“Bao nhiêu đêm Chúa xuống nhân gian..Bấy nhiêu lần ...- Gởi Nhân và Quang Hy
Năm giờ sáng ngày Noel, “kiểng tù khua gắt gỏng” lại dóng lên, ai nấy thức dậy, chờ “cán bộ công an” đến “mở cửa chuồng”, điểm danh, ăn sáng - nói vậy cho sáng một chút, chớ bữa ăn sáng chỉ là một củ khoai lang, một khúc khoai mì, hoặc mấy lát khoai mì – và chuẩn bị ra sân trại, ngồi sắp hàng theo từng đội để đi “lao động là vinh quang, cuốc là số một”. Chỉ mới hai ngày sau Đông chí, trời còn lạnh, lại có sương mù, nên đã quá giờ đi làm mà “cán bộ quản giáo”, “vệ binh” vẫn chưa vào dẫn tù cải tạo ra bãi. “Cán bộ trực trại” lấp ló ở cổng, chưa vào gọi tên từng đội như lệ thường.
Một anh chàng còn trẻ, đội của Triết cứ loay hoay. Anh ta nói:
- “Đ.m. Tới giờ rồi sao tụi nó chưa gọi?”
Một anh nào đó, trả lời:
- “Chưa gọi thì ngồi chơi, mắc chi loay hoay như gà mắc đẻ, sợ không đạt chỉ tiêu, “cách mạng không khoan hồng nhân đạo” hả?”
Lại có người mai mỉa:
- “Nước sông công tù”, hơi đâu lo xa.
Người nói hồi nãy lại bồi thêm:
- “Trời còn mù. Bộ mày muốn đi làm sớm để trốn trại hả? Tụi nó biết tỏng bọn mình chỉ chực trốn trại, không dại gì trời còn mù tụi nó cho tù ra bãi đâu!”
Triết nghe mấy bạn tù nói chuyện, nhưng anh ta không chú ý. Anh đang nhớ tới câu thơ “Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa, Tôi ở trong đây chẳng có mùa…”
Và Triết say sưa hát. Nhìn Triết, người ta thấy tâm hồn anh như đang bay bổng theo “Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng...” Triết hát không hay lắm, nhưng cũng đủ để cho nhiều người ưa nghe, nhất là những ngày như hôm nay. Lễ Noel thường làm cho người tù cảm thấy cô quạnh. Ai cũng xa: cha mẹ, anh em vợ con... đều xa, chỉ còn lại quanh đây những người bạn tù, cũng cô đơn và buồn bã như nhau.
Mấy hôm nay, gần đến ngày Chúa giáng sinh, những người tù trong đội Triết thường hát những bài hát về lễ Noel, về “Đêm đông lạnh lẽo” vì Chúa sinh ra trong đêm đông lạnh... lắm, và chính họ, cũng đang lạnh trong tù! Họ hát nho nhỏ, vài người chung quanh có thể nghe được, chớ “cán bộ công an” thì không. Tôn giáo bị cấm kỵ trong trại tù, không ai được giữ kinh sách, thánh giá hay tượng Phật, cầu kinh hay hát những bài ca tôn giáo... và ngay cả hôm nay, ngày lễ Noel.
Hai năm trước, kể từ khi được chuyển về “Trại Đá” nầy, đội của Triết bị giam chung với nhiều đội khác, cũng thuộc loại “trừng giới” như đội của Triết. Tất cả đều là “không an tâm học tập cải tạo” như “cách mạng yêu cầu”, “khả năng trốn trại rất cao”. Đó là lý do tại sao các thành phần nầy bị đưa vào “Trại Đá”. Các đội đó thuộc thành phần lớn tuổi hơn, “đóng tiền đi ở tù”, không thuộc loại “Phục Quốc” như đội của Triết.
Gia nhập Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, Triết mãn khóa Thủ Đức gần cuối năm 1973, tới tháng Tư năm 1975, sắp sửa lên thiếu úy thì “đứt phim”, thành ra Triết còn mang “lon” chuẩn úy “được học tập 15 ngày tại chỗ” cùng với các hạ sĩ quan. Tuynhiên, nghĩ tới chuyện “mất nước” một cách tức tưởi, bầu máu nóng trong người Triết vẫn còn sôi sục, Triết tham gia “Phục Quốc” một cách mau lẹ, đầy nhiệt tình. Công cuộc “Phục Quốc” của Triết và các bạn chưa bao lâu thì cả bọn bị bắt, bị tù. So với các sĩ quan trình diện, số năm tù của Triết không kém thua bao nhiêu!
Ở tù càng lâu, nỗi nhớ nhà của Triết cũng “mờ” dần đi. Chưa vợ con gì cả, cha mẹ tuy già nhưng có các anh chị lo, Triết thấy ở tù đông bạn bè, nên cũng... vui. Tuy nhiên, những ngày lễ tết, nhớ thời gian Triết còn nhiều vui chơi và nhiều kỷ niệm khi còn trẻ, làm Triết xao xuyến trong lòng. Từ khi lớn lên, đối với Triết, “Saigon Noel” bao giờ cũng vui. Khi còn niên thiếu thì “đi chơi Noel”, khi đã lớn, những năm ở đại học, thì đi “bal Noel”, những cái bal từ trước nửa đêm cho đến trưa hôm sau, Triết cũng chưa về đến nhà.
Cũng mấy năm nay, mỗi kỳ Noel đến, Triết và các bạn còn tổ chức “hát nhạc Noel” sau khi “vào chuồng” ít lâu. Một người canh “cán bộ công an” đi tuần, còn lại thì tụ tập nhau mà hát, ngoài “Đêm Thánh vô cùng” còn có “Đêm Đông lạnh lẽo”, “Bài Thánh ca buồn”, “Giáo đường im bóng”,... Với bọn Triết, và cũng như bao nhiêu đồng bào miền Nam, ở Saigon và các đô thị lớn, Noel là dịp vui,... không phân biệt người có đạo hay không có đạo. Nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Kỳ Đồng đông nghẹt người đi, còn đông hơn các nhà thờ ở Hố Nai, Gia Kiệm, mặc dù số dân có đạo Thiên Chúa ở Saigon ít hơn người có đạo ở các vùng dân di cư nói trên.
Đó là dịp vui, Triết hòa chung cái vui ấy với bạn bè, mặc dù, cũng như số đông bạn của Triết, họ chưa từng “rửa tội” bao giờ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhứt về Noel của Triết là năm đón Noel ở một vùng quê, kinh 1, Dinh Điền Cái Sắn, một nơi khi còn đi học, Triết ít khi nghe nói tới huống gì anh trãi qua một đêm Noel ở đó.
Tháng 11 năm 1973, Triết ra trường Thủ Đức, “lon” chuẩn úy mới toanh, Triết về Rạch Giá trình diện tiểu khu Kiên Giang. Đang loay hoay chờ ra đơn vị thì ông trung tá tiểu khu phó tổ chức party mừng chiến thắng ở Tà-Keo, vớt được hơn năm chục cây AK, đuổi một đơn vị cấp tiểu đoàn của Cộng sản Bắc Viêt xâm lược khiến chúng phải “chạy có cờ” ngược về mật khu Trà Tiên.
Trong chương trình văn nghệ hôm đó, Triết thấy hưng phấn, lên sân khấu hát bài “Chuyện người trinh nữ tên Thi”. Triết hát không tệ, nên cũng được khán giả hoan hô.
Sáng hôm sau, thượng sĩ Tân, thuộc ty An Ninh Quân Đội, tìm gặp Triết, đề nghị:
- “Cha Lộc ở Kinh 1 mới xây xong nhà thờ. Ông đang lo tổ chức Noel năm nầy thật lớn để khánh thành nhà thờ của cha. Chuẩn úy giúp cha phụ trách văn nghệ được không?”
Triết nói:
- “Tôi đang chờ đi đơn vị, làm sao giúp cha được?”
- “Dễ thôi! chuẩn úy chịu giúp, cha sẽ xin với ông Tiểu khu trưởng, công tác ở trong kinh khoảng nửa tháng, xong lễ thì về lại tiểu khu, ra đơn vị cũng còn kịp chán.”
Ông ta lại đùa:
“Không ai chờ chuẩn úy ở chiến trường đâu!”
Triết thấy vui vì được làm văn nghệ, đồng ý với ông thượng sĩ, nhưng anh cũng băn khoăn một chút vì không biết ông cha nhà thờ muốn Triết làm việc gì. “Văn nghệ đêm Noel”, Triết có biết nhờ tham gia với bạn bè, nhưng đứng ra tổ chức văn nghệ thì chưa từng làm bao giờ.
Thay vì ra đơn vị, Triết “trình diện” linh mục Nguyễn Bá Lộc ở nhà thờ Kinh 1, Cái Sắn.
Ăn cơm trưa xong ở tiệm “Tầm Hương Quán” chợ Kiên Tân, Triết ra bến đò tìm ghe vào nhà thờ Cha Lộc. Một người chạy ghe “tắc ráng” đứng ở đằng đuôi, cầm máy, hỏi Triết:
- “Chuẩn uý là con cha Lộc phải không? Xuống đây, tôi đưa vào, miễn phí”.
*****
Cha Lộc ngồi với Triết ở phòng ăn. Cha nói:
- “Mấy năm nay không làm văn nghệ. Không có người tổ chức. Năm nay, khánh thành nhà thờ, cha nhờ chuẩn úy giúp cha.”
Triết nói:
- “Con sẽ cố gắng. Cha có ca đoàn không?”
- “Có.” Cha Lộc trả lời.
- “Ca đoàn là “lực lượng” nồng cốt để hát và làm kịch. Không cần họ hát hay lắm, điều cần là họ quen hát. Kịch thì tập nhiều cũng quen. Cha có phương tiện hóa trang không?”
- “Có một ít.” Cha Lộc nói. “Cha để trong kho. Cần thì chuẩn úy vào kho chọn. Cần lắm thì xuất tiền mua. Cha cũng nghèo.”
Nghe câu đó, Triết cười, nghĩ cha làm một cái nhà thờ vĩ đại như thế nầy, cha không nghèo đâu, nhưng cũng thấy thương cha, hết lòng lo việc đạo.
Môt lúc, Cha Lộc nói tiếp:
- “Chốc nữa, trung đội trưởng nghĩa quân của cha sẽ chỉ cho chuẩn úy phòng ngủ riêng. Ăn uống thì ăn chung với cha.”
- “Vâng, cũng tiện, nhưng con muốn biết thành phần ca đoàn như thế nào?”
- “Phần đông là học trò trường trung học của cha. Trường bên kia kìa.” Cha Lộc chỉ tay ra hướng Kinh 1:
- “Chuẩn úy chọn đứa nào thì tùy ý.”
- “Tập buổi chiều, sau giờ học, được không cha?” Triết hỏi.
- “Vậy thì tốt. Học xong chúng nó qua đây với chuẩn úy. Cần thì cho chúng nghỉ học sớm một chút.”
Vậy là ngày hôm sau, Triết bắt đầu công việc của mình. Anh tập họp ca đoàn, biểu chúng hát thử một bài quen thuộc để biết khả năng của chúng, của từng người. Ngày hôm sau nữa, Triết phổ biến khái quát chương trình cho các em trong ca đoàn biết.
Chương trình gồm một vở kịch, hai hài kịch, một số bài “thánh ca” quen thuộc, vài bản đơn ca mà Triết sẽ chọn người sau. Ba buổi chiều liền, Triết tập họ hát các bài “thánh ca” họ đã từng hát, công việc suông sẻ.
Trưa thứ bảy và chủ nhật, ngày nào cũng tập. Hôm thứ bảy đầu, bỗng có một cô gái khoảng 16 hay 17 tuổi xuất hiện. Cô cũng là “con của cha Lộc”. Hỏi ra, Triết biết thêm cô là học sinh lớp Mười trường Trung học Kiên Tân vì trường của cha Lộc chỉ có cấp hai, trước cô gái cũng ở trong ca đoàn. Thấy các bạn của mình đang tập văn nghệ, cô ta đến chơi.
Cô gái khá dễ thương, không đẹp lắm, mặt trái xoan, da trắng hồng, mắt to và sáng, tóc buông sau vai, không kẹp hay thắt bím, áo màu thiên thanh.
Sau khi ca đoàn hát vài bài, giờ nghỉ, Triết hỏi cô ta:
- “Sao em không tham gia? Các bạn ở đây có ai lạ đâu?”
- “Buổi chiều, em về trễ, không tham gia kịp.”
Triết nói:
- “Để tôi sắp xếp lại. Tôi sẽ chọn cho em những vai riêng. Được không?”
- “Được.” Cô ta cười, trả lời.
Hôm sau, Triết sắp lại chương trình. Với bài “Đêm Thánh vô cùng”, phải có một người đứng phía trước ca đoàn, hát mở đầu, bằng tiếng Anh. Sau đó, ca đoàn hát hát theo, bắt đầu lại từ câu đầu, bằng tiếng Việt. Người hát mở đầu là Nhân, tên cô gái. Cô cũng đóng vai người mẹ trong vở kịch “Từ Nazarét, Người trở về.” Cũng may, Nhân học tiếng Anh đã mấy năm ở trung học, nên cũng hát được nhuần nhuyễn các câu: “Silent night! Holy night! All is calm, all is bright! Round yon virgin mother anh child! Holy infant so tender and mild! Sleep in heavenly peace!...”
Hai hôm trước ngày trình diễn, họa sĩ Tr. Nội, người được cha Lộc mời vẽ hình các thánh chung quanh bàn thờ Chúa, từ Saigon về dự lễ. Về vở kịch, họa sĩ giúp Triết hóa trang cho các em và trang điểm cho Nhân.
Buổi văn nghệ diễn ra đêm Noel, trước lễ nửa đêm. Cha Lộc đã dùng hai lớp học liền nhau để làm hội trường mà vẫn không đủ chỗ cho khán giả. Nhiều người phải đứng ở cửa sổ, của lớn để xem. Đêm văn nghệ thành công, được công chúng khen. Người được khen nhất lại chính là Nhân. Người ta không ngờ ở vùng kinh rạch quê mùa nầy, lại có người đẹp như thế, một “người mẹ hết sẩy” như lời người ta nói với nhau và đóng kịch “hay không kém tài tử hát bóng”.
Triết vui với thành quả ấy và lại không ngờ một cú sấm sét đánh vào lòng anh.
Lúc đầu, Triết chỉ thấy Nhân dễ thương, phúc hậu. Cặp mắt cô ta lôi cuốn Triết,... nghĩa là chỉ những tình cảm bình thường như người ta thấy một bông hoa đẹp. Dần dần, vì việc tập hát, tập kịch, trao đổi ý kiến, chuyện trò, Triết thấy cô ta có những cái đáng yêu hơn. Chân thật là điều thứ nhất. Cô ta thường để ý chăm sóc cho người khác, như với cha Lộc và các em nhỏ, cả gái lẫn trai trong ca đoàn. Cô ta, như một người chị tử tế của các em, vui vẻ với tất cả mọi người. Tính tình ấy khiến Triết có cảm tình với cô ta nhiều hơn. Rồi Triết thấy yêu Nhân, từ lúc nào cũng không hay, dù thời gian gặp nhau rất ngắn ngủi.
Biết mình sắp rời khỏi Kinh 1, sau khi công việc chấm dứt, Triết định bụng sẽ tỏ tình với Nhân, một cô gái còn vị thành niên. Cũng không ngại, Triết nghĩ như vậy vì Triết thật lòng.
Sau lễ nửa đêm, cha Lộc mời tất cả các thành viên trong ban văn nghệ, ăn tiệc tại phòng diễn kịch. Dĩ nhiên, Triết được mời tham dự. Trong suốt thời gian đó, ngồi cạnh cha Lộc, Triết cứ thấp thỏm, không biết làm thế nào, ít ra, cũng phải nói một điều gì đó với Nhân, dù không thể là lời tỏ tình. Mọi người ai nấy đều vui vẻ chuyện trò, Triết cũng tham gia với họ, với cha Lộc, nhưng Triết thấy mình không thể “định tâm” được khi nói chuyện với họ.
Mãi tới gần cuối tiệc, thấy Nhân đi ra ngoài, Triết đi vòng lui phía sau sân khấu, chỗ đó có cửa lớn ra phía hành lang lớp học. Triết hy vọng Nhân sẽ đi ngang qua đó.
Quả đúng như Triết dự đoán, phút chốc trên đường trở lại bàn tiệc, Nhân đi ngang cửa sau, chỗ Triết đang chờ.
Triết gọi nhỏ:
- “Nhân!”
Cô ta dừng lại, phía ngoài cửa. Triết đứng phía trong, nói:
- “Vào đây!”
Cô ta bước vào phía trong.
Trong một giây vừa mừng rỡ, vừa ngại ngùng, nôn nóng vì sáng mai Triết sẽ rời xa nơi nầy, anh liều lĩnh vòng tay ôm ngang vai Nhân. Trong cái hơi lạnh đêm đông lúc quá nửa khuya, Triết cảm nhận rất rõ đôi vai của Nhân mềm và ấm. Nhân kêu lên, hốt hoảng:
- “Lạy Chúa tôi. Đừng, chuẩn úy ơi! Em sợ lắm.”
Triết chưa kịp nói gì thì Nhân run run nói tiếp:
- “Anh! Lỡ ai thấy thì chết. Cha, ba mẹ em...”
Nghe nói “ba mẹ em”, Triết cũng thấy sợ. Họ đang ngồi phía ngoài, chỗ bàn tiệc. Chàng buông tay ra, nhưng rồi lại như tiếc nuối, anh vòng tay ôm ngang vai Nhân một lần nữa. Nhân lại hốt hoảng: “Lạy Chúa tôi!”. Rồi Triết nhận rất rõ, tuồng như Nhân không còn hai chân, cô ta quỵ xuống và thân thể cô vuột khỏi hai tay Triết, té xuống đất, mình va vào cánh cửa lớp, gây nên một tiếng động nhẹ.
Triết hốt hoảng la lên: “Ối giời!”
Phía ngoài bàn tiệc, cha Lộc hỏi lớn:
- “Cái gì thế?”
Triết nói ngay:
“Cô Nhân té”.
Vừa nói, Triết đỡ Nhân đứng lên, cũng vừa kịp lúc cô ta tỉnh lại. Rồi vịn vách tường, Nhân đi ra phía bàn tiệc.
Cha Lộc hỏi:
- “Can gì không?”
- “Không! con không can gì cả!”
Triết đã ra đứng bên cạnh cha Lộc. Anh thấy rõ mặt Nhân “xanh như tàu lá”. Anh nói tiếp:
- “Con thấy cô ta vấp cái gì đó, té nhẹ thôi. Không can gì cha.”
Trong khi nói câu đó, Triết thấy Nhân nhìn anh ta. Triết không hiểu cái nhìn của Nhân như thế nào: Cám ơn đã nói dối giúp cô, hay trách oán hành động của anh.
Từ khi trở về phòng ngủ cho tới sáng, Triết cứ chập chờn như thức như ngủ. Lòng Triết rối bời. Triết nhớ tới những đêm Noel anh đi bal ở Saigon, trước khi nhập ngủ. Những đêm Noel uống rượu, nhảy đầm suốt sáng. Xong rồi, anh và một cô Saigon nào đó, quen đã lâu hay vừa mới quen, đưa nhau vào khách sạn, đến trưa hôm sau mới chia tay. Những chuyện tình bất chợt ấy, nhanh và dễ dàng quá sức! Một cái nhìn, một cái nắm tay, vài lời nói đùa, rồi đưa nhau đi tới đâu đó, thiên thai, bồng lai hay cái gì khác nữa... ở trong phòng ngủ khách sạn. Rồi chia tay, rồi hôm sau gặp nhau rất bình thường, tưởng như không có gì đã xảy ra cả.
Triết hiểu một cách rõ ràng sự khác biệt giữa một cô gái quê, một cô gái quê của một xóm đạo trong kinh, và một cô gái tỉnh thành, lại là dân Saigon. Sự run rẩy, hốt hoảng, và sợ hãi đến bất tỉnh của Nhân khiến Triết nhớ đến sự thành thạo trong lúc yêu đương của những cô gái đã đi qua đời Triết làm anh băn khoăn không ít. Rồi ngày mai, khi Triết rời khỏi ấp kinh 1 nầy, anh sẽ nghĩ gì về Nhân và những cô gái anh đã gặp trước kia, tuy Triết không so sánh, chọn lựa vì anh chưa nghĩ tới việc lấy vợ.
Sáng hôm sau, ăn sáng xong, mang “balô” lên vai, Triết chào từ giã cha Lộc, xuống chiếc xuồng máy của cha, sẽ có người chạy ghe đưa Triết ra quận lỵ. Ở đó, Triết sẽ đi xe đò về Rạch Giá, chờ lệnh mới.
Cha Lộc tiễn Triết ra tận bến đò, không tiếc lời cám ơn anh.
Khi chiếc xuồng rời bến, máy nổ xành xạch, Triết thấy Nhân, cũng mặc chiếc áo màu thiên thanh như thường lệ, đứng giữa các bậc cấp bến nước trước trường trung học, - (rụt rè, run rẩy hay yếu đuối?) - đưa tay vẫy Triết. Anh cũng vẫy lại và cố nhìn rõ mặt Nhân. Anh thấy hai con mắt to và buồn, nhìn theo anh. Anh đoán chừng Nhân ra đứng đó để tiễn anh. Rồi bóng Nhân khuất sau bờ cỏ rậm của con kinh.
****
Tình hình chiến sự đầu năm 1975 càng lúc càng căng. Triết được tăng cường cho chi khu Hiếu Lễ. Quận Hiếu Lễ nằm ở vòng đai mật khu U-Minh.
Vùng nầy địch hoạt động rất mạnh. Chi khu và quận đóng chung, bị địch pháo kích mỗi ngày 24 giờ. Quận trưởng kiêm chi khu trưởng là thiếu tá Hùng, quê ở Cái Sắn, vừa thay chỗ trung tá Trương Cuội, giải ngũ. (1)
Khi trung tá Trương Cuội còn giữ chức vụ ở đây, Dziệt Cộng pháo kích ít hơn. Triết được biết vì hai lý do: Một là vì trung tá Trương Cuội phản pháo rất chính xác khiến địch nhiều lần bỏ súng lại, lo tản thương, mặc dù chúng đã đề phòng trước. Trung tá Cuội cũng không phải là người rành đọc bản đồ. Ông không cần bản đồ. Ông sinh trưởng vùng nầy, làm quận trưởng từ khi còn mang “lon” trung úy tới trung tá mới thôi. Địa thế ở đây, từng cái kinh như kinh thứ nhứt, kinh thứ hai, cho tới kinh thứ 8, kinh thứ 9,... “Miệt thứ” là bản quán của trung tá Trương Cuội, tưởng như khi nhìn vào bàn tay mình là trung tá Cuội thấy rõ Việt Cộng ở đâu. Chỉ cần nghe thuộc cấp báo cáo địch đặt súng ở kinh thứ mấy, “cách vàm” bao xa,... thế là trung tá Cuội ngồi xuống bên cây “moọt” 60 ly, điều chính bằng tay, theo cách đoán chừng của trí óc, không cần bộ phận máy móc nào cả, ông “nã” đạn vào phía địch với độ chính xác đủ để cho địch không bỏ xác cũng bỏ chạy. Cũng theo người ta nghĩ, có một sự trao đổi nào đó giữa ông ta và “phía bên kia”, nên địch tuy có pháo kích ngày ba lần, rất đúng giờ... Rồi thành thói quen, cứ đúng giờ, “phe ta” vào hầm trú ẩn trước, nên chẳng mấy ai thương tích gì nhiều.
Khi Triết về chi khu, tình hình cũ không còn. Giữa tháng 3, trung đoàn 33 hoạt động vùng nầy, Việt Cộng lo chém vè hơn quấy phá chi khu.
Nhân dịp trung tá trung đoàn trưởng về Rạch Giá, Triết liều mình quá giang trực thăng của ông mà không xin phép vắng mặt của đơn vị trưởng. Có một điều Triết chưa từng gặp, chưa từng có trước kia là sự nôn nóng, nhớ nhung và buồn bã anh đã dành cho Nhân.
Triết bươn bả ra cổng Tam Quan, chờ xe quân đội đi ngang, xin quá giang về Kiên Tân, vội vàng vào kinh 1, nhưng Nhân đã về Xóm Mới Saigon cùng với mẹ. Triết lại vội vàng tìm cách trở lại Rạch Giá, cho kịp chuyến trực thăng của ông trung tá trung đoàn trưởng về lại Hiếu Lễ. Triết trải qua một ngày vất vả, lo lắng chưa từng có bao giờ!
Thế rồi 30 tháng Tư, Triết về Saigon.
Với những nỗi uất hận của một sĩ quan trẻ, Triết tham gia Phục Quốc và ở tù.
Từ đó, mỗi năm, khi trời bắt đầu se lạnh, mây đen giăng kín bốn phương trời, với tiếng chuông nghe được bằng tai từ một nhà thờ nào đó, gần trại tù vẳng lại, hay nghe bằng tâm tưởng, từ trong tiềm thức, Triết hát lại những bài ca Noel đã thuộc, và Triết quay quắt nhớ tới Nhân, nhớ đôi vai mềm anh đã vội vã và liều lĩnh ôm lấy khi anh và Nhân đứng phía sau hậu trường sân khấu, nhớ tiếng kêu hốt hoảng của Nhân khi ấy và cặp mắt dõi theo Triết khi anh ngồi trên chiếc “tắc ráng” rời ấp kinh 1...
Triết không hy vọng gặp lại người cũ bao giờ!
hoànglonghải
Ghi chú của tác giả:
Noel năm 1972, tôi và nhà tôi vào dự lễ Noel nửa đêm tại nhà thờ kinh 1, Cái Sắn của linh mục Nguyễn Bá Lộc, gặp một ông chuẩn úy còn trẻ lắm, đẹp trai, hát hay, người tổ chức văn nghệ ở nhà thờ hôm đó.
Gần mười năm sau, 1981, tại “Trại Đá”, cũng dịp Noel, mỗi sáng sắp hàng đi làm khổ sai, lại thấy vài ba anh còn trẻ, trong số có một ông cựu chuẩn úy, cũng bị tù cải tạo vì tội “Phục Quốc”. Họ sắp hàng ngồi bên cạnh đội của tôi, hát nhạc Noel một cách say sưa và hào hứng.
Những bài “thánh ca” trong tù làm tôi nhớ tới đêm Noel năm 1972 nên tôi viết truyện ngắn nầy.
(1) Sau 30 tháng Tư, trung tá Trương Cuội bị Việt Cộng xử bắn tại sân vận động Rạch Giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét