1- Bước chân vào phòng khách, căn nhà nhỏ êm lặng đến rợn người. Đã hai tuần nay, kể từ đêm Khương bị bắt đem đi, ngày nào Ngọc cũng đem cu Chou sang gửi nhà chị Lan rồi đạp chiếc xe mini đi khắp nơi tìm tin tức của chồng. Nàng lên phường không có, lên quận cũng không, tìm đến chỗ trại giam Phan Đăng Lưu người ta cũng trả lời là không biết. Ngọc lên thẳng Ủy Ban Quân Quản trình bày tự sự thì cũng chỉ được câu trả lời là chị cứ yên chí về lo lao động tốt, chồng chị nếu bị giữ cũng chỉ để học tập cải tạo, khi học tập tốt sẽ về thôi. Nàng như điên lên với bao nghi vấn, không lẽ Khương đã bị họ thủ tiêu!
<!>
Ngọc kéo tấm màn che cửa sổ nhìn ra mảnh vườn con. Sau cơn mưa, cây bông sứ đầy những nụ hoa, vài bông đã nở khoe sắc vàng thắm, giàn bông giấy chi chít những chùm hoa tím thật duyên dáng, dịu dàng. Một bên tường phía trái, dây mướp hương đã trổ hoa vàng, trên chiếc giàn bằng tre thấp, cao chưa tới đầu người, mấy dây mướp đắng, bầu, bí đang nghển cổ, ráng ngoi lên; dọc dưới đất phía bên kia, một dãy mồng tơi mới nhú ra mấy chiếc lá non. Mùa mưa nên chẳng tưới bón mà cây cối lên nhanh qúa! Ngọc nhớ như in tuần đầu tiên sau ngày 30/4, tổ dân phố đến nhà nàng để kiểm tra hộ khẩu, họ xuýt xoa khen những cây hồng, cây ngâu, những khóm cúc tím, cúc vàng, bụi thủy trúc nàng trồng viền hai bên sân. Ở giữa nàng đã thuê người lót gạch tàu để cu Chou có chỗ đạp chiếc xe đạp con con mà ông bà ngoại cho cháu ngày bé thôi nôi.
Thế mà ngay tuần sau, khi đi họp tổ phụ nữ, người điều khiển đã phát động phong trào thi đua sản xuất. Đất để canh tác sinh hoa lợi cải thiện bữa ăn chứ không để trồng những hoa hoét vô bổ. Có đất phải trồng rau, trồng bắp, khoai, sắn...người ăn còn dư để nuôi gà, nuôi lợn. Dân Sài Gòn ngán ngẩm với những luận điệu “Lao động là vinh quang”, “Tiêu diệt tận gốc nếp sống đồi trụy”, “ Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, “Tiến nhanh, tiến mạnh lên XHCN”...Sáng nào loa phóng thanh cũng oang oang những lời nói thích nhĩ về chính sách và đường lối của đảng, của chính phủ cách mạng và phát đi những bài hát “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Trường Sơn đông Trường Sơn tây”, “Anh quân bưu”...
Khương rủ Ngọc sang nhà một anh bạn ở Gia Định có hàng rào trước ngõ là bụi tre già, xin chặt một ít tre về để bắc cái giàn trồng bầu, trồng bí cho người ta khỏi nhòm ngó. Cuối tuần hai vợ chồng đào hết hai hàng cây hoa dọc hai bên sườn nhà để sửa soạn trồng rau. Ngọc nhất định giữ lại giàn hoa giấy trước cổng và cây bông sứ cho mát. Nhiều nhà đào cả vườn hoa đằng trước để trồng bắp hay trồng khoai lang. Thậm chí có những khu công viên cũng bị đào bới lung tung để canh tác.
2- Trời còn sớm, sau sáu giờ chiều Ngọc mới phải sang nhà chị Lan đón thằng cu cùng con bé Nhu sang ngủ lại với Ngọc. Từ khi Khương không có nhà, ông bà ngoại cu Chou muốn Ngọc dọn về ở với các cụ nhưng vấn đề hộ khẩu không dễ chuyển, vả lại dọn đi thì mất nhà, còn đồ đạc, sách vở, tài liệu giảng dạy của Khương, biết tính sao. Đêm đầu tiên chỉ có hai mẹ con, Ngọc đã bồn chồn khó ngủ, một tiếng động mạnh cũng khiến nàng giật mình thảng thốt. Cửa ra vào nàng đã kéo mấy chiếc ghế chặn lại mà vẫn chưa chắc, nàng còn để sẵn con dao to dưới nệm và cứ khấn Phật sao cho trời mau sáng. Chị Lan nghe Ngọc kể chuyện xót thương em nên cho Nhu, đứa con gái áp út mười hai tuổi của chị sang ngủ nhà dì. Dù sao có thêm người cũng đỡ quạnh hiu. Ngọc cẩn thận đưa con bé sang gặp tổ trưởng xin giấy tạm trú cho cháu, vì Nhu là con gái nhỏ, lại có hộ khẩu tại Saigon nên không bị làm khó dễ. Có thêm cháu nhà ấm cúng hơn nhưng Ngọc cũng vẫn nhờ Chương sang đóng cho dì mấy cái móc hai bên khung cửa để khi đi ngủ thì nàng gài chặt then ngang. Bên ngoài cổng nàng cũng thay sợi xích lớn và đổi ống khoá to hơn.
Bước vào phòng ngủ, Ngọc soạn lại quần áo và đồ đạc trong chiếc tủ đứng to kê ở góc phòng và những đồ dùng không cần thiết để đem bán bớt. Kể từ ngày đất nước đổi chủ Ngọc không có một nguồn lợi tức nào, Khương vẫn lên trường nhưng ngoài những lớp học chính trị để thông suốt chủ trương chính sách, đường lối giảng dạy, chàng chưa biết là có được lưu dung không và chưa có chế độ lương bổng nên chưa có tiền lương. Ngọc đứng tên cho một dược phòng ở Châu Đốc cũng bị đứt liên lạc, không biết số phận tiệm thuốc ra sao, chủ nhân của nó còn đó hay đã đi rồi. Tiền dành dụm cạn dần. Làm sao sống đây! Ngọc lại thở dài, nàng lo quá không biết phải xoay xở ra sao trong khi hàng ngày loa phóng thanh ra rả đọc chính sách và theo chỉ thị của nhà nước thì năm hạng dân thành thị phải chuyển đi vùng kinh tế mới với viễn ảnh tốt đẹp là sau một thời gian những khu đất hoang sẽ biến thành những vùng đất trù phú, hoa mầu tươi tốt, người dân mặc sức mà thâu hoạch rồi tiến nhanh, tiến mạnh đến XHCN. Mọi người sẽ sung sướng làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu, không còn ai phải lang thang thất nghiệp. Năm hạng người đó là: Dân thất nghiệp; dân cư ngụ bất hợp pháp; dân cư ngụ trong những khu vực dành cho cán bộ, bộ đội; thương gia; đại thương gia sau khi bị kiểm kê tài sản.
Chiều Saigon không mưa nhưng bầu trời ủ ê buồn, vài cụm mây xám lang thang. Ngọc đi đến nhà chị đón con, nàng đạp xe đi giữa hai hàng cây me mới thay lá, màu lá xanh non, nhớ Khương, nhớ thật nhiều, không biết chồng mình sống chết ra sao. Hất tung mái tóc dài, ngửa mặt nhìn trời cao, hỏi mây, hỏi gió... Khương ơi, Khương ở đâu?? Em phải làm sao, làm sao đây?? Cứ như thế, Ngọc đạp xe trên con đường vắng, cùng cực trong nỗi cô đơn.
3- Bấy lâu nay Ngọc ngồi bán hàng ở vỉa hè thương xá Tax mà không dám cho bố mẹ và chị Lan biết. Chả là một ngày cũng như mọi ngày, Ngọc đem một mớ quần áo cũ và đồ dùng vặt vãnh trong nhà đi bán. Mãi đến xế trưa, nàng đi suốt dọc Huỳnh Thúc Kháng, sang tới Hàm Nghi mà chẳng ai chịu mua, ngay cả không ra giá vì họ nói dạo này ế ẩm, còn hàng ứ đọng nên không mua vào. Lang thang sang Nguyễn Huệ, vỉa hè cũng đầy người mua kẻ bán, có vẻ còn tấp nập hơn vì người đi lại đông hơn nhưng phần nhiều họ bán sách cũ, văn phòng phẩm, tranh ảnh, qùa kỷ niệm. Ngọc hỏi thăm một thằng bé mặt mũi hiền lành, trạc tuổi thằng Chương con của chị Lan đang ngồi trước chiếc hộp gỗ bầy mấy chiếc đồng hồ, vài cây bút máy, vài cặp kính đen.
- Buôn bán khá không em?
- Cũng tuỳ chị ạ, có ngày may thì đắt hàng hôm nào xui thì ế. Về không.
- Em bán thế này có phải xin phép hay thuế má gì không?
- Không, mạnh ai nấy bán, ai đến sớm thì có chỗ, ai tới sau thì hết. Chị muốn bán gì?
- Chị có ít quần áo cũ.
- Vậy chị ngồi xuống đây, ké với em cho vui.
Thằng bé dịch chiếc hộp gỗ sang một bên nhường chỗ cho Ngọc, không sửa soạn trước Ngọc chẳng có gì để trải ra, nó nhanh nhẹn rút miếng ni lông xếp gọn dưới hộp cho Ngọc mượn. Thế là Ngọc có “cửa hàng” đầu tiên trong đời.
Ngọc vừa bày mấy chiếc áo dài cổ chữ U bằng lụa hoa rất đẹp mà Ngọc đã mua ở tiệm vải trên đường Tự Do trong một chiều dạo phố với Trang, vài món đồ chơi và quần áo cũ của cu Chou. Ngọc còn dáo dác nhìn quanh chỉ sợ gặp người quen thì có hai cô gái miền Bắc cầm ngay chiếc áo dài lên ướm thử. Mặt hai cô sắc sảo, xinh đẹp dù chỉ mặc quần đen và áo sơ mi vải trắng cháo lòng may sát vào người. Hai cô này mà mặc áo dài của Ngọc chắc đẹp lắm vì tạng người cũng cỡ Ngọc. Thế là thuận mua vừa bán, hai cô là chủ mới của hai chiếc áo dài đẹp. Hai cô còn cho biết họ là văn công của Đoàn văn nghệ Trung ương, đang diễn ở rạp Quốc Thanh, hẹn mai sẽ đưa bạn tới mua nữa. Chỉ một lúc sau giỏ hàng của Ngọc được bán hết sạch, giá cao hơn khi nàng bán sang tay cho mấy người có sạp quần áo cũ. Ngọc thu dọn ra về, tặng cho Mạnh, thằng bé mới quen một chút tiền lấy thảo và hẹn hôm sau giữ chỗ hộ, Ngọc sẽ đem hàng ra đây bán tiếp.
Ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ, một mảnh vải ni lông bày vài món hàng, trước mặt nàng là tiệm Bạch Tuyết, mới ngày nào cô dược sĩ vừa ra tường e ấp theo chàng vào đây chọn áo cưới. Những hình ảnh như nhoà đi, chập choạng với những kỷ niệm cũ mơ màng... Khương ơi, anh ở đâu. Anh có biết vợ anh đang ngồi vỉa hè lam lũ thế này không.
Tưởng cuộc sống tạm yên, mỗi ngày Ngọc ngồi vỉa hè bán hàng của chính nhà mình, sau thêm một ít mặt hàng bán được như đồ chơi, giày dép, mũ nón, tập vở trẻ con hoặc mấy cái radio cũ, lược gương cho phái nữ mà các chàng bộ đội hay mua để làm quà khi về quê. Lúc quân Cộng Sản tràn vào thành phố, Ngọc căm thù bộ đội miền Bắc nhưng khi tiếp xúc với những người bộ đội mặt non choẹt, ngây ngô, xanh bủng, vêu vao, ngơ ngáo, nhìn cũng biết là những khuôn mặt thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, Ngọc lại thấy tội nghiệp. Dĩ nhiên cũng có những anh chàng ba hoa, khoác lác đến buồn cười. Những lúc không có khách, Mạnh cũng kể cho Ngọc sơ qua về chuyện gia đình. Em là con lớn của một bầy bốn anh chị em. Cha là sĩ quan VNCH bị bắt làm tù binh trước 30/4 khi ông đang hành quân ngoài miền Trung, nay chưa biết bị giam giữ ở đâu. Mẹ ở nhà làm bánh cho mấy em đem bán trước các cổng trường. Mạnh được một người quen cùng xóm đưa hàng cho bán lấy lời giúp mẹ tiền chợ. Nghe cũng thật não lòng. Mặt em khôi ngô, mắt sáng thông minh, nụ cười hiền lành vậy mà phải bỏ học để kiếm sống. Vài năm nữa đến tuổi đi nghĩa vụ, lại phải đi lính như những người bộ đội kia. Ngọc thấy thương cho Mạnh và thương cả chính thân mình.
Gần một tháng chị em buôn bán với nhau, những lúc bất chợt cơn mưa ập tới, túm tấm ni lông gói vội hàng vào chạy núp dưới hiên thương xá để trú mưa. Những lúc tưởng như công an rượt đuổi lo cắm đầu chạy chỉ sợ bị bắt hoặc mất hàng thì khổ. Bù lại có những lúc gặp món hời hay khách sộp chị em hỉ hả cười. Cho đến sáng hôm nay, sắp đến ngày lễ lớn, người ta phải quét dọn lòng lề đường, làm sạch “thành phố mang tên Bác”. Một tốp thanh niên tay mang băng đỏ xách súng AK dí vào từng người đuổi đi, không cho ngồi bán trên vỉa hè làm xấu thành phố. Ngọc nghiến răng túm hết hàng bỏ vào chiếc giỏ cói đi ra chỗ lấy xe mà uất hận, đầu óc lùng bùng như muốn nổ tung. Giận mà quên không hỏi địa chỉ thằng bé.
Bước vào nhà Ngọc như kiệt sức, vất người xuống ghế sô pha rồi oà lên khóc, nàng gào nấc lên, khóc cho xả những ấm ức dồn nén trong lòng. Có ai biết đến nỗi khổ này không. Muốn lam lũ cũng không được làm người lam lũ!! Khóc một lúc Ngọc mệt lả người ngủ thiếp đi cho đến khi như gặp cơn ác mộng, nàng choàng tỉnh, dậy sửa soạn đi đón con.
Đỗ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét