Khôi nguyên Iran vắng mặt nhân lễ trao giải Nobel 2023 - Phu quân và hai người con của Narges Mohammadi tại Oslo, Na Uy, ngày 10/12/2023. AP - Frederik Ringnes Theo thông lệ, đúng ngày 10/12 hàng năm, tất cả các khôi nguyên tề tựu về Oslo, thủ đô Na Uy, nhận giải thưởng Nobel. Năm nay, giải thưởng người Iran, nhà đấu tranh nhân quyền Narges Mohammadi vắng mặt do bị chính quyền Teheran giam giữ. Bà thông báo sẽ bắt đầu một đợt tuyệt thực vào lúc mà ở Oslo bà được xướng tên cùng với các khôi nguyên Nobel khác trong mùa trao giải 2023.
<!>
Là một nhà đấu tranh chống án tử hình tại Iran và bảo vệ quyền của phụ nữ được để đầu trần khi xuất hiện ở những nơi công cộng, Narges Mohammadi, 51 tuổi, đã nhiều lần bị bắt giữ và tống giam trong thời gian gần đây. Từ 2021, bà bị đưa vào nhà tù Evin, trại giam khủng khiếp nhất của Teheran. Bà là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh đòi tự do cho nữ giới ở Iran.
Tháng 10/2023, Narges Mohammadi được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vì những « đóng góp chống lại những biện pháp đàn áp phụ nữ Iran, và vì những nỗ lực của Mohammadi vì nhân quyền, vì tự do cho tất cả mọi người ». Thế nhưng, bà sẽ không đến Oslo và là khôi nguyên duy nhất vắng mặt trong buổi lễ trao giải vào lúc 12 giờ trưa nay. Hai người con của bà sẽ thay mặt mẹ nhận phần thưởng cao qúy này và sẽ phát biểu nhân danh người mẹ đang bị « tước đoạt tự do ». Đúng vào giờ trao giải Nobel, từ nhà tù Evin ở Teheran, Narges Mohammadi bắt đầu tuyệt thực để phản đối một bản án bất công.
Thông tín viên của RFI Vahid Shamsoddinnezhad đã có dịp trao đổi với phu quân của khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2023. Ông Taghi Rahmani, nhấn mạnh đến công cuộc đấu tranh của người phụ nữ Iran này :
« Đúng là nhẽ ra Narges phải có mặt ở đây để nhận giải thưởng. Nhưng chúng tôi biết là Cộng Hòa Hồi Giáo Iran không có một cái nhìn thiện cảm về giá trị của giải thưởng này, về người được trao giải. Teheran xem đây là một giải thưởng mang đậm màu sắc chính trị. Từ thứ Bảy vừa qua, Narges không được gặp thân nhân và thậm chí không được quyền trao đổi qua điện thoại. Nói cách khác, nhà tôi bị phạt. Narges, kể cả khi đã bị bắt giam, vẫn ủng hộ cuộc nổi dậy của phụ nữ để đòi tự do và quyền sống. Narges luôn bày tỏ quan điểm về những biện pháp đàn áp nhắm vào người biểu tình của phong trào xuất phát từ sau cái chết của cô Mahsa Amini và những cuộc thảm sát đã diễn ra. Nhà tôi rất quan tâm đến những vấn đề về nữ quyền, về bất bình đẳng giới tính, về chính sách đàn áp nhắm vào các sắc tộc thiểu số và những thiểu số tôn giáo. »AC
Cận Đông : Quân đội Israel tăng cường hỏa lực tại miền nam dải Gaza
Tư lệnh quân đội Israel sáng nay 10/12/2023 khẳng định với hãng tin Pháp AFP đã « tăng cường » các chiến dịch quân sự tại nhiều khu vực ở miền nam dải Gaza để « duy trì áp lực », tiêu diệt đến « những chiến binh Hamas cuối cùng ». Thủ tướng Benyamin Netanyahu trước đó cũng đưa ra quan điểm tương tự, nhắc lại cam kết tiếp tục một cuộc chiến « công bằng », « tiêu diệt Hamas ».
Theo phóng viên của AFP, vào sáng sớm hôm nay, các đợt « oanh kích càng lúc càng tàn khốc » ở Khan Younès và trên đường từ thành phố này đến Rafah, sát biên giới với Ai Cập. Rafah đang trở thành một « trại tị nạn » tiếp nhận phần lớn trong số gần 2 triệu dân cư ở Gaza.
Từ đầu xung đột, quân đội Israel đã kêu gọi thường dân sơ tán về miền nam Gaza. Nhiều tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc khẳng định « không còn bất kỳ một nơi an toàn nào ở Gaza ».
Một ngày sau khi Hoa Kỳ dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chận dự thảo nghị quyết về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức vì lý do nhân đạo cho Gaza, Israel đẩy mạnh các chiến dịch quân sự « hơn bao giờ hết ».
Giám đốc Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF báo động « gần một triệu trẻ em phải di tản, phần lớn sống trong những điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ ». Cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc đặc trách về người tị nạn Palestine UNRWA báo động «bệnh tật bắt đầu tràn lan ở phía nam Gaza » do bị quá tải khi phải tiếp nhận người tị nạn từ những nơi khác đang đổ về. Từ Genève, giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo động « chiến tranh giữa Israel và Hamas đang dẫn tới những hệ quả tai hại» về mặt sức khỏe, y tế.
Về ngoại giao, đang dự hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sáng nay lấy làm tiếc trước việc định chế do ông điều hành đã bị « tê liệt » trên vấn đề Gaza.
Thủ tướng Qatar, một đối tác then chốt ở Cận Đông, cam kết « tiếp tục những nỗ lực vận động đạt được một lệnh hưu chiến ». Còn tại Washington, không cần được bên Lập Pháp đồng ý, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa cho phép bán gần 14.000 đầu đạn 12 ly cho chiến sa loại Merkava của Israel.
Hồng Hải : Phiến quân Houthi Yemen dọa tấn công mọi tàu hướng về phía Israel
Phiến quân Houthi Yemen hôm 09/12/2023 dọa sẽ tấn công bất cứ tàu thuyền nào lưu thông ở Hồng Hải hướng về phía Israel cho đến khi nào người dân ở dải Gaza nhận được hàng cứu trợ.
Theo AFP, trong một thông cáo đăng trên các mạng xã hội, lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen nhấn mạnh bất cứ tàu thuyền nào hướng đến Israel, bất kể cờ hiệu tàu, hay quốc tịch của chủ tàu hay nhà khai thác, đều không được hoan nghênh và đều bị xem là mục tiêu chính đáng để các lực lượng vũ trang Houthi tấn công tại vùng biển chiến lược nối từ đông bắc Phi đến bán đảo Ả Rập.
Về phản ứng của Israel, khi được một nhà báo hỏi, lãnh đạo Cơ quan an ninh quốc gia Israel, Tzachi Hanegbi, lên án hành động của Houthi là sự « bao vây hàng hải » và nhấn mạnh là nếu quốc tế không lưu ý thì đó sẽ trở thành một vấn đề an ninh quốc tế.
Liên quan đến Pháp, trong đêm thứ Bảy 09/12 rạng sáng Chủ Nhật 10/12, một tàu khu trục của Pháp tại Hồng Hải đã hạ được hai drone nhắm tới tàu. Hai drone này được xác định phóng đi từ miền bắc Yemen, vùng lãnh thổ đang do lực lượng Houthi kiểm soát. Khi bị tấn công bằng drone, tàu khu trục đa nhiệm Languedoc của Pháp đang ở cách bờ biển Yemen 110 km.
Bầu cử tổng thống Ai Cập trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas diễn ra quyết liệt
Từ hôm nay 10/12/2023 cho đến ba ngày nữa, người dân Ai Cập sẽ đi bỏ phiếu bầu lại tổng thống. Ông Abdel Fattah al-Sissi được dự đoán sẽ tái đắc cử ở ngay vòng bỏ phiếu đầu tiên với đa số áp đảo. Tỷ lệ tham gia bầu cử và xung đột giữa Israel với tổ chức Palestine Hamas đang hoành hành ở sát cạnh là những mối quan tâm chính của tổng thống Ai Cập.
Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti cho biết thêm :
Điều đáng quan tâm là tỷ lệ tham gia bỏ phiếu. Liệu tỷ lệ này có cao hơn mức 40% vào năm 2018 không ?
Do vậy, để không cho tỷ lệ vắng mặt tăng cao, chính quyền tìm ra đủ mọi phương thức. Những phiếu mua hàng được phân phát cho cử tri ở các thôn xóm gặp khó khăn hay làng mạc, và sau đó có xe buýt hành chính và công cộng đưa nhân viên đi bầu. Nhưng đồng thời, ai không đi bầu bị dọa phạt tiền. Những thủ đoạn mà tất cả các chế độ trong nước sử dụng từ 70 năm qua, và những lời kêu gọi tẩy chay cũng không phải là điều mới mẻ.
Việc đối thủ trẻ Ahmed al-Tantawi bất ngờ ra tranh cử, cùng với 3 ứng cử viên chính thức khác thuộc phe đối lập đã được phê duyệt, có thể khiến cuộc bầu cử thêm chút kịch tính, nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi kết quả.
Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas ngày càng quyết liệt, thách thức đối với tổng thống Abdel Fattah al-Sissi là khẳng định vị thế của Ai Cập, một quốc gia có chung biên giới với dải Gaza, như một bên có tiếng nói trọng lượng trong cuộc xung đột. Tổng thống sắp mãn nhiệm có thể đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột này, đặc biệt, với vai trò trung gian hòa giải giữa hai bên, điển hình thông qua việc hỗ trợ giải cứu các con tin Israel và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Tuy nhiên, tổng thống Ai Cập vẫn chưa mở cửa lãnh thổ cho người dân Palestine, do muốn duy trì sự cân bằng nội bộ. Ông Abdel Fattah al-Sissi không muốn làn sóng người tị nạn tràn vào đất nước đè nặng lên người dân Ai Cập giữa cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tàu Philippines và tàu tuần duyên Trung Quốcva chạm tại Trường Sa : Bắc Kinh và Manila đổ lỗi cho nhau
Hôm nay 10/12/2023 tại quần đảo Trường Sa (Spratleys) ở Biển Đông, gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) mà Bắc Kinh và Manila tranh chấp chủ quyền, đã xảy ra một vụ va chạm giữa tàu của Philippines và tàu tuần duyên Trung Quốc. Cả Manila và Bắc Kinh đều đổ lỗi cho đối phương.
Theo AFP, Philippines hôm nay 10/12 khẳng định : « Các tàu tuần duyên Trung Quốc và dân quân biển Trung Quốc đã quấy nhiễu, chặn các tàu tiếp liệu dân sự của Philippines và thực hiện các hoạt động nguy hiểm ». Trong thông cáo, lực lượng quốc gia tại Biển Tây Philippines cho biết là một trong hai tàu chở hàng tiếp liệu của Philippines đã bị tàu tuần duyên Trung Quốc « đâm » vào.
Hai tàu tiếp liệu khác trong đoàn và một tàu hộ tống của Hải Cảnh Philippines thì bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng. Vụ việc khiến động cơ của một tàu tiếp liệu « hỏng hóc nghiêm trọng » và cột buồm của tàu hải cảnh Philippines cũng hư hại.
Vụ va chạm hôm nay xảy ra chỉ một hôm sau vụ tuần duyên Trung Quốc uy hiếp 3 tàu của Philippines bằng vòi rồng tại bãi cạn Scarborough, cách đảo Luzon của Philippines 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 900 km.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh hôm nay cũng cáo buộc tàu Philippines « cố tình va chạm » với tàu tuần duyên Trung Quốc. Như thường lệ, tuần duyên Trung Quốc cho rằng 4 tàu Philippines đã « xâm nhập bất hợp pháp » vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đồng thời cho biết một tàu Philippines « đã phớt lờ những cảnh báo nghiêm khắc mà chúng tôi nhiều lần đưa ra », « đột ngột đổi hướng một cách thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm », nên « trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Philippines ».
Theo AFP, vài giờ trước khi xảy ra vụ va chạm hôm nay, một đoàn tàu thuyền dân sự của khoảng 100 ngư dân Philippines đã thực hiện chuyến đi, mà theo dự kiến là sẽ đi qua bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), để tiếp liệu cho các tiền đồn xa hơn ngoài khơi nhân mùa Giáng Sinh. Sau sự cố va chạm nói trên giữa 4 tàu của Philippines và tàu tuần duyên Trung Quốc, dù các nhà tổ chức thông báo tiếp tục đi theo hải trình đã định, nhưng cuối cùng đã đổi tuyến đi. Trên các tàu hải cảnh Philippines, hộ tống đoàn tàu này có một số nhà báo của hãng tin Pháp AFP.
Phản ứng của Mỹ và Liên Âu
Về phía Mỹ, đại sứ tại Philippines, MaryKay Carlson, khẳng định Washington đứng về phía Manila, chỉ trích « các hành động bất hợp pháp và nguy hiểm lặp lại nhiều lần của Trung Quốc » nhắm vào tàu Philippines. Đại sứ của Liên Âu tại Manila, Luc Véron, nhận định sự cố lần này gây « lo ngại sâu sắc ».
Interpol : 281 người trong đường dây quốc tế buôn người, ép nạn nhân lừa đảo trực tuyến, đã bị bắt
Trong chiến dịch quy mô quốc tế đầu tiên triệt phá mạng lưới tội phạm buôn người và bắt ép nạn nhân thực hiện các hoạt động lừa đảo qua mạng internet, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), thông báo đã bắt 281 người và giải cứu 149 nạn nhân.
Theo hãng tin Pháp AFP thứ Bảy 09/12/2023, thông cáo của Interpol, có trụ sở tại Lyon, Pháp, được đưa ra hôm thứ Sáu 08/12, theo đó chiến dịch « Storm Makers II » (Những người gây bão 2) diễn ra từ ngày 16 đến 20/10/2023 với sự phối hợp của 27 nước trong suốt 5 tháng, trong đó có Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á như Lào, Malaysia, Népal, Pakistan, Philippines, Singapour, ngoài ra còn có Trung Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và một số nước châu Phi…
281 người mà Interpol bắt giữ lần này bị nghi ngờ phạm tội buôn người, gian lận, tham nhũng… « Mồi nhử » nạn nhân thường là các thông báo tuyển dụng lao động giả. Chẳng hạn, hồi tháng 10, cơ quan an ninh Ouganda đã báo động về tình trạng có nhiều công dân được thông báo là họ được đưa sang Dubai làm việc, nhưng trên thực tế, những người này lại được đưa đến Thái Lan, rồi sau đó lại được đưa sang Miến Điện. Tại đó, họ bị giam giữ dưới sự canh gác cẩn mật (lính gác có vũ khí) và buộc phải tham gia vào các hoạt động lừa đảo nhắm vào nhiều ngân hàng.
Interpol lưu ý mạng lưới tội phạm buôn người và bắt ép nạn nhân làm việc tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến bắt nguồn từ Đông Nam Á và đã lan ra khắp thế giới và với tốc độ ngày càng nhanh. Chiến dịch « Storm Makers » đầu tiên diễn ra hồi tháng 03/2022 nhắm vào nạn buôn người nói chung đã cho phép Interpol thu thập được nhiều thông tin để phát động chiến dịch « Storm Makers 2 » nhắm đặc biệt vào nạn buôn người và ép nạn nhân tham gia tổ chức lừa đảo trực tuyến quy mô lớn.
COP28 : Trung Quốc trấn an « có những tiến bộ » về năng lượng hóa thạch
Không khí tại Hội Nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP28 ở Dubai càng lúc càng « nóng lên » hai ngày trước lễ bế mạc. Hôm nay 10/12/2023, một toán các nhà bảo vệ môi trường tràn vào phòng họp, nơi các phái đoàn đang ráo riết thảo luận từng chữ một về một bản tuyên bố chung.
Mọi chú ý tiếp tục dồn vào các loại năng lượng hóa thạch, nhất là sau lá thư tổ chức OPEC quy tụ các nhà xuất khẩu dầu lửa trên thế giới, vận động các đối tác « dứt khoát không nhượng bộ » trên các điều khoản đòi giới hạn hay khai tử than đá, dầu khí.
Trả lời báo chí, đặc sứ Trung Quốc về khí hậu, ông Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), hôm 09/12/2023, đã tìm cách làm hạ nhiệt tình hình qua nhận định các bên đã đạt được một số « tiến bộ liên quan đến hồ sơ gai góc này » và ông kỳ vọng là sẽ còn có những « tiến triển tốt đẹp hơn nữa trong những ngày sắp tới », bởi « nếu không đặt được đồng thuận, không tìm ra giải pháp, thì ít có khả năng đánh giá COP28 là một thành công ».
Sáng nay, chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gây thêm áp lực với các bên tham gia khi cho rằng « thất bại không phải là một giải pháp chúng ta có thể tính đến. Tất cả các bên phải tìm ra một ngõ thoát vì lợi ích chung » có nghĩa là một bên đều sẽ phải tỏ ra « uyển chuyển hơn một chút ». Trên nguyên tắc, một bản dự thảo tuyên bố chung sẽ được công bố vào sáng mai, 11/12/2023, một ngày trước khi kết thúc hôi nghị Dubai.
Azerbaijan được đề nghị tổ chức hội nghị khí hậu COP29, mở ra từ ngày 11 đến 22/11/2024. Đề xuất này còn phải được chính thức thông qua trong những giờ sắp tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét