Qua một thân hữu, tôi được biết sẽ có một buổi ra mắt và tặng sách Thơ Hà Thượng Nhân ở San Jose vào ngày 19 tháng 12 năm 2010. Tôi chưa từng gặp mặt Hà Thượng Nhân mà chỉ đọc về Ông qua những bài viết đó đây trên mạng. Thỉnh thoảng, có bài kèm theo một vài đoạn thơ của Ông. Nhờ vậy, tôi biết thêm về con người và thơ của Hà Thượng Nhân. Hai bài thơ “Mưa Long Giao” và “Xin Làm Cỏ Biếc”, mà Hà Thượng Nhân sáng tác trong thời gian Ông ở trong tù “học tập cải tạo”, đã được tôi phổ nhạc từ tháng hai năm 2008 và phổ biến trên “net” vài ba lần, nhưng tôi không hy vọng nhạc đã đến được tai ông, vì tôi trộm nghĩ, với tuổi tác và sức khoẻ hiện tại, ông chắc không thể làm việc nhiều được với computer.
<!>
Nghĩ thế, nên tôi có ý định dành cho ông một niềm vui bất ngờ trong buổi sinh hoạt ra mắt và tặng sách của ông.
Từ lúc tôi về làm việc ở một tiểu bang ít người Việt, sinh hoạt của một sinh viên năng động ngày nào bây giờ gần như dành trọn cho trang web danchuca.org. Mỗi khi có dịp thuận tiện, tôi đi thăm các cộng đồng người Việt, và đến dự các buổi sinh hoạt nào rơi vào các ngày tôi có mặt ở đó. Đa phần, tôi chỉ ngồi làm khán giả. Thỉnh thoảng gặp cơ duyên, tôi lên đóng góp một bài hát. Tôi vẫn thích tự nhiên và đơn giản như thế. Không có gì cần phải quan tâm!
Tôi đến San Jose vào một cuối tuần mưa rả rích suốt ngày đêm. Trời tháng 12 ở Cali đúng ra là mát mẻ như mùa Xuân chứ không lạnh như các tiểu bang bên miền Đông. Nhưng cuối tuần này thì thời tiết tệ thật! Dưới Nam Cali, nhiều nơi đã bị ngập lụt vì mưa nhiều quá trong một giờ. Ở San Jose thì tôi chưa thấy lụt, nhưng mưa gió thì cứ kéo dài từ ngày nọ đến ngày kia, làm các khu buôn bán Việt Nam cũng buồn theo. Nhìn mây xám bao phủ San Jose suốt cả ngày không thấy nổi ánh mặt trời, bất giác tôi nhớ lại bài thơ Mưa Long Giao của Hà Thượng Nhân, và có ý nghĩ so sánh: không biết mưa ở Long Giao ngày ấy có buồn như mưa ở San Jose tuần này không nhỉ? Câu hỏi này có lẽ chỉ có Hà Thượng Nhân và những người bạn đồng tù của ông mới có thể trả lời được!
Rồi tôi đã tìm được khu sinh hoạt ViVo không mấy khó khăn.
Trong phòng chính, ghế đã được xếp hàng thứ tự. Khách đến bắt đầu đông và chẳng mấy chốc đã ngồi đầy các hàng ghế. Chương trình bắt đầu sau khi gia đình đưa chiếc xe lăn có Hà Thượng Nhân vào hàng ghế danh dự. Đây cũng là dịp tôi được thấy Bác gái, “cái bóng” đã từng hổ trợ tinh thần đàng sau lưng “người đàn ông” mà tôi từ xa đến đây gặp mặt. Tôi nhận thấy Hà Thượng Nhân già và gầy hơn tôi nghĩ, dù nét mặt vẫn còn tươi, khoẻ và hình như lúc nào ông cũng mĩm cười. Hà Thượng Nhân nhỏ hơn Ba tôi 2 tuổi. Ba tôi đã mất cách đây 6 năm. Tôi tin tánh lạc quan, nhìn mọi việc với đôi mắt nhẹ nhàng và lúc nào cũng yêu đời đã giúp Hà Thượng Nhân giữ được tinh thần và sức khoẻ như bây giờ.
Sau phần nghi thức, các thân hữu tên tuổi lần lượt lên nói về những giai thoại thú vị liên quan đến “Hà Chưởng Môn”, một danh xưng ngộ nghĩnh mà các bạn cùng thời đã dùng để gọi ông bằng lòng kính quý mà trong cuốn sách Thơ Hà Thượng Nhân đã ghi lại các giai thoại và tên tuổi những vị này đầy đủ.
Đến lượt Hà Thượng Nhân phát biểu, ông giải thích những ý nghĩ của Ông để trả lời câu hỏi của nhiều người: “tại sao Ông không bao giờ muốn in sách thơ?” Ông đưa ra nhiều ý tưởng, mà thú vị nhất với tôi là hai điều: thứ nhất, ông nói: “không thấy ai “SỐNG” bằng thơ cả”. Thứ hai, ông nhắc lại một câu nói của Hữu Loan, người bạn thân thưở thiếu thời của ông: “Tôi không làm nhà vì tôi bận làm “NGƯỜI” ”.
Người ta hay đồng hoá chữ “SỐNG” với ý nghĩa về tiền bạc, riêng với Hà Thượng Nhân, một người đã hơn 90 tuổi, có cả cuộc đời mình để làm bằng chứng rằng: “SỐNG”, quan trọng hơn hết, là phải làm “NGƯỜI”. Vâng, ở ngoài này, có kẻ đã sống được nhờ in nhiều sách, thậm chí còn tuyên bố “không thù hận, không chống Cộng”, phủ nhận tư cách tỵ nạn để được dễ dàng trở về hoặc để tác phẩm của mình được in và đón nhận trong nước. Những người này “SỐNG” thật dễ, “SỐNG” ở đâu cũng được, nhưng có “SỐNG” để làm “NGƯỜI” không, thì lại là chuyện khác. Nhìn Hà Thượng Nhân và các vị HO, cựu quân nhân QLVNCH, luống tuổi, tóc đã bạc nhiều mà lòng tôi bùi ngùi cho một thế hệ cuối cùng của đất nước. Thế hệ được nuôi lớn và giữ gìn với tâm hồn của kẻ sĩ “Uy Vũ Bất Năng Khuất”. Những thế hệ sau với bao nhiêu là nhu cầu “SỐNG”, biết có còn giữ được lằn ranh giữa “NGƯỜI” và . . . . “VẬT” nữa không???
Ban Tổ Chức suốt chương trình đã nhắc đi nhắc lại: thời giờ có hạn, và vì sức khoẻ của “Hà Chưởng Môn” không thể ngồi lâu, buộc phải bỏ bớt các tiết mục. Tôi không hy vọng gì được chính mình hát tặng Hà Thượng Nhân trong chương trình hôm nay, dù rằng cô Minh Phi, con gái lớn của Hà Thượng Nhân, đã kiếm được cho tôi cây đàn guitar. Chỉ là cơ duyên thôi mà! Tôi cũng sẽ không ngạc nghiên nếu Ban Tổ Chức không dám trao micro cho “người lạ”, bài bản không kiểm duyệt trước, ai biết được khi lên đó, tôi sẽ làm gì và nói chi? Đâu thiếu những trường hợp như thế!
Cuối cùng, Ban Tổ Chức đã mời tôi lên trong tiết mục chót, tôi dành trọn vẹn cho Hà Thượng Nhân với bài hát “Long Giao Nẻo Cụt” tôi đã phổ nhạc từ bài thơ “Mưa Long Giao” của Ông:
MƯA BUỒN LONG GIAO,
Trời có điều chi buồn ?
Mà trời mưa mãi thế !
Cây cỏ có chi buồn ?
Mà cỏ cây ứa lệ !
Anh nhớ em từng phút,
Anh thương con từng giây.
Chim nào không có cánh,
Cánh nào không thèm bay.
Người nào không có lòng,
Lòng nào không ngất ngây.
Gửi làm sao nỗi nhớ,
Trao làm sao niềm thương.
Nhớ thương như trời đất,
Trời đất vốn vô thường.
Ngày xưa chim Hồng hộc,
Vượt chín tầng mây cao,
Ngày xưa khắp năm Châu,
Bước chân coi nhỏ hẹp,
Bây giờ giữa Long Giao,
Ngồi nghe mưa sùi sụt,
Cuộc đời như chiêm bao.
Có hay không nẻo cụt,
Anh châm điếu thuốc lào,
Mình say, mình say sao !!
Trại tù cải tạo Long giao 1975
Hà Thượng Nhân
Xem youtube ở đây:
Thơ của Hà Thượng Nhân, nhạc và giọng hát của tôi, nhưng lúc đó không phải chỉ cho Hà Thượng Nhân và những người đang ngồi trước mặt tôi nữa, mà cho cả những người tù và đồng bào tôi đã nằm xuống vĩnh viễn trong những cơn mưa nghiệt ngã như thế suốt từ Bắc đến Nam. Biết bao nhiêu “kẻ sĩ” của thế hệ Hà Thượng Nhân đã ra đi lặng lẽ không ai biết đến kể từ 30/4 năm đó! Biết bao nhiêu vị đã từng sống rất “NGƯỜI” mà ngày nay, vì vật đổi sao dời, đã bị nhục mạ phi lý, vì VC chỉ cốt nhận chìm đi cái “NGƯỜI” của “chế độ cũ”, để cho những cái “VẬT” của “chế độ mới” có cơ hội được ngoi lên thay thế . . . .
Bài hát dứt, có một vị HO nào đó bước lên sân khấu bắt tay tôi và tỏ ý cám ơn. Tôi đáp lễ vị HO đó, và bước xuống trước mặt Hà Thượng Nhân và Bác gái để trao tặng hai Bác đĩa nhạc CD danchuca.org nhạc phổ thơ, trong đó có bài đầu tiên là bài tôi vừa hát. Tay của Hà Thượng Nhân gầy guộc, run rẩy bắt tay tôi. Mắt ông nhìn tôi đăm đăm thật lâu, môi mấp máy như muốn hỏi tôi điều gì. Tôi mĩm cười nhìn ông như ngầm chia xẻ:
- Thưa Bác, có ai đó đã ví Bác như một cuốn tự điển sống. Không có việc gì, không có ai mà Bác không nhớ cả, dù là Bác chỉ gặp một lần! Chắc Bác đang nhìn cháu và cố nhớ xem đã gặp cháu ở đâu chưa phải không? Thưa Bác, nếu Bác năm nay hơn 90 tuổi mới chính thức có một cuốn thơ trong tay để người khác biết Bác là ai, thì cháu còn cả hơn 40 năm nữa để làm việc này. Và nếu điều đó xảy ra với cháu, chắc chắn là cũng như Bác bây giờ, sẽ không do cháu muốn đâu. Bác chỉ thích “làm thơ rong chơi”, thì cháu cũng chỉ thích đi . . . “hát rong chơi” như thế. Không cần bài bản, không cần bút tích. Bác và cháu sinh vào thời đất nước mình quá bất hạnh, sá gì một chút khả năng thơ nhạc phải không thưa Bác!
Cuối buổi, cô Minh Phi tặng tôi cuốn sách thơ Hà Thượng Nhân và ngỏ ý mời tôi ở lại dùng tiệc thân mật với gia đình. Tôi nhận sách và cám ơn cô. Chờ cô quay đi bận rộn với khách, tôi bước ra cửa.
Tạm biệt Hà Thượng Nhân. Tạm Biệt Quý Vị Cựu Quân Nhân San Jose. Hy vọng tôi đã đem đến một chút ấm lòng cho tất cả.
Ngoài kia, mưa vẫn lã chã rơi chờ tôi đi rong cho hết buổi chiều . . . . . .
Nguyễn Văn Thành
danchuca.org
Ngày cuối năm 2010
XIN LÀM CỎ BIẾC
Anh cầm tay em,
Bàn tay khô héo.
Anh nhìn mắt em,
Gió lùa lạnh lẽo.
Anh nhìn lòng mình,
Mùa Đông mông mênh.
Cỏ non mùa Xuân,
Còn vương dấu chân.
Trăng non mùa Hạ,
Ướt đôi vai trần.
Có xa không nhỉ?
Ngày xưa thật gần.
Thời gian ! Thời gian!
Em vẫn là em…
Nụ cười rạng rỡ,
Ngày nào vừa quen,
Mai đưa em về,
Xin làm cỏ biếc,
Vương chân em đi.
Xin làm giọt mưa,
Mưa giầm rưng rức.
Trên vai người yêu,
Sàigòn Sài Gòn,
Không là quê hương,
Mà sao mình nhớ,
Mà sao mình thương
Ngày từ trại Thác Bà, Yên Bái về trại 6 Thanh Chương NGHỆ TĨNH 1978
Hà Thượng Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét