Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

Hôm Nay, Thế Giới Kỷ Niệm 75 Năm! Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (1948). CSVN Giựt Giải Vi Phạm, chà Đạp Quyền Con Người Nhất Thế Giới! - Lê Văn Hải


Hôm Nay 10 Tháng 12, Thế Giới Kỷ Niệm 75 Năm! Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (1948) *Mỗi năm người ta kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân Quyền vào ngày 10/12. Đưa ra ý niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền là để nhắc nhở mọi người sống trên Trái Đất này đều có quyền bình đẳng hưởng những tự do căn bản. Nó cũng là dịp để những ai, đang sống dưới các chế độ độc tài, chưa có đủ các quyền tự do căn bản đó, có dịp đấu tranh đòi hỏi. Nó còn là dịp để các quốc gia đẩy mạnh những nỗ lực tôn trọng và thực thi các nhân quyền và dân quyền được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
<!>


*Dưới đây là nội dung của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền buộc các thành viên Liên Hiệp Quốc tuân hành. Năm nay nhà nước cộng sản Việt Nam đã được vào thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Xin đồng bào trong và ngoài nước đọc bản nội dung của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, thử xem những hành động và việc làm của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam có xứng đáng làm ứng cử viên hay không? Mỉa mai! “Kẻ sát nhân, lại được ngồi vào ghế quan tòa!”


TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN (1948)



LỜI MỞ ĐẦU

Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,
Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,
Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,

Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,
Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,
Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,
Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.


VÌ VẬY,

ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC

Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ đang bị giám hộ.
Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.
Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.
Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ.
Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.
Điều 8: Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.
Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.
Điều 10: Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.
Điều 11:
1.Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.
2.Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.
Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 13:
1.Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.
2.Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.
Điều 14:
1.Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.
2.Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 15:
1.Ai cũng có quyền có quốc tịch.
2.Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Điều 16:
1.Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.
2.Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn.
3.Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
Điều 17:
1.Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.
2.Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.
Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.
Điều 20:
1.Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.
2.Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.
Điều 21:
1.Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.
2.Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.
3.Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.
Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.
Điều 23:
1.Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp.
2.Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử.
3.Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.
4.Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24: Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghĩ định kỳ có trả lương.
Điều 25:
1.Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
2.Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 26:
1.Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn.
2.Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.
3.Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.
Điều 27:
1.Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy.
2.Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.
Điều 28: Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.
Điều 29:
1.Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.
2.Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.
3.Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.


Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, (CS Tầu) một nhà cầm quyền chà đạp quyền con người, Thời khắc để suy ngẫm!

(Torsten Trey, The Epoch Times)
Một ngày kỷ niệm cho chúng ta cơ hội để suy ngẫm về lý do có tuyên ngôn này cũng như xem xét về phẩm giá và mục đích của mỗi con người.


(Hình: Các học viên Pháp Luân Công đi bộ trong cuộc diễu hành nêu bật cuộc đàn áp đức tin bởi chính quyền Trung Quốc, ở Brooklyn, New York, vào ngày 26/02/2023)
-Có thể nói rằng một trong những tài liệu quan trọng nhất trong lịch sử nền văn minh hiện đại, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đã nổi lên từ đống tro tàn của nạn diệt chủng sau Đệ nhị Thế chiến.
Văn kiện mang tính đột phá này đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua tại Paris vào ngày 10/12/1948. Có thể chúng ta sẽ tự hỏi, liệu có phải vô số người đã phải chịu đau khổ để lương tâm chung của chúng ta được thức tỉnh hay không? Ngày kỷ niệm này cho chúng ta một cơ hội để suy ngẫm về câu hỏi đó và xem xét về phẩm giá cũng như mục đích của mỗi con người.
Về nhiều mặt, tuyên ngôn này đã rất thành công. Tuyên ngôn này đóng vai trò như ngọn hải đăng hy vọng cho những người đang chịu đau khổ dưới chế độ độc tài cũng như khuyến khích những người khác bảo vệ những ai yếu thế. Nếu chúng ta không có tuyên bố chính thức để bảo đảm quyền được sống, quyền được tự do, và quyền được an toàn cá nhân, thì thật đáng buồn là cả nạn nhân và những người ủng hộ đều có thể quên mất những quyền này.

Những người có lương tâm có thể đương nhiên cho rằng không ai có thể bị bắt làm nô lệ và bị tra tấn; tuy nhiên, các quyền kể trên sẽ nhanh chóng biến mất ở những quốc gia và khu vực lãnh thổ mà tuyên ngôn này không được coi là kim chỉ nam.
Chúng ta đã nhiều lần quan sát thấy các chế độ toàn trị, mà, giống như các cực cùng dấu của nam châm, đã rời xa nhân quyền. Điều này đặc biệt rõ ràng trong trường hợp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa — đừng nhầm lẫn với Trung Hoa Dân Quốc, còn được gọi là Đài Loan. Hai hệ thống xã hội; hai cách để giải quyết vấn đề nhân quyền khác nhau. Hệ thống của Đài Loan thì phản ánh sự thành công của Tuyên ngôn Quốc tế; còn hệ thống của Trung Quốc lại là một lời nhắc nhở không ngừng cho sự thất bại của tuyên ngôn này.
Trong những xã hội do cộng sản cai trị, chủ nghĩa cộng sản không chỉ đè bẹp niềm tin vào Thần, mà còn cả sự tôn trọng căn bản đối với sinh mệnh con người, mà điều này vốn chỉ có thể được nhận thấy rõ trong một xã hội tự do và cởi mở. Một trong những sự lừa dối trắng trợn nhất của chủ nghĩa cộng sản là tuyên bố phục vụ cho lợi ích cao nhất của nhân dân, tuy nhiên Tuyên ngôn Quốc tế lại nêu rõ: Các chính phủ cộng sản coi thường sự tự do của công dân.

Năm 2017, lãnh đạo Tòa án Tối cao Trung Quốc đã làm rõ điểm này khi tuyên bố rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực tế là đứng trên cả Hiến Pháp Trung Quốc, mà Hiến Pháp này vốn bảo vệ các quyền tự do cơ bản, bao gồm cả nhân quyền.
Vậy có ngạc nhiên không khi một môn tu luyện tinh thần theo trường phái Phật gia lại bị bức hại dưới một chế độ coi thường nhân quyền? Với các nguyên tắc cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn, Pháp Luân Công rất phù hợp với một số nguyên tắc của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn bức hại và tra tấn các học viên Pháp Luân Công, sát hại họ để lấy nội tạng cho mục đích cấy ghép — một tội ác mà tôi đã nỗ lực tìm cách thu hút sự chú ý của quốc tế.

Là một nhóm bị bức hại một cách tàn bạo, Pháp Luân Công chính là biểu tượng và là lời nhắc nhở cho nhân loại. Nếu có cơ hội, ĐCSTQ có thể sẽ khiến tuyên ngôn này biến mất. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho chính quyền Trung Quốc đối xử với phần còn lại của thế giới như cách họ đã đối xử với Pháp Luân Công.
Chúng ta đã thoáng thấy sự hiên ngang của Trung Quốc trong việc cho phép virus COVID-19 lây lan trên toàn cầu vào đầu năm 2020, trong việc trợ giúp Nga trong cuộc chiến Ukraine, trong việc cung cấp vũ khí cho các tổ chức khủng bố ở Trung Đông, và trong việc vận chuyển tiền chất fentanyl đến Mexico, mà chất này đã lấy đi sinh mạng của 100,000 người Mỹ.

Tỷ lệ sát nhân của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc, nhưng điều đáng kinh ngạc hơn nữa đó là những người trân trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đang đứng nhìn một cách thụ động. Cộng đồng quốc tế đã bỏ lỡ cơ hội để phản ứng một cách quyết liệt khi tin tức về hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2006. Sự thiêng liêng của cơ thể con người đã bị vi phạm ở Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm qua, và cùng với đó là vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền.
Trong khi những người ủng hộ tuyên ngôn này có nhiều câu chuyện thành công [trong việc thúc đẩy quyền con người] để chia sẻ, nhưng họ cũng đã chứng kiến một số mặt thiếu sót. Điều đáng lo ngại nhất là ở một mức độ nào đó, cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc chấp nhận và tuân thủ các quyền cơ bản của con người — và cái lý thông thường cơ bản. Làm thế nào để có thể giải quyết vấn đề này đây?

Mọi cá nhân và mọi chính phủ phải nhận ra rằng nhân quyền là bất khả xâm phạm, không bao giờ bị xâm phạm, và không bao giờ bị lãng quên. Nếu chúng ta không bảo đảm được quyền của mỗi cá nhân, thì chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của những kẻ xem trọng quyền lực và kiểm soát sự phát triển của nhân loại.
Vào dịp kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, chúng ta không chỉ ghi nhận những thành tựu của tài liệu quan trọng này, mà còn phải hành động để bảo đảm sự tiếp tục thành công của tuyên ngôn đó. Trong trường hợp của Pháp Luân Công và hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên của pháp môn này, chúng ta nên trở thành người ủng hộ họ.

Nghị trình của ĐCSTQ trong việc thu hoạch cơ quan nội tạng quan trọng của các học viên Pháp Luân Công là nhằm mục đích tiêu diệt và hủy hoại Pháp Luân Công. Vì sao? Bởi vì ĐCSTQ coi việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức là giải pháp tối hậu để bịt miệng Pháp Luân Công cũng như ngăn cản nhân loại biết đến môn tu luyện ôn hòa này. Chính quyền Trung Quốc không muốn thế giới biết về sự tốt đẹp mà Pháp Luân Công đã mang lại cho người dân trên khắp thế giới. Giống như nhân quyền, nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Công là những nguyên lý giúp nhân loại phát triển thịnh vượng.
Nếu quý vị muốn tặng một món quà kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, hãy trở thành người ủng hộ các nguyên lý của Pháp Luân Công và đánh bại hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức bằng cách lên tiếng.



VOA: Quan Điểm của Hoa Kỳ Về Ngày Nhân quyền Quốc tế 2023


(Hình: Những người đào tị Bắc Triều Tiên đeo mặt nạ đen, trói tay trong một cuộc biểu tình ở Seoul dành cho những người tị nạn Bắc Triều Tiên bị chính phủ Trung Quốc hồi hương. Ngày 9/12/2008.)
-Ngày 10 tháng 12 là Ngày Nhân quyền Quốc tế, một ngày được chọn để tôn vinh việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một trong những văn kiện có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại: Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Hôm nay Văn kiện này tròn 75 tuổi.

Bắt nguồn từ các sự kiện của Chiến tranh thế giới thứ hai, đây là tuyên bố toàn cầu đầu tiên về các quyền bất khả xâm phạm của loài người.
Kinh hoàng trước những tội ác khủng khiếp gây ra đối với thường dân, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã không chậm trễ bắt tay vào việc hệ thống hóa một loạt các quyền con người phổ quát. Văn kiện cuối cùng dựa trên tiền đề rằng tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền, như được nêu rõ ràng ở Điều đầu tiên.
Tuyên bố có hiệu lực vào năm 1950 đã truyền cảm hứng cho sự phát triển của luật nhân quyền quốc tế, cũng như Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. Ngày nay, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tài liệu được diễn dịch nhiều nhất trên thế giới.

Kể từ năm 1950, ngày 10 tháng 12 hàng năm được tổ chức là Ngày Nhân quyền để kỷ niệm thành tựu quan trọng này của Liên hợp quốc, vào thời điểm đó mới tròn ba tuổi. Vào ngày này, giải Nobel Hòa bình chính thức được trao cho người đoạt giải năm đó. Và hàng năm, lễ kỷ niệm được dành riêng cho một khía cạnh khác nhau của nhân quyền. Chủ đề năm nay là “Củng cố và duy trì văn hóa nhân quyền trong tương lai”.
Tổng thống Biden viết trong một tuyên bố: “Vào Ngày Nhân quyền và trong Tuần lễ Nhân quyền, chúng tôi ghi nhớ và tái khẳng định ý tưởng thiêng liêng rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, có phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm vốn có”.

“Ý tưởng này là cốt lõi của sự thành lập nước Mỹ. … Và ngày nay, ý tưởng này đã đi vào lòng hàng triệu người tuần hành, chiến đấu và hy sinh vì quyền tự do bẩm sinh mà chúng ta xứng đáng có được với tư cách là con người. Trên khắp thế giới - từ Trung Quốc đến Miến Điện, Afghanistan đến Iran, Ethiopia đến Ukraine và hơn thế nữa - những người dũng cảm đang đứng lên chống lại sự lạm dụng quyền lực, giữ vững lập trường trước những mối đe dọa đến tính mạng của họ và lên tiếng chống lại những hành vi vi phạm các quyền tự do cơ bản của họ”, Tổng thống Biden nói.
“Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ những người phụ nữ và đàn ông dũng cảm đó đấu tranh cho các quyền con người cơ bản của họ trước sự áp bức và bất công - và chúng tôi sẽ luôn làm như vậy.”


Toà Thánh Vatican: Nhân quyền phải bắt nguồn từ phẩm giá con người!

(Vatican News)


-Ngày 13/9, phát biểu tại phiên họp thứ 54 của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Ettore Balestrero, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, nhắc lại rằng phá thai không phải là một quyền của con người chỉ bởi vì đa số quốc gia khẳng định, bởi vì nhân quyền bắt nguồn từ phẩm giá con người.


Sau khi nhắc lại trong năm 2023, cộng đồng quốc tế và Hội đồng sẽ kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế được thông qua, Đức Tổng Giám Mục Balestrero nhấn mạnh rằng nhân quyền không chỉ đơn giản là một đặc quyền được trao cho các cá nhân bởi sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Đúng hơn, nhân quyền là biểu hiện của những giá trị khách quan và không tuỳ thuộc thời gian cần thiết cho sự phát triển con người.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi một xã hội hoặc cộng đồng quốc tế từ chối công nhận một hoặc một số quyền có trong Tuyên ngôn, thì sự từ chối này sẽ không làm giảm giá trị của quyền đó và cũng không miễn cho bất kỳ ai việc phải tôn trọng quyền đó. Nhưng cũng vậy, cái gọi là "quyền mới" không có được tính hợp pháp chỉ vì đa số cá nhân hoặc quốc gia khẳng định chúng. Theo Đức Tổng Giám Mục, ví dụ đáng chú ý nhất về quan niệm sai về quyền này, được thể hiện bằng khoảng 73 triệu sinh mạng con người vô tội bị gián đoạn sự sống từ trong bụng mẹ mỗi năm, với lý do được cho là “quyền phá thai”.

Đề cập đến kỷ niệm Tuyên ngôn được thông qua, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng thật là bi thảm vì sau 75 năm nhiều anh chị em chúng ta vẫn phải chịu đựng chiến tranh, xung đột, nạn đói, thành kiến và phân biệt đối xử. Vì thế, kỷ niệm này sẽ mang đến một cơ hội quan trọng để suy nghĩ về những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho việc bảo vệ nhân quyền.
Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng để chống lại xu hướng phân biệt đối xử và gạt ra bên lề những người dễ bị tổn thương nhất, điều cần thiết là phải áp dụng một lựa chọn ưu tiên cho người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội, để hỗ trợ các quyền phổ quát của họ và cho phép họ sống sung túc và đóng góp cho công ích, như Đức Thánh Cha đã nhiều lần kêu gọi “chống lại nền văn hóa dùng rồi vất bỏ”.
Và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh kết thúc bài phát biểu với một đoạn trích từ thông điệp Fratelli tutti, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi dấn thân sống và giảng dạy giá trị về sự tôn trọng người khác, một tình yêu có khả năng đón nhận những khác biệt, và sự ưu tiên của phẩm giá con người trên các ý tưởng, quan điểm, thực hành và thậm chí cả tội lỗi.


Các tổ chức quốc tế kêu gọi bảo vệ nhà báo VN trước kỳ kiểm điểm nhân quyền, CSVN bỏ tù nhà báo nhất thế giới!


(Chụp lại hình ảnh: Nhà báo Phạm Chí Dũng (trái) và ông Đỗ Tường Thụy (phải), Lê Hữu Minh Tuấn trong phiên tòa ngày 5/1/2021)
-Các nhà báo ở Việt Nam đang phải đối mặt với các mối đe dọa và ngược đãi trên diện rộng, và thường xuyên bị bắt giữ hoặc bỏ tù vì các bài viết và bình luận của họ, theo một báo cáo chung gửi Liên Hiệp Quốc của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights.

Báo cáo chung được công bố vào ngày 2/11, Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, trước đợt Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam tại Geneva vào tháng 4-5/2024.
Việt Nam được xếp là một trong những nước bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới, với ít nhất 21 người ngồi tù tính đến ngày 1/12/2022, theo CPJ.

Trong nửa đầu năm 2023, ít nhất 20 nhà báo, nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền đã bị bắt. Một số người bị quản thúc tại gia, thường là vào các ngày quốc lễ hoặc trong các chuyến thăm của quan chức nước ngoài.
Báo cáo nhấn mạnh sự đối xử tàn nhẫn đối với các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả việc giam giữ kéo dài trước khi xét xử và biệt giam.
Báo cáo tập trung vào việc xem xét việc Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ nhân quyền quốc tế ảnh hưởng như thế nào đến các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền và những tiến bộ mà VIệt Nam đạt được kể từ lần rà soát cuối cùng vào năm 2019.


Đặc biệt, những mối quan ngại được nêu trong báo cáo này liên quan đến:

Nhà báo chết trong tù
Trong năm năm qua, ít nhất có một nhà báo (Đỗ Công Đương) – người thường bình luận về các vấn đề chính trị – chết vì mắc bệnh trong tù.
Ít nhất bảy nhà báo khác bị giam giữ trong thời gian báo cáo được thực hiện bị đánh đập bởi cai trại hoặc/và bị từ chối điều trị y tế bất kể bệnh nặng.

Một trong số đó là việc một nhà báo đang mai thai, khi ở trong tù đã bị đánh đập và bóp cổ. Cô là người vận động cho các nữ tù nhân khác và lên tiếng về điều kiện nhà tù.
Nhà báo Nguyễn Văn Hóa, một nhà hoạt động Công giáo và cộng tác viên thường xuyên của Đài Á Châu Tự Do, bị đánh đập dã man, bị biệt giam và bị ngược đãi trong khi ngồi tù bảy năm sau khi bị bắt vào tháng 1/2017.
Những trường hợp này cho thấy Việt Nam vi phạm Điều 5 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền trong đó bảo vệ tù nhân khỏi việc bị tra tấn và bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.

Án tù dài hạn
Ông Phạm Chí Dũng - nhà báo và chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập - bị kết án 15 năm tù về tội chống nhà nước theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Nhà báo Lê Mạnh Hà bị kết án tám năm tù theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 về tội đăng, chia sẻ bài viết trên Facebook có nội dung bị cho là bôi nhọ nhà nước và Chủ tịch nước Việt Nam.

Nhà văn, nhà thơ Trần Đức Thạch bị bắt và bị kết án 12 năm tù tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 109 Bộ luật Hình sự. Ông Thạch viết về kinh nghiệm của mình khi còn là một cựu quân nhân Bắc Việt và những tội ác chiến tranh mà ông chứng kiến, đồng thời nhận xét về hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Việc bắt giữ ông có thể được thúc đẩy bởi các bài viết của ông trên mạng xã hội để ủng hộ Hội Anh em Dân chủ.
Nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang bị kết án chín năm tù với tội danh tuyên truyền chống nhà nước sau khi bà tham gia một hội nghị nhân quyền và viết bài về các vấn đề chính trị.
Những trường hợp này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn, trong đó quan chức nhà nước bịt miệng và đe dọa các nhà báo vì đã công khai tham gia vào các vấn đề chính trị.

Bắt cóc nhà báo
Trong năm năm qua, có ít nhất hai nhà báo đưa tin về chính trị ở Việt Nam đã bị bắt cóc từ nước láng giềng Thái Lan sau khi đến thăm văn phòng Thái Lan của Cao ủy Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn (UNHCR), gồm ông Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái.
Những vụ việc này cũng có thể bị coi là vi phạm Điều 14 của Tuyên ngôn Quốc tế về Bảo đảm cho các cá nhân có quyền tìm kiếm và được tị nạn khỏi sự đàn áp ở các quốc gia khác.

Từ chối quyền được xét xử công bằng và quy trình kháng cáo
Đã có ít nhất hai báo cáo về việc các nhà báo bị xét xử kín hoặc không công bằng trong năm năm qua.
Đáng chú ý, nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án chín năm tù trong phiên tòa kéo dài một ngày được đánh dấu bằng những vi phạm thủ tục và vi phạm các quyền cơ bản của bà khi luật sư của bà bị cấm triệu tập nhân chứng hoặc tranh luận về bằng chứng mà cơ quan công tố đưa ra.
Nhóm luật sư của bà chỉ có vài tuần để chuẩn bị cho phiên tòa mặc dù có 11.000 trang bằng chứng để xem xét.

Ngoài ra, nhà báo Lê Anh Hùng đã bị giam giữ hơn bốn năm trong trại tâm thần trước khi bị đưa ra tòa.
Cấm xuất cảnh

Ít nhất hai nhà báo đã bị tịch thu hộ chiếu.
Một luật sư và gia đình ông đã bị cấm lên chuyến bay tới Hoa Kỳ do bài viết và sự ủng hộ của ông nhằm bảo vệ tù nhân chính trị và nạn nhân của sự bất công.

Quấy rối nhà báo
Phạm Đoan Trang từng buộc phải cắt đứt quan hệ với nhà xuất bản của bà do bị cảnh sát quấy rối.
Các thành viên của nhà xuất bản đã lẩn trốn để tránh bị quấy rối và duy trì việc xuất bản trong khi hàng chục người khác bị thẩm vấn vì tội mua và đọc sách bởi nhà xuất bản này.

Ngưng cấp thẻ nhà báo
Ít nhất năm nhà báo bị kết tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 do các bài đăng trên mạng xã hội, và bị cấm làm báo trong ba năm sau khi thụ án từ hai đến bốn năm rưỡi tù.
Một tờ báo điện tử bị đình chỉ giấy phép hoạt động báo chí trong ba tháng sau khi công bố thông tin được cho là sai lệch và không phù hợp.

Qua các đánh giá này, CPJ, Freedom House và Robert F. Kennedy Human Rights khuyến nghị Việt Nam:

•Cung cấp phương pháp điều trị y tế thích hợp cho tù nhân theo Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền trong Công ước Quốc tế.
•Chấm dứt việc sử dụng vũ lực quá mức, đánh đập và biệt giam kéo dài đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền.
•Trả tự do cho tất cả các nhà báo bị bắt giữ hoặc bỏ tù tùy tiện vì thực hiện quyền tự do của họ
•Tiến hành các biện pháp nhằm chấm dứt việc thực hiện các hình phạt tù kéo dài không tương xứng với mức độ bị cáo buộc.
•Đảm bảo tất cả các nhà báo đều có quyền được tư vấn pháp lý và kháng cáo bản án của họ.
•Thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt việc bắt cóc các nhà báo bởi các tổ chức nhà nước và phi nhà nước.
•Điều tra kịp thời và hiệu quả các mối đe dọa và tấn công nhằm vào các nhà báo.
•Thiết lập một cơ chế hiệu quả để bảo vệ các nhà báo gặp rủi ro
•Đảm bảo các cá nhân, bao gồm cả các nhà báo, có quyền tìm kiếm và được tị nạn từ ở các quốc gia khác theo Điều 14 của Tuyên bố chung về Quyền con người
•Ngừng giam giữ các nhà báo trong cơ sở tâm thần trước khi xét xử.
•Chấm dứt việc biệt giam các nhà báo và giam giữ các nhà báo trong thời gian dài thời gian không xét xử.
•Chấm dứt việc tùy tiện quản thúc tại gia các nhà báo.
•Chấm dứt việc tịch thu hộ chiếu của nhà báo và thành viên gia đình họ
•Điều tra kịp thời và hiệu quả các mối đe dọa và tấn công nhằm vào các nhà báo và gia đình họ.
•Cải cách luật Tự do Báo chí năm 2016 theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả việc đảo ngược quyền lực của nhà nước có thẩm quyền tối cao để xác định ai đủ tiêu chuẩn làm nhà báo.
•Chấm dứt sự kiểm soát của chính phủ đối với tất cả các phương tiện truyền thông để thúc đẩy tự do báo chí.
•Bãi bỏ lệnh cấm làm nhà báo đối với những người bị cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ hoặc các cáo buộc tương tự
•Khôi phục giấy phép báo chí cho bất kỳ ấn phẩm nào bị đình chỉ do bị cáo buộc xuất bản thông tin bất lợi.
•Cải cách các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 được sử dụng để hành hạ nhà báo, trong đó có Điều 109 (hình sự hóa tội “tuyên truyền chống nhà nước”); Điều 117 (tội hình sự “làm, tàng trữ, phát tán hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”); và Điều 331 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền hợp pháp và lợi ích của tổ chức, công dân).
•Bãi bỏ Luật An ninh mạng



Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải 2023 cho ba nhà hoạt động ngày 21/11/2023

(VOA Tiếng Việt)


(Hình: Người đoạt giải Nhân quyền 2023: Trần Văn Bang, Y Wô Niê, Lê Trọng Hùng.)

-Tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vừa công bố tên của ba nhà hoạt động đoạt giải nhân quyền 2023 gồm các ông Trần Văn Bang, Y Wô Niê, và Lê Trọng Hùng.
Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (MLNQVN), nói với VOA rằng cả ba khôi nguyên này rất xứng đáng cho giải nhân quyền vì dám lên tiếng tranh đấu cho các giá trị căn bản của người dân thông qua các hướng tranh đấu khác nhau.
“Ba người được bầu chọn năm nay là anh Trần Văn Bang, Y Wô Niê, và Lê Trọng Hùng. Cả ba người này vẫn còn đang ở trong tù”.
“Anh Trần Văn Bang xuất thân là một cán binh cộng sản, đi bộ đội. Ông Y Wô Niê là một người theo đạo Tin lành, dân tộc Êđê. Ông Lê Trọng Hùng là một trí thức, ông tranh đấu trên bình diện lấy luật pháp, hiến pháp làm gốc để tranh đấu một cách ôn hòa.

“Ba nhân vật đó phản ánh ba hướng tranh đấu khác nhau”.
Ông Trần Văn Bang, nhà hoạt động ở Tp. Hồ Chí Minh, thường được gọi là Trần Bang, đang thụ án 8 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ông được biết là người lên tiếng phản đối sự bá quyền của Trung Quốc, ô nhiễm môi trường, và đòi hỏi công bằng cho những tù nhân lương tâm.
Ông Y Wô Niê, một cựu chấp sự của Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam), can đảm tiếp tục con đường đấu tranh bất bạo động cho quyền của đồng bào Êđê, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Ông đang thụ án 4 năm tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật hình sự, sau khi bị công an Đăk Lăk bắt vào tháng 9/2021.
Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng, người từng nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc Hội Việt Nam vào đầu năm 2021, nhưng ngay sau đó bị công an Hà Nội bắt giam với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ông đang thụ án 5 năm tù giam.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về việc vinh danh này, nhưng chưa được phản hồi.
Một thành viên gia đình ông Trần Bang, yêu cầu không nêu tên vì lý do an ninh, bày tỏ niềm vui khi ông được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở bang California, Mỹ, vinh danh trong khi ông vẫn đang thụ án tù tại trại giam Bố Lá ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
“Anh đã góp phần tiếng của mình để cho xã hội phát triển, trong gia đình mọi người rất tự hào. Xin cảm ơn các tổ chức nhân quyền đã đồng cảm, cùng ủng hộ tinh thần để anh có động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Ông Nguyễn Bá Tùng cho biết lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức tại thành phố Toronto, Canada, với sự hợp tác của Ủy ban Yểm trợ Phong trào dân Chủ Quốc nội – Toronto, vào ngày 10/12/2023, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền lần thứ 75.

Trong 21 năm qua, thông qua giải thưởng hàng năm này, MLNQVN đã vinh danh tất cả 60 cá nhân và 6 tổ chức vì thành tích tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam.
Truyền thông nhà nước Việt Nam nói rằng “thực chất” những người được tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vinh danh là “những đối tượng có hành vi phạm tội, đã bị toà án xét xử, đã hoặc đang chấp hành án tại Việt Nam”.

Cũng trong dịp này, MLNQVN công bố báo cáo nhân quyền 2023, nhận định rằng mặc dù Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, tình hình nhân quyền tại quốc gia nầy không những không được cải thiện trong hai năm qua, mà trái lại “càng trở nên tồi tệ hơn trong tất cả các lãnh vực”.

Trong đó báo cáo chỉ ra việc chính quyền gia tăng trấn áp những người bất đồng chính kiến ôn hòa; số lượng người bị bắt bớ, truy tố, và bỏ tù vì lý do tôn giáo và chính trị gia tăng trong hai năm qua, tính đến ngày 15-10-2023, với 123 người bị truy tố và 98 người bị kết án vì lý do chính trị và tôn giáo; 25 người còn bị tạm giam.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng các quyền căn bản của mọi công dân ở quốc gia Cộng sản này “luôn được tôn trọng”, và chỉ bắt giam, xử án những ai “vi phạm pháp luật”.


CSVN cay đắng, công kích, những vận động nhân quyền của người Việt hải ngoại: Lại nhạo báng giá trị nhân quyền bằng những thủ đoạn rêu rao “giải thưởng!”

-Hôm 1/11/2023, trang web của tổ chức khủng bố Việt Tân (VT) lại diễn trò “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” với những “thông báo mới”. Thông tin trên trang web này nói rằng, “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” năm 2023 sẽ được tổ chức tại Paris, Pháp với chủ đề “75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền – tự do, bình đẳng, công lý cho Việt Nam”!
Bằng những thông tin bị bóp méo, tổ chức VT quy kết rằng, từ đầu năm 2023, Việt Nam chính thức là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, “thế nhưng tình trạng nhân quyền trong nước vẫn bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới đánh giá là ngày càng tồi tệ”! Bài viết trên trang này vu cáo Việt Nam “tiếp tục tăng cường đàn áp, bắt giam các nhà báo độc lập, các nhà hoạt động nhân quyền, các lãnh đạo xã hội dân sự và những người sử dụng mạng xã hội bình thường với các điều luật mơ hồ và những phiên tòa bỏ túi”.

Bài viết đưa ra những viện dẫn sai trái khi quy kết rằng, “gần đây nhất, Hà Nội đã gán tội trốn thuế cho những nhà bảo vệ môi trường hàng đầu ở Việt Nam nhằm ngăn cản sự hoạt động của các tổ chức dân sự bảo vệ môi trường đang được nhiều sự hỗ trợ trong cũng như ngoài nước”! Bằng việc nêu ra chủ đề “75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền – tự do, bình đẳng, công lý cho Việt Nam”, VT thể hiện sự bịp bợm khi rêu rao việc trao giải thưởng nhân quyền là “đề cao sự hy sinh can đảm của các nhà hoạt động, ngay cả khi ở trong tù, vẫn miệt mài tranh đấu để đòi tự do, bình đẳng và công lý cho dân tộc Việt Nam”.
Thủ đoạn không gì khác là đánh lận bản chất, đưa ra những lời loè bịp dư luận dưới danh nghĩa “ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền”, đồng thời lộ rõ ý đồ trục lợi, kiếm tiền khi kêu gọi sự tham gia tài trợ của các tổ chức, cá nhân.

Việc lừa bịp dư luận bằng cái từ mỹ miều “giải thưởng nhân quyền” vốn là thủ đoạn quen thuộc của các tổ chức chống phá đất nước. Nó khôi hài ngay từ việc lấy tên giải thưởng, ở đây là Lê Đình Lượng – một đối tượng phạm tội bị TAND cấp cao y án 20 năm tù hồi tháng 10/2018 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Những năm trước, Việt Tân cũng rêu rao “giải thưởng” này và lập ra cả “hội đồng” để chấm và trao giải, với những cái tên vừa nghe đã biết chân tướng, gồm: Lê Công Định, dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal, Phạm Minh Hoàng...
Tiêu chí được rêu rao là “tuyển chọn dựa theo 2 tiêu chuẩn: quá trình tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và một số hoạt động hay thành quả nổi bật” song kỳ thực, những đối tượng này làm điều phản dân, hại nước, bị chính người dân địa phương tẩy chay. VT cũng chốt bằng câu rất khôi hài: “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng sẽ là một nỗ lực đóng góp cụ thể vào công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và tự do của dân tộc Việt Nam”!

Với “hội đồng” và tiêu chí như trên, dễ hình dung số này sẽ trao giải thưởng cho ai. Và kết quả những lần “trao giải” trước đây cho thấy, trò hề tiếp tục diễn ra khi những “nhà hoạt động nhân quyền” như Hoàng Đức Bình, Trần Thị Nga, Phạm Đoan Trang được xướng tên. Bình chính là đối tượng phạm tội, bị toà phúc thẩm tuyên y án 7 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 7 năm tù về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Theo HĐXX, Hoàng Đức Bình thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng. Lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, với tư cách Phó Chủ tịch “Phong trào Lao động Việt”, Hoàng Đức Bình đã xúc tiến, thành lập “Hiệp hội ngư dân miền Trung” với ý đồ tạo dựng tổ chức ngoại vi, tập hợp lực lượng, lôi kéo giáo dân, ngư dân miền Trung tham gia vào tổ chức, tìm chọn “hạt nhân” kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự…

Một đối tượng như Bình gây sách nhiễu, phá hoại chính sách phát triển kinh tế và gây mất ổn định trật tự tại địa phương, hành vi đó làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân, xâm phạm đến các quyền mà người dân được hưởng, nay lại được VT dựng lên trao thưởng vì “có thành tích trong đấu tranh cho nhân quyền” thì đủ hiểu tiêu chí đó là gì. Hồ sơ phạm tội của Bình lại được viết rất màu mè là “một nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường, giúp dân khiếu kiện Formosa”.
Tương tự, Trần Thị Nga, đối tượng bị TAND tỉnh Hà Nam tuyên phạt 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” thì được vôi ve thành “bà vẫn tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, phản đối Formosa xả thải hủy diệt môi trường”. Còn Phạm Đoan Trang – đối tượng có các bài viết, cuốn sách sai trái, đi ngược lợi ích đất nước, nhân dân thì được tô màu “là một những người phát động chiến dịch bảo vệ cây xanh Hà Nội”, có lý lịch “đã tổ chức các lớp đào tạo về báo chí, chính trị học, chính sách công quyền cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam” và “tham gia chiến dịch “cứu dân cứu biển” sau tai họa môi trường ở miền Trung”…

Lâu nay, VT và các tổ chức, hội nhóm phản động vẫn bấu víu “giải thưởng nhân quyền”, lập ra vô số tên gọi khác nhau mà không hiểu rằng, trò hề đó chính là sự xúc phạm nghiêm trọng đến giá trị nhân quyền. Có thể kể tới các giải thưởng mà các tổ chức này đưa ra như: “giải thưởng Hellman/Hammet” của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), “giải thưởng Stephanus” của Hiệp hội quốc tế nhân quyền tại Ðức; “giải thưởng quốc tế Gruber” của Nghiệp đoàn luật sư quốc tế, rồi “giải nhân quyền Gwangju”...
Bên cạnh đó, một số giải thưởng và danh hiệu như “Công dân mạng” của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF); “Phụ nữ tiêu biểu về bảo vệ quyền tự do ngôn luận” của tổ chức Tự do ngôn luận quốc tế (IFEX) có trụ sở tại Canada; giải “Phụ nữ can đảm nhất thế giới” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ... Ngoài ra, hội nhóm lập ra “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” tại Mỹ còn công bố trao giải thưởng “nhân quyền Việt Nam” cho những đối tượng như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân…

Vậy, mưu đồ của “giải thưởng nhân quyền” trên là gì? Với những đối tượng càng chống phá Nhà nước, chống phá nhân dân Việt Nam thì lại càng được “lên bục nhận thưởng” với “hội đồng giám khảo” là những thành phần bất hảo như vậy thì động cơ, mưu đồ này không khó để nhận biết. Thông qua giải thưởng, các tổ chức này vừa tạo dư luận, vừa giúp đỡ về vật chất cho các đối tượng chống phá trong nước, đồng thời tạo cớ để khuếch trương thanh thế, từ đó để nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức đứng sau.
Hãy điểm danh những đối tượng lên bục nhận thưởng trước đây như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (blogger “Ðiếu cày"), Phan Thanh Hải (blogger "Anh ba Sài Gòn"), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Đức Bình, Trần Thị Nga, Phạm Đoan Trang... thì thấy rõ bản chất. Rõ ràng, việc cổ suý, trao giải cho những đối tượng chống Nhà nước, chống nhân dân chính là một chiêu bài bịp bợm của những tổ chức thù địch với Việt Nam. Họ cố gắng tô vẽ cho các đối tượng này qua các danh hão như “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, “công dân yêu nước”... nhưng họ không thể che đậy được ý đồ chống phá Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, đây là hành vi vừa lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền để tiến hành hoạt động nhằm gây bất ổn chính trị ở trong nước.

Xét đến cùng thì việc trao các loại “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng đã đề cập ở trên chính là một thủ đoạn, một yếu tố cấu thành của kịch bản trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Điều đáng nói là những đối tượng được xướng tên như vậy không biết đấy là điều hổ thẹn, vẫn tỏ ý đắc chí, như thể làm được công lao gì ghê gớm lắm. Phản dân, hại nước, thực sự thì những người nhận giải thưởng đó có khác gì con rối, trò chơi, bị người khác dùng làm trò tiêu khiển mà không ý thức được.

Giải thưởng nhân quyền nếu hiểu và làm đúng nghĩa vốn rất thiêng liêng, vì mục đích cao cả, dành cho những người có đóng góp lớn vì sự tiến bộ trong bảo đảm quyền con người ở các quốc gia, vùng, lãnh thổ hay ở phạm vi khu vực và thế giới. Thế nhưng, điều kỳ quặc là lâu nay, một số tổ chức nhân danh “bảo vệ quyền con người” lại làm điều vừa trái đạo lý, vừa trái pháp lý khi dựng lên cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” để trao cho những kẻ phá hoại xã hội, phá hoại cuộc sống của người dân ở các nước mà kẻ đó sinh ra hoặc đang sinh sống, trú ngụ.
Việc giở trò trao giải thưởng cho các đối tượng phạm pháp như vậy, lại vin cớ “hoạt động thiết thực” kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền là sự xúc phạm đến giá trị của Tuyên ngôn, đến lương tri nhân loại. Một Tuyên ngôn ra đời và ảnh hưởng tới nhân loại như vậy mà họ lại đưa ra làm trò đùa giỡn, một Tuyên ngôn có được với bao nỗ lực của các bậc tiền nhân cũng như sự hy sinh xương máu của con người, ở đâu cũng phải tôn trọng, phải gìn giữ, bảo vệ, làm sao có thể chà đạp để thực hiện ý đồ, động cơ thấp hèn?


UPR Việt Nam 2024: Thêm ba tổ chức nhân quyền yêu cầu Việt Nam phóng thích Tù Nhân Lương Tâm (TNLT), sửa luật tôn trọng các quyền phổ quát của con người.

(RFA)


(Hình: Hội thảo về UPR tổ chức bởi UNDP và Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội cuối tháng tư 2023)
-Ba tổ chức nhân quyền đã gửi hai báo cáo chung tới Liên Hiệp quốc (LHQ) về tình trạng nhân quyền của Việt Nam, kêu gọi Nhà nước độc đảng ở Hà Nội phóng thích tù nhân lương tâm (TNLT) và sửa đổi, xây dựng luật theo hướng tôn trọng các quyền phổ quát của con người.

Nhân dịp Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) lần thứ tư của Việt Nam diễn ra vào tháng tư năm tới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva (Thuỵ Sĩ), tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cùng hai tổ chức khác là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ đã gửi hai báo cáo chung cho cơ quan nhân quyền LHQ trong phần đóng góp của khối xã hội dân sự trong kiểm điểm định kỳ tình hình nhân quyền Việt Nam kể từ kỳ kiểm định lần thứ ba (UPR3) năm 2019.
Cụ thể, trong báo cáo chung thứ nhất, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở Hoa Kỳ và Người Bảo vệ Nhân quyền có trụ sở ở Việt Nam đưa ra báo cáo về việc Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do hội họp. Trong báo cáo thứ hai, Hội Anh em Dân chủ, có trụ sở ở Việt Nam và đang hoạt động bí mật do sự đàn áp khốc liệt từ 2015 và Người Bảo vệ Nhân quyền đưa ra báo cáo về việc Hà Nội sử dụng các điều luật mơ hồ trong chương An ninh quốc gia để đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền, và blogger…

Việt Nam vi phạm nghiêm trọng ba quyền cơ bản
Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho biết trong UPR3, Nhà nước Việt Nam có cam kết tôn trọng các quyền phổ quát và ban hành các luật để người dân dễ dàng thực thi những quyền này.

Tuy nhiên, theo ông, trên thực tế, trong bốn năm qua, Hà Nội tiếp tục gia tăng đàn áp và vi phạm trầm trọng các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và trì hoãn các luật về lập hội và biểu tình.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về báo cáo của hai tổ chức mới gửi cho LHQ:
“Báo cáo lần này chúng tôi chỉ tập trung vào bãi quyền cơ bản là quyền tự do ngôn luận quyền tự do hồi họp và quyền tự do lập hội. Đó là ba quyền trong thời điểm này và trong thời gian vừa qua cộng sản Việt Nam đã vi phạm rất là trầm trọng.
Trong kỳ kiểm điểm cách đây 4 năm, năm 2019 thì chính quyền Việt Nam đã hứa cam kết sửa đổi luật về quyền tự do ngôn luận cũng như tự do lập hội và tự do biểu tình nhưng mà cho đến nay tất cả những điều đó đã không được thực hiện.

Đặc biệt họ đã sử dụng những cái điều khoản rất là mơ hồ trong Luật Hình sự chẳng hạn như Điều 88, 117, và 331 để bắt bớ những người dám lên tiếng có lập trường và chính kiến khác với của đảng cầm quyền.”
Dẫn thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng cho biết hiện nay Việt Nam đang giam giữ khoảng 260 tù nhân lương tâm, trong đó có 63 người bị cáo buộc hoặc đã bị kết án về “tuyên truyền chống nhà nước” và 44 người bị bắt vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì thực thi quyền tự do ngôn luận, 39 người bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” vì thực hành quyền tự do lập hội, 55 người bị cầm tù vì “phá hoại chính sách đoàn kết” do thực hành tự do tôn giáo, và nhiều người bị án “phá rối an ninh” khi thực thi quyền biểu tình ôn hoà.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng nói về khuyến nghị cho chính quyền Việt Nam mà hai tổ chức đưa ra trong báo cáo:
“Chúng tôi có đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất là thả những cái người tù bị bắt bớ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp chẳng hạn như là Hội Anh em Dân chủ và những người bị bắt i khi mà họ đã sử dụng quyền tự do ngôn luận

Thứ hai nữa là phải sửa đổi và tiến hành thật gấp những luật mà họ đã hứa trong kỳ kiểm điểm lần thứ ba.”
Việt Nam sử dụng luật để bảo vệ chế độ
Trong UPR3, mười quốc gia trong đó có Úc, Vương quốc Anh, Pháp, Hà Lan và Nauy đã đề nghị Việt Nam xem xét và sửa đổi Bộ luật Hình sự, đặc biệt là nhiều điều luật mơ hồ trong chương An ninh quốc gia, để bảo đảm quyền con người phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, Hà Nội không hề sửa đổi cho dù chấp nhận nhiều khuyến cáo của một số quốc gia. Trái lại, Việt Nam tăng cường sử dụng các điều luật này đển trấn áp giới bất đồng chính kiến và blogger, với số người bị bắt vì “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ” ngày càng tăng và những bản án kết tội họ có xu hướng nặng nề hơn.
Trong báo cáo chung của mình, hai tổ chức Hội Anh em Dân chủ và Người Bảo vệ Nhân quyền đã nêu rõ tình trạng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ngày càng trầm trọng.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng sáng lập và hiện là chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, nói với RFA:
“Trong bản báo cáo này chúng tôi có viết một cách rất là tổng quát về Bộ luật Hình sự Việt Nam trong đó nêu bật những điều luật hết sức mơ hồ mà được coi như là công cụ của Nhà nước Cộng sản Việt Nam dùng để bảo vệ chế độ cũng như là bảo vệ Đảng Cộng sản chứ nó không phải mục đích là bảo vệ an ninh quốc gia như là họ thường rêu rao.”

Trong chương An ninh quốc gia, Hà Nội thường sử dụng Điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước” để tống giam người bất đồng chính kiến, Điều 109 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” để trừng trị những người tham gia các tổ chức chính trị độc lập với nhà nước như Hội Anh em Dân chủ.
Những người hoạt động về tự do tôn giáo thuộc các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên hoặc miền núi phía Bắc thường bị bắt về cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116.
Tuy không nằm trong phần An ninh quốc gia, Điều 331- lợi dụng quyền tự do dân chủ cũng được nhà nước sử dụng thường xuyên để giam cầm Facebookers chia sẻ các thông tin không có lợi cho chế độ trên mạng xã hội.

Việt Nam cần phải xoá bỏ các điều khoản này để bảo đảm quyền cơ bản của con người, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị kết án 15 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” cùng với mười thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ.
“Trong báo cáo này chúng tôi cũng đưa ra nhiều khuyến nghị là để mà bảo đảm những quyền tự do ngôn luận tự do báo chí quyền tập hội hội họp - nói chung những quyền chính trị cơ bản của dân thì nhà nước độc tài sản Việt Nam cần phải ở gỡ bỏ tất cả những điều luật đó ở trong Bộ luật Hình sự và thay thế vào đó là những điều luật bảo vệ những quyền con người cơ bản của người dân.”
Ông kêu gọi các tổ chức quốc tế và chính phủ các quốc gia tiến bộ cùng lên tiếng để yêu cầu Hà Nội xoá bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự để bảo đảm việc thực thi ôn hoà các quyền cơ bản của người dân mà không sợ bị trừng phạt.

Chia sẻ chung quan điểm, ông Andrea Giorgetta, Giám đốc Văn phòng Châu Á của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) thúc giục cộng đồng quốc tế sử dụng UPR4 để yêu cầu Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền. Ông nói với RFA qua tin nhắn:
“Khi Chính phủ Việt Nam tăng cường đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một trong số ít diễn đàn còn lại để cộng đồng quốc tế xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.

Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ sử dụng việc xem xét định kỳ hồ sơ nhân quyền của Việt Nam để thể hiện mối quan ngại của họ về những vi phạm trong nước và yêu cầu Hà Nội tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình.

Các quốc gia thành viên LHQ cũng nên tận dụng cơ hội này để kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, sửa đổi luật pháp hà khắc và đảm bảo tôn trọng nhân quyền của mọi người dân trong nước.”
FIDH cùng Ủy ban Quyền làm người Việt Nam (VCHR) từ Pháp hôm 11/10 đệ trình một báo cáo về việc Việt Nam không thực hiện nhiều khuyến nghị quan trọng mà Hà Nội đã chấp nhận trong UPR3.


Tin CS Việt Nam Vi Phạm Nhân Quyền Chỉ Mới Vài Ngày Qua:

***
Việt Nam: Bộ Giáo Dục-Đào Tạo Đề Nghị Quyết Định Dạy Tiếng Trung Quốc Trong Trường Học!

(Đài Á Châu Tự Do (RFA)


(Hình AFP, minh họa: Học sinh Trung học Cơ sở vẫy cờ Trung Quốc nhân chuyến thăm của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Hà Nội.)
-Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã có đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, giải quyết những hành vi mà bộ này cho là sai phạm do đăng tải tin tức và bình luận về việc Bộ Giáo dục-Đào tạo quyết định phê duyệt sách giáo khoa dạy tiếng Trung Quốc lớp Ba và lớp Bốn trong trường học.

Theo truyền thông Nhà nước, Quyết định này được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 1/12 vừa qua bao gồm việc phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp Năm và sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp Ba và lớp Bốn.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đây là hoạt động bình thường, theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, vào năm 2022, cùng với tiếng Anh, Bộ đã phê duyệt sách tiếng Hàn, Nhật, Pháp lớp Ba để sử dụng trong trường học. Năm 2023 đợt một sẽ phê duyệt các sách giáo khoa của lớp Năm, trong đó có 10 bản sách tiếng Anh và các môn học khác cùng với tiếng Trung Quốc lớp Ba, lớp Bốn. Dự kiến, trong tháng 12/2023, tiếp tục phê duyệt sách giáo khoa của các môn tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Nga.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội vào ngày 5/12 đã xuất hiện nhiều hình ảnh về Quyết định và bình luận bày tỏ lo lắng về Quyết định này. Có bình luận cho rằng điều này cho thấy sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc vì vào tháng 11 vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định không xếp tiếng Anh vào các môn bắt buộc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, những thông tin trên mạng xã hội cho rằng Bộ chính thức phê duyệt sách giáo khoa môn tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 để "bỏ tiếng Anh bắt học sinh học tiếng Trung" là thông tin xuyên tạc.


Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các bình luận trên mạng xã hội về Quyết định mới có tính tiêu cực, lệch lạc về nội dung, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.


Ông Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) Dùng Lá Cờ VNCH để Tranh Đầu: Tôi Rời Việt Nam Vì Bị Công An Dọa Bắt Lần Nữa!
(VOA Tiếng Việt)


(Hình: Ông Nguyễn Viết Dũng.)

-Cựu tù nhân Nguyễn Viết Dũng cho Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) biết rằng ông đã phải rời khỏi Việt Nam vì đối mặt với những khó khăn của quy định án quản chế tại Nghệ An, bị mời “làm việc” vì các bài đăng gần đây trên Facebook, và bị đe dọa tống giam lần thứ ba.
“Hiện tôi đã rời khỏi Việt Nam được một thời gian. Lý do tôi rời khỏi Việt Nam là nhà cầm quyền gây khó khăn cho tôi trong vấn đề đi khám chữa bệnh, đặt ra rất nhiều rào cản và đe dọa sẽ bắt giữ lần thứ ba”, ông Dũng nói với VOA hôm 29/11/2023, nhưng không tiết lộ địa phương ông đang lưu trú vì lý do an toàn.

Sau khi mãn hạn 6 năm tù vào tháng 9/2023, ông Dũng tiếp tục chịu án quản chế 5 năm vì cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”, theo đó hàng tháng ông phải đến trình diện với chính quyền địa phương.


Ông Dũng cho biết về nội dung lần trình diện vào tháng 11/2023:
“Tôi cảm thấy khá bất an khi PA02- Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh – bước vào và làm việc với tôi. Họ đặt lên bàn những bài viết mà tôi đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân trong thời gian vừa rồi, cộng với những bài mà bạn bè tôi viết nhưng có tag tên tôi và hiển thị trên trang Facebook cá nhân cũng được họ in ra và đặt lên bàn. Những bài đăng đó có nội dung cũng khá ôn hòa nhưng cũng bị họ đặt trên bàn và bắt tên ký xác nhận là tôi “có đăng tải các bài viết” lên trang Facebook cá nhân.


“Khi họ làm việc họ cũng nói những lời mà theo tôi là ngôn ngữ đe dọa. Họ nói rằng tôi muốn đi khám chữa bệnh, ổn định cuộc sống, tìm công ăn việc làm mà tôi cứ “đăng tải liên tục trên Facebook thế này và cứ trả lời báo đài” - mà họ gọi là “phản động” thì “chúng tôi làm sao xét duyệt cho anh được?”.

VOA đã liên lạc Công an tỉnh Nghệ An, công an huyện Yên Thành để tìm hiểu về cáo buộc ông bị chính quyền “làm việc” về các bài đăng trên Facebook, và đe dọa như trên, nhưng chưa được phản hồi.


Trong một phiên xử vào tháng 4/2018, ông Dũng bị tuyên 7 năm tù và 5 năm quản chế, sau đó vào tháng 8/2018, mức án giảm xuống còn 6 năm tù và 5 năm quản chế về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
“Khi rời khỏi Việt Nam tôi cũng lường trước rằng sẽ trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đứng trước hai sự lựa chọn: thứ nhất, bị bắt giữ trở lại rồi bị vào tù với bản án khá lâu như lời họ đe dọa tôi và, thứ hai, buộc phải rời khỏi Việt Nam. Lúc đó tôi buộc phải chọn ra đi…”, nhà hoạt động 37 tuổi nói với VOA.

Ông Dũng cho biết thêm rằng kể từ khi ông rời khỏi Việt Nam, chính quyền địa phương thường xuyên đến sách nhiễu gia đình ông:
“Vừa rồi, gia đình tôi phải chịu rất nhiều áp lực và sau khi nhà cầm quyền biết rằng tôi đã rời khỏi nơi cư trú họ phiền nhiễu gia đình tôi liên tục và hầu như ngày nào cũng đến, có lúc chỉ có cơ quan cấp xã đến, có lúc có cả công an cấp huyện và nhiều khi có công an cấp tỉnh đến…”.


Hồi năm 2015, ông Dũng từng bị tuyên 15 tháng tù vì tội “Gây rối trật tự công cộng”, theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự, sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.
Theo pháp luật Việt Nam, quản chế là “buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương”. Án này thường được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm “an ninh quốc gia”, theo đó, trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân.

Chính quyền Việt Nam phát lệnh truy nã đối với những cựu tù nhân chính trị mà họ cho rằng đã “rời khỏi địa phương và không chấp hành án quản chế”. Một số nhà hoạt động hiện đang bị Việt Nam truy nã vì lý do này như Lê Văn Sơn, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật.


Chỉ Có Dưới Chế Độ CS, “Luật Là Tao!” Bao Che Cho Nhau, Cựu Thiếu Tá Quân Đội Vừa Xử Điện Điện Thoại, Vừa Lái Xe Tông Chết Nữ Sinh Chỉ Bị Án Tù Nhẹ 14 Tháng!
(Đài Á Châu Tự Do)


(Hình: Tòa án quân sự khu vực 2 xét xử vụ án cựu Thiếu tá Hoàng Văn Minh tông chết nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận.)
-Cựu Thiếu tá quân đội lái xe tông chết một nữ sinh lớp 12 ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) vào năm 2022 vừa bị Tòa án Quân sự khu vực 2 (Quân khu 5) hôm 5/12/2023 tuyên án 14 tháng tù và phải bồi thường 245 triệu đồng, đồng thời xác định nữ sinh bị chết cũng có lỗi trong vụ tai nạn giao thông này.

Truyền thông Nhà nước vào ngày 5/12 cho biết cựu Thiếu tá quân đội Hoàng Văn Minh bị xét xử về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Sự việc xảy ra vào sáng ngày 28/6/2022 khi ông Minh lái xe chở một số người thân đi trên đường ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Toà xác định, thời điểm lái xe hơi rẽ phải vào chi nhánh một ngân hàng để giao dịch, ông Minh vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe, thiếu tập trung quan sát, không đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển hướng nên xe ông Minh va chạm với xe máy do em Hồ Hoàng Anh (lúc này đang là học sinh lớp 12) chạy từ phía sau cùng chiều đang có xu hướng vượt lên bên phải xe hơi.

Tai nạn khiến nữ sinh ngã dập đầu vào lề đường và chân trụ đèn đường gây chấn thương sọ não và tử vong.
Tòa xác định lỗi chính trong vụ tai nạn thuộc về ông Hoàng Văn Minh, gây hậu quả chết người. Vì vậy lỗi là 80%. Còn nữ sinh có lỗi là không có bằng lái xe, chưa đủ tuổi lái xe trên 50cm3, không làm chủ tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng. Toà xã định lỗi của nữ sinh là lỗi vi phạm hành chính và lỗi này là 20%.



Thầy Ry Phản Động, Chống Lại Nhà Cầm Quyền! Vĩnh Long Cáo Buộc Sư Khmer Krom Thạch Chanh Đa Ra và Loại Khỏi Phật Giáo Việt Nam

(Đài Á Châu Tự Do)


(Hình: Đông đảo Phật tử đến tham dự buổi công bố quyết định.)

-Vào chiều ngày 3/12/2023, nhà sư Khmer Krom Thạch Chanh Đa Ra bị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long công bố không phải thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà chính phủ công nhận.
Truyền thông nhà nước loan tin dẫn quyết định vừa nêu của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long.

Tin nói rằng nhà sư Khmer Krom Thạch Chanh Đa Ra, sinh năm 1990, hiện đang tu tại Chùa Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, và tự xưng là trụ trì chùa này; tuy nhiên chính quyền địa phương chưa công nhận.
Nhà sư Khmer Krom Thạch Chanh Đa Ra còn bị cho thường xuyên không hợp tác với nhà cầm quyền địa phương. Một sự việc được nêu ra là vào ngày 22/11 khi Ủy ban Nhân dân huyện Tam Bình đưa một tổ công tác đến Chùa Đại Thọ với mục đích “liên hệ công tác’; nhà sư Thạch Chanh Đa Ra bị cáo buộc đã chỉ đạo các tu sĩ và Phật tử tại chùa khống chế, giữ một số thành viên của đoàn tại chánh điện, khóa cửa lại rồi quay video clip. Những video clip này bị cho được thực hiện để tuyên truyền, vu cáo “chính quyền,” chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhà sư Thạch Chanh Đa Ra ra còn bị cho không bao giờ hợp tác với chính quyền địa phương trong những dịp lễ Tết cổ truyền của người Khmer Krom; không đón tiếp các phái đoàn của cơ quan chức năng đến chúc mừng trong những dịp đó.


Giáo Dục Trò Đánh Cô Như Cơm Bữa! Ở Tuyên Quang, Cô Giáo Còn Phải Kiểm Điểm Sau Khi Bị Học Sinh Bao Vây Hành Hung và Xúc Phạm
(Đài Á Châu Tự Do (RFA)


(Ảnh: Học sinh xúc phạm cô giáo sau giờ học tại trường học ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.)
-Một cô giáo dạy tại một trường Trung học Cơ sở ở huyên Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bị công an xác định là có hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải kiểm điểm nghiêm túc sau khi có một đoạn video ghi lại hình ảnh cô này bị một nhóm học sinh bao vây và ném dép vào mặt được đăng trên mạng xã hội.

Truyền thông Nhà nước hôm 5/12 cho biết vào cùng ngày, Công an huyện Sơn Dương đã có báo cáo cơ quan cấp trên về tình hình an ninh mạng liên quan đến đoạn clip cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm, hành hung.
Theo báo cáo này, vào ngày 2/12, Công an huyện Sơn Dương phát giác trên mạng xã hội Facebook đăng tải một video clip có thời gian một phút 49 giây liên quan đến giáo viên và học sinh Trường Trung học Cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương.

Sự việc được xác định xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng ngày 29/11 tại trường Trung học Cơ sở Văn Phú khi một số học sinh lớp 6 và lớp 7 có lời nói, hành vi khiêu khích với cô giáo P.T.H. (sinh năm 1985), giáo viên âm nhạc của trường.
Đoạn video trên mạng xã hội cho thấy nhiều học sinh liên tục khiêu khích cô giáo này trong khi cô giáo không có phản ứng lại mà chỉ dùng điện thoại ghi hình. Một học sinh thậm chí đã dùng dép ném trúng mặt nữ giáo viên khiến cô này ngã xuống và nhóm học sinh tiếp tục reo hò.

Công an huyện Sơn Dương đã làm việc, yêu cầu Trường Trung học Cơ sở Văn Phú họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của giáo viên và học sinh liên quan đến sự việc trên. Tại buổi làm việc có 14 ý kiến tham gia, trong đó đều thống nhất nhận xét, cô giáo P.T. H. và các học sinh xuất hiện trong video đều có hành vi thiếu chuẩn mực, cần phải kiểm điểm nghiêm túc.
Đoạn video sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã gây bất bình trong dư luận. Cũng đã có những ý kiến phản đối việc Công an huyện Sơn Dương xác định sai phạm thuộc về cô giáo và yêu cầu cô này phải kiểm điểm vì cho rằng cô chỉ là nạn nhân bị học sinh hành hung.

Đến chiều ngày 5/12, UBND huyện Sơn Dương đã có báo cáo về sự việc và cho biết nguyên nhân là do có những khúc mắc trong giờ học giữa cô giáo và học sinh vì cô giáo nhắc nhở một số học sinh vào lớp khi đến tiết học nhưng học sinh không nghe.
Báo cáo của UBND huyện Sơn Dương cũng xác định, một số em học sinh lớp 7C sang lớp 6A tiếp tục có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực như nói tục, xúc phạm, quay video với cô H..
Theo truyền thông Nhà nước, Công an huyện Sơn Dương đã tiến hành can thiệp, gỡ bỏ 17 lượt bài đăng. Tuy nhiên đến clip trên tiếp tục được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội có nhiều người theo dõi.


Sinh Hoạt Nghệ Thuật Cũng Phải Được Đàng Cho Phép: Cấm Treo 31 Bức Chân Dung Gò Đồng: Sự Tùy Tiện, Cửa Quyền hay Chủ Trương?
(Diễm Thi)

(Đài Á Châu Tự Do (RFA) - 4/12


(Hình: Một trong những bức tranh gò đồng bị cấm treo. Chân dung nhà văn Xuân Khánh, Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn và Phạm Toàn.)

-Hôm 2 tháng 12 năm 2023, Nhà thơ Phạm Xuân Trường tổ chức triển lãm “Chân dung các văn nghệ sĩ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Trong 184 tấm tranh do ông thực hiện từ các lá đồng, có 31 tấm bị Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cấm treo. Trong 31 bức chân dung bị cấm treo này có cả những người từng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật….
Nhà thơ Hoàng Hưng, một người từng bị tù 3 năm vì tội “lưu truyền văn hóa phẩm phản động”, chỉ vì mang theo trong người tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm. Nhà thơ này cũng là một người có tên trong danh sách chân dung bị cấm treo. Hôm 3 tháng 12 năm 2023, ông nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) suy nghĩ của mình:

“Thứ nhất, tôi không biết lệnh cấm này cụ thể là ai ở Sở Văn hóa Hà Nội. Tôi chỉ có thể nói là quá kém, không tưởng tượng được. Một người làm công tác văn hóa bậc thấp cũng không thể kém cỏi đến như thế. Trong danh sách những chân dung bị cấm treo lại có cả những nhân vật từng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh như ông Trần Đức Thảo. Ông Trần Đức Thảo có tuyển tập do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật của Đảng Cộng sản in một cách trân trọng. Ngoài ra, một số nhà văn đã được giải thưởng nhà nước như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nguyễn Duy mà cũng bị cấm treo thì quả thực là không hiểu nổi.
Thứ hai, việc cấm những ai thì nằm trong tay một người nào đó ký quyết định. Nhưng nó nằm trong chủ trương của cả hệ thống là luôn luôn kỳ thị và không muốn cho xuất hiện trước công chúng những người đã từng làm Đảng không vừa lòng. Đây là một chủ trương từ thời Nhân Văn Giai Phẩm kéo dài đến nay chứ không mới mẻ gì.

Có thời kỳ đổi mới thì có cởi mở hơn, nhưng mấy năm gần đây tôi thấy có chiều hướng muốn trở lại thời kỳ khắt khe ngày xưa”.
Nhà thơ Hoàng Hưng khẳng định, đây là chủ trương của cả một hệ thống chứ không phải một việc có tính chất ngẫu nhiên hay đơn lẻ của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội.

Nhà văn Phạm Viết Đào, người có tên trong danh sách chân dung bị cấm treo, bày tỏ cảm xúc của ông với RFA:
“Đây là một sự tùy tiện cửa quyền quan phương, cảm tính và bất chấp luật pháp trong quản lý nghệ thuật. Không thích thì cấm ghét thì cấm chẳng căn cứ một quy định luật pháp nào cả.... Họ chẳng suy nghĩ gì cả họ chỉ thấy họ có quyền ra lệnh vì họ là viên chức bắt người khác phải phục tùng cái quyền của họ một thứ quyền không do luật pháp quy định mà tự họ cho họ cái quyền bắt nạt người khác. Xin lưu ý đây là bộ máy quản lý văn hóa của thủ đô một nước 100 triệu dân”.

Nhà thơ Phạm Xuân Trường là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là lần thứ hai ông tổ chức triển lãm tranh gò đồng của mình. Hồi tháng 11 năm 2018, ông đã tổ chức triển lãm 108 bức tranh gò đồng ở Hải Phòng và bị Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng cấm treo 8 tác phẩm trong số 108 bức ông đem đến.
Nhà thơ Liêu Thái nhận định với RFA về lệnh cấm của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội hôm 2 tháng 12 vừa qua:

“Hành vi cấm treo 31 bức tranh gò đồng này cho thấy, các ông kêu gọi, vận động nhà văn Việt Nam vươn đến giải Nobel Văn học, nhưng thực tế việc các ông làm rất nghịch lý và mâu thuẫn. Mặc dù các ông đang cố gắng theo đuổi một cái gì đó ở thế kỷ 21 nhưng cách làm việc của các ông rõ ràng đang ở thập niên 50. Nhưng ngay cả thập niên 50, ví dụ như thời Chủ nghĩa Tượng trưng hình thành, họ cấm vì nó khác chủ đề, nó xa lạ với sinh quyển nghệ thuật lúc đó, chứ không phải đối tượng nó khác. Còn bây giờ, chủ thể trong những bức tranh đó là những đối tượng các ông không ưng ý nên các ông cấm. Hành vi này đi ngược với cái gọi là văn hóa. Rất tiếc nó là hành vi, là hành xử của một cơ quan quản lý văn hóa.

Ở các nước tiến bộ thì sẽ thấy việc đó quá ghê gớm, nhưng ở Việt Nam thì nó xảy ra nhiều lần rồi. Nó là bầu khí quyển chung của nghệ thuật Việt Nam rồi”.
Việc cơ quan có thẩm quyền ban hành lệnh cấm, hủy những sự kiện văn hóa hay xử phạt những người tổ chức đã từng xảy ra.
Hồi tháng 8 năm 2022, Chính quyền Tp. HCM ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu tiêu hủy 29 bức tranh đối với họa sĩ Bùi Quang Viễn (Bùi Chát) với lý do tổ chức triển lãm tranh trước đó mà không xin phép. Quyết định xử phạt được ký bởi ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. HCM nêu rõ, nếu vị họa sĩ không chấp hành việc tiêu hủy thì sẽ bị cưỡng chế, ngoài ra còn phải đóng tiền lời nếu chậm trễ nộp phạt hành chính.


(Hình FB Bùi Quang Viễn: Họa sĩ Bùi Quang Viễn và thông báo về buổi triển lãm tranh.)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. HCM sau đó đã bỏ yêu cầu bắt buộc ông Bùi Quang Viễn tiêu hủy 29 bức tranh của mình với lý do được đưa ra là: “Qua thẩm định 29 bức tranh triển lãm không có biểu hiện nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, không có biểu hiện nội dung đi ngược lại với đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước và ông Bùi Quang Viễn đã nhận thức hành vi vi phạm, có nguyện vọng không tiêu hủy 29 bức tranh”.

Tháng 11 năm 2021, buổi giới thiệu cuốn sách của cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius cũng bị hủy đột ngột mà lý do hủy không được thông báo. Trong sách, tác giả nhắc đến một số lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam mà ông từng có dịp tiếp xúc trong thời gian làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2014- 2017.
Với một số văn nghệ sĩ, hành động của một số cơ quan mang danh ‘văn hóa’ là không phù hợp với cái tên của mình, cụ thể trong vụ mới nhất liên quan đến cuộc triển lãm tranh của nhà thơ Phạm Xuân Trường tại Hà Nội. Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói với RFA quan điểm của ông:
“Xã hội có pháp luật, nhưng người kiểm soát xã hội thích hành động bằng những ghi chú rừng rú trong sổ tay cá nhân của mình, và tệ hơn những ghi chú đó nó bộc lộ luôn sự thiếu hiểu biết và những định kiến cá nhân thấp kém, dẫn đến một thế giới sống đầy hoang mang vì không biết cái gì đúng, cái gì sai. Đến giờ, người ta vẫn không thể biết rằng sở Văn hóa Thông tin đó đã dựa vào tiêu chí nào và quy chuẩn nào để loại bỏ 31 người ra khỏi bộ sáng tác chân dung gò đồng. Và tôi tin rằng nếu như ngay cả 31 người đó cùng làm đơn yêu cầu sở văn hóa giải thích, các viên chức cũng không đủ khả năng để nói là tại sao!”

Nhà văn, nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Czech nhận định:
“Là một người viết văn, làm thơ, tôi thấy việc này nó phảng phất như một cuộc đấu tố ở thế kỷ 21 này. Như hồng vệ binh thời cách mạng văn hóa vô sản mà Mao Trạch Đông phát động ở Trung Quốc từ thập niên 60.

Tôi bất bình và ngạc nhiên khi thấy đến bây giờ mà họ (Sở Văn hóa Hà Nội – NV) còn hành xử như vậy. Có thể người ra lệnh cấm họ rất cảm tính. Ở Việt Nam bây giờ như thập nhị sứ quân, mỗi địa phương họ làm việc theo ngẫu hứng của họ. Tôi không nghĩ cấp cao nhất họ ra chỉ thị như vậy đâu mà đó là một sự ngẫu hứng vô văn hóa của cấp thấp”.
Nhà văn này nói vui, có lẽ sau sự việc này, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội sẽ xin kinh phí chấn hưng văn hóa cho chính họ.

Cách đây ba tháng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đề xuất Chính phủ Hà Nội chi 350.000 tỉ đồng cho mục tiêu gọi là “chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn 2025-2035”. Theo đề xuất này, đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện.
Đến năm 2035, 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động, 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc đơn vị công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, có năm trường Đại học trọng điểm và hai viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, văn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.


Đảng, Quản Lý Văn Hóa Theo Kiểu ‘Tao Không Thích Thì Tao... Cấm!’
(Trân Văn)


(Hình: Khai mạc triển lãm chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường. Có 31 tác phẩm bị cấm.)

-Hiếm có minh họa nào cho dân chủ Xã hội chủ nghĩa, cho thiện chí hòa hợp-hòa giải, cho mời gọi góp ý xây dựng chính quyền rõ như thế này.
Ông Thái Kế Toại, 75 tuổi, Đại tá, cựu Trưởng phòng An ninh Văn hóa Cục A25 của Bộ Công an, cựu Giám đốc Điện ảnh Công an, cựu Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Hà Nội vừa công bố thư khiếu nại mà ông mới gửi 3 người: Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, Giám đốc Công an Hà Nội, Cục trưởng Cục A03 của Bộ Công an. Nội dung chính thế này:

Mấy ngày qua, tôi có đọc được tin tức trên mạng về việc Sở cấm triển lãm của ông Phạm Xuân Trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không được treo 31 bức tranh chân dung gò đồng các trí thức, văn nghệ sĩ, trong đó có tranh chân dung tôi. Vậy có phải danh sách đó do Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội quyết định hay không? Nếu đúng là quyết định của Sở thì các ông dựa trên văn bản, quy định pháp luật nào liên quan đến 29 ông trí thức, văn nghệ sĩ và cá nhân tôi? Nếu các ông cấm treo tranh chân dung tôi thì đó là sự xâm phạm nhân phẩm, quyền cá nhân của tôi và vi phạm pháp luật nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các ông sẽ giải quyết sự việc thế nào? Xin đề nghị ông Giám đốc Công an Hà Nội, ông Cục trưởng Cục A03 Bộ Công an xem xét điều tra sự việc, giải quyết những vi phạm pháp luật theo mức độ nặng nhẹ. Mong các ông hồi âm cho cá nhân tôi và công luận. Cám ơn sự quan tâm và công tâm của các ông.

Dường như ông Toại là người đầu tiên “có liên quan” đến scandal Tranh ‘TREO’ khiếu nại chuyện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cấm trưng bày tranh chân dung của một số cá nhân mà cả đương sự (nghệ sĩ tổ chức triển lãm tác phẩm), người “có liên quan” (văn nghệ sĩ được nghệ sĩ chọn - thể hiện chân dung và mang ra trưng bày) lẫn công chúng không ai biết vì sao lại thế.
Phạm Xuân Trường là một nhà thơ ngụ tại Hải Phòng. Ông không chỉ nổi tiếng về thơ mà còn nổi tiếng vì dùng các lá đồng để tạo ra tranh – tranh gò đồng. Ngày 2/12/2023, Phạm Xuân Trường tổ chức triển lãm lần thứ hai 184 tấm tranh gò đồng của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Đây là lần thứ hai Phạm Xuân Trường tổ chức triển lãm những tấm tranh gò đồng của ông (lần đầu cách nay 5 năm – 11/2018 – tại Hải Phòng).

Trong 184 tấm tranh gò đồng mà ông Phạm Xuân Trường mang đến Hà Nội để thực hiện triển lãm “Chân dung các văn nghệ sĩ” có 31 tấm bị Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cấm treo. Lệnh cấm được thể hiện trên Danh sách tác phẩm đính kèm Giấy phép triển lãm, mỹ thuật số 563/GP-SVHTT mà Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cấp ngày 1/11/2023 bằng dòng chữ: KHÔNG CẤP PHÉP TÁC PHẨM ....
Những người mà Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội không cho ông Phạm Xuân Trường giới thiệu chân dung của họ tại triển lãm của ông gồm: Phan Khôi. Hoàng Cầm. La Khắc Hòa. Tạ Duy Anh. Hoàng Quốc Hải. Hoàng Minh Tường. Trần Đức Thảo. Nguyễn Duy. Lê Đạt. Phùng Cung. Đỗ Hoàng. Phạm Lưu Vũ. Thái Bá Tân. Nguyễn Xuân Diện. Thái Kế Toại. Trần Dần. Phùng Quán. Nguyễn Quang Lập. Trần Huy Quang. Vũ Thư Hiên. Phạm Viết Đào. Nguyên Ngọc. Ý Nhi. Dương Tường. Bùi Chí Vinh. Hoàng Hưng. Đặng Văn Sinh. Trương Tửu. Phạm Xuân Nguyên và bốn người cùng góp mặt trong một tấm tranh gò đồng là Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Toàn, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường.

Một số trong số những nhân vật vừa kể đã từng bị cáo buộc là lợi dụng văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hồi cuối thập niên 1950 ở miền Bắc Việt Nam – “phong trào Nhân văn Giai phẩm”. Một số đã từng bị nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tống giam. Một số đã từng hoặc vẫn còn đang lên tiếng chỉ trích về những điều trái tai, gai mắt.
Tuy nhiên cần lưu ý là trong số những nhân vật mà Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cấm ông Phạm Xuân Trường trưng bày tác phẩm thể hiện chân dung của họ, có nhiều người đã được chiêu tuyết rồi được trao các giải thưởng quốc gia mà chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xác định là cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh (trường hợp Triết gia Trần Đức Thảo – Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (trường hợp các ông Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm,...), hoặc được tôn vinh bằng những giải không kém phần quan trọng như Giải Thành tựu văn học trọn đời (trường hợp ông Hoàng Quốc Hải)...

Thế thì tại sao Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội lại xử sự như vậy? Quyết định của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội chính là minh họa cho chuyện: Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép các viên chức hữu trách sử dụng công quyền theo kiểu... “mày, tao”, bất kỳ ai cũng là... “mày” nên các quyền hiến định dành cho công dân chỉ tồn tại trên giấy, “tao” không thích thì “tao” cấm.
Chiêu tuyết bằng các giải thưởng, bằng việc dùng tên để đặt cho một hay một số con đường nào đó chỉ là... động tác kỹ thuật. Sự nghi kỵ, thậm chí thù hằn vô lối vẫn còn nguyên và đó có thể là lý do ông Thái Kế Toại – người góp phần đáng kể vào việc giải oan cho các thành viên “Nhân văn Giai phẩm” cũng trở thành kẻ đắc tội với hệ thống nên không được phép góp mặt.

Hiếm có minh họa nào cho dân chủ Xã hội chủ nghĩa, cho thiện chí hòa hợp-hòa giải, cho mời gọi góp ý xây dựng chính quyền rõ như thế này. Đừng nghĩ đó là lỗi nhận thức của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội nói chung, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội nói riêng. Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội chỉ có thể ngang nhiên biểu diễn sự thô bạo như vậy sau khi đã tham khảo ý kiến của những ngành khác như tuyên giáo, công an. Ở lần triển lãm tranh gò đồng đầu tiên vào năm 2018 tại Hải Phòng, Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng cũng cấm ông Phạm Xuân Trường treo 8 trong 108 tác phẩm của ông. Không có chủ trương, không ai dám làm và làm một cách nhất quán như thế.


Đảng, đàn áp xuyên biên giới: Các chính phủ độc tài cố gắng bịt miệng các phóng viên bao gồm Việt Nam


-Sự đàn áp xuyên quốc gia chống lại các nhà báo bao gồm hành hung, giam giữ, bắt cóc và trục xuất bất hợp pháp, cũng như những hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do đi lại do những mối đe dọa này gây ra. Nó cũng kéo theo sự đe dọa của các thành viên gia đình nhà báo, các chiến dịch quấy rối, bôi nhọ, lừa đảo và các nỗ lực khác nhằm ngăn chặn việc đưa tin trung thực. Freedom House cho biết những cuộc tấn công này có tác động tàn phá đến sức khỏe của các nhà báo cũng như khả năng đưa tin độc lập của họ. Các phóng viên lưu vong nỗ lực duy trì mối liên hệ cần thiết để đưa tin. Họ phải đối mặt với những lời đe dọa giết chết...

Bọn điếm mồm!
Tất cả bọn họ chỉ biết nói theo những gì đảng nói, chỉ biết gật theo những gì đảng đã thông qua, và nếu có nói thì chỉ bàn những chuyện không cần thiết trong khi những vấn đề nổi cộm như thiếu thốn vật tư y tế, công nhân thất nghiệp, tăng trưởng quốc gia giảm thì lại bị ngó lơ?! – Đó là cái chính phủ gì nếu không gọi bằng một bộ máy tay sai?! Một chính quyền chỉ phục vụ cho đảng cầm quyền, tìm cách móc túi người dân, nuôi dưỡng một bầy sâu tham nhũng, xổ toẹt lên mọi giá trị căn bản của nhân loại như dân chủ, tự do, và nhân quyền thì cái chính quyền đó là một chính quyền thực dân mọi rợ, một nhà nước không phải do người dân bầu ra thì...

Không có nhận xét nào: