Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Chiến Đoàn A TQLC và Tết Mậu Thân 1968 - MX Hoàng Tích Thông



Cuối năm 1967, Chiến Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH tăng phái cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh QLVNCH của Tướng Hiếu đóng tại núi Bà Di (Qui Nhơn). Sau đó thì toàn bộ Chiến Đoàn được điều động về phía Nam quận lỵ Bồng Sơn, với sự yểm trợ về phương tiện trực thăng của Lữ Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ đóng ở đèo Nhông, cách Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn A khoảng 5 cây số. Khu vực hoạt động của Chiến Đoàn A, chủ đích là về hướng Đông (hướng ra biển) và hướng Tây giáp ranh với quận lỵ Hoài Ân. Tình hình lúc đó tương đối nhẹ, chỉ có những hoạt động của các đơn vị địa phương và du kích, nên Chiến Đoàn A cũng được thảnh thơi đôi chút, và chuẩn bị ăn Tết âm lịch (Mậu Thân) vào tháng 2/68. 
<!>
Đối với các đơn vị tác chiến của Thủy Quân Lục Chiến thì có thể nói là ít khi được hưởng Tết với gia đình. Và mỗi năm là mỗi địa điểm khác nhau, từ Vùng 1 cho đến Vùng 4 Chiến Thuật. Theo như thông lệ hàng năm, dù chiến trường có sôi động đến đâu, 2 bên Việt Nam Cộng Hòa và bọn tay sai của cộng sản bắc việt là cái-gọi-là “mặt trận giải phóng miền nam” cũng thỏa thuận ngưng chiến 3 ngày để toàn dân ăn Tết. Tuy nhiên với các đơn vị ở ngoài trận địa thì chỉ ngừng hoạt động, vẫn đóng quân tại chỗ và sẵn sàng ứng chiến nếu bọn cộng sản vi phạm. Và bọn khủng bố cộng sản bắc việt đã vi phạm thật. Đúng sáng mùng 1 Tết, khi trời vừa sáng rõ, tôi thấy quang cảnh trong vùng thật vắng lặng, khác hẵn với ngày thường. Các trực thăng của Lữ Đoàn Không Kỵ gần đó không thấy hoạt động, cố vấn Hoa Kỳ bên cạnh Chiến Đoàn cũng không biết gì hơn.
Vừa lúc đó thì Chiến đoàn A nhận được lệnh của Sư đoàn 22 cấp tốc di chuyển về Quy Nhơn vì Cộng quân đã đột nhập vào thành phố, đánh chiếm đài phát thanh và khu lân cận. Khi Chiến Đoàn về tới gần Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn thì được lệnh ngừng lại vì Sư Đoàn đã được 1 đơn vị Đại Hàn (Sư Đoàn Mãnh Hổ hoạt động tại vùng Phù Cát) tới can thiệp và giải tỏa một cách nhanh chóng. Tiêu diệt và bắt làm tù binh gần như trọn vẹn số cộng quân chiếm giữ ở đó.
Chiến Đoàn đóng quân tại chỗ để đợi lệnh. Vào buổi trưa cùng ngày thì được lệnh di chuyển về phi trường Quy Nhơn để sẵn sàng không vận theo lệnh của Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Tổng Tham Mưu. Trước hết Chiến Đoàn phải gửi 1 Tiểu Đoàn lên Đà Lạt, còn Bộ Tham Mưu và Tiểu Đoàn còn lại nằm tại phi trường đợi lệnh tiếp.
Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến được máy bay C130 chở đi Đà Lạt,nghe tin thì cộng quân đã chiếm 1 vài khu vực trong thị xã. Khi máy bay tới nơi thì bị phòng không ngăn trở nên không đáp được phải bay về Tuy Hòa.
Tại đây Tiểu Đoàn 6 lại được lệnh quay về Sài Gòn và đáp xuống Tân Sơn Nhứt. Tình hình trong thành phố lúc đó đã tạm an ninh, sau khi được Chiến Đoàn B Thủy Quân Lục Chiến của Trung Tá Soạn đang hoạt động ở Mỹ Tho về giải tỏa khu vực kế cận Bộ Tổng Tham Mưu và khu vực Hàng Xanh, ngã ba Cây Thị thuộc tỉnh Gia Định. Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến điều động Tiểu Đoàn 6 lên giải tỏa quận ThủĐức và khu vựcTrung Tâm Huấn Luyện Thủy Quân Lục Chiến ở gần quận Dĩ An.
Một ngày sau, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn và Tiểu Đoàn còn lại được không vận về Sài Gòn. Tình hình an ninh trong thành phố và các quận lỵ chung quanh đã được bảo đảm. Bọn cộng sản bắc việt xâm lược đã thảm bại nhục nhã và hầu như bị quét sạch, một số tàn quân của bọn chúng chạy thoát ra bưng.
2 ngày sau khi về lại Sài Gòn, Chiến Đoàn A được lệnh tăng phái cho Quân Đoàn 1, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, đóng tại đồn Mang Cá trong thành nội Huế. Với sự yểm trợ không vận của Không Quân Hoa Kỳ, toàn bộ Chiến Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến đã được không tải bằng C130 ra sân bay Phú Bài (Huế). Chiến đoàn A khi đó gồm có 3 Tiểu đoàn tác chiến, 1 pháo đội 105 ly (sẽ được tăng cường hỏa lực của pháo binh Sư Đoàn 1 Bộ Binh) và các thành phần yểm trợ như Truyền Tin, Công Binh, Tiếp Vận. Quân số tham dự khoảng gần 3000 người. Các Tiểu đoàn gồm có: Tiểu đoàn 1 của Thiếu Tá Phan Văn Thắng, Tiểu Đoàn 4 Thiếu Tá Vượng, và Tiểu Đoàn 5 Thiếu Tá Phạm Nhã.
Ở Phú Bài, Chiến Đoàn A tạm thời đóng quân ở gần khu vực Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa. Trong khi chờ đợi Chiến Đoàn chỉ thị cho các Tiểu Đoàn thực tập tác xạ (tại sân bắn của trung tâm) 2 loại súng mới được cấp phát là súng cá nhân M16 và đại liên M60. Tôi có cảm nghĩ như mài gươm trước khi ra trận.
Khí hậu và thời tiết tại Huế lúc đó khá lạnh và thường có mưa phùn, bầu trời luôn u ám. Tại đây tôi được các sĩ quan của trung tâm cho biết là tình hình tại thành phố Huế không sáng sủa lắm. Cộng quân vẫn chiếm giữ từ tòa Đại biểu chính phủ tới Phú Cam, còn bên kia sông Hương cũng như thành nội Huế vẫn nằm trong tay Cộng sản. Chỉ còn lại đồn Mang Cá ra tới Hồ Tịnh Tâm ở phía Nam và sân bay thành nội ở phía Tây là thuộc các đơn vị của Sư đoàn 1 Bộ binh và 1 Tiểu đoàn Dù trấn giữ. Tôi cũng đã tiếp xúc với đồng bào từ Phú Cam chạy lánh nạn. Họ cho biết bọn cộng sản khi vào chiếm thành phố đã thủ tiêu rất nhiều người mà chúng nghi ngờ là làm việc cho chính quyền VNCH. Có 1 số thanh niên tình nguyện tháp tùng theo để cùng đánh cộng sản. Tất cả đều vui mừng và phấn khởi khi thấy Thủy Quân Lục Chiến ra tiếp tay, chứ không còn thái độ bất hợp tác như ngày chúng tôi ra Huế để dẹp phong trào chống đối của Phật Giáo miền Trung.
Trước tình hình đó, tôi thấy nhiệm vụ giao phó trong tương lai không phải là dễ dàng. Vì địa thế khu vực thành nội và ngoại thành rất khó tấn công. Địch sẽ lợi dụng các đường thành để cố thủ. Thời tiết lại rất xấu, không thuận lợi cho không quân hoạt động. Bắn phá cũng phải hạn chế vì là một di tích văn hóa lâu đời của Việt Nam. Dù vậy, với bất cứ giá nào cũng phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ giao phó.
2 ngày sau tôi được trực thăng Chinook của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ chở vào đồn Mang Cá để gặp Chuẩn Tướng Trưởng, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Chiếc Chinook đã phải bay vòng ra biển rồi mới hướng vào Bao Vinh để đáp xuống bãi trực thăng ở góc Bắc thành Mang Cá dưới làn đạn phòng không của địch, không mạnh lắm nên máy bay không hề hấn gì.
Vừa xuống trực thăng tôi thấy 1 chiếc khác đang nằm ụ vì trúng phòng không địch. Gần đó là 1 số binh sĩ Nhảy Dù bị thương đang chờ sẵn để tải ra Phú Bài, thấy tôi tới họ có reo mừng. Sau đó chiếc Chinook đã chở họ ra khỏi thành để ra phi trường về Sài Gòn.1 chiếc xe Jeep chờ sẵn để chở tôi đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn.
Vừa bước vào căn nhà lầu hai tầng được xây từ thời Pháp thuộc, tôi gặp ngay Đại Tá Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1. Vì chỗ quen biết đã lâu nên ông vui mừng ôm lấy tôi và nói:
– Có cậu ra đây, tớ yên trí.
Chưa nói hết chuyện thì có vài trái hỏa tiễn 122 ly của địch nổ ầm ầm ngoài sân, cách xa độ 100 thước. Phải chăng đó là loạt đạn đầu tiên chào mừng mà cũng là dằn mặt Thủy Quân Lục Chiến? Tôi lên lầu trình diện Tướng Trưởng, thấy tôi ông cũng mừng nhưng không lộ ra mặt (tính ông trầm lặng, ít nói, không phải là không có tình cảm, khô khan như nhìn bên ngoài). Ông và tôi không lạ gì nhau, vì 2 binh chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến thường luôn gặp nhau, khi họ lên máy bay thì Thủy Quân Lục Chiến xuống. Hơn nữa khi ông làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù thì tôi chỉ huy Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, 2 người thường gặp nhau để bàn giao nhiệm vụ. Ngoài ra chúng tôi còn là đồng khóa (Khóa 4 Thủ Đức).
Sau khi hỏi han tình hình đơn vị, ông cho biết qua tình hình địch và giao nhiệm vụ cho Chiến Đoàn A giải tỏa khu vực Tây Nam nội thành từ Tây Lộc tới cửa chính địên, nơi có trụ cờ. Sau đó tôi tạt qua Bộ Tham Mưu Sư Đoàn lấy thêm một số tin tức cần thiết rồi dùng trực thăng bay về Phú Bài.
Về tới trung tâm Đống Đa, tôi cho cácTiểu ĐoànTrưởng biết qua về tình hình và chuẩn bị để ngày hôm sau di chuyển tới gần tòa Khâm cũ, xuống tàu đổ bộ để vào bến Bao Vinh ở phía Đông Bắc của đồn Mang Cá.
Ngày hôm sau, Chiến Đoàn được quân xa chở tới gần nơi xuống tàu. Địch từ bên kia sông Hương (chợ Đông Ba) không thấy phản ứng bằng pháo kích. Đoàn tàu chạy ra phía biển rồi tiến vào bến Bao Vinh (khu vực này ta vẫn kiểm soát).Từ đó Chiến Đoàn tiến quân theo phía Bắc tường thành để vào cổng phía Tây Bắc của đồn Mang Cá (kế cận bệnh viện Nguyễn Tri Phương).
Như lệnh hành quân đã phổ biến, Chiến Đoàn ra khỏi cổng chính (khi đó đơn vị Dù đã rút khỏi), Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến rẽ phải tiến về hướng Tây Bắc thành nội, gần cửa Tây Lộc. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn và 2 Tiểu Đoàn 1 và 3 di chuyển qua hồ Tịnh Tâm để rẽ phải hướng tới trại Quân Cụ nằm ở phía Tây Nam sân bay thành nội. Khi tiến quân tới cửa Nam cấm thành (nơi vua ở), tôi đã có ý định sử dụng pháo binh bắn sập cửa thành (bị đóng kín) để cho 1 đơn vị tiến vào.Nhưng sau thấy khu vực đó rất khó tiến quân vì có nhiều tường cao, xây ngăn cách ra từng ô rất thuận lợi cho địch cố thủ nên bỏ qua. Chúng tôi tiến tới trại Quân Cụ không gặp phản ứng địch, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn đóng tại trại Quân Cụ. Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến (-) đánh dọc theo bờ tường cấm thành để tiến tới mục tiêu (cửa chính diện), Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến tiến đánh theo tường thành nội để chiếm mục tiêu (cửa nhà Đồ và góc thành phía Nam) nhìn ra ngã ba Kim Long đi An Lỗ và Văn Thánh.
Khí hậu, thời tiết vẫn xấu, u ám, lạnh giá, đôi lúc có mưa phùn khiến cuộc hành quân thêm khó khăn. Khi các đơn vị tiến gần bờ thành thì địch bắt đầu nổ súng. Đồng thời bài hỏa tiễn 122 ly của địch đặt tại Phú Cam bắn vào khu vực Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn.
Ta phản pháo nhưng hạn chế vì sợ làm hư hại đến tài sản của dân. Các đơn vị tiến rất chậm, vì có nhiều nơi rất trống trải, chúng tôi phải băng qua hàng rào, vườn tược nhà dân chúng. Địch ẩn nấp trong các hầm đào sâu vào chân tường cũng như trên tường thành. Súng cá nhân không gây hề hấn gì cho chúng nên chỉ sử dụng lựu đạn, súng phóng lựu M72 hoặc không giật 57 ly. Pháo binh cũng không kết quả nên ít xử dụng. Đụng độ một thời gian ngắn thì Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến đã bám được lên tường thành. Kết quả trong những giờ đầu, ta đã tịch thu được một số vũ khí, súng cối và đại liên.
Trận chiến kéo dài ngày này sang ngày khác, các đơn vị của Chiến Đoàn tiến khá chậm vì phản ứng địch rất mạnh. Tiểu Đoàn 5 có lúc bị đánh sụt xuống tường thành, rồi sau đó tìm cách lên lại. Pháo 122 ly của địch ở Phú Cam lâu lâu lại bắn tới theo lời yêu cầu của địch bố trí trong thành nội. Sự liên lạc vô tuyến của địch với bên ngoài bị Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn theo dõi nên biết rất rõ. Mỗi lần chúng chuẩn bị xử dụng pháo yểm trợ là Chiến đoàn báo ngay cho các đơn vị đề phòng. Để làm tê liệt các ổ súng nặng của địch bố trí ở chân thành, Thủy Quân Lục Chiến Hoa kỳ cũng đã đến tăng cường trong khu vực cửa Thượng Tứ và Đông Ba. Họ đã gửi 1 chiếc xe “ONTOS” trang bị 6 nòng 75 ly để yểm trợ cho Chiến đoàn A Thủy Quân Lục Chiến bắn phá các ổ súng kiên cố. Kết quả tương đối chính xác, phần nào hạn chế bớt hỏa lực địch. Việc xử dụng trực thăng võ trang can thiệp không thực hiện được vì thời tiết quá xấu và hỏa lực phòng không địch cản trở.
Như trên đã đề cập, vấn đề xử dụng pháo binh yểm trợ không hữu hiệu vì địch ẩn núp trong các hầm hố vững chải, chỉ tổn hại nhà dân vô ích. Đôi khi cố vấn Mỹ có đề nghị xử dụng pháo binh của Hoa Kỳ ở An Lỗ bắn yểm trợ, nhưng được đôi lần rồi phải ngưng vì thiếu chính xác, và tầm bắn quá xa có lúc gây thiệt hại cho binh sĩ ta.
Trong khi đó tại cửa Tây Lộc, có Trung đoàn 3 Bộ binh của Trung tá Phan Bá Hòa, và Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến ở phía Tây Bắc cũng ở trong tình trạng tương tự. Trận đánh cứ dằng co giữa hai bên, thương binh ngày càng tăng, chứa đầy bệnh viện Mang Cá. Binh sĩ tử thương cũng không di tản được, phải bọc poncho đem chôn cất ở nghĩa địa ngoài thành.
Tại cửa Thượng Tứ và Đông Ba, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ với hỏa lực hùng hậu đã làm cho các cổng thành sụp đổ một phần rồi dần dần đẩy lùi chúng về hướng cửa chính điện. Có thể địch đã được lệnh rút về hướng Tây để tránh bị cô lập nếu cửa Nhà Đồ bị đánh chiếm. Bên cạnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ có Đại Đội Hắc Báo của Sư Đoàn 1 Bộ Binh cùng sát cánh đánh về hướng trụ cờ.
Được hơn 1 tuần lễ thì 1 hôm địch ở cửa Tây Lộc phản công mãnh liệt và đẩy lui đơn vị Trung Đoàn 3 Bộ binh về gần sân bay thành nội. Nhưng sau đó, đơn vị này đã hợp lực với đơn vị trừ bị của Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến phản công lại và dồn chúng về vị trí cũ. Sau đó thì áp lực của Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến và Trung Đoàn 3 Bộ Binh ngày càng mạnh, khiến chúng phải dần dần thoát ra khỏi thành để lui về Kim Long.
Dưới sự yểm trợ hỏa lực mạnh mẽ của mọi loại vũ khí, kể cả súng không giật hạng nặng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tăng cường, 2 Tiểu đoàn 1 và 5 Thủy Quân Lục Chiến ngày càng siết chặt vòng vây, tiến trên mặt thành từ hố này qua hố khác, len lỏi qua nhà cửa vườn tược để nhắm vào vị trí cuối cùng của địch là cửa Nhà Đồ. Nếu chiếm được mặt trận này thì sẽ khóa chặt lối thoát của lực lượng địch còn lại ở phía Đông.
Trong cấm thành cũng bị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đánh tới, cuối cùng địch đã dồn về khu vực cửa Nhà Đồ để tránh bị tiêu diệt toàn bộ.Do đó trong đêm cuối cùng, lúc gần sáng, địch đã xử dụng hỏa lực rất mạnh như có ý định phản công để đánh lừa quân ta. Hiểu rõ ý đồ đó, tôi ra lệnh các đơn vị tấn công khi trời vừa rạng sáng.
Kết cục là địch đã thoát ra được ngoài thành một phần lớn theo cửa Nhà Đồ. Số còn lại cản hậu bị quân ta bắn hạ và bắt làm tù binh, nhiều vũ khí nặng và cá nhân bị tịch thu. Khi Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến tràn lên cửa Nhà Đồ thì thấy rất nhiều xác những tên phỉ quân bắc việt nằm chết, có tên tay còn ôm lấy khẩu đại liên đầy đạn chưa bắn hết. Trong khi đó thì Đại Đội Hắc Báo của Sư Đoàn 1 Bộ Binh QL.VNCH cùng với Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ vẫn đánh.
Cuối cùng lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của Việt Nam Cộng Hòa đã được kéo lên thay thế lá cờ đỏ máu tanh tưởi, tay sai ngoại bang Tàu-Nga của bọn cộng sản đã treo trên 1 tháng trời. Trận đánh giải tỏa thành nội Huế coi như chấm dứt. Địch quân ước lượng 1 trung đoàn trong khu vực hành quân đã kinh hoàng và thảm bại nhục nhã, phải tẩu thoát về hướng Văn Thánh.
Số đồng bọn tử thương mà bọn chúng để lại trận địa khoảng 100 tên, bị cầm tù 15 tên. Tổng kết lại, riêng Chiến Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến sau gần nửa tháng chiến đấu, số thiệt hại về nhân mạng trên 100 binh sĩ bị thương và tử thương.
Sau đó, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến di chuyển về trú đóng tại trường học trong khu Quốc Tử Giám. Tại đây Chiến Đoàn đã được Đại Tướng Cao Văn Viên ra thăm với sự tháp tùng của Trung Tướng Lãm, Chuẩn Tướng Trưởng. Nhân dịp này tôi đưa ra vấn đề thăng cấp tại mặt trận để thượng cấp giải quyết. Sở dĩ phải đưa ra là vì lâu nay sự việc quân sĩ được đề nghị thăng cấp đã không được thi hành một cách nhanh chóng. Có khi phải mất đến 5, 6 tháng quyết nghị mới về tới đơn vị, và đã có người đã tử trận ở các trận chiến kế tiếp! Thủ tục hành chánh này cần phải được sửa đổi, có như vậy mới làm tăng tinh thần chiến đấu của các cấp. Đại Tướng Viên ghi nhận đề nghị của tôi.
Xét cho cùng thì gần như hầu hết các Bộ Tham Mưu, phòng sở tại hậu cứ làm việc rất quan liêu trong khi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh. Vấn đề phe nhóm trong quân đội là điều không thể chối cãi, đã có nhiều người được thăng cấp nhanh chóng, giữ các nhiệm vụ quan trọng, bất kể đến khả năng, tác phong và kinh nghiệm chiến đấu, chỉ vì có họ hàng hoặc cùng phe nhóm với cấp trên. Hiện tượng này dẫn đến sự bất mãn và làm suy yếu phần nào quân đội.
Nghỉ ngơi được vài ngày thì Chiến Đoàn được lệnh di chuyển tới lục soát khu vực phía Bắc phi trường Phú Bài. Sau khi Thành Nội Huế được giải tỏa, bọn cộng sản bắc việt đã thảm bại nhục nhã và đã phân tán mỏng rút chạy về hướng Tây Phú Bài, vùng chúng tôi lục soát phần lớn là bọn địa phương nên không gặp sự kháng cự nào hết. Dân chúng đã trở về làm ăn bình thường, họ cũng đã khám phá được vài hố chôn tập thể những người dân vô tội đã bị bọn khủng bố Việt cộng giết hại man rợ.
Đây chỉ là một trong nhiều địa điểm mà bọn khủng bố Việt cộng đã thực hiện khi chiếm đóng thành phố Huế. Chẳng hạn như gần trường học bên Đông Ba, Gia Hội, trên đường từ đền Văn Thánh vào AShau – ALưới... Tài sản của đồng bào trên đường Trần Hưng Đạo và Gia Long là bị thiệt hại nhiều hơn cả.
Vài ngày sau Chiến Đoàn lại di chuyển đến Văn Thánh để tảo thanh nhưng địch đã rút hết về vùng rừng núi khu vực A Shau – A Lưới. Khoảng 1 tuần lễ sau thì chúng tôi được lệnh trở về hậu cứ Sài Gòn.

MX Hoàng Tích Thông

Không có nhận xét nào: