(hình minh hoạ)
Ngày 9 tháng Sáu, nằm ứng chiến tại hậu cứ tiểu đoàn 8 Nhảy dù đã ba ngày, tiểu đoàn chỉ có việc huấn luyện tại chỗ cho binh sĩ, đồng thời sẵn sàng di chuyển. Mười một giờ, tiểu đoàn được lệnh ra phi trường Tân Sơn Nhất. Lãnh bản đồ của Vùng III chiến thuật, như vậy dự định hành quân ở miền Trung được hủy bỏ. Chiến trận vùng III trở nên khốc liệt, quận lỵ Đồng Xoài bị tràn ngập ngày hôm qua. Quận Đồng Xoài, nếu gọi đúng địa danh hành chánh là quận Đôn Luân bị tấn công mạnh, quân trú phòng bị tổn thất nặng.
<!>
Một tiểu đoàn Bộ binh và một tiểu đoàn Biệt động quân đã đến tăng viện, chúng tôi phải đến Đồng Xoài ngay chiều hôm nay. Ba giờ chiều, tiểu đoàn đến phi trường Phước Long, ngủ đêm tại đây đợi ngày mai trực thăng vận vào Đồng Xoài.
Ngày 10 tháng Sáu, quận lỵ hiện ra tiêu điều xơ xác trong ánh nắng vàng võ của buổi chiều. Nhà cửa ở khu phố ngoài hàng rào văn phòng quận bị sụp đổ hoàn toàn trơ vơ vài bức tường cháy loang lổ, vết đạn ghi đầy. Tiểu đoàn 52 Biệt động quân xuống trước chúng tôi một ngày nay đang bố trí giữ hướng tây của quận. Chúng tôi tiến vào lục soát khu vực phía đông. Bên trong dãy nhà sập, thảm cảnh vẫn còn nguyên dấu vết, có gia đình một mẹ ba người con chết từ hai ngày chưa ai hay, căn nhà đã đổ xuống phủ kín bốn thây ma xông lên mùi nồng nặc. Quận lỵ đầy hơi tử thi, chúng tôi không dám moi gạch lên để tìm xác chết vì xác chết đem ra ngoài ánh sáng lại càng hôi thối hơn. Có những xác Việt cộng của ngày tấn công hôm trước không được đồng bạn kéo đi nằm ngổn ngang trên lối đi, ruồi bâu vào những lỗ thủng của vết thương bay vù lên như một đám bụi nhỏ khi chúng tôi đi qua.
Đại đội 72 báo cáo: Bắt được một tù binh Việt cộng, tên người gầy rạc, nét mặt kinh hoàng không thể trả lời với chúng tôi được một câu hỏi. Bỏ quận lỵ lại, tiểu đoàn tiến dọc theo liên tỉnh lộ 14 hướng về đồn điền Thuận Lợi. Lấy con đường làm chuẩn, tiểu đoàn chia làm hai cánh quân đi song song. Đến khu rừng cao su non, khinh binh đi đầu báo cáo: Có nhiều xác chết mặc đồ bộ binh. Kéo ra đường đợi trực thăng xuống mang đi. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh. Đến bây giờ chúng tôi mới có thể biết nhiệm vụ được giao phó: Đi nhặt xác chết của đơn vị bạn. Tiểu đoàn bạn đã được trực thăng vận đến nơi này trong ngày 8 tháng Sáu, bị phục kích ngay tại bãi đáp, trực thăng và binh sĩ bị đàn áp bởi một hỏa lực hung hãn trong khỏang thời gian nguy hiểm nhất của cuộc hành quân trực thăng vận, tiểu đoàn này đã bị đánh tan ngay trong giờ phút đầu tiên của trận chiến. Xác chết nằm rải rác dài trên cây số, càng đi sâu lên phía bắc, người chết càng nhiều. Những người bạn xấu số chết như nằm ngủ, có anh ở vị thế ngồi, có anh đang ẩn mình sau gốc cây, có xác chết như vừa ngã xuống. Đến chiều, tiểu đoàn chúng tôi chỉ nhặt được trên bốn mươi xác. Lệnh ngủ đêm tại đây, sáng mai thu nhặt nốt.
Đã quen với chiến trận và xác chết, nhưng phải ngủ trên cùng một chỗ với người chết, hơi thối bốc lên tanh cao, không ai không khỏi ái ngại.
– Cái nón sắt thằng nào vứt đây?
Không có tiếng trả lời. Tên lính tiếp:
– Không thằng nào nhận thì tao lấy.
Một lát sau có tiếng tru tréo:
– Đ.m… Nón của thằng chết, còn dính óc tùm lum đây nè…
Tôi hút thuốc lá liên miên, trời mưa, tưởng chừng như những xác chết phình lên dưới cơn mưa, bốc hơi ngùn ngụt và chúng tôi hít thở bầu không khí nặng mùi đó.
– Ở đây có một thằng chết nữa!!
Tên lính đổi gác về vấp phải thây ma la lớn…
– Đ.m… Chết quái gì kỳ thế này, tìm suốt buổi chiều không có, bây giờ mới bò ra.
Đêm thật dài với những thây chết bên cạnh. Một rủi ro xảy đến, gió làm rơi cành cây đè chết một binh sĩ của đại đội 74. Xui rồi, chưa gì đã chết nhảm, kỳ hành quân này chắc cũng giống như lần ở Bến Cát… Lính bàn tán. Ngày 11 tháng 6 tiếp tục nhặt xác, trận mưa đêm qua làm các thây ma trở nên khó coi, da người chết căng mỏng tanh và trắng nhớt tưởng như đụng vào sẽ vỡ toang. Xác chết gặp nước căng phồng lên phải bốn người khiêng mới nổi. Hai người nắm cổ tay, hai người giữ đôi chân. Xác chết được kéo xềnh xệch trên mặt đường, xếp cạnh nhau như những con bê. Sĩ quan chúng tôi cũng phải làm việc này để rút bớt thời gian. Thoạt đầu còn e ngại nhưng đến xác thứ tư thứ năm lớp thịt nhũn của xác chết tiếp xúc với bàn tay hóa thành quen. Đi từ nơi để xác trở vào rừng, tôi không dám nhìn vào hai bàn tay của mình, thịt da người chết đã phết một lớp dầy trên da tay. Hai giờ chiều, xác chết đã nhặt được hết, tôi chà tay xuống mặt đất như muốn bóc hẳn lớp da. Thèm điếu thuốc lá nhưng không dám đưa bàn tay lên môi.
Tiếp tục tiến quân lên hướng bắc, mục tiêu là đồn diền Thuận Lợi, việc nhặt xác chết đã làm mọi người trở nên phờ phạc, hơn nữa dân chúng từ khu đồn điền chạy về Đồng Xoài đã báo nhiều tin tức đáng ngại. Trung đoàn Q.762 Việt cộng đang lẩn khuất đâu đây để rình rập chúng tôi. Mọi người mệt mỏi căng thẳng đến cao độ.
Đến con đường vòng quanh đồn điền, một vài tên Việt cộng chạy thấp thoáng. Có tiếng súng nổ rời rạc ở đầu đại đội 74. Việt cộng nổ súng xong chạy vào trong đồn điền. Đúng là chúng đang dụ chúng tôi. Đoàn quân dừng lại một lát để chờ ý kiến quyết định của tiểu đoàn trưởng. Lệnh cho đại đội 74 và 72 tiếp tục tiến sâu vào đồn điền. Tiểu đoàn tiến lên phía bắc năm trăm thước thì dừng lại. Đại đội 70, 71, 73 bố trí thành một hình bán nguyệt, trông về phía tây và phía nam hướng tiến. Đến bây giờ chúng tôi cũng không biết lệnh tiến vào khu đồn điền xuất phát từ bộ chỉ huy hành quân hay quyết định của tiểu đoàn trưởng. Cấp trung đội trưởng không được họp để biết rõ chi tiết trên. Riêng chúng tôi ở đầu hàng quân đều nhận thấy rõ rằng: Địch đang dụ chúng tôi vào bẫy. Nhưng nhà binh là tuân lệnh, nguyên lý cứng nhắc đó không đủ để dẹp hết e ngại. Toán dân chúng buổi sáng chạy về Đồng Xoài đã cho chúng tôi biết: Địch ở khu đồn điền rất đông đến cấp trung đoàn, bộ chỉ huy địch tổ chức sinh hoạt như một khu an toàn. Ăn uống liên hoan, tranh giải thể thao… Chúng sẵn sàng đè bẹp chúng tôi!
– Đống Đa đây 3 báo cáo có rất nhiều điểm khả nghi, địch bắn chúng tôi rồi bỏ chạy. Không thấy người được, địch chạy dưới giao thông hào.
Tôi báo cáo với đại đội trưởng, ông ta hỏi ý kiến của tiểu đoàn, lệnh được lập lại. Tiếp tục vào, cẩn thận.
– Vào cho chết à. – Mấy tên lính đi khinh binh cằn nhằn. – Nó dụ mình vào mà cứ tưởng bở.
– Đừng nói nữa, coi chừng mấy cái nhà trước mặt.
Thấp thoáng sau thân cây cao su, nhà của đồn điền bắt đầu thấy rõ, nhà gạch lớn mái đỏ, nhà làm mủ cao su, nhà thờ của công nhân, khu đồn điền trông như một thành phố nhỏ. Từ trong những dẫy nhà, địch bắt đầu khai hỏa. Chỉ có súng cá nhân. Đánh được rồi chúng mày. Lính bảo nhau. Đại đội 74 đưa trung đội 1 do thiếu uý Dũng lên chiếm một dẫy nhà đầu tiên, một trung đội của đại đội 72 tiến lên song song. Việt cộng bỏ khu nhà chạy sâu vào trong. Áo xanh của chủ lực quân Việt cộng hiện rõ ràng trên nền tường quét vôi trắng.
– Báo cáo không thể tiến thêm được nữa, địch quá đông, xin pháo binh.- Tôi gọi về đại đội nói như hét.
– Không bắn pháo binh được, khu đồn điền có dân và có nhà thờ.
– Dân con mẹ gì.- Tôi la muốn vỡ phổi để phản đối.- Không phải dân đâu, toàn là Việt cộng thôi…
– Bộ chỉ huy hành quân quyết định không cho bắn, anh về đó mà kiện…- Đại đội trưởng cũng hằn học không kém.
Một vài người lính bộ binh thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh bị Việt cộng bắt đi trong ngày mùng 8 từ mấy ngôi nhà bên cạnh chạy ra gọi chúng tôi rối rít.
– Không vào được đâu các anh, tụi nó cả trung đoàn ở trong đấy!!
Không thể lùi được nữa, vào đến đây chỉ còn con đường tiến trước mặt. Khu trung tâm đồn điền có một cái lầu nước bên kia phi đạo, chúng tôi đang ở trên một sườn đồi, trước mặt địa thế quá trống trải. Hai trung đội của Dũng và Đỗ được lệnh ép trái, để tránh đường đạn của địch, băng qua phi đạo chiếm khu trung tâm đồn điền. Đến giờ phút này, phía trái và đằng sau lưng chúng tôi vẫn chưa có tiếng súng. Trời bắt đầu mưa, mưa đầu mùa, gió thổi mạnh oằn thân cây, lá cao su bay dầy đặc. Khu đồn điền mịt mờ như trong buổi hoàng hôn. Mưa trút nước càng ngày càng mạnh, khu rừng biến thành tối đen. Hai đại đội đi đầu dồn hỏa lực để yểm trợ hai trung đội vượt phi đạo… Thật nhanh, lính của Dũng và Đỗ vượt qua phi đạo với tất cả sức mạnh của đôi chân. Được nửa phi đạo, súng nổ. Từ lầu nước, đại liên 50 và 30 ly nổ không dứt, đạn cầy trên mặt cỏ bốc bụi đầy. Lính của hai trung đội ngã nhào xuống như những thân cây bị đốn. Đỗ chết ngay tại chỗ, Dũng bị thương ở tay cố chạy dạt về phía trái được ba bước, một loạt đạn nữa ghim ngang ngực, Dũng ngã xuống đất bất động. Hai người lính sống sót độc nhất của hai trung đội bò về phía sau. Bây giờ súng nổ rền chung quanh. Từng loạt hô xung phong vang lên khắp bốn phía rừng. Tiếng mưa đổ trên lá, sấm sét bị át hẳn vì tiếng súng và người la ó. Trong bóng mờ mịt mùng của khu rừng, những bóng đen hiện rõ mồn một.- Đầu hàng, đầu hàng! – Việt cộng vừa tiến đến vừa la lớn.
…Hàng con c…! Bắn trả lại, không kịp! Đạn chạy ra khỏi nòng súng trong nháy mắt, lắp thêm một băng nữa, một họng súng kề trước mặt. Chạy lui vào gốc cao su bắn trả lại… Lính của hai đại đội 72 và 74 chạy dạt hẳn về phía tay phải. Khu đất phía tay phải là một sườn đồi thấp xuống thật trống trải với một vườn chuối non. Hết đường rồi, trước mặt, phía trái, đằng sau AK của địch át hẳn Carbine M.2 của chúng tôi. Một vài anh lính đại đội 71 chạy lên dáo dác. Việt cộng có cả xe bọc sắt…- Đ.m, đánh không được nữa. Ông Kỳ (đại đội trưởng) chết rồi.- Máy truyền tin im bặt. Bây giờ là lúc cá nhân tự chiến đấu…
Qua khỏi khu vườn chuối cuối cùng của sườn đồi, một hàng rào dây kẽm gai bít lối. Những người lính đầu tiên sắp sửa chui qua thì từ phía bắc đại liên bắt đầu nổ, tôi nghe rõ tiếng đại liên 12 ly 7. Một tiểu đội ngã gục ngay trong giây phút đầu tiên. Hết đường, đúng là đến đường cùng. Tôi chạy lui về phía nam, một cảnh tượng đau lòng và kinh khiếp. Lính của đại đội 73 coi như chết gần hết, còn lại khỏang chừng hai tiểu đội vừa bắn vừa kéo lên phía chúng tôi. Cuộc gặp gỡ thật bi thảm, một phần của đại đội 70 từ cánh phải kéo đến. Trung uý Hợp, đại đội trưởng 70 chỉ tay về phía trái…- Con đường này có thể chạy được, cậu (chỉ tôi) dẫn anh em chạy ra đấy.- Tôi gật đầu bừa, kéo số còn lại chạy theo hướng vừa chỉ, cố tránh xa lằn đạn đại liên của địch đang bắn dọc hàng rào… Chỉ còn một lối này, may thì sống, không thì mất. Đang phân vân chưa dám lao mình qua hàng rào, một loạt đạn bay vụt đến, tôi ngã xuống như một chiếc lá khô…
Trời tối mịt, mưa vẫn ào ào trút xuống, rừng đen thẫm. Tiếng súng đã im, nhưng xung quanh âm âm tiếng rên rỉ của người bị thương. Bây giờ tôi mới biết đạn trúng vào tay và mặt, vết thương xem như nhẹ nên rất tỉnh táo. Chính điều này mới thật khốn khổ vì Việt cộng lục soát thấy được tôi thế nào chúng cũng giết hoặc bắt đi, cả hai đều đáng lo ngại.
Tôi tỉnh táo nên có thể nghe rõ tiếng kêu cứu trong đêm tối, lời rên la thảm thiết như âm vọng từ cõi chết. Nước mắt chợt trào ra, nhớ lại những kẻ chết từ buổi chiều, nay tôi chứng kiến thêm những giây phút hấp hối của đồng bạn. Người sắp chết trong những giây phút cuối cùng chẳng ai nghĩ đến bản thân, tất cả chỉ nghĩ đến cha mẹ, vợ con… Những tiếng kêu:
– Con ơi… Mình ơi… – như những mũi dao nhọn đâm thật sâu vào người, tôi muốn bịt tai lại để khỏi nghe phải. Nhưng đêm im lặng, lời than hấp hối kéo dài, vang xa… Có chân người xì ầm đến, Việt cộng đi thanh toán chiến trường! Tiếng chửi mắng chen lẫn tiếng nổ khô và gọn. Chúng chửi mắng hoặc bắn chết thương binh.
Chưa bao giờ tôi căm thù và ghê tởm bọn chúng đến ngần này. Chiến tranh là luật của sống chết, nhưng khi người đối địch với mình ngã xuống thì ai nỡ lòng nào để hành hạ và giết chết. Lũ chúng nó, loài không có linh hồn. Đã bao lần chúng tôi bắt được tù binh, kẻ cho thuốc lá, người cho cơm ăn, những người lính Nhảy dù xưa nay vẫn có tiếng là cứng rắn nhưng chưa một lần nào chúng tôi hành hạ tù binh, huống gì tù bị thương. Nhưng ở đây, bọn Việt cộng như một kẻ vô linh hồn, chúng quên mất tình người… Người nằm đấy, những người Việt Nam chung với chúng một dòng máu, chiến tranh đã biến đổi họ thành thù địch trong trận đánh, nhưng bây giờ còn gì để tạo nên thù hận! Nhưng rõ ràng tôi nghe trong bóng đêm những tiếng chửi mắng tục tĩu, và những tiếng nấc cuối cùng của người chết khi nhận những lát dao tàn bạo hoặc những viên đạn cuối cùng thật chính xác nổ vào đầu… Tôi bò nhanh về phía tay phải theo triền dốc, đâu đâu cũng có người chết, có xác đã lạnh cóng, có xác còn nóng của những kẻ vừa chết. Tôi đụng vào một người.
– Ai đó? Tôi, Cấm đây, cứu dùm tôi với…
Có tiếng chân người chạy đến, một tên Việt cộng…
– Mẹ mày, để tao cứu cho.
Nó cười hềnh hệch man dã, một viên đạn nổ chát chúa, nó bắn vào đầu anh Cấm… Tôi nằm im không nhúc nhích, mặt úp xuống lá cao su. Tôi giả vờ chết khi tên Việt cộng đá vào chân. Hỏa châu bắt đầu thả xuống, những xác chết ẩn hiện theo luồng ánh sáng xuyên qua cành lá kinh khiếp và thê thảm như một cảnh địa ngục.
Một phi cơ xuất hiện, bom trút xuống, khu đồn điền rung rinh như cơn động đất, lửa cháy sáng rực, những người bị thương cố vùng lên để chạy xong ngã xuống, chập choạng những xác chết nhập tràng… Tôi cố bò về phía ngọn suối, vượt qua hàng rào dây kẽm gai, đè ngay lên một xác chết… Khỏang bốn giờ sáng, tôi kiệt lực khi biết mình ra đến con lộ chạy từ Đồng Xoài lên. Việt cộng tập họp điểm danh ồn ào cả một khu rừng, rồi chúng bắt đầu đi. Bước chân người dồn dập như một cuộc diễn binh vĩ đại kéo dài cho đến khi trời ửng sáng. Không hiểu ai đã ra lệnh cho cuộc dội bom vừa rồi? Chắc hẳn những người đó muốn kết thúc thời gian hấp hối của thương binh đơn vị tôi! Tiên sư cha chúng nó, sao không dội bom ngay trên con đường nơi Việt cộng tập họp… Tôi chửi thề với uất giận cao độ. Hai mươi bốn giờ sau khi về được bến Đồng Xoài, lớp thịt chung quanh chỗ bị thương đã thối loét hẳn đi, tôi muốn thổ huyết vì giận dữ khi đi qua lều của bộ chỉ huy hành quân, những viên sĩ quan tham mưu ngồi nhìn tôi như con vật lạ…
Những sự kiện trên đây do Hải, người trong cuộc kể lại. Tôi nghỉ dưỡng thương ở nhà nên bi kịch chỉ thấy được tại hậu cứ, nơi cường độ bi thảm lên tới tột đỉnh. Ngày 12 tháng Sáu đang ở Sài Gòn, đột nhiên lòng nóng như lửa đốt, vết thương ở bụng từ tháng Ba đến giờ vẫn chưa lành hẳn. Tôi mượn chiếc Lambretta của một người bạn chạy thật nhanh về nhà ở Biên Hòa. Dọc đường gặp một người lính cùng đơn vị.
– Thiếu uý có biết gì không?
– Có gì xảy đến cho tiểu đoàn, bao giờ tiểu đoàn về?
– Vậy không biết gì hết sao? Tiểu đoàn đụng nặng ngày hôm qua, giờ này chưa biết rõ, nhưng chắc bị nặng lắm…
Tôi bỏ anh ta lại đằng sau, phóng xe như bay vào phi trường, doanh trại chưa đến nhưng đã nghe lao xao tiếng người…
Gia đình binh sĩ đứng đông nghẹt ở sân cờ, những người vợ lính con cái xúm xít, nét mặt lo âu, có người đã khóc thút thít, tóc xổ tung, nước mắt đẫm mặt, có người không đủ bình tĩnh nằm vật ngay trên thềm của văn phòng… Thiếu uý San, chỉ huy hậu cứ bối rối an ủi từng người một.
– Sao anh San? – Tôi hỏi nhỏ – có tin gì đích xác không? – Anh San kéo tôi vào văn phòng.
– Nặng lắm, chưa biết rõ chính xác, nhưng chắc là ông Trưởng và ông Phó chết rồi!
– Tiểu đoàn trưởng chết, thì còn gì nữa. Các sĩ quan khác ra sao?
– Chưa biết rõ, chỉ cò năm ông sống sót… Bác sĩ, ông Tân, ông Đông, đại uý Phát và Chánh.
– Còn các sĩ quan khác?
– Chưa rõ.
Mấy thằng bạn của tôi?!! Người tôi như bị say sóng, ngồi xuống một chiếc ghế, thấy mình kiệt lực.
– Anh tính mình mất bao nhiêu?
– Chưa rõ được, nhưng chắc hơn một trăm.
Con số đó tất nhiên đã được nói dối, chắc chắn rằng số thiệt hại có thể gấp đôi chưa kể người bị thương, bị bắt cóc, thất lạc. Tiểu đoàn của tôi, đơn vị nuôi dưỡng tôi trong những ngày đầu tiên, những thằng bạn mới ra trường của khóa 19 làm sao có thể sống sót với quân số tử thương trên hai trăm! Tôi nghẹt thở như máu chảy lệch đường tim. Gia đình binh sĩ càng ngày càng đông, tiếng khóc như dao cắt vào thịt. Tôi bỏ đi ra phía cổng tiểu đoàn, nơi phòng trực; lính hậu cứ im lặng buồn bã. Tôi nhìn trời chiều, lòng u ám như kéo giông.
Ra đến Biên Hòa, đêm vừa xuống, đèn tỉnh nhỏ mù mờ. Tôi thấy khó khăn phải sống cho đêm sắp đến, làm gì bây giờ? Rượu, thôi chỉ còn loại thuốc quên lãng đó cho những giờ khắc cóng đỏ này. Tôi đi vào quán rượu ở Biên Hùng, lính Mỹ đông nghẹt, tôi cần không khí ồn ào này. Gần mười hai ly bourbon sec cháy cổ được tống thật nhanh vào người. Trong cơn say, nỗi buồn chín đỏ nằm riêng một góc tâm hồn không tan biến. Không biết trở về nhà bằng cách nào, nhưng nửa đêm tôi tỉnh ngủ để thấy nước mắt mình ướt má.
Bây giờ không phải là giấc mơ, nhưng là một thực tại của tàn bạo. Tiểu đoàn tôi tử thương trên hai trăm người. Những xác chết dần được đem về từ ngày 13 cho đến ngày 18, tôi nhìn rõ từng người, những người tôi đã từng thấy họ sống, cười, lo âu, vui sướng. Tôi kéo bao cao su để nhìn thấy Dũng, thằng bạn nhỏ từ ngày xa xưa ở Đà Nẵng, lúc còn là sói con, sáng đánh bóng rổ, chiều đua xe đạp vòng quanh sân trường. Tôi nhớ dáng dấp nhanh nhẹn của nó mỗi lần dẫn đội banh ra sân, nụ cười tươi tắn hồn hậu. Tôi với nó không thân với nhau lắm, Dũng thuộc loại học sinh được lòng thầy, sói con được lòng huynh trưởng. Tôi quá tệ, ai cũng ghét. Nhưng khi gặp nó ở đây, trong thành phố xa lạ, tôi với nó cần nhau biết mấy. Bây giờ nó nằm yên, nét mặt bình thản như trong giấc ngủ, mắt khép hờ, da hơi tái. Như thế xác của Dũng được xem như còn “tươi” nhất trong số những cái xác khác đem về cùng ngày. Kéo fermeture che kín thân thể nó lại, người tôi vỡ toang đau đớn. Khu nghĩa trang như một cái địa ngục, trời miền Nam bắt đầu vào mùa mưa, đất đỏ từ lối đi vào đến nơi chứa xác lầy lội tưởng như có pha máu người. Thân nhân người chết than khóc, lăn lộn trên lớp bùn non, áo sô trắng lấm đất đỏ như dấy máu. Hơi đất, hơi người sống, người chết, mùi hương đèn lẫn lộn ngây ngấy nồng nặc, choáng váng… Ngay đến những người lính ở trung đội chung sự cũng phải rời rã… Bỏ người chết ở lại nghĩa trang, tôi đến bệnh viện Cộng Hòa để tìm người bị thương vừa được mang về. Hải đây rồi, người xanh dớt như lá non, thịt ở chỗ bị thương ủng thối nồng nặc. Tôi ôm lấy nó, nước mắt chảy ra lúc nào không hay… Hải bật khóc thành từng tiếng nhỏ, giọt nước mắt vì sống sót chen lẫn mất mát những người thân. Bây giờ tôi mới biết thêm cảnh anh Ký khóa 17 trong những phút cuối cùng của cuộc đời đã bình thản dốt cháy tất cả giấy tờ đặc lệnh truyền tin. Anh Hợp bình tĩnh hút những hơi thuốc pipe cuối cùng trước khi tự bắn vào đầu. Trung uý Kỳ, đại đội trưởng 71, tự mình chống trả với địch trong cơn hấp hối, Đại uý Hải, tiểu đoàn phó, chửi vào mặt Việt cộng khi chúng bảo đầu hàng, chết với chiếc combiné còn ở trong tay, ngồi tựa vào gốc cao su ngang tàng và dũng mãnh… Người lính già của những trận Lạng Sơn, Điện Biên Phủ thưở trước chết như hình ảnh của một anh hùng.
Tôi đi xuống khu ngoại thương của binh sĩ – Lưu Diễn – anh lính cao không đầy thước rưỡi, người chỉ mang được ba qủa đạn 57 ly, hai chân bị bắn nát dòi bò ra theo vết thương, đã bò bằng hai tay trong năm ngày với đoạn đường hơn mười lăm cây số, đói khát và kiệt lực nhưng không ngã lòng. Khi tôi đến, người anh chỉ là một xác ma, dấu vết của người sống chỉ còn lại ở đôi mắt. Tôi chỉ biết im lặng cầm lấy bàn tay gầy guộc bám đầy đất đỏ bùn non. Có cảm giác như đang nắm một cành củi mục. Tôi chạy như con thoi giữa hai trục nghĩa trang và bệnh viện, người khô cứng trong tận cùng của mệt nhọc và buồn phiền. Không thể nuốt một thức ăn nào khác ngoài bánh ngọt, đưa muỗng cháo vào mồm, mùi thịt bò gây gấy làm nhớ đến những xác chết sau bảy ngày chương sình nhầy nhụa, khi ấn vào quan tài nước phọt lên có vòi, những xác chết khi được mang từ nhà xác đi ra trông như cử động vì dòi trên thân thể bò lúc nhúc chen lẫn nhau. Dù thương mến đến tột độ, người thân khi nhìn thấy xác của kẻ thân yêu trong tình trạng như vậy chẳng có ai can đảm để đến gần. Đâu còn là vóc dáng của người thương mến, chỉ là một tảng thịt đã rữa nát đầy dòi bọ hôi thối đến kinh khiếp.
Đưa quan tài của Dũng lên máy bay, chào trước mộ của Kỳ và Đỗ lần cuối, sau một tuần lăn lộn với người chết, người tôi tan đi trong một cơn mê nồng nặc đầy hơi chết và lòng tràn giông bão. Những xác chết ám ảnh tôi đến kỳ quái, ngay trong giấc ngủ, sự yên lành cũng không có, tôi la hét, khóc lóc đập phá trong cơn mê. Và nỗi tỉnh thì không còn nữa, rượu uống vào hoài hoài, chưa bao giờ thấy rượu ngon và cần thiết đến thế — Một khỏang đời đã đổi tôi thành kẻ lạ rồi… Một tên hung bạo, trí não căm hờn và thù hận. Tôi chết một phần người trong tôi. Ôi! Tháng Sáu năm 1965, tôi ghê sợ biết chừng nào.
Tháng 6-1965. Đồng Xoài (Bình Long)
Phan Nhật Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét