Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

TUỔI THƠ VÀ CON SÔNG TONLÉ SAP TRÊN XỨ CHÙA THÁP 2/3 THẾ KỶ TRƯỚC


BS Văn Văn Của, sinh năm 1927 tại Phnom Penh, học Trung học ở LycéeSiso Wath PhnomPenh. Về Sài Gòn 1949, học Tú tài tại Chasseloup Laubat tới 1949. Vào Đại học Y khoa Sài Gòn 1950, tốt nghiệp Y khoa 1957. Y sĩ Đại tá Y sĩ trưởng Sư đoàn Nhảy Dù 1957-1964. Đô Trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn 1965-1968. Cao Học Y Tế công cộng /MPH Tulane University 1970. Viện Trưởng Viện Quốc gia Y Tế Công Cộng từ 1973-1975, kiêm đặc trách các trại tỵ nạn chiến tranh Long Thành và Phú Quốc cho tới 1975. Vì chức vụ sau cùng này, mà Anh không thể ra đi. Sau 1975,
<!>
 Anh bị đi tù cải tạo 4 năm tới tháng 12/1979. Anh là tác giả tập hồi ký “Mộng Không Thành”, do Tạp chí Y Tế xuất bản năm 2000. Những năm cuối đời, BS Văn Văn Của sống ở Pháp và mất ngày 17.08.2003 tại Orsay, vùng tây nam ngoại ô Paris, thọ 76 tuổi.

Bác sĩ Văn Văn Của là vị đàn anh rất xa của tôi trong trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Anh ra trường năm 1957, khi tôi chưa vào trường Y. Tôi ra trường 1968 sau Anh 11 năm. Trước 1975, tôi hoàn toàn không có dịp gặp hay quen Anh. Nhưng sau 1975, do “cùng một lứa bên trời lận đận” tôi gặp Anh Của khi cả hai vừa ra tù (1979). Anh Của thì về làm việc bên Viện Da Liễu do Anh từng là Nội trú chuyên khoa Da liễu tại Bệnh viện Bình Dân 1954-1955, còn tôi do có một thời gian học ở Mỹ về chuyên khoa Y Học Phục Hồi, nên về làm ở Viện Quốc Gia Phục Hồi, 70 Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn và hai nơi không xa nhau. Biết danh tiếng Anh Văn Văn Của qua những huyền thoại: Anh là một Y sĩ hiếm hoi có bằng Nhảy Dù Điều khiển đầu tiên. Anh từng là Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn, một chức vụ tương đương với Bí Thành Uỷ Sài Gòn Võ Văn Kiệt sau này. 

Anh Văn Văn Của có quý tướng - Hầu tướng, Anh có dáng của một con gấu, nhưng lại vô cùng giản dị. Lớn lên trong nền văn hoá Pháp nhưng Anh có tất cả dáng vẻ chân quê của một nông dân Miền Tây, vạm vỡ hiền lành và tự tin. Sau 1975, vật bất ly thân và cũng là gia tài của Anh là chiếc xe đạp cũ kỹ, có porte-bagages phía sau, trông xấu xí nhưng lại rất đa dụng: khi thì chở bó củi nhỏ, khi thì vài ký gạo, hoặc hiếm hoi có thêm một khẩu phần thịt heo bồi dưỡng bán giá nhà nước cho công nhân viên.

Sau khi đọc tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng của Ngô Thế Vinh, Bác sĩ Văn Văn Của cho biết “Nó gợi cho tôi nhiều kỷ niệm”. Sau đây là những dòng tùy bút của BS Văn Văn Của gửi cho tác giả, kể lại những ngày thơ ấu bên bờ con sông Tonlé Sap trên Nam Vang cách đây ngót 2/3 thế kỷ.
*
Tôi đã được sinh ra và lớn lên ngay trên bờ sông Tonlé Sap, ở cách Nam Vang chỗ sông bốn mặt [Quatre Bras] trước thành vua, 4 cây số. Nên cả một đời thiếu niên ở đó đến năm 1953 mới rời Phnom Penh về Sài Gòn học ở Chasseloup Laubat.

Tôi còn nhớ thời trung học, ra trường về đến nhà buổi chiều là mặc quần đùi chạy ngay ra sông nhảy ào xuống nước bơi lội, chơi với các bạn hàng xóm.

Như thế từ tháng 11 tới tháng Tư. Tháng Tư là tháng nước sông thấp nhất, một tháng trước mùa Mưa là tháng nước sông trong nhất và không ai dám xuống tắm vì là tháng có cá nóc [tétraodon], nó hay thiến mất cái đầu “prépuce”[da quy đầu] của trẻ con. Nó cũng có cắn các chỗ khác nhưng “prépuce” của trẻ con là nó thích nhất! Vì trẻ con tắm sông thường ở truồng. Mà cũng là mùa nước sông Mekong và Tonlé Sap trong nhất.

Từ tháng Năm là bắt đầu mùa Mưa, nước đục lần lần, càng ngày càng dâng cao và chảy vào Biển Hồ, là bắt đầu mùa nước lớn, nước chảy càng ngày càng mạnh.

Đến đầu tháng Mười là chậm lại lần cho đến tháng 11 là nước dòng sông cao nhất.

Chỗ tôi ở mực nước mùa thấp và mực nước mùa cao khác nhau đến 7 thước. Tôi nhớ là hình như ngày Rằm tháng 11 là nước cao nhất và bắt đầu chảy ra biển và cũng là ngày Lễ Đưa Nước [Bom Oum Touk] ở Nam Vang. Ngày đó nghỉ học để học trò đi coi Vua xuống nhà Thủy tạ làm lễ và khai mạc cuộc đua thuyền.

Nhưng với dân Việt ở chùm nhum dài theo con sông Tonlé Sap, tháng 11 là sắp sửa mùa cá nghĩa là ra giữa sông căng lưới bắt cá theo dòng nước từ Biển Hồ ra. Rất nhiều cá. Trong 6 tháng Biển Hồ ngập trước đó, cá vào đó đẻ trứng lớn lên, rồi lúc nước rút, cá theo dòng nước mà ra.

Vì theo Phật giáo, người Miên kỵ sát sinh mà lại làm mắm cá để dành ăn quanh năm. Thế là dân Việt làm lưới bắt cá đem vào đổi lấy thóc của người Miên. Người Miên không sát sinh nên họ thuê người Việt cắt đầu cá. Xong rồi họ mới đem cá xuống sông đạp cho thật sạch rồi mới đem lên muối , dồn vào bao cát chở về nhà.

Mùa cá họ đi cả làng, một đoàn cả chừng vài trăm xe bò. Dân Việt nhà nào cũng dọn một bãi đất trống để cho họ vào thuê cả hai tuần. Rồi cả gia đình ra cắt đầu cá thuê. Đầu cá và ruột cá mỗi ngày được gom lại cho vào một cái chảo lớn nấu để lấy “dầu cá”.

Đến cuối mùa cá, người Tàu đưa những ghe chài cỡ 10 tấn đi mua góp “dầu cá và lúa”. Tuy không phải ở đồng quê mà nhà nào cũng có bồ lúa lớn. Chưa hết, xác đầu cá nấu rồi, lọc ra lấy dầu, còn lại họ đổ vào khuôn tre đan, ép thành bánh, phơi khô bán như phân cá. Thứ này làm hôi cả vùng, nhưng ở lâu ngày thành quen. Đến đầu tháng Chạp mới hết mùa cá, lo quét dọn sạch sẽ, là đến ngày Tết ta.

Nhưng mà giữa Việt và Miên có cái thù truyền kiếp. Lâu lâu lại nổi lên phong trào đòi độc lập. Thế là nhà Vua và chính quyền Bảo hộ Pháp lại “désinformer” [thông tin sai lạc], biến ra phong trào bài ngoại.

Ở Miên có Pháp, Chàm, Tàu và Việt nhưng phong trào bài ngoại bao giờ cũng hướng về Việt. Đó là lúc nổi lên phong trào “cáp duồn” [chặt đầu Việt Nam]. Những người Việt ở xa làm ruộng, gần các làng Miên sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Thành người Việt ở Cao Miên có khuynh hướng ở lại tập trung với nhau để tự phòng thủ bảo vệ.

Ở Cao Miên thời bấy giờ (1935 – 1945) có một cộng đồng người Nam Kỳ rất đông, phần nhiều theo Công giáo để được các cha cố bảo hộ. Và chính quyền thuộc địa Pháp cho mỗi cha cố quyền khai thác một vùng lãnh thổ xung quanh nhà thờ, mà cha cố cho người Việt công giáo vào an cư lạc nghiệp. Thành thử chỗ tôi ở gọi là Village Catholique, dài theo bờ Tonlé Sap đến 6 – 7 cây số, mà trong đó có 5 nhà thờ lớn. Ở đó thì có an ninh không sợ “cáp duồn”…

BS VĂN VĂN CỦA
Les Ulis 28-05-02

Không có nhận xét nào: