Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

NGÀY GIỖ BẠN NHỚ CHUYỆN CON HEO CỨU MẠNG - Trần Chí Phúc


       (Tạ Việt Hoàng & Trần Chí Phúc)
Cuốn truyện Papillon- Người Tù Khổ Sai của tác giả Henry Charriere nổi tiếng thế giới đã được dịch tiếng Việt và xuất bản tại Sài Gòn đầu thập niên 1970 thời Việt Nam Cộng Hòa làm say mê nhiều độc giả. Có một chi tiết ít người để ý nhưng lại rất quan trọng giúp cứu mạng người đọc cuốn truyện đó sau này. Bạn tôi kết giao hơn 30 năm là Đông Y Sĩ Tạ Việt Hoàng ở San Jose, trong một lần cùng ngồi ăn bún chả ở Quán Minh bỗng dưng hỏi tôi rằng có đọc truyện Papillon- Người Tù Khổ Sai không; tôi gật đầu và bạn hỏi tiếp rằng tôi có nhớ chi tiết con heo rừng chạy trên đám sình lầy và Papillon đã theo dấu chân con vật mà bước đi thoát ra khỏi khu rừng. Tôi trả lời rằng không để ý điều đó.
<!>

Bạn nói là chính nhờ đọc cuốn truyện, nhớ chi tiết đó mà bạn và một số người đã thoát chết. Thập niên 1990-2000 bạn tôi là thầy thuốc Đông Y mỗi năm về Việt Nam vài tuần để học hỏi thêm các phương thuốc hay và tìm dược liệu Thuốc Nam. Có một lần bạn thuê mấy người cùng đi vào khu rừng tràm ở miền Tây để hái mật ong rừng và tìm dược liệu. Cả bọn mang theo gà, một con heo mọi để nấu nướng. Khi muốn trở ra thì lạc lối vì người dẫn đường không phải là dân chuyên nghiệp, tên này đã nói láo để được mướn. Đường đi đầy sình, rất dễ bị lún sâu và mất mạng.

Trong lúc ngồi buồn rầu thì Tạ Việt Hoàng thấy mấy người kia chuẩn bị làm thịt con heo mọi; bạn chợt nhớ tới chi tiết con heo rừng trong truyện Papillon bèn bảo thả con heo ra để nó chạy đi và mọi người theo dấu chân mà ra khỏi khu rừng đầy sình.

Bạn tôi gọi đó là con heo cứu mạng nên giao cho một gia đình nuôi con heo cho đến khi nó chết. Mỗi năm cho họ vài chục mỹ kim để lo cho con heo, con heo còn sống thì còn trả tiền. Một đôi lần bạn tôi có về địa phương đó thăm con heo cứu mạng,vài năm sau nó chết.

Câu chuyện bạn tôi kể thật thú vị, sau đó tôi tìm đọc lại truyện Papillon trên Internet thì quả đúng có chi tiết đó. Bạn tôi có ý tưởng muốn giúp dân địa phương sản xuất dầu tràm, pha thêm một ít dược liệu để thành một loại dầu chữa bệnh như dầu khuynh diệp, dầu Nhị Thiên Đường, dầu gió xanh... rất phổ biến trong giới cao niên. Bạn đã có liên lạc với một công ty Úc để bàn việc nhưng sau đó thì rừng tràm U Minh bị cháy lớn vào năm 2002 mà không cứu chữa kịp. Tôi có viết một bài báo Ai Đốt Rừng U Minh đăng trên Việt Báo thời đó, giờ đọc lại cảm giác bồi hồi. “Trên cao gió hát mây như tóc. Tràm đứng như em một dáng gầy” ( không nhớ tên thi sĩ )

Bạn tôi thỉnh thoảng tặng cho một chai mật ong rừng chính tay đi hái và mang về Mỹ. Mùi vị thật ngon giống như mùi vị quen thuộc đã từng nếm thời ấu thơ.

Tạ Việt Hoàng di tản sang Mỹ năm 1975, từng là kỹ sư rồi tốt nghiệp châm cứu trường đông y ở San Francisco khoảng năm 1986; sau đó vài năm lấy mảnh bằng OMD ( Oriental Medicine Doctor ) ở Los Angles và mở phòng châm cứu thuốc bắc, tập khí công lấy tên là Trung Tâm Y Học Dưỡng Sinh – Ta’s Healing Center ở San Jose, bệnh nhân gồm người Mỹ lẫn đồng hương gốc Việt. Bạn mê võ thuật, dạy cho tôi nhiều môn khí công như Hồi Xuân Công, Bát Đoạn Cẩm, Hồng Gia Khí Công, Thập Bát Liên Hoa Thủ, Dịch Cân Kinh, và tôi đã từng cùng bạn học môn Tẩy Tủy Công ở Quận Cam năm 1995.

Sau này Tạ Việt Hoàng học thêm chú Mật Tông ở các vị sư Tây Tạng và bùa chú của các thầy bùa ở Việt Nam để chữa cho bệnh nhân bị bùa ngãi ếm.

Tôi hiểu thêm về Đông Y vì hay đến phòng mạch của bạn chơi và đôi khi nhờ chữa bệnh. Bạn thường hay kể về những cách chữa bệnh vừa học thêm ở các danh y Tàu, Việt Nam...

Trong bài viết này tôi bàn về bệnh cảm mà tôi học được từ Đông Y Sĩ Tạ Việt Hoàng trong thời gian kết bạn hơn 30 năm.

Bệnh nhân đến phòng mạch Tạ Việt Hoàng thường nhờ chữa bệnh cảm. Mùa nào cũng có bệnh nhân bị cảm, từ mùa hè đến mùa thu, mùa đông. Sau lễ Giáng Sinh, Tết Tây thì có bệnh nhân người Mỹ bị cảm đến chữa. Bạn nói rằng mùa lễ thì họ thức khuya, ăn uống không điều độ, cộng thêm trời lạnh cho nên dễ bị cảm. Có cô gái Mỹ còn trẻ nhưng cũng bị cảm thì bạn nói lý do rằng cô ấy mặc y phục đẹp không đủ ấm đi dự tiệc gặp trời lạnh nên về bị cảm.

Viết tới đây tôi cảm phục những người mặc áo dài ở xứ Mỹ và Âu châu trong những sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam như diễn hành Hội Tết, hay lễ hội vào mùa đông mùa xuân ngoài trời bên này. Để biểu hiện nét đẹp truyền thống dân tộc thì họ phải chịu đựng gió rét, có thể về nhà sau đó bị cảm lạnh.

Bệnh cảm được bàn luận nhiều trong cuốn sách Thương Hàn Luận của danh y Trung Hoa là Trương Trọng Cảnh, là sách giáo khoa trong trường Đông Y.

Bắt mạch ở cổ tay để tìm căn bệnh là phương pháp chính của của đông y sĩ. Bạn tôi nói rằng trong phép bắt mạch thì tìm ra mạch cảm là khó nhất, vì có khi gốc bệnh cảm đã chớm trong người nhưng chưa phát ra ngoài nên rất khó biết.

Khi có gốc cảm trong người thì không được uống thang thuốc bổ vì không những vô bổ mà còn có hại. Tôi nhớ thời còn bé, mẹ tôi mời thầy lang đến bắt mạch và bốc cho thang thuốc bổ có vài lát sâm nhung. Nữa đêm mẹ tôi trở bệnh nặng làm cả nhà hoảng loạn. Bây giờ tôi mới hiểu là thầy lang đó không phát hiện ra mạch cảm của mẹ tôi mà cho thuốc bổ. Rồi một lần tới phòng thuốc ở Tuy Hòa bắt mạch và bốc thuốc bổ; trên đường về nhà bị gió lạnh, sau đó uống thang thuốc bổ thì bị phản ứng mạnh.

Cho nên mỗi lần tôi nhờ bạn nấu cho thuốc bổ thì khi bắt mạch nói rằng tôi có mạch cảm dù bệnh chưa phát ra nhưng không thể uống thang thuốc bổ được; rồi bạn bốc cho thang thuốc có mấy vị trị cảm.

Thời tôi còn ở Calgary Canada dù trời lạnh nhưng chưa hề bị cảm. Khi sang ở San Jose năm 1985 thì mùa đông đầu tiên tôi bị cảm và bị cảm hầu như mỗi mùa lạnh suốt mấy chục năm. Lý do là ở Canada dân ít và không khí trong lành và trong nhà đều có sưởi ấm, ra đường thì áo ấm đầy đủ.

Còn sang San Jose California thì không khí ô nhiễm hơn Canada, người đông nên vi khuẩn cảm cúm lây lan nhiều. Nhà ở đây mùa đông ít khi mở máy sưởi vì không lạnh lắm và ngại tốn tiền điện nhưng đối với người sức khỏe yếu thì dễ bị cảm lạnh. Mặc dù đắp chăn mền đầy đủ nhưng khí lạnh hít qua mũi vào phổi và gây bệnh cảm.

Tạ Việt Hoàng chỉ cho bệnh nhân mua máy sưởi dầu – Oil Radiator Heater- mua ở Walmark, để trong phòng ngủ mà sưởi ấm lúc ngủ vì mở sưởi cả nhà rất tốn điện. Bạn tôi kỹ lưỡng tới mức bảo họ mua cái Timer nối vào máy sưởi để canh giờ khoảng nữa đêm là máy mở và mờ sáng là máy đóng. Vì lúc ngủ khoảng 10 giờ trời còn ấm nhưng nữa đêm nhiệt độ xuống thấp thì lúc đó ngủ say và bị cảm.

Đứa cháu trai ở Nam Cali tuổi thanh niên mà bị cảm trời mùa hè, chỉ vì trời nóng lúc ngủ cởi trần, cửa sổ mở. Nữa đêm trời lạnh, ngủ say không đắp chăn nên bị bệnh cảm.

Một người bạn đến phòng mạch để xông thuốc trị cảm. Người đó xông thuốc rồi lái xe về nhà, hôm sau bệnh cảm rất nặng. Tôi hiểu ra rằng khi xông thuốc ra mồ hôi thì các lỗ chân lông mở ra, gió lạnh dễ nhập vào. Cho nên khi xông thuốc thì phải ở trong phòng, không đi ra ngoài chờ nhiều tiếng đồng hồ cho cơ thể bình thường.

Đối với cá nhân tôi, lúc ngủ trong phòng thì nhiệt độ dưới 60 độ F là bị cảm cho nên từ tháng 11 tới giữa tháng 4 là tôi mở sưởi dầu trong phòng. Có một ni cô ở Quận Cam hay bị cảm về mùa đông, tôi chỉ cho mua máy sưởi dầu để trong phòng, mặc dù tốn thêm tiền điện mỗi tháng cả trăm đô la nhưng từ đó không còn bị cảm nữa, không tốn tiền chữa bệnh cảm.

Cho nên mùa đông tôi rất ngại đi chơi xa mà ngủ nhà người khác không đủ ấm mà bị bệnh cảm. Mới đây có một người quen ở San Jose qua đời vì bị cảm; trong nhật ký email trước khi chết viết rằng thức đêm nấu bánh chưng với cháu ngoại bị cảm sơ sơ; rồi lái xe xuống thăm bạn Quận Cam tối ngủ bị lạnh nên cảm nặng thêm và vì có bệnh tim sẵn nên qua đời. Tôi đọc đoạn nhật ký đó mà thấm thía cái nguy hiểm của bệnh cảm vì bị lạnh.

Tạ Việt Hoàng có chữa bệnh ung thư cho nhiều bệnh nhân. Có người sống có người không qua khỏi.

Bệnh cảm làm suy yếu cơ thể, rất nguy hiểm đến tính mạng cho những bệnh nhân ung thư nên bạn tôi khuyên họ rất cẩn thận không để bị cảm.

Bạn chỉ cho tôi mặc thêm một cái áo lót trong người để ngừa trời gió lạnh bất thường ở San Jose. Tôi đã mặc nó từ thập niên 1990 cho đến nay, áo bó sát người giống như một lớp da khác để bảo vệ cơ thể; tuy bất tiện nhưng hữu ích. Tôi hiểu rằng mấy vị cao niên cũng thường mặc thêm cái áo lót như vậy.

Mỗi lần đi ra ngoài, trở về nhà nuốt nước miếng thấy cổ họng đau đau là tôi biết sắp bị cảm. Ngay lúc đó, tôi phải vận động quơ tay đá chân để mồ hôi ra thật nhiều, để đẩy gốc cảm ra; chứ nếu không làm gì cả mà ngủ qua đêm thì bệnh cảm trở nặng.

Mới hiểu tại sao mấy người làm việc chân tay, mồ hôi ra nhiều ít bị cảm là vậy.

Những năm trước thuê phòng ở nhà người ta, mùa đông tôi trả thêm 50 mỹ kim để mở cái máy sưởi dầu trong phòng. Chủ nhà vui vẻ mà mình không bị cảm, tiền uống thuốc chữa bệnh cảm còn nhiều hơn.

Mùa đông năm 2021, 2022 tôi không bị cảm vì ngủ có sưởi ấm trong phòng, chịu khó vận động, đi bộ nhanh ra mồ hôi và một điều đặc biệt là đeo khẩu trang khi vào chỗ đông người. Khẩu trang giúp không bị vi khuẩn cảm cúm lây qua mũi và ra ngoài trời lạnh giúp cho phổi không bị nhiễm lạnh.Trước năm 2019 khi chưa có đại dịch cúm Covid 19, ở Mỹ nếu vào siêu thị mà đeo khẩu trang thì bị dòm ngó nghi ngờ, bây giờ thì thoải mái.

Bạn tôi bắt mạch cảm rất giỏi. Có lần bạn bắt mạch nói rằng tôi bị cảm nhiều tầng. Nghĩa là tôi bị cảm chưa hết, đi ra ngoài bị gió lạnh nhiễm cảm thêm, mấy lần như vậy. Tôi khâm phục sự chẩn đoán đó. Khi bị cảm có thể là cơ thể đã nhiều lần bị nhiễm lạnh trước đó, bệnh cảm nhập vào nhưng chưa đủ mạnh, đến khi cơ thể suy yếu hoặc thêm một lần nhiễm gió lạnh nữa thì bệnh cảm phát ra. Gió lạnh thổi vào người nguy hiểm hơn khí lạnh, cho nên từ ngữ có câu sương gió, mưa gió; Đông Y có chữ Phong ( gió ) để chỉ hiện tượng xảy ra mau chóng như Trúng Phong ( trúng gió ) tức là bệnh đột quỵ- Stroke. Kinh nghiệm cho thấy chỉ cần bị một cơn gió lạnh lướt qua, chợt thấy ớn lạnh là lúc đó gốc cảm bắt đầu xâm nhập.

Bạn kể rằng thầy lang muốn bắt mạch giỏi cần có nhiều yếu tố. Ít nhất là không uống rượu hút thuốc để tâm trí an ổn, đầu óc thoải mái. Có một lần bạn, đêm trước đó vào ngồi trong phòng thiền định, niệm chú Dược Sư để sáng sớm hôm sau chẩn mạch cho một bệnh nhân mới có bệnh nan y.

Cho nên mỗi lần tôi thấy có một thầy lang vừa hút thuốc nói chuyện mà tay bắt mạch bệnh nhân thì biết là thầy dởm.

Tạ Việt Hoàng chỉ cho tôi mua tỏi ngâm rượu mạnh; vào mùa đông ăn miếng tỏi và uống chút rượu tỏi để giúp giải cảm. Phải mua tỏi trồng ở Mỹ thì tốt nhất.

Mỗi lần thấy ớn lạnh thì cạo gió hoặc giác hơi hoặc xông lá chanh lá bưởi sớm nhất để ra mồ hôi mà giải cảm; đừng để muộn quá thì cảm đã nhập vào lục phủ ngũ tạng rất khó chữa. Ăn cháo nóng có rễ và củ hành lá cũng tốt.

Đông y sĩ Tạ Việt Hoàng nổi tiếng với phòng chữa bệnh hơn 30 năm ở San Jose. Bạn tôi thấy mệt và người em đưa vào nhà thương buổi chiều thứ bảy rồi qua đời sáng chủ nhật 15-3-2020. Bác sĩ thấy áp huyết từ từ xuống thấp, làm bao nhiêu xét nghiệm nhưng không tìm ra căn bệnh. Vào thời buổi dịch cúm Covid 19 đang căng thẳng nên bạn bè và người thân không được dự tang lễ và hỏa táng.

Tin tức Đông Y Sĩ Tạ Việt Hoàng qua đời thình lình ở tuổi 63 làm nhiều người bất ngờ. Tôi ở Quận Cam thường hay phôn nói chuyện với bạn và mãi hai tuần lễ sau mới biết tin. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết lý do bạn tôi mất. Có thể là có một bệnh nan y nào đó mà bạn dấu diếm hoặc là làm việc quá sức, thức đêm để canh nấu một nồi cao lớn cho bệnh nhân hay một lý do huyền bí khó giải thích.

Cả hai cùng dự tính là tôi sẽ chấp bút để viết ra những kinh nghiệm, những y án về Đông Y mà Tạ Việt Hoàng trong 30 năm đã hành nghề và học hỏi từ các danh sư Tàu, Việt Nam, Ấn Độ... để in thành sách cho thế hệ sau nghiên cứu.

Ý nguyện đó không thành và những sở học của bạn tôi đã đi theo vào cõi hư vô.

Hôm nay 15-3-2022 ngày giỗ nhì của Đông Y Sĩ Tạ Việt Hoàng. Cây hoa đào trong vườn ở Quận Cam nở rộ làm nhớ kỷ niệm mấy lần cùng bạn ngắm hoa đào Vườn Nhật San Francisco. Ngày xưa Lý Bạch làm thơ tiễn bạn vào tháng 3 của ngàn năm trước “ Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu. Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu”.

Vì San Jose xứ Mỹ cũng có hoa nở và sương khói thơ mộng vào tháng ba, nên xin được viết rằng “ Bạn ta giã biệt không về. Tháng ba hoa khói San Jose nhớ hoài.”

Quận Cam hoa đào nở,Tháng 3- 2022

Trần Chí Phúc

Không có nhận xét nào: