Tổng thống Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraina, nhưng viện trợ vẫn bị chặn tại Quốc Hội Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kết thúc chuyến công du Washington sau cuộc gặp với đồng nhiệm Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 12/12/2023. Ông Zelensky đã nhận được cam kết của tổng thống Mỹ không bỏ rơi Ukraina, nhưng thái độ không khoan nhượng của một số nghị sĩ phe Cộng Hòa khiến Quốc Hội Hoa Kỳ chưa thể thông qua các khoản viện trợ mới cho Kiev.
<!>
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 12/12/2023. REUTERS - LEAH MILLIS
Anh Vũ
Thông tín viên RFI tại Washington, Guillaume Naudin:
« Tôi không muốn ngài mất hy vọng ». Ông Joe Biden đã nói như vậy khi tiếp ông Volodymyr Zelensky tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng. Trước đó, tại Quốc Hội Mỹ, tổng thống Ukraina đã có thể nhận thấy rằng các nghị sĩ đảng Cộng Hòa vẫn không nhượng bộ trong đường lối chính trị của họ. Sẽ không có viện trợ tài chính bổ sung cho Ukraina nếu không có các biện pháp quản lý tốt hơn làn sóng nhập cư ở biên giới phía nam nước Mỹ.
Tuy tuyên bố sẵn sàng thảo luận, tổng thống Joe Biden giải thích tình hình hiện nay đặt Ukraina và các đồng minh vào tình thế nguy hiểm.
Ông nói : « Thế giới đang nhìn vào những gì chúng ta làm. Chúng ta sẽ gửi một thông điệp tệ hại đến kẻ xâm lược và các đồng minh của chúng ta nếu bây giờ chúng ta rút bỏ cam kết. Điều này sẽ gây hại cho an ninh quốc gia của chúng ta ». Ông Joe Biden thậm chí còn nói đến món quà Noel gửi cho Vladimir Putin, nếu từ nay đến cuối năm không có gì được quyết định.
Đối với lãnh đạo phe thiểu số Cộng Hòa tại Thượng Viện Mitch McConnel, tình hình hầu như không thể nào được giải tỏa được từ nay đến đó. Thế mà đó lại là điều mà Volodymyr Zelensky đề nghị.
Ông tuyên bố : « Điều quan trong là từ giờ đến cuối năm, chúng tôi có thể gửi tín hiệu rất mạnh mẽ về sự đoàn kết của chúng ta đến kẻ xâm lược, đoàn kết của Ukraina, của nước Mỹ, của Châu Âu và của toàn bộ thế giới tự do ».
Không có được cam kết nào cho tương lai, tổng thống Zelensky đành ra về với 200 triệu đô la vũ khí phòng không và đạn dược. Có lẽ đợt viện trợ mới sẽ còn đợi lâu nữa.
Đại Hội Đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” ở Gaza
Với một đa số áp đảo ( 153 trong số 193 quốc gia thành viên ), chỉ có vỏn vẹn 10 phiếu chống (trong đó có Mỹ và Israel) và 23 phiếu trắng - Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, 12/12/2023, đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza.
Kết quả cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại Gazas, ngày 12/12/2023. Tuesday, Dec. 12, 2023 at U.N. headquarters. © AP - Bebeto Matthews
Trọng Nghĩa
Theo giới quan sát, kết quả của bỏ phiếu về tình hình Gaza thậm chí còn cao hơn kết quả của các cuộc bỏ phiếu lên án Nga xâm lược Ukraina trước đây.
Văn bản được thông qua kêu gọi một “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững, dẫn đến việc chấm dứt các hành động thù địch.”
Dù không mang tính ràng buộc, nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã làm tăng đáng kể áp lực lên Israel và đồng minh Hoa Kỳ.
Từ New York, Thông tín viên RFI Carrie Nooten phân tích:
Người dân Palestine từng hy vọng một kết quả bỏ phiếu dứt khoát rõ ràng phản ánh mong muốn của cả thế giới về việc Israel phải chấm dứt ném bom vào Gaza. Với 153 phiếu ủng hộ, điều đó đã đạt được.
Các quốc gia châu Phi, vốn có thể bỏ phiếu trắng như từng làm cho đến nay, đã chuyển sang ủng hộ. Cũng như vậy, đại đa số thành viên, và đặc biệt là những nước Phương Nam, đã mất kiên nhẫn với lập trường của Mỹ. Đại sứ Palestine Riyad Mansour đã hoan nghênh “một ngày lịch sử, với thông điệp mạnh mẽ được Đại Hội Đồng gửi đến”.
Theo ông: “Nhiệm vụ tập thể của chúng ta là tiếp tục đi trên con đường này cho đến khi chúng ta thấy chấm dứt hành vi xâm lược chống lại người dân Palestine chúng tôi. Chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi Israel tuân thủ những yêu cầu được đưa ra tại Đại Hội Đồng.
Các điểm bế tắc giữa hai phe không thay đổi: Washington không thể chấp nhận lệnh ngừng bắn, vì điều đó sẽ làm suy yếu quyền tự vệ của Israel. Về phần mình, các nước Ả Rập từ chối lên án
hoặc thậm chí nhắm mục tiêu vào Hamas trong văn bản này.
Cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức vào lúc các đại sứ Hội Đồng Bảo An đến thăm Rafah hôm thứ Hai vừa hạ cánh xuống New York. Đại sứ Palestine cho biết ông đang chờ nhận xét của họ để đưa vào một dự thảo nghị quyết mới, thực tế hơn, để có tác động lớn hơn trên hiện trường.”
Ukraina trả đũa vụ tấn công tin tặc của Nga
Sáng thứ Ba 12/12/2023, Ukraina hứng chịu hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn mà theo Kiev thủ phạm chính là cơ quan đặc trách mạng của tình báo quân sự Nga. Ukraina đã mở điều tra, đồng thời chiều qua đã trả đũa bằng cách tấn công vào mạng của Tổng cục Thuế Liên bang Nga.
Cửa hàng của công ty viễn thông Kyivstar ở Kiev, Ukraina, ngày 12/12/2023. © Alina Smutko / Reuters
Thùy Dương
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết thêm chi tiết :
Với 24 triệu người dùng điện thoại và một triệu hộ gia đình sử dụng mạng wifi, Kyivstar là nhà cung cấp mạng viễn thông di động lớn nhất của Ukraina. Thế nhưng, vào sáng thứ Ba, mạng của Kyivstar đã hoàn toàn bị tê liệt, dường như là do một vụ tấn công tin tặc quy mô lớn.
Cùng lúc, các thiết bị đầu cuối thanh toán bằng thẻ ngân hàng của Privat, ngân hàng lớn nhất Ukraina, cũng không thể hoạt động được, gây hỗn loạn trong các hoạt động thương mại và dịch vụ. Monobank, một ngân hàng số trên điện thoại di động được nhiều người ưa chuộng, thì bị tấn công dưới hình thức DDOS ( tấn công mạng làm quá tải một trang web hoặc một dịch vụ do các yêu cầu và lưu lượng truy cập tăng vọt).
Trong khi đó, trang web của nhiều định chế và trường đại học cũng bị tin tặc tấn công. Đáng lo ngại hơn, tại Sumy, một thành phố gần biên giới với Nga, vụ tấn công mạng đã vô hiệu hóa và làm suy yếu hệ thống còi báo động vốn vẫn được kích hoạt khi xảy ra các vụ oanh kích của quân Nga.
SBU, cơ quan tình báo Ukraina, mà các chuyên gia hiện đang có mặt ở trụ sở công ty viễn thông Kyivstar, tuyên bố họ nghi ngờ thủ phạm là các cơ quan chuyên trách về mạng của tình báo quân sự Nga.
Kiev cũng đã kịp trả đũa. Tổng cục tình báo Ukraina chiều thứ Ba đã thực hiện một cuộc tấn công mạng nhắm vào Tổng cục Thuế Liên bang Nga.
COP28 đạt thỏa thuậnkêu gọi các nước từ bỏ dần dần nhiên liệu hóa thạch
Lần đầu tiên trong lịch sử các hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc, COP28 sáng nay 13/12/2023 đã đạt được thỏa thuận kêu gọi các nước từ bỏ dần dần các loại nhiên liệu hóa thạch để tránh những hậu quả khủng khiếp nhất do biến đổi khí hậu.
Chủ tịch COP28 Al Jaber ( giữa ) và các quan chức khác vỗ tay trước phiên họp tòa thể của hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc ở Dubai, ngày 13/12/2023. AFP - GIUSEPPE CACACE
Thùy Dương
Theo Reuters, thỏa thuận được đúc kết tại Dubai sau 2 tuần hội nghị là nhằm gửi tín hiệu mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và giới lãnh đạo về mong muốn giã từ nhiên liệu hóa thạch, vốn là nguồn chính thải khí gây hiệu ứng nhà kính hâm nóng Trái đất.
Do bị chỉ trích về dự thảo thỏa thuận không có nội dung « từ bỏ năng lượng hóa thạch » mà chỉ có mục tiêu giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hội nghị COP28 Dubai đã phải kéo dài thêm 1 ngày so với lịch trình. Đàm phán đã diễn ra suốt đêm qua, hơn 100 nước đã gây sức ép với nhóm các nước sản xuất dầu lửa trong khối OPEC, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, để văn bản thỏa thuận phải ghi rõ ràng việc từ bỏ « dần dần » sử dụng dầu lửa, khí đốt và than đá. Đến sáng nay 13/12, mới có thông báo chính thức là các nước đạt được thỏa thuận.
Từ Dubai, đặc phái viên Jeanne Richard gửi về bài tường trình về phiên họp toàn thể hôm nay :
« Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber thông báo việc hội nghị đã thông qua bản tổng kết thế giới đầu tiên về hành động khí hậu và sau đó là một tràng pháo tay, không một ai phản đối. Rõ ràng đối với nhiều người, đây là một bước ngoặt quan trọng, một thời khắc lịch sử, bởi vì thỏa thuận vừa được thông qua mở đường cho việc chấm dứt các loại năng lượng hóa thạch - than đá, khí đốt và dầu lửa. Các loại năng lượng này từ hai thế kỷ nay đã định hình các xã hội và các nền kinh tế của chúng ta.
Thế nhưng, văn bản này không phải là đã đầy đủ, tuyệt vời, vẫn còn những điểm thiếu hụt, nhất là về việc hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng vẫn bị xem là chưa đủ. Đây sẽ là nội dung quan trọng sống còn của COP năm tới, còn hiện nay thì chúng ta vẫn chưa đạt được điều này.
Những căng thẳng giữa các nhà đàm phán trong hai tuần qua là rất lớn bởi cần đạt thỏa thuận giữa khoảng 200 nước có những lợi ích trái ngược nhau. Cũng có thể nói rằng chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber đã thành công trong việc tổng hợp các quan điểm và vận động ngoại giao.
Nhưng hiện giờ đây cũng mới chỉ là một văn bản, cần phải triển khai hành động. Chúng ta sẽ xem các nước nắm bắt, diễn giải nội dung thế nào và biến thành hành động cụ thể ra sao để có thể hạn chế thực sự tình trạng Trái đất nóng lên ».
Về phản ứng của quốc tế, dù hoàn toàn chưa hài lòng về nội dung thỏa thuận, đa phần các nhà lãnh đạo đều khen ngợi việc COP28 ra được thỏa thuận cuối cùng, đồng thời nhấn mạnh cần phải thúc đẩy hơn nữa. Chẳng hạn, tổng thư ký Liên hiệp Quốc hy vọng việc giã từ nhiên liệu hóa thạch sẽ không phải chờ đợi quá lâu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu hoan nghênh « bước khởi đầu của kỷ nguyên hậu nhiêu liệu hóa thạch ». Trung Quốc nhận định các nước phát triển cần đầu tư nhiều hơn vào chuyển đổi năng lượng trên thế giới, hỗ trợ các nước đang phát triển cả về kỹ thuật và tài chính…
Khủng hoảng chính trị Pháp : Tổng thống Macron bác bỏ đề xuất giải tán Hạ Viện
Vụ Hạ Viện Pháp bác bỏ việc đưa dự luật nhập cư ra thảo luận đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, tổng thống Pháp hôm 12/12/2023 đã bác bỏ đề xuất giải tán Hạ Viện cũng như khả năng chính phủ dùng điều 49.3 trong Hiến Pháp, điều khoản cho phép chính quyền thông qua một đạo luật mà không cần Quốc Hội biểu quyết, như đối với dự luật cải tổ hưu trí.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên đường đến cuộc họp của Quốc Hội lưỡng viện tại lâu đài Versailles, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 03/07/2023. REUTERS/Etienne Laurent/Pool TPX IMAGES OF THE DAY
Thùy Dương
Nhiều nhân vật trong số các bộ trưởng và quan chức dự bữa tối bàn công việc với ông Macron tại điện Elysée tối qua cho AFP biết tổng thống Pháp chỉ chấp nhận giải pháp lập Ủy ban lưỡng viện đặc biệt (Commission mixte paritaire - CMP). Ủy ban này sẽ họp kín để thảo luận về dự luật nhập cư, vốn được xem là trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Macron. Tổng thống Pháp muốn cuộc họp của ủy ban này được tổ chức sớm nhất có thể và hy vọng « một cuộc thảo luận mang tính xây dựng và thật tâm của Ủy ban sẽ giúp đạt được thỏa hiệp » giữa hai viện của Quốc Hội.
Hiện giờ chưa có thông tín chính thức về thành phần và ngày giờ họp kín của Ủy ban lưỡng viện đặc biệt, nhưng có hai nguồn tin cho AFP biết là cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ Hai tuần tới 18/12. Theo bộ trưởng Nội Vụ Gérard Darmanin, mục tiêu của chính phủ là dự luật sẽ được thông qua trước ngày 31/12/2023.
Theo thông tin trên trang web của Thượng Viện Pháp, Ủy ban lưỡng viện đặc biệt gồm 7 dân biểu và 7 thượng nghị sĩ, được thành lập để hòa giải, cùng nhau đưa ra các dự luật trong trường hợp Hạ Viện và Thượng Viện bất đồng. Trong trường hợp 14 đại diện lưỡng viện đạt thỏa hiệp và đưa ra được một văn bản chung, dự luật sẽ lại được đưa ra Thượng Viện, và sau đó là Hạ Viện. Nếu hai viện vẫn bất đồng, Hạ Viện sẽ là bên đưa ra quyết định cuối cùng.
Bắc Triều Tiên tiếp phái đoàn Nga để thảo luận về hợp tác kinh tế
Reuters dẫn nguồn từ hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA loan tin hôm nay, 13/12/2023, tại Bình Nhưỡng, bộ trưởng Ngoại Thương Bắc Triều Tiên đã tiếp thống đốc vùng Primorye của Nga Oleg Kojemiako để thảo luận về tăng cường hợp tác kinh tế trong vùng.
Lãnh đạo vùng Primorye Viễn Đông Nga, Oleg Kozhemyako (ở giữa bên trái), và bộ trưởng Ngoại Thương Bắc Triều Tiên Yun Jong Ho (ở giữa bên phải), họp tại Bình Nhưỡng ngày 12/12/2023. AP
Anh Vũ
KCNA cho biết thêm đại diện hai bên đã ký một thỏa thuận, nhưng không thông tin chi tiết về nội dung cũng như về cuộc họp giữa hai bên.
Cuộc gặp này diễn ra sau khi hôm 12/12, hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn tình báo nước này cho biết đã quan sát thấy có dấu hiệu Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị đưa người lao động sang Nga.
Bất kỳ nước nào thuê lao động Bắc Triều Tiên đều bị xem là vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với lý do đó có thể là nguồn thu nhập để Bình Nhưỡng có thể tiếp tục các chương trình phát triển vũ khí bị quốc tế cấm.
Hồi tháng 11 vừa qua, thống đốc Oleg Kojemiako đã nói với hãng tin Nga TASS rằng vùng Primorye sẵn sàng cho phép các nông dân Bắc Triều Tiên sang khai thác một số đất nông nghiệp của vùng này.
Việt Nam-Trung Quốc nhất trí xây dựng “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Hà Nội vào hôm nay, 13/12/2023, kết thúc chuyến công du hai ngày. Trong một bản tuyên bố chung, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng xây dựng một cộng đồng chung mà cách gọi theo phía Việt Nam là “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”, khác với từ ngữ của phía Trung Quốc là “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tại văn phòng chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, ngày 13/12/2023. AP - Nhac Nguyen
Trọng Nghĩa
Trong bản tuyên bố chung tổng kết chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc được báo chí Việt Nam công bố hôm nay, hai bên đã nhất trí “tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối Tác Hợp Tác Chiến Lược Toàn Diện Việt Nam-Trung Quốc”, đồng thời ''xây dựng Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.
Về cộng đồng chung mà hai bên đồng ý hướng tới, trong lúc phía Việt Nam gọi đó là “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”, thì theo các bản tin trên Tân Hoa Xã, từ ngữ phía Trung Quốc dùng là “Trung Việt Mệnh Vận Cộng Đồng Thể”, tức là “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”.
Theo nhận định của hãng tin Mỹ AP, đây là một nhượng bộ ngoại giao từ phía Việt Nam, vốn cho đến gần đây vẫn tránh dùng khái niệm đó. Tuy nhiên lần này, Hà Nội đã đồng ý nhằm xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản lên hàng “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện”.
AP trích lời một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng nhượng bộ trên ngôn từ của Hà Nội “không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ các sáng kiến chính trị do Trung Quốc lãnh đạo, mà là một hành động phòng ngừa tế nhị, đặc biệt sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật gần đây.” Theo chuyên gia này, đây là “một động thái được chờ đợi trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đã đích thân đến Hà Nội.”
Theo ghi nhận của các nhà quan sát, khi chấp nhận cùng với Trung Quốc xây dựng một "Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai", Việt Nam đã nối gót một số quốc gia Đông Nam Á khác như Lào, Cam Bốt, Miến Điện, hay Thái Lan, Indonesia.
Nhân chuyến công du Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc cũng không quên nhắc nhở Việt Nam về quan hệ với Mỹ. Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu vào hôm nay tại Hà Nội, ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần phải phản đối mọi“nỗ lực gây rối ở Châu Á-Thái Bình Dương”. Ông Tập không nhắc đến nước nào, nhưng trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục tố cáo Mỹ là “kẻ gây rối tại vùng châu Á” và không mấy thiện cảm với việc Mỹ mở rộng ảnh hưởng qua Việt Nam.
Trong chuyến đi của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hơn 30 thỏa thuận, trong đó có kế hoạch phát triển các tuyến đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay trong lãnh vực viễn thông. Tuy nhiên, theo Reuters, không có thỏa thuận nào được công bố về đất hiếm, mặc dù ông Tập Cận Bình từng kêu gọi hợp tác rộng rãi hơn về các khoáng sản trọng yếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét