Khi Obama đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, dân Mỹ xầm xì, xôn xao về một tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Cái đó gọi là phân biệt chủng tộc. Thánh Martino khi vào tu viện cũng không được tôn trọng vì ông là dân da đen. Cái đó gọi là phân biệt màu da. Hoàng tử Anh William lấy Kate Middleton không sao. Tới lượt Harry lấy Meghan Markle thì hoàng gia xào xáo. Đó là sự phân biệt đẳng cấp. Tại sao dân Chúa phải là dân Israel? Tại sao Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II vẫn bị người ta xầm xì vì cái gốc Ba lan. Đó không phải phân biệt thì là gì? Vậy thì, phân biệt vùng miền, phân biệt tôn giáo, phân biệt chủng tộc, màu da, đẳng cấp vốn luôn là định kiến cố hữu trong mỗi người.
Từ thuở khai thiên lập địa đã có sự phân biệt. Nhưng qua thời gian, theo sự phát triển của xã hội hướng tới sự văn minh và nhân đạo mà người ta giấu bớt cái tính xấu ấy đi. Gọi là giấu bởi vì nó chỉ ẩn đi chứ không mất đi. Và vì không mất đi nên mỗi khi có dịp là nó trỗi dậy. Nhưng, như đã nói, vì để thể hiện sự văn minh và nhân đạo mà người ta tránh nói đến nó. Thực tế là ai trong chúng ta cũng có sự phân biệt.
Cách đây gần thế kỷ, mỗi khi nhắc đến người Nhật người ta thường thêm chữ lùn. Mà quả thật người Nhật khi ấy họ rất lùn. Nhưng đến hôm nay thì sao? Chiều cao của họ hiện nay xấp xỉ người Châu Âu. Nhìn đội bóng chuyền nữ của Nhật mà sửng sốt. Cô nào cô nấy như cầu thủ bóng đá quốc tế. Vậy hồi đó khi nghe thế giới gọi mình là lùn, người Nhật có giận dỗi, gào lên là chúng mày miệt thị tụi tao không? Không. Họ lặng lẽ thay đổi chế độ dinh dưỡng để có được người Nhật như ngày hôm nay. Chứ ngồi đó mà tủi thân, khóc lóc, lên án cả thế giới thì đến hôm nay vẫn còn lùn. Mà lùn thì người ta bảo lùn là đúng rồi. Cãi cái gì!
Các bác cứ bảo tư bản nó bóc lột. Ấy thế mà đi làm toàn chọn công ty Mỹ với Châu Âu. Không chọn được nữa thì mới quay về Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Bọn Mỹ với Châu Âu nó cũng chả thèm đi cãi nhau với các bác làm gì. Làm cho nó lương cao, phúc lợi xã hội tốt, bảo hiểm đóng đầy đủ, chế độ lương thưởng rõ ràng. Quan hệ chủ-tớ văn minh, nhân ái. Bóc lột hay không cứ nhìn cách người lao động chọn công ty thì biết. Đấy, nó đâu cần thanh minh, thanh nga là chúng tôi không bóc lột. Cứ nhìn nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN tăng trưởng âm thì đủ biết thằng nào bóc, thằng nào lột ngay.
Vậy cho nên muốn người ta không phân biệt thì mình phải giống người ta. Khi giống nhau tức là trở nên một thì mới không có sự phân biệt. Ví dụ người ta cân 1 kí là mười lạng thì mình cũng cân đủ 10 lạng. Ai bảo cân 8 lạng thì người ta mới phân biệt “Bắc kỳ cân điêu”. Đẩy cái xe chôm chôm ra giữa đường, bày cái bảng 15 ngàn 1/2kg, số 1 rõ to, số 2 rõ bé, người ta ghé vào mua mới tức điên liên. Tức thì người ta chửi cái loại “Bắc kỳ ma giáo” đúng quá rồi còn gì. Cứ tạo ra sự khác biệt thì người ta phải phân biệt thôi. Nếu cả chợ ai cũng cân 1kg=1000gr, ai cũng bán xấp bánh tráng 30 cái chứ không phải 28 cái ngoài lành trong rách, ai cũng buôn thẳng, bán thật thì khi ấy trong đầu người ta chỉ có khái niệm cái chợ chứ làm gì có con mẹ Bắc kỳ bán cá trong chợ, thằng Bắc kỳ đẩy xe chôm chôm đầu chợ hay con Bắc kỳ bán mía cuối chợ.
Thay vì ngồi than thở, trách móc, tự ti, giận hờn, đòi bờ-lốc (block), ân-phen (unfriend) những người phân biệt vùng miền thì hãy như người Nhật, lặng lẽ thay đổi để xóa đi định kiến của người khác về mình. Bảo nhau đừng cân điêu, đừng bán gian, đếm dối. Đi đến đâu cũng nhã nhặn, lịch sự, giữ trật tự và giữ vệ sinh. Làm ăn, giao tế đứng đắn, trung thực thì ai người ta phân biệt làm gì. Tôi nói không ai tin thì đến chợ Tân Phong một lần mà xem. Sau lưng trường tiểu học Tân Phong A có xe rau của một anh Bắc kỳ, ngày nào cũng đắt như tôm tươi. Anh còn ngọng n-l luôn ý chứ. Nhưng thái độ buôn bán thì tuyệt vời. Ngoài giá rẻ hơn so với các sạp hàng khác thì gương mặt và lời nói hoà nhã. Mua bầu, bí là luôn tặng kèm hành ngò. Mua cà chua tặng trái chanh. Mua củ hành tặng nắm ớt. Nhà nào ăn ít mua nửa quả bí xanh hay một khe bí bỏ cũng cắt ra bán. Như thế ai chả thương. Tôi thấy Nam, Trung, Bắc gì đều mua của anh ấy hết. Đâu có ai nói tại ông này người Bắc tôi không muốn mua.
Cái passport của mình nó yếu vì vị thế đất nước mình trên trường quốc tế nó bẹp dí. Vừa mới ra khỏi khối Asean là phải xin visa rồi. Mà cũng không phải cứ xin là được. Thế xin không được thì quay ra chửi LSQ à? Người ta ớn mình bỏ mẹ người ta mới không cho. Sang đến nơi thì trốn ở lại. Ở lại thì làm chui, làm bậy, ăn trộm, ăn cướp, nhậu nhẹt, đàn đúm bầy hầy hết đất nước người ta ra thì ai chả ớn. Muốn cho người ta nhìn cái bát-bo mình mà không khinh thì phải thay đổi chứ ngồi đó tủi thân, tủi phận, trách móc, giận hờn thì suốt đời rúc kẹt như con gián.
Đấy, nói túm lại là muốn người khác không phân biệt thì mình đừng khác biệt. Mình hôi thì phải đi tắm. Mình sai thì phải sửa. Mình dốt thì phải học. Quê mùa thì phải quan sát mà học theo. Túng thiếu thì phải khiêm tốn. Chứ thấy người ta né mình thì lại lu loa lên ối giời ôi nó chê tôi hôi. Đèo mẹ! Hôi thì người ta bảo hôi. Cứ bắt người ta ngồi kế bên chịu đựng cho bể lỗ mũi à? Người ta không chịu được thì lại chửi người ta không nhân văn, thiếu nhân ái. Thế mình đã đủ nhân tính chưa?
MAI THỊ MÙI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét