Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

Về cục diện an ninh mới ở Đông Nam Á trước một Trung Quốc bành trướng - Cù Huy Hà Vũ BBC


NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGEs  -   Chụp lại hình ảnh,
Căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia đang là tâm điểm chú ý sau khi có tin TQ được quyền sử dụng Nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng lãnh thổ ở Đông Á nói chung, Biển Đông nói riêng, tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tung ra "Xoay trục về châu Á". Sau được gọi là "Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", đây là chiến lược quốc phòng - an ninh mới nhất của Hoa Kỳ đối với khu vực kể từ Chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Donald Trump tiếp tục và phát triển chiến lược này với cái tên mới, "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở".
<!>
Đến lượt mình, ngày 12/01/2022 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã công bố "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của chính quyền ông, trong đó Đông Nam Á được xác định là "trung tâm của cấu trúc khu vực".

Phương tiện để thực hiện chiến lược này là "các liên minh được hiện đại hóa; các quan hệ đối tác linh hoạt, bao gồm một ASEAN được trao quyền…"

Quyết tâm chiến lược mới này của Mỹ là phù hợp với mục tiêu của ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao 9 của khối này tổ chức tại Indonesia vào tháng 10/2003, lãnh đạo 10 nước thành viên quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Nhằm triển khai chiến lược an ninh chống Trung Quốc này đồng thời đánh dấu 45 năm quan hệ Mỹ - ASEAN, ngày 28/2 vừa qua, Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ở Washington được tổ chức vào các ngày 28-29/3.

"Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden-Harris là trở thành một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và củng cố một ASEAN được trao quyền và thống nhất để giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta," Phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Psaki nói. Thông báo này được đưa ra 4 ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine cho thấy Mỹ coi ASEAN quan trọng đến thế nào trong chiến lược toàn cầu của họ.






Thế nhưng kỳ họp thượng đỉnh này sau đó đã bị hoãn vô thời hạn.


NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,
Ảnh giới thiệu một công trình thủy điện ở Lào với đầu tư của Tập đoàn Điện lực Phương Nam từ TQ

Theo Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, một số lãnh đạo các nước thành viên thời điểm đó sẽ không tham dự được.

Theo tôi, lý do của việc hoãn họp này là ASEAN không thể nằm trong bất cứ cấu trúc an ninh nào chống Trung Quốc.

ASEAN chia rẽ nghiêm trọng về Trung Quốc

Nguyên tắc cơ bản của ASEAN là đồng thuận, một quyết định chỉ được thông qua khi được tất cả các nước thành viên tán thành. Như vậy, để tổ chức này có được một quan điểm quốc phòng cứng rắn đối với Trung Quốc thì mọi nước thành viên phải coi nước phương Bắc này là mối đe dọa đối với an ninh lãnh thổ của họ.

Thế nhưng, chỉ Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei là bị Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với "đường 9 đoạn", còn gọi là "đường lưỡi bò", mà Bắc Kinh vẽ ra để đòi chủ quyền đối với 75% biển Đông. Đáng lưu ý là "đường 9 đoạn" không có bất cứ căn cứ lịch sử và pháp lý nào, dẫn đến nó bị Tòa trọng tài lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) bác bỏ vào ngày 12/7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Trên thực tế, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm hoặc xâm phạm vùng biển/lãnh thổ trên biển của Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia, buộc bốn nước này phải tự vệ ở mức độ khác nhau.

Tóm lại, về lý thuyết, chỉ một nửa các quốc gia thành viên ASEAN là ở trong thế đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự, đồng nghĩa có tới một nửa thành viên của tổ chức này không coi Trung Quốc là mối đe dọa. Đã thế, Campuchia, nước từng là nạn nhân diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ được Bắc Kinh hỗ trợ, nay lại bị cho là "Con ngựa thành Troy" của Trung Quốc trong ASEAN.

Vào các năm 2012 và 2016, Phnom Penh đã ngăn cản các ngoại trưởng ASEAN đưa ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam và Philippines.

Không những thế, mới đây Campuchia còn "thụt lùi" khi phản đối ký vào mọi điều khoản ràng buộc Trung Quốc vào các quy định quốc tế liên quan đến Biển Đông. Tháng qua, Bắc Kinh và Phnom Penh vừa ký một thỏa thuận quân sự mà nội dung không được công bố.


NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,
TQ cho du khách ra thăm quần đảo Hoàng Sa mà VN cũng tuyên bố chủ quyền

Ngoài Campuchia của ông Hun Sen, cũng không loại trừ khả năng Lào, vốn có "quan hệ đặc biệt" với Việt Nam sẽ theo chân Campuchia vì đã nhận từ Bắc Kinh những khoản viện trợ và tài trợ to lớn.

Đồng thuận, thực ra là bất đồng, dẫn tới tự hủy

Ngoài ra, theo tôi quan sát, quá trình dân chủ hóa ngày càng thắng thế trên toàn cầu cũng làm sâu sắc hơn sự chia rẽ trong ASEAN về Trung Quốc. Các nước độc tài hoặc độc đoán trong ASEAN có xu hướng ngả về Trung Quốc hơn.

Khi ASEAN không thể nào có được một lập trường về mối đe dọa về an ninh lãnh thổ thì điều này hủy hoại ngay chính Cộng đồng ASEAN, tức hủy hoại tương lai của khối này. Thực vậy, nếu không xác định được đe dọa về an ninh thì trụ cột "chính trị - an ninh" của Cộng đồng này không có lý do tồn tại.

Nghiêm trọng hơn, sự chia rẽ giữa các nước ASEAN về Trung Quốc đã đang gây thiệt hại không thể khắc phục cho các nước bị "đường 9 đoạn" trùm lên. Nó gây hoang mang, làm các nước này không còn đủ minh mẫn để nhận ra rằng họ đang mắc kế "giương Đông kích Tây" của Trung Quốc khi đàm phán với nước này về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC, có mục tiêu ngăn chặn các xung đột tiềm tàng tại khu vực).


NGUỒN HÌNH ẢNH,U.S. NAVY
Chụp lại hình ảnh,
Tàu khu trục USS Mustin của Hải quân Hoa Kỳ - hình minh họa

Thực vậy, Trung Quốc chỉ "giả" đàm phán, tức dùng đàm phán để đánh lạc hướng ASEAN khỏi lựa chọn phòng thủ tích cực, bao hàm tìm kiếm hỗ trợ từ bên thứ ba, cụ thể là Mỹ và các đồng minh của siêu cường này.

Làm được thế rồi thì Trung Quốc với sức mạnh quân sự áp đảo của mình sẽ "múa gậy vườn hoang", xâm chiếm cho kỳ hết các đảo và thực thể còn lại trên biển Đông.

Đâu là giải pháp?

Do các nước trong khối ASEAN không nhất trí với nhau trong việc coi Trung Quốc là mối đe dọa, nên "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" nhắm ASEAN làm đối tác an ninh tiềm năng chắc chắn sẽ thất bại. Nói vậy để thấy Mỹ sẽ có lợi nếu như tại Đông Nam Á sớm có một tổ chức quy tụ các nước có quan điểm an ninh cứng rắn đối với Trung Quốc.

May mắn thay, một tổ chức như vậy đã manh nha với một sáng kiến mới đây của Indonesia.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Cục trưởng Cục An toàn Hàng hải Indonesia tuyên bố sẽ mời cục trưởng hàng hải Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam họp cùng vào tháng 2/2022 để thảo luận về những biện pháp ứng phó chung đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Thế nhưng, hội nghị này đã không diễn ra và điều này đã có thể nhìn thấy trước.

Với chính sách "ba không" (Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác), rồi "bốn không" (thêm "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế"), Việt Nam khước từ mọi hình thức liên kết chống Trung Quốc.

Brunei thì chưa thấy phải cấp bách đối phó với Trung Quốc. Đơn giản vì Bắc Kinh vẫn chưa gây hấn với nước Hồi giáo này. Vả lại, quốc vương Hassanal Bolkiah đã thỏa thuận với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc hai nước cùng khai thác dầu khí tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và 4 nước Đông Nam Á trong đó có Brunei.

Về phần mình, Singapore do không bị "đường 9 đoạn" trùm lên nên không có lý do thiết thân để phải tính chuyện ứng phó vũ trang với cường quốc phương Bắc. Việc Singapore hoan nghênh sự can dự quân sự của Mỹ vào khu vực cũng như ủng hộ phán quyết của Toà trọng tài UNCLOS bác bỏ "đường 9 đoạn" hẳn chỉ để xoa dịu nghi ngại của Mỹ và một số nước trong khu vực được dấy lên bởi các cuộc tập trận trên biển mà đảo quốc này tiến hành với Trung Quốc (8).

Tóm lại, cũng như Việt Nam, Singapore thực hiện một chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên cách thức cân bằng thì khác hẳn nhau. Việt Nam thì "đi dây" khi không tập trận riêng rẽ với Trung Quốc hay Mỹ, tức không ngả về bên nào trong khi Singapore "đi hàng hai" khi đảo quốc này tập trận với cả hai, tức chọn cả hai phe đối địch. Suy cho cùng, hai quốc gia Đông Nam Á này sẽ không đối đầu với Trung Quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào vì, như đã phân tích, Bắc Kinh là đồng minh tự nhiên với chế độ của họ.

Như vậy, chỉ còn Indonesia, Malaysia, Philippines là có thể đứng chung "chiến hào trên biển" chống Trung Quốc.

Vậy để chiến lược ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông thành công, Mỹ không có cách nào khác là phải "xắn tay" cùng Indonesia, Malaysia, Philippines thành lập một tổ chức quân sự cho Đông Nam Á.

Theo đề xuất của tôi, vấn đề ở đây là ý tưởng, là nhu cầu, chứ điều kiện cho sự ra đời của một tổ chức như vậy có thể nói là đã sẵn sàng, hay nói như người xưa, là đã "sẵn nong sẵn né".

Trong bài tới, tác giả sẽ giới thiệu thêm về ý tưởng 'liên phòng Mỹ-Đông Nam Á' trong thời đại mới.

Tác giả từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm, một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị, hiện sống tại Hoa Kỳ. Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Xem thêm:



Không có nhận xét nào: