<!>
Lý do chắc là bản báo cáo ngầm của tên y tá. Hắn nguyên lá thiếu úy cảnh sát. Nằm ngủ với hắn, tôi hay tâm sự về chuyện vượt biên. Mới lên trại tôi chưa có kinh nghiệm ai là người đáng tin cậy.
Ba năm sau, trại tù binh Kỳ sơn nhập vào Tiên lãnh. Trại viên quá đông, tôi được kêu ra tăng cường cho y tế trại. Phụ tá cho tôi có một y tá, anh Đỗ phạm Hiển, nhưng anh tổ trưởng. Đi lãnh thuốc, sổ sách, báo cáo là anh. Tôi chỉ lo chuyên môn. Anh nầy bị tù vì là đảng viên Quốc dân đảng.
Công việc hàng ngày thật bận rộn. Từ 8giờ sáng đến 12giờ trưa tôi đi khám bệnh ở các phòng. Có 8 phòng sĩ quan (nhà 5 đến nhà 12), 4 phòng tù chính trị và vượt biên, 2 phòng hình sự, đội cấp dưỡng. Mỗi phòng có độ 5 bệnh nhân, mới ngã bệnh hay bệnh kinh niên. Nhiều nhất là bệnh đau dạ dày, sốt rét, và suy dinh dưỡng. Điều nhức nhối nhất vẫn là quyết định ai ngày mai phải trở ra lao động. Bọn giám thị trại đã nhiều lần giật giải thi đua toàn quốc về sản xuất, nên cứ mở rộng diện tích canh tác. Chúng ép trại viên làm việc chết bỏ. Tôi phải rất thận trọng bênh vực trại viên được nghỉ ngơi.
Câu “ngày mai đi làm” là một phán quyết rất quan trọng. Cũng trong lúc khám bệnh ở phòng, giữa tôi và trại viên có những tâm tình khắng khít. Cùng một cảnh ngộ dễ thông cảm nhau. Các bệnh nhân tín nhiệm chuyển lại cho tôi tin tức ngoại quốc do anh Trân và Lân nhận được. Trong khi tôi đi khám bệnh thì anh y tá đi nhận thuốc ở kho, rồi về chích quinine cho bệnh sốt rét. Thường chích mông. Mông bệnh nhân sưng to lên và đau. Sốt rét nặng thì chích quinine vào tĩnh mạch. Vì chữa nhiều ca sốt rét quá, tôi đã từng thấy nhiều biến chứng của bệnh như tiêu chảy, phù não, suy thận. Tại sao lại phải đưa trại cải tạo vào vùng ma thiêng nước độc để gây chết chóc đau thương! Ở trại, chết vì sốt rét ác tính rất nhiều. Đây cũng là cách giết mòn, không cần biển máu của cộng sản. Riêng tôi bị sốt rét 5 lần. Lần đầu tưởng là chắc chết. Sốt mê man, tỉnh dậy thấy mình còn sống. May nhờ sẵn có thuốc tốt gia đình tiếp tế, và sự săn sóc của các bác sĩ đồng tù. Lúc ấy vẫn còn các bác sĩ Quyền, Châu v.v… (được về sau hai năm cải tạo). Mấy lần sốt rét sau nhẹ hơn vì kháng thể trong người đã tăng lên. Mấy năm sau tôi còn thêm bệnh viêm tuỵ tạng. Không chết ở trại cải tạo chắc nhờ phước ông bà! Tôi đã chứng kiến nhiều trại viên chết vì bệnh loét dạ dày, một loại bệnh thường dễ chữa. Vì sao bệnh nầy lại phổ biến trong trại tù? Thứ nhất là nguyên do tâm lý: Tù nhân buồn bực, sợ sệt triền miên. Thứ hai là thiếu dinh dưỡng, lớp sáp che nội bì dạ dày giảm đi nhiều. Họ chết đột ngột do xuất huyết, mửa ra cả đống máu. Với chế độ ăn uống thiếu thốn cả về lượng và chất, bệnh suy dinh dưỡng đã đưa trại viên ra yên nghỉ ở nghĩa địa mỗi tháng vài ba người. Tôi đã đương đầu với hai lần dịch kiết lỵ. Bệnh nhân mất nước mà không có dung dịch chuyền tỉnh mạch, không có trụ sinh để chữa trị. Họ là những bộ xương di động. Lắm người đuối sức, nằm chết ngay trên đường vào nhà cầu. Phẩn nhuộm máu và đàm rơi rớt trên các lối đi trong phòng giam. Mùi tanh tưởi xông lên nồng nặc. Cuối cùng nhiều người chết uổng. Những ai cơ thể còn đề kháng được, sống sót. Dịch kiết lỵ phổ biến trong khắp trại cải tạo từ Bắc vô Nam, bởi nạn dùng phân xanh.
Buổi chiều thì phát thuốc cho bệnh nhân. Những bệnh nhân không di chuyển được đã được chữa trị tại phòng. Phần còn lại sắp một hàng dài, lần lượt đến phòng y tế nhận thuốc.
Thuốc chỉ phát cho từng ngày, mỗi người được vài viên, thường là thuốc dân tộc như xuyên tâm liên. Cũng có ít trụ sinh và thuốc bổ. Nói chung y tế chỉ là vá víu, mặt nổi để gọi là nhân đạo. Thực ra là để giết dần, giết mòn. May mà có bác sĩ đi cải tạo, vì tình thương đồng đội, đã tận dụng kiến thức và thiện chí để giảm bớt đau khổ tử vong. Sáng kiến nhổ răng, cách ly lao, xin nhập thuốc ngoại qua thăm nuôi v.v… Tiền mua thuốc trích ra từ qũy sản xuất của trại, nghĩa là từ lao động của trại viên. Thế mà cán bộ trong trại cũng lợi dụng, đến xin thuốc của y tế trại dùng cho mình hoặc cho gia đình. Trường hợp bệnh nặng có thể dùng thuốc mà trại viên bắt buộc phải ký gửi theo lệnh của ban giám thị. Thuốc nầy do thân nhân gửi vào theo yêu cầu của trại viên như thuốc đau dạ dày, thuốc bổ, thuốc sốt rét v.v… Phần lớn là thuốc ngoại, tốt và hữu hiệu. Bọn cán bộ hay la cà xin thuốc ngoại, song tôi không cho, lấy cớ là không có. Gia đình đã vì vấn đề sinh tử của người thân gửi vào, không thể khinh suất.
Khám bệnh bên trại nữ thì Y tá Hiển lo. Chỉ có một lần, khi nghe anh Hiển than phiền là bà cán bộ trại nữ cứ thúc bách anh chữa lành bệnh phong tình cho đĩ điếm, để có thêm người lao động, và tránh lây lan, nhất là bệnh mồng gà. Tôi nói với anh Hiển là tôi có thể chữa bệnh cho họ. Anh mừng quá, xin phép bà cán bộ trại nữ cho tôi qua đó một ngày săn sóc cho họ. Sau khi khám qua, tôi dặn anh Hiển dùng trụ sinh mạnh và dài ngày để chữa các vết loét hoa liễu, mà băng bó mãi không lành. Với hơn 10 trại viên bị mồng gà, có cô nhiều đến nổi phải đi hai chân dạng ra, tôi có sáng kiến dùng những cộng sắt nung đỏ để đốt thay cho đốt điện như ở phòng mạch. Một lò lửa than hừng hực nung đỏ các thanh sắt có cán gỗ. Sau khi chích thuốc tê dưới da vùng mồng gà, tôi dí thanh sắt đỏ đốt cháy hay bứng gốc những dị dạng đó. Chừng hai tuần lễ sau các cô ấy đã có thể đi gánh bổi như các trại viên khác. Khi tôi ra lao động, các cô ấy gặp tôi cám ơn rối rít, đôi khi lại gánh giùm cho tôi một đoạn đường vì thấy tôi gánh vất vả.
Mỗi ngày đều có nhổ răng. Tôi đã xử dụng kim may áo để vết thương rách da vì lao động. Dần dà tôi nhắn nhà tôi mang vào các dụng cụ giải phẫu và có thể giải quyết những tiểu phẫu. Một trại viên đi bứt mây, bị một trối mây đâm xuyên vào mũi, máu ra xối xả. Phải rút trối mây ra, và nhét mèche vào mũi để cầm máu. Nói chung tuần nào cũng có vài tai nạn lao động, may vết thương, nắn lại khớp, gân.. Trại nữ có y tá riêng, và chỉ gửi qua y tế trại những ca nặng. Cộng sản chữa xì ke ma túy bằng cưỡng bách giam giữ. Người bệnh vật vờ trong nhiều tuần, rồi dần dần hồi phục. Có nhiều người chết vì cách cai nghiện cưỡng bách nầy. Phương pháp nầy cũng có điểm yếu là khi ra tù, bệnh nhân nghiện lại rất nhanh.
Làm y tế lần nầy trên hai năm. Lại bị đưa ra lao động sau lần phát biểu về tình trạng sức khỏe của trại viên.
Lần thứ ba trở lại y tế, thì không phải ở y tế trại, mà ở bệnh xá trại. Bệnh xá là một dãy nhà ở cuối trại, sát với bờ rào. Có nhà bếp riêng và có giếng nước riêng. Có vườn trồng rau cải thiện cho bệnh nhân. Nối với bệnh xá bằng một hành lang ngắn, là gian nhà vuông có hai phòng nhỏ: phòng khám bệnh ở phía trước, phòng ngủ của tôi phía sau. Đó là khoảng thời gian thanh thản nhất của tôi trong trại. Dãy bệnh xá có ba ngăn. Ngăn đầu, gần phòng khám bệnh là phòng cách ly cho trại viên lao phổi. Phòng tối tăm ẩm mốc. Tôi khuyên bệnh nhân ban ngày ra ngồi sưởi nắng. Tôi liên lạc với người bạn cũ trước kia là chuyên viên bài lao, vẫn được lưu dung, can thiệp với y tế tỉnh, cho trại viên lao, được đi bệnh viện thử đàm, chụp hình phổi, và được cấp thuốc điều trị. Lúc ấy ngay ngoài dân sự bệnh lao lan nhanh vì đời sống càng ngày càng bần hàn, nên các cơ quan Y tế quốc tế đã viện trợ thuốc men nhiều. Nhờ thế trại cũng được phân phối thuốc bài lao.
Số người chết vì lao cũng giảm thiểu, nhờ họ được miễn lao động dài hạn và có thuốc ngoại viện trợ. Nhớ hồi tôi mới vào trại, các bệnh nhân trước kia bị lao đều tái phát vì ăn uống thiếu thốn, lao động nặng nhọc. Họ bắt đầu ho ra máu, ốm đi rất nhanh. Thuốc bài lao thì không có. Nhiều người đã ra nghĩa địa. Tôi đã báo cáo là phải mở trại cách ly nếu không bệnh sẽ lan nhanh. Ban Giám thị cũng lo bệnh lao lây đến cho họ nên nhận lời. Được cách ly bệnh nhân được nghỉ lao động.
Tiếp đến là phòng dài có 4 sạp gỗ đóng sát tường, có lối đi chữ thập ở giữa. Có thể nhận 30 bệnh nhân nằm kế nhau trên sạp. Phòng cuối sát với nhà bếp là phòng ngủ của y tá và ba trại viên cấp dưỡng. Công việc hàng ngày lặp lại, đơn giản. Đôi khi có bệnh nặng về, song xem chừng không chữa trị nổi thì báo cho cơ quan chuyển đi bệnh viện Tam kỳ. Với những bệnh nhân suy dinh dưỡng thì tôi chia với họ đồ thăm nuôi của tôi. Tôi nuôi cả một bầy gà, có trứng để ăn hàng ngày. Thỉnh thoảng lại cho bệnh nhân một con gà để ăn thịt. Trại viên Võ Hiển lúc nhập bệnh xá vì suy dinh dưỡng nặng, phù thủng, xanh xao, đi không nổi. Tôi đã cung cấp trứng thịt để ông hồi phục.
Vì có nhiều thời gian rảnh rỗi, có giấy bút, và nhất là ngồi một mình, cảm thương thân phận mình và các bạn tù, tôi hay làm thơ. Một lần suýt nữa vô sà-lim. Đang chép một bài thơ, thì một trại viên trật tự vào khám bệnh. Hắn đòi cho xem, song tôi không cho. Hắn ra về thì tôi đã phi tang bài thơ ấy.
Quả nhiên sau nửa giờ cán bộ giáo dục xuống xét phòng tôi. Làm bệnh xá độ một năm thì bị đưa ra lao động trở lại. Có một đoàn quay phim từ Hà-nội vào, vừa phỏng vấn trại viên, vừa quay phim cảnh sinh hoạt của trại. Trong bài phỏng vấn tôi ở bệnh xá, họ có hỏi tôi về tinh thần phục vụ của tôi trong chế độ cũ. Tôi có nói đối tượng phục vụ của tôi là thương bệnh binh, là dân lành nạn nhân chiến cuộc, tôi phục vụ hăng say, và làm hết bổn phận mình. Tôi cũng lặp lại ý kiến tôi về chế độ ăn uống, lao động, y tế, như lần làm y tế trại. Một tối một nhân viên trong đoàn xuống tìm tôi. Mở đầu anh ta nói là tôi có nhiều phát biểu phản ảnh sự thật, nên muốn trao đổi với tôi trên phương diện cá nhân thôi, chứ không có ý gì khác. Anh ta nói với tôi là về nông nghiệp Liên xô thua Mỹ hàng 50 năm, mỗi năm phải chở vàng sang Mỹ và Canada đổi lúa mì. Thận trọng tôi cũng không ra ngoài đề tài anh nêu lên. Tôi nói là tôi có đọc quyển Muối đất của nhà văn Ma-cốp mượn ở thư viện của trại. Ma-cốp là thư ký hội Nhà văn Liên xô. Trong ấy kể chuyện một bí thư tài ba. Tỉnh nào sa sút, thì kêu ông ta đến, ông liền đề ra những phương pháp hữu hiệu để nâng cao sản xuất. Ngày nọ sau khi thành công ở một tỉnh, ông được trung ương cho nghỉ dưỡng sức 15 ngày. Nhưng mới nghỉ được 5 ngày thì đồng chí giao liên đã đến nhà, xoa ngón tay lên mặt kính mờ cửa ra vào, rồi gõ lên mặt kính. Ông bí thư ra nhận công văn và biết là vì công vụ ông phải lên đường gấp ngày mai. Chi tiết cho biết kinh tế Liên xô không cao vì nhà ông bí thư mà không có chuông báo ở cửa, mà phải gõ cửa. Ông Ma-cốp với chức vụ thư ký Hội nhà văn chắc viết đúng sự thật. Một chuyện khác cũng trong tiểu thuyết XHCN Liên xô: Một bác sĩ tỉnh lẻ nhận xét tiếng mưa rơi trên mái nhà làm bệnh nhân dễ ngủ. Ông muốn tạo tiếng mưa rơi ấy để chữa bệnh mất ngủ của bệnh nhân. Một ngày kia, ông được triệu tập lên Mạc tư khoa để dự một hội nghị y tế. Sau hội nghị ông được xem đoàn nghệ sĩ trung ương diễn kịch Tchechof. Trong vở kịch có một thi sĩ đang ngồi mơ màng, nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà. Kịch vãn, ông vội chạy vào hội trường, hỏi xem làm sao tạo được tiếng mưa rơi trên mái nhà. Họ chỉ ông xem một chiếc máy quay tay, trong đó có những tấm gỗ xếp nghiêng, và những viên bi. Khi quay viên bi chạm vào mặt gỗ và tạo âm thanh mưa rơi trên mái. Về lại quê, ông cho đóng một máy tương tự để giúp bệnh nhân dễ ngủ. Cái lạ là ở Liên xô không có máy cát xét. Với loại máy này thu tiếng mưa rơi trên mái lúc trời mưa, rồi sau đó phát ra cho bệnh nhân nghe. Tiện biết mấy.
Không biết tôi rời bệnh xá vì câu chuyện nầy hay vì chuyện làm thơ? Nhưng dù sao thì bỉ cực thái lai. Ra lao động làm việc nhẹ độ ba tháng thì tôi được phóng thích.
Gần như toàn thể tù nhân chính trị, cựu công chức, sĩ quan đã đến được bến bờ tự do. Nhiều trại viên cũ Tiên lãnh ở Mỹ đã điện thoại cho tôi và cám ơn cứu tử khi còn ở trong trại. Thực ra chỉ vì mình tận tâm và tìm mọi phương cách để cứu chữa, còn kết quả thì nhờ trời thương. Tôi đã lên tiếng nói lương tâm về chế độ ăn uống và lao động. Tôi đã can thiệp về sự lây lan bệnh lao, để họ được cách ly và có thuốc viện trợ để chữa.
Những đau khổ trải qua ở trại đã trở thành như một phần của thân thể mình. Nhớ lại thì lại nhớ luôn ông bác sĩ đã từng chia với mình những đau khổ ấy. Có một trại viên mà trong suốt thời gian ở trại, đau dạ dày. Hàng ngày anh ôm bụng, ngồi gần hàng rào quanh phòng giam, trông chờ trật tự gọi tên đi thăm nuôi. Nhưng vô ích,vì nghe đâu vợ anh đã lấy chồng. Anh cứ trông chờ như thế cho đến ngày thổ huyết chết. Những năm ấy có lệnh là không cho một trại viên nào đi bệnh viện. Trước khi mê, đi vào cõi chết anh vẫn năn nỉ tôi nếu có được về, thì đến địa chỉ anh cho, nhắn vợ anh lên thăm nuôi. Tôi đã vuốt mắt rất nhiều trại viên, lúc chết chắc là uất ức lắm, nên mắt cứ mở trừng trừng. Như trường hợp anh Nguyễn xuân Giáo, anh Hồ Minh. Mỗi khi có thân nhân xin thăm mộ người chết, tôi phải ra nhà thăm nuôi dẫn họ đến mộ phần ở hố ông Hức. Thật là thảm cảnh khi thấy những bà vợ trẻ, chít khăn tang trắng, nằm lăn trên mộ chồng kể lể, khóc lóc. Có chị đã cắt mớ tóc dài của mình, quấn lên bia mộ chồng trước khi ra về. Anh y tá trại cũng kể chuyện anh đưa vợ một giáo sư già, đảng viên Quốc dân đảng ra thăm mộ chồng. Chồng bà chết vì suy dinh dưỡng nặng. Khấn vái, đốt hương đèn xong, bà giã từ chồng qua nước mắt: “ông ở lại, tôi về ông nhé”!
Nghề Y là một nghề cao quý, đem lại những liên hệ mật thiết giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Có những trường hợp lý thú như sau: Có một trại viên thợ rừng bị chảy máu mũi nhiều lần. Anh ta đi khám y tá trại nhiều lần song không khỏi. Một hôm anh đi ngang qua đám ruộng tôi đang mò cỏ.
Anh than phiền với tôi về bệnh anh. Tôi nói: “có thể là một loại vắt, thường sống trong lỗ mũi thú rừng, đang ở trong mũi anh”. Về lán, anh để cái gương soi trên bàn, vén cánh mũi lên xem. Quả nhiên anh thấy đuôi con vắt đen láng, ló ra gần cánh mũi. Anh nhờ người bạn dùng kẹp nhổ râu, kéo con vắt ra. Từ đó anh hết chảy máu mũi. Mỗi khi về trại anh thường mang cho ít lon gạo. Khi ở nhà 10, một ngày chủ nhật tôi thấy một trại viên nặn mụt nhọt cho một trại viên khác tôi bảo: “Nguy hiểm lắm nhé, vi trùng có thể vào tận xương”. Quả nhiên một tuần sau, trại viên bị nhọt kêu van đau đầu gối. Anh ta được đưa đi bệnh viện vì bị viêm đầu xương ống chân. Song bệnh viện chữa mãi không lành. Anh ta mang một lỗ dò (fistule) mãi cho đến ngày đi H.O. sang Mỹ. Bệnh viện Mỹ chữa lành, nhưng anh vẫn còn đi cà nhắc. Anh đã đi nạng suốt mấy năm bị bệnh. Anh vẫn giữ kỷ niệm về lời tiên đoán của tôi. Lúc ở trại, sau tai nạn của anh, ai có nhọt cũng nhờ tôi đem qua y tế trại xẻ giúp.
Người đi cải tạo đã nếm biết bao đau khổ, nhọc nhằn, đói khát, nhục nhã. Còn đau khổ hơn nữa khi được tin gia đình ly tan, vợ con nheo nhóc. Những chết chóc trong cô đơn, không người thân yêu trong giờ hấp hối. Những mất mát, đau thương của con mất cha, vợ mất chồng, thân nhân, bạn bè mất người thân yêu.. Ngọn sóng hồng thủy đã xô đổ bao nhiêu gia đình, gieo đau thương tan tác, chết chóc.
Soljenitsyne, khi nói lên những cơ cực bạo tàn trong Quần đảo Goulag, khuyên nhà cầm quyền cộng sản là “dù cho XHCN tốt đẹp đến đâu, mà xây dựng trên chừng ấy máu và nước mắt, thì cũng không nên làm”. Huống hồ là một XHCN xấu như quỷ dạ xoa, tối đen như địa ngục, biến người thành súc vật như bài thơ của tac giả Vô Danh (Tiếng vọng từ đáy vực):
“Từ vượn lên người mất mấy triệu năm
Từ người xuống vượn mất bao nhiêu năm?
Xin mời thế giới tới thăm
Những trại tập trung núi rừng thăm thẳm!
Tù nhân ở truồng từng bầy đứng tắm.
Rệp muỗi, ăn nằm hôi hám, tối tăm
Khoai sắn tranh dành, cùm, bắn, chém, băm
Đánh đập tha hồ, chết quăng chuột gặm!
Loài vượn nầy không nhanh mà rất chậm
Khác vượn thời tiền sử xa xăm
Chúng đói, chúng gầy như những que tăm
Và làm ra của cải quanh năm
Xin mời thế giới đến thăm.”
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét