Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Vài Tin Đáng Chú Ý và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Liên Hiệp Quốc đã đánh dấu, mừng 75 năm tuyên ngôn nhân quyền! (Reuters)(Hình: Ông Volker Turk, người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc.)-Hôm 11/12, người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước hợp tác để đánh bại các mối đe dọa như chiến tranh và ô nhiễm tại một sự kiện kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, điều mà có nguy cơ bị lu mờ bởi cuộc xung đột Israel-Hamas, theo Reuters. Các bộ trưởng, nhà ngoại giao và nhà hoạt động tham dự sự kiện ở Geneva, nơi ông Volker Turk khơi dậy tinh thần mà khi LHQ mới thành lập đã thông qua tuyên bố vào tháng 12/1948, để đáp lại điều mà tài liệu gọi là “những hành động man rợ đã xúc phạm lương tâm nhân loại”.
<!>
“Tôi xem sự kiện ngày hôm nay như một lời kêu gọi hy vọng và một lời kêu gọi hành động”, ông Turk, một người Áo, nói. Ông cho biết tuyên bố này đã truyền cảm hứng cho những thành công như chấm dứt sự phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ và chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.
“Vào thời điểm có rất ít sự đoàn kết, có quá nhiều chia rẽ và tầm nhìn thiển cận, tôi coi đó là lời kêu gọi vượt qua sự phân cực”, ông Turk nói.

Nhưng ông cũng than trách về những thất bại trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền, chẳng hạn như chiến tranh, đề cập đến “hàng triệu người phải chịu đựng đau khổ không thể chịu đựng được ở Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là ở Gaza, và Israel” cũng như nạn đói, sự phân biệt đối xử, đàn áp và ô nhiễm.
LHQ cho biết, chưa bao giờ trong giai đoạn sau Thế chiến II, thế giới lại chứng kiến nhiều xung đột đến vậy, với 55 cuộc hiện đang diễn ra, bao gồm cả cuộc chiến giữa các phe phái quân sự đối địch ở Sudan và việc Nga xâm chiếm Ukraine.

Trong các thông tin liên lạc về sự kiện kéo dài hai ngày, văn phòng của ông Turk tránh dùng từ “ăn mừng” khi đề cập đến ngày kỷ niệm này, thay vào đó sử dụng thuật ngữ “đánh dấu”.
Các quan chức LHQ khác tỏ ra lạc quan hơn ông Turk.
Bà Lynn Hastings, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho biết nhân quyền đã bị tấn công hơn hai tháng sau các cuộc tấn công xuyên biên giới chết người của Hamas nhằm vào Israel vào ngày 7/10, sau đó là chiến dịch ném bom trả đũa của Israel.

“Trong năm 2023 này, tôi lẽ ra không cần phải đưa ra tuyên bố như vậy”, bà nói. “Cứ như thể chúng ta chẳng học được gì trong 75 năm qua vậy”.


Nghệ Sĩ Hài, Cải Lương Nổi Tiếng, Rất Được Yêu Mến Trước 75, Vua “Vọng Cổ Hài” Văn Hường Vừa Qua Đời!


(Hình: Văn Hường ca vọng cổ hài tại quán do ông làm chủ ở quận 9, Thủ Đức)

-Theo tin từ gia đình, nghệ sĩ Văn Hường (tên thật là Nguyễn Văn Hường), sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức đã trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ ngày 7-12, thọ 90 tuổi.
Năm 15 tuổi, nghệ sĩ Văn Hường bán hạt dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn.
Cũng giống như nhiều nghệ sĩ thời đó, từ một khán giả có năng khiếu ca hát, ông dấn thân vào sân khấu cải lương với mơ ước được làm kép chánh.

Đó là giai đoạn quán Lệ Liễu nằm gần khu vực cầu Thị Nghè (thập niên 1960-1970) ra đời, trở thành điểm hẹn của người yêu thích ca cổ ở Sài Gòn thời đó.
Nghệ sĩ Lệ Liễu phát hiện anh thanh niên bán hạt dưa ca quá hay nên khoe với nhiều bạn tại quán.
Tình cờ, ông Bảy Cao – bầu gánh hát Hoa Sen – đến xem, nghe Văn Hường ca, thấy thích nên gọi nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp khác đến cùng nghe để nhận xét, trong đó có soạn giả Viễn Châu.

Theo lời tâm sự của soạn giả Viễn Châu lúc ông còn sống, chính quan điểm “tại sao bài vọng cổ có thể làm khán giả khóc mà không thể làm khán giả cười” mà soạn giả Viễn Châu đã chế tác ra thể điệu vọng cổ hài để từ cách ca, nội dung bài hát mang tính châm biếm thói hư, tật xấu.
Từ cơ duyên đó, soạn giả Viễn Châu sáng tác vọng cổ hài, khởi nguồn cho trào lưu này đầu thập niên 1960. Người thể hiện bài “Tư Ếch đi Sài Gòn” đầu tiên chính là nghệ sĩ Văn Hường.

Ông nổi danh như diều gặp gió. Năm 1972, ông hợp tác với ”vua” ngâm thơ Tao Đàn – cố nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát riêng mang tên “Thanh Hải – Văn Hường”.
Năm 1987, do tuổi cao, ông từ giã sân khấu, về mở quán đờn ca tài tử Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức.

Giai đoạn thành danh đã thôi thúc ông tập sáng tác. Đó là giai đoạn trên sân khấu Đoàn Cải lương Kim Chung rồi sau này lập gánh với anh nghệ sĩ Thanh Hải, ông đã sáng tác nhiều bài ca cổ hài và kịch bản cải lương hài.
Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông đã thể hiện nhiều bài vọng cổ hài nổi tiếng như: “Ba ông thầy bói”, “Chó mực đầu cáo”, “Đời là gì?”, “Đi hát cải lương”, “Hiệp sĩ say giải nghệ”, “Kể tuồng sân khấu”, “Khúc nhạc đồng quê”, “Làm vua buồn lắm”, “Rapport táo quân”, “Tai nạn Honda”, “Tại tôi tuổi Sửu”, “Tào Tháo cháy râu”, “Tiền bạc, bạc tiền”, “Tư Ếch đi chợ”, “Tôi đi hớt tóc”, “Tôi thua số đuôi”, “Tư ếch đi hội chợ”, “Tư Ếch”, “Ba Râu đi xem đại nhạc hội”, “Tứ đổ tường”, “Tư Ếch đại chiến Văn Hường”, “Văn Hường đi Suzuki”, “Văn Hường đội sổ về trời”, “Văn Hường mê số đề”, “Văn Hường năm vợ”, “Vợ tôi đi coi bói”, “Vợ tôi mê tân nhạc”, “Vợ tôi nói tiếng Tây”, “Vợ tôi tôi sợ”…


Nhiều người Việt ở vùng Bay Area cũng chưa bao giờ nghe đến một nhân vật đặc biệt như thế: Một "sommelier" (chuyên gia cao cấp về Rượu và Ẩm Thực) người Việt thành công vượt bực với đam mê của mình trên đất Mỹ!
(Nguyễn Tuấn)

-Trước khi trở thành một sommelier, Christine từng là một chuyên gia trong lãnh vực công nghệ cao (hitech) của vùng Thung Lũng Điện Tử.


(Hình: Từ trái sang phải: Christine Trần, tôi, và James (em trai của Christine) trong một nhà hàng gần Palo Alto. Những chai rượu họ trình bày là rất đặc biệt vì hiếm và ... ngon.)
-Một ‘sommelier’ người Việt thành công trên đất Mỹ

Hôm đi công tác bên ĐH Stanford (California), tôi có cơ duyên gặp một người đồng hương rất đặc biệt: Cô tên Christine Trần.
Đặc biệt ở đây hiểu theo nghĩa cô ấy theo đuổi một ngành nghề … đặc biệt. Christine là một ‘sommelier’. Rất khó dịch cho thoát ý và đẳng cấp danh xưng 'sommelier', nhưng có thể hiểu đó là một chuyên gia cao cấp về rượu và ẩm thực. Theo một tờ báo Mỹ, trong số 150 chuyên gia rượu có danh xưng sommelier, chỉ có 14 người là nữ. Christine là nữ sommelier danh tiếng ở vùng Vịnh (San Jose).

Sommelier thường làm việc trong các nhà hàng cao cấp (kiểu như Michelin), và công việc của họ là thiết kế các loại rượu sao cho hài hoà với mỗi món ăn. Ví dụ như khi thưởng thức món ăn khai vị kiểu Nhật, sommelier sẽ tìm một loại rượu thích hợp (như champaign chẳng hạn) để ‘đi’ với thức ăn đó. Họ thiết kế, chứ không đơn giản chọn rượu cho khách hàng. Do đó, tới những nhà hàng này, không chỉ là một cơ hội thưởng thức món ăn mà còn là một dịp để học về rượu và văn hoá cao cấp về rượu.
Trước khi trở thành một sommelier, Christine từng là một chuyên gia trong lãnh vực công nghệ cao (hitech). Cô ấy cho biết là trong thời gian làm việc hitech và tiếp xúc với những người trong giới thượng lưu, cô ấy thấy thích thú với rượu vang. Rồi qua tìm hiểu, cô quyết định đi học trên 3 năm! về rượu và chuyển sang nghề rượu.

Christine mở một tiệm phân phối rượu có tên là 'Artisan Wine', rất nổi tiếng trong vùng San Jose. Artisan Wine không phải là một tiệm bán rượu bình thường, mà là một thư viện rượu! Những chai rượu ở đây được sưu tầm từ hơn 65 quốc gia trên thế giới, kể cả Úc. Đủ loại rượu: từ rượu vang, cognac, đến sake. Mỗi năm, Christine tham dự các show thử rượu, và chọn những loại rượu được đánh giá là ‘top 10’, bất kể giá bao nhiêu. Do đó, ghé thăm Artisan Wine là ghé qua một rừng rượu tinh tuý nhứt trên thế giới!
Khách hàng tới Artisan Wine không phải chỉ mua rượu, mà họ còn được học về rượu. Christine và em trai cô là James Trần sẽ giải thích nguồn gốc và đặc điểm của từng chai rượu cho khách. Đến Artisan Wine quả thật là một trải nghiệm về thế giới rượu.

Rượu cô ấy bán là loại dành cho khách sành điệu về ẩm thực và rượu, chứ không phải loại hay thấy trong các tiệm rượu bình thường. Khách hàng của Artisan Wine toàn là những ‘tao nhân mặc khách’, những CEO. Chủ hãng của các tập đoàn như facebook, Google, Nvidia, Cisco, Microsoft, Twitter, v.v. Trong danh sách khách hàng, Christine cho biết có hơn 60,000 người từ khắp nơi trên thế giới!
Tôi gặp Christine và James trong một lần đến ăn uống trong một nhà hàng có tiếng gần Đại học Stanford (Palo Alto). Nói chuyện một lúc thì tôi mới biết cô ấy là người gốc Rạch Giá. Ba cô ấy từng là một quan chức trong chánh quyền VNCH, còn mẹ cô từng là một tiếp viên hàng không Air Vietnam (thời trước 1975). Sau 1975, gia đình vượt biên khỏi Việt Nam và định cư ở California. Lúc tới Mỹ, Christine mới 3 tuổi thôi, nên cô không rành tiếng Việt. Từ ngày định cư ở Mỹ đến nay, Christine và gia đình chưa về thăm Việt Nam. Cô không thích nhà cầm quyền CS.

Chỉ còn 2 năm nữa là tròn nửa thế kỷ người Việt đến định cư ở Mỹ. Đó là một quãng đường không quá dài, nhưng người Việt đã ghi nhiều dấu ấn trên quê hương mới. Có thể nói trong bất cứ lãnh vực hoạt động nào, người Việt cũng có sự hiện diện và đạt nhiều thành tựu đáng kể. Từ khoa học, giáo dục, thương mại, thậm chí quân sự đều có sự đóng góp quan trọng của người Việt. Christine Trần xứng đáng là một người như thế!
TB: Địa chỉ tiệm phân phối rượu của Christine Trần: Artisan Wine Shop - 2495 Old Middlefield Way, Mountain View, CA 94043


Không thể tin được có chuyện này: Một bà gốc Việt chiến thắng giải Squid Game, vượt mặt 455 đối thủ, giành giải thưởng gần $5 triệu đô la!


(Hình: Mai Whelan – người chơi mang số áo 287 - tự hào khi là người giành chiến thắng chung cuộc Squid Game: The Challenge)
-Ngày 7 tháng 12, tập cuối cùng của Squid Game: The Challenge – show thực tế mượn sức hút từ “bom tấn” Hàn Quốc Trò chơi con mực đã chính thức lên sóng. Sau hàng loạt nhiệm vụ, chương trình cuối cùng cũng tìm ra được người chơi chiến thắng. Đó là Mai – người phụ nữ 55 tuổi gốc Việt mang số áo 287.

Mai xuất hiện chớp nhoáng trong các tập phát sóng đầu tiên nhưng dần “chiếm spotlight” ở những màn thi đấu cuối cùng. Bà thể hiện được sự thông minh, nhạy bén, dễ dàng loại bỏ đối thủ trong các trò chơi cần tính quan sát.
Trong tập 10 vừa lên sóng, Mai đã dễ dàng vượt mặt 2 người chơi trong top 3 nhờ sự may mắn của mình bởi 2 thử thách cuối cùng đều là trò chơi may rủi. Ở nhiệm vụ đầu tiên, top 3 sẽ nhấn các nút ngẫu nhiên có hình dạng vuông – tròn – tam giác. Theo luật, nếu người chơi nhấn phải nút đỏ sẽ lập tức bị loại. Trong chặng đua này, Mai xung phong đi đầu và an toàn “vượt ải”.

Trong nhiệm vụ quyết định, 2 người chơi cuối cùng phải chơi trò kéo – búa – bao lựa chọn chìa khóa ngẫu nhiên mà ban tổ chức cung cấp xem ai là người mở được két sắt đựng chiếc thẻ có giá trị gần $5 triệu. Sau những giây phút hồi hộp nhiều kịch tính, người phụ nữ gốc Việt bật khóc khi két sắt sáng đèn. Mai đã trở thành người chiến thắng chung cuộc! với phần thưởng gần 5 triệu đô la!
Mai là người khám xét của Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ, chuyên xem xét visa cho những sinh viên không nhập cư muốn đến Mỹ để theo học tại các trường đại học. Mai đã kết hôn và có 2 cô con gái. Theo như chia sẻ của Mai ở những tập đầu, nếu giành giải thưởng khủng này, bà sẽ nghỉ việc, tìm ngay một ngôi nhà để nghỉ hưu! dành giờ du lịch! Giờ thì bà đạt được mọi mộng ước! Lời ước Giáng Sinh đã thành tựu, không cần đến...Ông Già Noel!


Tin Quốc Tế Đó Đây
Cận Đông: Quân Đội Do Thái Tăng Cường Hỏa Lực Tại Miền Nam Dải Gaza


(Hình: Bức ảnh chụp từ Rafah cho thấy khói bốc lên từ Khan Younès, ngày 10/12/2023.)
-Sáng 10/12/2023, Tư lệnh Quân đội Do Thái khẳng định với hãng tin Pháp AFP đã "tăng cường" các chiến dịch quân sự tại nhiều khu vực ở miền Nam dải Gaza để "duy trì áp lực", tiêu diệt đến "những chiến binh Hamas cuối cùng". Thủ tướng Benyamin Netanyahu trước đó cũng đưa ra quan điểm tương tự, nhắc lại cam kết tiếp tục một cuộc chiến "công bằng", "tiêu diệt Hamas".

Theo phóng viên của thông tấn xã AFP, vào sáng sớm hôm nay, các đợt "oanh kích càng lúc càng tàn khốc" ở Khan Younès và trên đường từ thành phố này đến Rafah, sát biên giới với Ai Cập. Rafah đang trở thành một "trại tị nạn" tiếp nhận phần lớn trong số gần 2 triệu dân cư ở Gaza.
Từ đầu xung đột, quân đội Do Thái đã kêu gọi thường dân di tản về miền Nam Gaza. Nhiều tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc khẳng định "không còn bất kỳ một nơi an toàn nào ở Gaza".
Một ngày sau khi Hoa Kỳ dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chận Dự thảo Nghị quyết về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức vì lý do nhân đạo cho Gaza, Do Thái đẩy mạnh các chiến dịch quân sự "hơn bao giờ hết".

Giám đốc Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) báo động "gần một triệu trẻ em phải di tản, phần lớn sống trong những điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ". Cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc đặc trách về người tị nạn Palestine UNRWA báo động "bệnh tật bắt đầu tràn lan ở phía Nam Gaza" do bị quá tải khi phải tiếp nhận người tị nạn từ những nơi khác đang đổ về. Từ Genève, Giám đốc Tổ Chức Y tế Thế Giới báo động "chiến tranh giữa Do Thái và Hamas đang dẫn tới những hệ quả tai hại" về mặt sức khỏe, Y tế.
Về ngoại giao, đang dự hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sáng nay lấy làm tiếc trước việc định chế do ông điều hành đã bị "tê liệt" trên vấn đề Gaza.

Thủ tướng Qatar, một đối tác then chốt ở Cận Đông, cam kết "tiếp tục những nỗ lực vận động đạt được một lệnh hưu chiến". Còn tại Hoa Thịnh Ðốn, không cần được bên Lập Pháp đồng ý, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa cho phép bán gần 14.000 đầu đạn 12 ly cho chiến sa loại Merkava của Do Thái.


Do Thái Không Kích, Trả Đũa Hezbollah Tấn Công Bằng Máy Bay Không Người Lái


(Hình: Một đợt pháo kích của Do Thái vào miền Nam Lebanon hôm 17/11/2023.)
-Hôm 10/12/2023, nhóm Hezbollah của Lebanon cho biết đã dùng máy bay không người lái mang theo chất nổ để tấn công một vị trí chỉ huy của Do Thái và các cuộc không kích của Do Thái nhằm vào miền Nam Lebanon, trong khi bạo lực do cuộc chiến ở Gaza gây ra đã lan rộng khắp biên giới Do Thái-Lebanon.

Quân đội Do Thái cho biết rằng "các mục tiêu trên không đáng ngờ" đã bay qua Lebanon và hai mục tiêu đã bị đánh chặn. Hai binh sĩ Do Thái bị thương vừa phải và một số người khác bị thương nhẹ do mảnh đạn và bị ngạt khói.
Tuyên bố nêu rõ các máy bay chiến đấu của Do Thái đã thực hiện "một loạt các cuộc tấn công quy mô lớn vào các mục tiêu khủng bố của Hezbollah trên lãnh thổ Lebanon".

Không có báo cáo ngay lập tức về thương vong ở Lebanon.
Cuộc đối đầu giữa Do Thái và Hezbollah, một nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, đã đánh dấu sự đối đầu tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến năm 2006. Bạo lực phần lớn chỉ xảy ra ở khu vực biên giới.
"Sự kháng cự sẽ tiếp tục nhằm khiến kẻ thù kiệt sức và sẽ không dừng lại trừ khi hành động gây hấn nhằm vào Gaza và Lebanon chấm dứt", viên chức cấp cao của Hezbollah, Sheikh Ali Damoush, cho biết trong một bài phát biểu hôm 10/12, được văn phòng truyền thông của nhóm gửi qua email.

Hezbollah cho biết đã sử dụng máy bay không người lái có mang theo chất nổ để tấn công một vị trí chỉ huy của Do Thái gần Ya'ara ở Do Thái lúc 10 giờ sáng.
Còi báo động đã vang lên ở Do Thái tại một số địa điểm ở biên giới.


Xe Tăng Do Thái Tiến Vào Trung Tâm Khan Younis ở Miền Nam Gaza


(Hình: Khói đen bốc lên sau cuộc không kích của Do Thái ở Khan Younis.)
-Hôm 10/12/2023, xe tăng Do Thái đã tiến vào trung tâm Khan Younis trong một cuộc tấn công lớn mới vào thành phố chính ở phía Nam Dải Gaza, trong khi các cơ quan Y tế ở Gaza do Hamas quản lý cho biết rằng khoảng 18.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Người dân cho biết xe tăng đã tiến đến con đường Bắc-Nam qua Khan Younis, sau trận giao tranh dữ dội suốt đêm, khiến bước tiến của Do Thái từ phía Đông bị chậm lại. Máy bay chiến đấu oanh tạc khu vực phía Tây cuộc tấn công.
Có những tiếng nổ liên tục và những cột khói trắng dày đặc bốc lên trên thành phố đông đúc, tràn ngập những người phải di dời từ những nơi khác ở Gaza.
Khi trời sáng, gần một đồn cảnh sát ở trung tâm thành phố, người ta có thể nghe thấy tiếng súng máy bắn liên tục. Đường phố ở đó vắng tanh, ngoại trừ một bà già và một cô gái cưỡi lừa.

"Đó là một trong những đêm khủng khiếp nhất, sự kháng cự rất mạnh mẽ, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ không ngừng trong nhiều tiếng đồng hồ", một người cha của 4 đứa con phải rời khỏi thành phố Gaza và lánh tạm ở Khan Younis nói với thông tấn xã Reuters. Ông từ chối tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù.
Tại đầu kia của Dải Gaza, ở các khu vực phía Bắc nơi Do Thái trước đó cho biết lực lượng của họ đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ, người dân cũng mô tả một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong cuộc chiến cho đến nay.

Ông Nasser, 59 tuổi, cha của 7 người con đang trú tạm ở Jabaliya sau khi ngôi nhà của ông bị phá hủy ở Beit Lahiya, một khu vực phía Bắc khác, cho biết: "Tôi dám chắc đây là trận chiến mạnh nhất mà chúng tôi từng nghe trong nhiều tuần". Tiếng nổ có thể được nghe thấy khi ông nói. "Bất chấp mọi chuyện, chúng tôi sẽ không rời Jabaliya. Hoặc họ sẽ để cho chúng tôi yên, hoặc chúng tôi sẽ chết ở đây như những người tử vì đạo".
Do Thái tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas, nhóm đã cai trị Gaza từ năm 2007, sau khi các chiến binh vượt qua biên giới vào ngày 7 tháng 10 và hoành hành khắp các thị trấn của Do Thái, bắn chết các gia đình ngay tại nhà của họ, giết chết 1.200 người và bắt giữ 240 con tin.

Kể từ đó, cơ quan Y tế Gaza cho biết khoảng 18.000 người đã được xác nhận thiệt mạng và 49.500 người bị thương trong các cuộc tấn công của Do Thái, cùng hàng ngàn người khác mất tích và được cho là đã chết dưới đống đổ nát. Con số này không còn bao gồm số liệu từ các khu vực phía Bắc của khu vực, ngoài tầm với của xe cứu thương và những nơi bệnh viện đã ngừng hoạt động.


Thủ Tướng Qatar: Chiến Tranh Gaza Khiến 'Cả Thế Hệ Có Nguy Cơ Bị Cực Đoan Hóa'


(Hình: Một đơn vị của Do Thái nã đạn pháo vào Dải Gaza hôm 10/12/2023.)
-Hôm 10/12/2023, Thủ tướng Qatar, ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho rằng cả một thế hệ ở Trung Đông có nguy cơ trở nên cực đoan hóa vì cuộc chiến ở Gaza.
Ông Al Thani nói tại một cuộc họp rằng Doha sẽ tiếp tục gây áp lực với Do Thái và Hamas để đình chiến mặc dù cơ hội "đang hẹp dần".

Qatar, nơi đặt trụ sở của một số nhà lãnh đạo chính trị của Hamas, đã dẫn đầu các cuộc đàm phán giữa nhóm này và Do Thái.
Ông Mohammed cho biết rằng các con tin được thả khỏi Gaza vì các cuộc đàm phán chứ không phải vì các hành động quân sự của Do Thái.
gười đứng đầu UNRWA, cơ quan viện trợ của Liên Hiệp Quốc cho người Palestine, nói rằng việc phi nhân hóa đối với người Palestine đã cho phép cộng đồng quốc tế dung túng cho các cuộc tấn công liên tục của Do Thái vào Gaza.

Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, lệnh ngừng bắn nhân đạo là điều cần thiết nếu chúng ta muốn chấm dứt địa ngục trần gian ở Gaza ngay lúc này".
Mỹ và Do Thái phản đối lệnh ngừng bắn vì họ tin rằng nó sẽ chỉ có lợi cho Hamas.
Thay vào đó, Hoa Thịnh Ðốn ủng hộ việc tạm dừng giao tranh để bảo vệ dân thường và cho phép thả các con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công chết người vào Do Thái hôm 7/10.


Thủ Tướng Do Thái Trao Đổi Với Tổng Thống Nga Về Gaza và Iran


(Ảnh: Thủ tướng Do Thái Netanyahu và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp ở Mạc Tư Khoa năm 2020.)
-Một tuyên bố của Do Thái cho biết rằng Thủ tướng nước này, ông Benjamin Netanyahu, đã trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 10/12/2023 và bày tỏ sự không hài lòng với "quan điểm chống Do Thái" của các đặc phái viên của Mạc Tư Khoa tại Liên Hiệp Quốc.

Nga ủng hộ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về lệnh ngừng bắn ở Gaza, vốn đã bị Mỹ phủ quyết hôm 8/12.
Tuyên bố của Do Thái cho biết, khi trao đổi với ông Putin, ông Netanyahu cũng bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" về sự hợp tác "nguy hiểm" của Nga với Iran.
Ðiện Cẩm Linh nói rằng Nga sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ có thể để giảm bớt nỗi đau khổ của dân thường và giảm leo thang xung đột.

"[Tổng thống] Vladimir Putin tái khẳng định quan điểm nguyên tắc là bác bỏ và lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức", Ðiện Cẩm Linh cho biết trong một tuyên bố.
"Đồng thời, điều hết sức quan trọng là việc chống lại các mối đe dọa khủng bố không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như vậy đối với dân thường".
Ngoại trưởng Nga hôm 10/12 nói rằng một phái đoàn giám sát quốc tế nên tới Gaza để theo dõi tình hình nhân đạo.


Nga Kêu Gọi Nhóm Giám Sát Quốc Tế Tới Gaza


(Hình: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.)

-Hôm 10/12/2023, Nga đã kêu gọi một phái đoàn giám sát quốc tế tới Gaza để đánh giá tình hình nhân đạo, đồng thời cho rằng việc Do Thái sử dụng cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas để biện minh cho việc trừng phạt người dân Palestine là điều không thể chấp nhận được.
Do Thái xâm chiếm Gaza để trả đũa cuộc tấn công của Hamas mà Do Thái cho rằng đã giết chết 1.200 người. Cơ quan Y tế Gaza cho biết cuộc tấn công của Do Thái vào Gaza đã giết chết ít nhất 17.000 người.

Hôm 8/12, Hoa Kỳ đã phủ quyết đề xuất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong cuộc chiến giữa Do Thái và nhóm chiến binh Palestine Hamas.
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố nhằm vào Do Thái vào ngày 7 tháng 10", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với Al Jazeera trong một cuộc phỏng vấn được phát hôm 10/12 tại hội nghị có tên gọi Diễn đàn Doha.
"Đồng thời, chúng tôi không tin rằng việc sử dụng sự kiện này để trừng phạt tập thể hàng triệu người dân Palestine bằng việc pháo kích bừa bãi là điều có thể chấp nhận được".

Ông Lavrov nói rằng để có được "sự tạm dừng nhân đạo" ở Gaza "cần có một số hình thức giám sát trên thực địa".
Ông Lavrov nói: "Chúng tôi đã nói chuyện với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc [Antonio Guterres] đề nghị ông sử dụng quyền hạn của mình để xem xét một số hình thức giám sát - nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả".
Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cáo buộc Mỹ và phương Tây phớt lờ sự cần thiết của một nhà nước Palestine độc lập trong phạm vi biên giới năm 1967.
Ông Putin hôm 10/12 đã nói chuyện với Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu về Gaza.


Hồng Hải: Phiến Quân Houthi Yemen Dọa Tấn Công Mọi Tàu Hướng Về Phía Do Thái


(Ảnh: Các chiến binh Houthi tại Sanaa, thủ đô của Yemen, ngày 24/11/2021.)

-Hôm 9/12/2023, phiến quân Houthi Yemen dọa sẽ tấn công bất cứ tàu thuyền nào lưu thông ở Hồng Hải hướng về phía Do Thái cho đến khi nào người dân ở dải Gaza nhận được hàng cứu trợ.
Theo thông tấn xã AFP, trong một thông cáo đăng trên các mạng xã hội, lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen nhấn mạnh bất cứ tàu thuyền nào hướng đến Do Thái, bất kể cờ hiệu tàu, hay quốc tịch của chủ tàu hay nhà khai thác, đều không được hoan nghênh và đều bị xem là mục tiêu chính đáng để các lực lượng vũ trang Houthi tấn công tại vùng biển chiến lược nối từ Đông Bắc Phi đến bán đảo Ả Rập.

Về phản ứng của Do Thái, khi được một nhà báo hỏi, lãnh đạo Cơ quan an ninh quốc gia Do Thái, Tzachi Hanegbi, lên án hành động của Houthi là sự "bao vây hàng hải" và nhấn mạnh là nếu quốc tế không lưu ý thì đó sẽ trở thành một vấn đề an ninh quốc tế.
Liên quan đến Pháp, trong đêm 9/12 rạng sáng 10/12, một khu trục hạm của Pháp tại Hồng Hải đã hạ được 2 drone nhắm tới tàu. Hai drone này được xác định phóng đi từ miền Bắc Yemen, vùng lãnh thổ đang do lực lượng Houthi kiểm soát. Khi bị tấn công bằng drone, khu trục hạm đa nhiệm Languedoc của Pháp đang ở cách bờ biển Yemen 110 cây số.


Ukraine Lên Án Ý Định của Nga Tổ Chức Bầu Cử Trên Lãnh Thổ Bị Chiếm Đóng


(Hình: Người dân địa phương đứng gần tòa nhà chung cư của họ và xe hơi bị hư hại trong cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga, ở Kharkiv, Ukraine, ngày 8 tháng 12 năm 2023.)
-Ngày thứ Bảy (9/12/2023), Ukraine lên án mạnh mẽ việc Nga định tổ chức bầu cử Tổng thống vào mùa Xuân tới trên lãnh thổ bị chiếm đóng, tuyên bố cuộc bầu cử này là "vô hiệu" và cam kết truy tố bất cứ quan sát viên nào được cử đến giám sát.

Thượng viện Nga ấn định cuộc bầu cử Tổng thống trong tuần này vào tháng 3 năm 2024, và Chủ tịch Valentina Matviyenko nói cư dân ở 4 khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sẽ lần đầu tiên có thể bỏ phiếu.
Nga tuyên bố đã sáp nhập các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhya và Kherson ở miền Đông và miền Nam Ukraine trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2022 bị Kyiv và phương Tây bác bỏ là giả hiệu, nhưng không kiểm soát hoàn toàn được bất cứ khu vực nào trong số này.

Nga cũng đã chiếm bán đảo Crimea ở Biển Đen từ Ukraine vào năm 2014.
"Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế kiên quyết lên án ý định của Nga tổ chức bầu cử Tổng thống ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine và áp đặt các chế tài lên những người liên quan đến việc tổ chức và tiến hành bầu cử", Bộ Ngoại giao Ukraine nói trong một phát biểu.

Ukraine cũng cảnh báo các nước không cử quan sát viên tới "các cuộc bầu cử giả hiệu" và nói rằng những người vi phạm sẽ "phải chịu trách nhiệm hình sự".
"Bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Nga đều không liên quan gì đến dân chủ. Chúng chỉ đóng vai trò như một công cụ để duy trì quyền lực của chế độ Nga cầm quyền", bộ nói.
Ngày 8/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẽ tranh cử Tổng thống một lần nữa, một bước đi được cho là sẽ giúp ông nắm quyền ít nhất cho đến năm 2030.


Khôi Nguyên Iran Vắng Mặt Nhân Lễ Trao Giải Nobel 2023


(Hình: Phu quân và hai người con của Narges Mohammadi tại Oslo, thủ đô của Na Uy, ngày 10/12/2023.)
-Theo thông lệ, đúng ngày 10/12 hàng năm, tất cả các khôi nguyên tề tựu về Oslo, thủ đô của Na Uy, nhận giải thưởng Nobel. Năm nay, giải thưởng người Iran, nhà đấu tranh nhân quyền Narges Mohammadi vắng mặt do bị chính quyền Tehran giam giữ. Bà thông báo sẽ bắt đầu một đợt tuyệt thực vào lúc mà ở Oslo bà được xướng tên cùng với các khôi nguyên Nobel khác trong mùa trao giải 2023.

Là một nhà đấu tranh chống án tử hình tại Iran và bảo vệ quyền của phụ nữ được để đầu trần khi xuất hiện ở những nơi công cộng, bà Narges Mohammadi (51 tuổi) đã nhiều lần bị bắt giữ và tống giam trong thời gian gần đây. Từ 2021, bà bị đưa vào nhà tù Evin, trại giam khủng khiếp nhất của Tehran. Bà là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh đòi tự do cho nữ giới ở Iran.
Tháng 10/2023, Narges Mohammadi được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vì những "đóng góp chống lại những biện pháp đàn áp phụ nữ Iran, và vì những nỗ lực của Mohammadi vì nhân quyền, vì tự do cho tất cả mọi người". Thế nhưng, bà sẽ không đến Oslo và là khôi nguyên duy nhất vắng mặt trong buổi lễ trao giải vào lúc 12 giờ trưa nay. Hai người con của bà sẽ thay mặt mẹ nhận phần thưởng cao quý này và sẽ phát biểu nhân danh người mẹ đang bị "tước đoạt tự do". Đúng vào giờ trao giải Nobel, từ nhà tù Evin ở Tehran, Narges Mohammadi bắt đầu tuyệt thực để phản đối một bản án bất công.

Thông tín viên Vahid Shamsoddinnezhad của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đã có dịp trao đổi với phu quân của khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2023. Ông Taghi Rahmani, nhấn mạnh đến công cuộc đấu tranh của người phụ nữ Iran này:
"Đúng là nhẽ ra Narges phải có mặt ở đây để nhận giải thưởng. Nhưng chúng tôi biết là Cộng hòa Hồi giáo Iran không có một cái nhìn thiện cảm về giá trị của giải thưởng này, về người được trao giải. Tehran xem đây là một giải thưởng mang đậm màu sắc chính trị. Từ thứ Bảy vừa qua, Narges không được gặp thân nhân và thậm chí không được quyền trao đổi qua điện thoại. Nói cách khác, nhà tôi bị phạt. Narges, kể cả khi đã bị bắt giam, vẫn ủng hộ cuộc nổi dậy của phụ nữ để đòi tự do và quyền sống. Narges luôn bày tỏ quan điểm về những biện pháp đàn áp nhắm vào người biểu tình của phong trào xuất phát từ sau cái chết của cô Mahsa Amini và những cuộc thảm sát đã diễn ra. Nhà tôi rất quan tâm đến những vấn đề về nữ quyền, về bất bình đẳng giới tính, về chính sách đàn áp nhắm vào các sắc tộc thiểu số và những thiểu số tôn giáo".


Bầu Cử Tổng Thống Ai Cập Trong Bối Cảnh Xung Đột Do Thái-Hamas Diễn Ra Quyết Liệt


(Hình: Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi họp báo ở thủ đô Cairo, ngày 25/10/2023.)
-Từ hôm 10/12/2023 cho đến 3 ngày nữa, người dân Ai Cập sẽ đi bỏ phiếu bầu lại Tổng thống. Ông Abdel Fattah al-Sissi được dự đoán sẽ tái đắc cử ở ngay vòng bỏ phiếu đầu tiên với đa số áp đảo. Tỷ lệ tham gia bầu cử và xung đột giữa Do Thái với tổ chức Palestine Hamas đang hoành hành ở sát cạnh là những mối quan tâm chính của Tổng thống Ai Cập.

Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
Điều đáng quan tâm là tỷ lệ tham gia bỏ phiếu. Liệu tỷ lệ này có cao hơn mức 40% vào năm 2018 không?
Vì vậy, để không cho tỷ lệ vắng mặt tăng cao, chính quyền tìm ra đủ mọi phương thức. Những phiếu mua hàng được phân phát cho cử tri ở các thôn xóm gặp khó khăn hay làng mạc, và sau đó có xe buýt hành chính và công cộng đưa nhân viên đi bầu. Nhưng đồng thời, ai không đi bầu bị dọa phạt tiền. Những thủ đoạn mà tất cả các chế độ trong nước sử dụng từ 70 năm qua, và những lời kêu gọi tẩy chay cũng không phải là điều mới mẻ.

Việc đối thủ trẻ Ahmed al-Tantawi bất ngờ ra tranh cử, cùng với 3 ứng cử viên chính thức khác thuộc phe đối lập đã được phê duyệt, có thể khiến cuộc bầu cử thêm chút kịch tính, nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi kết quả.
Trong bối cảnh xung đột giữa Do Thái và Hamas ngày càng quyết liệt, thách thức đối với Tổng thống Abdel Fattah al-Sissi là khẳng định vị thế của Ai Cập, một quốc gia có chung biên giới với dải Gaza, như một bên có tiếng nói trọng lượng trong cuộc xung đột. Tổng thống sắp mãn nhiệm có thể đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột này, đặc biệt, với vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên, điển hình thông qua việc hỗ trợ giải cứu các con tin Do Thái và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza.

Tuy nhiên, Tổng thống Ai Cập vẫn chưa mở cửa lãnh thổ cho người dân Palestine, do muốn duy trì sự cân bằng nội bộ. Ông Abdel Fattah al-Sissi không muốn làn sóng người tị nạn tràn vào đất nước tạo thành gánh nặng giữa cuộc khủng hoảng kinh tế.


Interpol: 281 Người Trong Đường Dây Quốc Tế Buôn Người, Ép Nạn Nhân Lừa Đảo Trực Tuyến, Đã Bị Bắt


(Ảnh: Trụ sở của Interpol ở Lyon, Pháp.)

-Trong chiến dịch quy mô quốc tế đầu tiên triệt phá mạng lưới tội phạm buôn người và bắt ép nạn nhân thực hiện các hoạt động lừa đảo qua mạng internet, Tổ chức Cơ quan Hình cảnh Quốc tế (Interpol), thông báo đã bắt 281 người và giải cứu 149 nạn nhân.
Theo hãng tin Pháp AFP hôm 9/12/2023, thông cáo của Interpol, có trụ sở tại Lyon (Pháp) được đưa ra hôm 8/12, theo đó chiến dịch "Storm Makers II" (Những người gây bão 2) diễn ra từ ngày 16 đến 20/10/2023 với sự phối hợp của 27 nước trong suốt 5 tháng, trong đó có Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á như Lào, Mã Lai Á, Népal, Pakistan, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, ngoài ra còn có Trung Quốc, Úc Ðại Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và một số nước Phi Châu….

281 người mà Interpol bắt giữ lần này bị nghi ngờ phạm tội buôn người, gian lận, tham nhũng…. "Mồi nhử" nạn nhân thường là các thông báo tuyển dụng lao động giả. Chẳng hạn, hồi tháng 10, cơ quan an ninh Uganda đã báo động về tình trạng có nhiều công dân được thông báo là họ được đưa sang Dubai làm việc, nhưng trên thực tế, những người này lại được đưa đến Thái Lan, rồi sau đó lại được đưa sang Miến Điện. Tại đó, họ bị giam giữ dưới sự canh gác cẩn mật (lính gác có vũ khí) và buộc phải tham gia vào các hoạt động lừa đảo nhắm vào nhiều ngân hàng.
Interpol lưu ý mạng lưới tội phạm buôn người và bắt ép nạn nhân làm việc tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến bắt nguồn từ Đông Nam Á và đã lan ra khắp thế giới và với tốc độ ngày càng nhanh. Chiến dịch "Storm Makers" đầu tiên diễn ra hồi tháng 3/2022 nhắm vào nạn buôn người nói chung đã cho phép Interpol thu thập được nhiều thông tin để phát động chiến dịch "Storm Makers 2" nhắm đặc biệt vào nạn buôn người và ép nạn nhân tham gia tổ chức lừa đảo trực tuyến quy mô lớn.


Nhật Bản Cam Kết 4,5 Tỉ Mỹ kim Hỗ Trợ Ukraine Chống Lại Nga


(Hình: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, bắt tay chào nhau sau lễ ký kết các văn kiện chung ở Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 21 tháng 3 năm 2023.)
-Hôm 8/12/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida loan báo Tokyo cam kết hỗ trợ 4,5 tỉ Mỹ kim cho Ukraine để chống lại Nga, trong đó 1 tỉ Mỹ kim được dành cho viện trợ nhân đạo.

Trong bài phát biểu hàng ngày hôm 7/12, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy tuyên bố rằng: "Nhật Bản nhất quán và rất nguyên tắc trong việc hỗ trợ đất nước và người dân chúng tôi, và tôi rất biết ơn về sự hỗ trợ này".
Ông nói quyết định hỗ trợ của Nhật Bản là 'rất kịp thời và rất cần thiết'.
Trong khi đó, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga đã giết chết một người và làm hư hại cơ sở hạ tầng cảng ở khu vực Odesa của Ukraine, Thống đốc khu vực cho biết hôm 7/12.

Ông Oleh Kiper cho hay Odesa đã bị tấn công trong 2 tiếng đồng hồ và dù lực lượng phòng không đã bắn hạ hầu hết các máy bay không người lái của Nga, nhưng một số trong số đã vượt qua được.
Quân đội Ukraine cho biết cuộc tấn công trên không của Nga có tổng cộng 18 máy bay không người lái nhắm mục tiêu vào Odesa ở miền Nam Ukraine và khu vực Khmelnytskyi ở phía Tây.

Quân đội Ukraine nói lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 15 trong số 18 máy bay không người lái này.
Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022 và giành quyền kiểm soát gần một phần năm lãnh thổ Ukraine, cuộc phản công của Ukraine phát động vào tháng 6 năm nay chưa đạt được đột phá lớn.


COP28: Trung Quốc Trấn An "Có Những Tiến Bộ" Về Năng Lượng Hóa Thạch


(Hình: Đặc phái viên Trung Quốc về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) (giữa) tại hội nghị COP28 ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngày 10/12/2023.)
-Không khí tại Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP28 ở Dubai càng lúc càng "nóng lên" 2 ngày trước lễ bế mạc. Hôm 10/12/2023, một toán các nhà bảo vệ môi trường tràn vào phòng họp, nơi các phái đoàn đang ráo riết thảo luận từng chữ một về một bản tuyên bố chung.

Mọi chú ý tiếp tục dồn vào các loại năng lượng hóa thạch, nhất là sau lá thư tổ chức OPEC quy tụ các nhà xuất cảng dầu lửa trên thế giới, vận động các đối tác "dứt khoát không nhượng bộ" trên các điều khoản đòi giới hạn hay khai tử than đá, dầu khí.
Trả lời báo chí, đặc sứ Trung Quốc về khí hậu, ông Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), hôm 9/12/2023, đã tìm cách làm hạ nhiệt tình hình qua nhận định các bên đã đạt được một số "tiến bộ liên quan đến hồ sơ gai góc này" và ông kỳ vọng là sẽ còn có những "tiến triển tốt đẹp hơn nữa trong những ngày sắp tới", bởi "nếu không đặt được đồng thuận, không tìm ra giải pháp, thì ít có khả năng đánh giá COP28 là một thành công".

Sáng 10/12, Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber gây thêm áp lực với các bên tham gia khi cho rằng "thất bại không phải là một giải pháp chúng ta có thể tính đến. Tất cả các bên phải tìm ra một ngõ thoát vì lợi ích chung" có nghĩa là một bên đều sẽ phải tỏ ra "uyển chuyển hơn một chút". Trên nguyên tắc, một bản Dự thảo tuyên bố chung sẽ được công bố vào sáng 1/12/2023, một ngày trước khi kết thúc hôi nghị Dubai.
Azerbaijan được đề nghị tổ chức hội nghị khí hậu COP29, mở ra từ ngày 11 đến 22/11/2024. Đề xuất này còn phải được chính thức thông qua trong những giờ sắp tới.


Trung Quốc Bị Cáo Buộc Tiêu Diệt Văn Hóa Tây Tạng!


(Hình: Lãnh đạo chính quyền Tây Tạng lưu vong Penpa Tsering trả lời đài RFI tại Paris, Pháp, ngày 1/12/2023.)
-Hôm 10/12/2023, Lãnh đạo chính quyền Tây Tạng lưu vong Penpa Tsering, lên án Trung Quốc "từ chối những quyền con người cơ bản nhất" của người dân Tây Tạng, và Bắc Kinh tiếp tục tiến hành các chiến dịch để tiêu diệt bản sắc, văn hóa Tây Tạng.

Tổng thống Tây Tạng lưu vong Penpa Tsering phát biểu từ Dharamshla, miền Bắc Ấn Độ, nhân kỷ niệm 34 năm ngày lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Tháng trước, Bắc Kinh công bố chính sách về vùng Tây Tạng. Trong tài liệu này, Trung Quốc khẳng định dưới sự dẫn dắt của đảng Cộng sản Trung Quốc, Tây Tạng đã "có những bước đột phá thần kỳ về mặt phát triển", cả khu vực bước vào một giai đoạn "hiện đại": Kinh tế thịnh vượng, ổn định về xã hội, môi trường được bảo vệ tốt.
Trung Quốc xây dựng nhiều hệ thống đường sắt cao tốc, xa lộ giúp phát triển ngành du lịch, qua đó cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Tổng thống Tây Tạng sống lưu vong tại Dharamshala (Ấn Độ), ông Tsering cho rằng, bên cạnh những thành tựu mà Bắc Kinh khoe khoang, "đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhồi sọ về tinh thần yêu nước và đẩy mạnh tiến trình Hán Hóa đạo Phật theo truyền thống của người Tây Tạng, bắt dân cư trong vùng phải học tiếng Trung Quốc và phát huy những giá trị của mô hình xã hội chủ nghĩa". Chính quyền ở Bắc Kinh càng lúc càng điều thêm nhiều viên chức đến quản lý Tây Tạng.

Hãng tin Mỹ AP nhắc lại là Đức Đạt Lai Lạt Ma định cư tại Dharamshala từ năm 1959. Nay đã 88 tuổi, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng luôn bị Bắc Kinh cáo buộc "kích động công luận đòi ky khai, tách rời vùng đất này khỏi quyền kiểm soát của Đảng".


Mỹ và các đồng minh Á Châu "sẵn sàng đứng lên" bảo vệ ổn định tại eo biển Đài Loan


(Ảnh: Khu trục hạm Mỹ USS Milius trong cuộc hải hành ở eo biển Đài Loan.)
Kết thúc cuộc họp 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn tại Hán Thành vào sáng 9/12/2023, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc của Mỹ, Jake Sullivan khẳng định Hoa Thịnh Ðốn và các đồng minh sẵn sàng "đứng lên" vì "ổn định hòa bình tại eo biển Đài Loan, vì quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông và Hoa Đông".

Họp báo với đồng cấp Takeo Akiba của Nhật Bản và Cho Tae Yong của Nam Hàn, Cố vấn An ninh Quốc gia của phủ Tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến những cam kết bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải tại những vùng biển có tranh chấp chủ quyền. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại trong thời gian gần đây, chiến hạm của Mỹ và của nhiều nước phương Tây thường quyên tuần tra qua eo biển Đài Loan và ở khu vực Biển Đông, tăng cường hiện diện tại các vùng biển quốc tế. Nhưng điều đó đủ khiến Bắc Kinh thịnh nộ.
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol liên tục củng cố liên hệ giữa Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn để đối phó với những "mối đe dọa càng lúc càng lớn" xuất phát từ Bắc Hàn. Chế độ Bình Nhưỡng đã có vũ khí nguyên tử. Cũng trong mục đích này, Hán Thành nỗ lực vượt lên trên những bất đồng từ quá khứ lịch sử, để sưởi ấm quan hệ với Tokyo. Nhật Bản là một đồng minh khác của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Cuộc họp tại Hán Thành lần này là bước kết tiếp từ hội nghị ở Camp David hồi tháng 8/2023. Mỹ-Nhật-Hàn cam kết "mở ra một chương mới trong hợp tác ba bên về an ninh". Cũng tại hội nghị này, Hoa Thịnh Ðốn và hai đồng minh Á Châu đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc có thái độ hung hăng ở Biển Đông.
Trước đó, Tổng thống Nam Hàn báo động: Căng thẳng tại eo biển Đài Loan xuất phát từ tham vọng của Bắc Kinh muốn "dùng sức mạnh quân sự thay đổi nguyên trạng ở eo biển Đài Loan". Điều đó không cấm cản lãnh đạo Nhật Bản, Nam Hàn và Trung Quốc họp thượng đỉnh bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương vào tháng 11/2023 tại Los Angeles, Hoa Kỳ.


Phi Luật Tân và Hoa Kỳ Lên Án Tàu Hải giám Trung Quốc Phun Vòi Rồng Vào Tàu Đánh Cá Phi Luật Tân ở Biển Đông


(Hình: Tàu Hải cảnh của Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tuần tra của Phi Luật Tân khi tàu này đang đi yểm hộ hoạt động tiếp tế cho các trạm tiền tiêu của Phi Luật Tân ở Bãi Cỏ May hôm 5/8/2023.)
-Phi Luật Tân và Hoa Kỳ lên án tàu Hải giám Trung Quốc có thể cùng với tàu Dân quân Biển của Hoa Lục vào ngày 9/12/2023 liên tục phun vòi rồng vào 3 tàu đánh cá của Phi Luật Tân, không cho tiếp cận khu vực Bãi cạn Scaborough ở Biển Đông.

Hãng thông tấn AP loan tin cho biết sự việc diễn ra vào trưa ngày 9/12 và dẫn lời các giới chức Phi Luật Tân cho biết vụ tấn công bằng vòi rồng gây thiệt hại đáng kể cho thiết bị thông tin và định vị của 1 trong 3 chiếc tàu đánh cá thuộc Cơ quan Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản của Phi Luật Tân.
Các giới chức Phi Luật Tân còn cho biết các tàu nghi là Dân quân Biển tháp tùng các tàu Hải giám Trung Quốc sử dụng thiết bị siêu âm tầm xa có thể làm điếc tai đã gây "khó chịu và mất khả năng hoạt động tạm thời" đối với một số thủy thủ Phi Luật Tân.

Đại diện lực lượng đặc nhiệm của chính phủ Manila chuyên trách vấn đề tranh chấp ở Biển Tây Phi Luật Tân (hay Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam) vào ngày 9/12 lên án mạnh mẽ các hoạt động phi pháp và gây hấn của Hải giám và tàu dân quên biển Trung Quốc đối với các tàu dân sự thuộc Cơ quan Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản của Phi Luật Tân.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila, MaryKay Carlson cũng lên án các hành động gây hấn và phi pháp như thế của phía Trung Quốc. Trên tài khoản X, trước đây là Twitter, Đại sứ MaryKay Carlson, nêu rõ "hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và gây nguy hại đến mạng sống, sinh kế của ngư dân Phi Luật Tân. Hoa Kỳ đứng về phía các thân hữu Phi Luật Tân, các đối tác, và đồng minh trong việc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở".

Vụ tấn công bằng vòi rồng của phía Trung Quốc đối với 3 tàu Phi Luật Tân như vừa nêu là vụ mới nhất trong chuỗi hoạt động gây hấn, quyết đoán của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông tranh chấp lâu nay.

Không có nhận xét nào: