm phát, thuế và Trung Quốc, ông cũng không bỏ lỡ cơ hội để tiếp tục chế giễu những chia rẽ về tuổi tác của Joe Biden đang gây xáo trộn cho chiến dịch vận động của ứng viên Dân Chủ.

Ông Trump nói : « Ngay chính lúc này, các nhà lãnh đạo bên đảng Dân Chủ đang cố hết sức để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử sơ bộ của chính họ để loại Joe Biden, « kẻ tham nhũng » ! Đảng Dân Chủ không còn dân chủ mà ngược lại ! »

Ứng viên đảng Cộng Hòa thậm chí còn thích thú trực tiếp thăm dò ý kiến những người ủng hộ ông. Và cuối cùng, đa số ủng Joe Biden ở lại cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong khi đảng Dân Chủ bị chia rẽ hơn bao giờ hết, ông Donald Trump tự ca ngợi là người đoàn kết đảng Cộng Hòa và hứa « đoàn kết Hoa Kỳ » một khi trở lại Nhà Trắng ».

Israel tấn công lực lượng Huthis tại Yemen


Quân đội Israel xác nhận ngày 20/07/2024 đã mở các cuộc tấn công các « mục tiêu quân sự » ở phía tây Yemen, vùng do phiến quân Huthis kiểm soát để đáp trả vụ tấn công bằng drone của Huthis vào Tel Aviv trước đó một hôm.

Trong ngày thứ Bảy, Israel đã mở các cuộc oanh kích không quân vào thành phố cảng Hodeida của Yemen, cảng chính được lực lượng Huthis sử dụng vận chuyển vũ khí được Iran cung cấp về Yemen, trong đó có các loại drone đã được Huthis sử dụng tập kích Tel Aviv hôm thứ Sáu (19/07), theo phát ngôn viên của quân đội Israel, Daniel Hagari.

Thông tín viên Michel Paul tại Jerusalem cho biết thêm chi tiết :

Các chiến đấu cơ của quân đội Israel đã tấn công các mục tiêu quân sự của nhóm khủng bố Houthis trong khu vực thành phố cảng Hodeida của Yemen.

Tel Aviv khẳng định đây là đòn đáp trả hàng trăm cuộc tấn công từ lãnh thổ Yemen do Houthis kiểm soát nhằm vào Israel trong nhiều tháng qua.

Theo các nhân chứng tại chỗ, các loại chiến đấu cơ F-35 và F-16 của Israel đã thực hiện tấn công. Các máy bay này được tiếp nhiên liệu ngay trên không. Cũng cần biết là Israel và Yemen cách nhau khoảng 1800 km. Tất nhiên cả đi và về phải nhân đôi khoảng cách đó. Các mục tiêu được nhằm tới là hải cảng quan trọng nhất cả nước Hodeida, các cơ sở hạ tầng về dầu lửa và các vị trí chiến lược khác như nhà máy điện.

Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Israel nhằm vào Yemen. Theo hãng tin Saba, cuộc oanh kích diễn ra một ngày sau cuộc tấn công bằng drone của lực lượng Huthis vào Tel Aviv làm một người chết và hơn chục người bị thương.

Người ta có thể nói đến sự thay đổi chiến thuật của Israel. Lực lượng Huthis dọa đáp trả. Ở giai đoạn này, bộ phận phòng thủ thụ động không thấy đưa ra chỉ đạo nào đối với thường dân Israel.

Mặt trận mở rộng với Israel
Hôm nay, 21/07, lực lượng phiến quân Huthis xác nhân cuộc tấn công của Israel vào Yemen đã làm 3 người thiệt mạng, hơn 80 người bị thương. Sau nhiều tháng liên tục tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu chở hàng ngoài khơi Yemen trên Hồng Hải và vịnh Aden, lực lượng phiến quân Huthis, một đồng minh của phong trào Hồi giáo Palestine Hamas, đe dọa Tel Aviv sẽ là « mục tiêu chính » để tấn công trong tương lai.

Lực lượng Hezbollah tại Liban hôm nay cho biết đã bắn nhiều quả rốc két vào miền bắc Israel. Trong khi đó, tại Gaza, quân đội Israel đã đáp trả đồng thời tiếp tục các cuộc oanh kích vào các mục tiêu được cho là của lực lượng Hamas. Các cuộc tấn công đã làm hàng chục thường dân Palestine thiệt mạng, theo chính quyền Hamas.

Philippines từ chối đề xuất hỗ trợ của Mỹ trong hoạt động tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây

 
Hoạt động tiếp tế cho con tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) sẽ hoàn toàn do Philippines đảm nhiệm. Ngày 21/07/2024, Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines đã gián tiếp từ chối đề xuất « hỗ trợ » của Mỹ sau khi cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định rằng Hoa Kỳ « sẽ làm những gì cần thiết » giúp Philippines có thể tiếp tục tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây sau hàng loạt vụ xô xát với lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

Trả lời AFP, ông Jonathan Malaya, phó phát ngôn viên của lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia, khẳng định : « Về RORE (nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế), chúng tôi coi đây là hoạt động hoàn toàn của Philippines, sử dụng tàu, nhân sự và lãnh đạo Philippines ». Theo ông, « đây là đường lối và là chính sách hiện tại » dù sau này có thể thay đổi tùy theo quyết định của cấp cao. Philippines đánh giá cao đề nghị của Mỹ và sẽ tiếp tục tham vấn với tư cách là đồng minh.

Một ngày trước đó, phát biểu tại điễn đàn an ninh Aspen ở bang Colorado, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington « sẽ tiếp tục hỗ trợ, hậu thuẫn Philippines » trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung song phương, theo đó bên kia sẽ bảo vệ bên bị tấn công trong trường hợp xảy ra một « cuộc tấn công vũ trang », ý muốn nói đến vụ đụng độ hôm 17/06 khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc cầm dao, gậy và rìu xông lên tàu Philippines để ngăn họ tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Philippines đang tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Pitch Black ở phía bắc Úc, từ ngày 15/07 đến 02/08 để « thực thi cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực ». Trả lời Reuters ngày 20/07 tại cảng Darwin, đại tá Randy Pascua cho biết cuộc tập trận với 19 nước là cơ hội để không quân Philippines được « huấn luyện và nâng cao khả năng tác chiến vì chúng tôi đã mất khả năng phòng không trong nhiều thập kỷ ».

Theo ông Pascua, Philippines dự kiến mua hơn 20 chiến đấu cơ đa năng. Quyết định được chính phủ thông qua trong tháng 07 nhưng không cho biết rõ số lượng. Tư lệnh quân đội Philippines Romeo Brawner cho rằng đã đến lúc Manila cần mua chiến đấu cơ « nhanh hơn và hiện đại hơn » vì FA-50 do Hàn Quốc chế tạo « không còn đủ để bảo vệ đất nước ».

Đài Loan : Đòi hỏi của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông là "không thể chấp nhận được"
Bộ Ngoại Giao Đài Loan xem những tuyên bố gần đây của Philippines và Việt Nam về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông là « không thể chấp nhận được ».

Thông cáo hôm 19/07/2024 của bộ Ngoại Giao Đài Loan chỉ trích : « Các hành động của Philippines và Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền và các lợi ích của đất nước chúng tôi theo luật pháp quốc tế và luật hàng hải ở Biển Đông ». Bộ Ngoại Giao Đài Loan đồng thời nhấn mạnh quyền chủ quyền của Đài Bắc đối với các đảo của Đài Loan ở Biển Đông. Tuy nhiên, Đài Bắc cho biết sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông với cộng đồng quốc tế « dựa trên cơ sở tham vấn bình đẳng ».

Theo Focus Taiwan, trang tin Anh ngữ của Đài Loan, thông cáo của bộ Ngoại Giao Đài Loan được đưa ra hai ngày sau khi bộ Ngoại Giao Việt Nam chính thức nộp hồ sơ đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS). Trước đó hơn 1 tháng, Manila hôm 15/06 cũng có động thái tương tự, tìm kiếm sự công nhận của Liên Hiệp Quốc đối với các yêu sách của họ về thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ bờ biển của Philippines.

Xin nhắc lại là nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Indonesia, đã đưa ra yêu sách lãnh thổ ở vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông. Hôm 17/06, Bắc Kinh tố cáo yêu sách của Manila đòi Liên Hiệp Quốc công nhận thềm lục địa mở rộng của Philippines là xâm phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc.

--

Không có nhận xét nào: