Đời người từ nhỏ đến già, trải qua những tháng năm mưa gió, bãi bể nương dâu, cho đến cuối cùng tựu chung lại một câu: Hồng trần muôn trượng ba chén rượu; Đại nghiệp nghìn thu một ấm trà.Vì sao người ta uống rượu? Có người nói, những ai thường uống rượu không phải là họ thích rượu, mà là thích cảm giác uống rượu. Uống rượu là để giãi bày tình cảm. Uống say là để khiến cho cái thân tâm mệt mỏi này được giải tỏa áp lực, được an ủi. Khi gặp gỡ người khác, có lúc có thể giãi bày tâm sự, có lúc lại không thể mở lời.
Có những lời không thể nói ra khi gặp mặt nhau, cũng có những lời không thể nói vào lúc tỉnh táo, chỉ khi ý thức mơ hồ thì mới có thể nói ra. Lúc uống say mới có thể nói ra những điểm không đúng của đối phương, lúc uống say nói ra thì không bị người ta trách tội.
Cũng có người uống rượu vào rồi nhưng cũng không cách nào thổ lộ hết tâm sự với người khác, càng uống càng thêm phiền muộn, càng uống càng sầu muộn, không say không dừng, như thế họ mới không cảm thấy đau khổ nữa.
Có người lại nói, người không uống rượu không hiểu được cái tình, bởi vì uống rượu là dùng rượu để nói ra những điều cất giấu trong lòng. Bao nhiêu tâm sự đều hòa vào trong men rượu, một khi đã say thì không còn buồn đau nữa.
Khi uống rượu, rượu đựng trong chén, chén cầm trong tay, lời ở trong rượu, tâm tình ở trong lòng. Có người trong tiệc rượu náo nhiệt vẫn giữ được sự ngay thẳng chính trực, có người qua 3 tuần rượu rồi say khướt, mất kiểm soát. Người quân tử khiêm nhường, kẻ tiểu nhân hay lo lắng ưu sầu. Thói đời nóng lạnh, đều hiển rõ trong từng chén rượu kia.
Tiệc rượu giống như sân khấu thu nhỏ của kiếp nhân sinh. Có kẻ say vẫn nói mình tỉnh, vì họ muốn chứng minh rằng mình vẫn có thể uống. Có người tỉnh lại nói mình đã say, vì họ không muốn tiếp tục uống nữa.
Nhân sinh thăng rồi lại trầm, tựa như việc uống rượu vậy. Chén đầu tiên còn tỉnh, khí độ ngạo nghễ vạn trượng, ta vẫn còn trẻ. Chén thứ hai đã hơi say nhưng vẫn muốn uống, như say như không say, nhìn lại đã sang trung niên. Chén thứ ba là đã say, tỉnh lại thì hối hận ta đã già rồi.
Người quân tử khiêm nhường, kẻ tiểu nhân hay lo lắng ưu sầu, thói đời nóng lạnh, đều hiển rõ trong từng chén rượu kia.
Vì sao người ta uống trà?
Cuộc sống giống như uống trà, từ từ thưởng thức dư vị, mới có thể thưởng thức được hương vị thơm ngon của trà.
Có lúc thời gian chờ cho lá trà nở quá lâu thì sẽ cảm thấy khổ, cũng như khi gặp phải việc không như ý. Có lúc độ ấm của nước pha trà vừa tới, vị đậm nhạt vừa đủ, lá trà đã nở thì phát ra hương thơm nhè nhẹ, thoang thoảng, uống vào dư vị còn lưu lại, giống như gặp chuyện vui, sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Đời người có đắng cay có ngọt bùi, khổ tận cam lai là lẽ thường. Đời người ai cũng phải trải qua gian khổ, tựa như uống trà vậy, lúc đầu sẽ có chút vị đắng chát, đến lúc trung niên thì khổ tận cam lai, bước sang tuổi già thì xa rời chốn phồn hoa mà sống đạm bạc. Thành bại cũng tốt, đẹp xấu cũng vậy, chung quy cũng chỉ một rúm đất, chôn lấp hết mọi phong lưu.
Ấm trà có thể nhỏ nhưng vị trà thì vô hạn. Điều giá trị nhất chính là vị trà.
Ấm trà có thể nhỏ nhưng vị trà thì vô hạn. Điều giá trị nhất chính là vị trà.
Trà ẩn tàng sức sống của mùa xuân. Uống trà vào mùa nào trong năm đều có thể cảm thấy ánh dương rực rỡ của ngày xuân. Trà ngon bất kể gặp người nào, đều có thể toát lên bản sắc của sinh mệnh. Bất kể đối với cao quý hay bần hàn, người sống thuận đạo lí hay cường bạo, trà đều không thay đổi hương vị.
Trà là một loại tâm tình, là sự trầm mặc muốn nói nhưng lại thôi; là sự cô đơn sau khi đã trải qua “ngàn hồng một chén, muôn thắm cùng lò".
Uống trà là một loại tâm cảnh, tịnh hóa thân tâm, lọc bỏ sự bồng bột, trầm lắng suy tư. Nhân sinh một đời cùng với xuân hạ thu đông, phong hoa tuyết nguyệt, đắng cay ngọt bùi. Có thành công, cũng có thất bại; có vui cười, cũng có đẫm lệ; có thuận cảnh, cũng có nghịch cảnh. Điều quan trọng là chúng ta đối đãi với hết thảy bằng tâm thái nào.
Một người ngồi trong gian phòng, tay nâng chén trà, ngắm nhìn những lá trà chìm nổi trong nước. Lá trà cần phải nở ngập trong nước đun sôi thì mới đậm vị, cũng như đời người cần trải qua rèn luyện thì mới có thể thản nhiên.
Đời người như trà, sống trên đời cũng như việc thưởng trà vậy, cho nên mới nói uống trà là để cảm ngộ chân lý trong cõi nhân sinh.
Vạn trượng hồng trần tam bôi tửu
Thiên thu đại nghiệp nhất hồ trà.
Tạm dịch:
Hồng trần muôn trượng ba chén rượu
Đại nghiệp nghìn thu một ấm trà.
Những ưu tư trong chốn hồng trần sẽ rơi vào lãng quên trong vài ba chén rượu, cơ đồ bá nghiệp trên thế gian đều trở nên nhạt nhòa trong ấm trà chiều. Nhưng ấm trà này nên uống cùng ai? Chén rượu này để cho ai uống? Thấu hiểu được điều này mới có thể một đời an vui.
Lam Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét