Cuộc chiến VN kết thúc ngày 30/04/1975, cố thủ tướng VN Võ Văn Kiệt đã nói có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn. Nhiều gia đình phải sống trong cảnh ngang trái, xót xa. Gia đình tôi lúc đó không có ai làm việc cho chính phủ VNCH, cũng không có ai theo cách mạng, dù vậy vẫn “bị đì” vì là tiểu tư sản và theo đạo Thiên Chúa giáo. Gia đình chồng tôi, bên ngoại thì toàn là cán bộ cao cấp của đảng CSVN. Em của ông Ngoại anh đã từng giữ chức Thủ trưởng phòng Thuế vụ quốc doanh thành phố HCM. Ngày đầu ông được về lại miền nam thăm gia đình, ông đã cẩn thận gói ghém mang tặng ba má anh vài cái chén bằng mủ vì tưởng rằng dân miền nam phải ăn cơm với mủng dừa.
Cậu anh là Luật sư từng làm việc cho tòa án nhân dân tỉnh QN. Một người cậu khác từng là sĩ quan quân đội nhân dân cấp tá, sau này giữ chức vụ trưởng bộ Sắc tộc. Năm 1954, cậu đi tập kết theo tiếng gọi yêu nước, để lại quê nhà người vợ trẻ vừa mới cưới. Tưởng rằng ra bắc vài tháng sẽ về, nào ngờ cậu đã phải chờ đến hơn 20 năm dài. Người vợ trẻ ngày xưa sau bao năm tháng mỏi mòn chờ đợi chồng, đã quy y gởi thân nơi cửa Phật. Vào một buổi chiều buồn, anh D chở cậu đến chùa gặp lại người vợ năm nào với ước nguyện sẽ được nối lại tình cũ duyên xưa, nhưng mợ đã khước từ. Bóng cậu nghiêng ngã ra về dưới hai hàng cây Bạch Đàn, khuất dần trong tiếng chuông chùa buồn bả ngân vang.
Bên nội của chồng tôi thì ngược lại, toàn là những vị sĩ quan cao cấp của chính phủ VNCH. Cha anh đã từng làm Phó trưởng ty. Tỵ nạn cộng sản trước khi chuyển qua ngành thương mại. Chú anh từng là Đại uý Trưởng ban Tình báo. Một người chú khác từng là Bác sỉ trưởng ban Quân y tỉnh QN. Anh họ của anh từng giữ chức Chỉ huy trưởng Cơ khí bộ tư lệnh Hải quân vùng một duyên hải. Gia đình anh đã cùng vượt biển với anh D và MĐ.
Xin sơ lược về cuộc đời đau thương của gia đình anh.
Sinh năm 1944 tại làng Phú Thọ, Quảng Ngãi, anh Bùi Ngọc Anh là người con duy nhất của cô anh D. Cha mẹ mất sớm khi anh 5 tuổi, được ông bà Nội và ba mẹ anh D nuôi dưỡng.
Anh từng là học sinh xuất sắc, đậu bằng Cử nhân Đại học Khoa học Sài Gòn năm 1966, và tình nguyện nhập quân trường năm 1967. Anh đậu thủ khoa trường Hải quân Nha Trang. Chức vụ sau cùng của anh là Đại uý chỉ huy trưởng Cơ khí Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng Một Duyên hải.
Vợ anh, chị Tôn nữ Như Nguyện ngày trước là giáo sư dạy Sinh ngữ trường Việt Mỹ Đà Nẵng và cũng là Thông dịch viên cho cuộc đình chiến Bắc Nam trước năm 1975.
Sau ngày 30/04/1975 anh không ra trình diện học tập cải tạo nhưng hợp tác cùng anh D tìm đường vượt biên.
Vào cuối tháng 06/1979, gia đình anh gồm vợ và 3 người con cùng 80 người lên tàu rời xa quê hương. Nhưng Chúa và Phật không chìu lòng người trong cơn hoạn nạn, tàu hỏng máy khi vừa tới hải phận Mã Lai Á, sau đó trôi dạt không định hướng trên biển cả hơn 40 ngày. Đứa con trai út của anh la khóc luôn miệng xin cha mẹ “về nhà mở tủ lạnh lấy nước cho con uống”... Cháu và nhiều người đã bị chết vì đói khát. Một hình ảnh đau thương lúc đó mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời còn lại của tôi: Vài người khiêng xác bé Bảo Trác (đứa con trai út của anh) chuẩn bị đưa vào lòng biển sâu, mẹ cháu cản ngăn xin được giữ xác cháu thêm vài phút. Chị cắt vội mái tóc thề của chị cột chặt vào xác con, chị mang vào cổ con sợi dây chuyền với tượng chiếc neo Hải quân mà anh đã tặng chị trong ngày cưới. Chị trường theo xác con lao xuống biển nhưng được anh níu kéo lại...
Cuối cùng một trận bảo lớn đánh ập vào tàu (chiếc quan tài gổ nổi trôi trên Thái Bình Dương) bị va chạm mạnh rồi vở toang trên bờ đá của đảo Lu bang thuộc quần đảo Palawan Philippines. Anh với vợ và 2 con bị kiệt sức không thể tiếp tục cuộc hành trình đành nằm lại bờ đảo với một số người vượt biển. 10 ngày sau, anh D hướng dẫn nhà chức trách địa phương dùng ghe máy trở lại chỗ cũ thì nhìn thấy thi hài anh, vợ và 2 đứa con đã bị mưa bảo rửa nát hết da thịt...
Đáng thương thay, một tài năng trẻ mà gia đình tôi hằng khâm phục và yêu thương đã bị hủy diệt. Anh là một trong những người lính VNCH sau ngày 30/04/1975 đã bị bỏ rơi!
Sau 45 năm yên tiếng súng mà lòng người vẫn chưa tìm được sự bình an.
Nhân ngày 30/04/2020
Mẫu Đơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét