Chiều cuối năm, se lạnh. Anh Tường, một cựu sĩ quan Đà Lạt, rất mê văn chương và đàn ca. Anh mời vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, và tôi đến nhà anh ở Huntington Beach để thưởng ngoạn sông Huntington Beach đón Giáng Sinh và Năm mới 2024 bằng du thuyền gia đình. Đặc biệt, để thưởng thức các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn và của bản thân anh. Vợ anh, chị Sâm, cũng người Quảng Trị, thì lo "tiếp liệu". Con trai anh, Tường Linh, thì ngồi ở vị trí "tài công" và phụ trách phần nhạc số. Quả là "cây nhà, lá vườn"!
<!>
Anh tâm sự: "Sau 30/4/1975, tôi bị "tập trung cải tạo" nhiều năm. Tài sản không còn gì. Ra tù, hàng tuần phải trình diện với chính quyền địa phương. Chịu hết nổi, vợ chồng tôi và các con dắt díu nhau vào Sài Gòn để mưu sinh. Vợ tôi một tay đã gây dựng lại tất cả. Bốn đứa con đều học ở Mỹ. Nhờ thế, chúng nó làm ăn khá thành đạt."
Sông Huntington Beach là một câu chuyện cổ tích được kể bằng ánh sáng.
Những ngôi nhà truyền thống hai bên sông ngày thường không có gì đặc biệt. Giờ thì lộng lẫy như những cô dâu ngày cưới với hàng nghìn đèn trang trí được thắp sáng. Hàng cây ven bờ cũng vậy, chúng kiêu sa với những chuỗi ngọc lấp lánh trên ngọn, khiến bầu trời đêm mà chúng in hằn lên trở nên lung linh. Vẻ huyền bí càng tăng mỗi khi những dải ngọc ấy đung đưa trong làn gió vô tình...
Trên sông là “boat parade” với những du thuyền cũng rực rỡ ánh đèn trang trí. Như những bức tranh di động, chúng nối đuôi nhau lướt đi, để lại trên sóng nước những dải sáng mềm mại và huyền ảo. Người trên bờ và người trên thuyền vẫy tay nhau, hò reo. Tất cả tạo nên một không khí lễ hội, rộn ràng và hạnh phúc.
Du khách thuyền nhà khoảng chục người, trong đó có một chàng ca sĩ người Cố Đô, tên Quốc Dũng. Nói là thân quen và chịu ảnh hưởng của Trịnh sâu sắc. Hôm nay anh chỉ trình bày các tác phẩm của nhạc sĩ thiên tài cùng xứ. Xen kẽ là phần thể hiện của Khánh Ly, dĩ nhiên, qua nhạc số.
Tôi hỏi Quốc Dũng: "Anh có nghĩ Trịnh Công Sơn yêu những người Cộng sản và những người Cộng sản yêu Trịnh Công Sơn không?"
Anh cười buồn: "Anh biết đấy! Ông Sơn đã sáng tác "Bài ca dành cho những xác người" và "Hát trên những xác người" ngay sau trận Mậu Thân ở Huế." Rồi hát:
Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng,
Trên giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu …
(Bài ca dành cho những xác người).
Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con...
(Hát trên những xác người)
Đến lượt mình, người cựu sĩ quan Đà Lạt vừa đệm guitare vừa hát những bài do anh sáng tác. Man mác sầu. Anh bảo: "Các con tôi hỏi tại sao bố không làm những bài ca vui. Nghĩ cũng phải, chúng nó bây giờ sướng quá, chỉ biết những niềm vui. Chúng đâu biết được những cơ cực, uẩn ức mà bố mẹ đã phải trải qua..."
Tức cảnh, tôi làm câu lục bát:
Nỗi buồn bảng lảng thuyền đây
Tưởng nghe Ca Huế đẫm đầy dòng Hương.
CÙ HUY HÀ VŨ
21/12/2023
Garden Grove, California, Hoa Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét