Việt Nam từng được nhận xét là có biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ để khuyến khích xuất khẩu, nhưng GDP tăng trưởng không như kỳ vọng.Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới công bố bản cập nhật kinh tế vĩ mô mới nhất của Việt Nam, trong đó nói rằng nền kinh tế Việt Nam “vẫn phải đối mặt với những khó khăn”.Trong tình hình đó, theo tổ chức tài chính này, các cơ quan chức năng “có thể xem xét gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế (2022-2023) sang năm tới để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đầy đủ, hỗ trợ tổng cầu”.
<!>
World Bank cho rằng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, những điểm yếu của khu vực tài chính “đòi hỏi phải tiếp tục cảnh giác”.
Đồng thời, theo tổ chức tài chính này, Việt Nam phải “nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người theo dõi tình hình Việt Nam, cho VOA tiếng Việt biết: “Nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, tức là năm 2023, gặp rất nhiều khó khăn. Xuất khẩu giảm sút. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, các cửa hàng đóng cửa. Người dân gặp khó khăn, tuy rằng nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức không phải là quá kém”.
Theo World Bank, thu ngân sách chính phủ 11 tháng đầu năm 2023 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2022, do các hoạt động kinh tế “chững lại”, trong khi chi tiêu công lũy kế 11 tháng đã tăng 10,6%, phản ánh nỗ lực của chính phủ nhằm “hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại”.
Trong năm 2024, ông A cho biết rằng ông hy vọng đời sống của người dân ở Việt Nam “sẽ được cải thiện thêm” nhưng ông cũng nói thêm rằng điều đó “khá là mong manh” vì “bản thân cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam này nó sinh ra sự mong manh đó”.
Ông nói: “Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài vào loại nhất thế giới. Cái đó có thể đo bằng lượng xuất [nhập] khẩu trên GDP, lên đến 170-180% của GDP. Xuất nhập khẩu ấy. Một mặt, con số đấy cho thấy rất là tốt, Việt Nam hội nhập rất là sâu vào nền kinh tế thế giới. Nhưng mà hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới mà ở trong nội địa của mình nó không thực sự phát triển thì ở thế giới mà người ta hắt hơi, sổ mũi ở đâu đấy là có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam này”.
Theo World Bank, bất chấp sự sụt giảm nhỏ và có thể chỉ mang tính tạm thời trong xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa nói chung trong tháng 11 vẫn ổn định trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài phục hồi, tăng lần lượt 6,7% và 5,1%. “Tuy nhiên, xuất khẩu và nhập khẩu lũy kế trong 11 tháng năm 2023 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022, giảm lần lượt 5,9% và 10,7%”, tổ chức tài chính cho biết.
Ông A lấy ví dụ về tác động “ngoài tầm kiểm soát” đối với Việt Nam như cuộc xung đột ở Dải Gaza cũng như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, đồng thời nói thêm về việc nền kinh tế Việt Nam “dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài”.
Ông nói thêm: “Khu vực đấy rất là quan trọng, đầu tư nước ngoài rất là tốt. Nhưng mà nếu chính phủ không lưu ý đến chuyện phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thực sự thì đến một lúc nào đấy họ không thấy thích nữa thì sẽ xảy ra khủng hoảng khủng khiếp về mặt kinh tế ở Việt Nam”.
Theo World Bank, cam kết Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) lũy kế trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục tăng, đạt 28,8 tỷ USD, cao hơn 14,8% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp những bất ổn toàn cầu, “phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam”.
Tuy nhiên, tổ chức tài chính này cho biết, con số này vẫn thấp hơn khoảng 10% so với mức trước Covid (2019). Bất động sản chỉ chiếm 3,5% vốn đăng ký trong 11 tháng đầu năm 2023 so với 16,7% cùng kỳ năm 2022, phản ánh tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản trong nước.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong tháng này giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay xuống còn 5,2% so với dự báo trước đó là 5,8%. Trong báo cáo về “Triển vọng phát triển châu Á”, ADB dự báo rằng tăng trưởng trong năm 2024 của Việt Nam duy trì ở mức 6,0%.
“Rủi ro đối với triển vọng bao gồm lãi suất tăng cao liên tục ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác, có thể góp phần gây bất ổn tài chính ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ cao”, ADB viết trong thông cáo. “Sự gián đoạn nguồn cung tiềm ẩn do hiện tượng thời tiết El Niño hoặc việc Nga xâm chiếm Ukraine cũng có thể khơi dậy lạm phát, đặc biệt là liên quan đến lương thực và năng lượng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét