Lời nói đầu:
Đầu năm 1972, khi Hoa Kỳ đang ồ ạt rút quân về nước theo chương trình “Việt Nam hóa” chiến tranh, vẫn có một thanh niên Mỹ 18 tuổi tình nguyện gia nhập Lục Quân Hoa Kỳ với ước vọng trở thành phi công trực thăng sang chiến đấu tại Việt Nam.Nhưng vì những nguyên nhân phức tạp, hai năm sau, Robert Preston - chàng thanh niên ấy - lại được huấn luyện để trở thành một binh sĩ bảo trì trực thăng. Mộng tung mây lướt gió không thành, vào một đêm đầu năm 1974, Binh nhất Robert Preston đã “mượn đỡ” một chiếc trực thăng UH-1B để bay từ tiểu bang Maryland về thủ đô Washington, D.C., và sau những diễn tiến ly kỳ, nghẹt thở, cuối cùng đã đáp an toàn xuống sân cỏ phía trước tòa Bạch Ốc với con tàu đầy lỗ đạn.
<!>
Sau đây mời độc giả theo dõi chuyến bay khó tin nhưng có thật ấy, được chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, trong đó có bài viết mới nhất tựa đề “The story of Robert Preston’s wild ride” của tác giả Christopher Freeze, đăng trên tạp chí Smithsonian số tháng Tư, 2017.
Mộng lướt gió tung mây
Robert Kenneth Preston ra chào đời ngày 5/11/1953 tại Panama City, Florida. Với chí hướng theo đuổi binh nghiệp từ nhỏ, khi còn là một học sinh tại trung học Rutherford High School, cậu đã gia nhập Đoàn Thiếu Sinh Sĩ Quan Không Quân Trừ Bị (Junior Air Force Reserve Officer Training Corps), đồng thời học lái phi cơ tại một trường bay tư nhân, lấy được bằng lái phi cơ một động cơ hạng nhẹ (fixed-wing).
Khi đủ 18 tuổi vào năm 1972, vì Không Quân Hoa Kỳ không có nhu cầu tuyển mộ nhân viên phi hành, Robert Preston xin gia nhập ngành phi hành của Lục Quân Hoa Kỳ, với mong ước trở thành một phi công trực thăng cứu thương (DUSTOFF) trên chiến trường Việt Nam. (1)
Tại trường bay Fort Wolters, Texas, Robert Preston được huấn luyện trên trực thăng TH-55 Osage, khi tốt nghiệp sẽ được mang cấp bậc chuẩn úy. Nhưng tới giai đoạn học bay phi cụ (instrument phase), anh bị loại với lý do “thiếu khả năng”.
Cho tới sau này, Robert Preston vẫn luôn luôn khẳng định mình đủ - nếu không muốn nói là dư - khả năng bay trực thăng, nhưng đã bị loại chỉ vì nguyên nhân thời cuộc: lúc đó Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Việt Nam, đưa tới tình trạng Lục Quân thặng dư phi công trực thăng cho nên không cần thêm các “em mới”!
Bị loại khỏi trường bay nhưng Robert Preston vẫn phải phục vụ trong Lục Quân Hoa Kỳ cho đủ thời gian tối thiểu 4 năm theo hợp đồng khi nhập ngũ. Vì thế Robert Preston, với cấp bậc Binh nhất, được đưa tới Fort Meade ở tiểu bang Maryland để được huấn luyện thành chuyên viên bảo trì trực thăng.
Theo sự mô tả sau này của vị sĩ quan chỉ huy, Robert Preston là một con người bình thường, ít nói, và thông minh hơn người.
Binh Nhất “phi công”
Vào khoảng sau nửa đêm 16 rạng 17/2/1974, Robert Preston từ một nhà hàng khiêu vũ ở Blob’s Park lái xe trở về căn cứ. Chàng Binh nhất 20 tuổi đang ở trong tình trạng sầu đời chưa từng có, vì vừa bị đào bỏ vừa nghĩ tới tương lai “tay chân đầy dầu mỡ” của mình trong Lục Quân. Trong lúc chán nản ấy, Robert Preston chợt nhớ tới một nơi chốn luôn luôn mang lại hạnh phúc cho mình: bầu trời!
Sau này, Robert Preston khai trước tòa:
“Tôi muốn ngồi trong buồng lái, tôi muốn bay lên trời. Tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc vì bay bổng là đam mê của tôi”.
Lúc đó có 30 chiếc trực thăng Bell UH-1B Iroquois - thường được gọi là “Huey” - đang đậu tại sân bay Tipton Field trong căn cứ Fort Meade, nhiên liệu đã được đổ đầy, sẵn sàng cho các phi vụ huấn luyện sáng mai của Lục Quân Trừ Bị và Vệ Binh Quốc Gia.
Robert Preston lái xe tới cổng sân bay, thấy không có lính gác liền lái vào bên trong và rất ngạc nhiên khi thấy không có một ai canh giữ những chiếc trực thăng.
Trực thăng UH-1B
Chàng binh nhất đậu xe, tiến tới một chiếc mang số xuất xưởng (serial number) 62–1920 và làm tiền phi. Tới khi một nhân viên đi tuần khám phá ra chiếc xe Chevy Nova của Robert Preston đậu ở chỗ cấm đậu xe thì chiếc UH-1 đã quay máy.
Không mở đèn hiệu (anti-collision lights) cũng chẳng thông báo cho đài kiểm soát không lưu, Robert Preston một mình cất cánh
Nhưng dù chiếc trực thăng không mở đèn, một nhân viên đài kiểm soát không lưu cũng nhìn thấy, vội vã xem lịch trình cất cánh và nhận ra không có phi vụ nào cất cánh vào giờ này, liền báo động với cảnh sát tiểu bang Maryland.
Về phần Robert Preston sau khi cất cánh đã trực chỉ cái nhà hàng trên sân thượng ở Blob’s Park mà anh chàng mới bỏ về, dừng lại và lơ lửng thật thấp khiến thực khách hoảng sợ (nguyên văn lời một nhân chứng: just a few feet above the roof restaurant), một hồi rồi bỏ đi, bay sát trên mái những ngôi nhà gần đó khiến dân cư náo loạn, cấp báo cảnh sát ...
Một lúc sau, chiếc UH-1 vừa đáp xuống một trailer park ở thị trấn Jessup gần đó đã bay lên ngay vì trong đầu Robert Preston vừa nảy sinh một ý tưởng thú vị: “Tại sao mình không nhân dịp này bay về ngắm thủ đô từ trên cao vào ban đêm nhỉ!”
Cũng nên biết căn cứ Fort Meade chỉ cách Washington, D.C. 20 dặm (32 km) về hướng đông bắc.
Thế rồi theo ánh đèn đường của Baltimore-Washington Parkway, Robert Preston bay về thủ đô.
Một chuyến bay đêm
Cảnh sát Quận Columbia (D.C.) chỉ khám phá ra việc chiếc UH-1 của Robert Preston xâm nhập không phận thủ đô khi họ nhìn thấy nó bay giữa Đền tưởng niệm Lincoln và Điện Capitol (trụ sở Quốc Hội).
Vùng này thuộc khu vực hạn chế phi cơ tối đa, nhưng cho tới lúc ấy, ngoài hệ thống ra-đa canh phòng, không có bất cứ vũ khí phòng không nào tại chỗ để đối phó khi hữu sự; chỉ tới sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, hỏa tiễn địa-không mới được bố trí chung quanh không phận Washington, D.C.
Nhìn về phía trước, Robert Preston thấy Đài tưởng niệm Washington (Washington Monument) sáng trưng do ánh đèn pha từ mặt đất chiếu lên. Bị thu hút, chàng phi công “bay thẳng tới như một con thiêu thân bay vào ngọn nến” – lời khai của Robert Preston trước tòa sau này.
Tới Đài tưởng niệm, Robert Preston bật sáng tất cả đèn bên ngoài phi cơ, rồi hạ cao độ, bay những vòng thật nhỏ sát mặt đất chung quanh chân đài.
Sau 5, 6 phút tại Đài tưởng niệm, Robert Preston bay tới Điện Capitol rồi từ đây theo đại lộ Pennsylvania Avenue bay về hướng tòa Bạch Ốc.
Lúc đó tại tòa Bạch Ốc, Trưởng toán bảo vệ yếu nhân Henry Kulbaski đang lên phiên trực, đã được thông báo có một chiếc trực thăng của Lục Quân bị đánh cắp và đang bay vào khu vực cấm bay quanh tòa Bạch Ốc. Ông tìm cách liên lạc với thượng cấp của mình nhưng không có ai trả lời điện thoại. (Các sếp lớn của Henry Kulbaski “lặn” hết có lẽ vì vào thời gian này Tổng thống Richard Nixon và phu nhân “vắng nhà”).
Theo văn thư của Sở Bảo Vệ Yếu Nhân (Secret Service), bất cứ phi cơ lạ nào xâm nhập khu vực cấm bay quanh tòa Bạch Ốc là phải bắn hạ, nhưng lại không có những hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn bắn hạ bằng cách nào, và khi nào thì bắn?
Khu vực cấm bay này nằm trong một thành phố lớn như Washington, D.C. thì việc bắn hạ phi cơ xâm nhập rất có thể sẽ trở thành mối nguy hiểm đe dọa những người ở trong khu vực!
Thế rồi trong lúc Henry Kulbaski còn đang cố gắng liên lạc với thượng cấp thì Robert Preston đã bay tới tòa Bạch Ốc, dừng lại, lơ lửng ở giữa sân cỏ chính (South Lawn), có lúc chạm nhẹ hai càng đáp xuống mặt đất. Các nhân viên an ninh kéo ra vây quanh nhưng chỉ đứng nhìn chứ không có phản ứng nào cả.
Mấy phút sau, thấy vẫn không có phản ứng nào từ phía lực lượng phòng vệ, Robert Preston bay đi. Ông Henry Kulbaski lúc ấy vẫn không liên lạc được với thượng cấp, quyết định nếu chiếc trực thăng quay trở lại tòa Bạch Ốc, ông sẽ ra lệnh bắn hạ.
Lúc đó là khoảng 1 giờ sáng, một nhân viên kiểm soát không lưu tại phi trường nội địa Washington National Airport nhận ra một chấm lạ trên màn ảnh ra-đa. Vì đã được văn phòng Cơ Quan Quản Trị Hàng Không Liên Bang (FAA: Federal Aviation Administration) ở Baltimore thông báo về vụ chiếc UH-1 bị đánh cắp, nhân viên này biết ngay cái chấm lạ chính là chiếc trực thăng ấy, và thông báo cho cảnh sát.
Khi ấy, Robert Preston đã rời vùng cấm ở thủ đô và bay về Fort Meade, cũng theo con đường Baltimore-Washington Parkway.
Cảnh sát tiểu bang Maryland liền cho một chiếc trực thăng Bell 47G lên đuổi theo nhưng vì chiếc trực thăng đời cũ này bay chậm hơn chiếc UH-1 nên phải bỏ cuộc. (2)
Cuộc săn đuổi
Chẳng bao lâu sau, chiếc trực thăng của Robert Preston xuất hiện trên màn ảnh ra-đa của phi cảng quốc tế Baltimore/Washington International Airport, sau khi được nơi đây báo động, Cảnh sát Maryland liền cho hai chiếc JetRanger lên săn đuổi.
Bell 206 JetRanger là loại trực thăng đa dụng hạng nhẹ đời mới của hãng Bell, bắt đầu được sử dụng vào năm 1966, có tốc độ tối đa 220 kmh, tức là nhanh hơn chiếc UH-1 chỉ bay được 205 kmh (kiểu trực thăng trinh sát OH-58 Kiowa của Lục Quân Hoa Kỳ chính là phiên bản quân sự của chiếc Bell 206).
Một chiếc Bell 206 JetRanger (của cảnh sát Los Angeles), kiểu trực thăng đã săn đuổi Robert Preston
Một trong hai chiếc JetRanger này do Donald Sewell – nguyên là một phi công trực thăng tác chiến dày dạn kinh nghiệm tại chiến trường Việt Nam từng được ân thưởng nhiều huy chương – điều khiển cùng với viên phi công phụ Louis Saffran.
Tới đây bắt đầu một cuộc săn đuổi trên không theo kiểu mèo vờn chuột. Dưới mặt đất, một đoàn xe cảnh sát chớp đèn chạy theo. Bất ngờ, Robert Preston quay đầu phi cơ hạ thấp cao độ, đâm thằng vào đoàn xe cảnh sát đang chạy ngược chiều.
Một chiếc xe trong đoàn khi thấy chiếc trực thăng từ phía trước đâm xuống sát mui xe, đã hoảng hốt bẻ tay lái đâm ra lề đường!
* * *
Lúc này, Robert Preston cảm thấy “chuyến bay giải trí” (joyride) của mình đã đủ, nên khi nhìn thấy một tiệm bán doughnut, chàng binh nhất quyết định đáp xuống bãi đậu xe chờ cảnh sát tới để nộp mình.
Tuy nhiên sau khi xuống thấp quan sát bãi đậu xe, nhận thấy không có khoảng trống nào đủ cho chiếc UH-1 đáp xuống an toàn, anh đành bay trở lên.
Thoạt tiên, Robert Preston định bay về Fort Meade, nơi xuất phát, nhưng ngay sau đó đã nghĩ lại: nếu nộp mình cho Lục Quân, chắc chắn sẽ bị họ nhốt!.. Rồi anh cho rằng đàng nào cũng phải nộp mình, chi bằng nộp mình cho vị Tổng tư lệnh Quân Đội: Tổng thống!
Muốn nộp mình cho Tổng thống thì phải quay trở lại tòa Bạch Ốc, thế là Robert Preston lại lấy hướng tây nam, theo con đường Baltimore-Washington Parkway bay về Washington, D.C.
Quay trở lại không phận thủ đô, sau khi bay là là dọc con sông Anacostia, Robert Preston bay tới Đài tưởng niệm Washington và lại làm những vòng thật nhỏ, thật thấp quanh chân đài, rồi mới lấy hướng tòa Bạch Ốc.
Nhưng lần này Robert Preston không bay thẳng tới mục tiêu mà tìm đủ mọi cách để thoát khỏi hai chiếc trực thăng JetRanger của cảnh sát đang bám sát và cố gắng chặn đầu mình.
Sau này, Donald Sewell, phi công chánh của một trong hai chiếc JetRanger, hồi tưởng:
“Rất khó lòng mà bám sát anh ta. Tôi và Louis (viên phi công phụ) phải căng mắt ra để cố gắng nhận biết anh ta đang bay đi đâu. Anh ta bay với tốc độ từ trung bình tới tối đa của chiếc UH-1 (từ 110 tới 205 kmh), với cao độ nhiều khi chỉ bên trên mui xe hơi vài feet!”
Chính vì phải đối phó với những gì mà Donald Sewell mô tả “có lúc giống như một cuộc quần thảo trên không (dogfight)” mà khi Robert Preston bay tới tòa Bạch Ốc, chỉ còn chiếc JetRanger của ông bám theo chiếc UH-1.
Lúc đó là 2 giờ sáng, Robert Preston bay vào khuôn viên tòa Bạch Ốc với cao độ chỉ bên trên các rào cản, và tất cả những gì Donald Sewell và Louis Saffran có thể làm là lơ lửng phía trên mặt tiền của tòa Bạch Ốc để ngăn cản Robert Preston đâm chiếc UH-1 vào tòa nhà - nếu như anh ta có ý đồ này.
Nhưng điều đó đã không xảy, Robert Preston bay vào giữa sân cỏ, cách mặt tiền tòa nhà khoảng 100 mét và bật sáng đèn đáp.
Đúng lúc đó, theo lệnh của ông Henry Kulbaski đã được ban ra từ trước, tất cả đèn pha dưới sân cỏ được bật lên chiếu vào chiếc UH-1, và lực lượng an ninh của tòa Bạch Ốc đồng loạt khai hỏa vào chiếc trực thăng – gồm súng máy và shotgun.
Robert Preston bị trúng đạn ở chân, chiếc trực thăng mất thăng bằng chúi về bên trái, đập càng đáp xuống sân cỏ, rồi bật ngược lên, nghiêng qua bên kia và đập càng đáp bên mặt xuống rồi lại bật lên...
Nhưng ngay sau đó, trước những cặp mắt thán phục của mọi người hiện diện, Robert Preston đã nhanh chóng lấy lại thăng bằng rồi đáp một cách nhẹ nhàng xuống sân cỏ.
Sau này Trung sĩ Thomas F. Linnehan của Sở Cảnh Sát Maryland, có mặt ở sân cỏ tòa Bạch Ốc, đã trình bày trước tòa án quân sự:
“Người ra nói Robert Preston không thể bay (ý nói trường bay Fort Wolters) nhưng tôi xin thưa với quý vị: anh ta còn bay giỏi là đàng khác! Nếu đêm hôm đó anh ta không lo quấy rối dân cư ở Maryland, không thực hiện những màn trình diễn ly kỳ mà bay thẳng tới Washington, D.C. đâm vào tòa Bạch Ốc với tốc độ trên 200 kmh thì chắc chắn chúng ta đã không kịp trở tay!”
Chiếc UH-1 của Robert Preston sau khi đáp xuống sân cỏ trước tòa Bạch Ốc
Ngay sau khi Robert Preston đáp xong, Donald Sewell và Louis Saffran cũng đáp chiếc JetRanger xuống giữa chiếc UH-1 và mặt tiền tòa Bạch Ốc.
Louis Saffran vội vã nhảy xuống sân cỏ thì thấy Robert Preston đã mở cửa chiếc UH-1 nhảy xuống, lăn người dưới bụng chiếc trực thăng rồi khập khiễng chạy về phía tòa Bạch Ốc, và bị lực lượng bảo vệ yếu nhân chặn bắt.
Louis Saffran chạy tới nơi để tận mắt thấy Robert Preston đã bị còng tay rồi mới trở lại chiếc trực thăng của mình, cùng Donald Sewell bay về Maryland.
Hạ màn
Tổng cộng khoảng 300 viên đạn đã được bắn lên, lớp vỏ nhôm của thân chiếc trực thăng lãnh hàng chục lỗ đạn cỡ đồng nửa Mỹ kim, nhưng Robert Preston may mắn chỉ bị trúng năm miểng shotgun và bị thương nhẹ.
Với hai tay bị còng, Robert Preston bị điệu vào bên trong tòa Bạch Ốc để thẩm vấn sơ khởi. Khi anh yêu cầu được nói chuyện với Tổng thống Richard Nixon thì được trả lời Tổng thống và gia đình không có mặt tại thủ đô (thời gian này, ông Nixon đang ở Florida còn bà Nixon đang ở Indiana thăm cô con gái Julie bị đau ốm).
Sau đó, Robert Preston được đưa tới Walter Reed Army Medical Center - bệnh viện xịn nhất của Lục Quân Hoa Kỳ ở Quận Columbia - để điều trị vết thương. Theo lời kể lại của nhân viên bệnh viện, tới nơi anh mỉm cười với mọi người và sau đó phá lên cười như điên dại.
Robert Preston tươi cười khi được đưa tới Walter Reed Army Medical Center
Từ bệnh viện, Robert Preston bị giải về Tòa án Tối cao Quận Columbia để làm thủ tục buộc tội; sau đó được đưa trở lại Khu tâm thần của bệnh viện Walter Reed để chẩn đoán.
* * *
Trở lại sân cỏ trước tòa Bạch Ốc, khi trời vừa sáng, chiếc trực thăng UH-1 đã trở thành trung tâm điểm thu hút các phóng viên, du khách và người dân hiếu kỳ. Các nhân viên phi hành và kỹ thuật của Lục Quân được đưa tới nơi để thẩm định tình trạng chiếc trực thăng. Kết quả, dù bị trúng hàng chục viên đạn, phi cơ được xác nhận còn đủ khả năng bay an toàn, rồi trước ống kính của các hệ thống truyền hình lớn nhất nước, chiếc UH-1 đã cất cánh và bay trở về Tipton Field, nơi nó được xem như một “tang vật”, cất trong một hangar khóa kín.
Các chuyên viên đang thẩm định tình trạng khả dụng của chiếc UH-1 sau khi bị bắn
Sau biến cố này, khu vực cấm bay quanh tòa Bạch Ốc đã được Sở Bảo Vệ Yếu Nhân nới rộng; ông Henry Kulbaski, người trách nhiệm bảo vệ tòa Bạch Ốc đêm hốm ấy và hai phi công của chiếc JetRanger được Tổng thống Nixon ban khen; ba người này cùng một số nhân viên an ninh hiện diện đêm hôm đó được đích thân ông Nixon tặng mỗi người một bộ nút cài măng-sét (cufflinks) có huy hiệu tổng thống trong một buổi lễ tổ chức tại tòa Bạch Ốc.
105 Năm Tù?!
Lúc đầu, Robert Preston bị Tòa án Tối cao Quận Columbia buộc tội xâm nhập khuôn viên tòa Bạch Ốc một cách trái phép, một tội danh nhẹ mà theo luật liên bang chỉ có thể bị tù tối đa 6 tháng và nộp phạt 100 Mỹ kim.
Robert Preston trước Tòa án Tối cao Quận Columbia
Tuy nhiên, vì Robert Preston là một quân nhân tại ngũ và có hành động vô kỷ luật cho nên Lục Quân Hoa Kỳ đã yêu cầu tòa án Quận Columbia hủy bỏ mọi cáo buộc dân sự để họ đưa chàng binh nhất điếc không sợ súng này ra tòa án quân sự để nhận những hình phạt đích đáng.
Theo Bộ luật An ninh Quốc phòng, các phiên xử tại tòa án quân sự được xử kín. Đại úy Hebert Moncier, một sĩ quan trẻ thuộc Nha Quân Pháp Lục Quân Hoa Kỳ được chỉ định biện hộ Robert Preston – người mà sau này ông mô tả là “một thằng nhỏ rất thông minh”.
Theo những gì ông Hebert Moncier tiết lộ với báo chí vào năm 2014 (sau thời hạn bảo mật 30 năm), ngày ấy Robert Preston bị tòa án quân sự buộc trọng tội mưu toan sát nhân mà đối tượng là Tổng thống Richard Nixon và phi hành đoàn của hai chiếc JetRanger, cộng thêm nhiều tội danh nhẹ hơn. Với các tội danh nói trên, Robert Preston sẽ phải đối diện với việc bị sa thải khỏi Lục Quân vì lý do kỷ luật và lãnh án tù tổng cộng có thể lên tới 105 năm!
Tuy nhiên trong các phiên xử, đại diện Lục Quân Hoa Kỳ đã không thể trưng ra các bằng chứng cho thấy Robert Preston có ý định mưu sát Tổng thống Richard Nixon, anh ta chỉ đáp nhẹ nhàng xuống sân cỏ phía trước và chạy vào tòa Bạch Ốc, trên người không có bất cứ một thứ vũ khí cá nhân nào.
Về cáo buộc mưu sát phi hành đoàn của hai chiếc trực thăng của cảnh sát Maryland, Robert Preston thưa với tòa rằng trong suốt cuộc săn đuổi trên không kéo dài một tiếng đồng hồ, anh không hề cố ý gây nguy hiểm cho hai chiếc JetRanger, tất cả mọi “thao tác hù dọa” của anh chỉ mang tính cách biểu diễn; với đoàn xe cảnh sát dưới đất cũng thế, khi quay đầu hạ thấp cao độ bay về phía đoàn xe đang chạy ngược chiều, anh đã duy trì một cao độ an toàn tuyệt đối, việc một chiếc xe đâm vào lề đường chẳng qua chỉ là phản ứng hốt hoảng của viên cảnh sát lái xe!...
Tóm lại, ngay từ khi bị điệu vào bên trong tòa Bạch Ốc để bị người của Sở Bảo Vệ Yếu Nhân thẩm vấn cho tới khi bị đưa ra tòa án quân sự, Robert Preston đã trước sau như một khai rằng anh chỉ có một mục đích duy nhất là cho mọi người biết anh đã bị Lục Quân Hoa Kỳ đối xử một cách bất công: đủ khả năng lái trực thăng nhưng lại bị loại khỏi trường bay để trở thành thợ máy!
Cuối cùng, sau khi đôi bên thương lượng, Robert Preston đã đồng ý nhận hai tội danh (1) sử dụng phương tiện quân đội một cách sai trái, (2) gây náo loạn ở nơi công cộng, với mức án tối đa 2 năm 6 tháng tù khổ sai, và sau đó sẽ bị xuất ngũ vì lý do kỷ luật!
Kết quả, theo đề nghị của hội đồng nghị án, tòa đã tuyên án Robert Preston một năm tù ở và phải nộp phạt 2,400 Mỹ kim (khoảng $13,500 hiện nay). Theo án lệnh, 6 tháng bị giam chờ ngày ra tòa của Robert Preston được tính vào thời gian thọ án, như vậy chàng binh nhất vô kỷ luật sẽ chỉ phải ngồi tù thêm 6 tháng nữa mà thôi.
Nhưng trên thực tế, sau đó Robert Preston chỉ phải ngồi tù thêm 2 tháng trong quân lao của Tiểu Đoàn 97 Quân Cảnh ở Fort Riley, tiểu bang Kansas, rồi được cho học một nghề khác (không phải bảo trì trực thăng), sau đó được giải ngũ với lý do không thích hợp với quân đội (chứ không phải vì lý do kỷ luật).
Chung cuộc
Người ta không được biết nhiều về đường đời của Robert Preston sau khi giải ngũ. Chỉ biết anh di chuyển tới tiểu bang Washington và sống lặng lẽ.
Năm 1982, anh kết hôn với một phụ nữ và nhận hai con gái riêng của phụ nữ này làm con. Anh làm nhiều nghề linh tinh, sống thu mình và tìm nguồn an ủi nơi tôn giáo, từng xuất hiện trên The 700 Club, chương trình truyền hình mỗi ngày với hàng triệu khán giả của Hệ thống Truyền thanh Truyền hình Thiên chúa giáo (Christian Broadcasting Network, viết tắt là CBN).
Robert Preston qua đời vì ung thư ngày 21/7/2009 tại Ephrata, một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Washington, vào tuổi 55.
* * *
Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt!
Hiện nay, gần 15 năm sau ngày chàng Binh nhất "phi công" đã trở về với cát bụi, chiếc trực thăng mang số 62–1920 vẫn chưa bị đưa vào “nghĩa địa phi cơ”.
Nguyên sau khi bay về Tipton Field trong căn cứ Fort Meade, chiếc UH-1B được giữ kín trong một hangar để các chuyên gia điều tra tội phạm tới quan sát, chụp hình, sử dụng làm bằng chứng trong các phiên tòa xét xử Robert Preston.
Sau đó chiếc 62–1920 được sửa chữa và bay lại (trong các phi vụ huấn luyện) với nickname “White House Special”. Tới tuổi về hưu, chiếc trực thăng này được chuyển giao cho Vệ Binh Quốc Gia tiểu bang Pennsylvania để sử dụng vào việc huấn luyện các chuyên viên bảo trì trực thăng (ở dưới đất) tại căn cứ Joint Base Willow Grove, Montgomery County, Pennsylvania.
Trong năm 2015, Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ - lực lượng cuối cùng của Hoa Kỳ còn sử dụng Bell UH-1 Huey - thải hồi toàn bộ kiểu trực thăng này. Những chiếc Huey được sử dụng trong việc huấn luyện chuyên viên bảo trì trực thăng ở căn cứ Joint Base Willow Grove cũng được đưa về “nghĩa địa phi cơ’, trừ một chiếc duy nhất được giữ lại để trưng bày trong căn cứ.
Không hiểu do vô tình hay có chủ đích mà chiếc UH-1 được giữ lại chính là chiếc UH-1B mang số 62–1920.
Chiếc UH-1B 62–1920 trưng bày trong căn cứ Joint Base Willow Grove, hình chụp năm 2021
Không có bất cứ tấm plaque hay bảng ghi chú nào cho biết lai lịch độc đáo của chiếc UH-1 này. Cho nên có lẽ chỉ người nào biết rõ đây chính là chiếc “White House Special” thì mới để ý tới những “miếng vá” bằng kim loại khá lộ liễu trên thân phi cơ, ngày ấy được các chuyên viên bảo trì dán lên để che mấy chục lỗ đạn – thành tích của các nhân viên Bảo Vệ Yếu Nhân ở tòa Bạch Ốc vào rạng sáng 17/2/1974.
Thiên Ân (tổng hợp)
CHÚ THÍCH:
(1) DUSTOFF: Nguồn gốc của chữ này là khẩu hiệu “Dedicated Unhesistating Service To Our Fighting Forces”, viết tắt là DUSTOFF, của ngành cứu thương phi hành (aeromedical evacuation) trong Quân Đội Hoa Kỳ, tạm dịch: Tận tụy phục vụ lực lượng chiến đấu của chúng ta.
(2) Bell 47 là loại trực thăng hạng nhẹ rất phổ biến của hãng Bell, được sản xuất từ năm 1946 tới 1974, gồm nhiều đời, nhiều kiểu khác nhau, trong đó kiểu dân sự Bell 47G nhắc tới trong bài viết này được sản xuất nhiều nhất.
Kiểu chế tạo theo đơn đặt hàng của Lục Quân Hoa Kỳ để làm trực thăng trinh sát hạng nhẹ có tên Bell H-13 Sioux, từng phục vụ tại Việt Nam trong những năm đầu của cuộc chiến. Năm 1966, Bell H-13 Sioux được thay thế bằng chiếc Hughes OH-6A Cayuse, mà người Việt thường gọi là “trực thăng cán gáo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét