Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Nhà hàng, quán ăn ở Sài Gòn ‘vắng thê thảm,’ nhiều người lao đao... - (NV)



SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều nhà hàng, quán ăn lớn từng đông đúc ở Sài Gòn nay vắng khách, phải đóng cửa hoặc giảm nhân viên. Nhiều dịch vụ đi kèm cũng bị ảnh hưởng vạ lây. Nói với báo Tuổi Trẻ hôm 20 Tháng Mười Một, ông Trần Quốc Thịnh, chủ hệ thống lẩu gà 109 ở Sài Gòn, cho biết dù đã đầu tư để có nhiều món ăn hơn, giá bán đang tốt hơn năm ngoái, nhưng doanh thu tại mỗi điểm bán lại giảm đến 40%-50% so với lúc ổn định. Đặc biệt, lượng tiêu thụ bia rượi giảm đến 80%- 90% so với trước dịch COVID-19.Quán nhậu trên đường Hoàng Sa, quận 1, Sài Gòn, tối 17 Tháng Mười Một. (Hình: T.T.D/Tuổi Trẻ)
<!>
Theo ông Thịnh, trước tình trạng trên, hệ thống bắt buộc phải giảm mạnh nhân sự, cắt giảm hết các chi phí không cần thiết. Từ 16 chi nhánh trước đó, nay giảm còn 7. Số lao động từ 850 người, hiện giảm còn hơn 300 người, trong đó hơn 50% nhân sự là nhân viên bán thời gian.

Ngoài ra, để có khách, quán tăng cường khuyến mãi như mua các gói “combo” được giảm giá, uống 10 chai bia được tặng 1-2 chai, làm lại menu mới theo hướng đa dạng món ăn giá tốt…

“Thời điểm kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên buộc phải tìm mọi cách để giảm chi phí đầu vào, giữ giá bán đầu ra ở mức tốt thì mới mong có khách để sống qua ngày, nếu tăng giá bán sẽ dễ “chết” sớm”, ông Thịnh nói thêm.

Tương tự, ông Bùi Quang Dũng, chủ một hệ thống 10 nhà hàng trong năm 2022, cho biết sau thời gian lao đao vì nhiều điểm bán liên tục thu không đủ chi nên buộc phải cắt giảm, nay chỉ còn bốn điểm bán. Nhân viên chỉ còn hơn 250 người, giảm hơn 60% so với đầu năm 2022.

“Bia rượu thường chiếm 40%-50% tổng doanh thu nhưng nay lại sụt giảm mạnh, trong khi tiền thuê mặt bằng không giảm, quá khó khăn nên từ năm tháng qua tôi liên tục đóng cửa các điểm bán có chi phí cao, chỉ ưu tiên giữ lại những điểm còn ‘thoi thóp’ được,” ông Dũng nói.

Đại diện khu du lịch Bình Quới xác nhận lượng khách đến giảm nhiều so với các năm trước dịch, nhất là khách đến nhà hàng, tiệc buffet… giảm 50%- 60% so với thời điểm “ăn nên làm ra.”

“Những năm trước, vào tuần cao điểm, tiệc buffet thu hút cả ngàn người, đặt trễ không còn chỗ. Nhưng năm nay vắng hẳn. Nếu trước tổ chức tiệc buffet ba ngày/tuần, mỗi ngày hai suất, nay chỉ tổ chức hai ngày cuối tuần, mỗi ngày chỉ một suất nhưng cũng khá èo uột,” vị đại diện này nói.

Ông Nguyễn Công Quyết, đại diện nhà hàng bò tơ Tây Ninh Năm Sánh, thẳng thắn cho biết bia rượu chiếm phần lớn trong tổng doanh thu, nhưng do nay tiêu thụ mặt hàng này giảm, doanh thu của nhà hàng cũng giảm 50%-60% so với thời điểm ổn định. Do vậy, không chỉ sa thải người, các nhà hàng, quán ăn khó khăn sẽ ảnh hưởng lên cả chuỗi cung cấp, thậm chí tới cả nông dân.

“Số lượng nhà hàng của đơn vị tại Sài Gòn hiện chỉ còn 5-6 cái, giảm mạnh so với hàng chục cái lúc cao điểm, nên phải cắt giảm nhập các nguyên liệu như thịt bò, rau củ…,” ông Quyết cho biết thêm.

Nhiều điểm kinh doanh ăn uống khác cũng cho biết tỉ lệ lợi nhuận 10%-15% hiện nay gần như không có, mà chủ yếu chỉ còn được khoảng 3%-4%, “không tính toán kỹ là lỗ.”

Nhận định về nguyên nhân gây ế ẩm, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn cho rằng do sợ bị cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn cùng với kinh tế đang khó khăn… nên khiến nhiều người “giảm đi ăn nhậu.”

Do hàng quán ế khách, các hệ thống siêu thị cũng bị vạ lậy.

Cảnh Sát Giao Thông Rạch Chiếc chặn bắt lái xe uống rượu trên xa lộ Hà Nội, thành phố Thủ Đức. (Hình: Quang Định/Tuổi Trẻ)

Nói với báo Tuổi Trẻ, đại diện một chuỗi siêu thị lớn ở Sài Gòn cho biết sức mua của khối khách hàng sỉ (chủ yếu nhà hàng, khách sạn) từ đầu năm đến nay giảm 30%-35% so với trước dịch COVID-19, trong đó sức mua rau, thịt, cá… giảm đều các tháng qua.

“Giá bán dù giữ ổn định, thậm chí nhiều sản phẩm bia, đồ uống giải khát, thịt… nhiều lúc giá tốt hơn năm ngoái, thường xuyên khuyến mãi nhưng vẫn không kích thích được sức mua khối khách sỉ,” vị đại diện cho biết.
===

Hàng chục ngàn phòng khách sạn, nhà hàng ở Việt Nam ế ẩm, ngưng trệ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng chục ngàn phòng khách sạn ở Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Vịnh Hạ Long… đang đóng băng, các dịch vụ giải trí, nhà hàng cũng đều ngưng trệ.

Đây là thông tin được loan ra tại hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững,” diễn ra hôm 15 Tháng Mười Một.


Nhiều khách sạn ở Nha Trang ế dài không có khách đặt phòng. (Hình: An Bình/Zing)

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa trụ sở chính phủ Việt Nam với trụ sở Ủy Ban Nhân Dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, do ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, chủ trì.

Báo Tuổi Trẻ hôm 16 Tháng Mười Một dẫn lời bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Sovico Holdings, phát biểu tại hội nghị cho biết những điểm đến quốc tế xinh đẹp như đảo Phú Quốc, vịnh biển Nha Trang, con đường di sản miền Trung Huế-Đà Nẵng-Hội An, kỳ quan Vịnh Hạ Long… đang đóng băng hàng chục ngàn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ.

Tính đến hết Tháng Mười vừa qua, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10 triệu lượt, chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước dịch COVID-19.

Thừa nhận du lịch Việt Nam kém hút khách quốc tế, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam, cho rằng nguyên do công tác xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch chưa tốt.

“Việc khai triển xúc tiến ở ngoại quốc để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua hoặc nếu tham gia cũng rất cầm chừng khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt,” ông Bình giải thích.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, phó tổng giám đốc tập đoàn Sun Group, nhận định cùng với việc ưu tiên ngân sách nhiều hơn cho quảng bá và xúc tiến du lịch, chính phủ nên mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Úc, Canada, Mỹ, các nước EU và một số nước khu vực Trung Đông…

Tuy nhiên, biện minh cho việc này, ông Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công An, cho biết từ khi Luật Xuất Nhập Cảnh có hiệu lực hôm 15 Tháng Tám, đến 14 Tháng Mười Một vừa qua đã có khoảng 5.6 triệu lượt người ngoại quốc nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 1.8 lần so với năm 2022. Trong đó, 85% lượt người ngoại quốc nhập cảnh với mục đích du lịch, còn lại là đầu tư, làm việc, thăm thân nhân, du học.

Riêng đối với đơn phương miễn thị thực, có hơn 1.25 triệu lượt, cao hơn 1.6 lần so với năm trước.


Hội nghị “Phát triển du lịch nhanh, bền vững” trực tuyến giữa trụ sở chính phủ Việt Nam với trụ sở ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, do ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, chủ trì. (Hình: Dương Giang/Thông Tấn Xã Việt Nam)

Song, các đại biểu tham dự đồng tình cho rằng Việt Nam cần mở rộng các chính sách visa, miễn thị thực, xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, các sự kiện mang tầm quốc tế và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch để tháo gỡ các điểm nghẽn trong thu hút khách quốc tế tới Việt Nam.

Để xoa dịu các doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính chỉ nói chung chung và yêu cầu Bộ Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch “khẩn trương trình thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

===

Chợ ở Sài Gòn đang mùa mua sắm nhưng ế chưa từng có

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Các chợ sỉ lẫn chợ lẻ như An Đông, Bến Thành, Bà Chiểu… một thời nhộn nhịp kẻ mua, người bán thì hiện tại không khí đìu hiu, hàng loạt tiểu thương đóng cửa, sang sạp.

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ hôm 15 Tháng Mười Một, tình trạng đìu hiu, vắng khách diễn ra tại khắp các khu chợ lớn, nhỏ, dù hoạt động của Sài Gòn đã trở lại bình thường

.

Hàng loạt tiểu thương ở chợ An Đông, quận 5, đóng cửa, bỏ sạp. (Hình: Phương Quyên/Tuổi Trẻ)

Bà Nguyễn Ngọc Anh, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, cho biết: “Chưa bao giờ buôn bán tệ như năm nay, các sạp xung quanh tôi họ đóng cửa gần hết. May mắn là tôi bán sạp chính chủ, vốn nhà, có lượng khách quen do bán lâu năm nên mới cầm cự được tới giờ này.”

“Tết năm nay, sạp tôi không nhập hàng thêm vì người bán thì nhiều, người mua ngày càng ít, giam vốn vào hàng hóa thì lực bất tòng tâm,” bà Anh thở dài nói thêm.

Trước tình trạng trên, để duy trì kinh doanh tiểu thương ai cũng nặng gánh lo âu, cắt giảm mọi chi phí.

“Đóng cửa sạp thì vẫn phải đóng tiền phí, mở sạp thì không có khách. Hàng hóa nhiều, mẫu mã đa dạng cũng chẳng ai mua,” chị Liên, một tiểu thương chợ Bà Chiểu, ngao ngán nói.

Trong khi đó, chợ An Đông, quận 5, nổi tiếng là trung tâm bán sỉ lớn và lâu đời nhất Sài Gòn, tình hình cũng không khá hơn, tiểu thương “đói” khách tới nỗi bỏ sạp rất nhiều. Đặc biệt, ở tầng 2, 3 là nơi bán vải vóc, quần áo, giày dép… có những khu vực cho thuê, nhượng quyền cả dãy sạp.

Bà Huệ, kinh doanh giày dép, cho biết: “Ba ngày nay tôi chỉ đóng được đơn hàng cho khách sỉ chứ khách lẻ hầu như không có. Cứ đà này thì không biết làm sao xoay vốn để duy trì kinh doanh.”

Theo bà Huệ, sạp hàng đối diện đóng cửa treo bảng cho thuê đã nhiều tháng nay, mặc dù giảm giá thuê hết cỡ nhưng vẫn không có người thuê. Dẫu vậy, tiểu thương đóng sạp vẫn phải đóng phí hằng tháng.

Kể từ dịch COVID-19 trở đi, chợ sa sút hẳn, với lượng khách đến chợ giờ giảm trên 60% so với trước dịch, và giảm mạnh so với các năm làm ăn ổn định. Trải qua nhiều năm khó khăn, nhiều tiểu thương hiện nay dần lâm vào kiệt quệ.

Còn tại chợ Bình Tây, quận 6, không riêng gì thời trang, mỹ phẩm… mà các mặt hàng gia dụng, tạp hóa cũng ế khách.

Nhiều tiểu thương ở chợ cho biết chưa lúc nào buôn bán ế ẩm như hiện nay, giờ chỉ mong được giới hữu trách cho giảm các chi phí mặt bằng thuê sạp, để có thể gồng gánh vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Chợ Bến Thành, quận 1, cũng cùng tình cảnh tương tự. Chị Thúy, một chủ sạp đồ ăn trong chợ, cho biết chợ chủ yếu phục vụ du lịch. Mặc dù kinh tế, du lịch mở cửa nhưng vẫn không ăn thua, hàng quán vẫn không bán được.

“Trước dịch COVID-19, chợ đông và nhộn nhịp lắm. Sạp dù nằm ở góc nào cũng đông khách. Nhưng giờ sạp mặt tiền, gần cửa vẫn ế. Những sạp đóng cửa thường là sạp thuê lại. Giờ người ta không có đủ khả năng thuê tiếp nên đành bỏ. Họ cũng khổ lắm,” chị Thúy nói.

Cảnh đìu hiu tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. (Hình: Phương Quyên/Tuổi Trẻ)

Bà Lý Cẩm Vân, bán hàng tại chợ An Đông từ năm 1988, cho biết: “Mấy chục năm gắn bó với chợ, thực sự chưa bao giờ tôi thấy buôn bán khó khăn như hiện nay.”

“Với thực tế hiện nay, tôi mong nhà nước sớm có giải pháp để cứu tiểu thương qua giai đoạn khó khăn này, như cứu người dân trong cơn dịch COVID-19, bởi khó khăn hiện nay không khác gì thời điểm dịch, thậm chí càng đuối hơn vì ế ẩm kéo dài nhiều năm qua. Tiểu thương có cầm cự, duy trì để ‘sống’ được thì chợ mới ‘sống’ được, còn nếu khó khăn đến kiệt quệ, rời bỏ dần hoạt động kinh doanh thì khó đóng thuế, thúc đẩy phát triển kinh tế,” bà Vân khẩn thiết. 

(Tr.N)

Không có nhận xét nào: