Tôi đặt bó huệ lên mộ Phương và yên lặng nhìn anh. Tôi im lặng rất lâu như thế, như muốn hòa mình vào sự yên lặng rờn rợn của vùng mộ địa. Nụ cười của người đã khuất vĩnh viễn còn trên bức ảnh nhỏ gắn vào bia thập giá. Đôi mắt Phương hiền và mang một vẻ gì lãng mạng. Tôi yêu đôi mắt đó. Và bây giờ, vĩnh viễn mất Phương rồi, hình bóng anh vẫn không nhạt nhòa trong tâm tư tôi dù đã 3 năm anh giã từ cuộc sống. Một nỗi bơ vơ đột nhiên xâm chiếm tâm hồn tôi. Gió nghĩa trang về chiều lành lạnh, tôi quấn vội tấm khăn voan lên cổ và khép hai vạt áo dài đang vướng chân vì gió. Hoàng hôn đến chầm chậm, buồn vương lên những tấm bia sừng sững đánh dấu những cuộc đời đã đi vào thiên thu.
Tôi có cảm tưởng như có người đang nhìn mình chăm chú. Tôi quay lại và bắt gặp sự ngượng ngùng của người lính đang đứng cách vài ngôi mộ. Có lẽ anh ta đi thăm bạn đồng ngũ.
Những cành huệ trắng nuột theo tay tôi sắp thành hai chữ “Nhất Phương” trên thành mộ. Tôi hơi bối rối vì thiếu những bông hoa để hoàn thành mẫu tự cuối cùng. Nhìn quanh cũng chả mộ ai có hoa huệ để có thể xin năm cánh, tôi nhìn lại phía sau. Người lính vẫn còn ở đó... Và tôi sửng sốt nhận ra hắn cũng đang cắm cúi sắp những hoa huệ lên mộ bạn.
Thoáng một giây ngần ngại, tôi bước về phía hắn. Người lính ngước nhìn tôi và trước khi tôi kịp nói, hắn đã hỏi:
- Cô cần những hoa huệ để sắp tiếp phải không?
Tôi bối rối gật đầu.
- Vâng, tôi ... còn thiếu mẫu tự chót.
Hắn khẽ cười:
- Ý kiến của cô hay đấy. Dùng hoa viết tên người đã khuất lên thành mộ... Tôi đang bắt chước cô đó.
Tôi nhìn lên thành mộ, những hoa huệ được sắp thành ba chữ “Nhớ Vũ Linh” rất khéo. Trên tấm bia thập giá có một bức ảnh nhỏ, gương mặt người trong ảnh khắc khổ, tuy nhiên những nét thư sinh chưa thể xóa hết trên đôi mắt đầy mơ mộng của anh ta. Dưới bức ảnh là hàng chữ nhỏ:
“Thiếu úy Vũ Linh.
Đền nợ nước ngày 18-6-67 hưởng dương 24 tuổi”.
Tôi khẽ thở dài. Vũ Linh mất còn trẻ hơn Phương của tôi 3 tuổi. 24 tuổi ... trẻ quá ... Thế hệ này những người con trai ra đi quá sớm, không phải chỉ một Vũ Linh, một Nhất Phương của tôi mà thôi.
Mãi suy tư tôi không hay người lính đã đi từ lúc nào. Tôi từ giã Vũ Linh để trở lại với người yêu, nhưng người lính trẻ đã đứng đó. Hắn nhìn Phương chăm chú ... Tên Nhất Phương đã được sắp lại đầy đủ và rất đẹp, tôi nói:
- Cảm ơn ông đã cho tôi hoa huệ, và sắp lại tên anh tôi.
Ông sắp khéo quá.
Hắn lắc đầu:
- Cô lầm rồi, tôi có cho cô thêm bông nào đâu... Tôi sắp lại với chính những hoa huệ của cô đấy chứ.
Đột nhiên hắn hỏi:
- Trung úy Phương là anh cô?
Tôi gật đầu, im lặng. Hắn gật gù:
- Anh cô thích hoa huệ lắm nhỉ?
- Vâng cũng như Vũ Linh của ông.
Mắt hắn thoáng ngạc nhiên rồi sầm xuống như cũ. Giọng hắn thật nhỏ:
- Vũ Linh nó không thích hoa huệ đâu. Nó không thích loại hoa gì cả. Đó là sở thích của tôi. Về thăm không có gì cho nó, tôi đến với nó bằng những bông hoa tinh khiết mà tôi yêu nhất.
Bỗng nhiên tôi có cảm tưởng gần gũi hắn lạ lùng. Nghĩa trang chỉ còn có hai chúng tôi, hai con người đều ngậm ngùi trước những người thân yêu hy sinh vì chiến tranh, vì quê hương. Tôi nói như một lời tâm sự:
- Nhất Phương là vị hôn phu của tôi. Chúng tôi hẹn nhau khi tôi đúng 18 tuổi thì cưới... không ngờ anh tôi đi sớm thế. 3 năm rồi, mỗi ngày đầu tháng tôi vẫn đến với anh ấy... Tôi sẽ còn đến mãi ông ạ.
Tôi nghe hắn thở dài. Giọng hắn trầm hẳn đi:
- Chiến tranh không từ chối làm khổ một ai, kể cả những thiếu nữ yếu đuối như cô.
Tôi cúi đầu nhận sự phân ưu gián tiếp của hắn. Trời sẩm tối, tôi làm dấu đọc kinh Tin Kính và từ giã Phương để trở về với thế giới người sống. Tôi đi vội qua những con đường đầy cỏ úa của vùng mộ địa, người lính ban nãy cũng nối gót theo tôi. Ra khỏi nghĩa trang hắn nói:
- Cô cho phép tôi đưa cô về nhé, giờ này khó đón xe lắm.
Không đợi tôi đồng ý, hắn băng sang đường lấy xe và trở lại nơi tôi đứng. Một vài chiếc taxi có khách lướt qua, tôi hiểu giờ này khó kiếm xe thật.
Xe chạy về chợ Sài Gòn. Những làn gió phần phật thổi tóc tôi vướng vào cổ hắn. Thành phố lên đèn, hắn quay nhìn tôi:
- Cô ở đường nào để tôi đưa về?
- Trương minh Giảng, ông ạ.
Hắn nói như reo:
- Thế thì chúng ta ở gần nhau rồi. Nhà bạn tôi ở Phú Nhuận, tôi đưa cô về rồi trở lại nhà nó.
Tôi hỏi:
- Ông không có nhà ở Sài Gòn sao mà phải ở nhà bạn?
Giọng hắn thoáng buồn:
- Gia đình tôi ở Mỹ Tho kia. Tôi đi lính, rày đây mai đó hầu như là không có nhà nữa, ghé đâu thì tấp nhà bạn bè vài bữa lại đi... Đời lính mà cô. Đôi khi về Sài Gòn cũng chả biết làm gì cho hết thời giờ.
Tôi nghe một nỗi nghẹn ngào chận ngang cổ họng. Những nếp sống chinh chiến là vậy sao! Tôi chợt muốn tìm hiểu về người bạn quá cố của hắn:
- Vũ Linh là bạn đồng ngũ của ông?
- Vâng, chúng tôi ở cùng một binh chủng, đúng hơn thì hồi còn học ở Chu Văn An, hai đứa tôi đã thân nhau. Sau khi vào Luật khoa một thời gian, tôi chán học bỏ đi lính, rồi tôi gặp lại Vũ Linh. Hắn được gửi về đơn vị tác chiến của tôi và làm đại đội phó.
Hắn ngừng một lát rồi ngậm ngùi:
- Vũ Linh ra đi sớm quá. Cuộc đời nó chưa làm gì được cả. May mà nó chưa lấy vợ, nếu không lại có thêm một “góa phụ 20” trong cuộc đời.
Tôi chợt mến hắn lạ lùng. Có lẽ vì hắn cũng là người miền hậu giang như Nhất Phương... Có lẽ vì bộ quân phục rằn ri màu đất của hắn gần giống như màu áo Thủy Quân Lục Chiến của người tôi yêu... có lẽ... tôi không thể phủ nhận được rằng từ ngày Phương mất, hắn là người con trai đầu tiên làm tôi xúc động.
Hắn ngừng xe trước con đường nhỏ dẫn vào cư xá. Tôi cám ơn và hắn cười:
- Trung úy Toản xin hỏi quý danh người đẹp.
Chợt nhớ rằng chúng tôi vẫn chưa biết tên nhau, tôi đáp:
- Lệ Uyên hân hạnh quen Trung Úy.
Cả hai đứa cười xòa, tôi nhìn thấy ánh mắt Toản trìu mến vô cùng... Và tôi có cảm tưởng sự quen biết của chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây.
******
Tôi ngước nhìn Toản:
- Anh cho phép Uyên đọc.
- Dĩ nhiên, cô bé. Em là độc giả đầu tiên đọc những bài thơ của anh đấy.
- Và cũng là độc giả duy nhất nữa chứ... Uyên chả thích ai đọc thơ của anh hết.
Toản vuốt tóc tôi, dịu dàng:
- Ích kỷ dữ à. Làm như...
Tôi chu môi:
- Làm như... sao cơ?
- Đọc đi rồi anh nói.
Tôi hất nhẹ mái tóc. Mắt tôi lướt trên những giòng chữ viết tháu của Toản.
“Vũ Linh
Linh ơi,
Được 3 ngày phép
Tôi tìm đến thăm anh
Thành đô không còn những chiều nắng đẹp
Khi tôi đứng nhìn ngôi mộ cỏ xây quanh.
Tôi đến bên anh
Ba lô và súng đạn
Hành trang vẫn còn coi tôi là bạn
Chưa giã từ để vĩnh viễn tôi đi
Mình gặp nhau
Không biết nói những gì
Ngôn ngữ của anh cách xa tôi quá
Trông tấm ảnh nhỏ lồng nơi bia đá
Môi anh nhếch cười
Lòng sáng rực niềm tin
Tôi muốn nói lên tất cả kỷ niệm của chúng mình
Hai thằng con trai vào đời bằng nghiệp lính
Mái trường Chu Văn An
Vị giáo sư Pháp Văn già khả kính
Ông thương chúng mình nhất phải không Linh?
Có lần hai đứa cùng một người tình
Nàng yêu tôi hay anh? – Làm sao biết được?
Hai đứa cùng say mái tóc dài đen mượt
Đôi môi nhạt hồng, và sóng mắt nai tơ
Rồi chúng mình không hẹn mà làm thơ
Những bài thơ vụng về
Ca tụng chung một người con gái
Gác trọ nhiều đêm nhìn nhau ái ngại
Không biết rồi... người đẹp trả lời sao
Hết làm học trò đến làm lính mũ nâu
Vì hai đứa cùng mê máu chiến y “Biệt Động”.
******
Bắt đầu cho những chuỗi hành quân làm nghĩa sống
Núi rừng này tiếp nối xóm làng kia
Đôi lúc đứa này được phép trở về
Mua tặng bạn một món quà thành phố
Linh ơi,
Ngày còn anh tôi chưa bao giờ thấy khổ
Dù cuộc sống chúng mình
... Lính tráng có hơn ai...
Một đêm truy kích
Liên thanh nổ rền tai
Từng loạt hỏa châu soi vào vùng chiến trận
Những bàn tay siết cò – say máu hận
Xác quân thù tràn ngập cánh đồng hoang
Đến lúc điểm binh
Tôi kinh hãi...
... Bàng hoàng ...
Khi gọi Vũ Linh không nghe anh lên tiếng
Tôi bỏ hàng ngũ một mình tìm kiếm
Tôi lao vào đêm tối gọi “Linh ơi”
Nhưng không có anh
Mà chỉ có sương rơi
Chỉ có gió
Và những tiếng côn trùng não ruột
Buổi thu dọn chiến trường
Nhìn xác anh tôi nghẹn ngào thảng thốt
Tôi quấn anh vào trong chiếc poncho
Anh vô tư say giấc ngủ mơ hồ
Giữa hai hàng nến chập chờn ma quái
Đơn vị trưởng đến thăm anh
Nói với tôi những lời an ủi
Tôi dồn căm hờn lên khẩu súng trên tay
Anh đã đi
Xa cuộc chiến tranh này
Xa bè bạn
Xa những ngày thân ái
Từ ngày anh mất tôi chưa về Quảng Ngãi
Chưa gặp lại mẹ anh
Nhưng chắc bác đã già nhiều
Từ khi chiến trường cướp mất đứa con yêu
Bác chỉ sống với tuổi già và kỷ niệm
Núi Thiên Ấn phủ mây buồn tim tím
Giòng sông Trà Lệ đổ mãi không thôi
Và đơn vị chúng mình
Vẫn hành quân đấy Linh ơi
Vẫn tiếp nối con đường anh bỏ dở
Vẫn thăm anh
Tôi không hề nức nở
Nổi buồn con trai đâu phải khóc hở Linh
Mây nghĩa trang ôm kỷ niệm chúng mình
Như lòng đất ôm hình hài anh đó
Đơn vị đóng xa
Mỗi lần về thăm thật khó...(1)
******
Giòng lệ trào mi từ bao giờ. Toản nhìn tôi:
- Em khóc?
Tôi lạc giọng:
- Bài thơ hay quá. Cả tâm hồn anh gói ghém trong đó hở Toản ?
Giọng Toản nhẹ:
- Anh thương Vũ Linh. Anh viết cho nó và cả cho anh.
Toản lau nước mắt cho tôi. Anh cười:
- Lệ Uyên không hỏi anh câu hỏi lúc nãy sao?
Tôi biết anh khỏa lấp nổi buồn vương đọng trong không
gian nhỏ hẹp bao quanh hai đứa. Tôi nói:
- Mãi đọc thơ em quên. Lúc nãy anh nói em “làm như”... là sao em chả hiểu.
Mắt người con trai thăm thẳm. Giòng mắt như xoáy động tâm tư kẻ đối diện. Tôi chếch tia nhìn không dám nhìn thẳng Toản.
- Anh nói cô bé làm như... thương anh vậy đó.
Tôi lặng đi trước câu nói đột ngột của Toản. Tôi chợt thấy mình sắp sa vào một cái bẫy bằng lưới tơ êm ái và nếu mang thương tích thì vết thương sẽ trọn đời không thể lành được. Tôi nói như để thở:
- Sao anh nói vậy?
Toản ngồi cạnh tôi. Khoảng cách chỉ do mình định đoạt và tôi cố giữ thăng bằng.
- Lệ Uyên.
- Em nghe anh.
- Sao em không nhìn anh?
Tôi muốn nói:
“Em sợ. Em sợ xiêu ngã trước ánh mắt lôi cuốn đam mê của anh nên em không dám nhìn. Như thế là hơn. Em là con chim vừa rời tổ đã vướng đạn nên em sợ... ”
Nhưng tôi lại nói một câu khác:
- Em sợ anh nhìn thấy em khóc. Khóc xấu lắm phải không anh Toản ?
- Anh thấy đẹp. Hãy nhìn anh đi Uyên.
Tôi ngước lên, ngợp hơi trong sóng mắt anh đầy trìu mến:
- Lệ Uyên. Anh muốn nói với em tất cả nhưng có lẽ anh sẽ không nói gì hết..Chúng mình không phải chỉ có hôm nay. Còn ngày mai, ngày kia... Còn một tương lai trước mắt. Một tương lai anh muốn được gọi mãi tên em.
Tôi nhìn Toản châm thuốc hút. Gương mặt anh nồng nàn sau làn khói mỏng. Tôi thích những nếp nhăn ở đuôi mắt anh. Tôi thích vẻ khinh mạn ở nụ cười anh. Trong một thôi thúc chân thành, tôi muốn đưa tay ôm khuôn mặt Toản nhưng tôi vẫn ngồi bất động...Màn khói mờ vẫn cách chia hai đứa và dù dễ dàng xóa bỏ sự chia cách đó tôi vẫn không làm... Tôi vẫn thích những chuyện tình được phủ một lớp sương huyền thoại.
******
Mẹ bảo tôi:
- Con ra mời anh Toản dùng cơm.
Tôi nhìn vội vào tấm kiếng nhỏ, đưa tay lau má. Mẹ cười:
- Mặt không dính lọ nồi đâu cô. Đẹp chán.
Tôi phụng phịu:
- Mẹ kỳ...
Châu cười trêu:
- Kệ chị Uyên để mặt hồng vì lửa mới đẹp. Lẽ ra phải có vài vệt lọ nồi mới chứng tỏ được mình làm bếp chứ.
Tôi ngượng ngùng nguýt em một cái thật dài. Tôi ra phòng khách đến bên Toản:
- Anh dùng cơm.
Mấy đứa em tôi đang ngồi quanh Toản nghe anh kể chuyện “đánh giặc” vội lên tiếng:
- Chị Uyên để anh ấy kể em nghe hết chuyện “uýnh nhau” đã, đang tới màn hấp dẫn mờ.
Tôi nhăn mặt:
- Mẹ rầy kìa. Để anh Toản ăn cơm đã. Trưa quá rồi.
Toản chìu tôi, anh cười mơn với lũ nhóc:
- Thôi để anh vào không chị Uyên giận... Với lại anh đói rồi, đói làm sao kể chuyện hay được.
Thằng Bình lên tiếng cảnh cáo:
- Bữa nay chị Uyên làm bếp, anh đừng ăn cơm.
Tôi lừ mắt nhưng nó lờ đi. Toản cười:
- Sao vậy ?
- Mỗi lần chị Uyên nấu ăn là tụi em... trốn hết, chả đứa nào dám ăn.
Nó nhỏ giọng với Toản nhưng cũng đủ tôi nghe:
- Ăn món ăn chỉ nấu... câm luôn à.
Toản cười xòa. Tôi cốc đầu thằng bé một cái nên thân. Mẹ, Toản và các em tôi ngồi vào bàn. Thằng Thanh lên tiếng:
- Em biết một món đặc biệt của chị Uyên. Còn lại là má nấu hết. Đố anh Toản biết món gì?
Toản lắc đầu.
- Anh thua. Thanh nói xem.
- Món “nước mắm” nè... Lúc nãy em thấy chị rót nước mắm.
Bữa cơm thật vui. Toản nói với mẹ:
- Lâu lắm con mới được ăn một bữa cơm gia đình, ngon hết sức.
Tôi nhìn Toản bắt gặp ánh mắt đầy cảm kích. Tôi thấy
thương Toản vô hạn. Tôi biết anh xa gia đình đã lâu và
không ai là không thèm khát sự êm ấm bên những người thân. Đó là tình người, thứ tình cảm thuần túy Thượng Đế ban cho con người từ nguyên thủy. Toản đã thiếu cũng như phần đông tuổi trẻ bây giờ dứt bỏ gia đình quá sớm. Mẹ hỏi về thân thế Toản bằng uy quyền của một bà... mẹ vợ tương lai. Toản nói về quê hương anh. Những ruộng đồng thơm mùi mạ non, những giải đất mênh mông rợp vàng lúa chín. Miền hậu giang với những người dân mộc mạc hiền lành.
Các em tôi nghe một cách say mê. Mẹ nói:
- Cháu đã quen em Uyên thì cứ coi gia đình này là của cháu. Có dịp về ghé lại cho vui, đừng ngại gì cả. Gia đình bác cũng đơn chiếc, bác trai mất rồi mẹ góa con côi hôm sớm nương nhau mà sống. Có một mình Lệ Uyên là lớn nên nó gánh trách nhiệm cũng nặng lắm. Em nó cũng ít bạn bè...
Tôi láy mắt cho mẹ. Sợ mẹ nói nhiều thành ra “quảng cáo” con gái hơi kỹ. Tánh mẹ vẫn thế, gặp ai vừa ý là nói tất cả về gia cảnh của mình. Khi Nhất Phương đính hôn với tôi, còn ba. Lúc đó câu chuyện của mẹ xoay quanh những cái vụng về của tôi, làm như mẹ rào đón để mai kia chấp nhận tôi, Phương không thể buồn trách tôi được. Bây giờ cuộc sống xoay chiều, vấn đề của mẹ lại khác, nhưng chung quy cũng chỉ vì tình thương bao la của một người mẹ.
Đây là lần về phép thứ hai từ ngày tôi quen Toản. Tình cảm giữa hai đứa đã sâu đậm bởi thời gian. Lần về phép của Toản không còn là những khoảng thời gian “không biết làm gì cho hết thời giờ nữa”, trái lại hai đứa đều thấy quá ngắn và thời gian trôi nhanh không xót xa trước nổi buồn chia biệt của con người.
Toản đối với tôi cần thiết như hơi thở, như sự sống.Anh có sự trìu mến của một người anh, anh có một nổi đam mê của một người tình. Anh yêu tha thiết và có chiều sâu. Tình yêu là sức nung nóng của một núi lửa ngầm chứ không là thứ lửa rơm cháy bùng rồi tàn lụi. Toản thương và lo. Toản yêu và chiều. Tôi thấy mình bé bỏng vô cùng trong tình thương mênh mông đó.
Tôi ngần ngại nhìn biển người trước cửa rạp Rex. Toản hiểu ý, bảo nhỏ:
- Không sao, để anh mua vé, mình vô rạp là thoải mái Uyên ạ.
- Khổ anh quá. Thiên hạ nối đuôi nhau trước guichet, bao giờ mới đến mình!
- Ráng đi cưng. Anh muốn bé xem La Valse dans l’ombre.
Phải khó khăn lắm hai đứa mới tìm được ghế. Tôi buông người xuống, tựa đầu vào ngực Toản. Trên màn ảnh, cô đào Vivien Leigh và tài tử Robert Taylor đang diễn tả một thảm trạng tình yêu trong thời chiến: gặp
nhau trong một vụ bạo động, họ yêu nhau và quyết định
làm lễ cưới trước khi chàng ra trận. Một trục trặc nhỏ làm lễ cưới chưa thành và họ phải xa nhau... Tôi nhìn nhân vật Maria thẩn thờ đi trong nổi thất vọng và cảm thấy tâm trạng mình được miêu tả trọn vẹn... Những bước chân vô hồn. Đôi mắt vời vợi như vạn vật đã nhòa đi trước mắt. Bất giác tôi buộc miệng:
- Mai anh đi?
Toản cúi xuống:
- Anh sẽ về với em.
Anh nắm chặt bàn tay tôi:
- Đừng buồn, em yêu. Chúng mình sẽ không xa nhau lâu.
- Toản, sao em sợ...
- Sợ gì cô bé?
- Anh thấy người ta xa nhau không? Nhân vật tiểu thuyết mà sao em thấy gần gũi với thực tế lạ lùng...Sao Toản đưa em đi xem phim La Valse dans l’ombre?
Ngón tay anh viền quanh vành môi tôi. Anh âu yếm dỗ
dành:
- Bé của anh lãng mạn và giàu tưởng tượng nữa. Em coi kìa, họ đã gặp lại nhau...
Tôi thấy đại úy Roy trong phim lao về phía người tình như tên bắn. Anh gọi lớn “Maria! Maria!” và trước khi cô gái kịp nhận thức sự việc, chàng đã ôm gọn nàng trong vòng tay. Nhưng Roy đã trở về trong nổi đau đớn dằn vặt của người tình khốn khổ. Thời gian xa cách, được tin chàng đã chết và cũng vì phải sống, nàng đã buông thả không còn xứng đáng với tình yêu cao quý của Roy.
Nàng muốn lẩn tránh, nàng muốn giải thích. Nhưng vì tình yêu mãnh liệt của họ, vì nổi hạnh phúc quá to lớn của Roy, Maria đã cắn răng cố hòa mình vào hạnh phúc. Cuối cùng nàng cũng không chịu đựng nổi sự dằn xéo của chính lương tâm mình. Cuối cùng con tim rướm máu của người con gái đáng thương đã vỡ... Nàng lao người trong cơn lốc khủng hoảng và khi Roy đến nơi chỉ còn kịp nhìn thân xác băng lạnh của người yêu lần cuối.
- Phim buồn quá anh.
Toản thì thầm:
- Đừng khóc nữa, em của anh đa cảm quá. Mai sau làm vợ anh làm sao em chịu được những lúc anh đi?
- Em cố gắng.
Tôi lập lại:
- Mai anh đi... Sao anh cho em xem phim này?
- Anh nghĩ rằng phim hay.
Tôi lắc đầu:
- Em linh cảm khác. Em sợ.
Toản đưa tay lên môi tôi:
- Cấm em nói gở. Tin anh.
Giọng Toản tha thiết:
- Em tin anh không Uyên?
Tôi gật đầu yếu ớt:
- Em tin.
- Vậy thì không được nghĩ gì nữa. Mai anh đi rồi anh sẽ trở về... như lần trước... hiểu không?
- Em hiểu.
Tôi thì thầm:
- Toản, xa em anh nhớ em không?
- Anh nhớ.
- Toản lập lại đi...
- Anh nhớ... Yêu em, anh biết thế nào là hạnh phúc, là ý
sống... Trọn đời anh nhớ không quên.
Tôi im lặng, Toản im lặng. Thời gian là của nhau. Maria với những bước chân hốt hoảng trốn chạy, còn tôi, tôi sẽ dừng lại để chờ. Maria với ánh mắt tuyệt vọng lạc thần, còn tôi, tôi sẽ khép mắt để đón nhận ở người tình nụ hôn tái ngộ.
Không, hoàn cảnh tôi không thể nào là hoàn cảnh của Maria được. Đó là tiểu thuyết. Tiểu thuyết là tưởng tượng, không phải thực tế. Ngày mai người yêu tôi ra vùng hành quân nhưng rồi anh sẽ trở về.....
******
Thư Toản viết cho tôi:
“Chiến khu Ba Lòng – Thu 67
“Lệ Uyên của anh,
Từ khu chiến trường Tiền giang anh chuyển ra vùng 1 hỏa tuyến. Ở đâu cũng đầy dẫy những hình ảnh khói lửa, ở đâu cũng cần những người lính như anh.
Qua những ngày phép êm đềm bên em, khi trở lại với chiến cuộc anh thấy lạc lõng quá Uyên ơi. Bây giờ gần cuối thu rồi Uyên nhỉ. Anh muốn trở lại Sài Gòn để dìu em đi trên con đường Trần Quí Cáp nhiều bóng mát, để chúng mình cùng nhặt những chiếc lá úa xây thành mộ cho giấc ngàn thu của chúng khỏi bơ vơ. Anh muốn về để đưa em đi lễ chiều ở Regina Pacis, mình đọc chung kinh kính mừng và chung lời nguyện xin Chúa giữ hai đứa mãi bên nhau. Anh muốn phục sinh này nghe em đọc lại những vần thơ của mùa phục sinh năm trước:
“Bây giờ lại sắp phục sinh
Cho em nhớ nguyện chúng mình... anh ơi
Chúa sống lại – Chúa lên trời
Xin cho hai đứa suốt đời thương nhau.
Lệ Uyên,
Anh ước muốn nhiều nhưng còn xa em nhiều quá. Đời lính là vậy đó. Yêu anh rồi Uyên chấp nhận phải không em? Thư này anh viết đêm đầu ở “Khu Chiến Ba Lòng, một quận cận sơn miền giới tuyến. Mưa triền miên dội xuống núi đồi. Dãy Trường Sơn âm u trong màn mưa rờn rợn. Những tràng đại bác, liên thanh làm nhức buốt hai tai. Sự đe dọa của chết chóc vẫn lởn vởn quanh vùng. Cái lạnh miền Trung ghê gớm lắm Uyên ạ... Anh không ủy mị nhưng anh ước mong có em bên anh trong giờ phút này. Gặp em, quen rồi yêu em, trong đầu óc anh không còn ý nghĩ “đánh giặc đến chết nữa, mà là đánh giặc để đem thanh bình cho một người yêu
dấu, cho một mái nhà ấm cúng mai sau”.
Có lẽ khá lâu anh mới về với em được. Nhưng đã trót gởi tình yêu cho lính chiến, xin đừng nản lòng chờ đợi nghe Uyên.
Hôn em và hẹn ngày về.
Anh
Toản
Tôi hôn lên cánh thư của người yêu gửi về từ miền hỏa
tuyến. Tâm hồn tôi tìm về với những kỷ niệm đẹp như tình yêu hai đứa. Những con đường quen thuộc bước chân. Tôi cũng không tìm hiểu tôi yêu Toản từ bao giờ, chỉ biết rằng sau buổi gặp gỡ ở nghĩa trang, Toản về đơn vị chúng tôi đã liên lạc bằng những cánh thư đầy trìu mến, rồi những lần gặp lại Toản, tôi hiểu rằng người con trai quen nếp sống gió sương này đã làm thức tỉnh con tim băng giá của tôi. Nếu tôi là một giòng nước mát làm tươi lại nhựa sống cho tâm hồn chai đá vì chiến chinh của Toản, thì chính anh đã là một tia sáng mặt trời đánh tan lớp băng tuyết phủ hồn tôi.
Thời gian yêu nhau không nhiều nhưng đủ để hai đứa hiểu nhau. Chúng tôi còn cả một cuộc đời để cho nhau thật trọn vẹn. Toản không thề, tôi không hẹn nhưng hai đứa cùng biết chắc không thể mất nhau trong đời.
*******
- Chị Uyên có thư.
Tôi buông vội tờ báo chạy ra:
- Thư đâu? Ai gửi?
- Anh Sinh.
Tôi chùn chân lại, tiu nghỉu. Tôi hy vọng thư Toản.
Thanh đưa phòng bì màu xanh cho tôi. Tôi lạnh lùng:
- Cất dùm chị.
Em tôi hiểu. Đây là cánh thư thứ ba tôi không đọc. Thư của những người không phải Toản.
Thanh an ủi:
- Chắc ảnh bận. Chị coi báo hằng ngày không thấy sao, mặt trận Trị Thiên ghê thấy mồ.
Tôi nghẹn giọng:
- Không biết ảnh có bị gì không, sao không thấy thư từ gì cả.
- Chắc ảnh sắp về nên không viết thư. Ảnh muốn làm bất ngờ cho chị.
Tôi lắc đầu nhè nhẹ. Lời an ủi của em cũng như lời an ủi của mẹ không làm tôi yên tâm chút nào. Tôi rơi vào một nỗi hoang mang đến khờ người. Đã hai tháng tôi không được tin tức gì của Toản. Một ngày chờ đợi là một ngày mòn mỏi. Những người thân của tôi điều hiểu tôi lo âu, tôi khổ sở và tìm đủ mọi cách để trấn an, nhưng sự khắc khoải trong tôi chỉ có tăng chứ không giảm. Nhiều đêm tôi gặp ác mộng, tôi thấy Toản bị thương, người đẫm máu, anh chạy lên phía tôi, dang rộng hai tay và tôi rú lên ngã vào lòng Toản trong nỗi kinh hoàng ngột ngạt. Tôi nghĩ đến người tình trong nỗi chết cận kề, những hiểm nguy anh phải chịu và thấy thù hận chiến tranh. Viễn cảnh tương lai mờ mịt. Tôi hình dung gương mặt Toản nhạt nhòa qua nước mắt, qua hơi khói thuốc. Tôi nghe văng vẳng tiếng anh dịu dàng “Anh nhớ... Anh nhớ và yêu bé của anh trọn đời!”
Tôi khóc một mình. Tôi khóc tức tưởi trước mặt mẹ. Tôi
không giấu được niềm đau. Tôi không dằn được nổi buồn. Chân tôi đứng trên mặt đất nhưng tâm hồn tôi trôi xa,mênh mang vào một không gian không còn sự sống.
- Thanh.
Tôi kêu giựt khi nó mang thư cất đi.
- Thanh quay lại:
- Chị kêu em?
Tôi chìa tay:
- Đưa thư đây.
Nó đưa phong bì, nhìn tôi:
- Chị đọc?
Tôi không trả lời, xé đôi phong bì. Em tôi đứng yên lặng. Nó thông cảm. Tôi đặt phong bì xé nát lên bàn:
- Đốt dùm chị. Cả hai thư trước nữa. Lần sau có thư anh Sinh, em gửi hoàn lại, như vậy họ biết, không làm phiền mình nữa.
Mắt Thanh vương một thoáng thương hại, dường như nó muốn nói gì nhưng lại thôi. Tôi cũng không muốn nghe nó nói, không muốn nghe ai khuyên mình đừng nên tàn nhẫn với người yêu mình. Tôi bực tức, tôi thèm muốn, giá thư của Sinh là của Toản?
******
Mẹ dịu dàng:
- Uyên à, con chưa được tin tức gì của Toản sao?
- Thưa chưa. Con cũng không hiểu.
- Nó nhớ địa chỉ nhà mình chứ?
Tôi cười héo hắt:
- Quên sao được mẹ.
- Thấy con khổ, mẹ cũng buồn. Ráng đừng để mất tinh thần nhiều quá. Chuyện đâu còn đó. Chắc nó bận rộn quá nhiều. Chớ nó hiền lành không lẽ...
Tôi ngắt lời mẹ:
- Con hiểu Toản mẹ ạ. Con không sợ anh bạc lòng mà chỉ sợ chuyện không may. Mẹ coi, gần ba tháng, đâu phải một hai tuần gì.
- Mẹ cũng lạ. Nhà mình không ai đi ngoài đó để hỏi tin tức thử.
- Con đã hỏi thử một vài người nhưng vô vọng mẹ ạ.
Mẹ vô tình:
- Lính tráng bây giờ làm sao biết được sống chết ngày nào. Ngày trước thằng Phương cũng... có kịp thấy mặt ai đâu. Chiến tranh không sớm chấm dứt đây rồi tới ngày thằng Sơn, thằng Thanh đi lính nữa chắc mẹ lo ngày lo đêm quá.
Tôi gượng cười:
- Tụi nó còn dư năm học mà. Một mình con lo đủ rồi.
Mẹ nhìn tôi không biết nói sao. Tôi biết mẹ thương tôi vô cùng nhưng nổi khổ trong tôi mẹ đành bất lực. Tôi quay ra đùa với bé Thảo. Con búp bê trên tay nó nhắc tôi nhớ Toản lạ lùng: chính anh mua cho bé Thảo nhân ngày sinh nhật thứ 8 của nó. Thảo nói:
- Chị Uyên rảnh may cho búp bê bộ đồ ha. Áo quần nó cũ hết rồi.
- Ừ để chị rảnh chị may cho.
- Không, chị phải may liền hà. May để mặc cho búp bê đẹp. Anh Toản về nhen chị.
Tôi cốc đầu con bé:
- Liếng khỉ vừa chứ, chị không làm thì sao?
- Anh Toản về em méc. Ảnh thương em lắm nè.
Nó ngước đôi mắt ngây thơ nhìn tôi:
- Chị Uyên, sao lâu quá anh Toản không về?
- Anh Toản phải “uýnh giặc” mà về sao được.
- Sao anh con Tâm cũng uýnh giặc mà ảnh về hôm qua đó.
Tôi nói cho qua:
- Tại anh con Tâm không bận.
- Hôm bữa anh Toản hứa về dẫn Thảo đi phố mua cho cái cặp mới sang năm đi học nè. Vậy mà lâu thiệt lâu ảnh hổng chịu về.
Tôi xoa tóc em:
- Để chị đi mua cho cưng.
- Hổng thèm chị Uyên mua. Em đợi anh Toản về dắt em đi lựa hà.
- Ừ, thì đợi.
Con bé yên chí không rắc rối nữa. Tôi nhìn nó bỗng dưng thèm vô cùng sự hồn nhiên của tuổi thơ. Những câu hỏi vô tình của đứa bé nhỏ làm tôi muốn trào nước mắt. Tôi ao ước điên cuồng Toản về với tôi ngay bây giờ, nữa phút thôi, cho tôi nhìn thấy anh còn sống, cho tôi tin tưởng anh bình yên, rồi anh đi tôi không níu giữ. Nhưng mơ ước vẫn là ước mơ. Ảo ảnh có vẻ gần mà vô cùng xa thực tại. Tôi chợt nhớ đến sự tuyệt vọng của hai người yêu nhau trong La valse dans l‘ombre và cảm thấy nỗi bất hạnh hình như đang bủa vây trong cuộc tình tôi và Toản.
******
Châu gọi tôi mà nước mắt chảy quanh:
- Chị Uyên ơi, anh Toản...
Tôi thảng thốt:
- Chuyện gì Châu?
- Điện tín... anh Toản đã...
Cả nhà xô tôi lại. Thanh giật mảnh giấy đọc dòng chữ ngắn rồi thẩn thờ:
- Anh Toản chết rồi.
- Chúa ơi!
Tôi rú lên. Tôi chới với, hai tai lùng bùng, mắt như nổ muôn vàn hào quang. Tôi nghe mơ hồ tiếng mẹ:
- Uyên, Uyên, tỉnh lại con. Mẹ đây.
Tôi nhắm nghiền mắt nhưng đầu óc tôi tỉnh táo vô cùng, tôi nghe rõ giọng Thanh “Anh Toản chết rồi”. Tôi nghe rõ tiếng rú của mình “Chúa ơi”, nhưng tôi không muốn tỉnh.Tôi sợ phải nghe những lời người than an ủi, tôi sợ ánh mắt vừa thương hại vừa xót xa của mẹ, của em.
Điện tín do một người bạn của Toản đánh về cho tôi: “Chị Lệ Uyên”. Anh Toản đã hy sinh. Stop – Xác không thể mang về. Stop. Lời cuối của Toản là ân hận vì không thể đưa chị đi trọn cuộc đời. Stop.”
Ngắn ngủi thế đó mà là cả một định mệnh con người. Ngắn ngủi thế đó mà là một cách chia vĩnh viễn. Thật vô lý! Vô lý đến mức hoang đường nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Tôi nằm vùi. Nước mắt không còn để khóc. Thế là hết. Tình yêu, hy vọng. Hạnh phúc tan nhanh như bong bong nước. Tôi không điên, như tôi tưởng. Tôi không chết được như tôi tưởng. Vẫn sống. Thân xác tôi vẫn cử động. Tôi vẫn ăn, vẫn ngủ. Tôi vẫn thở, nhưng tôi đã không còn là tôi nữa. Hình ảnh Toán ám ảnh tôi từng giờ, từng phút. Tôi cảm thấy chán nản và bất lực. Hơn bao giờ hết tôi thấy mình như một cành hoa héo úa vì nhựa sống nuôi cây đã không còn. Nụ cười liếng thoắng mất trên môi, màu má hồng của tuổi 20 thoát dần ánh nắng. Tôi bạn bè với kỷ niệm. Tôi đọc thuộc những cánh thư yêu của Toản. Tôi lang thang trên
những con đường ngày trước Toản dìu tôi đi. Tôi nhớ La valse dans l‘ombre. Tôi nhớ bước chân rời rạc của Maria giờ tôi còn rời rạc hơn. Tôi nhớ ánh mắt lạc thần của Maria giờ tôi còn lạc thần hơn. Roy của Maria thì về sau cuộc chiến, còn Toản của tôi thì không.
******
Tôi đến với Nhất Phương, với Vũ Linh. Tôi không nói gì với những người trong mộ, vì tôi nhớ Toản nói ngôn ngữ người sống và kẻ chết không hợp nhau. Tôi mua hoa huệ nhưng cố gắng sắp mãi mà không thành một mẫu tự nào. Kinh Kính Mừng tôi vẫn đọc nhưng không biết nguyện cầu những gì khi Toản đã không còn ở trên đời. Lời nguyện cầu duy nhất là xin bình an cho anh. Giờ Toản đã vĩnh viễn bình yên, cuộc sống anh không còn bị khuấy động bởi tiếng đạn bom, và tôi cũng đang đưa mình đến một nỗi bình yên tang chế, thế là xong.
Tôi nghĩ đến tu viện với một nếp sống yên tĩnh cho tâm hồn niên viễn nhưng tôi đã dừng lại ý nghĩ đó. Tôi hiểu những đợt sóng ngầm từ tận cùng tâm hồn tôi sẽ không thể nào lặng yên trở lại bởi sự yên tĩnh bề ngoài. Chúng chấp nhận những người đến với Ngài bằng một tâm nguyện chân thành chứ không chọn những kẻ tuyệt vọng tưởng mình có thể tìm sự thanh thoát bằng cuộc đời tu hành. Ngọn núi lửa phun lửa từ lòng núi và những đớn đau trong tôi được dồn nén cũng sẽ trở thành những cuộc nổi loạn khó trị mà nếp sống bình lặng của tu viện chỉ làm tan tác thêm vết thương lòng.
Nhìn Mẹ, nhìn các em, tôi thấy mình có lỗi. Mẹ có tội gì
đâu? Các em có tội gì đâu mà phải chịu đựng tôi trong trạng thái bất thường này?Tôi nuốt nước mắt để gượng cười trước mặt mẹ, trước mặt em, nụ cười của tôi là một niềm tin cho mẹ, cho em. Tôi quên dần tôi để sống cho những người thân yêu. Tôi chắc đó là điều làm Toản vui dù anh đang ở một cõi hư vô nào đó.
Sinh tìm đến với tôi, Hùng tìm đến với tôi. Tôi nhìn những người bạn cũ bằng ánh mắt cảm kích một đeo đuổi lâu dài. Trước mắt tôi ai cũng thế. Hơn một lần mẹ phân trần cho tôi nghe về cuộc sống.
- Dù sao thì Toản nó cũng không còn. Đâu phải là con phản bội mà là một thực tế con phải chấp nhận là không ai sống mãi một mình nếu không đi tu. Chắc linh hồn Toản cũng mong muốn con được hạnh phúc.
Tôi nói nhỏ:
- Con hiểu mẹ ạ. Con biết Toản đã chết và con không còn lý do gì để đợi chờ. Con chấp nhận tất cả những gì sẽ đến nhưng không phải là bây giờ. Con sẽ quyết định khi sóng gió trong tâm hồn đã lắng xuống.
Tôi đã nói thật với mẹ ý nghĩ của mình. Tôi đã không đi tu thì tôi sẽ lấy chồng. Dù thời gian có đem lại cho tôi một lần yêu nữa hay không. Thời gian vẫn là liều thuốc tiên xóa nhòa những niềm đau dĩ vãng. Nhưng tình yêu của tôi với Toản đã xâm nhập cả những tế bào trong thân thể, đã có trong từng hơi thở, đã nằm trong máu luân lưu thì sự xóa nhòa không dễ, tôi chỉ có thể khép kín trái tim để chấp nhận kẻ đến sau bằng tình cảm của con người với con người.
******
Tôi đối diện Du bởi chiếc bàn nhỏ. Những bông hồng trong bình thủy tinh, ánh đèn màu ấm dịu làm không khí có vẻ ấm cúng. Anh Thành mời tôi dùng cơm tối với anh và người bạn, Du. Thành con bác tôi cũng là người anh tôi thương nhất.
Du vừa ở ngoại quốc về với cấp bằng Bác Sĩ.Tôi không phải là không hiểu thành ý của anh Thành nhưng không có lý do để trách anh. Tôi hiểu anh muốn tôi có người để vơi bớt những khắc khoải của kỷ niệm.
Anh nói với tôi:
- Du là bạn anh. Nó chân thật và hiền. Chừng đó tưởng đủ để anh yên tâm. Chinh phục được em hay không là chuyện của nó cũng như chấp nhận hay chối từ là quyền của em. Anh chỉ biết anh thương em gái anh và đưa đến cho em một người bạn.
Tôi cười:
- Anh học nghề “làm mai” bao giờ thế?
- Chắc là từ lúc em buồn.
Đưa tôi và Du vào đây anh Thành bảo mua thuốc hút. Tôi hiểu đó chỉ là một cái cớ và tôi thấy Du nhìn anh có vẻ biết ơn.
Tôi lên tiếng trước:
- Anh Du về nước lâu chưa ạ?
- Gần một tháng, chắc Uyên có nghe anh Thành nói?
Tôi lắc đầu:
- Không. Uyên nghe tên anh hôm nay là lần đầu. Bạn bè anh Thành, Uyên ít biết lắm.
Du cười nhẹ:
- Tôi với Thành thân nhau khá lâu.
Chợt nhớ đến Vũ Linh và Toản, tôi sa sầm nét mặt. Du bối rối.
- Hình như Uyên không được vui?
Tôi chống chế:
- Không có gì. Đôi lúc những suy diễn của tâm hồn mình không đi đôi với nét mặt.
- Nghĩa là Uyên vui?
Tôi đưa ly nước ngọt lên môi:
- Có lẽ.
- Sao lại có lẽ? Uyên không thể cho tôi một danh từ xác
định?
- Uyên không muốn giả dối. Dù sao chúng ta cũng mới biết nhau.
Du nhìn tôi, giọng anh thật ấm:
- Anh thì đã biết Uyên lâu rồi.
Tôi tròn mắt:
- Thật hả anh?
- Ít ra anh cũng biết mặt Uyên trước khi gặp. Bởi vậy sự bỡ ngỡ nơi anh không có. Điều đó chắc làm Uyên khó chịu?
- Anh Thành hả anh?
Du gật đầu:
- Thành nói với anh là có cô em gái đang buồn, và anh thì không cô em gái nào để nghe nũng nịu nên nói với Thành khi về nước anh sẽ xin được thay thế nó để chìu cô bé.
Du ngừng, nhìn vào mắt tôi:
- Uyên cho phép anh chìu không?
Tôi xoay chiếc ly trong tay:
- Chỉ sợ anh chìu không nổi.
- Anh cố gắng.
Anh Thành trở lại. Vừa kéo ghế ngồi anh vừa nói:
- Tìm mua gói thuốc mà phải đi mãi Lê Lợi mới có.
Tôi nói mát:
- Đường Lê Thánh Tôn mấy sạp bán thuốc dẹp hết hở anh?
Thành nheo mắt nhưng tôi lờ đi. Anh cười:
- Thế nào Du?Cô bé có chịu nói chuyện với mày chưa?
- Uyên đang thách tao chìu nổi cô ấy.
- Mày bảo sao?
- Cố gắng.
Tôi bật cười. Anh Thành ba hoa:
- Con nhỏ này cứng đầu lắm đấy. Tao là anh nó còn không chìu nổi, mày liệu.
- Anh làm như em khó tính lắm.
- Không khó nhưng đủ chết người.
Du nói:
- Giá anh biết Uyên trước thời gian du học thì hay biết mấy, ít ra là thỉnh thoảng nhận được những cánh thư với chân tình từ quê hương. Xa quê nhớ gớm Uyên ạ.
Tôi không tin Du nói thật nhưng ít ra câu nói vuốt ve được lòng tự ái của tôi. Anh Thành chen vô:
- Hồi mày mới du học, con nhỏ này còn mút cà rem.
- Giỡn hoài. 7 năm trước em cũng...
- 14 tuổi phải không?
Tôi nói nhỏ:
- 15 chứ bộ.
- Thì còn đòi cà rem chứ còn gì?
Tôi nguýt anh Thành một cái nên thân:
- Anh chỉ giỏi bắt nạt em.
Một vài khoảng thời gian tôi cảm thấy thoải mái. Nụ cười của Du chân thật và tôi thấy rõ Du dành cảm tình cho tôi thật nhiều, đó là điều mà tất cả những người con gái đều mong muốn.
Khi hai anh em về nhà, anh Thành hỏi tôi:
- Em thấy Du thế nào?
- Còn sớm quá để anh đặt câu hỏi đó.
- Anh biết. Nhưng ít ra em cũng có những nhận xét đại khái.
- Tạm được. Hắn có thể là bạn em.
Anh Thành xoa tay:
- Vậy tốt. Tình cảm dần dần rồi sẽ đến. Anh chỉ sợ em chê nó từ đầu. Anh cố tình tìm cho em một người bạn nhưng chưa bằng lòng ai ngoài Du.Anh hiểu hắn nhiều.
Tôi lẩm bẩm:
- Dù có ai đi nữa thì cũng chỉ đứng bên lề ngôi vị của Toản. Toản mãi mãi là hình ảnh ngự trị trong tim em.
Anh Thành thở dài:
- Anh hy vọng thời gian sẽ giúp em quên.
Tôi lắc đầu:
- Khó lắm. Trừ phi là phép màu.
- Đôi khi phép màu cũng hiện ra, nhất là đối với một tấm lòng thành.
Tôi cười:
- Anh tin Du nhiều quá.
- Anh hiểu nó.
Tôi mở lời trên đề nghị của mẹ:
- Con mới quen Du chưa được 6 tháng, làm gì quyết định vội vậy mẹ?
- Mẹ tưởng thời gian cũng đủ để con hiểu nó. Dù sao thì có thương con thành thật nó mới xin hỏi cưới. Con trai bây giờ dễ gì lấy vợ.
Tôi lắc đầu:
- Con chưa quên được Toản.
Anh Thành chen vô:
- Rồi sẽ quên Uyên ạ. Đời có gì tuyệt đối. Quan trọng như thể xác mình rồi cũng sẽ chết, sẽ rữa mục.
Mẹ tiếp:
- Gia đình ai cũng muốn con hạnh phúc, không ai ghét con mà khuyên vậy đâu.
- Con hiểu. Con đã đủ lớn để hiểu con phải làm gì. Con
không phủ nhận rằng con có cảm tình với Du, nhưng tình cảm đó, thời gian đó chưa đủ để quyết định sống bên Du trọn đời.
Anh Thành nghiêm giọng:
- Em còn hy vọng gì ở Toản?
- Ở Toản? Toản chết rồi. Người chết không thể sống lại. Em không đặt vấn đề hy vọng mà chỉ vì em chưa muốn ... Em có quyền của em. Du có thương thì cứ đợi.
- Em không nghĩ rằng thời gian sẽ làm người ta chán nản?
Tôi nhún vai:
- Em không cần. Nếu Du không đợi được thì có gì đáng nói nữa đâu? Chân thành yêu em, Du sẽ chờ.
Anh Thành lắc đầu:
- Chịu cô. Bướng thế là cùng.
Tôi cười mát:
- Không ngờ có ngày mẹ và anh ép buộc em trong việc mà chỉ có con tim mới có quyền quyết định.
- Anh không ép, thím cũng không ép. Ai cũng chỉ muốn em được hạnh phúc.
Tôi bướng:
- Hạnh phúc gì khi em không yêu? Không có tình yêu thì cuộc sống chung chỉ là địa ngục.
- Thôi Uyên, đừng cãi anh. Anh con có nói trái đâu? Con chưa muốn thì thôi. Mẹ chỉ khuyên con thấy người ta chân thành, lại có tương lai có thể bảo đảm cuộc sống con mai sau. Mẹ không muốn con xử tệ khi họ đối xử đẹp với mình.
Đột nhiên cơn tức bực tràn lên cổ họng tôi. Hình ảnh Toản chập chờn trước mắt. Tôi run lên uất ức. Gia đình là như thế sao? Tình thương là như thế sao? Tôi không yêu sao mẹ cố gán tôi vào? Tôi không yêu sao anh Thành bảo tôi chấp nhận? Mọi người làm chút cảm tình tôi vừa nhen nhúm cho Du chợt dưng tan biến. Không, Toản còn kia. Toản rõ ràng trước mặt tôi. Tôi không thể quên anh và không một quyền lực nào buộc tôi quên anh được. Tôi nói như gào:
- Sao ai cũng độc đoán với tôi hết vậy? Cuộc đời tôi, tôi
không được quyền định đoạt hay sao? Tôi lấy chồng cho tôi hay cho gia đình?
Anh Thành ghìm chặt vai tôi:
- Uyên, em điên rồi. Sao em nói vậy?
Nước mắt tôi ràn rụa:
- Tôi không cần anh. Anh chỉ nghĩ đến bạn anh, anh chỉ chú trọng đến cuộc sống vật chất mà không nghĩ gì đến tâm hồn hết. Anh nghĩ rằng tôi sẽ sống trong nhung lụa mà không nghĩ rằng tôi có thể chết dần mòn trên đống nhung lụa đó... Anh ác lắm...
Tôi tính nói thêm “cả mẹ, mẹ cũng không thương con”... nhưng tôi kịp nhìn thấy mắt mẹ long lanh như muốn khóc. Nỗi phẫn nộ trong tôi chợt dịu xuống. Anh Thành vuốt tóc tôi:
- Thôi bỏ đi cô bé. Bình tĩnh rồi nói chuyện. Chỉ tại em bực tức chứ anh có nói gì đâu.
Tôi nói một mình.
- Thật khó mà quên Toản.
- Tình yêu bao giờ cũng có lý. Anh nhận định theo khối óc, em nhận định theo con tim. Nhưng khi nào em có một phần lý trí vào nhận định em sẽ thấy anh nói đúng.
Tôi thấy mình hơi vô lý nhưng không dằn được những câu phản kháng bướng bỉnh. Tôi hiểu mẹ nhượng bộ, anh Thành nhượng bộ là để tôi khỏi chán nản. Tôi nhận rõ mình không yêu Du nhưng muốn giữ mãi tôi cho Toản, tôi phải tranh đấu và cuộc chiến không phải dễ. Tôi đơn phương tranh đấu với những lập luận không vững chắc. Giữ mình cho người sống thì dễ nhưng giữ cho người chết thật khó.
******
Tôi bước ra phòng khách, Du nhìn tôi buột miệng:
- Uyên đẹp quá. Giá bây giờ chúng mình đi phố thì tuyệt.
Tôi ngạc nhiên:
- Không đi phố? Anh định chúng ta đi đâu?
Du dìu tôi ngồi xuống salon:
- Mai mình đi nghe em. Hôm nay anh muốn đưa em đi thăm người con bác Tám bị thương ở Tổng Y viện Cộng Hòa.
Du nói thêm:
- Anh Toản bị thương mà không cho gia đình hay gì cả. May thằng bạn anh vô thăm người quen gặp anh ấy. Mình đi thăm một chút đi Uyên.
Tôi thảng thốt:
- Anh ấy tên gì?
- Toản.
Du nhìn tôi chăm chú:
- Có gì lạ không em? Em có quen?
Tôi lặp lại:
- Toản!
Đầu óc tôi quay cuồng muôn ngàn ý nghĩ. Toản!!! Du muốn nói Toản nào?? Toản anh của Du hay là Toản – người yêu của tôi?! Trời ơi! Có lý nào. Toản chết rồi cơ mà. Bức điện tín báo tử tôi còn cất trong hộc bàn!! Toản không còn nữa tôi mới tuyệt vọng đính hôn với Du để làm vui lòng mẹ. Tôi đã khổ quá nhiều, bây giờ định mệnh còn muốn đày đọa tôi sao nữa?! Không, nhất định không phải Toản của tôi, nhất định là anh của Du, chỉ là tên trùng tên, nhất định.
Nhưng... biết đâu!!
Tôi ngồi lặng. Du đứng lên nhưng thấy tôi xanh xao, anh hốt hoảng kêu lên:
- Uyên! Em làm sao vậy?
Tôi mệt nhọc chống chế:
- Nghe anh nói bị thương em nghĩ đến máu và chóng mặt... Với lại ngày còn đi học em cũng có người bạn tên Toản. Em liên tưởng đến anh ta.
Du cười:
- Em nhiều tưởng tượng thật. Yên chí đi, không phải bạn học của em đâu.
Tôi muốn nói với Du “Có thể còn hơn bạn học nữa anh à. Người yêu của Uyên đó”. Nhưng tôi dằn được. Tôi nhìn gương mặt Du, người con trai đã đặt vào tôi tấm chân tình tha thiết. Du tin tưởng tôi hoàn toàn. Anh chịu đựng một cách kiên nhẫn những nỗi buồn bất chợt của tôi. Chính sự chân thành của Du đã chinh phục tôi, không phải khía cạnh yêu đương mà là khía cạnh mến trọng. Thời gian xa Toản ngày càng dài. Nỗi tuyệt vọng lắng dần xuống như những chiếc lá úa phủ dày lên mộ phần dĩ vãng. Tôi không quên Toản nhưng chấp nhận Du trong tình người. Tôi nghĩ với Du mai sau, tôi không là một người tình như với Toản nhưng là một người vợ biết bổn phận... Du hiểu hay không hiểu ý nghĩ tôi, tôi không biết. Nhưng tôi biết quyết định của tôi làm mẹ vui. Lễ đính hôn của chúng tôi kéo dài 3 tháng thì tới
đám hỏi. Và Du định vài tháng nữa, khi phòng mạch của anh vững rồi chúng tôi sẽ làm đám cưới.
Thôi cũng yên một đời. Tôi tạ tội với Toản bằng máu tim
mình và bao đêm khóc thầm cũng đủ. Toản chết là yên. Tôi sống tôi phải lo, phải chấp nhận sự an bài của định mệnh. Du yêu tôi và Du tế nhị, anh biết tôi tuyệt vọng trong tình yêu và đang tìm quên nên hết sức chìu chuộng tôi. Mẹ rất hài lòng về điểm này và anh Thành dường như cho đó là một thành công rực rỡ trong đời “làm mai” của anh.
Tôi tưởng giòng nước mắt đã xuông và quên đi bến cũ. Nấm mồ dĩ vãng được vun bồi ngày càng dày, càng lịm, không ai khơi quật.Sự bình thản rồicũng dần dần chiếm những khoảng suy tư khắc khoải xưa...Tôi tưởng...
Vậy mà bây giờ Du lại vừa nhắc đến Toản. Dù tôi chưa biết chắc có phải là Toản của tôi không, nhưng đó cũng là một vết chém làm toạc trở lại vết thương chưa khép.
Du làm sao hiểu điều đó, anh giục:
- Mình đi nhé em.
Tôi thoái thác:
- Hay là anh đi một mình, em không đi đâu.
- Sao vậy?
- Tự dưng em thấy sợ nhà thương thế nào...
Du cười âu yếm:
- Cô bé lại nghĩ vớ vẩn rồi. Có gì đâu mà sợ, cưng. Nơi bệnh người ta nằm làm sao dễ sợ bằng phòng cấp cứu mà anh có một lần đưa em đến? Đây là anh Toản, anh ấy sắp bình phục rồi mà.
Tôi cố giấu những ý nghĩ của mình, tìm cớ với Du:
- Nhưng không hiểu tại sao hôm nay em không muốn đến những nơi đó.
Du có vẻ buồn:
- Anh không ép em, nhưng hy vọng được giới thiệu em với những người thân của anh, anh muốn mọi người biết em.
Tôi cười mơn:
- Rồi ngày đám cưới mọi người cũng sẽ biết, anh lo gì. Bộ cô dâu trốn đâu được hay sao.
Du im lặng, tôi an ủi:
- Nghe em, chìu em đi anh. Đi thăm anh Toản hộ em.
Du lắc đầu:
- Thôi, hôm khác anh đi. Bữa nay để đưa em đi phố đã. Bé đã sửa soạn thế này mà bắt ở nhà thì tội quá.
Tôi ngồi lặng đi không biết nói sao. Thật sự tôi rất muốn đi với Du đến thăm Toản. Tôi vừa muốn được nhìn thấy lại người tình vừa muốn gặp một kẻ xa lạ để xác định với tôi lần cuối rằng Toản không còn trên đời. Nhưng tôi sợ...Tôi sợ không tự chủ nổi nếu thật sự Toản còn sống, mà với hoàn cảnh hiện tại của tôi, sự tái ngộ chỉ gây thêm đau đớn. Hơn thế, nếu Toản là anh của Du không phải Toản của tôi thì tôi sẽ thất vọng đến đâu...
Tất cả những mâu thuẫn vây bọc, dồn tôi vào bước đường cùng. Tôi muốn đứng lên với Du nhưng một sức mạnh vô hình kéo ghì tôi lại.
Vẻ rối loạn của tôi không giấu được Du. Anh lo lắng:
- Anh thấy em có vẻ khác lạ. Sao vậy Uyên?
Tôi gượng cười:
- Có gì đâu anh?
Du lắc đầu nhè nhẹ:
- Em đừng giấu anh. Em có vẻ như muốn bịnh.
Anh đặt tay lên trán tôi:
- Đầu em không nóng. Nhưng em có mệt không?
Tôi nhìn Du bằng ánh mắt biết ơn:
- Anh săn sóc em quá. Em chỉ hơi cảm thấy khó chịu.
- Mình đi phố nghe, cho em vui quên đi sự mệt mỏi.
- Anh không đi thăm anh Toản sao?
- Mai anh đi cũng được. Anh Toản còn nằm bệnh viện lâu mà. Anh ấy sắp bình phục rồi.
Du nhìn tôi:
- Kẻ mới bệnh đáng lo hơn người sắp khỏi bệnh, cưng.
- Anh chìu em, không sợ em hư à?
- Hư sao được, vợ cưng của anh là nhất. Anh hoàn toàn tin tưởng em.
Tôi hơi cúi mặt. Tôi biết Du đã nói thật nhưng lương tâm tôi không yên chút nào. Du yêu và tin tưởng tôi quá nhiều, liệu tôi có xứng đáng với niềm tin của anh không?
Suốt buổi dạo phố không lúc nào tôi cảm thấy vui. Hình ảnh Toản chờn vờn ám ảnh. Tôi nhìn vào những tủ hàng và thấy gương mặt Toản trong đó. Tôi thấy Toản cười, tôi thấy Toản nhăn mặt. Tôi đi bên Du như một người mê ngủ. Đôi khi Du hỏi gì tôi cũng không nghe. Du cho rằng tôi mệt nên không nói gì. Khi hai đứa vào tiệm nước, tôi nghĩ nếu bây giờ bất chợt Toản hiện ra trước mặt không hiểu tôi sẽ đối xử cách nào? Tự dưng tôi nơm nớp lo sợ. Nỗi bình yên một lúc đã tạm xoa dịu tuyệt vọng trong tôi giờ đã biến tan. Tôi lao mình vào một cơn lốc khác, không còn tuyệt vọng nhưng bi thảm hơn nhiều.
******
- Lệ Uyên, tỉnh lại. Anh đây. Toản đây Uyên.
Tôi mở mắt, hình ảnh Toản làm tôi bàng hoàng:
- Anh...
Toản cười thật tươi:
- Em không tin sao?
Tôi chớp mắt:
- Em không tin anh còn sống.
- Nhưng anh đang đứng trước mặt em.
- Em biết.
- Và em tin?
Tôi gật đầu:
- Như một phép màu.
Toản dang rộng tay và tôi ngã vào đó. Vòng tay anh khép lại giam trọn hình hài tôi. Anh thì thầm:
- Nhớ em quá, nhiều lúc anh chỉ muốn điên. Lệ Uyên, em có nhớ anh không?
- Em điên cuồng trong ý nghĩ vĩnh viễn xa anh.
Toản nhìn sâu vào mắt tôi:
- Anh bất diệt em không biết sao?
Nhưng đột nhiên tôi nghe âm thanh của Toản khác lạ. Thứ âm thanh xa xôi vời vợi như từ một thế giới nào vọng tới. Tôi rùng mình, bất giác buột miệng:
- Toản, làm sao anh về được? Anh...anh chết rồi cơ mà.
Tôi giương tròn mắt nhìn người tình thật chăm và bỗng
dưng nụ cười trên môi anh rũ buồn, cả gương mặt Toản như biến đổi và vòng tay anh đang xiết lấy tôi cũng lạnh dần.
Tôi hỏi dồn:
- Toản... anh... anh còn sống thật không?
Toản không trả lời nhưng từ thái dương anh một dòng máu tràn ra. Dòng máu xối xuống vai anh, ngực anh và xối cả lên mặt tôi. Mặt anh ngập ngụa máu, tôi ngộp trong mùi máu và tôi rú lên kinh hoàng...
Mẹ đứng cạnh giường tôi, Châu và Thanh đứng cạnh giường tôi. Tôi ngơ ngác nhìn mọi người rồi nhìn quanh. Tôi đang ở phòng mình. Bên tôi không có Toản, chỉ có những người thân yêu đang nhìn tôi với bằng đôi mắt lo lắng. Tôi thở nhẹ:
- Con nằm mơ.
Mẹ sờ tay lên trán tôi:
- Con ấm đầu, bệnh rồi đấy.
Châu cúi sát mặt tôi:
- Chị mơ gì mà sợ dữ vậy?
Tôi nói không ra hơi:
- Anh Toản.
Thanh lắc đầu:
- Chị bị ám ảnh nặng quá.
Tôi hỏi Châu:
- Mấy giờ rồi em?
- Sáu rưỡi chị.
- Sáng rồi cơ à?
Tôi nhớ cả đêm qua tôi trăn trở hoài vì những ý nghĩ về
Toản. Tôi quyết định hôm nay sẽ đi thăm anh, đi một mình chứ không phải với Du. Dù muốn dù không tôi cũng phải tự mình xác nhận lại lần cuối về Toản. Tôi chưa biết nghĩ sao nếu quả thật Toản còn sống. Điều
trước tiên là tôi phải biết rõ điều đó... tôi không thể để bị
ám ảnh mãi dù đã có lúc tôi buông trôi theo sự an bài của định mệnh.
Hôm qua Du nói với tôi là hôm nay bận việc nên có lẽ chưa đi thăm Toản được. Đây là dịp để tôi thực hiện ý định. Tôi không thể chờ đợi được nữa. Đợi thêm một ngày tôi điên mất.
******
Tôi xô nhẹ cửa phòng, người thương binh đang ngồi sóc những lá bài tây ngước nhìn tôi. Tôi nghẹt thở, run rẩy tưởng muốn quị xuống. Toản của tôi chứ không ai xa lạ. Tôi lắp bắp:
- Toản... Em không ngờ.
Toản như định thần nhìn kỹ tôi để khỏi lầm. Rồi mắt anh
sáng lên và tôi nghe âm vang quen thuộc:
- Lệ Uyên... em.
Tôi đi nhanh lại Toản. Những lá bài rơi tung xuống đất. Tôi sà xuống ngồi cạnh anh. Mắt tôi ngập lệ. Tôi nghẹn ngào:
- Anh còn sống thật phải không?
Toản cười và tôi ngộp thở trong nụ cười trìu mến đó. Toản nói:
- Sao em biết anh ở đây?
- Một người bạn em nói gặp anh. Nó đi thăm người quen trong này. Nó nói với em là thấy người giống anh nhưng nó không dám cả quyết.
- Và em. Lệ Uyên, em có tin anh còn sống không?
Tôi lắc đầu nhè nhẹ:
- Một phần thôi. Bức điện tín báo tin anh chết đã làm em nghi ngờ bạn mình ngộ nhận. Em chỉ còn dám hy vọng ở phép màu.
- Và bây giờ là sự thật....
Tôi thở nhẹ:
- Phải, là sự thật.... Em không ngờ.... Em tưởng em đang mơ....
Toản hơi nheo mắt:
- Hình như em không vui gặp lại anh hở Uyên?
Tôi chống chế:
- Đột ngột quá. Em vẫn chưa trấn tĩnh được. Lúc nãy lại văn phòng hỏi tên anh cả tên lẫn họ đều đúng mà em vẫn còn một chút nghi ngờ... Em sợ sự thật sẽ dìu em trở lại hố sâu tuyệt vọng.
Toản vuốt tóc tôi:
- Tội nghiệp bé. Anh sẽ đền bù cho em những khổ sở em đã chịu.
Tôi nhìn người tình: Toản gầy hơn trước, có lẻ vết thương làm mất nhiều máu. Anh xanh xao dù thời gian dưỡng thương có lẽ không phải ít. Toản kéo tôi ngồi sát lại anh. Trong một tia sáng của lý trí tôi gượng lại, dang xa Toản. Nhưng sức mạnh của anh làm tôi không thể kháng cự. Tôi hỏi Toản sự thắc mắc duy nhất:
- Em không hiểu gì cả. Anh còn sống tại sao có bức điện tín?
Toản gật gù:
- Anh biết em ngạc nhiên lắm. Nhưng nếu em biết rằng anh đã bị trọng thương trong một trận đụng độ dữ dội. Vết thương ở bụng và chân mặt quá nặng làm anh hôn mê cả tháng trời. Anh chịu đựng những cuộc giải phẩu thập tử nhất sinh và nằm phòng hồi sinh một thời gian dài. Anh không nghĩ là anh có thể sống...
Tôi trào nước mắt:
- Vậy rồi anh không nghĩ đến em? Tại sao anh không cho em biết? Anh có biết là suốt thời gian vắng tin anh, em sống như người mất trí không? Tại sao anh ác đến độ không cho em biết để được chia sẻ nỗi đớn đau của anh?Anh sợ em không chịu nổi hay anh không cần em?
Giọng tôi nghẹn lại. Tôi trách Toản và anh lặng yên nghe tôi trách. Anh đan bàn tay vào tay tôi. Anh nói nho nhỏ, vừa thủ thỉ vừa dỗ dành:
- Anh nhận hết những hờn giận của em. Hãy tha thứ cho anh và nghe anh nói. Anh hiểu Uyên lắm. Em yêu anh nhiều và em đã khổ nhiều vì anh. Nhưng lúc đó, vết thương của anh không cho phép anh nuôi một hy vọng nhỏ nào rằng anh sẽ không chịu tàn phế. Mà anh đã tàn phế thì lý nào anh kéo luôn em vào cuộc đời bất hạnh đó.
Tôi định nói nhưng ngón tay Toản đã đặt trên môi tôi, anh tiếp:
- Lúc đó bác sĩ cho anh biết rằng có lẽ chân anh sẽ phải bị cưa vì những tế bào đã chết, không thể nào cứu được. Bác sĩ chỉ cứu được mạng sống chứ không thể đưa anh ra khỏi sự tật nguyền. Anh nghĩ đến em và anh phải tranh đấu dữ dội với sự mâu thuẩn trong tâm hồn mình. Anh muốn cho em biết để em đến với anh rồi anh lại sợ gặp em... nếu em hiểu được lúc đó anh khổ sở như thế nào? Anh nhớ em muốn điên lên nhưng anh phải dằn xuống. Tương lai anh đen tối và tương lai thì em quá đẹp. Em còn quá trẻ, em hồn nhiên, yêu đời, anh nỡ đẩy em vào cuộc đời hẩm hiu bên người chồng tật nguyền hay sao, dù anh biết rằng có thể vì yêu anh,
em sẵn sàng chấp thuận, nhưng anh không muốn....
- Bởi thế anh đánh điện cho em?
- Anh nhờ người bạn làm công việc đó. Lúc đó anh đang ở vào tình trạng bi quan nhất, anh chờ cưa chân. Anh tê điếng cả tâm hồn khi nghĩ đến chuyện xa nhau vĩnh viễn. Tâm hồn anh đã gởi ở nơi em hết rồi, xa em anh chỉ còn là một cái xác sống, nhưng còn biết sao hơn? Anh muốn em tin rằng anh đã chết, anh muốn em quên anh, vĩnh viễn quên anh để tạo dựng tương lai...
Tôi khóc, nước mắt mặn trên môi. Nước mắt ướt vai áo tôi và ngực áo chiến thương của Toản. Tôi không biết nói gì. Tôi lặng yên để hưởng lại những giây phút hạnh phút mà tôi ngỡ mãi mãi không bao giờ còn được hưởng. Tôi thì thầm:
- Đó là những ý nghĩ trước kia, còn bây giờ?
- Giờ thì tất cả đã đổi khác. Chỉ cần một thời gian ngắn
dưỡng bệnh nữa là anh hoàn toàn bình phục.... Anh đã và đang nghĩ đến em. Anh định dành cho cho em một bất ngờ về ngày gặp gỡ... Anh bắt đầu xây lại giấc mơ hạnh phúc ở ngày mai.
Trong một lúc tôi hoàn toàn buông thả tâm hồn mình trong tình yêu diễm tuyệt. Tôi quên Du, quên hoàn cảnh hiện tại. Trước mắt tôi là Toản, sau lưng tôi là Toản, chung quanh tôi là Toản.
- Lệ Uyên... em đến giữa lúc anh không dám mơ ước. Em hiện đến như một nàng tiên với hào quang rực rỡ. em làm anh ngợp, anh tưởng mình mơ.
- Em cũng thế...
- Uyên biết không, đôi lúc anh cũng ngần ngại trong ý
tưởng trở về của mình. Anh không biết mình sẽ đón nhận sung sướng hay đau khổ? Nếu em còn là Lệ Uyên của ngày xưa thì không nói gì, ngược lại, em tin anh đã chết và đã thay đổi hướng đời thì chắc anh sẽ quay về với sự cô đơn trọn kiếp.
Tôi choáng người. Câu nói vô tình của Toản quăng vút tôi từ khoản cao vút mộng mơ đến hố sâu thực tế. Tôi chợt nhớ ra rằng mình sắp là vợ Du, tôi chợt nhớ ra bây giờ tôi không còn là của Toản, ít ra cũng trước mắt mọi người...
Môi tôi nghiến vào nhau để dằn tiếng nấc đau thương. Tôi muốn trách Toản sao nhắc làm gì để tôi trở về thực tại, sao không lặng yên để tôi hưởng thêm đôi chút hạnh phúc, thứ hạnh phúc ảo ảnh mà tôi đang cố ôm ghì sợ sẽ biến tan đi.
- Lệ Uyên?
Tôi nhìn Toản chờ đợi:
- Em buồn anh lắm phải không?
Tôi im lặng.
- Hình như em không được vui. Giữa chúng mình đã có gì thay đổi chưa Uyên? Đã có ai chiếm ngự trong tim em? Nói đi?!! Sao em buồn? Nhìn mắt em anh biết em đang giấu anh điều gì... Uyên có phải em đã có người...
Tôi van lơn:
- Đừng hỏi han gì em cả, Toản. Hãy biết rằng Lệ Uyên đang ở cạnh bên anh. Uyên của ngày xưa và bây giờ chỉ là một. Trong tâm em, không ai thay thế được anh...
Toản nồng nàn:
- Như thế là quá đủ cho anh. Cô bé, nhìn thẳng anh đây này... không có gì thay đổi giữa chúng ta phải không?
Không hiểu sao tôi gật đầu.
- Và anh có quyền hy vọng chứ em?
Tôi giương tròn đôi mắt, thu hết gương mặt thương yêu của người tình và hỏi Toản đột ngột:
- Nếu anh biết em đã có người yêu rồi thì sao?
- Anh sẽ ra đi.
- Anh không yêu em?
Tôi muốn đo lường tình cảm của Toản. Anh cười nhẹ:
- Có lẻ vì quá yêu em thì đúng hơn.
- Yêu em mà bỏ em?
- Người nào em đã chọn tức là em sẽ có hạnh phúc. Và
không gì sung sướng bằng biết rằng người yêu mình được hạnh phúc.
- Anh không tranh đấu?
- Đôi khi mình cũng phải hy sinh chứ em.
Toản bóp nhẹ vai tôi:
- Mà sao Uyên hỏi anh câu hỏi đó?
Tôi lắc đầu:
- Có gì đâu... Em muốn hỏi.
- Vậy mà làm anh hết hồn. Anh tưởng em đã có người khác.
Tôi thở dài chua xót. Toản ơi, anh làm sao hiểu được Uyên? Anh làm sao cảm thông được hoàn cảnh hiện tại của em? Em đang đứng trước mặt anh nhưng cảm thấy xa anh vô cùng. Khoảng cách chúng mình không gạch nối và bị dòng nước cuốn theo cho càng lúc càng xa nhau. Mình lao vào cơn sóng cuồng để rồi càng vùng vẫy càng bị đẩy ra khơi...
Em nói sao với Du? Em nói sao với anh? Em yêu anh nhưng còn Du? Em làm sao thoát ra được màng lưới định mệnh đã giăng sẵn để hoàn toàn tự do lao vào nhà tù yêu dấu của anh? Em tưởng anh không còn trên đời nên tự mình vào một bẫy ngầm để an bài số phận... bây giờ...
Thấy tôi không nói gì, Toản tiếp:
- Lệ Uyên, những thử thách của chúng ta đã qua rồi. Từ bây giờ không còn gì để em lo nữa.
Tôi nghĩ thầm: “Không phải thử thách đã qua mà chỉ mới bắt đầu”
******
Giã từ người yêu tôi gọi xe đi thẳng về đường Cường Để. Tôi đi bộ một quãng trên con đường lộng gió đầy lá me bay. Lá vương trên tóc, lá sà dưới bước chân tôi, những chiếc lá mỏng manh bé nhỏ như thân phận con người. Tôi chợt thấy mình còn lao đao hơn chiếc lá. Đầu óc quay cuồng, tôi thả những bước vô hồn vào nhà nguyện Carmel. Những bậc thềm quen thuộc, ngôi nhà nguyện vắng vẻ lạ lùng. Tôi chạy đến quan tài Nữ Thánh Thérèse. Qua lớp thủy tinh trong suốt gương mặt Nữ Thánh dịu hiền, thanh thản. Tôi nhìn thật lâu vẻ thanh thoát của bức tượng, tôi nhìn thật lâu vào những đóa hồng tạc y như thật... Tôi không biết nói gì với Nữ Thánh. Những lời cầu nguyện thường lệ tôi không còn nhớ được gì, đầu óc tôi rỗng tuếch, tôi làm dấu trở ra và ngồi xuống bậc thềm.
Rất lâu như thế, tôi gục đầu vào vòng tay kê lên gối. Tôi
nghĩ đến Toản, tôi nghĩ đến Du... Toản đã về và Du thì
không thể ra đi, làm sao bây giờ. Tôi yêu Toản nhưng đã bị ràng buộc vào Du ít ra là trong lễ nghi hôn ước... Trước mắt mọi người tôi sắp là vợ Du nhưng với tôi, tôi là của Toản... Tình yêu, con toán phức tạp không dễ dàng giải đáp. Tôi dở cười, dở khóc, nhớ đến một bài thơ nói lên tình cảnh một người con gái giống mình, tôi lẩm bẩm đọc:
“Tôi buông thân trong tay người
Chợt nghe mặn đắng nụ cười mỉa mai
Tóc xanh nửa mái xõa dài
Che nghiêng ánh mắt liêu trai thẳm buồn
Xin người ngừng lại nụ hôn
Cho tôi chết hẳn nửa hồn thương đau
Người về từ nẻo rừng sâu
Nhìn nhau... bỗng lạ lời đầu trên môi
Còn người sao lại còn tôi?
Khi hai ngã rẽ cuộc đời chia xa
Giờ tôi là của người ta
Giờ tôi... áo cưới, xe hoa đang chờ
Trả người một nửa mộng mơ
Tôi mang giấy bút viết thơ tạ tình
Bao lần tôi nghẹn lời kinh
Khi mong sớm dứt chiến chinh... người về!
Vì đời tan mộng đam mê
Vì người ta xóa hẹn thề cho tôi
Người ơi! Đã mất nhau rồi
Tôi không muốn dối bằng lời sắt son
Mai người trở lại tiền đồn
Xin cho tôi gởi nửa hồn băng trinh. ”(2)
....................
Ngày xưa, đọc bài thơ đó tôi chỉ cảm thương cho người
trong cảnh ngộ nhưng giờ này tôi mới thấm thía nổi tuyệt vọng, đớn đau... Tôi cũng đang là người con gái đó, tình yêu trong tầm tay mà run rẩy bước xa dần...
Một bàn tay nhẹ đặt lên vai tôi. Tôi ngẩng lên bắt gặp
gương mặt hiền từ của một nữ tu già, Soeur dịu dàng:
- Em sao vậy?
Tôi khẽ chớp mắt:
- Thưa Soeur, tối rồi phải không?
- Đó không phải là vấn đề. Nhưng Soeur thấy em hình như ở trong trạng thái tinh thần không được bình thản.
- Em ngồi lâu lắm không Soeur?
Soeur gật đầu:
- Khá lâu. Điều đó làm Soeur ngạc nhiên. Em đang buồn lắm phải không?
Tôi gật nhè nhẹ. Soeur ngồi xuống cạnh tôi:
- Soeur có thể là người bạn của em không?
Mắt tôi đầy cảm kích:
- Soeur tốt quá.
- Em cần người chia sẻ?
Giọng tôi rưng rưng:
- Hoàn cảnh em khổ lắm Soeur ạ. Chả có ai giải quyết được cho em cả. Tâm tư em đặt trong tình trạng khủng hoảng dễ sợ... Soeur ơi, sao đời còn có những người con gái khổ như em?
Soeur dịu dàng vuốt tóc tôi. Cử chỉ âu yếm, cởi mở làm tôi thấy tâm hồn dịu lại. Tôi để yên cho người nữ tu an ủi. Có lẻ lúc này tôi cần một bàn tay dịu hiền như thế. Giây lâu, tiếng Soeur thật nhẹ:
- Tên em?
Tôi đáp:
- Thưa Soeur, Lệ Uyên.
- Em còn trẻ quá. Bao nhiêu tuổi Uyên nhỉ?
- Em 22...
- Sao hôm nay Uyên buồn?
- Em mang tâm sự đến chia sẻ với Thánh Nữ Thérèse.
- Nữ Thánh nói gì với em?
- Thưa không. Nữ Thánh chỉ bảo em ráng mà quên.
Soeur lập lại:
- Quên?
- Vâng.
- Sao lại quên? Quên ai?
- Người yêu của em.
Giọng Soeur chùng xuống:
- Hoàn cảnh ngang trái hở Lệ Uyên?
Tôi gục đầu vào tay người nữ tu già khóc như một đứa bé. Nước mắt như không giới hạn trào ra, trào ra mãi. Trong cơn tức tưởi, tôi kể lại tất cả... Tôi nói với Soeur, tôi nói với mình, tôi nói cả với Du, với Toản...
Soeur nghe hết, Soeur gật gù chấp nhận rằng đó là hoàn cảnh khó khăn. Tôi hỏi ngắn:
- Giờ em phải làm sao?
Soeur ngần ngừ, tôi giục:
- Soeur nói đi. Soeur cho em một lời khuyên đi.
- Tuổi trẻ ai cũng gặp những việc rắc rối. Thường là đến một lúc nào đó, khá lớn, người ta mới nghĩ được cách giải quyết êm đẹp, nhưng những phương cách đó, lúc trẻ người ta không bao giờ chấp nhận.
Tôi tròn mắt:
- Em không hiểu ...
Mắt Soeur thoáng vẻ mơ mộng xa xăm:
- Lúc ở vào lứa tuổi em bây giờ, Soeur cũng đã từng gặp nghịch cảnh.
- Trong đời sống tu hành?
- Không, lúc đó Soeur chưa vào dòng.
Tôi tò mò:
- Chắc là một chuyện tình đẹp phải không Soeur?
- Chuyện tình nào cũng đẹp... chỉ có kết thúc vừa ý mình hay không.
- Soeur kể em nghe đi.
Bằng giọng đều đều, Soeur kể cho tôi nghe chuyện hai mươi mấy năm trước.
Ngày đó Soeur yêu một thanh niên học cùng trường. Tình yêu đến một độ cao, thì gia đình Soeur ngăn cấm. Lý do: người đó không cùng tôn giáo, mà cách đây 30 năm việc tôn giáo hòa đồng là một chuyện không thể có. Bằng mọi cách, gia đình tách rời hai kẻ yêu nhau. Soeur than van khóc lóc, sự việc cũng không thể nào cứu vãn. Một bài toán không bao giờ tìm ra đáp số. Gia đình hứa chìu Soeur trong tất cả mọi ước muốn trừ việc lập gia đình với người khác tôn giáo.
Tôi nôn nao ngắt lời:
- Rồi Soeur làm sao? Soeur đi tu à?
- Chưa. Lúc đó Soeur khổ quá đến nổi không nghĩ gì được. Soeur cũng bị căng thẳng như em bây giờ. Trong gần cả tháng trời, Soeur nằm vùi, cơn đau tâm hồn và cơn đau thể xác làm Soeur trở nên tiều tụy... người yêu cũng tìm đủ cách để được gặp nhưng những cuộc gặp gỡ lén lút chỉ làm khổ thêm khi hai đứa chia tay. Những lời an ủi không làm vơi được tuyệt vọng. Soeur sống trong sự khắc khoải từng ngày...
Soeur ngừng nói. Tôi nhìn trên nét mặt khắc khổ còn sót lại những đường nét thanh tú của ngày xưa và chắc rằng lúc trẻ Soeur đẹp lắm...một thiếu nữ trẻ đẹp bị dằn vặt giữa con toán bí của tình yêu... Tôi xót xa thở dài:
- Chắc Soeur khóc nhiều lắm?
- Hầu như không còn nước mắt để khóc. Soeur hiểu rằng không thể làm gì khác hơn là xa nhau, mà phải xa người yêu thì cuộc sống chỉ còn là một chuỗi ngày vô nghĩa... sau cùng thì người ấy bỏ tỉnh ra đi sau khi viết lại một lá thư bằng tất cả chân tình lẫn tuyệt vọng. Người ấy vào lính. Còn Soeur, Soeur xin vào cô nhi viện săn sóc những đứa trẻ mồ côi.
- Rồi bao lâu nữa Soeur mới đi tu?
- Cũng khá lâu. Khi tâm hồn Soeur đã bình lặng trở lại.
Soeur thấy không còn luyến tiếc gì cuộc sống thế gian nữa nên Soeur xin hiến mình vào nhà Chúa...
Soeur nhìn sâu vào mắt tôi:
- Bao nhiêu năm rồi, Soeur quên tất cả. Cuộc sống của
Soeur bây giờ là một chuỗi sống thanh thản vô cùng. Soeur quên rằng một ngày nào đó của dĩ vãng Soeur cũng đã gặp tình yêu...
Tôi chợt nhoẻn cười:
- Và em làm Soeur nhớ lại?
- Hoàn cảnh em giờ có lẽ còn rắc rối hơn..nhưng không có rắc rối nào mà không có cách giải quyết... có điều mình chấp nhận cách giải quyết đúng hay không.
Tôi trở lại vẻ thảm não:
- Đã là cách giải quyết đúng thì mình chấp nhận chứ Soeur.
- Đôi lúc không hợp ý mình Uyên ạ. Dù đó là phương cách hoàn toàn nhất. Chỉ vì cách giải quyết nào được đưa ra cũng nặng phần lý trí hơn con tim.
Tôi hiểu Soeur muốn nói gì. Tôi lẩm bẩm:
- Nhưng em yêu Toản quá nhiều. Em chỉ làm vợ Du khi biết rằng Toản đã chết.
- Sao bây giờ em không coi là Toản đã chết rồi?
- Không được Soeur ơi, Toản còn sống. Chính mắt em thấy và em cũng hiểu rằng suốt cuộc đời em chỉ yêu có Toản.
Tôi đưa hai tay ôm lấy đầu:
- Nếu em bỏ Du một cách dễ dàng được... trời ơi, tại sao em lại không thể dứt khoát với Du được? Tại sao em là lại vị hôn thê của Du?
Tôi nắm chặt tay Soeur, lắc mạnh:
- Không thể được, Soeur, em không thể làm vợ Du, em sẽ tranh đấu bằng mọi cách để được trở về với Toản...
Giọng Soeur buồn buồn:
- E rằng em sẽ thất bại, thà đừng tranh đấu, sự chấp nhận sẽ ít đau khổ hơn.
Tôi lắc đầu:
- Em không thể mất Toản... em phải thắng...
- Uyên quên rằng Du không có lỗi, Uyên cũng không có lỗi. Chỉ tại bức điện tín của Toản... nếu Toản không dàn cảnh để em thấy Toản chết, có phải em vẫn chờ và mọi việc đã tốt đẹp rồi không?
- Nhưng chỉ tại Toản yêu em, Toản muốn hy sinh...
- Đó là một dấu chấm của định mệnh. Vì yêu em, bây giờ Toản cũng có thể hy sinh... Uyên thấy không, Du vô tội mà là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Cả gia đình em cũng sẽ khổ nếu em cương quyết hủy lễ hỏi. Dù sao đó cũng là một điều khó xử cho người lớn...
Tôi im lặng. Soeur tiếp:
- Cố gắng để lý trí tham dự một phần trong hoàn cảnh này Uyên ạ... Để mai sau em không ân hận.
- Em sẽ không bao giờ ân hận nếu được trở về với Toản. Chúng em đã có bao nhiêu kỷ niệm tuyệt vời để trang trải lên khoản đời sóng gió có thể đến trong tương lai... Bên Toản em sẽ hạnh phúc hoàn toàn... Em cám ơn lời khuyên của Soeur, nhưng em sẽ cố gắng tranh đấu.
- Thỉnh thoảng em ghé qua cho Soeur biết nhé.
- Vâng, em sẽ ghé thăm Soeur... Bây giờ em về... Soeur góp lời cầu nguyện cho em...
Soeur gật đầu nhè nhẹ! Tôi đứng lên, tóc và áo tung bay trong gió đêm... Con đường Cường Để vẫn im lìm khi tâm tư tôi sôi sục bao nhiêu ý tưởng...
Tôi bước vào nhà. Du đang ngồi ở salon đứng bật dậy. Du đến bên tôi lo lắng:
- Em đi đâu cả một buổi chiều? Anh đến đón em đi thăm anh Toản mà không có...
Tôi cảm thấy hồi hộp:
- Rồi anh đi một mình?
Du lắc đầu:
- Không. Không có em anh buồn quá nên ở nhà nói chuyện với các em... Uyên, em đi đâu mà nhà không biết?
Nụ cười trên môi tôi gượng gạo:
- Em đến nhà cô bạn... buồn quá...
Mắt Du thăm thẳm:
- Em buồn... anh có thể chia sẻ không Uyên?
Tôi thoái thác:
- Chỉ là nổi buồn bâng quơ... Đôi khi em cũng không hiểu chính em nữa.
- Anh thấy em có vẻ mất sức. Mấy hôm nay em xanh lắm...
Đột nhiên tôi gằn giọng:
- Anh khỏi phải lo cho em. Em là người lớn chứ không phải đứa con nít mà lúc nào cũng cần người ta chăm sóc... Em biết anh là bác sĩ, nhưng anh lo cho bệnh nhân của anh đi, em không cần...
Mắt Du đầy ngạc nhiên. Anh ấp úng:
- Kìa Uyên, sao bỗng dưng em lại bực tức với anh. Anh lo cho em là vì anh yêu em...
Tôi cắt ngang:
- Yêu... Bộ cứ yêu là người ta bị đóng khung vào một cái hộp hay sao? Lúc nào anh cũng hỏi han y như em là một món đồ trong tay anh... Anh muốn chen vào tất cả những ý nghĩ riêng tư của em... Anh làm em cảm thấy mất hết cả những sự tự do nhỏ nhặt nhất.
Tôi nói một hơi, không cần biết mình có lý hay vô lý. Tôi nói trong sóng mắt đầy ấp ngạc nhiên của Du. Tôi thấy trán anh cau lại. Tôi chờ cơn giận của người con trai bốc lên bởi những lời lẽ hồ đồ của tôi. Tôi chờ đợi những lời hằn học của Du để phản kháng, để làm nguyên nhân cho một cuộc chiến tranh mà tôi không hiểu mình sẽ thắng hay bại. Nhưng không, ánh mắt Du từ ngạc nhiên đến dịu dàng, và anh nắm nhẹ tay tôi:
- Anh xin lỗi đã làm em bực mình... có lẽ em khó ở, tha lỗi cho anh. Thôi bé đi thay đồ cho mát.
Tôi không cám ơn sự rộng lượng của Du, tôi bỏ đi thẳng vào phòng trước đôi mắt nghiêm khắc của mẹ, nhưng tôi lờ đi. Tôi hiểu sự khó khăn đã bắt đầu.
Tôi vào phòng, thay vội áo dài rồi vùi đầu xuống gối. Nước mắt tôi lại trào ra. Tôi để mặc nước mắt tự do, tôi để mặc những tiếng nấc thoát ra không dằn lại. Tôi khóc và tôi gọi tên Toản hằng trăm lần...
Mẹ vào, ngồi xuống bên tôi:
- Uyên, con làm sao vậy?
Tôi lắc đầu:
- Không có gì. Mẹ cho con yên.
- Không được. Con không nên giấu mẹ. Có chuyện gì xảy đến cho con... Toản trở về phải không?
Tôi ngẩng lên, mở to mắt nhìn mẹ:
- Sao mẹ biết?
Đến phiên mẹ hỏi dồn:
- Nó về thật à?
- Thì mẹ vừa hỏi con...
- Mẹ chỉ hỏi vì thấy thái độ của con đối với Du kỳ lắm. Thà đừng nhận lời người ta, dù gì thì con cũng sắp là vợ nó, sao con đối xử với nó tệ vậy... Còn Toản, nó đã chết có lý nào sống lại trở về...
Tôi nấc lên trong giọng nói nghiêm trọng của mẹ:
- Uyên, bình tĩnh kể cho mẹ nghe tất cả đi.
Tôi kể lại cuộc gặp gỡ Toản trong bệnh viện. Mẹ nghe chăm chú, thỉnh thoảng mẹ thở dài. Tôi kết luận:
- Giờ mẹ cho phép con trở lại với Toản...
Mắt mẹ đầy thương mến lẫn nghiêm nghị:
- Con không thương thằng Du?
- Con chỉ mến Du.Con nhận lời Du vì ngỡ Toản đã chết.
- Con quên rằng đời con gái chỉ một lần và hôn nhân không phải là chuyện đùa?
Tôi cúi mặt:
- Con hiểu.
Mẹ hỏi tiếp:
- Du là em Toản?
- Dạ, em họ.
- Như vậy con thấy khó khăn khi bãi hôn với Du, mọi người trong gia tộc bên nó đều biết để rồi một ngày nào đó con về làm vợ Toản hay sao? Họ sẽ nghĩ về con như thế nào?!
Tôi nghẹn. Điều mẹ nói tôi chưa hề nghĩ, tôi chỉ biết tôi yêu Toản và không muốn xa anh... Nhưng dù sao đó cũng không phải là động lực khiến tôi quy hàng. Tiếng mẹ đều đều:
- Nếu Du và Toản không biết nhau, mẹ có thể cắn răng nhìn con bước qua hàng rào lễ giáo, mẹ có thể chịu đựng lời dị nghị của họ hàng vì mẹ coi thường lời hứa với người lớn để con đi theo hạnh phúc mà con lựa chọn. Còn đằng này... khó khăn không phải cho mẹ mà là cho con... Mẹ đồng ý là tình yêu sẽ xóa bỏ được những chướng ngại... nhưng đó là chướng ngại do người khác giăng ra, ở đây là chướng ngại ngay ở tâm hồn con, ở tâm hồn Toản... Con có giấu thì rồi Toản cũng sẽ biết... Chỉ cần nó nghĩ rằng nó đã cướp vợ của
một đứa em là hạnh phúc con lung lay...
- Con xin mẹ. Mẹ đừng nói nữa. Con sợ những viện dẫn của lý trí... Mẹ cho con yên.
Mẹ đứng lên:
- Con nghỉ đi. Ráng nằm một lát cho khỏe. Mẹ bảo em nó đi mua phở con ăn nhé.
- Con không đói mẹ ạ.
- Vậy con nghỉ đi.
- Mẹ.
- Gì vậy Uyên?
Mẹ trở lại và tôi gục đầu vào tay mẹ:
- Con khổ quá mẹ ơi.
- Mẹ hiểu. Con gái yêu của mẹ, rồi Chúa sẽ giúp con thấy con đường con phải đi. Ráng giữ cho tâm hồn thanh thản một chút. Sự sáng suốt không đến trong lúc mệt nhọc.
- Mẹ nói Du về đi. Con mệt không thể tiếp chuyện anh ấy.
Mẹ gật đầu:
- Được mẹ sẽ nói con ốm.
Mẹ ấn tôi nằm xuống giường:
- Nhắm mắt lại đi, con cưng.
******
Suy nghĩ mãi tôi vẫn không tìm ra giải đáp cho bài toán
khó. Sau cùng tôi quyết định trở lại bệnh viện thăm Toản để bàn với anh phương cách thoát khỏi những bứt rứt bủa vây như một bức tường thành kiên cố.
Tôi nhìn vào gương: Tôi tiều tụy một cách đáng sợ. Tôi
trang điểm một chút cho đỡ xanh xao rồi gọi xe đến thẳng bệnh viện.
Tôi gặp Toản vẫn trong bộ đồ thương binh bạc phếch. Tôi hơi ngạc nhiên vì quầng thâm đậm trên mắt Toản. Có lẽ anh cũng mất ngủ như tôi. Nét mừng rỡ hiện ra trong nụ cười của Toản. Nụ cười mà tôi có thể hình dung bất cứ lúc nào. Anh kéo ghế cho tôi:
- Ngồi đi bé. Anh đang mong em.
- Mong thật không?
Toản nói một câu khác:
- Em gầy đi nhiều quá. Sao vậy Uyên?
Toản ngồi sát bên tôi, anh đưa tay định kéo tôi ngả vào vai anh rồi không hiểu sao anh dừng lại, cử chỉ làm tôi sửng sốt. Tôi chong mắt:
- Anh có vẻ là lạ... Có phải Toản của em đây không?
- Uyên nhìn kỹ thử xem... Có khi lại không phải...
Tôi bật cười:
- Anh khéo đùa... Em đã sợ nhiều rồi.
- Nếu anh không trở về thì sao Uyên?
Câu hỏi đột ngột của Toản làm tôi ngỡ ngàng. Tôi ấp úng:
- Sao anh hỏi em câu đó?
Toản châm thuốc. Anh hút một hơi dài, nhả khói lên trần
nhà. Tôi tìm vẻ mặt người tình sau khói thuốc. Toản chậm rãi, như anh đã đắn đo nhiều lắm rồi:
- Anh gặp Du.
Tôi giật mình:
- Du? Anh gặp hôm nào?
- Hôm qua.
Những mạch máu trong cơ thể tôi cơ hồ ngừng lại.
- Du nói với anh là nó sắp lấy vợ...
Toản nhìn tôi xót xa:
- Lệ Uyên, sao em giấu anh? Em sắp làm vợ Du, phải
không?
Tôi buông thõng:
- Phải.
Toản thở dài:
- Ban đầu Du nói tên em, anh ngờ ngợ chứ không tin định mệnh lại có thể nghiệt ngã với anh như thế, đến lúc Du nó tả rõ em thì anh hiểu không thể là ai khác được.
Tôi nắm cánh tay Toản:
- Tại anh, tại anh hết. Anh làm em hết hy vọng chờ đợi. Du đeo đuổi và được lòng gia đình em, em nghĩ dù sao thì không yêu cũng làm vui lòng được mẹ và em nhắm mắt nhận lời Du.
- Anh có trách em đâu. Anh biết nghịch cảnh do anh gây ra. Chỉ đau đớn là anh sẽ phải xa em mãi...
Tôi lắc đầu thật mạnh:
- Không, Toản đừng bắt em xa anh. Em và Du chưa đám cưới, chúng ta còn thì giờ...
Giọng Toản se sắt:
- Anh không thể cướp vợ của Du được. Lỗi anh, anh phải chịu. Du nó vô tội, nó yêu em chân thành lắm. Chúng mình không nên làm khổ kẻ khác.
Tôi gào lên:
- Còn chúng ta? Anh không nghĩ đến anh, đến em sao? Anh không nghĩ rằng chúng mình sẽ chết dần chết mòn trong sự xa cách hay sao? Hạnh phúc trong tầm tay mình không giữ lấy thì đợi đến bao giờ? Anh hết yêu em rồi phải không?
Toản cúi xuống đặt nhẹ nụ hôn lên mắt tôi. Giọng anh thật ấm:
- Đừng nói bậy, cô bé nông nỗi của anh. Em còn ngây thơ lắm, em chưa hiểu đời nên chưa biết suy nghĩ. Em chỉ biết hiện tại em yêu anh, nhưng tương lai em có còn yêu anh không? Biết đâu sự gian khổ của đời lính sẽ không làm em chán nản.
- Không bao giờ... em mãi mãi yêu anh.
- Thôi được, đừng khóc nữa. Rồi chúng mình sẽ tính.
Tôi hỏi dồn:
- Anh định sao?
- Ngay bây giờ anh còn bối rối quá. Em để anh nghĩ đã. Anh muốn tìm một giải pháp trọn vẹn.
Tôi áp bàn tay Toản lên má:
- Anh cố gắng nhé. Em tin ở anh.
Tôi ngồi với Toản suốt cả buổi chiều. Tôi nói huyên thuyên với anh về những ước vọng tương lai của hai đứa. Toản hút thuốc nhiều, mắt anh nhìn tôi tha thiết, trìu mến và anh dìu tôi ra tận cổng bệnh viện.
******
Toản hứa hẹn và tôi tạm cảm thấy thoải mái trở lại. Tôi dễ dãi với Du hơn và tuyệt đối không nói gì về chuyện sắp xảy đến. Tôi nghĩ người đối phó là Toản chứ không phải tôi. Thấy tôi vui, Du cũng vui. Nhiều khi nhìn nụ cười tin tưởng của Du thôi thấy thương anh lạ lùng. Tôi hiểu Du là người chồng tốt chỉ tiếc là tôi không yêu anh.
Tôi hứa với Toản 3 hôm sau trở lại và trong thời gian đó tôi hết sức làm vừa lòng gia đình. Mẹ cũng ngạc nhiên về sự vui vẻ nhanh chóng của tôi nhưng mẹ cho rằng tôi đã “nghĩ lại” đã “biết điều” một chút.
3 ngày đối với tôi thật dài nhưng rồi buổi chiều mong đợi cũng đến, tôi trang điểm cẩn thận, chọn chiếc áo dài ngày xưa Toản thích để mặc. Tôi đi ra và chạm trán Du ở phòng khách. Tôi sựng lại:
- Anh mới đến?
- Uyên đi phố?
- Dạ không, em đến cô bạn có chút chuyện.
Du sốt sắng:
- Để anh đưa em đi.
Tôi hốt hoảng tìm cách từ chối:
- Thôi khỏi phiền anh, em đi một mình được. Chuyện bạn gái với nhau mà...
Du không nói gì. Tôi bịa chuyện:
- Nó nhờ em đỡ đầu đứa con gái đầu lòng.
Du cười:
- Cha, vậy là lên chức “vú” rồi hả?
Tôi vờ vui cho Du khỏi nghi:
- Bây giờ em đỡ đầu con nó, khi nào mình có baby bắt vợ chồng nó “trả lễ”.
Mắt người con trai ánh ngời hạnh phúc:
- Em làm anh nôn nao. Nghĩ đến lúc mình có một đứa con Uyên nhỉ?
Tôi nhìn Du thương hại. Du vẫn tin tôi ư? Du vẫn không hiểu gì cả sao? Mắt Du trong sáng quá. Lòng Du thành thật quá. Du không xảo hiểm như tôi, Du không mưu trá như tôi. Tự dưng tôi ân hận đã đối xử không phải với Du... Tôi không xứng đáng với chân tình đó. Tôi cúi mặt không dám nhìn Du, sợ Du đọc thấy trong mắt tôi những âm mưu đập đổ lâu đài hạnh phúc của Du đã dầy công xây dựng... Tôi có cảm tưởng gương mặt tôi tố cáo với Du những ý nghĩ của mình...
Du cười tươi quá. Ánh mắt Du nhìn tôi đầy thương mến thế kia... Nếu biết tôi đang ngấm ngầm phản bội không hiểu Du sẽ nghĩ sao? Chắc Du sẽ khinh tôi, ngôi vị thần tượng của tôi sẽ trong khoảnh khắc sụp đổ hết...
Tôi hỏi Du:
- Anh đến em có chuyện gì không?
- Xem thử em đã hoàn toàn khỏi chưa?
Tôi đi những bước mạnh, tươi cười:
- Anh yên tâm chưa, giờ em làm võ sĩ cũng còn được nữa đó.
Du sung sướng nhìn những nụ cười trên môi tôi, anh nói:
- Anh muốn mời bé đi ciné, phim ở Eden hay lắm.
- Em kẹt rồi. Để hôm khác, ngày mai, ngày kia, lo gì.
Du gật gù:
- Thôi bé đi để người ta chờ. Nhớ hôn con đỡ đầu dùm anh với nghe.
Tôi ngầm cám ơn Du. Sự tế nhị của anh, lòng quảng đại của anh làm tôi đôi lúc thấy ở anh mẫu người chồng lý tưởng. Giá tôi không có Toản thì cuộc sống của tôi với Du chắc rồi cũng sẽ có những ngày hạnh phúc thật đẹp.
Ra khỏi nhà tôi đi như mọc cánh. Con đường trải sỏi dẫn vào bệnh viện không còn xa lạ đối với tôi. Tôi đi nhanh về phía trại ngoại thương 4. Tôi hình dung Toản sẽ đón tôi ở cửa với nụ cười...
Nhưng giường Toản trống không. Tôi dừng lại, tần ngần một chút rồi bước hẳn vào phòng. Tôi nhìn quanh, tim đập mạnh vì đồ đạc của Toản trên bàn cũng đã không còn. Tôi bắt đầu run. Người sĩ quan nằm cạnh giường Toản hỏi tôi:
- Cô tìm Đại Úy Toản phải không?
Tôi níu lấy hy vọng đáp nhanh:
- Vâng. Toản đâu ông?
Anh ta ngập ngừng:
- Đại Úy Toản đi rồi cô.
Tôi thảng thốt:
- Đi?
- Toản ra đơn vị rồi.
Mặt tôi xanh như chàm, mồ hôi rịn trên trán, tôi cố giữ cho khỏi lạc giọng:
- Làm sao Toản đi được.Anh ấy hẹn hôm nay tôi trở lại..
Anh ta nhìn tôi bằng đôi mắt ái ngại:
- Tôi không được rõ. Chỉ biết Toản xuất viện hôm qua. Anh ấy nhờ tôi trao lại cô lá thư.
Tôi bám víu hy vọng cuối cùng:
- Ông cho tôi xin.
- Vâng, cô đợi.
Anh ta mở hộc bàn lấy ra phong thư. Tôi cố dò hỏi:
- Ông có biết đơn vị của Toản không?
- Tôi không hỏi. Hình như Toản ở tiểu đoàn 36, nhưng theo tôi thì lúc này anh ấy chỉ về nhà dưỡng sức chứ chưa hoàn toàn bình phục để trở lại đơn vị đâu.
Tôi nói nhanh:
- Xin cám ơn ông.
Và tôi quay người đi nhanh ra khỏi cổng bệnh viện. Tôi gọi taxi và buông người xuống nệm như cái xác không hồn. Linh cảm một điều không may, tôi run rẩy mở thư Toản:
Bệnh viện ngày....
Lệ Uyên thương,
Anh biết khi em trở lại bệnh viện tìm anh, em sẽ trách anh nhiều lắm. Anh đi xa rồi mới dám để lại em những giòng chữ này. Anh không đủ can đảm gặp lại em, người con gái mà anh đặt trọn tình yêu và duy nhất trong tim anh.
Ngày xa em, anh vẫn hẹn về. Nhưng anh bị thương và vết thương quá nặng nề đã làm anh tuyệt vọng khi nghĩ rằng mình sẽ tàn phế. Trong ý tưởng đó anh không muốn gặp lại em, không muốn em chịu chung bất hạnh với anh dù luôn luôn tình yêu thôi thúc anh phải tin cho em biết. Anh bắt đầu hy vọng trở lại từ khi được biết vết thương ở chân anh sắp lành. Anh sung sướng nghĩ đến phút bất ngờ trở lại tìm em.
Rồi thì em đến thăm anh... bất ngờ và sớm hơn anh dự định. Anh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng... Anh nghĩ đó có lẽ là phần thưởng Thượng Đế ban cho anh sau những ngày gian lao nguy hiểm... Anh tưởng rằng đã nắm được hạnh phúc, anh tưởng cuộc đời anh từ nay có em bên cạnh, anh không mơ ước gì hơn...
Khi gặp Du, anh nghe nó nói về em, người vợ sắp cưới của nó và anh biết rằng anh đã mất em vĩnh viễn. Du nói về em bằng tất cả hăng say tha thiết, nhìn mắt Du anh biết nó yêu em chân thành, anh không có quyền làm khổ nó khi nó vô tội, và em không có quyền bỏ trôi hạnh phúc trong tương lai tương sáng Du nó đặt dưới chân em.
Anh đã nghĩ thật nhiều. Nhìn em khóc anh cảm thấy tái tê cảm giác, anh muốn ôm em vào tay, anh muốn hôn em nồng nàn để bù vào những khoản xa cách vời vợi, nhưng anh cắn răng dằn lại, anh giữ em cho chồng em mai sau... Anh muốn Du nó hoàn toàn vô tư khi hưởng hạnh phúc do người mà nó yêu thương mang lại. Uyên có biết là anh phải chiến đấu với nội tâm thật khó khăn để khỏi làm theo ý muốn của trái tim. Tim anh máu vẫn đỏ thì hình ảnh em vẫn còn. Mãi mãi anh sẽ giữ em trong ngôi vị thần tượng tuyệt vời..bằng lòng Uyên nhé.
Uyên của anh,
Hãy quên anh đi, quên một cuộc đời chiến chinh gian khổ đi em. Định mệnh đã khiến chúng ta gặp nhau rồi cũng chính định mệnh chia xa hai đứa...Em không đáng trách, chỉ có anh... anh đã bất lực không giữ được hạnh phúc cho anh thì phải tự anh tạo xa cách, anh không có quyền làm khổ em và Du. Chúng ta đành chịu thua số mệnh, Uyên ạ.
Anh trở lại với đời quân ngũ. Anh sẽ dự vào tất cả những cuộc hành quân lâu dài. Anh sẽ xông xáo trên khắp các mặt trận khốc liệt để quên cô đơn. Nhưng hình ảnh em bao giờ cũng ngự trị trọn vẹn tâm hồn anh. Anh thương em mãi mãi.
Thỉnh thoảng anh sẽ gởi thư thăm Du và em, nếu anh còn viết được, nếu anh chưa gục ngã... Anh chỉ mong muốn em yên lành trong hạnh phúc. Cố gắng cười với cuộc đời nghe Uyên,em sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn.
Khi nào em trở lại nghĩa trang thăm Nhất Phương cho anh xin một bó huệ trắng cho Vũ Linh, anh đi xa, chắc khó có dịp về thăm nó, để nó cô đơn tội nghiệp.
Nguyệt vọng duy nhất của anh là em và Du hạnh phúc.
Toản
Nước mắt rơi nhòa cả trang giấy mỏng, tôi vò nát bức thư trong tay. Người tài xế ngạc nhiên quay nhìn tôi, lo ngại hỏi:
- Thưa cô về đâu?
Tôi giật mình nói không suy nghĩ:
- Chú cho đến nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.
Tôi mua hai bó huệ trắng và đi dần vào nghĩa trang, gió
chiều vẫn lạnh, nghĩa trang mang màu xám hoàng hôn đến tái tê, tôi rùng mình muốn quay trở ra nhưng chân tôi vẫn bước đều. Tôi đặt bó hoa lên mộ Vũ Linh rồi sang mộ Nhất Phương. Gương mặt Phương vẫn đầy trìu mến. Hình như bao nhiêu thay đổi ở tâm hồn tôi vẫn không làm anh khó chịu. Tôi nhìn Phương rất lâu. Tôi muốn từ giã người yêu để về một cuộc sống khác. Bất chợt tôi quay lại nhìn phía sau, hy vọng có Toản đứng đó... nhưng nghĩa trang chỉ có mình tôi... Gió vẫn lạnh... Buồn vương lên những tấm bia thập giá sừng sững đến kinh hoàng...
Khi tôi ra khỏi nghĩa trang, thành phố đã lên đèn. Tôi đứng đón xe mãi mà không được. Tôi chợt nghĩ đến Toản, nếu có Toản tôi đâu phải bơ vơ thế này??... Một chiếc cyclo đỗ lại, tôi nói địa chỉ rồi buông mình trên nệm xe. Gió đêm mơn man làm tôi tỉnh táo đôi chút. Hình ảnh Toản lại hiện ra, tôi lẩm bẩm mấy câu thơ của Nhất Tuấn:
“Chuyện của chúng mình duyên số định
Không đi chung được một toa tàu
Cuối ga... lẻ bóng mình em xuống
Nào biết bây giờ anh ở đâu????
LÝ THỤY Ý
(1) và (2) – Thơ Lý Thụy Ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét