Tưởng nhớ nhân kỷ niệm buồn 03 năm ngày mất: 22/12/2020-22/12/2023 .
Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những tên tuổi nổi bật nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Từ phòng trà sang trọng cho đến những xóm nghèo nhập cư, từ sân khấu kịch nghệ đến chιến trường khốc liệt đều vang lên những khúc ca về tình yêu, quê hương và người lính của nhạc sĩ Lam Phương. Những ca khúc của ông đa dạng và có sức sống mạnh mẽ, dễ đi và lòng người, dễ dàng lan toả đến với mọi giới nghe nhạc. Nhạc của Lam Phương được đánh giá là không có bài nào mang triết lý sâu xa, mà đều là những ca khúc được viết với cảm xúc chân thành từ tấm lòng đôn hậu, thật thà của một người được sinh ra trên đất miền Tây.
<!>
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại tỉnh Rạch Giá, nay là thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. Ông chọn bút danh Lam Phương là từ cái tên thật Lâm Phùng của mình, nhưng cũng mang ý nghĩa là phương trời màu xanh, mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp.
Ông là hậu duệ 7 đời của một người Minh Hương di cư sang Việt Nam để trốn nhà Thanh bên Trung Quốc. Ông cố của nhạc sĩ Lam Phương là danh tướng Lâm Quang Ky, là phó tướng của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Cái tên Lâm Quang Ky lừng lẫy này đã được ghi ơn bằng việc đặt tên cho một con đường ở thành phố Rạch Giá hiện nay.
Tuy là hậu duệ của một gia tộc danh tiếng nhưng đến đời của Lam Phương thì cuộc sống rất khổ cực. Ông là con đầu lòng trong gia đình có 6 người con, vốn chỉ được gánh vác bởi một mình người mẹ tần tảo vì người cha đi biệt không về trong nhiều năm. Hình ảnh người mẹ hiền thuở thơ ấu đó đã đi vào nhạc Lam Phương sau này trong các ca khúc nổi tiếng Đèn Khuya và Kiếp Nghèo.
Cuộc sống mưu sinh của gia đình rất khó khăn, nhưng Lam Phương vẫn may mắn được đến trường học chữ nhờ sự giúp đỡ của người dượng bên ngoại. Những kiến thức căn bản đó đã hình thành nên một nhạc sĩ Lam Phương tài hoa sau này.
Dù nhà không có nhiều điều kiện nhưng Lam Phương vẫn được mẹ gửi lên Sài Gòn để học tiểu học năm ông 10 tuổi, sống ở nhà người bác ruột trên đường Đinh Công Tráng ở Dakao.
Ngày ngày trên đường đi học về, cậu bé Lâm Đình Phùng thường khi ấy thường đi ngang qua các quán cafe, rồi bị hút hồn bởi các giai điệu bài hát Tây phương được phát ra từ máy hát trong quán. Ông trở nên thích thú, tự tìm hiểu âm nhạc bằng cách mua tờ nhạc về xem, rồi tìm theo học tại tại nhà của một thầy giáo không tên tuổi ở Tân Định. Thấy người cháu đam mê học nhạc, ông bác cũng đầu tư mua sắm các nhạc cụ cơ bản như guitar và mandoline. Hiện nay cây đàn guitar đầu tiên của Lam Phương này vẫn còn được lưu giữ tại Sài Gòn.
Lam Phương theo học người thầy vô danh từ những nốt nhạc đầu tiên, với tài liệu học chính là những tờ nhạc bài hát của những nhạc sĩ thành danh thời tiền chiến là Phạm Duy, Lê Thương. Người thầy thấy cậu học trò nghèo đam mê nhạc nên tình nguyện dạy miễn phí.
Đến đầu năm 1950, Lam Phương may mắn gặp nhạc sĩ Hoàng Lang, khi đó mới 20 tuổi, và người nhạc sĩ này đã khơi nguồn cảm xúc âm nhạc cho Lam Phương, giúp Lam Phương hình thành nên những giai điệu đầu tiên của sáng tác đầu tay mang tên Chiều Thu Ấy ngay từ năm 1950, khi Lam Phương vẫn còn là một cậu bé mới 13 tuổi. Đó là 1 ca khúc nói về chuyện tình dang dở, có giai điệu phảng phất cái chất của dòng nhạc tiền chiến. Hai năm sau, Lam Phương quyết định tự in và phát hành năm 1952.
Để in tờ nhạc ca khúc này, Lam Phương đã phải đi vay bạn bè 200 đồng, rồi tự đi bán lẻ nhạc ở khắp Sài Gòn. Nhưng lúc đó chưa ai biết đến tên tuổi Lam Phương nên không thể bán được, phi vụ in tờ nhạc đầu tay vì niềm đam mê này đã làm cho ông phải ôm món nợ người bạn 200 đồng. Thời gian này Lam Phương lại đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ, rồi lại sáng tác và vay tiền in nhạc, số nợ to dần, lên đỉnh điểm là 600 đồng. Số tiền nợ này chỉ được trả hết vào năm 1954, khi Lam Phương thành công với bài Khúc Ca Ngày Mùa được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa, bài hát đã vén bức màn để đưa tên tuổi của Lam Phương ra ánh sáng trước công chúng.
Vào những năm đầu của sự nghiệp (1953-1954), ký ức về vùng quê thanh bình năm xưa vẫn luôn đau đáu trong lòng, nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác hàng loạt những ca khúc về quê hương với sự khuyến khích của nhạc sĩ Phạm Duy và sự hướng dẫn thêm từ nhạc sĩ Lê Thương: Khúc Ca Ngày Mùa, Trăng Thanh Bình, Hương Thanh Bình.
Trong khoảng thời gian sau năm 1955, với những cảm xúc khi được chứng kiến từng đoàn người di cư vào Nam sau hiệp định Geneve, ông đã sáng tác Chuyến Đò Vỹ Tuyến, Nhạc Rừng Khuya, Đoàn Người Lữ Thứ, Nắng Đẹp Miền Nam… và đều trở nên nổi tiếng, được yêu thích cho đến ngày nay.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông sáng tác Kiếp Nghèo và ca khúc này đưa tên tuổi của Lam Phương lên một tầm cao mới trong làng nhạc. Nhờ ăn khách và bán rất chạy, ca khúc Kiếp Nghèo thực sự đã giúp tác giả thoát xa cảnh nghèo.
Năm 1958, khi được 21 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương vào quân ngũ, thực hiện trách nhiệm công dân. Trong thời gian này, những sáng tác nổi tiếng về lính của Lam Phương có thể kể đến là Chiều Hành Quân, Bức Tâm Thư, Tình Anh Lính Chiến…
Trong quân ngũ, Lam Phương gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An, khi đoàn này giải tán, ông tham gia ban văn nghệ Hoa Tình Thương và sau cùng Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương cho đến năm 1975.
Năm 1959, nhạc sĩ Lam Phương lập gia đình với nữ kịch sĩ Tuý Hồng. Ông đã sáng tác ca khúc Ngày Hạnh Phúc để mừng cho ngày vui lứa đôi của chính mình, và ca khúc này trở thành nhạc hiệu Chương Trình Gia Binh của đài phát thanh quân đội phát vào mỗi buổi sáng sớm trong suốt thập niên 1960.
Từ thập niên 1960, Lam Phương viết rất nhiều bản nhạc nổi tiếng, mang lại cho ông rất nhiều cả về danh tiếng lẫn tiền bạc. Đặc biệt chỉ 1 ca khúc Thành Phố Buồn đã mang đến cho ông số tiền 12 triệu đồng, một con số rất lớn thời đó, bằng với thu nhập trong 20 năm của 1 đại tá quân đội. Nếu tính ra tiền USD thời điểm đó thì bài Thành Phố Buồn có giá trị gần nửa triệu đô la, một con số quá lớn đối với 1 bài hát.
Cũng trong thời gian này, dù đã có vợ nhưng Lam Phương vẫn có những mối tình thoáng qua, hoặc cảm xúc đơn phương với 1 số nữ ca sĩ tài sắc như Minh Hiếu, Bạch Yến, Hạnh Dung, trở thành cảm hứng cho những ca khúc nổi tiếng lần lượt ra đời: Tình Bơ Vơ, Chờ Người, Biển Tình, Phút Cuối, Em Là Tất Cả, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi, Biết Đến Bao Giờ, Tình Chết Theo Mùa Đông…
Là một nhạc sĩ thành công bậc nhất của Sài Gòn lúc đó, tài sản trong nhà băng của Lam Phương rất lớn. Tuy nhiên đến ngày 30 tháng 4 năm 75, ông và gia đình di tản trên con tàu Trường Xuân với 2 bàn tay trắng. Khi ở trên boong tàu, ông đã sáng tác ca khúc Con Tàu Định Mệnh để viết về chuyến tàu nổi tiếng này.
Thời gian sau này, Lam Phương cũng sáng tác nhiều ca khúc khác để mô tả lại thời khắc kinh hoàng đó, nổi tiếng nhất là Chuyện Buồn Ngày Xuân:
Trùng dương sóng gào đưa anh vào tương lai mờ tối
Em biết anh vì xôn xao trong phút giây kinh hoàng
Đời anh đâu muốn phụ phàng
Nhưng tình vẫn ngăn đôi
Khi bước chân lên tàu
Là ngàn năm ta chia phôi…
Sang đến Hoa Kỳ, gia đình Lam Phương – Tuý Hồng định cư tại Virginia. Nhưng ông lại chuyển về Texas, rồi về California. Để có tiền nuôi vợ con, Lam Phương phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện,… Sau khi cuộc sống nơi xứ người dần ổn định, cứ mỗi cuối tuần ông cố gắng thu xếp thuê một quán ăn làm sân khấu ca nhạc kịch để bạn văn nghệ gặp nhau.
Tuy nhiên số mệnh buồn và tan vỡ lại đến với Lam Phương khi cuộc hôn nhân với Tuý Hồng tan vỡ năm 1979. Chán nản với cuộc đời, ông sáng tác một loạt ca khúc buồn chỉ có 1 chữ: Điên, Buồn, Mất, Tiếc, Say, và nổi tiếng nhất là Lầm với những lời hát cay đắng:
Anh đã lầm đưa em về đây,
cho tâm hồn tan nát từng ngày…
Một lần nữa, ông lại trắng tay rời Hoa Kỳ để sang Paris – Pháp vào năm 1980, theo như lời ông nói là để “tị nạn ái tình”.
Tại Paris, thời gian đầu Lam Phương làm những công việc chân tay như quét dọn, khuân vác… sau đó về làm quản lý cho nhà hàng Như Ánh của người em gái út là Lâm Thị Minh Khai. Nhà hàng có một sân khấu nhỏ để Lam Phương chơi đàn hàng đêm, được gặp gỡ nhiều người. Và một trong những người mà ông gặp gỡ tại đây đã trở thành người vợ thứ 2 của ông: bà Cẩm Hường.
Theo lời nhạc sĩ Lam Phương kể thì bà Cẩm Hường rất đẹp, từng là hoa hậu tại Pháp. Ông cũng nói rằng 10 năm chung sống với Cẩm Hường là 10 năm hạnh phúc nhất của mình. Đây cũng là thời điểm mà sức sáng tác của Lam Phương trở lại mạnh mẽ với hàng loạt ca khúc vui tươi yêu đời, ca khúc nào cũng đều ăn khách: Bé Yêu, Thiên Đàng Ái Ân, nổi tiếng nhất là Bài Tango Cho Em viết dành tặng Cẩm Hường: “Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề…”
Ngoài ra còn có bài Mùa Thu Yêu Đương với câu hát “Đường vào Paris có lắm nụ hồng”, “hồng” ở đây là xuất phát từ tên Hường của người vợ.
Cũng trong thời gian này, nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp: Cho Em Quên Tuổi Ngọc, Em Đi Rồi, đặc biệt là bài Một Mình. Đó là năm 1990, khi ông vẫn đang sống hạnh phúc với người vợ thứ 2, thì thật kỳ lạ, như là một dự cảm về cuộc đời mình, Lam Phương đã viết những câu từ tiên đoán chính xác số phận đời ông thời gian sau đó:
Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Đường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh…
Click để nghe Khánh Hà hát “Một Mình”
Vài năm sau, cuộc hôn nhân thứ 2 tan vỡ, không ai trong 2 người nói rõ nguyên nhân vì sao.
Năm 1995, nhạc sĩ Lam Phương lại quay trở lại Hoa Kỳ, lại trải qua một cuộc hôn nhân thứ 3 nữa, nhưng cũng nhanh chóng bị đổ vỡ.
Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm ca nhạc và đi lưu diễn. Riêng trung tâm Thuý Nga đã thực hiện rất nhiều chương trình nhạc Lam Phương. Tiền tác quyền thu được trong thời gian này đủ để nhạc sĩ không phải sống chật vật như thời sau 1975.
Đến năm 1999, tai họa ập đến trong đời khi ông bị tai biến, liệt nửa người. Người em gái út phải bỏ công việc kinh doanh nhà hàng bên Pháp để sang Hoa Kỳ chăm sóc anh trai. Từ đó đến nay, nhạc sĩ Lam Phương vẫn sống tại Hoa Kỳ với sự chăm sóc tận tình của người em gái và người cháu.
Vào năm 2019, nhac sĩ Lam Phương tâm sự trên Người Việt TV rằng một ngày hiện nay đối với ông chỉ là quanh quẩn trong 4 góc phòng. Tuổi cao, không ngủ được, buổi sáng dậy thật sớm nằm nghe lại những bản nhạc của chính mình, rồi coi TV đến trưa, cố đếm thời gian qua thật nhanh nhưng đêm về lại trằn trọc với những nỗi niềm xa xứ và chống chọi những cơn đau do bệnh. Tình cảnh hiện tại của ông khiến người ta liên tưởng đến một sáng tác rất nổi tiếng trước năm 75 của ông: Xin Thời Gian Qua Mau.
Nhạc của Lam Phương, bao gồm cả sáng tác trước và sau năm 1975, có rất nhiều ca khúc thuộc dạng nằm lòng đối với nhiều thế hệ yêu nhạc. Tuy có 1 điều ít người biết là từ năm 1975 đến 2011, tất cả các bài hát của ông đều bị cấm lưu hành ở trong nước.
Từ năm 2011, công ty Bến Thành Audio ở trong nước đã chủ động liên lạc với nhạc sĩ Lam Phương và qua trực tiếp bên Mỹ để mua bản quyền nhạc Lam Phương tại Việt Nam. Sau đó hãng này đã xin phép cơ quan chức năng để được phép lưu hành nhạc Lam Phương ở trong nước.
Cho đến nay, có khoàng 120 ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương được phép lưu hành trong địa phận Việt Nam.
Nhạc sĩ Lam Phương qua đời ngày 22/12/2020 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét