Xe lôi là đặc sản riêng của người miền Tây. Từ những chiếc xe lôi bộ vốn đã lùi vào quá khứ, phát triển thành xe lôi đạp, rồi cải tiến lên xe lôi máy. Giờ thì xe lôi máy cũng chẳng còn do nghị định cấm xe ba gác, xe tự chế. Nên nhiều du khách khi đến miền Tây cũng hụt hẫng vì rất hiếm thấy hình ảnh xe lôi bon bon trên đường.
Nếu cấm xe lôi, sẽ thật buồn. Còn đâu cái tình người lái xe. Còn đâu cảm giác thú vị khi ngồi chồm hổm trên xe lôi với những câu chuyện khám phá tính cách hào sảng của anh hai, anh ba miền sông nước….
Xe đạp lôi – đồng hành với người nghèo – Ảnh: Nguyễn Công Thành
Nhưng có một nơi mà xe lôi vẫn hiện diện khắp nơi. Trước cửa khách sạn, bên quán ăn, ở chợ, rìa các quán cóc vỉa hè… đâu đâu cũng có xe lôi. Nơi ấy là nơi sản sinh ra chiếc xe lôi và cũng là nơi đang cố níu kéo sản phẩm đặc trưng vùng miền của mình. Đó là Châu Đốc – An Giang, quê hương của những câu chuyện ly kỳ về bà chúa Xứ ở núi Sam hay lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và phu nhân. Đây là nơi có nhiều xe lôi nhất miền Tây Nam Bộ.
Cơn lốc đô thị hóa, hiện đại hóa, cơn lũ xe máy giá rẻ “made in china” hầu như không ảnh hưởng đến những con người vốn mưu sinh trên 3 bánh xe lôi nơi này. “Chạy xe lôi vất vả thật, nhưng gắn bó với nghề rồi, không làm sao bỏ được. Mà bỏ rồi mần gì mà ăn”, bác tài vui tính sún răng làm nghề lái xe lôi tâm sự.
Nhà bác 5 miệng ăn đều trông chờ vào chiếc xe cà tàng này. Mỗi ngày cố gắng lắm bác cũng chỉ kiếm chừng 150.000, cơm mắm muối hết phần ba, còn dành dụm cho bọn nhỏ vào năm học mới. Vậy mà một khi thích, bác có thể đưa bạn đi chơi khắp Châu Đốc mà nhất định không chịu lấy tiền. Con người nơi đây là thế.
Xa miền Tây rồi, lại nhớ em gái miệt vườn, nhớ tiếng bành bạch của ghe thuyền, tiếng nước vỗ bờ ì oạc ì oạc và nhớ lắm hình ảnh bác tài và chiếc xe lôi.
Vài hình ảnh về xe lôi trước năm 1975 tại Sài Gòn và các tỉnh Miền Tây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét