Giữa mùa hè năm 1980, “Trại Đá” gần đầy tù cải tạo. Ngoài số tù bên Trại B chuyển qua còn có một số ở trại “Vườn Đào” lên và một số ở Phước Long về. Trong số Phước Long có danh hề “Khá Nặng”. Sở dĩ gọi là Khá Nặng vì câu nói đùa của anh ấy. Hôm đó Chúa nhựt, được nghỉ lao động.Chúng tôi đang “vui chơi, tắm giặt, nghe đài” thì được lệnh ai nhà nào về nhà nấy, cổng mỗi nhà đều bị khóa lại. Tù chỉ được quanh quẩn trong sân hay ở trong nhà. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau thì có đám tù mới tới, hỏi ra thì họ từ Phước Long về.
<!>
Năm 1977, có một đám trung úy, thiếu úy, từ các trại Suối Máu, An Dưỡng, Hóc Môn, v.v... do quân đội Cộng Sản quản lý đưa đi lao động ở Phước Long, làm “nhiệm vụ kinh tế”. Sau đó, một số ít được tha. Số còn lại, giao cho Công An rồi họ được đưa về đây.
Khi đám tù rách rưới như ăn mày, lếch thếch mang vác đồ đạc đi qua cái sân lớn để vào các dãy nhà phía sau, chúng tôi đứng sát cổng nhà để coi và tìm người quen.
Vài người nhận ra nhau, gọi kêu ơi ới. Bỗng Khả Năng xuất hiện.Sau 5 năm tù, trông anh ốm đi nhiều, dù chưa bằng Phi Thoàn, cũng là danh hề thường đóng chung với anh. Thấy anh, chúng tôi mừng rỡ gọi to: “Khả Năng! Khả Năng!” Đang vác một cái xắc ma-re đựng “tư trang” khá nặng, anh cũng dừng lại, quay về phía chúng tôi, giướng mắt nhìn, nói đùa:
– “Khá nặng” rồi mấy anh ơi! Không còn Khả Năng nữa mà “khá nặng!” (1)
Ý anh muốn nói ở tù như vậy cũng đã lâu, là án tù “khá nặng”. Nghe anh nói đùa với giọng thảm, chúng tôi cùng cười!
Miền Nam hồi trước có nhiều danh hề: Thanh Việt, Thanh Hoài, Phi Thoàn, Khả Năng, v.v... Khả Năng và Phi Thoàn “trong hạn tuổi quân dịch”nên phải nhập ngũ. Đến 30 thángTư,Phi Thoàn chỉ mới được “loon” thượng sĩ, thuộc hàng hạ sĩ quan, khỏi bị “tập trung cải tạo”. Khả Năng “loon” chuẩn úy nên “phải đóng tiền đi ở tù.”
Ít lâu sau,Khả Năng bị “biên chế” qua trại Cây, gia nhập đội Văn Nghệ của bầu Trừ (Nguyễn Văn Trừ). Nhân dịp lễ lạc gì đó, đội Văn Nghệ tập tuồng cải lương để trình diễn. Trong khi tập, Lâm, tên công an (thường gọi “cán bộ Lâm”), trực trại, tự dưng vào làm đạo diễn, buộc diễn viên phải làm như vầy, như kia. Người đóng vai chú bộ đội thì vênh mặt lên, hùng dũng, kiêu hùng. Người đóng vai “tên lính ngụy” thì hèn nhát, sợ hãi, run rẩy... Khả Năng bực mình cự lại tên cán bộ. Tên nầy hăm dọa nhốt anh vào cát-xô. Chỉ hăm dọa thôi, sau đó, không thấy chuyện gì xảy ra cho “anh hề”, anh được “bình an vô sự”...
Cũng mùa hè năm đó, chúng tôi được tin có phái đoàn Liên Hợp Quốc đến thăm. Trước đó, khi chúng tôi mới qua trại A, đã có phái đoàn Cộng Sản ngoại quốc đến. Hôm đó cũng là ngày chủ nhật, đang nghỉ ở nhà thì chúng tôi được lệnh vào hết trong nhà, khóa cửa lại, không cho ai đứng ngoài sân. Cổng mỗi nhà cũng khóa lại. Võ Phước Thọ nhanh trí, đoán biết là có phái đoàn ngoại quốc tới, trong khi cán bộ chưa kịp khóa cổng thì anh ta phóng ngay ra khỏi cổng, viết ngay trên đường đất mấy chữ “S.O.S”. Một lúc thì có khoảng 5 hay 6 người đi chậm chậm ngang cổng từng nhà. Tới cổng nhà chúng tôi bị giam, – chúng tôi rình trong nhà – nhờ chúng tôi leo lên cao, nhìn ra ngoài theo mấy cái cửa thông gió. Trong phái đoàn có 2,3 bà đầm mắt xanh mũi lõ, có lẽ là người Nga hay Đông Âu và 1 anh chàng Nhật, còn trẻ, da vàng mũi tẹt, khá lùn, và nói xí xô xí xào tiếng Nhật, tiếng Anh với vài người khác trong đoàn.Anh chàng nầy thấy mấy chữ S.O.S do Võ Phước Thọ vẽ trên đất bèn gọi mấy người kia tới xem, đưa máy hình lên chụp, xong bọn họ đi ra cổng lớn. Sau đó, thì chúng tôi được “thả chuồng” – ra khỏi nhà, được ra sân, chuyện trò – Khoảng nửa tiếng sau, trung tá Dziệt Cộng Trịnh Văn Thích, trại trưởng, vào đứng ngay cổng, nói chõ vào, giận dữ:
– Cái gì mà phải vẽ dấu hiệu cấp cứu! Anh nào vẽ? Anh nào vẽ?
Y không đi một mình, có một công an khác đi theo, hông đeo súng nhỏ, có lẽ để bảo vệ y. Trung tá Thích cũng chỉ đứng ngay cổng nói chõ vào chớ không dám vào trong sân. Y coi tù đã mấy chục năm, kinh nghiệm lắm. Vào sâu, lỡ tù trùm mền đánh cho thì sao?! Sau đó công an quản giáo có điều tra tìm người viết mấy chữ S.O.S. nhưng công cốc.
Bây giờ thì trại đông hơn trước nhiều. Lần nầy đến thăm là phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Mấy hôm trước thân nhân lên thăm, báo cho biết là phái đoàn Liên Hợp Quốc đang thăm mấy trại ngoài bắc, ngoài trung, nên chúng tôi đoán chừng vậy.
Sáng hôm đó bỗng kẻng gọi tập trung đi làm trễ. Quá 7 giờ mà chưa nghe đánh kẻng như thường lệ. Vậy là anh em tù xôn xao. Người ta nói to với nhau, có vẻ mừng: “Liên Hiệp Quốc tới! Liên Hiệp Quốc tới!” Trong tâm trạng tuyệt vọng, như đang bị trôi giữa dòng nước lũ, vớ nhằm cọng rêu cũng tưởng như vớ được tấm ván. Không rõ phái đoàn của “ông già bất lực Liên Hợp Quốc” có làm nên trò trống gì không, mà người ta cũng hy vọng vậy.
9 giờ kẻng đánh, các đội tập trung ở sân lớn chờ gọi đi. Bỗng có 1 đội trong đám Vườn Đào được gọi vào nhà, biểu chờ lệnh. Thế rồi các đội khác bị gọi đi, ra khỏi trại. Có điều lạ, cán bộ không gọi đội trưởng cho người đi nhận cuốc để cuốc đất như thường lệ. Thông thường mỗi đội chỉ có 2 – có khi chỉ 1 – vệ binh cầm súng đi theo – “Để bảo vệ các anh vì sợ đồng bào căm thù Mỹ Ngụy mà đánh các anh!” Cán bộ giải thích vậy!
Bữa nay, mỗi đội có tới 3 hoặc 4 vệ binh đi theo “bảo vệ cải tạo viên” – Việt Cộng bao giờ nói nghe cũng tình nghĩa dữ lắm! – Tất cả các đội đều được dẫn đi ngược vào phía sau trại, sát bìa rừng. Vào đó, chúng tôi được ngồi chơi, không lao động, lao cải gì hết! – Trưa, mỗi đội cử 3 người, 2 người về nhà bếp nhận bắp, 1 người gánh nước uống cho bữa trưa.
Khoảng 3 giờ chiều, được về trại nghỉ! Đúng là một hôm “vui chơi” khỏe khoắn, khỏi cuốc đất, lại còn được về sớm, thông thường thì 5 giờ chiều mới về.
Về tới trại thì được “vui chơi, tắm giặt, nghe đài”! Bữa nay khỏi lao động vì Công An dẫn tù đi trốn phái đoàn Liên Hợp Quốc, sợ phái đoàn gặp tù, “mấy anh phát biểu linh tinh, không có lợi cho cách mạng.” Cán bộ lại giải thích vậy.
Cuối cùng thì phái đoàn Liên Hợp Quốc chưa lên thăm trại được! Bấy giờ anh em mới rõ thêm nhiều điều vui. Đội “Vườn Đào” được ở nhà là để “làm cảnh”. Những anh em đó được lệnh ở nhà thay áo quần sạch sẽ, lành lặn, tập họp đi lên “lớp học tập”. Lớp là căn phòng đầu hồi, có đặt 2 dãy bàn, phủ khăn, chưng mỗi bàn 2 bình bông. “Ăn khoai mì mà chưng bông!”
Mấy ông vườn đào chia nhau ngồi trên những cái băng gỗ hai bên bàn. Ngồi chờ lâu quá, chẳng ma nào tới, “học viên” buồn ngủ, ngáp vặt, nói tục, và kháo chuyện bậy: “Ăn khoai mì mà cũng bày đặt bình hoa!”hoặc “học xong 10 bài từ đời nảo đời nào mà chưa mãn khóa.” v.v... Xong rồi, được về sớm, lại “vui chơi, tắm giặt, nghe đài”, một ngày khỏe re!
Nhà bếp, nằm bên cạnh cổng vào, hôm đó được lệnh nấu cơm trắng thay vì khoai mì hay bắp hột. Nhưng vì phái đoàn Liên Hợp Quốc không lên nên cơm ấy được lệnh mang ra cho cán bộ “ăn giùm” để tỏ rõ lòng “cao thượng, không coi trọng” miếng ăn của Dziệt Cộng! Còn tù cải tạo thì vẫn bổn cũ hằng ngày, soạn đi soạn lại: Một bữa khoai mì lát, một bữa bắp hột!
Cũng nhắm mục đích cho buổi trình diễn thêm phần hấp dẫn, 1 con heo được dắt từ khu chăn nuôi ra. Con heo được cột trước mái hiên nhà bếp,chờ tin phái đoàn Liên Hợp Quốc chắc chắn sẽ lên thì mới làm thịt heo!
Phái đoàn Liên Hợp Quốc không lên, heo lại được dẫn về chuồng: “Cho (heo) sống lại 1 ngày” nữa, như tên 1 tác phẩm của Dương Hà. (Cho tôi sống lại 1 ngày).
Tối đó, đám tù cải tạo tập trung từng nhóm, uống nước trà, bàn bạc lung tung, tham mưu đủ hạng. Có người cho rằng đám “Vườn Đào”, người Miền Nam, hiền hòa hơn, không phát biểu lung tung, bạt mạng như đám Saigon nên được ở lại “làm kiểng cho cách mạng”.
Con heo thì sau một ngày chờ chết mà chưa chết, sợ quá nên hiện đang đau...bệnh tim, phải đưa đi cấp cứu. Chỉ có 1 con heo mà đủ lời bàn của... Mao Tôn Cương. Tới 10 giờ tối, điện tắt, đi ngủ.
Vậy mà nhiều người đoán đúng! Sáng hôm sau, 7 giờ sáng, chưa có kẻng tập trung, có nghĩa lại chờ phái đoàn Liên Hợp Quốc lên, lại được đem đi giấu, thêm một ngày nữa khỏi lao động, vào rừng “vui chơi”, tụ nhau lại mà nói đùa, chiều về sớm, “tắm giặt, nghe đài”. Ai nấy cười nói vui mừng xôn xao.
Hôm đó, cuối cùng phái đoàn Liên Hợp Quốc lại cũng chưa lên. Trên đường về, bữa nay vui hơn hôm qua vì tù cải tạo được nghỉ lao động, ngày mai lại cũng chuẩn bị đón phái đoàn Liên Hợp Quốc nữa, khỏi cuốc đất thêm một ngày nữa. Tổng cộng là được 3 ngày.
Trên đường vào trại, khi đội của tôi đi ngang nhà bếp, lại nhằm lúc 1 anh tù cải tạo đội cấp dưỡng (nhà bếp) đang dắt heo trả về lại chuồng. Lê Văn Y nghịch, tiện chân, đá vào mông con heo một cái; heo kêu “éc”. Trần Nguyên Bình, đi bên cạnh, nói:
– Đá nó tội mày!
– Tội chi nữa! Bữa nay không chết, mai cũng chết!
Lương văn Lịch cười, nói to:
– Hai ngày nay nó sợ quá, đau tim nặng lắm rồi! Không chừng đêm nay “qua đời”!
Y nói:
– Nó có qua đời mày cũng chẳng được gì đâu. Bất quá miếng thịt bằng ngón tay út.”
Bỗng Nguyễn Quang Ngọc la to lên:
– Con heo đau bệnh tim anh em ơi! Không phải tui mấy ông ơi! Tui mới cưới vợ, không phải tui mấy ông ơi!
Cả đám cười ồ! Có người cười hô hố vì câu nhại đó!
Nguyên là hồi còn ở Trại Cây (trại B), một hôm cán bộ dẫn đi xem phim Nguyễn Văn Trỗi, ra về, có một anh “tù cải tạo” nguyên trước làm giám thị ở khám Chí Hòa, kể lại rằng hôm bắn Nguyễn Văn Trỗi, anh ta có đi theo: “Nó đâu có anh hùng như trong phim. Biết dẫn đi bắn, nó vừa đi vừa khóc: “Không phải tui mấy ông ơi! Tui mới cưới vợ. Người ta cho tui tiền để tui cưới vợ mấy ông ơi!”
Chuyện nầy anh em chuyền tai nhau trong trại, nhiều người biết. Từ đó có nhiều người thường nhại câu “Không phải tui mấy ông ơi!” để cười chơi mỗi khi bị cán bộ bắt vì ăn cắp củ khoai mì hay trái bắp giấu trong lưng quần.
Ngày mai là ngày thứ ba, thế nào phái đoàn Liên Hợp Quốc cũng lên. Chiều hôm đó, vài ba anh em trong Hội Nhân Quyền của luật sư Trần Danh San bí mật họp nhau bàn chuyện ngày mai làm thế nào có người ra gặp phái đoàn Liên Hợp Quốc, đưa thư khiếu nại. Nội dung thư chỉ nói mấy điều quan trọng:
- Một là, đây không phải là trại học tập cải tạo. Học tập thì phải có ngày khai giảng, mãn khóa, còn ở đây học đã lâu, đã 5 năm nhưng không biết bao giờ mãn khóa, cho về.
- Thứ hai, xác nhận đây là trại tù khổ sai Cộng Sản. Tù thì cũng phải đưa ra tòa, phải có án, hết án phải được tha về.
- Thứ ba, đây là những tù binh chiến tranh, binh lính, viên chức chế độ Saigon cũ. Tù binh thì phải được đối xử theo Công ước Genève.
Tôi không nhớ ai là người viết tiếng Anh bức thư nầy, nhưng người chép ra giấy là họa sĩ Hải. Anh nầy được tha sau đó có mấy tháng và được đi Pháp cùng gia đình.
Dương Tiến Đông được anh em trong nhóm Nhân Quyền chọn ra gặp phái đoàn. Dương Tiến Đông cũng tình nguyện đảm nhận công việc nầy.
Đông tính nóng, hiếu động và gan lì. Anh em họp nhau bàn với Đông là khi tới gần phái đoàn Liên Hợp Quốc, cứ tự động xông tới. Thằng cán bộ đi theo sẽ không dám bắn. “Tụi nó không dám bắn người ngay trước mặt phái đoàn Liên Hợp Quốc”. Anh em dặn Đông: “Rán mà chịu! Phái đoàn Liên Hợp Quốc về rồi thì chúng nhốt mày vào “cát-xô” và chơi một đòn hội chợ bầm mình.”
Bọn cán bộ ở đây có thói quen trả thù tù cải tạo, khi có anh em nào bị nhốt vào “cát xô” thì chiều hôm đó, khi “trật tự” đem cơm ra cho người bị nhốt, bọn nó 3,4 đứa đánh đòn hội chợ trong khi người tù cải tạo còn mang còng ở tay và chân còn bị cùm vào thanh sắt ngang trên sàn, không có cách gì chống đỡ được.
Trưa hôm sau, khi còn đang ở trong bìa rừng thì Đông giả bộ đau bụng, xin về trại lấy thuốc uống. Cán bộ quản giáo không cho về. Đông giả bộ xin đi cầu nhiều lần. Anh ta nói với cán bộ:
– Tui bị tiêu chảy đi re re! Kiểu nầy thì chẳng mấy lúc người khô nước mà chết! Tui mà chết là cán bộ mang tiếng ác. Anh em họ cũng khiếu nại cán bộ cho xem.
Dọa cán bộ xong, anh ta giả bộ nằm rên hừ hừ, than vãn đau quá! Mãi tới quá trưa, thấy anh ta đau, không chịu ăn trưa, cán bộ quản giáo mới cho 1 vệ binh cầm súng đi theo, cho Đông về trại trước. Gần tới trại, anh ta đi thật nhanh. Đông người cao, chân dài, đi lẹ, anh vệ binh phải lết giò mới theo kịp. Khi vừa tới góc bờ thành bên tay phải quặt ra phía trước, Đông vừa thấy phái đoàn Liên Hợp Quốc đang lên xe. Khoảng đường còn khá xa, Đông muốn chạy cho nhanh nhưng anh vệ binh chạy theo gọi lại, mở cơ bẩm cho đạn lên nòng kêu rắc rắc. Đông vẫn cứ đi nhanh. Khi Đông vừa tới cổng trại thì đoàn xe phái đoàn Liên Hợp Quốc rời khỏi sân văn phòng trại. Đông tiếc hùi hụi, về nhà nằm, anh ta không ngớt chưởi thề:
– Thằng quản giáo Chinh cho tao về trễ. Sớm hơn cỡ 5 phút là tao đưa được lá thư cho Liên hiệp Quốc rồi.
Đ. má! Mất một dịp bằng vàng!
Hoàng long Hải
(1) Nghe nói sau khi được tha, khoảng năm 1982, danh hề Khả Năng vượt biên bằng đường bộ, bị bắn chết. Không rõ phe nào giết ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét