Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

ĐIỂM TIN 14/12/2023 - Long Đỗ


Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu mở ra vào sáng nay 14/12/2023 tại Bruxelles sẽ thảo luận về những quyết định mang tính lịch sử bao gồm việc thông qua gói viện trợ Ukraina mong chờ một quyết định lịch sử từ thượng đỉnh Liên Âu 50 tỉ euro cho Ukraina và việc nước này gia nhập EU. Cả Kiev lẫn Bruxelles đều đang chờ xem thái độ của Hungary sau khi thủ tướng Viktor Orban tuyên bố phản đối tư cách thành viên của Ukraina. Ảnh minh họa: Các nhà lãnh đạo Liên Âu và Tây Balkan tại hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan ở Bruxelles, Bỉ, ngày 13/12/2023. AP - Omar Havan  Minh Phương
<!>
Theo thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev, giới lãnh đạo Ukraina đang cố thúc đẩy các quốc gia bạn bè trong Liên Hiệp Châu Âu gia tăng sức ép trên Hungary để Budapest thay đổi thái độ:

Theo kết quả một cuộc khảo sát vào tháng 11, 81% người dân Ukraina mong muốn đất nước của họ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Bởi vậy, mọi sự chú ý của các nhà lãnh đạo cũng như người dân ở đây sẽ đổ dồn vào hai ngày họp thượng đỉnh châu Âu, vì họ hiểu rằng đây là một thời điểm có tầm quan trọng lịch sử đối với đất nước của họ đang phải đấu tranh cho sự tồn vong của minh trên chiến trường.

Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ tới Bruxelles. Dù chưa có thông báo về phương thức tham dự của ông, nhưng theo truyền thông Ukraina, vào sáng nay, ông sẽ gặp Donald Tusk, tân thủ tướng Ba Lan, một người ông rất thân và luôn có quan hệ rất tốt.

Trong chuyến ghé thăm Oslo, thủ đô Na Uy, ông Zelensky cũng đã gởi lời kêu gọi đến các đồng minh vùng Bắc Âu. Đồng thời, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cũng đã gặp người đồng cấp Hungary Péter Szijjártó với hy vọng thúc đẩy Budapest có lập trường hoà hoãn hơn.

Hungary muốn lấy lại hàng tỷ euro bị Liên Âu phong tỏa, Ukraina thì đang rất cần viện trợ tài chính. Thế nhưng thách thức đối với Kiev nằm ở chỗ khác : Được trở thành thành viên của đại gia đình Liên Âu, hoặc bị bỏ lại bên ngoài, để mặc cho nước Nga của Putin muốn làm gì thì làm.

Liên Âu họp thượng đỉnh bàn việc kết nạp Ukraina, Hungary kiên quyết phản đối

Hôm nay, 14/12/2023, Liên Hiệp Châu Âu mở thượng đỉnh – kéo dài hai ngày - với trọng tâm là mở thủ tục đàm phán kết nạp Ukraina và hỗ trợ tài chính Kiev. Mọi quyết định của Liên Âu về chủ đề này đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên. Cho đến nay, Hungary kiên quyết phản đối.


Ảnh tư liệu : Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (T) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraina, ngày 08/04/2022. © Adam Schreck / AP
Trọng Thành
Nhiều lãnh đạo và nhà ngoại giao châu Âu đã có mặt tại Bruxelles từ tối hôm qua, để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận hứa hẹn sẽ rất căng thẳng, dự kiến có thể kéo dài đến sau ngày thứ Sáu 15/12. Tối hôm qua, tại Oslo, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensy một lần nữa cảnh báo : ‘‘Không có sự hậu thuẫn của phương Tây, Ukraina không thể thắng’’ trong cuộc chiến chống xâm lược Nga.

Sáng hôm nay, trước cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles, thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định dứt khoát ‘‘bất luận thế nào cũng không thể mở đàm phán kết nạp Ukraina, vì các điều kiện không bảo đảm’’. Lãnh đạo Hungary cũng bác bỏ khoản viện trợ mới của khối 27 nước cho Kiev, dự kiến 50 tỉ euro. Đặc phái viên Daniel Vallot từ Bruxelles cho biết thủ tướng Hungary đang bị cáo buộc tiếp tay cho tổng thống Nga khi ngăn chặn thủ tục mở đàm phán kết nạp Ukraina :

‘‘Để biện minh cho quan điểm của mình, thủ tướng Hungary khẳng định Liên Âu đi quá nhanh, Ukraina chưa sẵn sàng cho việc gia nhập, với lý do như tình trạng tham nhũng còn quá nặng nề, và đồng thời nếu kết nạp Ukraina, Liên Âu có nguy cơ rơi vào tình trạng mất cân bằng và bất ổn đặc biệt về mặt tài chính. Kết luận mà chính quyền Budapest đưa ra là thay vì việc kết nạp Ukraina làm thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Châu Âu, Liên Âu có thể xem Kiev là ‘‘đối tác chiến lược’’.

Các luận điểm nói trên của Hungary đã bị các đối tác của Ukraina trong Liên Âu bác bỏ, trước hết là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Bà Ursula von der Leyen khẳng định Ukraina – do đã có những nỗ lực thực sự - xứng đáng được Liên Âu mở các đàm phán để kết nạp, bao gồm đàm phán về bảo vệ các cộng đồng thiểu số, từng là một trong các chủ đề mà thủ tướng Hungary đưa ra để phản bác việc kết nạp Ukraina.

Các đối tác của Ukraina trong Liên Hiệp Châu Âu khẳng định cần gửi đi một thông điệp tích cực cho Ukraina, đang cần được ủng hộ chống lại cuộc xâm lăng của Nga, và nếu như việc mở đàm phán gia nhập bị từ chối, thì đây sẽ là một ‘‘mónquà Noel’’ tặng cho tổng thống Nga Putin. Thủ tướng Viktor Orban, lãnh đạo Liên Âu duy nhất có quan hệ gần gũi với tổng thống Nga, cũng bị nhiều nhà quan sát cáo buộc muốn tiếp tay cho điện Kremlin trong hồ sơ này.’’

Liên Âu cố thuyết phục Hungary
Vẫn về nỗ lực đạt đồng thuận trong Liên Âu về Ukraina, theo AFP, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tọa của thượng đỉnh, cho biết là ông ‘‘sẽ gặp thủ tướng Hungary và sẽ toàn tâm toàn ý để đạt được các kết quả tích cực’’. Về phần mình, Ủy Ban Châu Âu đề xuất tiến trình đàm phán kết nạp chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là quyết định về nguyên tắc tại Bruxelles cuối tuần này, và giai đoạn thứ hai là vào năm tới, khi đó, khối 27 nước sẽ xác định lịch trình cụ thể.

Theo một số nhà ngoại giao, khối 27 nước đang cố tìm ra được giải pháp vừa cho phép trấn an Ukraina, vừa đáp ứng một phần đòi hỏi của Hungary. Một quan chức lãnh đạo châu Âu, xin ẩn danh, nhận định :‘‘thủ tướng Hungary là lãnh đạo châu Âu kỳ cựu nhất’’, và ‘‘ông ấy biết chính xác cần phải làm gì để không rơi vào tình trạng bị cô lập hoàn toàn’’. Ngày hôm qua, thủ tướng Orban bác bỏ kịch bản ‘‘Hungary chia tay với Liên Âu’’ (Huxit), và báo trước là sẽ tìm cách thuyết phục thêm nhiều nước ủng hộ lập trường của Budapest.

Quyết định của Liên Âu giải ngân 10 tỉ euro cho Hungary bị lên án

Một ngày trước thềm thượng đỉnh Liên Âu, hôm qua 13/12/2023, Ủy Ban Châu Âu thông báo chính quyền Budapest có thể tiếp cận khoản tiền hơn 10 tỉ euro trong Quỹ Đoàn kết của khối, bị phong tỏa từ năm ngoái, do việc thể chế Nhà nước pháp quyền không được tôn trọng tại Hungary. Quyết định của Ủy Ban Châu Âu ngay lập tức bị lãnh đạo bốn nhóm đảng phái lớn tại Nghị Viện Châu Âu phản đối, với lý do Budapest chưa đáp ứng các điều kiện.


Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Bruxelles, Bỉ, ngày 26/10/2023. AP - Omar Havana
Trọng Thành
Nghị sĩ đảng Xanh Đức Daniel Freund tố cáo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, với những lời lẽ như sau: ‘‘bà von der Leyen đã hối lộ nhà lãnh đạo độc đoán, bạn của Putin, ông Viktor Orban, một khoản tiền lớn chưa từng có trong lịch sử châu Âu’’.

Việc Ủy Ban Châu Âu đưa ra quyết định nói trên vào thời điểm trước cuộc thượng đỉnh hệ trọng bàn việc mở đàm phán kết nạp Ukraina bị nhiều chính trị gia châu Âu xem là một ‘‘thủ đoạn’’ nhằm có được sự ủng hộ của Hungary trong việc mở đàm phán kết nạp.

Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles:

‘‘Theo Ủy Ban Châu Âu, Hungary đã tôn trọng một phần các điều kiện mà Liên Âu áp đặt để nhận được các khoản tài trợ mà châu Âu đã có kế hoạch cấp cho Budapest. Cụ thể là, Hungary đã tiến hành nhiều cải cách hệ thống tư pháp, như củng cố Tòa án Tối cao, tiếp theo đó là Hội đồng Thẩm phán Quốc gia (Országos Bírói Tanács - OBT), và cuối cùng là cải cách Tòa Bảo Hiến, với một văn bản pháp lý liên quan đến các khiếu nại lên Tòa án Công lý của Liên Âu.

Trong lĩnh vực này, Ủy Ban Châu Âu vẫn lo ngại về các chủ đề như quyền tị nạn hay bảo vệ trẻ em, nhưng các tiến bộ được ghi nhận cho phép Ủy Ban Châu Âu giải ngân 10,2 tỉ euro trong Quỹ Đoàn kết và Trợ giúp phát triển khu vực mà Hungary sẽ nhận được sau gần hai năm chờ đợi.

Về mặt nguyên tắc, Ủy Ban Châu Âu đã thực thi bổn phận của mình, vì quyết định này có kế hoạch được đưa ra trước ngày 15/12, tuy nhiên lịch trình nói trên đã bị chỉ trích là không đúng thời điểm. Trước đó, lãnh đạo của bốn nhóm đảng phái chính tại Nghị Viện Châu Âu đã cảnh báo là việc giải ngân, nếu diễn ra trước cuộc thượng đỉnh này, sẽ gây ra nhiều hệ quả tai hại. Tại Bruxelles, nhiều người cho rằng, làm như vậy, thủ tướng Hungary sẽ tin là các hành động bắt bí với Ukraina có thể mang lại các kết quả tài chính’’.

Tổng cộng 21,7 tỉ euro trong Quỹ Đoàn kết của Liên Âu dự kiến chi cho Hungary trong thời gian 2021-2027 bị đình chỉ từ tháng 12/2022.

Số nhà báo bị thiệt mạng trên thế giới giảm trong năm 2023

Dù Trung Cận Đông hiện là nơi có nhiều phóng viên thiệt mạng nhất trên thế giới kể từ khi xảy ra xung đột Israel-Hamas, số nhà báo thiệt mạng trong năm 2023 đã giảm so với năm trước. Theo báo cáo ngày 14/12/2023 của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), năm 2022 cũng là năm có ít phóng viên bị thiệt mạng nhất kể từ năm 2002.


Ảnh minh họa : Lực lượng vệ binh danh dự của Palestine khiêng quan tài của nhà báo kỳ cựu của Al-Jazeera, Shireen Abu Akleh, tại Ramallah, Cisjordanie, ngày 12/05/2022. AFP - ABBAS MOMANI
Thu Hằng
Tuy nhiên, vẫn có đến 45 nhà báo bị thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ trong năm 2023, so với 61 người trong năm 2022. Chỉ riêng cuộc xung đột Israel và Hamas đã khiến 17 nhà báo thiệt mạng (13 người trong cách trận oanh kích của Israel ở Gaza, 3 người ở Liban và một người bị Hamas sát hại ở Israel). Cách đây hơn 20 năm, cuộc xung đột ở Gaza cũng khiến 13 nhà báo thiệt mạng.

Trả lời AFP, tổng thư ký của RSF Christophe Deloire nhận định « con số trên không giảm thiểu thảm kịch ở Gaza, nhưng chúng tôi thấy số nhà báo bị thiệt mạng đã giảm thường xuyên, thấp hơn hẳn so với hơn 140 nhà báo bị sát hại năm 2012, sau đó là năm 2013 », chủ yếu là do chiến tranh ở Syria và Irak.

Chiến trường Ukraina cũng khiến hai nhà báo thiệt mạng trong năm 2023. Số nạn nhân là nhà báo ở khu vực Nam Mỹ cũng giảm đáng kể, với 6 nhà báo bị sát hại, so với 26 người trong năm 2022. Hai khu vực được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới coi là nguy hiểm nhất cho phóng viên là Gaza và Mêhicô. Ngoài ra, còn có 54 nhà báo bị bắt làm con tin, so với 65 người trong năm 2022.

Thống kê của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới dừng ở ngày 01/12 và « không bao gồm các nhà báo bị sát hại khi không làm nhiệm vụ » hoặc trong những hoàn cảnh khác.

Lần đầu tiên Lục Quân Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines họp bàn hợp tác

Lãnh đạo lục quân 4 nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines đã tham gia cuộc họp cấp cao đầu tiên tại Tokyo hôm qua 13/12/2023 trong một nỗ lực gửi lời cảnh báo tới Trung Quốc.


Ảnh tư liệu : Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản Yasunori Morishita họp báo tại bộ Quốc Phòng ở Tokyo, ngày 14/06/2023. AP
Minh Phương
Cuộc họp mang tên Hội Nghị Lục Quân bốn bên được đồng tổ chức bởi Lực Lượng Phòng Vệ Mặt Đất Nhật Bản (GSDF) và lực lượng Lục Quân Mỹ tại vùng Thái Bình Dương.

Trong cuộc họp, tham mưu trưởng Lục Quân Nhật, tướng Yasunori Morishita nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ giữa các nước trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi chưa có hệ thống phòng thủ tập thể như NATO.

Tướng Charles Flynn, tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương, khẳng định rằng một cuộc họp đa phương như hiện nay là cơ hội quan trọng để thống nhất đường lối của tất cả các bên.

Bốn nước đã tăng cường hợp tác trong những năm gần đây. Năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên quân đội Úc tham gia cuộc tập trận chung Yama Sakura giữa Nhật Bản và Mỹ, với quân đội Philippines cử quan sát viên đến dự.

Nhật Bản cải tổ nội các sau tai tiếng tài chính trong đảng cầm quyền

Sau khi bốn bộ trưởng Nhật Bản, cùng nhiều quan chức, phải từ chức sau vụ tai tiếng bê bối tài chính trong đảng Tự do-Dân chủ (PLD) cầm quyền, ngày 14/12/2023, thủ tướng Fumio Kishida thông báo cải tổ nội các và cam kết tái lập niềm tin của người dân vào chính phủ .


Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida họp báo tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 13/12/2023. via REUTERS - POOL
Thu Hằng
Theo AFP, tổng thư ký kiêm phát ngôn viên của chính phủ Hirokazu Matsuno, cánh tay phải của ông Kishida, cho biết « đã đệ đơn từ chức lên thủ tướng ». Bộ trưởng Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Yasutoshi Nishimura, bộ trưởng Nội Vụ Junji Suzuki và bộ trưởng Nông Nghiệp Ichiro Miyashita, cùng với 5 thứ trưởng và nhiều quan chức khác, cũng đã từ chức. Những bộ trưởng này đều thuộc « phe Abe ». Họ bị tình nghi không kê khai số tiền chênh lệch từ việc gây quỹ hoặc hối lộ.

Thông tín viên RFI Frédéric Charles tại Tokyo cho biết thêm :

« Thủ tướng Kishida thanh lọc một số nhân vật quan trọng đầy ảnh hưởng khỏi đảng bảo thủ vẫn khống chế đời sống chính trị Nhật Bản từ cuối thế chiến đến nay.

Vụ tai tiếng nâng khống hóa đơn vé cho các buổi dạ tiệc để gây quỹ khiến đảng cầm quyền chao đảo. Những nhân vật lớn trong đảng đã bỏ túi mà không khai báo số tiền chênh lệch giữa giá vé bán ra và chi phí thực cho các buổi dạ tiệc.

Ông Fumio Kishida cố tìm cách hạn chế vụ tai tiếng trong nội bộ « phe Abe », tên cựu thủ tướng bị ám sát. « Phe Abe » có ảnh hưởng đến đảng và bộ máy hành chính trong suốt gần một thập niên và đã nhúng tay vào tham nhũng ở quy mô lớn.

Tuy nhiên, vụ tai tiếng tài chính còn lan rộng sang nhiều phe khác, bắt đầu từ phe của ông Fumio Kishida. Văn phòng công tố Tokyo đã tiến hành nhiều cuộc điều tra gay gắt vào trung tâm đảng bảo thủ.

« Phe Abe » từng bày tỏ đòi hỏi của họ với thủ tướng. Liệu ông Fumio Kishida có thể báo thù và khẳng định là nhà cải cách lớn của đảng bảo thủ - một đảng quá tự tin về khả năng duy trì quyền lực đến mức bỏ qua những kỳ vọng của người Nhật ?Vấn đề là gần một nửa trong số cử tri Nhật không đi bỏ phiếu, do đó không có phe đối lập đáng tin cậy ».

Không có nhận xét nào: