Du thuyền MSC World Europa
Nghỉ một tuần sau khi đi Canada xem lá vàng, đầu tháng 11 vợ chồng tôi bay sang Marseille để đi cruise tầu MSC World Europa của hãng cruise MSC. Tôi không hoạch định sẵn những chuyến đi chơi: khi thấy quảng cáo sale nào hợp ý thì mua để đó, có lúc để gần đến hai năm trời như chuyến đi Thái Lan. Lần này tổ trác làm sao mà bay đi Á Châu, Úc Châu, Mỹ Châu, Âu Châu trong vòng ít hơn hai tháng. Sức người ngồi trên máy bay ghế Phổ Thông liên tiếp trong mấy chục đồng hồ có hạn: sau chuyến cruise này, về nhà mông tôi hóa thạch như ngày xưa học Sinh Vật cây cối hóa thạch sau triệu năm đứng trơ gan cùng tuế nguyệt.
<!>
Tôi bay Air France, ngừng chuyển tiếp ở Paris. Trả tiền “bèo” ngồi ghế Economy nên tôi thường chấp nhận số kiếp hẩm hiu, không dám than phiền vì sợ bị kết tội vô liêm sỉ. Thế nhưng lần này tôi chán cái mớ đời Air France và nước Pháp nên nhất quyết phải phát biểu ý kiến, dù rằng có thể bị kết tội phản động.
Máy bay Boeing 777 đi đường trường dẫy ghế ngang nhiều hãng máy bay chỉ xếp có 9 ghế : 3 + 3 + 3, thế nhưng Air France nhét thêm vào một ghế thành ra 10 để thu thêm tiền: 3 + 4 + 3. Hậu quả là người có vóc dáng anh Vọi như tôi không đủ chỗ duỗi chân theo chiều dài và hai mông bị ép chặt vào ghế như bánh chưng buộc chặt theo chiều ngang. 10 tiếng ngồi trên máy bay mà tôi có cảm tưởng như mình đang ở trong hòm. Trong hòm còn tốt hơn: ít ra được nằm chứ không ngồi và vì đã chết mất đất nên không có cảm giác chật hẹp bị ép vào cá hộp như tôi, vẫn còn sống.
Thức ăn thì tôi quá thất vọng: món ăn chính nuốt không trôi. Và khi croissant chính gốc con nai vàng phát xuất từ Pháp của Air France còn dở hơn croissant của Costco Mỹ thì không những Tonton Emmanuel Macron, mà tất cả các Jean Pierre Tây đều có một vấn đề nghiêm trọng.
Máy bay đến Marseille trễ 50 phút. Chúng tôi chỉ có 40 phút để đến cổng máy bay kế tiếp đi Marseille. Thế nhưng gần đến thì hỡi ôi, hành khách phải qua Cửa ải Di Trú. Cả trăm người đứng đợi mà chỉ có ba quầy làm việc. Tôi đợi 15 phút, chỉ thấy cái hàng di chuyển vài cm từ cầu tiêu công cộng đến bồn rửa mặt nên hỏi một cô đang chỉ dẫn khách là có thể nào giúp tôi ưu tiên vì nếu không chắc chắn tôi sẽ trễ chuyến bay. Có lẽ rất nhiều người cũng hỏi cô ta như thế nên cô ta tuyên bố lớn giọng: mọi người đều phải đứng đợi trong hàng, không được cắt hàng cho dù trễ máy bay cũng ráng chịu!
Tôi biết là nếu tiếp tục đứng trong hàng thì sẽ trễ máy bay nên hỏi người đứng trước cho tôi lên trước. Dần dần mọi người đều tốt bụng cho chúng tôi qua mặt họ. Ở phi trường Mỹ, ai nói sẽ trễ máy bay nếu đợi trong hàng thì nhân viên họ sẽ giúp cho lên đầu hàng ngay. Tôi nghĩ ở Pháp cũng thế thôi, thế mà cô nhân viên Sở Di Trú Tây nhất định không giúp ai hết. Xin dẹp Vivre la France!
Cruise chúng tôi đi là MSC World Europa. MSC là hãng tầu tư nhân (du lịch lẫn thương mại) của một gia đình Ý, trụ sở ở Thụy Sĩ. World Europa là tầu cruise to nhất của MSC, mới đóng năm ngoái nên tôi muốn đi thử cho biết. Nó to thứ nhì trên thế giới, sau năm chiếc thuộc hạng Oasis của hãng cruise Royal Caribbean. Nếu mỗi phòng chứa hai người, tổng số hành khách của chiếc World Europa là 5231 người.
MSC sẽ đóng thêm ba chiếc cruise tương tự, với chiếc World America sẽ hoạt động ở Miami bắt đầu từ tháng 4 năm 2025.
Chiếc World Europa chỉ chạy ở vùng biển Địa Trung Hải, du lịch một tuần đến các thành phố sau đây:
Nó chạy như là xe bus: khách có thể khởi hành từ bất cứ thành phố nào rồi sau bẩy ngày, sẽ xuống bến ở thành phố mình đã lên. Vì thế mà ngày nào cũng có khách lên xuống tấp nập.
Vì Pháp là “motherland” của vợ tôi và các chị em, và vì gia đình người anh của vợ tôi ở Paris cũng đi, chúng tôi chọn thành phố khởi hành là Marseille. Tầu ghé vào các thành phố theo chiều mũi tên như trên.
Tôi bay đến Marseille ở trước mấy ngày để nhân tiện đi xem Nice và Monaco. Ở Mỹ tôi vào Costco mướn xe hơi bốn ngày ở phi trường Marseille Provence Airport để lái đi Nice và Monte Carlo. Mướn xe bên Pháp cũng dễ dàng, chỉ có một cái là Pháp còn sau Mỹ về kỹ thuật: xe mướn còn lựa chọn giữa sang số và tự động (bên Mỹ xe sang số đã diệt chủng), và xe tôi mướn không có Apple Car play, trong khi bây giờ xe mướn ở Mỹ hầu hết đều có.
Trước khi lên tầu, tôi có dịp bỏ thời giờ du ngoạn ở Marseille, Nice, và Monte Carlo.
1.Marseille:
Marseille có vẻ nghèo nàn, nhiều nơi nhà nghèo nàn dơ bẩn. Gần khu Palais Longchamp phân chó đầy đường: người nào đi bộ không chăm chú nhìn xuống đất là đạp ngay tạc đạn.
Ngày đầu tiên chúng tôi ở khách sạn Crowne Plaza, Marseille. Lý do vợ tôi chọn vì nó mới toanh, mới xây chỉ độ nửa năm.
Nhưng sau đó tôi khám phá ngay phố xá chung quanh hotel nghèo nàn, graffiti vẽ trên tường. Đứng trên lầu nhìn xuống, tôi thấy kính cửa xe bị đập hai chỗ trên đường. May là chỉ ở một đêm vì ngày hôm sau chúng tôi dọn sang khách sạn InterContinental Marseille – Hotel Dieu:
Như tất cả thành phố khác ở Âu Châu, di chuyển trong thành phố Marseille rất dễ dàng vì có xe điện ngầm. Bản đồ trong điện thoại tay chỉ rất rõ lấy tuyến xe và ngừng ở trạm nào. Phương thức trả tiền cũng dễ dàng: không cần mua vé, dùng contactless credit card: khách chỉ cần giơ điện thoại tay trên máy rọi là nó tính tiền, mở cửa cho mình hiên ngang đi vào (bây giờ đi chơi thì hùng dũng, nhưng khi về nhà xem hóa đơn tính tiền trăm thứ đã tiêu trong cuộc hành trình thì không còn hiên ngang mà chỉ là tiu nghỉu).
Vào trong đường hầm xe điện ngầm của bất cứ quốc gia nào, tôi không khỏi ngậm ngùi cho quê hương tôi: trong khi nước người ta dùng máy móc kỹ thuật tân tiến khoan sâu vào lòng đất thiết lập hệ thống xe điện khoang trang nâng cao đời sống thoải mái cho dân chúng thì trong thời chiến tranh Việt Nam, Cộng sản Bắc Việt đào hầm chật ních, dùng súng ống đạn dược để hoàn thành cơn mộng xâm lăng. Đã không giúp đỡ đời sống dân chúng, Cộng Sản Bắc Việt còn dùng đường hầm để giết người dân Việt Nam Cộng Hòa cùng giòng máu Việt với mình.
Điều tôi cảm thấy bực dọc là tôi hiểu người ngoại quốc ngây thơ, đến Việt Nam muốn đi xem hầm Củ Chi vì họ không trải qua giai đoạn chiến tranh, họ không biết mục đích dã man của nó là tiêu diệt đối phương; thế nhưng tôi không hiểu tại sao người Việt sinh sống ở Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 cũng có người đến đây viếng thăm? Nó là lý do chúng ta chạy sút quần, mất nhà, mất cửa, mất cả người thân đi tìm đất tự do. Nó là lý do cả trăm nghìn sinh mạng dân Việt Nam Cộng Hòa bị kết liễu. Ấy thế mà họ không biết nhục, đến xem và còn chụp hình như là khách du lịch? Những người này là lý do tại sao Việt Nam Cộng Hòa chúng ta thua vào tay Cộng Sản.
Đây là ảnh của vài nơi ở Marseille:
-Le Vieux Port: bến tầu này hiện hữu từ năm 600 trước Công Nguyên. Nơi này là đông nhất, vui nhất, nhiều hàng quán ăn uống để ngồi ngắm ông đi qua bà đi lại.
Phải công nhận tôi may mắn lấy cô vợ nói tiếng Pháp lưu loát nên mỗi lần sang Pháp, ai hỏi tôi cái gì tôi chỉ có việc “Oui, monsieur”, “Oui, madame” , phần còn lại thì tôi để cho vợ tôi nói chuyện với họ. Tôi không tin duyên số, nhưng chắc có lẽ kiếp trước tôi hiền hậu nên kiếp này được cô vợ nói tiếng Pháp dẫn đi du lịch Marseille, mọi sự tiếng Pháp nàng líu lo giao dịch hết. Nếu kiếp trước tôi ăn ở ác đức thì bảo đảm kiếp này tôi đã lấy một cô vợ người Tầu tên Xín A Coóng dẫn tôi đi du lịch về Chợ Lớn.
-Palais Longchamp: Lâu đài này xây vào năm 1869, bây giờ là Viện Bảo tàng:
Lần này đi cruise đông người trong gia đình. Bên trái là em gái vợ tôi -Oanh- với vợ chồng con gái của Oanh đứng kế vợ tôi. Cạnh tôi là vợ chồng cô gái út thứ ba của chúng tôi.
-La basilique Notre-Dame de la Garde (Thánh đường Đức Mẹ Bảo hộ): là một nhà thờ Công giáo được du khách viếng thăm nhiều nhất ở Marseille. Nó được xây dựng trên nền của một pháo đài cổ ở điểm cao nhất của Marseille, 149 mét (489 ft).
Dân Marseille xem Đức Mẹ là người bảo vệ thành phố nên nhà thờ này còn có biệt danh là La Bonne Mère (“Mẹ nhân lành”). Biệt danh này cũng là biệt danh của Maria, mẹ Giê-su.
Chúng tôi trả $9 đô la khứ hồi cho “xe lửa” đưa đến đó.
2.Nice:
Thành phố Nice đẹp, sạch hơn các thành phố của Pháp. Nice rất đắt đỏ, chỉ sau Paris. Nhà cửa ở đây mang màu sắc Địa Trung Hải (cam, vàng, nâu, đỏ, xanh lá cây…) giống bên Ý vì Nice xưa thuộc về Ý, Pháp chiếm Nice vào năm 1860.
Con đường chạy dọc theo bờ biển -Promenade des Anglais- toàn là những building đắt tiền rất đẹp mắt. Lý do tên nó là Đại lộ người Anh vì dân Anh giầu, bà Hoàng Hậu Anh, và ngay cả Winston Churchill ngày xưa thường đến đây nghỉ mát.
Từ Marseille lái xe đến đây nếu đi đường miễn phí mất hơn bốn giờ rưỡi đồng hồ. Nhưng nếu đi xa lộ đóng phí thì chỉ mất hơn hai tiếng.
Tôi chọn đường ít thời gian hơn dù biết rằng mình điếc không sợ súng khi đi qua các cửa ải đóng tiền: tất cả đều không có người cai quản, mọi sự thông tin trả tiền, đóng tiền, và thông tin giao thông trên xa lộ tất cả bằng tiếng Pháp. Những chữ đơn giản như “péage à 200m” (trả tiền, 200mét), “serrez à gauche” (giữ bên trái), “bienvenue sur nos autoroutes” (chào bạn vào xa lộ), “travaux” (đang làm đường) tôi hiểu, thế nhưng những chữ viết bằng tiếng Pháp “Chồng nên tuân lệnh vợ khi lái xe” thì tía tôi cũng không hiểu.
Tôi nhớ mãi mấy chục năm trước lần đầu tiên đến Pháp vào cuối mùa hè, trời còn nắng ấm nên bãi biển ở Nice đầy những phụ nữ trưng bày kỳ quan thế giới (biển Nice không có cát mịn mà toàn là đá sỏi to). Đồng ý không phải tất cả kỳ quan là mãn nhãn vì có những cái cổ xưa từ đời Lê Ngọa Triều, thế nhưng tôi phải công nhận là Mỹ thua xa Pháp khi nói đến có cơ hội chiêm ngưỡng kỳ quan hoàn toàn miễn phí mà không bị vợ nhéo lỗ tai.
3.Monaco:
Với diện tích chỉ có 2.02 km2 (0.78 sq mi), Monaco là quốc gia nhỏ thứ nhì trên thế giới, sau Vatican City.
Pháp không cần, nhưng Monaco bắt có bằng lái xe quốc tế nên trước khi đi, tôi đến AAA làm một cái, chỉ tốn $20 dollars (cần hai hình, tôi tự cung cấp). Ở Pháp tuy đường xá nhỏ nhưng lái được, không sao. Monaco đường xá rất gần với nhau, không đủ cho khách lạ phản ứng nhanh chóng nên tôi chọn nhầm đường hai lần. Hôm tôi lái từ Marseille đến Monaco mưa cả ngày, đường xá không những nhỏ mà còn quanh co khiến đầu óc tôi căng thẳng. May là tôi không cán chết một Brigitte Bardot nào khi lái xe.
Monaco chỉ có 38,682 dân. Đất Monaco đắt hàng đầu thế giới, $58,300 dollars/một mét vuông. GDP mỗi cá nhân của Monaco cao thứ nhất trên thế giới: $185,742 dollars/1 người.
Cứ ba người thì một người ở Monaco là triệu phú. Ở Mỹ cứ 100 người thì 7 người là triệu phú, vì thế tôi tính dọn sang Monaco để nâng cao cơ hội tôi sẽ là triệu phú.
(còn tiếp)
Nguyễn Tài Ngọc
December 2023
Tài liệu tham khảo:
Wikipedia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét