Suốt mấy năm, sau khi đặt chân đến Pháp được ít lâu, chồng tôi lại "Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai ..." (*). Ông vung tiền túi ra làm những chuyện trên trời dưới biển cho thiên hạ .... Chán ngán, bực bội vì ở nhà mẹ con tôi đã phải thắt lưng buộc bụng để chồng tôi "ném tiền qua cửa sổ". Chỉ tay vào đám con, tôi vừa năn nỉ, vừa hăm dọa : - Thôi, thôi ông ơi, trước hết xin ông làm ơn yêu đám con còn thơ dại này đã. Qúa rồi ông ơi, tôi chịu hết nổi nữa. Tôi xin ông, tôi van ông. Nếu ông cứ tiếp tục tôi xin phép ông được dẫn đám nhỏ ra ở riêng, ông muốn làm gì thì cứ làm !.
<!>
Nghe tôi hăm dọa, ông tỉnh mộng "tắm nắng hồng của một sớm mai..." (*), quyết định không tiếp tục đi trên con đường càng đi lại càng ... không bao giờ tới. Ông đã hiểu được rằng nơi cái đất lạ quê người này ông không tài nào tìm ra được một người có thể gọi là "bạn" nhất là "người bạn" như tôi, mà ông chỉ tìm ra được những cái "bè", một cách dễ dàng.
Vài ngày sau khi những cơn buồn bã trôi qua, vào một buổi tối chồng tôi nghiêm chỉnh nói:
- Tôi hứa ngừng tất cả những việc mà bà không thích đó. Trong nhà này từ nay trở đi tất cả mọi vấn đề về tiền bạc là do bà thu xếp lo liệu, dĩ nhiên tôi đi làm lương hàng tháng đều đặn chuyển tự động không thiếu một cắc vào chương mục mình !.
Từ ngày đó, chồng tôi đã giữ đúng lời hứa. Chương mục, tiền nhiều ít, thiếu đủ, còn hết, ông không biết miễn sao mỗi lần ông ao ước có món gì tôi phải lo liệu mua món đó cho ông, cũng may cho tôi chỉ thỉnh thoảng ông mới ao ước thôi. Tất nhiên ông cũng hiểu tôi không thể mua sao trên trời cho ông được.
Phần tôi, đúng tối 20 mỗi tháng sau khi đã cơm nước xong tôi cho ông biết bi-lăng -cân đối kế toán- chương mục khi đã trừ hết mọi chi phí cần thiết trong nhà như tiền điện thoại, tiền nước, điện, bảo hiểm nhà, xe, xăng nhớt ... linh tinh kể cả khoản nhỏ 100 quan chuyển tự động sang vài chương mục tiết kiệm mà tôi đã mở cho mấy đứa con. Đây là "tiền bỏ quên" qua một bên, dành dụm được đồng nào hay đồng nấy vì tục ngữ đã có câu "tích tiểu thành đại". Tôi không keo kiệt nhưng tôi phải tính toán chi ly, xài cái gì đúng xài thì xài vì nếu lỡ xảy chân, chồng tôi bị thất nghiệp chẳng hạn thì trông cạy, nương tựa vào ai ở cái đất lạ quê người này.
Đều đặn, mỗi tuần tôi phát cho ông một số dằn túi rủi ro nếu bị té vô hàng bánh tráng nào đó ông còn có tiền để bồi thường. Kinh nghiệm cho tôi biết đồng tiền trong túi chồng tôi ít khi chịu nằm yên. Đưa nhiều thì ông sẽ xài nhiều, đưa ít thì ông xài ít, không đưa thì ông không xài, nên tôi đâu dại dột gì mà đưa 500, 1 ngàn cho ông, trừ trường hợp ông đi công tác xa. Tôi chỉ đưa cho ông... 25 quan đủ cà phê, thuốc lá. Có lần tôi quên không đưa ông cũng không hỏi, hên qúa tuần đó ông không té vô hàng bánh tráng. Cà phê chỉ mất 2 quan một tách mà hiếm khi ông ngồi quán cà phê, cộng thêm 15 quan chi phí cho môn thể dục "hít hít, thở thở" của ông, dư sức đủ. Vì đủ nên không khi nào ông hỏi tăng thêm tiền "bỏ túi" này.
Còn bộ môn thể dục "hít hít thở thở" tôi cũng phải thường xuyên nhắc nhở ông:
- Ông có "hít hít thở thở" cũng xin giới hạn 5,7 điếu một ngày thôi. 2 hoặc 3 tuần ông hút một gói, thuốc bây giờ tăng giá tới 15 quan một gói rồi đó ông ơi!."Hít hít thở thở" nhiều sẽ hại tới lá phổi của ông đấy ông ạ !.
Mấy đứa con trong nhà cùng về phe tôi, hỗ trợ tôi. Chúng phân chia nhiệm vụ, con gái lớn thủ thỉ với ba rằng mùi thuốc lá hôi lắm ba ơi, con trai lớn nhắc nhở ba phải hút thuốc ít lại, con gái út thủ diễn vai điệp viên 007 rình đếm từng điếu thuốc trong bao thuốc ông thường đặt trên bàn làm việc của ông trước khi bỏ vào túi đi vào sở.
Gián điệp đếm buổi sáng, gián điệp đếm buổi chiều sau khi ông từ sở về rồi báo cáo.
Chắc nhờ vậy nên bác sĩ chỉ được thấy mặt chồng tôi một năm ... một lần, thấy để đưa giấy cho ông đi khám nghiệm thử máu. May mắn, chẳng bệnh nào bám vào ông.
Đã không cảm ơn mẹ con tôi mà ông còn than thở:
- Ở với mẹ con bà còn hơn là ở với ViXi 30 tháng Tư Đỏ !.
Lấy ông, sống với đám nửa tá con mang họ ông, nói thực ra thì cũng tại tôi dễ "ok" với ông nên mới có "một nửa tá", tôi không biết buồn là cái gì bởi một lẽ tôi không thể rảnh rang để buồn, có buồn thì chỉ thỉnh thoảng buồn ngủ ... ngủ để ... dưỡng thần một chút thôi.
Hết suy tính việc này lại phải nghĩ tới điều khác, chỉ vừa buông tay mặt thì tôi bắt qua tay trái "tút suýt".
Dù không đầu cổ bù xù, không sửng tóc gáy lên ... xe chạy nhưng tôi không muốn mất thời giờ mà ngồi vào bàn trang điểm son phấn xịt xịt cho vơi bớt vài chai Chanel, Lancôme chồng tôi đã mua tặng tôi, bằng tiền túi của ông. Mà trang điểm phấn son vừa phí tiền vừa tốn thời giờ để làm cái gì ? Được người ngoài đường nhìn, khen hay sao ?. Chỉ một mình ông chồng tôi khen mà tôi đã mệt muốn chết. Nói tới áo quần se sua là tôi nhớ lại buổi đầu lúc tới nước Pháp, trong trại tạm trú (foyer) mặt mũi bơ phờ, mặc quần áo cũ do hội từ thiện Cứu trợ Công giáo (Secours Catholique) phân phát, không biết đời mình, đời gia đình mình sẽ đi về đâu !. Trong những dịp tiệc tùng của cơ sở chồng tôi, nếu đến tham dự tôi chỉ cần chải đầu chải cổ cho suôn sẻ, mặc chiếc áo dài cổ truyền, không vòng vàng không hột soàn lấp lánh - ở xứ Tây này muốn có hột soàn chỉ cần vay tín dụng (crédit) là có ngay. Giản dị như thế nhưng đâu có ai chê cười gì tôi. Ngay cả nếu họ có cười khi dễ thì họ bị mệt chính cái miệng của họ, miệng tôi đâu có mệt!.
Không nói khoe khoang chứ ngày xa xưa đó, ngay từ lúc còn đi học trung học tôi cũng đã được xếp vào hạng "đẹp", gái Cái Mơn mà !. Tôi cao không thua gì ông chồng tôi, 1 mét 67. Hai bên má có hai đồng trinh thụt xuống mỗi khi cười. Tôi lại có "điện nước" đầy đủ cũng eo cong ngực vểnh không thua người ta nên hồi đó một lần xém chút nữa là tôi được làm chiêu đãi viên hàng không Air Viet Nam rồi, xui qúa xá !.
Chả cần nói xa xôi gì, khi tôi và con gái thứ 5 đến tiệm bán thực phẩm Á châu ở ngoài phố lớn này, vợ chồng người chủ tiệm nhìn tôi, nhìn con gái tôi:
- Ngày trước chắc chị đẹp lắm, nhìn cháu rồi nhìn chị tôi thấy đúng là mẹ nào con nấy. Người đàn ông chủ tiệm lên tiếng trong lúc bà vợ cười cười.
Từ lâu hai vợ chồng họ có ý dòm dèm dạm hỏi con bé thứ 5 của tôi cho cậu con trai trưởng của họ. Con gái tôi mảnh mai, trắng trẻo, đẹp, một cái đẹp từa tựa lai "nhật bản", nó cũng gần cao bằng tôi.
Chuyện con gái tôi lấy chồng là chuyện chưa bao giờ tôi nghĩ tới mà chỉ nghĩ tới việc thúc đẩy "bầy nhỏ" học hành cho tới nơi tới chốn. Học chữ, học kim chỉ vá vá may may.
"Bầy nhỏ" của chúng tôi vì là "bầy" nên chuyện trai gái tuyệt nhiên không hề có. Sáng sáng trưa trưa kéo nhau một "bầy" đến trường rồi cả "bầy" lục đục kéo nhau về, chim nhỏ bay theo chim lớn, làm sao xảy ra được chuyện tâm sự, tình tự lén lút ngoài đường được chớ nhất là với câu nói của tôi với hai con gái lớn trước khi kéo nhau đến trường: cẩn thận coi chừng các em đó nghe con !.
Ngoài tình cảm với chồng, tôi cần phải dành tất cả tình thương mà tôi có cho bầy con tôi, đấy chính là "kỷ vật" sẽ vĩnh viễn đọng lại trong ký ức đời chúng vì tôi đã biết thế nào là sự thiếu thốn, đau buồn của một đứa trẻ không mẹ không cha như chính bản thân tôi lúc còn nhỏ nằm đêm nhớ mẹ thút thít khóc thầm:
Ngày đó bà chị ruột tôi đã lấy chồng, chị phải đứng ra thế mẹ tôi quản trị vài khu vườn đất năm bảy mẫu cộng thêm một dãy phố gần cầu Cá Lóc trong thị xã Bến Tre để lo cho tôi ăn học sau khi mẹ tôi bị "mấy ổng" tới bắt dẫn đi thủ tiêu với cái tội gọi là "địa chủ không chịu hợp tác với cách mạng", còn tôi chỉ hơn 8 tuổi cũng "được" những "đồng chí cách mạng" lôi ra chôn sống, đất ngập tới cần cổ, đã tưởng đâu cùng đi theo mẹ, may mắn sáng bữa sau được dân trong xóm tới đào cứu. Mà chuyện còn ngược đời hơn nữa: lúc đó ông già (ba) tôi, người cha tôi chỉ gặp một lần khi được 5 tuổi, lại ở trong "bưng" hợp tác tích cực với cách mạng. Tôi chỉ hy vọng rằng ông không biết chuyện các "đồng chí cách mạng" của ông thủ tiêu vợ ông, chôn sống con gái ông. Mấy năm sau "người ta" kiếm tới nhà báo tin ba tôi chết, chị em tôi không ai cần hỏi, cần biết lý do. Tôi cũng không buồn mà cũng chẳng vui.
Bà chị tôi rất khó khăn lại "kỳ thị" dân Bắc kỳ. Chị hay nói với tôi: Bắc kỳ ăn cá rô cây, Bắc kỳ "xạo" lắm !. Khi gặp tôi là anh chàng Bắc kỳ, chồng tôi, bị "xiủ" liền nên đeo theo tôi như con sam. Anh chàng nói ngon nói ngọt trổ hết món "ga-lăng" ra mua chuộc, dụ khị tôi.
Biết được chuyện có một anh chàng Bắc kỳ đang theo đuổi em gái mình, bà chị tôi hù:
- Làm dâu với mấy bà má chồng Bắc kỳ, nhất là dân Bắc Hà-"Lội" nữa, khó khăn lắm đó em ơi !.
Tôi nghĩ giầy dép nó còn có số huống chi là người ta. Đâu phải mẹ chồng Bắc kỳ nào cũng khó khăn, đâu phải Bắc kỳ nào cũng ăn cá rô cây. Cãi lời bà chị, tôi cứ lấy anh chàng Bắc kỳ này.
Hên quá xá, tôi không bị lầm !. Tôi vừa không bị làm dâu vừa không bị thiếu thốn từ vật chất cho tới tinh thần. Cho tới ngày hôm nay tôi có 2 chữ mà biết bao nhiêu người đàn bà mong ước: An và Bình.
Mỗi lần từ Canada có dịp sang chơi , mẹ chồng tôi hay nói với tôi:
- Nó, chồng tôi, khôn lắm con ạ, ngày xưa cậu -bố chồng tôi- cũng thế, ở nhà mình phải ky cóp từng đồng xu cắc bạc. "Mày" giỏi lắm !.
Tôi nghĩ trong đầu : Mợ ơi con mà không giỏi thì làm sao con có thể ở với ông con của mợ được.
Tôi chỉ trả lời (mẹ chồng) mợ tôi:
- Vâng, Mợ ạ !.
Dân Bắc Hà Nội gọi mẹ là mợ, khi mợ gọi tôi là "mày", tôi rất sung sướng vì, mẹ chồng, mợ tôi đã thật thân thiết với tôi, tôi là một người con của bà mà không là dâu nữa. Nhiều khi mợ tôi và tôi ngồi thủ thỉ ... nói xấu ông chồng tôi.
Ngày nào cũng như ngày nào, tôi chạy đua với chiếc kim đồng hồ: hết đi chợ đi búa, dọn dẹp nhà cửa, hút bụi, lau chùi .. lại quay vào bếp múa võ với mấy cái nồi niêu song chảo. Múa võ vừa xong là lũ con kéo nhau về ... Buổi trưa sau khi "đám giặc chòm" đã rời nhà lũ lượt kéo nhau đến trường, tôi lại trổ tài dọn dẹp bát đĩa, cái thì bỏ vào máy rửa, cái thì rửa bằng tay. Sắp xếp, lau chùi bàn ăn xong tôi được nghỉ thở thường thì 15 phút nhiều thì nửa tiếng, thở xong tôi chuẩn bị cho buổi chiều. Tối ăn uống xong, thể dục hít hít thở thở xong, chồng tôi vào nhà ... yên vị trên chiếc phô-tơi ở bàn làm việc, lúi húi với mớ giấy tờ hồ sơ gì đó của sở mà ông thường ôm về, nếu có giúp tôi thì ông giúp ký dùm một hai tờ séc trả tiền thuế nhà, thuế đất ... rồi để qua một bên sáng mai tôi sẽ bỏ vào bao bì cầm đi bưu điện gởi. Trước khi vào phòng nghỉ ngơi, tôi lại oánh một vòng kiểm soát, nhắc nhở hay kèm cặp bọn nhỏ học hành .
Ngoài nghề nghiệp chính của tôi, nghề thuốc trước khi rời Việt Nam, sang tới đất Tây tôi đổi nghề nghiệp.
Bây giờ tôi có tới 7 nghề, những nghề tự học thêm: nghề nấu ăn, nghề may vá, nghề uốn tóc hớt tóc, ... chưa tính tới nhiều khi phải hành nghề mộc, nghề hồ ...
Vì thất nghiệp (7 nghề) nên trong nhà, tôi có đầy đủ. Không những chỉ có đầy đủ mà còn có dư nữa. Máy may lớn nhỏ vài chiếc từ máy gia đình nhỏ tới máy may công nghiệp hoặc máy vắt sổ (Troyes là thủ đô về may vá của Pháp, của con cá sấu Lacoste...). Máy hớt tóc vài cái. Máy cưa gỗ , máy cắt gạch đủ loại lớn nhỏ vài cái (loại máy này đặc biệt chỉ dành cho ông chồng tôi cuối tuần sử dụng để tránh suy nghĩ về công việc ở sở làm ) ...
Chỉ nội cái món mỏ lết, kìm, búa, vặn vít ... linh tinh mỗi thứ cũng ít ra có khoảng 4,5 cái, tại ông chồng tôi làm xong là quẳng, vất, nhét ... vào một góc. Nhà lại có nhiều góc: Ở trong có góc nhà, góc bếp, góc cầu thang, góc tủ... Ở ngoài có góc vườn, góc cây... Ở dưới có góc hầm... Ở trên có các góc gác ... Góc ở tứ bề, góc từ trên cao tới dưới thấp. Khi cần phải choáng mắt, đổ mồ hôi vất vả tìm, hễ tìm không ra thì lại ... đi mua thêm một cái nữa cho đủ "bộ sưu tầm". Chẳng có thế mà bà bạn láng giềng nha sĩ người Tây vẫn nói với con bà:
- Cứ sang bên bà Vũ hỏi là có liền !.
Nói tóm lại chỉ trừ chuyện tới một cơ sở nào đó để kiếm tiền lương tháng, trong nhà họ Vũ này tôi lo từ A cho tới Z vì ở cái xứ Tây này nói chuyện đi mướn người giúp việc trong nhà (ô sin) là chuyện tưởng tượng. Tôi làm những gì tôi có thể làm được vì tôi luôn nghĩ và nói với các con tôi nếu người ta làm được thì mình cũng có thể làm được, lúc đầu thì mình làm không đẹp mình làm lại lần sau sẽ đẹp hơn điều quan trọng là mình phải bắt tay làm.
May mà một tuần lễ chỉ có 7 ngày tôi được 2 ngày khuây khoả nhờ tất cả mấy đứa con.
Sáng thứ bảy, sau khi cùng các em thu lượm quần áo bẩn của mọi người thải ra để vào máy giặt. Hút bụi, lau chùi ... tổng quát mọi phòng ốc đã xong, hai đưá con gái lớn nhất vào bếp trổ tài nấu ăn. Xếp đặt bàn ăn chén đũa là con gái thứ 4 và thứ 5. Rửa ráy chén bát do Mỹ, con trai thứ 3 phụ trách. Trưa thứ bảy ai về phòng người đó khép cửa nghỉ ngơi, đọc sách hoặc xúm lại coi truyền hình xem phim ảnh, chơi bài ba lá, tam cúc, cờ go (nhật). Chiều thứ bảy, các con gái lớn nhỏ, người thì xuống bếp làm bánh nấu ăn đứa lo ủi đồ ủi đạc, đứa khác ngồi vào bàn may, may tới may lui không đẹp thì tháo ra may lại tự chế kiểu thời trang để mặc ... Tôi chỉ đóng vai trò "cố vấn" nếu có làm thì tôi làm thợ hớt tóc, uốn tóc cho con gái, con trai. Tôi uốn tôi hớt, xấu đẹp gì không ai chê, ngay cả chồng tôi.
Ngày chủ nhật là ngày cả gia đình đưa nhau đi píc níc ăn cơm tay cầm, ngoạn cảnh, tắm hồ, chèo thuyền, chia phe thẩy bóng, đá banh, ghé ruộng mua bắp hái bắp, tìm rau dền, vào rừng hái nắm, chụp hình chụp ảnh ... Chiều trở về, ăn uống xong tắm rửa nghỉ ngơi chuẩn bị sách vở cho ngày thứ hai tuần lễ tới.
Những dịp lễ lạc tùy theo dài, ngắn hoặc nghỉ hè lâu một vài tuần cả tập thể kéo nhau đi chơi núi, tắm biển, "tham quan" gần xa ở Pháp hay tại các nước Âu châu.
Vòng quay sinh hoạt của tôi, của gia đình tôi, không chỉ "tam cùng" mà là "tứ cùng" -cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học tập- đều đặn, giản dị nhưng không tẻ nhạt nhàm chán một chút nào.
Trong thực trạng đó chuyện mua bán nhà cửa là chuyện lẻ tẻ, là lẽ tất nhiên mà tôi phải lo liệu như ông chồng tôi đã nói.
Khi quyết định bán ngôi nhà Lacoste tôi ủy thác cho một cơ quan địa ốc. Hai tháng sau vẫn không có người đến xem.
Mỗi chiều từ sở làm về, sau khi hỏi thăm tin tức, ông chồng tôi cười cười –nụ cười phát ghét-, nói:
- Nhà như thế này, muốn bán chỉ có ... trời mới giúp bà được. Nghe câu nói của chồng, tôi hỡi ơi, ông không ủy lạo "chiến sĩ ngoài chiến tuyến" mà còn muốn trêu chọc.
May mắn thay !. Ông trời có mắt, có tai nên đã cúi xuống giúp tôi. Vài ngày sau, nhân viên cơ quan địa ốc đưa một cặp vợ chồng giáo sư, một trường cao đẳng vừa thiết lập, thuyên chuyển về Troyes tới viếng nhà. Chỉ lần thăm viếng thứ hai, sau khi đã thoả thuận về giá cả. Lần này chồng tôi bắt buộc phải có mặt vì hợp đồng cần có chữ ký của ông, chúng tôi ký giao kèo bán hiển nhiên với giá thị trường gần gấp hai lần tiền mua.
Hợp đồng bán đã ký, tiền bán đã về trong chương mục của chúng tôi nhưng tìm nhà mua không phải là chuyện dễ với "3 tiêu chuẩn" tự tôi đặt ra: Gần trường trung học cho cậu con út, gần trung tâm thành phố, nhà nhỏ giá rẻ vì lúc này 5 đứa con lớn đã rời vợ chồng tôi đi học xa chỉ còn lại 3 người: vợ chồng tôi và đứa con trai út.
Loay hoay cũng gần hai tháng, chỉ còn hơn một tháng nữa đến ngày giao nhà cho người mua theo đúng giao kèo mà tôi vẫn chưa tìm được nơi ở mới để dọn đồ đạc, giường chiếu bàn ghế tủ ỷ trăm thứ bà giằn, về .
Tôi tất tả hết cơ quan địa ốc này sang cơ quan địa ốc khác. Nếu đúng được 2 tiêu chuẩn thì giá cả lại cao hoặc ngược lại giá tôi muốn thì ở xa cả chục cây số, nhà xa thành phố là điều không bao giờ tôi chấp nhận.
Chồng tôi thích được sống ở nhà quê, ông bảo là yên tĩnh, còn tôi: tôi phải có nhà nằm trong thành phố. Việc quan trọng hàng đầu của tôi là sự học hành cho con trai út, sau đó tới bác sĩ bệnh viện, rồi tới chợ búa ... ngay cả chuyện giao tiếp giản dị thường nhật vì dù muốn dù không nhà quê ở đây không phải là nhà quê ở chính quê hương mình, người nhà quê ở đây là người nhà quê Pháp chẳng chút liên hệ họ hàng thân thích lỡ khi "tắt lửa tối đèn" họ có giúp mình không ?.
Tuy thế, tôi cũng chiều ý ông nên đưa nhau đi xem một căn nhà ở nhà quê , cách Troyes hơn 15 cây số, của một cơ quan địa ốc.
Nhà có hơn 4000 thước đất, có cây trái um tùm, có đồng cỏ thoáng rộng lại thêm một dòng suối "thơ mộng" chảy dọc ở cuối khu đất ... tha hồ mà ông chồng tôi khoác chiếc áo parka dầy (vì ông rất sợ lạnh) ra ngồi bên suối hát bản "trăng mờ bên suối" (***) khi nào ông rảnh rỗi. Còn nhà thì lớn nhưng trong tình trạng hoang phế cần đập phá, xây cất lại hoàn toàn.
Xem xong tôi lắc đầu, đất lớn để làm gì. Mua nhà này thì sẽ ngủ ngáy ở đâu cho được ?. Trong lúc đó chồng tôi, không hiểu ông đang nghĩ gì, chỉ gật gù rồi nói :
- Được, được đó em ơi !.
Tôi không trả lời vì đã nghĩ:
- Đúng là ông chồng tôi !. Chẳng chịu suy nghĩ gì hết mà đã được được! Ông không biết rằng đi làm ông phải lái xe từ đây cho tới sở ông nằm bên kia thành phố ít ra mất một tiếng đồng hồ, còn tôi đưa con đi học cũng phải mất hơn nửa tiếng chưa kể tới mùa đông tuyết ngập tới đầu gối, đường lại là đường làng nhỏ hẹp tôi sẽ lái xe xuống ... ruộng là cái chắc, còn đi khám bác sĩ hoặc bị khẩn cấp phải tới bệnh viện cứu cấp cũng là cả một vấn đề... Ông ơi, chuyện Được hay Không Được là do tôi chứ không phải ông, đừng có mơ !. Ông muốn mua nhưng tôi không chịu ký tấm séc thì cũng huề cả làng !.
Xui sẻo mà cũng đáng thương cho chồng tôi, tối đó về nhà cả ông lẫn con trai ông thi nhau sụt sà sụt sịt vì bị cảm lạnh. Chuyện mua nhà đất rộng ở nhà quê của chồng tôi nhẹ nhàng dẹp qua một bên không còn được nhắc nữa.
Tìm nhà mua khó khăn nên tôi cũng đã tính tới việc đi mướn nhà.
Nhưng ... không biết đây là một sự "tình cờ" hay là một "cơ duyên" ?.
Tôi đọc được trên nhật báo L'Est-Éclair, lẫn lộn trong những tin tìm mèo chó thất lạc, bán xe, bán tủ bàn ... một rao vạt vừa nhỏ vừa ngắn gọn của một văn phòng notaire -chưởng kế- : nhà cũ , kiểu champenoise, có thể ở được nhưng cần phải tu sửa lại, gần trung tâm thành phố, giá bán 200.000 ngàn quan bao luôn chi phí cho chưởng khế (***) . Tôi reo lên vì tôi người vừa vớ được vàng. Chỉ cầu mong chưa có ai tới hỏi mua trước.
Quẳng tờ báo, chẳng cần phải đợi chồng đi làm về để "tham khảo" ý kiến ông "tổng thống" của tôi, nhấc điện thoại liên lạc ngay với văn phòng chưởng kế này để xin được tới coi nhà sớm ngày nào hay ngày đó. Tôi được người đầu giây bên kia chấp thuận ấn định ngày, giờ cho tới coi nhà.
Người phụ trách bán nhà của phòng chưởng kế hẹn tôi phải đến trước 6 giờ 30 chiều vì sau đó cũng có người tới xem.
Hai ngày sau, buổi trưa ngày hẹn coi nhà, tôi "ra lệnh" cho chồng "tỉnh queo" của tôi phải về sớm không được nấn ná ở lại sở như mọi bữa.
Tới điểm hẹn trời cũng đã xuống nắng. Một chiếc cổng bằng sắt vững chãi xe chạy vào được là cổng chung cho những căn nhà nằm trong khu. Một vùng đất rộng rãi nằm trước mặt một ngôi nhà cao cao màu trắng, đằng sau lưng nhà này sừng sững một dãy nhà 3,4 tầng. Mé tay trái khi vượt cổng, một căn vuông vức khá rộng. Cuối đường khuất bên nhà màu trắng có thêm một căn nữa thấp hơn. Tất cả đều lợp ngói, rào giậu vườn tược bao quanh. Một bức tường, ngay bên phải cổng sắt lớn đi chung, chạy dài bọc sườn căn nhà màu trắng, một dãy nhà còn mới nằm bên kia tường. Nhân viên văn phòng chưởng kế ra dấu cho vợ chồng tôi chạy thẳng xe vào đậu bên cạnh hàng rào một khoảnh vườn. Chúng tôi đã tưởng ngôi nhà màu trắng là nhà bán nhưng khi xuống xe người hướng dẫn tiến đến, chỉ tay vào khoảnh vườn ngay hông xe chúng tôi, nói:
- Đây là căn nhà bán.
Phải nhìn cho thật kỹ chúng tôi mới nhận ra được mái ngói của một căn nhà ẩn mình sau những tàng cây vật vờ dưới nắng nhạt của buổi chiều đang sập tối. Như thế là khu xóm có tổng cộng 4,5 căn nhà. Bước vào vườn qua một cánh cổng sắt nhỏ đã rỉ sét khó mở, một đường đi nhỏ cỏ phủ kín lớp sỏi rột rạt dưới đế giầy, chạy thẳng tuột vào một chiếc cửa gỗ màu trắng tróc sơn nằm trên bậc thềm cao: cửa ra.
Dưới ánh sáng yếu ớt chiếu qua một loạt cửa sổ cũ, người hướng dẫn coi nhà nói:
- Đây là phòng ăn. Tiếp đó, ông ta vừa đi vừa chỉ ngón tay vào một mé phòng cửa đóng: đây là nhà bếp. Dứt lời ông bước lại đẩy cửa. Vợ chồng tôi theo sau. Nhà bếp bề ngang chừng hơn một thước, 2 người không thể đi song song nhau vì qúa hẹp. Chúng tôi bước tới thêm khoảng 3 thước, đẩy một cánh cửa nhỏ, cửa mở ra ngoài vườn sau: một chiếc cầu thang gỗ nâu dẫn lên lầu.
Lên 16 bậc thang, cả ba cùng vào một gian phòng lớn chiếm hết diện tích nhà.
Ngắm nghía một chút, chúng tôi xuống thang trở lại đứng trong phòng ăn. Người hướng dẫn bước qua phòng kế bên: Đây là phòng khách.
Phòng khách bề ngang khoảng hơn 5 thước bề dọc chừng 4 thước với hai lò sưởi , một nằm bên phải một nằm mé trái, xây bằng gạch đã cũ, nước mưa bên ngoài đã chảy xuống từ nóc nhà tuôn qua đường ống lò sưởi để lại hai khoảnh loang lỗ thẫm màu đen trên sàn nhà gỗ sồi cũ.
Đến đây, nhìn thật nhanh chiếc đồng hồ đeo trên tay, người hướng dẫn xem nhà nói với chúng tôi: Còn bên kia là một phòng ngủ...
Ông ta chưa nói hết câu thì hai bà đầm từ bên ngoài bước vào một cách tự nhiên, họ tự giới thiệu:
- Chị em tôi tới coi nhà!. Dứt lời họ cùng đi xuống xem nhà bếp cửa vẫn còn mở...
- Sao ông bà quyết định sao, cho tôi biết vì tôi còn phải hướng dẫn hai người vừa vào.
Chẳng cần nghĩ ngợi vì tôi đã nghĩ ngợi xong trên cầu thang lúc quay xuống nhà, tôi chẳng cần hỏi ý chồng tôi, chẳng cần cò kè thương lượng giá cả, mà trả lời ngay :
- Chúng tôi mua !.
Lúc này thì hai người đàn bà cũng vừa quay trở lại. Người hướng dẫn xem nhà tiến tới nói với họ :
- Ông bà này đã mua rồi. Je suis désolé -tôi xin lỗi !. Dứt lời, ông ta quay lại, ấn định ngày giờ ký giao kèm mua bán tại văn phòng notaire – chưởng kế, với vợ chồng tôi .
Đêm đó tôi trằn trọc suy nghĩ. Tôi bằng lòng mua vì ít ra chúng tôi cũng có chỗ để dọn đồ đạc tới, có chỗ để ngủ nghê. Tôi trằn trọc vì tôi chưa xem được tất cả nhà, đất đai vườn tược. Cạnh tôi, chồng tôi ngủ say như người chết.
Tôi thao thức chờ sáng. Sáng chồng tôi đi làm, sau khi đã đưa con trai út tới cổng trường tôi sẽ tới xem lại dù chỉ bên ngoài để yên tâm mà cũng để tính toán những việc cần làm ngay sau khi ký xong giấy mua.
Tôi lái xe chậm để biết từ trường học con trai tôi đi học tới nhà mới mua mất bao nhiêu phút, đi đường nào thuận tiện vì nhà nằm gần sát trung tâm thành phố nhiều xe cộ lưu thông, nhiều người đi bộ. Con đường mà tôi phải đi, dù muốn dù không, là đại lộ Gambetta chạy qua trước nhà ga sau đó rẽ phải xuống bên hông nhạc viện thành phố, nơi này tôi quá biết, biết tới độ những người đến nhạc viện nhiều lần lầm tưởng tôi là một nữ nhạc sĩ giáo sư dạy các nhạc sinh trong viện.
Một tuần ba buổi chiều sau khi con tan trường tôi đưa con tôi đến học dương cầm rồi ngồi kè kè bên cạnh con khích lệ vì thế nên người ta đã hiểu lầm.
Con trai tôi bị ba bắt buộc phải học dương cầm vì hai lý do:
- Cây đàn là "bạn" của chúng tôi nó đã "theo" chúng tôi trong mấy lần dọn nhà dù có nặng nề, cồng kền nhưng chồng tôi nhất định không bán.
- Một kỷ niệm cho thời kỳ đầu tại Pháp: Đi làm dành dụm chỉ vừa được đủ tiền, chồng tôi lôi tôi đến một tiệm bán nhạc cụ ở Nancy để "thuyết phục" tôi phải bằng lòng cho ông mua một chiếc dương cầm dù rằng lúc đó còn ở thuê tại một chung cư có được 3 phòng ngủ tạm đủ để chui ra chui vào. Chiều chồng tôi ưng thuận, thế là trong phòng khách kiêm phòng ăn chễm chệ một cây piano đen bóng. Ông chồng tôi đâu có giỏi nhạc, giỏi đánh dương cầm gì nhưng chiều chiều tối tối lúc nào hứng ... buồn chồng tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu, dở nắp cây đàn rồi gõ ... từng tưng tứng, từng tưng tứng, hát : Người ơi, Một chiều nắng tơ vàng hiền hòa, Hồn có mơ xa, Người ơi, Đường xa lắm con đường về làng, Dìu mấy thuyền đò ... (****), từng tưng tứng, từng tưng tứng ... . Hát xong ông đứng dạy đóng nhẹ đàn lại, lén dụi dụi cập mắt vì sợ tôi và đám nhỏ nhìn thấy.
Ông bảo con trai út :
- Không phải ba bắt con học dương cầm để làm một nhạc sĩ dương cầm mà vì ba muốn âm nhạc sẽ là bạn theo con suốt đời khi con vui hay lúc con buồn .
Vượt qua nhạc viện, ngay sau đó xe chạy bên hông rạp hát Champagne nằm trong khu phố chính, tới đại lộ Chomedey de Maisonneuve 2 phút sau tôi rẽ phải vào con đường một chiều thật yên tĩnh, dọc hai bên hai cơ sở: kỹ nghệ và đại lý buôn bán xe hơi chiếm gần hết chiều dài đường còn lại khoảng hơn chục ngôi nhà tư nhân, tôi tới trước cổng chung 4 căn nhà.
Chạy thẳng tuột xe vào vùng đất trống, đậu sát hàng rào "nhà tôi", tôi nhìn đồng hồ: 15 phút. Từ đây nếu đi bộ thì tôi tà tà mất khoảng 7 phút tới rạp hát Champagne, gần 10 phút tới nhạc viện con tôi học. Quá lý tưởng để tôi đưa con đi học, để đi dạo phố, đi chợ mua thực phẩm Á châu...
Cả khu xóm lặng như tờ hệt như lần chúng tôi tới coi nhà. Ở đây ông chồng tôi sẽ có sự yên tĩnh như ông muốn mà khỏi cần về nhà quê ở.
Bước qua cửa rào với dãy cây rậm rạp mà tôi không biết tên che khuất hẳn lớp lưới hàng rào, tôi đứng nhìn căn nhà dưới nắng rực của buổi sáng. Mái ngói đỏ điểm chút rêu, tuy phong trần nhưng không tệ lậu. Những chiếc volets -cửa che cửa kính cửa sổ- tróc verni. Trong vườn: một cây táo cổ thụ, một cây mận chắc hơi có tuổi, một cây poivrier -tiêu- già, một số cây lớn nhỏ khác mà tôi không biết tên, tất cả đang tự do, đang trăm hoa đua nở. Cạnh hàng rào với hàng xóm mé trái, một cây lilas –tử đinh hương- sum suê cành, lá. Hàng xóm mé tay phải một dãy cây um tùm khó có thể nhìn qua được sân bên đó.
Tôi bước, bước nhưng không cố soải chân, đo chiều dài từ cửa rào vào tới cửa gỗ phòng ăn: đúng 30 bước.
Từ trước cửa phòng ăn tôi đi sang trái, dõi mắt nhìn vào phòng kế phòng khách mà tôi chưa được xem lúc đến coi nhà. Không những mé này chỉ có 1 phòng mà lại là 2 cộng thêm một cái chái nhỏ lợp kín. Nhìn kỹ qua kính phòng cận bên cái chái: một gian khá rộng có trần cong và một lò sưởi. Như vậy là nhà có 4 phòng ở tầng trệt chưa tính tới nhà bếp.
Lần theo tường ngoài bếp tôi ra phiá sau: một vườn nhỏ um tùm cây cỏ. Một bức tường đúc là ranh giới nhà tôi với một villa của hàng xóm cách tường nhà tôi chừng 8,9 thước.
Ra khỏi cổng, vẫn trong sự yên lắng của khu xóm, tôi bước lên xe, đề máy chạy ra đường với niềm vui vì tôi đạt đúng được 3 tiêu chuẩn mà tôi ao ước. Nếu phải sửa chữa thì tôi sẽ mướn người, mua nhà lần này tôi có dư tiền trong ngân hàng để trả mà không cần phải vay mượn gì nữa.
Ba ngày sau, vợ chồng tôi đến văn phòng chưởng kế làm thủ tục giấy tờ mua bán. Tôi ký tấm séc 200.000 trao cho vị chưởng kế, thở phào khi nhận từ tay ông giấy chứng nhận mua mà chủ nhân trước là ông Breux (Bờ-Rơ).
Ghi chú :
(*): Trong lời nhạc bản Giấc Mơ Hồi Hương của cố nhạc sĩ Vũ Thành.
(**) Trăng mờ bên suối, nhạc bản của Lê Mộng Nguyên.
(***): chi phí cho chưởng-kế khoảng 16.000 trên giá bán 200.000 đồng.
(****): Nhạc bản Hương Xưa của cố nhạc sĩ Cung Tiến.
Troyes-Pháp, ngày 19-17.31'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét