Chiến tranh Ukraina : Zelensky cố thuyết phục Thượng Viện Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự Trong bối cảnh Ukraina đang cần sự trợ giúp của Mỹ hơn bao giờ hết để đối phó với quân đội Nga trên chiến trường, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm nay, 12/12/2023, có mặt tại Washington để thuyết phục các quan chức Mỹ đáp ứng yêu cầu viện trợ quân sự của Kiev. Chính quyền tổng thống Joe Biden không ngần ngại tiếp tục hỗ trợ Ukraina, tuy nhiên, Quốc Hội Mỹ không cùng lập trường. Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đại học Quốc phòng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/12/2023. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER Phan Minh Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết cụ thể :
<!>
Đối với Nhà Trắng, việc tiếp đón Volodymyr Zelensky nhằm khẳng định cam kết vững chắc của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ nhân dân Ukraina để họ chiến đấu chống cuộc xâm lược tàn bạo của Nga. Đó là lập trường của chính quyền tổng thống Biden, nhưng các định chế khác thì không đồng tình với quan điểm này, nhất là Quốc Hội.
Tuần trước, Thượng Viện đã bác yêu cầu của tổng thống Biden về việc cấp thêm tài chính cho nhu cầu an ninh quốc gia của Mỹ vào năm tới, trong đó có hơn 60 tỷ đô la dành cho Ukraina. Các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa khẳng định sẽ không bỏ phiếu thêm một xu nào cho Ukraina, nếu chính quyền không ban hành các biện pháp ở biên giới phía nam Hoa Kỳ để kiểm soát tốt hơn dòng người di cư. Joe Biden cho biết sẵn sàng thảo luận, nhưng nói thêm rằng trong lúc chờ đợi, nếu không có cuộc bỏ phiếu nào từ giờ đến cuối năm, nguồn tài trợ cho Ukraina sẽ cạn kiệt.
Ngoài cuộc hội đàm và họp báo tại Nhà Trắng, Volodymyr Zelensky sẽ đích thân gặp các thượng nghị sĩ Mỹ. Tuần trước, ông đã hủy bài phát biểu qua video vào phút chót trong một cuộc họp kín diễn ra không suôn sẻ. Lần này, ông Zelensky có thể sẽ thảo luận trực tiếp với James David Vance. Thượng nghị sĩ bang Ohio có lập trường ủng hộ Trump vào cuối tuần trước đã tuyên bố rằng cần phải chấp nhận việc Ukraina nhượng một phần lãnh thổ cho Nga.
Về tình hình chiến sự, thống đốc vùng Zaporijjia Ievgueni Balitski do Matxcơva bổ nhiệm hôm nay cho biết quân đội Nga đã có những bước tiến « rõ rệt » ở khu vực này. Đây là lần đầu tiên một quan chức Nga tuyên bố có những tiến bộ ở miền nam Ukraina kể từ khi cuộc phản công của Kiev không mang lại kết quả.
Xung đột ở Gaza : Đoàn Hội Đồng Bảo An thăm cửa khẩu Rafah
Trước khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào chiều nay 12/12/2023 họp phiên đặc biệt về tình hình ở dải Gaza, hôm qua, 11/12, phái đoàn đại sứ 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An đã tới cửa khẩu Rafah để thị sát tình hình, trong lúc giao tranh giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas vẫn diễn ra ác liệt.
Người tị nạn Palestine tại Rafah, nam Gaza, ngày 12/12/2023. AFP - MOHAMMED ABED
Phan Minh
Các nhà ngoại giao đang tìm cách soạn thảo những nghị quyết tốt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân. Nhưng trên hết, chuyến đi này càng khiến họ thấy việc chấm dứt chiến sự phải được đàm phán càng sớm càng tốt.
Từ Rafah, đặc phái viên Carrie Nooten gửi về bài phóng sự :
Chuyến đi kéo dài 12 giờ xung quanh Rafah lẽ ra có thể được xem như một "cuộc đi dã ngoại chụp hình". Đặc biệt là trong tuần bầu cử ở Ai Cập, thống đốc vùng Sinai đã làm đủ mọi cách để thể hiện sự hỗ trợ Palestine. Đồng thời, Palestine, Ai Cập và thậm chí một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã quyết định buộc các nhà ngoại giao tại New York phải đối mặt với hệ lụy từ hành động của họ, ba ngày sau khi bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết kêu gọi ngừng bắn. Nhưng điều khiến họ cảm động nhất là cuộc đối thoại qua video với các bệnh nhân trẻ em tại một bệnh viện dã chiến ở Gaza, những người họ không được gặp trực tiếp, cùng với sự "tận tụy" của các bác sĩ.
Lana Nusseibeh, đại sứ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu : « Chúng ta thực sự phải có trách nhiệm đạo lý đưa những thông điệp này về New York và làm hết sức mình để bảo đảm cho người dân ở Gaza không phải chịu nhiều đau khổ như hiện nay. »
Thông điệp đó được nhắc đi nhắc lại trong suốt chuyến đi này. Ở xa bộ máy quan liêu cứng nhắc của Liên Hiệp Quốc, các nhà ngoại giao tỏ ra xúc động. Tại cửa khẩu Rafah, một cô gái trẻ cầm hai bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Ả Rập, đã đến trách móc phái đoàn Hội Đồng Bảo An. Đây là lời nhắc nhở họ về sứ mệnh trọng tâm của định chế này, theo nhận định của đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun). Ông nói : « Tại Hội Đồng Bảo An, ưu tiên của chúng tôi là duy trì hòa bình và an ninh. Chúng tôi thực sự đã rất cố gắng, và tất nhiên chúng tôi còn phải làm nhiều hơn thế. Chặng đường ở phía trước vẫn còn dài, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. »
Thực tế sẽ phức tạp hơn khi các bên bước vào đàm phán, do Washington vẫn kiên quyết từ chối đề cập đến lệnh ngừng bắn.
Chính phủ Hoa Kỳ hôm qua bày tỏ "quan ngại" sau khi nhật báo Washington Post tiết lộ, dựa trên những phân tích từ các mảnh vỡ, dường như Israel đã sử dụng đạn phốt-pho trắng do Mỹ sản xuất trong các cuộc tấn công vào miền nam Liban vào tháng 10.
Theo một công ước được ký năm 1980 tại Genève, Thụy Sĩ, bom phốt-pho là loại vũ khí gây cháy bị cấm sử dụng đối với thường dân.
Khủng hoảng chính trị tại Pháp: Hạ Viện bác bỏ việc đưa dự luật nhập cư ra thảo luận
Luật nhập cư là một trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hôm qua, 11/12/2023, sau một năm rưỡi xây dựng, điều chỉnh và tìm kiếm sự ủng hộ của các dân biểu, chính phủ trình dự luật nhập cư lên Hạ Viện, nhưng đa số nghị sĩ bỏ phiếu chống việc đưa dự luật này ra thảo luận. Theo giới quan sát, việc dự luật bị ngăn chặn là một ‘‘bất ngờ’’ và một thất bại đau đớn của chính phủ.
Toàn cảnh Quốc Hội Pháp ngày 11/12/2023 trong phiên họp bỏ phiếu bác bỏ việc đưa ra thảo luận dự luật nhập cư của chính phủ. AP - Michel Euler
Trọng Thành
Theo AFP, 270 dân biểu ủng hộ kiến nghị do đảng Xanh đề xuất, yêu cầu Hạ Viện không thảo luận về dự luật của chính phủ trong khi chỉ có 265 dân biểu bác kiến nghị nói trên. Tham gia vào phe chống dự luật có các đảng cánh tả, cực tả, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN và một bộ phận đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR. Lý do chống dự luật là rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Theo AFP, chính phủ có thể đã bất ngờ trước việc đa số dân biểu đảng cánh hữu LR bỏ phiếu chống dự luật cùng với các dân biểu đảng Xanh.
Các đảng cánh tả chỉ trích chính phủ ‘‘siết chặt các điều kiện tiếp đón người nước ngoài’’, trong lúc cánh hữu và cực hữu không chấp nhận để cho ‘‘dân nhập cư không giấy tờ được làm việc trong một số lĩnh vực đang thiếu nhân công’’. Đảng cực hữu RN kêu gọi ‘‘giải tán Quốc Hội’’ sau cuộc bỏ phiếu nói trên.
Về phần mình, bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin, người chủ trì dự luật, đã kịch liệt phê phán các dân biểu ngăn chặn việc đưa ra dự luật ra thảo luận, xem đây là ‘‘từ chối điều mà người Pháp đòi hỏi’’. Theo các thăm dò dư luận, nhập cư là một trong các chủ đề quan tâm hàng đầu của dân Pháp.
Chính phủ họp đối phó khủng hoảng
Việc Hạ Viện không chấp nhận thảo luận về dự luật nhập cư là một thất bại trước hết với cá nhân bộ trưởng Nội Vụ. Tối qua, ông Darmanin đã xin từ chức, nhưng không được tổng thống Emmanuel Macron chấp thuận. Cũng tối qua, thủ tướng Pháp Élisabeth Borne triệu tập cuộc họp đối phó với khủng hoảng chính trị, với lãnh đạo các nhóm dân biểu tham gia liên minh cầm quyền và các dân biểu liên quan trực tiếp đến dự luật này. Một nguồn tin từ chính phủ Pháp cho AFP biết là hiện tại chính phủ chưa đưa ra quyết định tiếp theo.
Theo giới quan sát, chính phủ đứng trước ba lựa chọn. Kịch bản thứ nhất là từ bỏ dự luật nhập cư, như đòi hỏi của các đảng cánh tả. Hai kịch bản khác là tiếp tục đưa dự luật ra Quốc Hội, điều mà ba đảng thuộc phe cầm quyền tại Hạ Viện hôm qua ủng hộ.
Dự luật nhập cư có thể được đưa trở lại Thượng Viện. Ông Mathieu Lefèvre, dân biểu đảng Renaissance của tổng thống Macron, tin tưởng là ‘‘Thượng Viện (do cánh hữu kiểm soát) có thể đúc kết được một văn bản mang tính thỏa hiệp’’. Đây cũng là chủ trương của lãnh đạo đảng đối lập cánh hữu LR, ông Eric Ciotti.
Kịch bản thứ ba là đưa dự luật ra thảo luận tại một ủy ban chuyên trách gồm các nghị sĩ của Thượng Viện và Hạ Viện (CMP) để điều chỉnh. Theo AFP, đây cũng là quan điểm của bộ trưởng Nội Vụ Darmanin.
COP28: Dự thảo thỏa thuận bị chỉ trích vì không ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’
Vào ngày áp chót của hội nghị khí hậu COP28 hôm qua 11/12/2023, đông đảo các nước phản đối mạnh mẽ dự thảo thỏa thuận do văn bản này không có nội dung ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’. Hôm nay, 12/12, Chủ tịch COP28 tái khẳng định vấn đề ‘‘tương lai của năng lượng hóa thạch’’ phải được đưa vào thỏa thuận chung.
Các nhà hoạt động môi trường biểu tình đòi loại bỏ năng lượng hóa thạch tại COP28, Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 12/12/2023. AP - Peter Dejong
Trọng Thành
Trong bản dự thảo dài 21 trang hôm qua, không còn mục tiêu giã từ dầu mỏ, khí đốt, và than đá như trong các dự thảo trước đó, mà chỉ có mục tiêu giảm dần việc sử dụng các năng lượng hóa thạch. Dự thảo – bị tố cáo được đưa ra dưới áp lực của nhóm các quốc gia dầu mỏ, đứng đầu là Ả Rập Xê Út – đã bị Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, các nước Nam Mỹ, châu Phi, và nhóm các tiểu đảo quốc cực lực chỉ trích. Trung Quốc chưa ra đưa quan điểm về vấn đề này.
Đại diện của quần đảo Marshall nhấn mạnh, dự thảo nếu được thông qua đồng nghĩa với việc ‘‘ký bản án tử hình’’ đối với quần đảo đang có nguy cơ bị nhấn chìm bởi nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu khẳng định dự thảo hôm qua là ‘‘không đủ’’. Hoa Kỳ kêu gọi điều chỉnh ‘‘căn bản’’. Theo AFP, các cuộc tranh luận về dự thảo tuyên bố chung đã kéo dài quá nửa đêm.
Vào lúc 2g30 phút giờ địa phương, tức 23g30 giờ quốc tế, trước các đồng nhiệm, đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry cảnh báo ‘‘đây là hội nghị khí hậu cuối cùng mà cộng đồng quốc tế có cơ may kềm chế mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C’’, mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris. Theo AFP, khả năng đạt được một thỏa thuận bao gồm nội dung ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’ đang trở nên hết sức mong manh, trái ngược với không khí nhiều hy vọng cách nay ít hôm, cho dù trong ngày 12/12, tức ngày cuối của COP, một dự thảo mới có thể được đưa ra, dựa trên các thảo luận trong đêm qua.
Sáng nay, chủ tịch COP28, Sultan al Jaber, một lần nữa bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ ra được một tuyên bố ‘‘lịch sử’’ về khí hậu và để làm được điều này, từ bỏ năng lượng hóa thạch phải được đưa vào tuyên bố chung. Theo tổng giám đốc COP28 Majid Al Suwaidi, việc loại bỏ nội dung ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’ trong bản dự thảo hôm qua thực chất là để các nước bày tỏ quan điểm và vạch ra ‘‘các lằn ranh đỏ’’.
Cho đến trước COP28, chưa hội nghị khí hậu nào của Liên Hiệp Quốc đưa được vấn đề năng lượng hóa thạch vào tuyên bố chung, cho dù các năng lượng này là thủ phạm của khủng hoảng khí hậu. Vấn đề tương lai của năng lượng hóa thạch và các mục tiêu cắt giảm khí thải trước 2030 là những nội dung chính của COP28. Cánh cửa hiện vẫn để ngỏ cho các đàm phám nước rút về tuyên bố chung, dự kiến có thể kéo dài đến tối nay.
Miến Điện: Trung Quốc làm trung gian đàm phán giữa tập đoàn quân sự và lực lượng nổi dậy
Tập đoàn quân sự Miến Điện và liên minh ba lực lượng nổi dậy miền đông bắc bắt đầu đàm phán nhằm tìm một ‘‘giải pháp chính trị’’ cho xung đột qua trung gian của Trung Quốc. Trên đây là thông báo của phát ngôn viên tập đoàn quân sự hôm qua, 11/12/2023. Cùng ngày, Bắc Kinh đã lên tiếng xác nhận thông tin này
Ảnh do truyền thông của phiến quân phổ biến: Quân nổi dậy kiểm tra vũ khí thu được từ quân đội chính phủ Miến Điện tại một địa điểm ở bang Shan, Miến Điện, ngày 24/11/2023. AP
Trọng Thành
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời phát ngôn viên tập đoàn quân sự, tướng Zaw Min Tun, phát biểu trên truyền hình, cho biết là đã tiếp xúc với đại diện cả ba lực lượng thuộc liên minh ‘‘Three Brotherhood’’ và ‘‘một cuộc đàm phán khác sẽ được tổ chức vào cuối tháng này’’. Phát ngôn viên tập đoàn quân sự nhấn mạnh là đàm phán được tổ chức với sự trợ giúp của Trung Quốc, nhưng không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể.
Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mao Ninh khẳng định ‘‘tin tưởng việc xuống thang ở miền bắc Miến Điện là phù hợp với lợi ích của tất cả các bên và sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới Trung Quốc-Miến Điện’’. Bà thông báo Trung Quốc ‘‘sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ’’ để các đàm phán đạt được ‘‘kết quả tích cực’’.
Liên minh lực lượng nổi dậy chưa đưa ra thông báo
Hiện tại, liên minh ba lực lượng nổi dậy chưa đưa ra thông tin chính thức về cuộc đàm phán nói trên, theo hãng tin Mỹ AP. Nhà quan sát Ye Myo Hein, Trung tâm Wilson và Viện Hòa bình Mỹ, được The Diplomat hôm nay dẫn lại, cho biết do có sự ‘‘can thiệp của Trung Quốc’’, Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA), thuộc sắc tộc Kokang, một trong ba lực lượng nổi dậy, đã chấp nhận ‘‘ngừng bắn tạm thời với quân đội chính phủ ở Kokang (khu tự trị thuộc bang Shan) cho đến ngày 30/12’’. Chuyên gia này cho biết thêm, dù đã có “các cuộc đàm phán gần đây với quân đội Miến Điện tại Trung Quốc”, hai lực lượng nổi dậy còn lại (TNLA - Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang và AA - Quân đội Arakan) vẫn tiếp tục chiến đấu.
Theo giới quan sát, liên minh ba lực lượng nổi dậy đã mở chiến dịch quân sự từ ngày 27/10, gây khó khăn chưa từng có cho tập đoàn quân sự Miến Điện kể từ cuộc đảo chính đầu năm 2021. Phe nổi dậy cho biết đã chiếm được hơn 200 đồn bốt, và 4 cửa khẩu quan trọng với Trung Quốc. Theo nhà báo Sebastian Strangio chuyên về Đông Nam Á của The Diplomat, tranh thủ thời gian hưu chiến, tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ ‘‘tập hợp lực lượng bảo vệ một số khu vực tại bang Shan hiện còn nằm dưới quyền kiểm soát của họ và có thể chuẩn bị cho cuộc phản công mang tính chất quyết định chống lại liên minh ba lực lượng nổi dậy’’.
Trục xuất di dân bất hợp pháp sang Rwanda: Thủ tướng Anh đối mặt với cuộc bỏ phiếu đầy rủi ro
Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm nay, 12/12/2023, đối mặt với một cuộc bỏ phiếu đầy rủi ro tại Quốc Hội để thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm trục xuất những người di cư bất hợp pháp sang Rwanda.
Một người biểu tình trước Tòa Án Tối Cao Anh tại Luân Đôn ngày 15/11/2023 để phản đối chính sách trục xuất người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda. AP - Kirsty Wigglesworth
Phan Minh
Cuộc bỏ phiếu này được coi là trở ngại rất lớn đối với lãnh đạo chính phủ bảo thủ kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây hơn một năm. Thủ tướng Sunak bị cánh hữu trong đảng cũng như phe đối lập chỉ trích gay gắt, khiến quyền lực của ông có nguy cơ bị lung lay nghiêm trọng, chỉ vài tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc Hội.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Emeline Vin cho biết thêm :
Các dân biểu thuộc đảng Bảo Thủ đã tổ chức rất nhiều phiên họp vào hôm qua tại Westminster để tìm kiếm một chiến lược về dự luật này : ủng hộ, bác bỏ, hoặc bỏ phiếu trắng khi biểu quyết dự luật. Có nhiều khả năng là cánh trung của đảng, những nhân vật ôn hòa, sẽ bỏ phiếu ủng hộ, mặc dù bản dự luật không bao gồm một số cam kết quốc tế của Vương Quốc Anh về nhân quyền. Do vậy, hàng trăm dân biểu có thể sẽ ủng hộ văn bản vào hôm nay, ngay cả khi sau này sẽ phải thực hiện các sửa đổi trong dự luật.
Điều đáng lo ngại đối với chính phủ là các dân biểu cánh hữu, khoảng một trăm người, nhận định rằng dự luật chưa đủ chặt. Một phát ngôn viên của phe này thậm chí còn kêu gọi rút lại dự luật. Nhưng những người này đã không tìm được tiếng nói chung vào tối qua : bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng.
Tuy nhiên, chỉ cần khoảng 30 phiếu chống từ các dân biểu bảo thủ hoặc khoảng 60 phiếu trắng là đủ để “giết chết” dự luật này. Chưa có đề xuất nào của chính phủ bị bác sớm như vậy trong tiến trình làm luật tại Quốc Hội từ 35 năm qua. Đây sẽ là một vố đau không nhỏ đối với thủ tướng Rishi Sunak, mới nắm quyền được 1 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét