Tuy chỉ tồn tại hơn một năm nhưng Quán Văn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí những bạn trẻ yêu nhạc ngày ấy, nói như thi sĩ Trần Dạ Từ: “Âm nhạc đã biến những khoảnh khắc thành vĩnh cửu”.Gữa năm 1967, từng nhóm sinh viên Văn khoa tụm năm, tụm ba, bàn bạc, hẹn nhau đi xem "Đêm văn nghệ thứ Sáu" tổ chức tại Quán Văn nằm trong khoảng đất trống sau lưng Đại học Văn khoa Sài Gòn. Buổi biểu diễn của đôi nhạc sĩ - ca sĩ chưa được biết đến nhiều nhưng hứa hẹn có nhiều ca khúc mới lạ, đặc biệt là vào cửa tự do.
Đêm diễn, ban tổ chức hoàn toàn bất ngờ với số lượng khán giả. Các bạn trẻ ngồi kín quán, ngồi tràn ra ngoài, lan tiếp ra sân cỏ, ngồi trên khúc gỗ, bánh xe tải cũ và cuối cùng ngồi bệt xuống đất. Sau buổi đó, giới sinh viên - học sinh không ngớt bàn tán về Trịnh Công Sơn với Ca khúc Da vàng và giọng ca mới Khánh Ly, “Nữ hoàng chân đất”.
Quán Văn, nơi tổ chức Đêm văn nghệ thứ Sáu nằm trong khu đất tứ giác bao quanh là các con đường: Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực. Lúc xưa, nơi này là địa điểm của Khám Lớn Sài Gòn do Pháp xây cất. Đến năm 1953, Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm của chính quyền Quốc gia Việt Nam ký sắc lệnh đập bỏ Khám Lớn Sài Gòn.
Cuối năm 1956, một phần khu đất này xây dựng làm trụ sở Đại học Văn khoa, vị trí ở ngay góc Nguyễn Trung Trực - Gia Long. Năm 1966, chính quyền cho dựng thêm ba dãy nhà tiền chế xếp thành hình chữ U mặt hướng ra phía đường Gia Long và dùng làm trụ sở của Chương trình Phát triển Sinh hoạt Thanh niên học đường (gọi tắt là CPS).
CPS là chương trình thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, cơ quan chuyên trách để điều hành và xây dựng các sinh hoạt cho thanh niên, sinh viên - học sinh hướng về phụng sự xã hội. Từ đó, trên khu đất này đã dựng thêm nhiều trụ sở cho các hội đoàn sinh hoạt như: Hội Nhu đạo, Hội Kiếm thuật, Đoàn Văn nghệ Nguồn Sống do Nghiêm Phú Phát làm trưởng đoàn, và Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam.
Nhạc sĩ Vũ Thành An kể: “Giữa năm 1966, tôi và nhà văn Nguyễn Đình Toàn phối hợp với CPS tổ chức đêm nhạc kỷ niệm một năm Chương trình Nhạc chủ đề (chương trình đang phát sóng trên Đài Phát thanh Sài Gòn) ngay trong khuôn viên CPS. Chương trình không bán vé và dành riêng cho khán giả là thanh niên, sinh viên - học sinh. Đêm nhạc chuẩn bị kỹ lưỡng, ban nhạc, sân khấu, âm thanh để đón tiếp năm, sáu trăm khán giả. Các bạn trẻ đến rất sớm, háo hức chờ đợi để được thấy những thần tượng mà họ chỉ được nghe qua sóng radio như Thái Thanh, Mai Hương, Lệ Thu, Tuyết Hằng, Duy Trác…”
Bút ký của tác giả Hoàng Xuân Sơn, thành viên CPS, ghi lại: “Đầu năm 1967, nhận thấy trụ sở tọa lạc ở một địa điểm khá thơ mộng, mấy anh em nảy ra ý kiến dựng một quán cà phê văn nghệ làm nơi tụ họp thường xuyên cho giới trẻ. Mọi người nồng nhiệt hưởng ứng. Về tên quán, cả nhóm bàn luận sôi nổi, cuối cùng quyết định chọn tên thật vắn tắt nhưng mang đủ ý nghĩa: Quán Văn”.
Bạn trẻ đến chơi quán được thưởng thức nhạc chọn lọc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến… nhạc tiền chiến, âm nhạc cổ điển, tất cả được phát bằng máy magnétophone với tape nhạc lớn. Thức uống của Quán Văn rất đơn giản: cà phê ngon, nước ngọt hiệu Con Cọp của hãng B.G.I., chai xá xị hiệu Con Nai của hãng Phương Toàn, nước cam Bireley’s. Món đặc biệt đắt khách là đá chanh đường pha chút rượu rhum, gọi tắt là “chanh rum”.
Ban đầu vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật, Quán Văn thực hiện các buổi văn nghệ “cây nhà lá vườn”, mời bạn bè đến đàn hát. Sau khi thu hút được sự chú ý, Quán Văn chính thức tổ chức Đêm văn nghệ thứ Sáu, hàng tuần mời một tác giả, một ban nhạc mới nổi, đến chơi và giới thiệu với các bạn trẻ. Đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất của Quán Văn.
Nhưng chỉ hoạt động được 4-5 tháng, đến khoảng cuối năm 1967 trong một đêm văn nghệ thì xảy ra một vụ lộn xộn, có tiếng súng nổ, mọi người bỏ chạy tán loạn. Sau sự cố ấy Quán Văn không tổ chức sinh hoạt văn nghệ nữa.
Đầu năm 1968, chính quyền thông báo dự án xây dựng Thư viện Quốc gia trên khu đất này. Đại học Văn khoa dời hẳn về trụ sở mới trên đường Đinh Tiên Hoàng (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM). Các hội đoàn dời đi nơi khác. Quán Văn đóng cửa.
Cuối thập niên 1960 đầu 1970, Sài Gòn xuất hiện một loạt quán cà phê văn nghệ có phong cách giống Quán Văn, như: Thằng Bờm của nhóm sinh viên Luật khoa nằm ngay ngã tư Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, Hầm Gió của Nam Lộc trên đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi); Hội quán Cây Tre của Khánh Ly trên đường Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên, diện mạo các quán cà phê văn nghệ lúc này khác nhiều so với Quán Văn.
Cà phê văn nghệ Sài Gòn hướng tới đối tượng là giới trẻ, sinh viên - học sinh. Các bạn trẻ đã được nghe Trịnh Công Sơn - Khánh Ly hát Phúc âm buồn, nghe Vũ Thành An - Thanh Lan hát Những bài không tên, nghe Từ Công Phụng - Từ Dung hát Mùa xuân trên đỉnh bình yên và đặc biệt nghe đôi song ca đến từ Đà Lạt - miền sương khói, Lê Uyên và Phương hát Uống nước bên bờ suối. Những bài tình ca của những nghệ sĩ còn rất trẻ, chưa quá ba mươi nhưng đã đạt đến độ chín của nghệ thuật.
Trước thời COVID-19, có những chiều, sau khi trả sách cho người quản thủ, tôi ghé quán cà phê ngay trong khuôn viên Thư viện Tổng hợp TP.HCM (Thư viện Quốc gia cũ). Ở khoảng không tĩnh lặng giữa lòng Sài Gòn, nhấp vài giọt đắng, tôi mơ màng tưởng tượng hình ảnh chàng nghệ sĩ trẻ mảnh khảnh đeo kính cận, ôm guitare rải nhẹ từng âm hòa điệu với giọng nữ hơi khàn, kêu rêu trong từng lời hát:
Tôi ru em ngủ một sớm mùa đông
Em ra ngoài ruộng đồng hỏi thăm
cành lúa mới…
(Tôi ru em ngủ - Trịnh Công Sơn)
Hơn nửa thế kỷ qua đi, giờ đây thật khó tìm được không gian văn nghệ như những Quán Văn, Thằng Bờm, Cây Tre, Hầm Gió... điểm hẹn của những nghệ sĩ trẻ, nơi khán giả được gặp tác giả trong không gian ấm cúng. Những quán cà phê ca nhạc Sài Gòn hôm nay thu hút khách bằng những tình khúc vượt thời gian và rất e dè giới thiệu những nhân tố âm nhạc mới. Các tác giả mới chọn cách đưa tác phẩm của mình lên YouTube, nhận được hàng ngàn, hàng triệu lượt view, like, từ không gian mạng. Nhưng giữa tác giả và người nghe dường như có khoảng cách, không cùng không gian.
Như hai thế giới song song vậy...
Hoàng Phương Anh
(Người Đô Thị)
Khánh Ly trình bày bản "Ru ta ngậm ngùi" của Trịnh Công Sơn tại Quán Văn (1967).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét