Tổng Bí thư ĐCS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị choTổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tối 31/10/2022. Nguồn: TTXVN Dư luận trong và ngoài nước đang xôn xao rằng chuyến thăm Việt Nam hai ngày 12 -13/12 tới của Tổng bí thư Đảng cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đưa Việt Nam vào “Cộng đồng chung vận mệnh” như một thứ nâng cấp “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước được thiết lập cách đây 15 năm, 2008. Thế nhưng, chẳng ai thực sự hiểu “Cộng đồng chung vận mệnh” là cái gì! Giáo sư gốc Việt Alexander L Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, còn bảo khái niệm này chỉ là cái bình rỗng, chưa có rượu, tức chưa có nội dung (1).
<!>
Tôi, Cù Huy Hà Vũ, thì ngược lại, xác quyết rằng thuyết này của Tập Cận Bình đã có nôi dung hẳn hòi, trên cơ sở phân tích cái gọi là “vận mệnh chung” mà Trung Quốc từ lâu nay đã “bán” cho Việt Nam.
Ngày 1/12 vừa qua tại Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ông này thực hiện chuyến đi tiền trạm cho chuyến thăm Việt Nam từ 12 đến 13/12 của Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Truyền thông Toàn cầu Trung Quốc CGTN dưới sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết tại cuộc gặp, Vương Nghị nói rằng “Trung Quốc và Việt Nam có chung khát vọng và vận mệnh.”
Đây không phải là lần đầu tiên mà "vận mệnh chung" được đương kim lãnh đạo Trung Quốc sử dụng khi nói về quan hệ giữa hai nước.
Lần thứ nhất là trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015, Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng rằng “Trung Quốc và Việt Nam là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”. Cũng trong chuyến thăm đó, phát biểu trước Quốc Hội Việt Nam, Tập nói: “Chúng ta không chỉ là bạn bè tốt, Láng giềng tốt mà quan trọng hơn là một khối chung có cùng sinh mạng”
Lần thứ 2, trong điện mừng Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư vào năm 2016, Tập Cận Bình lại nêu: “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có hệ thống chính trị tương đồng, con đường phát triển giống nhau, tương lai và vận mệnh tương đồng, là một cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.
Lần thứ 3, ngày 12/01/2017, khi hội kiến với Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình lại nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam đều là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.
Lần thứ 4, vào năm 2021, Tập Cận Bình gửi điện mừng cho Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị XHCN, là cộng đồng có chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.
Mới nhất, kết thúc chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/022, Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc xác định: “Hai nước vừa là láng giềng tổ, bạn bè tốt, núi sông liền một giải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung.” Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tái xác nhận quan điểm này trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 6 năm nay, 2023.
Quanh đi quẩn lại, "vận mệnh chung" mà Trung Quốc đã “bán” được cho Việt Nam là hai nước phải bảo vệ bằng mọi giá chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo trước áp lực dân chủ hóa ngày càng gia tăng từ các "thế lực thù địch" trong nước và ngoài nước! Nghĩa là để duy trì chế độ cộng sản ở Việt Nam thì Đảng cộng sản Việt Nam buộc cần đến sự hỗ trợ của Trung Quốc. Nói cách khác, sự sống của Đảng cộng sản Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong trường hợp đó, Trung Quốc có xâm chiếm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, đặc biệt, "xẻo" nốt quần đảo Trường Sa để biến thành lãnh thổ của láng giêng phương Bắc này, như đã làm đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, một phần quần đảo Trường Sa vào năm 1988, thì Việt Nam rán mà chịu! Nói cách khác, Trung Quốc xúi ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hy sinh lãnh thổ của mình, hay “bán nước” cho Trung Quốc để đổi lấy sự hỗ trợ của nước này cho việc duy trì chế độ cộng sản ở Việt Nam!
Tóm lại, nội hàm của “vận mệnh chung” là Việt Nam mà “thoát Trung” thì Đảng cộng sản Việt Nam hết cửa sống!
Từ đó suy ra rằng, nước nào một khi tham gia “cộng đồng chung vận mệnh” thì phải chung thủy với Trung Quốc. “Quay xe”, “trở cờ”, hay đơn giản là bày tỏ khác biệt liên quan tới “lợi ích cốt lõi” của nước này, thì chỉ có chết!
Vậy Trung Quốc đã dùng chiêu gì để nhử các nước tham gia “cộng đồng chung vận mệnh”?
Có thể thấy ngay rằng đó là việc cường quốc kinh tế số 2 thế giới này tài trợ các dự án hạ tầng lớn. Thế nhưng một sự tài trợ như vậy sẽ tạo ra các món nợ khổng lồ cho nước nhận tài trợ. Để thanh toán “cục nợ “ khủng, nước nhận tài trợ chỉ còn cách là nhượng cho Trung Quốc những lãnh thổ mà nước này cần hoặc tuân theo cây gậy chỉ huy của nước này trong chính sách đối ngoại.
Sự đánh đổi lãnh thổ có thể là làm lơ hoặc kháng cự lấy lệ khi Trung Quốc đánh chiếm lãnh thổ quốc gia và/hoặc nhượng lãnh thổ cho nước này trong thời hạn cả trăm năm, tiền đề cho việc biến nhượng địa thành lãnh thổ của Trung Quốc theo nghĩa đen, kiểu “cứt trâu để lâu hóa bùn”. Sri Lanka, nơi cảng biển Hambantota nằm ở vị trí chiến lược đã được trao cho công ty Trung Quốc đã xây dựng chính cảng đó thuê lại trong 99 năm để cấn trừ nợ vào năm 2017, là một ví dụ (2).
Còn tuân theo điều khiển của Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại đơn thuần là hạn chế hay tốt nhất, loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ, nước duy nhất có cạnh tranh chiến lược toàn cầu với Trung Quốc.
Cụ thể trong trường hợp Việt Nam, cái mồi nhử ấy thể hiện rõ trong phát biểu của Bạch Ngọc Chiến, Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Cảng Trung Quốc (CHEC), đại diện Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng ngày 19/10 vừa qua. Cuộc làm việc này diễn ra trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường” lần thứ 3, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo từ hơn 130 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế, trong đó có Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng. Phát biểu này của Bạch như sau:
“Trong thời gian tới, Tập đoàn mong muốn được tham gia các chương trình, dự án phát triển hạ tầng lớn ở Việt Nam như: Kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Bắc-Nam; đầu tư, thi công các dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương mở rộng, Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng); các dự án phát triển điện gió…” (3)
Cần nhắc lại rằng Tập đoàn CCCC bắt đầu hoạt động Việt Nam từ năm 1996, đến nay đã thực hiện hơn 20 dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng như: Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; cảng Cái Mép-Thị Vải; Nhiệt điện Vĩnh Tân-Bình Thuận… và các dự án điện gió.
Thế nhưng, cứ nhìn vào dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn hơn 205% (4) thì chắc chắn các dự án khác của Trung Quốc được triển khai đã rút ruột ngân sách của Việt Nam một số tiền khổng lồ một cách phi lý. Nghĩa là các “dự án phát triển hạ tầng lớn” mà Tập đoàn CCCC sẽ triển khai ở Việt Nam trong nay mai sẽ là những con “đỉa trâu” hút cho đến kiệt tài chính của Việt Nam. Lúc đó, giải pháp mà Trung Quốc đưa ra sẽ là “cấn trừ nợ”, đồng nhất với Việt Nam sẽ nhượng cho nước này các vùng lãnh thổ với thời hạn 99 năm, điều mà Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trình tại Quốc Hội Việt Nam năm 2018 đã hé lộ. Cũng theo giải pháp “cấn trừ nợ” này, Việt Nam sẽ không được liên minh quân sự với Mỹ để Trung Quốc, với lực lượng hải quân thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, dễ bề “dứt điểm” nốt quần đảo Trường Sa.
Suy cho cùng, “bẫy nợ” mà Trung Quốc giương ra khó có thể thành công đối với Việt Nam, một quốc gia có một khả năng làm kinh tế không tồi, nếu như tham nhũng được kiểm soát một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, điều này là không thể vì hệ thống chính trị độc đảng đồng nhất với chế độ độc tài là bà đỡ cho tham nhũng.
Kết luận lại, “vận mệnh chung” cho đến “cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc đã và đang chìa ra cho Việt Nam, rõ chỉ là những cái “nơm” dùng để “úp” Việt Nam nhằm biến lãnh thổ của nước Đông Nam Á này thành “đặc sản” trên bàn tiệc Đại Hán!
CÙ HUY HÀ VŨ
10/12/2023
Garden Grove, California, 2023
Chú thích:
1. 'Cộng đồng chung vận mệnh' là mối bận tâm lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình khi thăm Việt Nam?, BBC NEWS Tiếng Việt, 9/12/2023
2. Thiếu nợ, Sri Lanka giao cảng chiến lược cho Trung Quốc, Tuổi trẻ, 14/12/2017
3. Trung Quốc mong muốn tham gia phát triển hạ tầng lớn ở Việt Nam, Vietnam+, 19/10/2023
4. Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn 205%, thực hiện chắp vá và rủi ro chất lượng, Dân Việt, 06/07/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét