Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Tháng Tư Đen, đọc lại “Thép Đen” của Đặng Chí Bình


Do cái duyên kỳ ngộ, chúng tôi được quen biết anh Đặng Chí Bình, tác giả thiên hồi ký Thép Đen nổi tiếng gồm 4 tập xuất bản từ 1987 đến 2005. Đặng Chí Bình là một sĩ quan điệp viên thuộc ngành tình báo của Quân Lực VNCH hoạt động tại miền Bắc trước 1975 trong một sứ mệnh đặc biệt; và khi công tác gần hoàn tất thì không may anh bị bắt và chịu bản án 18 năm tù. Trong thiên hồi ký, anh đã kể lại những hoạt động tình báo từ khi đặt chân lên đất Bắc, 6 năm biệt giam tại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội, và 12 năm lao động khổ sai trong các trại “cải tạo” ở miền Bắc.
<!>
Đầu năm 2010, nhà thơ Duyên Hùng ở Paris-Pháp quốc, kể về Lộc Vàng và thực hiện một DVD nhạc do Lộc Vàng và các bạn khác trình diễn. Tháng 2 năm 2012, chúng tôi có viết bài “Lộc Vàng với Nhạc Tiền Chiến” đăng trong Bút Tre Arizona, số Tháng 2-12 kể chuyện anh Nguyễn Văn Lộc, tức Lộc Vàng, vì hát “nhạc vàng” mà phải vướng vòng lao lý mất 10 năm. Chính thời gian bị giam chung tại nhà tù Hỏa Lò-Hà Nội mà anh Đặng Chí Bình đã quen biết với Lộc Vàng. Và qua đường giây điện thoại, Lộc Vàng đã giới thiệu chúng tôi với Đặng Chí Bình; như nhờ cái duyên văn nghệ định sẵn, chúng tôi nhanh chóng trao đổi với nhau những sách báo và thơ nhạc. Anh Đặng Chí Bình gởi tặng chúng tôi những tài liệu liên quan đến tập Hồi Ký Thép Đen, trong đó có 4 dĩa DVD “Hồi Ký Thép Đen của Đặng Chí Bình” do Ông Trần Nam diễn đọc.

Tháng Tư là tháng mang hai biến cố trọng đại, chính trị và tôn giáo: 30 Tháng Tư 1975, ngày Saigon sụp đổ, Ngày Quốc Hận của Quân Dân Cán Chính Miền Nam; Tháng Tư là tháng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu chịu tử nạn trên Thập Tự Giá để chuộc tội loài người; và Ngài đã vinh quang sống lại từ cõi chết (30-33 CN) qua Lễ Phục Sinh và để ban sự sống ấy cho những ai tin Ngài. Hôm nay chúng tôi muốn nhắc đến ngày Quốc Hận 30-4-1975, cái ngày lịch sử đau buồn của Việt Nam Cộng Hòa đã để lại bao di lụy cho đồng bào miền Nam trong đó có cá nhân người viết phải đi tù “cải tạo” một thời gian 8 năm ngoài Bắc.

Vượt biên, vượt biển, đi vùng “Kinh Tế Mới, đổi tiền, đánh “Tư bản Mại bản”, tù “cải tạo”, tịch thu nhà cửa, tài sản là hệ lụy oan nghiệt của ngày 30 tháng Tư1975. Quân Cán Chính miền Nam gánh chịu bao nhiêu cảnh đọa đày, chết chóc, tủi nhục sau biến cố đau thương này! Chúng ta đã đọc nhiều tài liệu nói về những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Nhưng có lẽ ít người đọc hồi ký của một người Mỹ, nhân vật quan trọng trong ngành tình báo CIA tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Saigon vào những ngày cuối cuộc di tản. Đó là ông trùm tình báo Tom Polgar. Chúng tôi xin trích một vài đoạn trong bài viết của ông đăng trên nhật báo Đức ngữ “Welt am Sonntag” (World Sunday,1995), do Phụng Hồng dịch sau đây, để biết cảm nghĩ của một người có trách nhiệm phần nào đối với cuộc chiến Việt Nam. -” Đúng 20 năm trước ngày này lúc 6 giờ sáng, 30-4-75, tôi đáp chuyến trực thăng cuối cùng bước xuống sàn chiến hạm chỉ huy “Blue Ridge” sau một ngày dài nhất và buồn bã nhất đời tôi. Tôi cũng là người Mỹ cuối cùng rời khỏi Tòa Đại sứ ở Đại lộ Thống Nhất Saigon; rời Saigon, rời VN thân yêu, một xứ sở tôi từng tha thiết phục vụ với bao nhiêu cảm mến nhiệt tình. Tôi nhìn lại Saigon với niềm thương tiếc vô hạn qua làn kính lờ mờ khi trời vừa rạng đông. Saigon như đang khắc khoải với bao nỗi kinh hoàng đang rình rập sau lưng. Thế là hết. Vĩnh biệt Saigon nhé! Tôi tự hỏi mình không biết có nên thốt ra câu: “Hẹn ngày tái ngộ” hay không? Cách đây mấy năm, tôi đã trở lại Saigon cốt để thăm lại nơi tôi làm việc. Trống vốc! Và tấm gỗ ép đã bị tháo gở. Cái mũ sắt và những bao cát vẫn còn trơ trơ nơi một góc trên sân thượng làm bãi đáp cho trực thăng đã di tản biết bao nhiêu người và in dấu bao nhiêu người đã kẹt lại! Bây giờ họ ở đâu? Ngục tù cải tạo chăng? Chết ở vùng Kinh Tế Mới chăng? Tôi thầm nghĩ: “Thật là bất hạnh cho Saigon đã rơi vào một tên chủ mới quá tồi tệ! 4 giờ sáng ngày 29/4/75, tôi giật mình choàng dậy sau những tiếng nổ ghê hồn tại Saigon. Tôi biết hồi kết cuộc của trận chiến dài nhất của Hoa Kỳ tại VN đã gần kề. Phải chăng tôi đang nghe trận tấn công cuối cùng vào Saigon bắt đầu? Tôi biết chắc hôm nay là ngày khốn đốn nhất, nhưng tôi không dám tự nghi là tôi sẽ không bao giờ trở lại ngôi biệt thự kiến trúc theo lối Pháp này nữa. Và tôi cũng không dám cho là 20 năm cố gắng của người Mỹ tại VN đã đem lại một nhục nhã ê chề. Và đúng 4 giờ sáng ngày 30/4/75, giờ Saigon, TT Gerald Ford ra lịnh chấm dứt cuộc di tản. Từ đó trở đi chỉ có Mỹ kiều mới được bốc đi mà thôi. Tổng thống hạ lệnh Đại sứ Graham Martin phải cấp tốc lên chiếc trực thăng kế tiếp với bộ tham mưu còn lại. Và như vậy, chúng tôi ra đi bỏ lại hàng trăm người bạn VN ở bãi đậu xe tại Tòa đại sứ mà mấy giờ trước đó họ đã được hứa hẹn bốc đi. Tôi nghĩ rằng dó là một hành động phản bội đầy nhục nhã. Cuối cùng chúng tôi uể oải leo lên sân thượng mái nhà Tòa đại sứ, không ai nói vơí ai câu nào. Từ trên không trung nhìn xuống, đèn Saigon chậm rãi tắt dần. Chúng tôi không thể biết được gì sắp xãy ra. Một giờ sau tôi đặt chân lên chiến hạm chỉ huy “Blue Ridge”. 7 giờ sáng ngày 30/4/75, tôi tìm được một chỗ ngủ trong một phòng trên tàu và đặt lưng cố ngủ. Một ngày dài nhất và buồn thảm nhất đã trôi qua. Công tác của tôi tại Saigon đã chấm dứt. Và chấm dứt luôn sự can thiệp của người Mỹ vào cuộc chiến VN vậy”.

Từ lâu chúng tôi đã đọc những tập hồi ký cải tạo của Tạ Tỵ, Phạm Quang Giai, và Hà Thúc Sinh, nhưng thú thật đến bây giờ mới đọc được thiên hồi ký của Đặng Chí Bình xuất bản vào thập niên 80. Những cuốn sách mang tựa đề “Đại Học Máu, Đáy Địa Ngục, và Học Tập Cải Tạo” của các tác giả nói trên chỉ nói về những kinh nghiệm mà họ đã trải qua trong những trại cải tạo khác nhau ở miền Bắc sau ngày 30/4/75. Mỗi tác giả có cái nhìn riêng biệt về đời sống của người tù lao động khổ sai và thái độ đối với chế độ Cộng sản cũng như đối với chính quyền miền Nam VN. Nhưng Đặng Chí Bình là một trường hợp cá biệt. Ông là một sĩ quan tình báo nhận lãnh một sứ mạng đặc biệt thi hành tại HàNội năm 1962. Ông thực hiện được hầu hết những công tác giao phó thì không may bị bắt vào tháng 6 năm 1962. Tác giả đã kể lại rất chi tiết từ việc được huấn luyện, rồi được đưa đi trên một con thuyền nhỏ từ Đà Nẵng đổ bộ tại bờ biển thuộc tỉnh Nghệ An, rồi từ đó theo quốc lộ 1 để tới HàNội. Ông mô tả tỉ mỉ thời gian ông bị mật vụ cộng sản theo dõi, thời gian 6 năm ông bị giam cầm tại Hỏa Lò-HàNội, và thời gian 12 năm lao động khổ sai tại các trại cải tạo. Với một trí nhớ phi thường và lối hành văn giản dị trong sáng, ông đã dẫn dắt lôi cuốn độc giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đây là câu chuyện thật không hư cấu mà ông đã kinh qua và kể lại rất hấp dẫn khiến độc giả đọc say mê như truyện Tam Quốc Chí hay Bố Già. Đặng Chí Bình mô tả cảnh địa ngục trong Hỏa Lò khốn nạn đến nổi ngoài sức chịu đựng của ông và ông đã quyết định thắt cổ tự tử, nhưng “không may” ông được một tên lính canh phát giác và cứu sống ông. Ông nhất định tìm cách khác để thoát cảnh địa ngục Hỏa Lò một lần nữa. Một cơ hội tốt đến với ông khi ông được gọi lên văn phòng để chấp cung. Ông thừa cơ tên cán bộ sơ ý, ông đã dùng những thế võ độc ông đã học được để khóa cổ tên cán bộ làm hắn bất tỉnh rồi lột áo quần của hắn mặc vào, lục túi lấy thẻ cán bộ, tiền rồi thoát ra cổng chính của nhà tù Hỏa Lò. Nhưng lần này quả thật không may, ông bị lính gác đuổi theo và bị bắt lại. Đúng là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Một “cán bộ công an” dùng nòng súng đâm vào đầu ông làm bể sống mũi và gãy 3 cái răng cửa.


Tác giả Đặng Chí Bình thời trai trẻ

Tác giả Đặng Chí Bình đã mô tả cảnh sống cùng cực của dân chúng miền Bắc và đời sống phong phú của dân chúng miền Nam trước 1975 để so sánh hai chế độ Cộng Sản và Tự Do khác nhau như thế nào. Người tù cộng sản cực khổ đã đành mà đời sống dân chúng dưới chế độ cộng sản cũng chẳng khá hơn!

Chúng tôi xin trích một đoạn nói về cảm nghĩ của ông Bùi Bảo Trúc khi đọc Thép Đen của Đặng Chí Bình. “Có thể nói cuốn Bóng Tối Giữa Trưa của Arthur Koestler, cuốn sách kể lại cơn ác mộng của một người tù trong nhà giam của cách mạng Liên Xô cũng không khủng khiếp bằng những gì Đặng Chí Bình viết xuống trong cuốn Thép Đen. Thép Đen khủng khiếp hơn những điều Koestler viết vì Thép Đen là một câu chuyện thật. Thép Đen khủng khiếp hơn vì những chuyện trong đó xãy ra trong những năm mới đây, khi mà người ta nghĩ là thế giới đã văn minh, đã tiến bộ, đã nhân bản hơn những năm sau cách mạng Bôn-Xê-Vích rất nhiều. Thép Đen làm người đọc tin chắc một điều, đó là địa ngục có thật ở ngay trần gian nơi chúng ta đang sống”.

Giáo sư Ts. Đàm Trung Pháp (Texas Woman’s University) đã phát biểu cảm tưởng sau khi đọc Thép Đen: “Anh có biệt tài tả hình dáng và tính tình của các nhân vật một cách ngắn và gọn, từ những tên cán bộ ác ôn cho đến những người cộng sản còn chút lương tri, từ những bạn tù cùng cảnh ngộ và lý tưởng như anh cho đến những người cộng sản còn chan chứa tình người như cô y tá Vân chẳng hạn. Cuộc tình vô vọng nhưng tuyệt đẹp giữa người tù Đặng Chí Bình và cô y tá Vân là một cao điểm trong bộ hồi ký của anh. Nó đã làm cho lòng tôi xao xuyến một cách lạ kỳ! Tôi cũng rất thích được nghe những câu chuyện đắng cay anh kể về những nhân vật nổi tiếng nhưng bất hạnh như nữ sĩ Thụy An và dược sĩ cựu Thị trưởng HàNội Thẩm Hoàng Tín. Lòng can đảm, sự quyết tâm phục vụ lý tưởng, và những giá trị đạo đức không thể lay chuyển của anh đã nổi bật trong THÉP ĐEN. Anh có quyền hãnh diện đã hoàn tất một tác phẩm để đời”.

Qua thiên hồi ký Thép Đen, tác giả Đặng Chí Bình đã dứt khoát khẳng định vị trí của mình trên văn đàn hải ngoại. ĐCB đích thực là một nhà văn với tác phẩm đầu tay của ông. Với lối hành văn nhẹ nhàng, trôi chảy, trong sáng, linh hoạt, sống động và hào hứng, ông đã dẫn dắt độc giả say mê từ câu chuyện này đến câu chuyện khác không ngưng nghỉ. Giọng diễn đọc trầm ấm của ông Trần Nam với các giọng phụ họa khác tùy nhân vật trong câu chuyện làm người nghe có cảm tưởng như đang ngồi trước màn ảnh nhỏ theo dõi từng giây từng phút một truyện phim gián điệp đầy tình tiết éo le hấp dẫn.

Không có nhận xét nào: