1. Nhóm Khủng Bố Hamas – Palestine Tấn Công Israel
Vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, Hamas, một tổ chức bị lên án là khủng bố Hồi Giáo – Palestine đang kiểm soát Dải Gaza, đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, giết chết 1.200 người và bắt cóc khoảng 240 con tin. Israel đã phản ứng bằng các cuộc không kích vào miền Nam Gaza, và tiến hành một cuộc tấn công bằng bộ binh. Cho đến nay, hơn 20.000 người đã thiệt mạng ở Gaza. Đây là cuộc tấn công chưa từng có trong suốt chiều dài cuộc xung đột âm ỉ hơn 70 năm qua giữa Israel và người Palestine.
Một thỏa ước ngừng bắn tạm thời trong bảy ngày đã diễn ra, để Hamas thả hơn 100 con tin của Israel, đổi lấy 240 người Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Palestine đang gây ảnh hưởng đáng kể lên toàn cầu. Trong những ngày đầu, công luận thế giới đứng về phía Israel lên án hành động khủng bố của Hamas. Tuy nhiên, sau đó với những cuộc không kích của Israel vào các cao ốc bị tình nghi là Hamas đang ẩn náu bên dưới các đường hầm, khiến nhiều người dân Palestine chết và bị thương, lằn ranh phân chia công luận bắt đầu hiện rõ. Trong lúc các chính phủ Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức… ủng hộ quyền tự vệ của Israel trong chủ trương tận diệt Hamasq của nước nầy, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đang nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp thế giới với lời kêu gọi chính quyền Israel phải ngưng chiến vì số thương vong dân sự quá cao.
Việc Hamas bất ngờ tấn công Israel cũng làm phức tạp và trì hoãn các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Ả rập Xê út và Israel. Nguy hiểm hơn nữa là sự gia tăng các hoạt động quân sự của những chính phủ và nhóm vũ trang trong khu vực nhằm ủng hộ dân Palestine và chia bớt nỗ lực đối phó của quân đội Israel.
Đặc biệt, các cuộc tấn công hỏa tiễn từ Yemen vào các tàu quân sự lẫn dân sự qua Biển Đỏ đang đe dọa chuỗi cung ứng trong vùng và Châu Âu. Cuộc chiến đang sắp bước qua tháng thứ ba, nhưng viễn cảnh ngưng chiến giữa Hamas và Isreal không có nhiều xác suất xảy ra. Chưa có nước nào hay liên minh nào, kể cả Liên Hiệp Quốc, đưa ra được đề nghị gì mang tính giải pháp dứt khoát và lâu dài.
Tuy nhiên cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã làm thay đổi quan điểm của khối Ả Rập về cục diện Trung Đông. Có đến 57% dư luận Ả Rập muốn loại bỏ tổ chức khủng bố Hamas để ngăn chặn những khuynh đảo của chế độ Iran trong nội bộ người Palestine, và muốn Israel thực thi nghiêm chỉnh Thỏa Ước Oslo vào thập niên 90 về việc công nhận hai nhà nước Israel và Palestine. Đây có thể là mấu chốt quan trọng cho những cuộc đàm phán để tiến đến việc “phi bạo lực hóa” Dải Gaza trước khi đạt được những thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Palestine.
2. Cuộc Đua Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) và Hiện Tượng ChatGPT
Vào tháng 11, 2022 một công nghệ được tung ra và làm chấn động không chỉ giới kỹ thuật mà còn có ảnh hưởng trên mọi lãnh vực trong đời sống con người. Đó là ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer). Đây là một công cụ chatbot được phát triển bởi công nghệ AI của Công ty Open AI, được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ có tên gọi là GPT-3.5.
Chúng ta hình dung một cuộc đối thoại giữa hai người: Một người hỏi và người kia trả lời, thì Chat GPT là như thế. Nhưng GPT trả lời từ những căn cứ, những kiến thức nào?
GPT có sẵn trong bộ nhớ của nó với một lượng dữ liệu khổng lồ (thuật ngữ gọi là Big Data). Với sự tiến bộ của công nghệ và một thuật toán thông minh, GPT có khả năng truy tìm tất cả những dữ liệu có ít nhiều liên quan đến câu hỏi và trả lời cho chúng ta.
Một khía cạnh nổi bật nhất của ChatGPT là tính dễ truy cập. Chỉ cần vài lần “nhấp con chuột” để bắt đầu cuộc trò chuyện. Ứng dụng là vô tận, từ sinh viên đến chuyên gia, mọi người đều có thể tìm thấy thứ gì đó hữu ích từ công cụ này.
Câu hỏi đặt ra là Chat GPT có những giới hạn nào không?
Trước tiên, GPT đúng ra là chưa có khả năng đối thoại mà mới chỉ ở giai đoạn độc thoại. Nghĩa là chúng ta hỏi và “nó” trả lời. “Nó” chưa linh hoạt đặt ra một câu hỏi như một cuộc trò chuyện bình thường.
Thứ hai, cho dù được gọi là thông minh, nhưng ChatGPT thỉnh thoảng vẫn vấp phải một số lỗi sơ đẳng. Chẳng hạn khi được hỏi tên của 3 vị nữ tổng thống của nước Pháp (một loại câu hỏi quá đơn giản), GPT trả lời là Simone Veil! Thực sự thì nước Pháp chưa hề có nữ tổng thống. Đây chỉ là một thí dụ nhỏ, còn rất nhiều câu GPT trả lời sai hoàn toàn và thậm chí không trả lời được một số câu hỏi đơn giản. Và cho đến ngày hôm nay, việc “gài bẫy” GPT không có gì là khó khăn.
Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều đe dọa.
Lợi ích của AI:
– AI có thể giúp chúng ta giải quyết công việc một cách hiệu quả, nhanh giỏi hơn con người rất nhiều, thậm chí làm được những điều mà con người không thể làm được nhờ cách phân tích và tổng hợp hàng tỷ dữ liệu trong nháy mắt, và trong hầu hết mọi lãnh vực: khoa học, y học, toán học, kinh tế, tài chánh… AI có thể giúp con người “nhảy vọt” một cách phi thường trong các lãnh vực này, thậm chí có thể chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị cho bệnh nhân, nhưng các chuyên gia y học khẳng định là sẽ không thể thay thế các bác sĩ.
– AI có thể giúp con người vượt qua rào cản ngôn ngữ để tìm hiểu và trình bày gãy gọn, mạch lạc về một vấn đề nào đó, hoặc viết một bản tin, một áng văn.
Đe dọa của AI:
– AI có thể vượt tầm kiểm soát của con người, thực hiện những hành động của con người mà không hề có sự hiểu biết và phán xét về tình cảm hay cảm xúc và đạo đức.
– AI có thể làm cho một số công việc trở nên lỗi thời và khiến nhiều người thất nghiệp (nhưng đồng thời cũng có thể mở ra những cơ hội mới).
– Có những lo ngại về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sai trái bởi những thành phần gian tà và ảnh hưởng đến an nguy cho xã hội lẫn nhân loại. Hiện nay, AI có thể giả giọng nói, ghép hình ảnh như thật và đây là quan tâm hàng đầu về hiện tượng lừa đảo đang tràn lan qua mạng Internet, thậm chí tin giả, video giả đang là mối lo của các giới chức Mỹ lên cuộc bầu cử năm 2024.
3. Tòa Án Hình Sự Quốc Tế Ra Lệnh Bắt Giữ Putin – Tội Phạm Chiến Tranh
Ngày 17 tháng 3 năm 2023, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) tại The Hague ra án lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Maria Lvova-Belova, Đặc ủy viên Quyền Trẻ Em của Liên bang Nga. Lệnh bắt giữ được đưa ra sau cuộc điều tra có kết luận hai nhân vật trên phạm tội ác chiến tranh vì đã bắt cóc nhiều ngàn trẻ em Ukraine đưa về Nga.
Chính phủ Ukraine đưa ra con số trên 19.000 trẻ em Ukraine bị quân Nga bắt đi từ các vùng chiếm đóng. Đa số những trẻ em này bị cách ly khỏi gia đình, và đem đến các khu tập trung thuộc hệ thống trại cải tạo (tẩy não) của Nga. Các trẻ em này bị nhồi sọ và biến chúng trở thành những kẻ trung thành với điện Kremlin, được đào tạo như một công cụ để phục vụ Nga thực hiện chiến lược thôn tính toàn bộ đất nước Ukraine trong tương lai. Trong khi đó, phía Nga thì nói rằng họ đang “cố gắng” bảo vệ nhiều trẻ em Ukraine được an toàn giữa bối cảnh chiến tranh.
Trong quá khứ, Tòa Hình Sự Quốc Tế đã từng đưa ra án lệnh bắt giữ nhiều quan chức và một vài nguyên thủ quốc gia, tuy nhiên lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin là án lệnh đầu tiên nhắm vào nguyên thủ của một cường quốc. Chiếu theo nguyên tắc thi hành, Tổng thống Putin có thể sẽ bị câu lưu và bị dẫn độ nếu ông ta đặt chân đến 123 quốc gia thành viên thuộc Quy Chế Rome (những nước ký kết, đồng ý dẫn độ tội phạm chiến tranh).
Mặt khác, dù có tránh né không đi tới những quốc gia thuộc Quy Chế Rome, Vladimir Putin vẫn có nguy cơ sẽ bị dẫn độ thẳng từ Nga đến Tòa Hình Sự Quốc Tế trong tương lai. Án lệnh bắt giữ tội phạm chiến tranh thường vẫn được gia hạn sau nhiều năm. Chẳng hạn như trường hợp Tổng thống Nam Tư Slobodan Milošević, sau khi bị mất quyền lực rời khỏi chính quyền ông ta đã bị dẫn độ từ quê nhà tới The Hague rồi chết ở trong tù.
Cũng tương tự như một số sĩ quan Đức Quốc Xã từng phạm tội diệt chủng trong Thế Chiến Thứ Hai, dù một số kẻ đã tìm cách lẩn trốn trong nhiều thập niên, nhưng rồi cũng bị bắt đưa về tòa án tại The Hague xử tội.
Hiện tại viên tổng thống Nga vẫn đang bình an vô sự nhưng theo lời người đại diện Hiệp Hội Công Lý Quốc Tế thì án lệnh nói trên đang làm cho ông Putin trở thành đối tượng bị truy nã.
Một ngày nào đó nếu Vladimir Putin bị dẫn độ đến The Hague để xét xử như một tội phạm chiến tranh thì đó không phải là điều ngạc nhiên.
4. Hội Nghị Vành Đai & Con Đường (BRF) Của Trung Quốc Bị Teo Lại Sau 10 Năm
Ngày 17 tháng 10 năm 2023 vừa qua tại thủ đô Bắc Kinh, đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường (BRF Forum) lần thứ 3. Bộ Ngoại giao Trung Quốc loan tải rằng Hội nghị BRF 3 quy tụ 4.000 người tham dự, gồm đại diện của hơn 140 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nếu xét về tầm vóc và sự tham dự của nguyên thủ các quốc gia thì hội nghị lần này bị teo lại. Tại BRF 1 năm 2017 có 29 nguyên thủ quốc gia và BRF 2 năm 2019 có tới 37 nguyên thủ quốc gia tham dự. Tại BRF 3 chỉ có 20 nguyên thủ quốc gia. Điều này cho thấy “sự nhiệt tình” của các nước đối với BRI đã suy giảm khi mà nhiều dự án cho vay của Sáng kiến BRI nảy sinh nhiều vấn đề.
Vành đai và Con đường (BRI) là kế hoạch phát triển kinh tế và thương mại đầy tham vọng của Trung Quốc, tập trung vào việc cải thiện kết nối và hợp tác giữa nhiều quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Dự án này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, với mục tiêu phục hoạt và phát triển lại các tuyến đường tơ lụa cổ xưa của Trung Quốc: Cải thiện kết nối đất liền qua các tuyến đường bộ và đường sắt, kết nối từ Trung Quốc đến Châu Âu qua Trung Á và Trung Đông, cũng như tập trung vào việc kết nối hàng hải qua các cảng biển, từ Trung Quốc đến Châu Phi qua Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.
Hội nghị BRF là cơ hội quan trọng để các quốc gia và tổ chức quốc tế hợp tác, thúc đẩy kinh tế, đầu tư, và phát triển bền vững. Tuy nhiên, một số quốc gia lo ngại rằng việc tham gia dự án này có thể khiến họ trở thành “con nợ lớn” của Trung Quốc và họ cũng mong muốn sự bảo đảm rằng các dự án không gây thiệt hại cho môi trường và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. BRI đang tạo ra sự quan tâm và tranh luận trên toàn cầu, và việc thực hiện cẩn thận và minh bạch là cần thiết để bảo đảm lợi ích cho tất cả các nước tham gia.
Nhà cầm quyền CSVN đã tham gia diễn đàn BRI ngay từ năm 2013 khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư đảng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự BRF 1 vào tháng 5, 2017. Ông Trần Đại Quang dự trù tham dự BRF 2 vào năm 2019 thì bị đột tử nên ông Nguyễn Phú Trọng, lúc bấy giờ là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, phải đi dự BRF 2, nhưng vì lý do đột quỵ nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thay thế. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự BRF 3 vào tháng 10 năm 2023.
Trên bề mặt, CSVN tuyên bố hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực của BRI, nhưng trong thực tế, Hà Nội rất thận trọng trong các hợp tác đầu tư kinh tế với Bắc Kinh. Lý do là Hà Nội hoảng loạn trước cuộc biểu tình chống Luật Đặt Khu bộc phát vào ngày 10 tháng 6 năm 2018 xảy ra cùng lúc tại 12 tỉnh, thành ở Viêt Nam, khi Quốc hội dự trù thông qua việc cho các nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất trong 99 năm.
5. Phương Tây Đang Mệt Mỏi Vì Chiến Cuộc Ukraine
Sau nhiều đe dọa và dàn trải quân Nga dọc biên giới Ukraine, rạng sáng ngày 24 tháng 2, 2022 Tổng thống Liên bang Nga Putin đã huy động hàng trăm ngàn quân từ ba hướng Nga, Belarus và Crimea tấn công vào lãnh thổ Ukraine. Đến cuối năm nay, tháng 12, 2023, cuộc chiến đã trải qua đúng 1 năm và 10 tháng và vẫn còn đang nóng bỏng, chưa thấy mầm ngưng chiến, đem hòa bình trở lại cho Ukraine.
Về thiệt hại của Nga, theo một báo cáo mật của tình báo Hoa Kỳ ước tính rằng có 315.000 lính Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Tổng thống Putin đã tổng động viên 2 lần để huy động hàng trăm ngàn thanh niên Nga ra chiến trường nhằm cố thủ một số những phần đất mà Nga đã chiếm của Ukraine trong cuộc chiến xâm lược vừa qua. Mục tiêu của Nga là cố thủ và đánh tiêu hao để buộc chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine phải ngồi vào bàn hội nghị.
Trong khi đó, những thiệt hại của Ukraine không có bút mực nào kể xiết. Hơn 3 triệu người đã phải rời khỏi đất nước lánh nạn chiến tranh. Hơn 70% hạ tầng cơ sở, nhà cửa, trường học, công sở, đường sá đều bị phá hủy hay không thể sử dụng. 80% nền kinh tế bị tê liệt và cuộc sống của người dân đa phần dựa vào sự giúp đỡ của phương Tây.
Trong gần hai năm qua, Hoa Kỳ và Phương Tây đã viện trợ cho Ukraine trên 120 tỷ Mỹ kim, trong đó viện trợ quân sự chiếm 2/3, số còn lại dành để trả lương công nhân viên, hỗ trợ kinh tế và nhất là tu sửa hệ thống năng lượng bị không quân Nga phá hủy qua các cuộc oanh kích.
Nói chung, Ukraine đứng vững được trong thời gian qua là nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ và Phương Tây. Nhưng cũng chính sự ủng hộ toàn diện này đã giúp cho người dân và quân đội Ukraine chiến đấu dũng cảm và gây rất nhiều thiệt hại cho Nga. Một trong những thiệt hại to lớn của Nga là không còn đủ lực lượng tinh nhuệ để tổ chức các cuộc tấn công tái chiếm những phần đất mà Nga đã chiếm của Ukraine khi bắt đầu cuộc xâm lược vào tháng 2, 2022. Chính yếu tố này đã khiến cho Nga sa lầy và rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan tại Ukraine.
Theo tin tức ngày 25/12/2023, ông Oleksandr Shtupun, phát ngôn nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết: “Ngày càng có nhiều người từ các lực lượng xâm lược từ chối tham gia vào cuộc xung đột.” Lính Nga thà chọn bị Ukraine bắt giữ hơn là chiến đấu, họ đã buông vũ khí đầu hàng trước khi bắn trả. Lý do là vì họ bị đối xử vô nhân đạo từ phía chính quyền Nga và cấp chỉ huy khi phạm lỗi: Họ bị lột trần và đưa vào hố lạnh, bị đánh đập và đe dọa hành quyết. Sự đối xử tàn bạo này đang khiến ngày càng có nhiều binh sĩ Điện Kremlin thích bị Ukraine giam cầm hơn! Tình hình giữa binh lính Nga và chỉ huy của họ đang vô cùng căng thẳng.
Nhưng nếu Ukraine không nhanh chóng tái chiếm những lãnh thổ đã mất vào tay Nga thì Hoa Kỳ và Phương Tây rất khó duy trì nhịp độ viện trợ ào ạt như trong quá khứ vì hai lý do. Một là tâm lý lo ngại những bất ổn kinh tế khiến các chính phủ Phương Tây khó có thể duy trì mức độ viện trợ như trước. Hai là cuộc chiến giữa Israel và Hamas bộc phát bất ngờ đã khiến cho Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Phương Tây phải dồn quan tâm giúp đỡ Israel, tức là giảm phần nào sự ủng hộ Ukraine trong thời gian tới.
Chính những diễn biến phức tạp nói trên, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu cuộc chiến giữa Hamas và Israel kéo dài thì các chính quyền Hoa Kỳ và Phương Tây có thể bị những áp lực của quần chúng giảm dần các viện trợ và buộc Ukraine vào vòng đàm phán với Putin.
6. Hoàng Đế Tập Cận Bình Tiếp Tục Nhiệm Kỳ Thứ Ba
Ngày 10 tháng 3, 2023, Quốc hội Trung Quốc khóa 14 họp phiên khoáng đại đã nhất trí 100% bầu Tổng bí thư Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ 3 (đến năm 2028). Số phiếu “tín nhiệm – 2952/2952” cho thấy là uy lực tột đỉnh của họ Tập muốn trở thành hoàng đế vĩnh viễn cho đến khi chết.
Khi lên nắm quyền vào năm 2013, Tập Cận Bình đã đưa ra chủ thuyết “Trung Hoa Mộng” với tham vọng là tập trung xây dựng Trung Quốc trên ba chân vạc: Thống trị nền công nghiệp toàn cầu qua chính sách Made In China 2025; Cô lập Hoa Kỳ và nối kết thế giới trong chính sách Một Vành Đai – Một Con Đường (BRI); Xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh qua chính sách “hải quân nước xanh” để khống chế toàn cầu. Mơ ước của họ Tập là trở thành một nhân vật lịch sử đã phục hưng Trung Quốc, qua mặt Hoa Kỳ, thành siêu cường số 1 vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nhưng quyền lực tuyệt đối thì luôn dẫn đến sai lầm tuyệt đối. Họ Tập chưa có khả năng hét ra lửa như trùm đỏ Stalin của Liên Xô ngày nào, nhưng cuối cùng Stalin cũng đã bị đồng chí Khrushchev hạ bệ thê thảm và quật mồ quăng xác ra khỏi Công trường Đỏ để cứu nước Nga, Tập cũng chưa uy quyền to lớn được như Mao Trạch Đông nhưng rồi Mao cũng bị Đặng Tiểu Bình thay thế, quay Trung Quốc 180 độ từ chống Mỹ sang đồng minh với Mỹ để cứu nước Tàu thoát khỏi đói nghèo và mục rã!
Những bài học cay đắng và bi thảm cho các lãnh tụ đầy tham vọng và độc tài như thế trong thế giới cộng sản cũng như nhiều nơi khác trên thế giới chắc chắn ngày càng làm cho Tập đứng ngồi không yên trên ngai vàng độc tài chuyên chế.
Đó là lý do mà trước khi “đắc cử” nhiệm kỳ 3 và mãi cho đến hôm nay, Tập đã thanh trừng không nương tay tất cả những ai không đồng quan điểm với Tập, cho dù rất ít kẻ dám. Càng độc tài thì càng thấy nhiều kẻ thù vây quanh mình, họ Tập thực sự đang sống hằng ngày trong tâm trạng nơm nớp lo sợ đó. Nhân dân Trung Hoa nói riêng và thế giới nói chung không ai ngạc nhiên trước những hành động ngày càng nham hiểm của Tập và ai cũng thấy rõ triều đại Tập sẽ kết thúc như thế nào.
7. Prigozhin Nổi Loạn Tại Nga
Vào ngày 23 tháng 6, 2023 Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, đưa hàng nghìn quân vào miền nam nước Nga trong một vụ nổi loạn bị xem là phản quốc.
Wagner ban đầu là một tổ chức quân sự tư nhân của Nga hoạt động ở Syria, Châu Phi và những nơi khác. Lãnh đạo Yevgeny Prigozhin, 61 tuổi, là một nhà tài phiệt Nga và là đồng minh thân cận của Putin. Kể từ đầu năm 2023, Wagner đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trên chiến trường Bakhmut, thuộc tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine.
Prigozhin được Putin cho phép vào các trại tù tuyển hàng ngàn tù nhân cho tập đoàn lính đánh thuê Wagner của mình, chủ yếu là cố thủ vùng Bakhmut để Ukraine không thể tái chiếm. Nhiều lần Prigozhin đã yêu cầu các tướng lãnh trong Bộ Tham mưu Quân đội Nga tại Ukraine cung cấp đủ đạn dược và vũ khí để chiến đấu nhưng bị từ chối, khiến lính đánh thuê Wagner bị thiệt hại nặng.
Trong một phát biểu gửi qua mạng Telegram vào ngày 23 tháng 6, Prigozhin đã công khai nói với dư luận Nga rằng toàn bộ sự biện minh cho cuộc chiến tranh tại Ukraine là dối trá và thuần túy chỉ là sự biện minh cho “một nhóm nhỏ những kẻ đê hèn” để tự nâng bệ cho chính mình, đánh lừa công chúng.
Thủ lãnh Prigozhin còn nói lên sự giận dữ của mình đối với các tướng lãnh của Nga buộc nhóm Wagner phải nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội nước này kể từ ngày 1 tháng 7, 2023. Chính vì bất mãn và coi thường các tướng lãnh Nga, Prigozhin đã huy động hàng nghìn tay súng đang tham chiến ở Ukraine vượt biên giới tiến vào Thành phố Rostov-on-Don của Nga và chiếm Bộ Tư lệnh Quân đội Nga tại mặt trận Ukraine.
Căng thẳng tiếp tục leo thang trong ngày 24 tháng 6, khi Prigozhin đưa hàng ngàn lính Wagner tiến về Thủ đô Moscow để “đòi công lý.” Tin tức này đã nhanh chóng loan truyền trên các hệ thống truyền thông quốc tế, cả thế giới đã theo dõi cuộc tiến quân trong sự bối rối của Điện kremlin. Tuy nhiên, khi đoàn xe của Wagner chỉ cách Thủ đô Moscow khoảng 200 cây số, thì xuất hiện tin tức về một thỏa thuận kỳ lạ do Tổng thống Belarus Alexandr Lukashenko làm trung gian. Đến cuối ngày thứ Bảy 24 tháng 6, Prigozhin tuyên bố dừng cuộc nổi dậy và ra lệnh cho các chiến binh Wagner rút về căn cứ. Với “thỏa thuận” này, Putin sẽ không kết tội thủ lãnh Wagner là phản quốc và Prigozhin được rời Nga đến cư ngụ tại Belarus.
Hai tháng sau, vào ngày 23 tháng 8, Cơ quan ậnVận tải Hàng không Nga loan báo về một tai nạn máy bay đi từ Moscow đến Saint Petersburg bị tại nạn ở vùng Tver, phía Bắc Moscow. Chiếc Embraer Legacy – được đăng ký bởi một trong những công ty của Prigozhin, đã bốc cháy khi chạm đất và trước đó được cho là đã bay trên không chưa đầy nửa giờ. Thủ lãnh Prigozhin cùng với 6 thuộc hạ trong tập đoàn Wagner bị tử nạn trong chuyến bay định mệnh này!
Sự nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner dẫn đến cái chết bi thảm của thủ lãnh Prigozhin cho thấy là quyền lực của Putin vẫn còn khả năng kiểm soát những ai dám chống lại ông ta.
8. Hoa Kỳ Bắn Hạ Khinh Khí Cầu Do Thám Của Trung Quốc Trên Đất Mỹ
Ngày 4 tháng 2, 2023, một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua bầu trời tiểu bang Montana và dạt tới ngoài khơi bờ biển tiểu bang South Carolina. Sự việc đã thu hút giới quan sát về mối quan hệ đang trở nên xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm đầu năm 2023. Tổng thống Joe Biden đã hạ lệnh bắn hạ khí cầu mà giới chức Mỹ cho rằng nó đang được Trung Quốc sử dụng “trong nỗ lực do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa của Mỹ.”
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng khinh khí cầu không người lái được dùng trong hoạt động nghiên cứu thời tiết, đã bị đi chệch khỏi lộ trình dự kiến. Mặc dù phía Trung Quốc có lên tiếng xin lỗi về sự kiện này nhưng do những áp lực mạnh mẽ của công luận Hoa Kỳ nên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken phải hoãn chuyến viếng thăm lần đầu tiên đến Bắc Kinh, và Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng chiến đấu cơ F-22 với hỏa tiễn AIM-9X Sidewinder để bắn hạ khinh khí cầu trên không phận xung quanh bờ biển Nam Carolina.
Vụ khinh khí cầu đã như giọt nước làm tràn ly những căng thẳng vốn tồn đọng từ lâu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là từ sau chuyến viếng thăm Đài Loan của bà Nancy Pelocy, Chủ tịch Hạ Viện vào tháng 8 năm 2022. Sự kiện hai ngoại trưởng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không gặp nhau, dù chỉ là để chào “xã giao” trong Hội nghị An ninh Munich kéo dài trong 3 ngày từ 17 đến 19 tháng 2 – hai tuần sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, đã khiến cho mọi cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các giới chức hai nước sau đó hoàn toàn bị đông lạnh.
Tuy nhiên sau khi được bầu ở lại nhiệm kỳ thứ ba trong Đại hội đảng lần thứ 20 vào tháng 10, 2022, Tập Cận Bình đối diện với ba khó khăn: Một là nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát sau thời gian áp dụng chính sách sai lầm về Zero Covid 19; Hai là tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ gia tăng đe dọa đến sự bất ổn xã hội; Ba là những bất mãn trong nội bộ đảng bộc phát với những chỉ trích về các chính sách sai lầm của Tập về đối ngoại.
Phía Hoa Kỳ cho rằng những khó khăn mà Tập Cận Bình đối diện, nếu không được theo dõi để tìm biện pháp ứng phó, thì có thể dẫn đến những khủng hoảng toàn cầu do sức ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Chính vì thế mà từ tháng 6 năm nay, Hoa Kỳ đã tìm cách mở lại các kênh liên lạc về ngoại giao, quốc phòng, thương mại, biến đổi khí hậu với những cuộc gặp gỡ giữa một số giới chức cao cấp trong các bộ liên hệ. Nhưng cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Malta vào hai ngày 16-17 tháng 9, được hai bên đánh giá là cuộc đàm phán “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” để dẫn đến việc ông Tập Cận Bình chấp nhận sang Hoa Kỳ gặp Tổng thống Biden nhân dịp Hội nghị APEC tổ chức tại San Francisco vào tháng 11 năm 2023.
9. Ra Đời Tam Giác Nhật Bản – Hoa Kỳ – Philippines Để Bảo Vệ Biển Đông
Hôm 13 tháng 12 năm 2023, trước những hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây và rạn san hô Scarborough, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan (Hoa Kỳ), Cố vấn An ninh Quốc gia Akiba Takeo (Nhật Bản), và Cố vấn An ninh Quốc gia Eduardo Año (Philippines) đã có một cuộc điện đàm, nhằm xác nhận sự cam kết về tự do hàng hải và luật quốc tế ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nhật Bản, đối mặt với đe dọa từ Trung Quốc, đã tăng cường nỗ lực đối phó ở Đông Nam Á, tập trung vào hợp tác với Philippines và Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực ngoại giao, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức các kỳ thượng đỉnh và ký các thỏa thuận về an ninh và kinh tế. Nhật Bản cũng đã hỗ trợ Philippines giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Về kinh tế, Nhật Bản hỗ trợ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp Philippines phát triển và giảm áp lực từ Trung Quốc. Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ giáo dục, y tế và nông nghiệp của Philippines. Trong lĩnh vực an ninh, Nhật Bản cung cấp trang thiết bị quân sự và tham gia cuộc tập trận chung để nâng cao khả năng phòng thủ của Philippines. Đồng thời, hai bên đang đàm phán về Thỏa thuận về Lực lượng Đồn trú (VFA), mở ra khả năng triển khai quân đội Nhật Bản tới Philippines để cứu trợ thiên tai và tập trận chung. Những nỗ lực này củng cố quan hệ và đồng thời gia tăng khả năng phòng thủ của Philippines trước đe dọa từ Trung Quốc.
Đối với Hoa Kỳ, quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một trong những mối quan hệ an ninh chặt chẽ nhất thế giới, đặc biệt tập trung vào duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nền tảng của mối quan hệ này là Hiệp ước An ninh Đồng minh Nhật Bản-Hoa Kỳ, ký kết từ năm 1951, cam kết bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp bị tấn công.
Trong khi đó, quan hệ giữa Hoa Kỳ với Philippines dưới thời Tổng thống Marcos Jr. phải nói là thay đổi 180 độ so với thời Tổng thống tiền nhiệm Duterte. Hoa Kỳ và Philippines đã ký chung Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), qua đó Manila cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, nâng tổng số căn cứ Mỹ có thể đồn trú và khí tài quân sự tại Philippines lên đến 9 căn cứ. Và quan trọng hơn vào tháng 11 năm nay, Hoa Kỳ và Philippines cùng ký chung một bản “Hướng dẫn về hợp tác an ninh nhằm đối phó với cuộc chiến tranh không cân xứng, chiến tranh hỗn hợp và các chiến thuật vùng xám.” Mục tiêu chính yếu của hướng dẫn này là Hoa Kỳ sẽ giúp quân đội Philippines đối phó với các chiến thuật gây rối của các tàu Trung Quốc trên Biển Đông.
10. Thượng Đỉnh COP 28, Việt Nam Được Giúp 15,5 Tỷ Mỹ Kim Để Chuyển Đổi Năng Lượng Sạch
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 28 (COP28) đã được tổ chức vảo ngày 30 tháng 11 đến ngày 12 tháng 12, năm 2023 tại Dubai của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Hội nghị này nhằm có sự thoả thuận về các chính sách giữa các quốc gia về giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu và sự thích nghi của các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây nên.
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng CSVN đã có bài phát biểu tại hội nghị, vẫn là chiêu “ngửa tay” xin tiền từ các nước giàu để giải quyết vấn nạn môi trường tại Việt Nam. Ông Chính nói rằng các quốc gia phát triển phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia đang phát triển và các quốc gia chậm phát triển, qua Kế hoạch Huy động Nguồn lực (Resource Mobilisation Plan). Qua kế hoạch này, nhà cầm quyền CSVN tìm những hỗ trợ tài chính để giúp Việt Nam giảm bớt năng lượng ô nhiễm như than đá và thay vào đó là các nguồn năng lượng xanh.
Tại hội nghị này, với sự thoả thuận chung giữa Việt Nam và các quốc gia, Việt Nam được cho vay 15,50 tỷ Mỹ kim với mức lời phải chăng, và sẽ được phân phối trong vòng 3-5 năm tới để đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng xanh, và giảm lượng sử dụng than đá. CSVN còn đưa ra kế hoạch là sẽ đẩy mạnh để giảm lượng than đá dùng từ 31% (trong năm 2020) xuống còn 20% trong năm 2030.
Đầu năm nay, CSVN cho công bố kế hoạch toàn quốc gia với mục tiêu tăng sản suất năng lượng tối đa là 150 gigawatts cho tới năm 2030. Họ sẽ mở rộng việc dùng ga sản suất trong nội địa cũng như nhập khẩu ga dưới dạng chất lỏng. Cho tới năm 2030, dự trù sử dụng năng lượng ga chiếm 25% năng lượng Việt Nam, cũng như các nguồn năng lượng xanh như thủy điện, gió, mặt trời và các loại năng lượng tái tạo khác chiếm 50% phần còn lại. Đây chỉ là số liệu mang màu hồng để “khoe” trước hội nghị hầu xin tiền, trong thực tế không ai tin là Việt Nam có khả năng thực hiện những cam kết này.
Điều đặc biệt là tại Hội nghị COP28, nhiều tổ chức NGO về nhân quyền và môi trường đã lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng nhân quyền và tức khắc trả tự do cho các nhà hoạt động bảo vệ môi trường như bà Hoàng Thị Minh Hồng và ông Đặng Đình Bách đang bị bắt giữ dưới tội danh vu cáo là “trốn thuế.”
Nhìn chung, CSVN có nhiều hứa hẹn trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc này, nhưng liệu họ có giữ lời hứa để bảo vệ môi trường bằng cách thay thế việc sử dụng than đá bằng các năng lượng tái tạo xanh không? Hay đây chỉ là thủ thuật của Việt Nam đi gom vốn, mượn tiền để cho vào túi riêng của các lãnh đạo. Và nếu chính quyền Việt Nam thật sự lo lắng cho môi trường Việt Nam, họ phải thả các nhà hoạt đồng môi trường đang bị giam giữ này ngay lập tức và tôn trọng một phong trào tự phát để bảo vệ môi trường sống của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét