Chúng ta thường nghe: “Mục tiêu chính của Đạo Phật là thoát Khổ, giác ngộ, và giải thoát.” Thực ra, cả ba ý nghĩa của mục tiêu này đều rốt ráo qui về một, nói đến một mục tiêu là đã hàm ý cả hai cái kia. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ khai triển mục tiêu thứ nhất tức là "Thoát Khổ." Trước hết, chúng ta hãy chú tâm, lắng lòng nghe lại lời di huấn về mục đích duy nhất của 49 năm thuyết pháp của đức Thế Tôn: "Ví như nước biển chỉ có một vị mặn, Pháp của ta thuyết ra chỉ có một vị là vị Giải Thoát." (1)
Ở đây, chúng ta xin nêu ra hai câu hỏi để cùng nhau suy nghiệm lời di huấn trên:
1. Thế nào là thoát?
2. Thế nào là Khổ?
Thế nào là thoát? - "Thoát," bản chất là một "sự vượt qua" một "giới hạn nào đó" để đến một trạng thái "hoàn toàn tự do". Như vậy được gọi là “thoát.” Đó là ý nghĩ của “sự thoát ra,” trong đó bao gồm ba yếu tố chính: một sự vượt qua, một giới hạn nào đó, và một trạng thái hoàn toàn tự do. Chúng ta sẽ trở lại ý nghĩa của “sự thoát ra” này sau khi khảo sát tướng trạng và nguyên nhân của Khổ.
Thế nào là Khổ? - Khi nói về "Khổ", thì chúng ta ai cũng có thể hình dung, cảm nhận được, ai cũng có thể cho ví dụ được, hoặc dễ dàng kể ra được nỗi Khổ riêng của mình; tuy nhiên, khi được hỏi định nghĩa về Khổ thì đa số chúng ta vẫn còn mơ hồ.
Ở đây, câu hỏi nêu ra là định nghĩa về Khổ, không phải ví dụ về Khổ. Chúng ta cần xác định rõ ràng điều gì là mẫu số chung trong tất cả các tướng trạng của các nỗi Khổ trong thế gian. Muốn giải quyết triệt để một vấn đề gì, việc cần làm trước nhất và quan trọng nhất là phải hiểu rốt ráo khái niệm và ý nghĩa của vấn đề đó. Đó là nguyên tắc giải quyết bất cứ vấn đề nào trong thế gian, bao gồm vấn đề quan trọng nhất của nhân sinh, tức là Khổ.
Đức Phật Thích Ca đã nhận diện và xác định vấn đề nầy một cách thấu suốt, rốt ráo khi Ngài chứng nghiệm các tướng trạng căn bản của Khổ (già, bệnh, chết) ở các cửa thành. Sau đó, Ngài quyết tâm giải quyết triệt để vấn đề này bằng cách tự tu, tự chứng. Sau khi tự tu, tự chứng, đức Thế Tôn vì thương xót chúng sanh còn chìm ngập trong biển Khổ nên Ngài đã chuyển pháp luân, công bố giải pháp triệt để chấm dứt vấn nạn lớn nhất của nhân thế. Đó là nhân duyên ra đời của Tứ Diệu Đế. Với lòng tri ân vô tận đối với vị Phật lịch sử, chúng ta cùng nhau trước đèn lần giở lại trang kinh xưa để tìm hiểu về giải pháp chấm dứt Khổ Uẩn, tức là Tứ Diệu Đế.
Trong bài kinh Chuyển Pháp Luân, đức Thế Tôn trước hết cho ví dụ về 12 tướng trạng đưa tới sự cảm nhận "Khổ". Sau đó, đức Thế Tôn mới đưa ra định nghĩa rất thâm sâu và rõ ràng về nguồn gốc của "Khổ". Định nghĩa này xác định và nhận diện tính chất căn bản của tất cả các tướng trạng của Khổ, nguyên văn như sau:
"Đây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ." (2)
Câu định nghĩa này rất quan trọng: “Năm thủ uẩn là khổ”.
Nói rộng ra, điều đó có nghĩa là:
“Chấp thủ nơi năm uẩn mà cho đó là Ta, thuộc về Ta, là tự ngã của Ta, thì đó là Khổ.”
Nó diễn đạt rõ ràng sự thật thứ nhất trong Tứ Diệu Đế. Chúng ta cần thấu hiểu định nghĩa này một cách thật rõ ràng rốt ráo. Muốn vậy, chúng ta nhắc lại ở đây cấu trúc câu thường được Đức Thế Tôn sử dụng khi trình bày Tứ Diệu Đế:
1. Đây là Khổ
2. Đây là Khổ Tập
3. Đây là Diệt
4. Đây là Đạo.
Chúng ta hãy chú tâm đến cấu trúc câu được lập lại nhiều lần này: "Đây là X.” Tứ Diệu Đế khi được trình bày rõ ràng và đầy đủ, thì nhất thiết phải có cấu trúc “Đây là X” này. Chúng ta không nên trình bày theo kiểu liệt kê và giản lược rằng: “Tứ Diệu Đế bao gồm Khổ, Tập, Diệt, Đạo.” Vì sao? - Vì khi nói giản lược như vậy, ta không những nói sai với nguyên bản kinh văn mà còn làm mất đi ý nghĩa tinh túy của Pháp thực hành khi ta dụng công tu tập theo tinh thần của Tứ Diệu Đế.
Bây giờ chúng ta sẽ khảo sát cấu trúc trình bày “Đây là X,” vì ý nghĩa của cấu trúc này phản ánh bản chất tinh túy của pháp hành trì. Bản chất của cấu trúc “Đây là X” mang ý nghĩa rằng: việc nhận thức là một hành động nhận-diện-trực-tiếp (directly identify, instinctively recognize). Nó đòi hỏi yếu tố X phải là "cái-đang-là," tức là cái thực-tại-hiện-tiền, hay cái bây-giờ-và-ở-đây.
Một ví dụ cụ thể để nói lên cái tinh yếu của cấu trúc “Đây là X”: Khi chúng ta muốn giới thiệu ông A với một nhóm bạn, chúng ta chỉ có thể dùng cấu trúc câu: “Thưa các bạn, đây là ông A,” nếu và chỉ n���u như ông A đang thực sự có mặt trước chúng ta. Nếu ông A không hiện diện vào lúc đó thì chúng ta không thể nào giới thiệu ông A bằng cách sử dụng cấu trúc câu “Đây là ông A” được.
Tương tự như thế khi chúng ta giới thiệu một pháp nào đó với cấu trúc câu “Đây là X” cho chính tâm thức của chúng ta nhận diện và tu tập, điều này có nghĩa là ngay trong sát na đó tâm ta đang hiện diện để quan sát như thật thực-tại-X (có như lý tác ý, Pali. yoniso manasikara). Nói cách khác, ngay trong sát na đó tâm đang-là-một với thực-tại-X. Ta gọi sát na đó là một thực-tại-tâm-pháp; nó được biểu hiện ra là một đơn-niệm-biết.
Điều này thực sự cần thiết cho khả năng nhận diện của tâm thức: “Đây là X” một cách chính xác theo đúng quy ước của thế gian. Nói cách khác, lúc đó tâm đã “vận hành” theo đúng chức năng nhận diện của nó, tâm đã trở về nhà và “an trú” ngay trên trú xứ của chính nó, tức là cái thực-tại-hiện-tiền của 18 giới (sáu căn, sáu trần, sáu thức.)
Ngược lại, ngay bây giờ khi bạn đang đọc những dòng chữ này, nếu tâm thức bạn không có cảm nhận tướng trạng Khổ, thì bạn không thể nói rằng: “Đây là Khổ” được. Tuy nhiên, tri thức bạn nãy giờ vẫn theo dõi các dòng chữ và thấu hiểu rõ ràng những gì đang được trình bày và ghi nhận tính chất hợp lý của cách trình bày này trong ký ức. Chính sự ghi nhận tính chất hợp lý này sẽ là nền tảng giúp bạn dễ dàng trực nhận ra “Đây là Khổ” một khi bạn thực sự trong trạng thái Khổ. Việc nhận ra này (instinctively regconize) lúc đó sẽ xảy ra vì có sự thấu hiểu hợp lý (logicaly understand) làm nền tảng.
Như thế, phương pháp thực hành thiền với trí tuệ là: ngay khi ta đang Khổ, hãy trực nhận "Đây là Khổ"; cùng lúc đó, ta thấy rõ ràng như thật với trí tuệ rằng ta đang Khổ vì có sự-chấp-thủ nơi năm uẫn và cho đó là Ta, thuộc về Ta, là tự ngã của Ta. Sự trực nhận đó là chức năng của "Như Thật Tuệ Tri" của Phật giáo Nguyên Thủy (Pali. yathabhuta pajanati.)
Đối với người đó, sự thật vi diệu thứ nhất, tức là Khổ Đế được phơi bày rõ ràng không che dấu. Vấn nạn lớn nhất của nhân sinh đã được phơi bày. Vì sao? Vì người đó đã thành tựu “như lý tác ý” và “như thật tuệ tri”: "Đây là Khổ." Đây là chánh kiến vững chắc đầu tiên trên con đường tâm linh vì vị ấy đã nhận ra vấn đề căn bản cần giải quyết bằng Trí Tuệ của chính vị ấy: “Đây Là Khổ.”
Nói tóm lại, ý nghĩa tinh túy của 2 chữ “Đây là” trong sự thật thứ nhất “Đây là Khổ” chính là sự trực nhận của chức năng “Như Thật Tuệ Tri.” Tác nhân của nó là “Như lý tác ý”. Kết quả của nó là sự thành tựu chánh kiến về sự thật vi diệu thứ nhất: Khổ Đế.
Cũng theo nguyên tắc tương tự đối với sự thật thứ hai: “Đây là Khổ Tập”; bất cứ khi nào, chúng ta nhận thấy tâm chúng ta đang có phản ứng thích thú muốn duy trì các cảm thọ lạc trong tâm, hay móng tâm xua đuổi các cảm thọ Khổ, thì ngay lúc đó, chúng ta cần như-thật-tuệ-tri: "Đây là Khổ Tập".
Vì sao nói thói quen hay phản ứng Tâm trước các cảm thọ (thọ lạc, thọ Khổ, thọ bất lạc bất Khổ) chính là nguyên nhân của Khổ, tức là Khổ Tập?
- Vì trong kinh Phật dạy: "Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ. Chính vì liên hệ đến tánh vô thường, tánh đoạn tận, tánh tiêu vong, tánh ly tham, tánh đoạn diệt, tánh biến hoại của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ.” (3)
Bản chất tinh túy của sự nhận ra “Đây là Khổ Tập” chính là sự nhận ra một thói quen rất căn bản: Thói quen phản ứng của Tâm trước ba loại cảm thọ. Nhưng các thọ là vô thường và thường được Phật ví như bong bóng nước chỉ tạm có trong chốc lát do duyên xúc chạm của sáu căn và sáu trần mà thôi. Thói quen phản ứng lại cái gì vô thường hay chấp rằng nó là Ta, thuộc về Ta, là Tự Ngã của Ta thì chắc chắn sẽ mang đến đau Khổ. Thói quen này đã bị huân tập từ vô lượng kiếp nên rất khó bỏ, nếu khôngcó sự tu tập có hệ thống với sự dự phần của Trí Tuệ.
Khi thói quen cũ hay phản ứng Tâm này bị nhận ra một cách trực tiếp trong trạng-thái-đang-là của chính nó bằng năng lực của như-thật-tuệ-tri: “Đây là Khổ Tập,” nó sẽ mất dần quán tính, không lôi kéo ta theo đường cũ được nữa.
Thực hành như vậy thường xuyên, ta sẽ huân tập được thói quen mới. Thói quen này chính là điều ngược lại với định nghĩa về Khổ. Tức là thói quen: KHÔNG chấp thủ nơi năm uẩn mà cho đó là Ta, thuộc về Ta, là tự ngã của Ta.
Khi thói quen này được tu tập viên mãn, hành giả kiểm chứng lại Tâm mình xem các đam mê nghiền ghiện đã sạch hết chưa, tham sân si có còn chi phối tâm hay không? Nếu thực sự là không thì cần phải xác định và nhận diện rõ ràng: "Đây là Diệt". Tiến trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và tinh tấn cùng với trí tuệ.
Bản chất tinh túy của hai chữ “Đây là” trong Diệt Đế chính là sự tu tập và thâm-chứng trạng thái Diệt tức là Niết Bàn. Ở đây cần nói rõ cái gì Diệt? Không phải thế giới hiện tượng diệt, mà là thói quen, tập quán cũ: Diệt - tham, sân, si ; diệt khát ái và vô minh diệt.
Sau khi tự thân thâm chứng trạng thái Diệt, hành giả phản chiếu lại con đường mà mình đã đi qua nhờ đó có kinh nghiệm trực tiếp và nhận diện một cách rõ ràng rốt ráo trạng thái "Đây là Diệt." Hành giả khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, vì chúng sanh còn lăn trôi trong dòng đau Khổ mà nói lên con đường thoát Khổ. Vị ấy sẽ tùy cơ thuyết Pháp theo tinh thần chỉ thẳng, rõ ràng, không có gì huyền bí: "Đây là Đạo," tức là con đường thánh đạo (bát chánh đạo,) tám ngành khởi lên từ Chánh Kiến về vấn nạn lớn nhất của kiếp nhân sinh: Khổ Đế.
Bản chất tinh túy của hai chữ “Đây là” trong Đạo Đế, là sự phơi bày, bộc lộ, chói sáng, không dấu diếm và có tính chất khoa học triệt để của Chánh Pháp (Pali: Sanditthiko; English: Self-evident; immediately apparent; visible here-and-now). Trong đó, sự phơi bày “Đây là Đạo,” lấy từ bi và trí tuệ làm phương thức thể hiện và sự thâm chứng Diệt Đế làm nền tảng.
Tóm lại, với cấu trúc “Đây là X”, bốn sự thật của quy ước thế gian, được đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân một cách thiện xảo. Ý nghĩa tinh túy của từng cấu trúc “Đây là X” có sự khác biệt rất vi tế từ Khổ Đế cho tới Đạo Đế. Chúng ta tóm tắt các ý nghĩa chính yếu như sau:
“Đây là Khổ” mang ý nghĩa như thật tuệ tri vấn đề lớn nhất của kiếp nhân sinh.
“Đây là Khổ Tập” mang ý nghĩa như thật tuệ tri một thói quen rất căn bản: Thói quen phản ứng của Tâm trước ba loại cảm thọ. Nhờ trí tuệ này ta thực hành thói quen mới, tức là: Thọ biết, mà không dính mắc, không phản ứng tâm trước ba loại cảm thọ.
“Đây là Diệt” mang ý nghĩa như thật tuệ tri về một trạng thái Diệt, cũng chính là Niết Bàn. Ý nghĩa của Diệt vừa là phương tiện (hiểu theo ý nghĩa Diệt là một chủ đề để dụng công) vừa là cứu cánh của Pháp hành trì. “Đây là Diệt” lấy sự kiên trì, tinh tấn, tự tu, tự chứng làm nền tảng.
“Đây là Đạo” mang ý nghĩa sự phơi bày bộc lộ chói sáng không dấu diếm và khoa học triệt để của Chánh Pháp. Nó lấy từ bi và trí tuệ làm phương tiện, lấy sự thâm chứng trạng thái Diệt của Diệt Đế làm nền tảng.
Đó là con đường tu tập theo tinh thần Tứ Diệu Đế, được đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân cho chúng ta hơn 2500 năm trước, nhằm một mục đích duy nhất được tiết lộ trong lời di huấn của Ngài: "Ví như nước biển chỉ có một vị mặn, Pháp của ta thuyết ra chỉ có một vị là Giải Thoát ."
Chúng ta vừa cùng nhau khảo sát tướng trạng, nguyên nhân, và phương pháp thực hành để giải quyết vấn đề Khổ.
Bây giờ chúng ta cùng nhìn lại và ghi nhận ý nghĩa của 3 thành phần căn bản trong "Sự Vượt Thoát":
“Thoát," bản chất là một "sự vượt qua" một "giới hạn nào đó" để đến một trạng thái "hoàn toàn tự do."
- "Sự vượt qua" ở đây chính là sự tinh tấn thực hành Pháp để vượt qua quán tính, thói quen của tâm thức cũ.
- Một "giới hạn nào đó" chính là "Cái Ta," tức là sự chấp thủ nơi năm uẩn mà ta cho đó là Ta, thuộc về Ta, là tự ngã của Ta. Cái Ta, chính là nguyên nhân của sự giới hạn. Cái Ta cần phải nhận rõ như là một ảo tưởng và được vượt qua bằng Trí Tuệ.
- Trạng thái "hoàn toàn tự do" - Chính là trạng thái "Diệt" trong “Đây là Diệt,” cũng được gọi là Niết Bàn.
Đó chính là ý nghĩa của sự thoát Khổ trong Đạo Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tuệ Huy-Tô Đăng Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét