Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :07/12/2023 - Duke Nguyên

Tổng thư ký LHQ lần đầu tiên sử dụng điều 99 trong Hiến Chương để kêu gọi ngừng bắn ở GazaTrong một bức thư gửi tới Hội Đồng Bảo An ngày 06/12/2023, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lần đầu tiên đã viện dẫn điều 99 trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để cảnh báo nguy cơ “sự sụp đổ hoàn toàn” ở Gaza. Chiểu theo điều khoản này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có thể “lưu ý Hội Đồng Bảo An về bất kỳ vấn đề nào bị coi là có thể đe dọa đến nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.
<!>
Người dân ở Khan Younès, phía nam Dải Gaza, ngày 04/12/2023. REUTERS - IBRAHEEM ABU MUSTAFA
Minh Phương
Từ New York, thông tín viên RFI Carrie Nooten cho biết thêm thông tin :

Bức thư này cảnh báo về một “thảm họa nhân đạo”, về nguy cơ “trật tự công cộng sắp sụp đổ hoàn toàn ở Gaza”… Đó là những lời lẽ mà chúng ta thường được nghe từ phía nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc kể từ đầu cuộc chiến giữa Israel và Hamas hôm 7 tháng 10. Khác biệt lần này là ông Antonio Guterres giờ đây sử dụng mức cảnh báo cao nhất được Liên Hiệp Quốc trong Hiến Chương của minh. Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của ông Guterres giải thích :

“Trong khuôn khổ hiến pháp của Liên Hiệp Quốc, đây là một quyết định rất hệ trọng. Chúng tôi hiểu rằng cách nhìn nhận từ thế giới bên ngoài có thể khác đôi chút, nhưng đối với chúng tôi, đây là một bước đi rất mạnh mẽ của ngài Tổng Thư Ký và chúng tôi hy vọng rằng các thành viên của Hội Đồng Bảo An sẽ xúc động trước điều đó, chúng tôi hy vọng thúc đẩy được cộng đồng quốc tế gây sức ép để thiết lập một lệnh ngừng bắn nhân đạo. »

Ngay cả trong chiến tranh Nga-Ukraina, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc thậm chí đã không sử dụng điều 99, nhưng với 15.000 nạn nhân và 130 nhân viên của Liên Hiệp Quốc thiệt mạng trong cuộc xung đột này, cùng với kết quả của những cuộc điều tra đầu tiên trên thực địa, ông đã quyết định viện dẫn điều khoản này, một điều khoản rất có trọng lượng chính trị.

Động thái của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có thể dẫn tới việc triệu tập một cuộc họp mới về cuộc xung đột, nhưng trên hết, định chế này đang chờ đợi một bước đột phá giữa các thành viên trong Hội Đồng Bảo An, hiện đang chia rẽ hoàn toàn với nhau trên hồ sơ.

Vẫn về tính hình chiến sự, hôm nay, thủ tướng Israel tuyên bố rằng quân đội nước này đang bao vây nhà của thủ lĩnh phe Hamas, ông Sinouar, ở thành phố Khan Younes. Ông Yahya Sinouar, 61 tuổi, bị coi là kiến trúc sư của cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào Israel hôm 07/10vừa qua.

Thượng Viện Mỹ chặn khoản viện trợ cho Ukraina và Israel

Thượng Viện Mỹ hôm qua 06/12/2023 đã không thông qua khoản viện trợ 106 tỉ đô la, trong đó có quỹ viện trợ cho Ukraina và Israel, như mong muốn của tổng thống Joe Biden.


Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 06/12/2023. REUTERS - KEVIN LAMARQUE
Thùy Dương
Theo AFP, phe Cộng Hòa đòi chính quyền Biden phải nhượng bộ đáng kể về chính sách nhập cư ở biên giới với Mêhicô thì mới ủng hộ việc thông qua dự thảo ngân sách, cho dù nhiều thượng nghị sĩ bảo thủ vẫn ủng hộ Ukraina.

Việc ngân sách 106 tỉ không được Nghị Viện thông qua đã gây thêm thất vọng cho chính quyền Biden bởi trước đó vài giờ, trong một diễn văn rất long trọng, tổng thống Biden đã kêu gọi Hạ Viện thông qua khoản ngân sách này. Ông Biden khi đó đã cảnh báo là nếu không thì đây sẽ là « món quà đẹp đẽ nhất » dành tặng cho tổng thống Nga Putin, và nếu xâm lược được Ukraina, Vladimir Putin sẽ không dừng lại ở đó mà có thể sẽ tấn công vào một nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, buộc Mỹ tham chiến và « các binh sĩ Mỹ sẽ phải chiến đấu chống quân Nga ». Tổng thống Mỹ Biden nhất mạnh điều này hiện chưa xảy ra và chắc chắn Washington không muốn nó xảy ra.

Tạm thời, hôm qua Washington thông báo một khoản viện trợ quân sự mới trị giá 175 triệu đô la cho Kiev, trích từ kho dự trữ của chính quyền Mỹ, gồm các trang thiết bị phòng không, tên lửa và đạn pháo. Từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Mỹ vẫn là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Kiev.

TT Ukraina Zelensky: Nga đang gây sức ép mạnh trên chiến trường

Phát biểu trực tuyến trước các nhà lãnh đạo khối G7, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 06/12/2023 nhận định quân đội Nga đã gây sức ép mạnh trên mặt trận, đồng thời nhấn mạnh là Matxcơva đang trông chờ vào « sự sụp đổ » của viện trợ mà phương Tây dành cho Kiev.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp qua video với các nhà lãnh đạo G7 tại Kiev, Ukraina, ngày 06/12/2023. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER
Thùy Dương
Theo AFP, trong bối cảnh viện trợ của phương Tây dành cho Ukraina, cả về tài chính và quân sự, có phần giảm sút và chậm lại do tác động từ cuộc xung đột đẫm máu ở dải Gaza, tổng thống Ukraina muốn kêu gọi thế giới tự do đoàn kết hỗ trợ Kiev bởi vì Nga đang trông chờ vào việc phương Tây ngưng viện trợ cho Kiev trong năm 2024 để giành chiến thắng. Tổng thống Ukraina cũng hy vọng Liên Âu sẽ giữ lời hứa với Kiev về việc xem xét hồ sơ Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 06/12, tướng Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng, giải thích là nếu không được phương Tây tiếp tục viện trợ, chiến dịch phản công của Ukraina về lâu dài sẽ không thể hoàn thành : « Điều quan trọng là Ukraina có thể phòng vệ và nhất là Nga sẽ không thể phản công vào mùa xuân năm tới. Do đó, cần thực sự giúp Ukraina có khả năng phòng vệ và nhất là phải có dự án chính trị giúp họ có thể gia nhập Liên Âu ».

Trả lời câu hỏi liệu có phải khi nói mục tiêu của Ukraina không thể hoàn thành tức là Kiev phải từ bỏ việc giành lại Donbass, tướng Pellistrandi khẳng định là nếu Ukraina không làm được như vậy thì phương Tây « sẽ phải chuyển thêm nhiều xe bọc thép và đạn dược, tức là bị thêm nhiều ràng buộc lớn về hậu cần. Và còn một vấn đề cơ bản nữa, đó là những tổn thất về nhân mạng. Về phía Nga, thiệt hại nhân mạng rất nặng nề, nhưng về phía Ukraina thì những tổn thất này cũng rất lớn : Từ 300.000 đến 400.000 lính Nga mất khả năng chiến đấu, chết, bị giết hay là bị bắt làm tù binh. Con số này bên phía Ukraina có lẽ là khoảng 100.000 - 200.000 người. Điều này thật kinh khủng và sẽ còn đè nặng lên dân số của cả hai nước trong nhiều thập kỷ nữa ».

Thượng đỉnh EU–Trung Quốc: Bruxelles kêu gọi Bắc Kinh giải quyết các "bất đồng"

Các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu, gồm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay, 07/12/2023 tại Bắc Kinh.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel trong cuộc gặp tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 07/12/2023. AP - Liu Bin
Trọng Thành
Theo AFP, trả lời báo giới, sau cuộc tiếp xúc trưa nay tại Điếu Ngư Đài, chủ tịch Ủy Ban Ursula von der Layen đã bày tỏ sự ‘‘hài lòng’’ về việc hai bên đạt thỏa thuận về điều chỉnh để quan hệ thương mại song phương trở nên ‘‘cân bằng hơn’’. Lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu cũng khẳng định giữa hai bên có ‘‘những mất cân bằng và khác biệt rõ ràng mà chúng ta phải giải quyết.”

Về phía chủ tịch Trung Quốc, theo đài nhà nước Trung Quốc CCTV, trong cuộc hội kiến nói trên ông Tập Cận Bình đã kêu gọi hai bên hướng tới ‘‘hợp tác song phương cùng có lợi’’, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc từ bỏ ‘‘lập trường thù địch, đối đầu’’.

Từ nhiều tháng nay, Bruxelles và Bắc Kinh nỗ lực chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh này. Tổng cộng tám ủy viên châu Âu đến Bắc Kinh từ đầu năm đến nay. Bắc Kinh cũng đã có một số cử chỉ tỏ thiện chí trong những tuần qua, cụ thể như với việc dỡ bỏ thị thực nhập cảnh ngắn hạn với công dân nhiều quốc gia châu Âu hay xóa bỏ một số trừng phạt với Litva, thành viên Liên Âu.

Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh ghi nhận nỗ lực song phương tìm kiếm một số thỏa hiệp, tránh tái diễn cuộc đối thoại giữa những người điếc như thượng đỉnh lần trước :

Phía Trung Quốc cố gắng làm nhòa đi các khác biệt, ngược lại Liên Âu làm nổi rõ. Điều mà hai bên nỗ lực là tránh để tái diễn cuộc đối thoại giữa những người điếc, từng xảy ra tại cuộc thượng đỉnh trực tuyến lần trước (tháng 4/2023). Theo nhiều nhà ngoại giao, các khâu chuẩn bị đã được xúc tiến công phu. Vấn đề còn lại là xem ở những điểm nào hai bên có thể đạt được các tiến bộ.

Các vấn đề địa-chính trị và căng thẳng thương mại là nội dung chính của bữa ăn trưa vừa diễn ra giữa các lãnh đạo châu Âu với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và bữa ăn tối nay với thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Các bất đồng song phương đặc biệt liên quan đến cuộc xâm lăng Ukraina của Nga và các mất cân bằng về kinh tế cần được điều chỉnh, với việc khắc phục tình trạng châu Âu nhập siêu từ Trung Quốc, cho đến chính sách ‘‘giảm thiểu nguy cơ’’ (de-risking) mà Bruxelles chủ trương.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, cho biết châu Âu có các công cụ để bảo vệ thị trường của khối, ngụ ý nhắc đến cuộc điều tra châu Âu có thể tiến hành về lĩnh vực hàng hóa liên quan đến y tế, cũng như khả năng Trung Quốc trợ giá cho xe ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc.

Cuộc điều tra này gây bất mãn tại Trung Quốc. Theo ông Vương Nghĩa Ngôi (Wang Yiwei), giám đốc Viện nghiên cứu về châu Âu, Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, khi công nghệ Trung Quốc vượt mặt châu Âu trong lĩnh vực xe ô tô điện, năng lực cạnh tranh của châu Âu sụt giảm, tuy nhiên châu Âu đã không chấp nhận việc này, và tìm cách giảm bớt các nguy cơ từ Trung Quốc. Giám đốc Viện nghiên cứu về châu Âu, Đại học Nhân Dân Bắc Kinh cảnh báo là Bắc Kinh ‘‘có thể sẽ tìm cách trả đũa, và đó là điều mà ở đây không ai muốn.’’

Tổng thống Nga Vladimir Putin được tiếp đón nồng nhiệt tại vùng Vịnh

Trong vòng công du Vùng Vịnh, sau chặng dừng chân ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tổng thống Nga Vladimir Putin tối thứ Tư 06/12/2023 đã đến Ả Rập Xê Út. Đây là chuyến xuất ngoại hiếm hoi của ông Putin kể từ khi bị Tòa Hình Sự Quốc Tế ra lệnh truy nã hồi tháng 03/2023 về tội cưỡng bức di dời trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraina sang Nga.


Tổng thống Nga Vladimir Putin được chào đón ở sân bay Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 06/12/2023. via REUTERS - SPUTNIK
Thùy Dương
Theo AFP, dầu lửa và chiến tranh Gaza là hai chủ đề chính trong chuyến thăm của tổng thống Nga đếnCác Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ả Rập Xê Út. Chuyến công du lần này được xem là dịp tổng thống Nga Putin trở lại trường quốc tế trong bối cảnh gặp nhiều thuận lợi: Chiến dịch phản công của Ukraina được xem là thất bại, sự chú ý và viện trợ của phương Tây dành cho Kiev cũng giảm do tác động từ chiến tranh Gaza, kinh tế đất nước không sụp đổ bất chấp các đòn trừng phạt của phương Tây …

Truyền thông Nga tuyên truyền rộng rãi về chuyến đi của tổng thống. Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm chi tiết :

« Hàng trăm binh sĩ có vũ trang đứng chờ ông tại cung điện, quốc kỳ Nga treo dọc đường, và thậm chí có cả đội tuần tra trên không của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất bay biểu diễn, thả khói màu cờ Nga trên bầu trời.

Điều này sẽ không phải là quan trọng nếu trên thực tế mọi vị khách đều được đối đãi như vậy. Truyền hình ở Matxcơva chiếu rất nhiều hình ảnh cho thấy tổng thống được đón tiếp nồng nhiệt, nhất là cảnh một trong các đặc phái viên hoan hỉ thốt lên : “Vào lúc này cả thế giới đang quan sát xem Nga và tổng thống Nga bị quốc tế cô lập đến thế nào ».

Trong khi đó, bộ Quốc Phòng Nga lần đầu tiên phát các hình ảnh chiến đấu cơ Sukhoï-25 bay hộ tống máy bay của tổng thống Nga. Các hoạt động ngoại giao vẫn chưa bắt đầu cụ thể nhưng đã được các cơ quan tuyên truyền của Vladimir Putin tranh thủ triệt để. Dường như Vladimir Putin sẽ sớm thông báo ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5.

Các cơ quan truyền thông đang tiếp tục tích cực khai thác chuyến thăm này. Cơ quan báo chí của điện Kremlin gọi Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là một đối tác kinh tế chính của Matxcơva tại thế giới Ả Rập, và nói về một khoản đầu tư của Ả Rập Xê Út, rất quan trọng đang được trông đợi tại Nga ».

Theo AFP, Thượng Viện Nga hôm nay 07/12 thông báo bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ngày 17/03/2024.

Ý rút khỏi dự án Những Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc

Chính quyền Ý vừa quyết định rút khỏi dự án Những Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, bốn năm sau khi tham gia. Hôm nay, 07/12/2023, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã gián tiếp chỉ trích quyết định nói trên của Roma.

Ảnh minh họa: Thủ tướng Ý Giorgia Meloni phát biểu tại Thượng Viện Ý ở Roma, ngày 23/11/2023. AP - Roberto Monaldo
Trọng Thành
Một nguồn tin chính phủ Ý cho AFP hay là Roma đã quyết định rút khỏi dự án, nhưng ‘‘để ngỏ các kênh đối thoại chính trị’’ với Trung Quốc. Theo nhật báo Ý Corriere della sera, được Radio France hôm nay dẫn lại, chính quyền Ý chọn cách thông báo một cách rất kín đáo với Trung Quốc về vấn đề này, để giữ thể diện cho hai bên. Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani hôm qua, 06/12, chỉ khẳng định Ý đang tìm cách ‘‘tái khởi động đối tác chiến lược’’ với Bắc Kinh. Trước quyết định này, Ý là quốc gia duy nhất khối G7, tức bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới, tham gia vào đại dự án của Trung Quốc.

Theo AFP, trả lời báo giới tại Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố: ‘‘Trung Quốc cực lực phản đối sự bôi nhọ và các nỗ lực làm suy yếu các hợp tác liên quan đến Những con đường Tơ lụa mới, phản đối các hành động đối đầu và gây chia rẽ’’. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh là hiện tại có hơn 150 quốc gia tham gia vào đại dự án hợp tác về hạ tầng cơ sở ‘‘lớn nhất thế giới’’, được khởi sự từ năm 2013, năm cầm quyền đầu tiên của ông Tập Cận Bình.

Bốn năm hợp tác trong dự án Những Con đường Tơ lụa mới Ý-Trung Quốc khiến thâm hụt trong cán cân thương mại song phương thêm trầm trọng, gây bất lợi cho Ý, theo nhật báo kinh tế Nhật Bản Nikkei Asia. Xuất khẩu của Ý chỉ tăng 17%, đạt mức 17 tỉ đô la, trong lúc xuất khẩu Trung Quốc vào Ý tăng hơn 70%, đạt 60 tỉ đô la. Chính quyền Ý cũng bị Mỹ và phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu lo ngại trở thành ‘‘nội gián’’ của Trung Quốc, khi tham gia dự án.

Về tác động của việc nước Ý rút khỏi dự án đến Trung Quốc, theo chuyên gia Pháp François Godement – nhà tư vấn chính trị quốc tế Viện Montaigne, quyết định này ‘‘không gây ra một thiệt hại vật chất lớn cho Trung Quốc, bởi chính Bắc Kinh cũng đã không đầu tư nhiều nỗ lực để thúc đẩy thỏa thuận này’’.

Dự án khổng lồ trị giá khoảng 2.000 tỉ đô la của Trung Quốc có mục tiêu chính thức là cải thiện các tuyến đường thương mại nối liền châu Á, châu Âu và châu Phi, thậm chí vươt xa hơn. Theo giới quan sát, dự án này thường xuyên bị tố cáo là một phương tiện để Bắc Kinh lôi kéo các nước đang phát triển vào vòng ảnh hưởng.

Cam Bốt: Tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên cập cảng quân sự Ream

Hai chiến hạm Trung Quốc lần đầu tiên cập cảng quân sự Ream của Cam Bốt. Phnom Penh cho biết việc tàu chiến Trung Quốc cập cảng quân sự Ream nằm trong khuôn khổ chương trình huấn luyện cho hải quân Cam Bốt, nhưng không nói rõ chi tiết.

Ảnh minh họa: Tàu tuần tra tại căn cứ Hải quân Ream ở Sihanoukville, phía tây nam Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 03/12/2023. AP
Thùy Dương
Theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Seiha đã đến thăm hai tàu quân sự này. Tuy nhiên, chính quyền Cam Bốt từ chối cung cấp thông tin chi tiết về ngày đến, thời gian lưu lại hoặc mục đích của chuyến thăm này.

Căn cứ hải quân Ream (miền nam Cam Bốt), gần thành phố cảng Sihanoukville, đang được mở rộng với sự tài trợ của Trung Quốc. Hôm nay, một quan chức bộ Quốc Phòng Cam Bốt cho biết dự án mở rộng sẽ « sớm hoàn thành ». Những hình ảnh do một công ty hình ảnh không gian của Mỹ công bố hồi tháng 07/2023 cho thấy trong hai năm qua một cầu tàu dài 363 mét, phù hợp với bất kỳ tàu chiến Trung Quốc nào, đang được xây dựng ở cảng Ream. Cam Bốt từng bác bỏ thông tin cầu tàu này được thiết kế để đón tàu sân bay.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay cho biết : « Trung Quốc và Cam Bốt có mối quan hệ hữu nghị sâu sắc và hai bên đã phát triển hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực ». Những tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hà Vệ Đông (He Weidong) tới Phnom Penh và gặp thủ tướng Cam Bốt Hun Manet.

Hoa Kỳ vẫn luôn lo ngại là sự hợp tác quân sự giữa Phnom Penh và Bắc Kinh, hai đồng minh lâu đời, có thể cho phép hải quân Trung Quốc có lối vào chiến lược ở Vịnh Thái Lan.

Trung Quốc xác nhận: Chủ tịch Tập Cận Bình công du Việt Nam ngày 12-13/12/2023

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay 07/12/2023 thông báo chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang thăm Việt Nam vào tuần tới để thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh họa: Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Hà Nội ngày 12/11/2017. AP - Hoang Dinh Nam
Thùy Dương
Theo AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết chuyến công du cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào hai ngày 12 và 13/12. Bà Hoa Xuân Oánh cũng cho biết thêm là chủ tịch nước Trung Quốc đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam là tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời.

Bắc Kinh cho biết ông Tập Cận Bình sẽ gặp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và « thảo luận về việc đưa quan hệ Trung - Việt lên một tầm cao hơn ». Lần gần đây nhất ông Tập Cận bình sang thăm Việt Nam là vào tháng 11 năm 2017.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân phát biểu : « Chúng tôi sẽ thúc đẩy để làm sâu sắc và củng cố mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước » trong bối cảnh thế giới đang trong một thời kỳ hỗn loạn và có nhiều thay đổi và ngày càng bất ổn.

Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh các nhà lãnh đạo đôi bên sẽ tập trung vào « chính trị, an ninh, hợp tác thực tế, hình thành dư luận, các vấn đề đa phương và các vấn đề về biển ».

Không có nhận xét nào: